Ông Chủ tịch tỉnh Quảng Nam à, đêm về nằm gác tay lên trán thử nghĩ: suy tư của người trên Đại Lộc quê ông có khác gì với ba cha con anh Tuấn… Nước cửa biển Tam Thanh đâu ra nếu không chảy từ những dòng sông xanh mượt dưới rặng tre như Thu Bồn, Vu Gia… Nếu cha con người ta rặt phường bán nước hại dân thì cứ đem bắn tắp lự. Còn nếu suy nghĩ của cha con anh Tuấn cũng không khác gì với bà con quê mình thì ông nên nghĩ lại đi ông. Rút bớt lính mật vụ về cho gia đình người ta sống với. Tổ tiên ta ngày xưa vì không chịu nổi thói cường hào nơi quê cũ, sống chẳng yên thân cùng đám tham quan đê tiện mà theo lịnh vua Lê vượt đèo Hải Vân đi mở đất. Tiền bối dân xứ Quảng không nhược, hậu sinh cõi đất mở rộng về phương Nam sao hèn. Nửa đêm giật mình thức giấc nhớ lại chuyện xưa: trận thử lửa đầu tiên hai thời Pháp Mỹ đều nổ trên đất Quảng. Cú gây hấn cắt cáp của Tàu vừa rồi lại là ngoài khơi tỉnh Phú Yên; liệu lần sau Tàu không cắt cáp mà rầm rộ đổ quân vào bờ thì thử nghĩ là ở đâu hả ông… Lúc đó pháo to, tàu sắt có cự được không; hay chiến lũy kiên cố nhất chính là lòng dân. Kẻ ở trên cao tầm nhìn chẳng hẹp, mắc chi mà vội co chân đạp bỏ dân đen. Lòng dân là ý trời, diễn như vậy có người chẳng chịu, song làm sao có thể phủ nhận: lòng dân là một tồn tại khách quan so với ý đảng cộng sản. Bởi lòng dân với ý đảng cộng sản là một thì đẻ thêm làm chi cái ý đảng – cho nó rách việc phải không ông?
Lòng dân như đất bốn mùa, mưa thì đất ướt, nắng thì đất khô. Quy luật tự nhiên ngàn xưa vốn vậy, hà cớ chi bó rọ lòng dân Việt Nam phải phụ thuộc vào ý chí một đảng chính trị nào đó. Dân đẻ ra đảng chớ nào có chuyện ngược lại. Giết chết tiếng nói của các nhà báo công dân là tệ lắm ai ơi. Quyền được tự do ngôn luận vốn chẳng ai thèm nhập khẩu từ Tây hay Mỹ, quyền này đối với dân ta dám có lẽ ngàn năm; vì vậy trong bốn cái học hàng đầu của người Việt, học nói mới nằm tiếp ngay sau học ăn.Ăn mà không nói sao đặng thành con người. Trong các bài viết của cha con người ta không có những thông tin sai lệch, sự giả định và tiên đoán thiếu cơ sở. Ba cha con anh Tuấn đang thực thi những trách nhiệm rất cần thiết trong xã hội Việt Nam. Những mong muốn đời thường dân ta thì bình dị, cụ thể đâu mênh mông như khái niệm “XHCN”, chẳng ai thấy mô hình ấy đâu là đâu.
Trong lúc các cha con anh Huỳnh Ngọc Tuấn chưa bị truy tố thì hàng loạt báo chí quốc doanh như Sài gòn giải phóng, Pháp luật Việt Nam, Tiền phong… bằng như lời lẽ kích động đã cất dàn đồng ca kết tội cha con anh. Định hướng dư luận theo kiểu quy chụp này chỉ thể hiện đúng bản chất một chế độ toàn trị. Hôm nay đâu phải những gì viết thành bản văn khiến người đọc phải bận tâm suy nghĩ thì cái đó là phải thành “chống phá”. Một khi người không đau đáu ưu tư về cuộc sống thì chẳng thể nào viết được về cuộc sống; chẳng thể vì vài điều hiểu chưa tới nào đó mà đi xổ toẹt vào các bài viết của cha con anh Tuấn là phản động. Bộ một lần bỏ tù anh Huỳnh Ngọc Tuấn 10 năm (1992 – 2002) đến nỗi vợ chết không thấy mặt chồng, bỏ lại đàn con nheo nhóc sống cảnh mồ côi chưa đủ sao ai ơi?!
Các cơ quan hữu trách cần có một cái nhìn tích cực hơn trong vấn đề này. Cách làm của ba cha con anh Tuấn cần xem như những hành động phản ánh thực trạng xã hội cách nhiệt tình mà không phải người dân bình thường nào cũng làm được.Trong những bài viết của nhà anh Tuấn, độc giả có thể tìm thấy sự nhạy bén thông tin, vốn kiến thức sâu rộng và quan trọng hơn: những tấm lòng yêu nước thiết tha. Một nhà nước bóp chết tiếng nói của công dân là một nhà nước khủng bố. Nếu xem báo chí công dân (civic journalism) là một xu hướng phát triển nhân quyền của thế giới thì những gì chính quyền Việt Nam đang làm cùng gia đình anh Huỳnh Ngọc Tuấn là một hành vi đi ngược xu hướng phát triển thời đại.
Huỳnh Việt Lang
Ngày 10/11/2011