Trong suốt mười lăm năm, cho đến ngày hôm nay, quan hệ Việt-Mỹ về quốc phòng và mậu dịch càng ngày càng tăng, nhiều giới chức cao cấp thuộc chính quyền hai phía đã xác nhận.
Ít nhất hai lần trong hai đợt ghé thăm Á Châu, bà ngoại trưởng Mỹ tuyên bố là Mỹ có quyền lợi ở biển Đông. Điều đó khó mà tranh cãi bởi vì nó ngầm nói rõ một điều là không phải thuộc khu vực hải phận của quốc gia mình thì không ai có quyền tranh giành và cấm đoán giao thương, đồng thời nếu là thuộc khu vực “công cộng” thì cần quan tâm đến an ninh để trao đổi mậu dịch chung trong khu vực. Hầu hết nhiều quốc gia mong muốn giải quyết biển Đông bằng cách đàm phán trong hòa bình nhưng không có nghĩa là làm ngơ với những đòi hỏi trịch thượng và vi phạm công ước quốc tế.
Đúng ra Việt Nam là một đất nước còn nghèo, trước tiên cần phải phát triển kinh tế. Nhưng trong những năm gần đây lại bỏ tiền tỉ đặt mua tàu ngầm để bảo vệ vùng biển.
Mấy ngày qua, trong kỳ họp thượng đỉnh Á Châu, ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố với báo chí là sẽ xây dựng cảng Cam Ranh thành quân cảng tổng hợp. Tại sao lại là tổng hợp? Tổng và hợp cái gì và với ai? Và ông nói thêm: Trước tiên tu bổ cảng cho quân đội Việt Nam nói riêng và sẽ cho thuê (theo kinh tế thị trường tức là không phải cái kiểu xã hội chủ nghĩa), dù bất cứ quốc gia nào nếu có nhu cầu, cần.
Gió đã đổi chiều rồi sao?
Vịnh Cam Ranh [Nguồn: Google maps] |
Cách nay vài năm ông Dũng cũng tuyên bố là sẽ đầu tư khu vực miền Trung vào khoảng hai mươi tỉ Mỹ Kim.
Trong thập niên qua, khu vực miền Trung xây những khu du lịch cao cấp, chắc chắn không phải để phục vụ cho hạng du lịch bình dân trong nước.
Mỹ đồng ý hợp tác về vấn đề năng lượng hạt nhân với Việt Nam.
LB Nga sẽ xây dựng nhà máy hạt nhân và có thể trong tương lai sẽ đầu tư và cố vấn trong việc xây dựng cảng. Ông Dũng nói: Việt Nam bỏ tiền ra. Tiền đâu mà bỏ?
Thế thì vấn đề đặt ra: ai sẽ là người đầu tiên đã “đặt hàng” để thuê cảng Cam Ranh? Nếu không “đặt hàng”, chẳng lẽ một công trình lớn lao, tốn kém lại để nằm… phơi sương như nhiều công trình trên khắp đất nước!
Việt Nam hay LB Nga bỏ tiền ra đầu tư không phải là chuyện đáng bàn mà trong tương lai, người sẽ thuê mới là quan trọng.
Nga có quyền lợi gì trong khu vực? Chẳng lẽ bỏ tiền túi ra thuê cảng chỉ để… chống hải tặc? Trước mắt, người ta có thể thấy rằng Nga cần tiền và Mỹ cần khu vực chiến lược.
Trong những năm qua Việt Nam tránh né việc “nhạy cảm” (tại sao phải tránh né?) về vấn đề hợp tác Việt- Mỹ.
Có sự “đồng thuận” nào sau hậu trường giữa ba quốc gia: Việt Nam, Nga và Mỹ? Chắc chắn nhiều người sẽ có câu trả lời dễ hiểu.
Trả lời phỏng vấn của ông tướng Phùng Quang Thanh với báo chí úp úp mở mở, tránh né nghe rất là mâu thuẫn, không cần phải bình luật hay mổ xẻ, nhưng khi lướt qua những câu trả lời phỏng vấn của ông, người ta có đủ thông minh để hiểu mà!
Nguyễn Dư