Đối với chủ tịch Tập Cận Bình, thành tích chủ yếu trong cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Obama có thể là 21 loạt đại bác chào mừng ông ta trên bãi có trước Nhà Trắng vào ngày thứ sáu (25 tháng 9 – ND).
Tổng thống Obama (phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Tòa Bạch Ốc, Washington, D.C. ngày 25 tháng Chín 2015. Ảnh: Xinhua/Li Xueren
Buổi đón tiếp do tổng thống Mỹ tổ chức với đầy đủ các nghi thức là sự kiện đặc biệt đối với nhà cầm quyền Trung Quốc ngay trong thời điểm khi ông vẫn đang chiến đấu nhằm củng cố quyền lực ở Bắc Kinh và chứng tỏ rằng ông có khả năng khống chế bộ máy quan liêu đầy tham nhũng và nền kinh tế đang trì trệ.
Sau khi chấp nhận dành cho ông ta vinh dự hiếm có như vậy – Trung Quốc là nước phi dân chủ duy nhất mà lãnh đạo được chính quyền Mỹ tiếp đón như chuyến thăm cấp nhà nước – ông Obama còn nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều. Ông phải thuyết phục ông Tập xem xét lại các chính sách gây hấn mà ông đang tiến hành, từ những vụ gián điệp trên mạng nhằm vào cơ quan của và công ty của Mỹ, đến việc xây dựng các sân bay quân sự ở Biển Đông. Trong suốt hai năm qua, lời phản đối của phía Mỹ về những vấn đề đó đã bị lãnh đạo Trung Quốc phớt lờ. Nếu cuộc họp hội nghị thượng đỉnh lần này không làm thay đổi được tình hình, có thể dễ dàng dự đoán rằng quan hệ của hai nước sẽ xấu đi.
Trong cuộc gặp ở California cách đây hai năm, ông Obama đã tập trung vào vấn đề tình báo trên mạng. Nhưng các cuộc tấn công của Trung Quốc tiếp tục leo thang, trong đó có việc ăn cắp hàng triệu đơn khai báo về thu nhập cá nhân của các nhân viên liên bang và ăn cắp thông tin của những công ty công nghệ lớn. Tương tự như Vladimir Putin ở Ukraina, ông Tập có cách tiếp cận vô liêm sỉ là phủ nhận, nói rằng chế độ của ông không chịu trách nhiệm về những hoạt động đó, mặc dù có rất nhiều bằng chứng ngược lại. Để tránh làm gián đoạn hội nghị thượng đỉnh, tổng thống Obama đã hoãn áp dụng những biện pháp trả đũa nhắm vào những đối tượng có liên quan ở Trung Quốc. Nhưng ông cần làm rõ rằng những biện đó sẽ được áp dụng ngay sau khi Tập về nước, ngay cả khi chính phủ hai nước đồng ý về một số biện pháp về an ninh mạng.
Tình hình ở Biển Đông là nguyên nhận thậm chí còn đáng lo hơn. Với việc tiến hành xây dựng các đường băng trên những hòn đảo nhỏ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, Bắc Kinh đã chuẩn bị nền tảng cho việc sử dụng vũ lực nhằm khẳng định tuyên bố thiếu căn cứ của nước này đối với những vùng biển mà nhiều nước, trong đó có Nhật Bản và Philippines, coi là lãnh thổ mình. Vì những lời phản đối bằng miệng và những lời kêu gọi đàm phán của Mỹ đã không ngăn chặn được hành động của Trung Quốc; phải xem xét những biện pháp khác, trong đó có trừng phạt. Ông Obama phải phá vỡ niềm tin của ông Tập rằng những dự án của ông ta sẽ chẳng tạo ra hậu quả gì, ngoài mấy lời đa to búa lớn từ phía Mỹ.
Nhiều chính sách khác của ông Tập cũng làm người ta lo lắng, trong đó có chiến dịch đàn áp những người bất đồng chính kiến ở trong nước, những vụ đàn áp các luật sư và các nhà hoạt động Thiên chúa giáo mà ông ta đang tiến hành và đạo luật mới gây nhiều phiền hà cho các nhóm xã hội dân sự, trong đó có các trường đại học của Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc. Ông Obama hầu như chưa nói về những vi phạm nhân quyền trong quá khứ của Bắc Kinh; đây sẽ là cơ hội tốt để làm việc đó.
Các quan chức của Nhà Trắng đã hứa rằng ông Obama sẽ tiến hành “cuộc thảo luận sôi nổi” với ông Tập những khác biệt, ngay cả khi họ bảo vệ quyết định dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc buổi đón tiếp với đầy đủ lễ nghi. Họ đã đúng khi cho rằng tương tác giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc phải tiếp tục, thậm chí ngay cả khi phải dành cho ông Tập nghi lễ mà ông ta đòi hỏi. Nhưng những biện pháp nhằm chống lại chính sách của ông ta phải vượt ra khỏi ngôn từ đao to búa lớn.
Phạm Nguyên Trường dịch
Theo The Washington Post