Lời mở đầu
Sau những lần điều nghiên, chuẩn bị và giai đoạn cuối cùng là thao dượt đã diễn ra trong khu vực hải cảng Pei-Hai (khu quân sự Kuang Chou – Quảng Châu), từ khoảng giữa tháng 12 và có thể diễn ra sớm hơn trong khoảng tháng 9 năm 1973. Ngày 20 tháng 1 năm 1974, Trung Cộng đã xử dụng một lực lượng hùng hậu gồm 1 khu trục hạm loại Jiangnan trang bị đại bác 100 ly, 2 tuần duyên hạm loại Shanghai trang bị đại bác 37 ly, từ 4 đến 6 tàu đánh cá ngụy trang, chuyên chở khoảng 600 quân lính (khoảng 100 lính cho mỗi tàu đánh cá) thực hiện cuộc hành quân đổ bộ đầu tiên lên đảo Cam-Tuyền và tiếp theo lên đảo Hoàng-Sa. Mặc dù đã chống trả mãnh liệt nhưng vì yếu thế, toán Hải quân Việt Nam Cộng Hòa trên đảo Cam-Tuyền và toán Địa phương quân cùng với nhóm Công binh, nhóm nhân viên đài Khí Tượng và viên chức Mỹ tên Gerald E.Kosh trên đảo Hoàng-Sa đã bị Trung Cộng bắt làm tù binh. Như vậy là kể từ ngày 20 tháng 1 năm 1974, quần đảo Hoàng-Sa đã hoàn toàn bị Trung Cộng chiếm đóng.
Hình ảnh các đảo thuộc Quần đảo Hoàng Sa
I. ĐỊA LÝ
Quần đảo Hoàng-Sa còn có tên là Paracel, tên Trung-Hoa là Xisha hay Hsisha. Nguyên thủy chữ Paracel là đến từ chữ Pracel (tiếng Bồ-Đào-Nha – Portugal) có nghĩa là đá-ngầm. Trong bản đồ do Thornton vẽ vào năm 1703 có tên là I Pracell. Ngoài ra, có thuyết cho Paracel là tên một thương thuyền Hòa-Lan bị đắm chìm tại vùng này hồi thế kỷ thứ 16. Quần đảo Hoàng-Sa nằm về phía Đông bờ biển Trung phần Việt-Nam trong vùng biển Đông (South China Sea), cách quần đảo Trường Sa độ 500 hải lý, chiếm một diện tích khoảng 15.000 km2, vị trí nằm trong khoảng từ kinh độ 111 độ E (Đông) đến 113 độ E (từ đảo Tri-Tôn đến đảo Linh-Côn) và từ vĩ độ 15o45′ N (Bắc) đến 17o 00′ N (từ đảo Tri-Tôn đến bãi Đá-Bắc). Nếu lấy đảo Hoàng-Sa (Pattle Island) làm tiêu chuẩn thì khoảng cách từ đảo Hoàng-Sa đến:
– Đà-Nẵng là 200 hải lý (hl) (1)
– Cù-Lao-Ré là 163hl
– Bờ biển gần nhất đảo Hải-Nam (Trung-Hoa) là 150hl
– Bờ biển gần nhất Phi-Luật-Tân là 450hl
– Bờ biển gần nhất Đài-Loan là 620hl
Quần đảo Hoàng-Sa gồm khoảng 130 đảo san hô lớn nhỏ, những bãi đá ngầm, bãi cạn, cồn cát, mõm đá… Phần lớn các bãi đá ngầm có một số mõm đá chỉ quan sát được khi thủy triều xuống thấp chẳng hạn như bãi đá Bắc (North reef), hoặc có vài mõm đá lúc nào cũng nhô lên khỏi mặt nước, có mõm cao đến khoảng vài feet như bãi đá Lồi (Discovery reef), bãi đá Bombay (Bombay reef), bãi đá Chim Yến (Vuladdore Reef).
Trong số này,khoảng 30 đảo, đá ngầm, bãi cạn và cồn cát đã được đặt tên, đo đạc và ghi chú trên bản đồ.
Trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê-Quý-Đôn viết vào năm 1776 (Đi tới, số 4 và 5 năm 2001), trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí viết năm 1821 của Phan Huy Chú, trong Đại Nam Thực Lục Tiền Biên năm 1844 và trong Đại Nam Nhất Thống Chí viết từ năm 1865 đến 1882 (Lưu-Văn-Lợi) đều cho là quần đảo Hoàng-Sa gồm khoảng 130 hòn đảo, bãi cạn và đá ngầm; điều này rất phù hợp với dữ kiện của cơ quan CIA Mỹ trong The World Factbook (tháng 1, 2006): “Quần đảo Hoàng-Sa gồm có 130 đảo san hô nhỏ và đá ngầm được chia thành nhóm Amphitrite ở hướng Đông Bắc và nhóm Crescent ở hương Tây …” Điểm này đã chứng tỏ sự nhận xét thật tinh tế của các nhà viết sử Việt-Nam ngày trước.
Những hòn đảo trong quần đảo Hoàng-Sa nằm trên thềm lục địa tạo nên bởi lớp ‘humite’, đáy biển không sâu lắm, trung bình khoảng 200m (trong vùng Trường-Sa, độ sâu đáy biển thay đổi đột ngột đến cả ngàn mét, trong khu vực Palawan thuộc Phi-Luật-Tân chiều sâu đo hơn 5.000m).
Diện tích tổng cộng của các đảo không quá 10Km2 (3.86 sq/miles) lớn nhất là đảo Linh Côn. Không có đảo nào cao quá 15m (50 ft) tính theo mực nước trung bình, trên đảo trơ trọi cát và đá, chỉ có 3 đảo Hoàng-Sa, Phú-Lâm và Linh-Côn có nhiều cây cối nên dễ nhận diện; bao quanh đảo là đá và san hô nằm dưới đáy biển tạo nên sự khó khăn cho tàu thuyền khi vô gần đảo, khi neo, cũng như hải hành ngang qua vùng biển này; nước biển quanh đảo trong suốt có thể nhìn sâu đến 40m.
Tài liệu nghiên cứu về Hoàng Sa của Bộ Lục Quân Hoa Kỳ vào năm 1945 ghi nhận ” Trong thời tiết tốt và bầu không khí quang đảng các chiến hạm và thương thuyền với sự quan sát từ trên cao sẽ không gặp trở ngại khi hải hành giữa các bãi đá ngầm trong hai nhóm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Trong sương mù hay thời tiết xấu nên tránh xa khu vực này trừ khi tìm chổ để neo. Có nhiều xác tàu chìm nơi đây”.
Trong Phủ Biên Tạp Lục có ghi chép về Hoàng-Sa như sau: “Phủ Quảng-Ngãi, Huyện Bình-Sơn có xã An-Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn cách nhau bằng biển từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc đi vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng ước hơn 30 dậm, bằng phẳng, rộng lớn, nước trong suốt đáy…”
Căn cứ vào sự hợp quần cùng khoảng cách sai biệt giữa các đảo, các nhà địa lý đã phân chia quần đảo Hoàng-Sa thành 2 nhóm Tuyên-Đức và Nguyệt-Thiềm (sự sắp xếp các đảo, các bãi đá và cồn cát vào trong nhóm không đồng nhất giữa các nhà địa lý). Trong bài viết này tác giả đề nghị dùng kinh độ 112 làm tiêu chuẩn để phân biệt giữa 2 nhóm Tuyên Đức (nhóm Đông: ở phía Đông kinh độ 112) và nhóm Nguyệt Thiềm (nhóm Tây: ở phía Tây kinh độ 112).
Bản Đồ Quần đảo Hoàng Sa tổng quát
1 – Nhóm Tuyên-Đức hay An-Vĩnh (Nhóm Đông)
(Amphitrite Group – Xuande Qundao, Hsuante Chuntao).
Tên Amphitrite xuất phát từ tên chiến hạm Amphitrite của Pháp vào năm 1701 chở một nhóm người truyền giáo lần đầu tiên hải hành ngang qua đảo Hoàng-Sa trên đường đến Trung-Hoa. Nhóm này có hình dạng nửa vầng trăng mở rộng về hướng Tây. Vùng đá ngầm ở về hướng cực Bắc đang khô cạn dần.
Căn cứ trên hải đồ từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam gồm có các đảo, bãi đá ngầm, cồn cát như sau:
– Cồn Cát-Tây hay đảo Tây (112o12’00 E – 16o58’00 N) (West Sand – Xisha Zhou, Hsisha Chou) là cồn cát lớn nhất trong quần đảo Hoàng-Sa.
– Đảo Cây hay đảo Cù-Mộc (112o16’00 E – 16o59’00 N) (Tree Island – Shaoshu Dao, Zhaoshu Dao, Chaoshu Tao). Đảo có tên là đảo Cây vì ngay gần giữa đảo có cây dừa, diện tích khoảng 0,12 km2 (400m x 300m)
– Đảo Bắc (112o18’00 E – 16o58’00 N) (North Island – Bei Dao, Pei Tao), diện tích khoảng 0,13 km2 (914m x 137m).
– Đảo Trung hay đảo Giữa (112o19’00 E – 16o57’00 N) (Midle Island – Zhong Dao, Chung Tao), diện tích khoảng 0,05 km2 (366m x 137m).
– Đảo Nam (112o19’00 E – 16o57’00 N) (South Island – Nan Dao, Nan Tao), diện tích khoảng 0,18 km2 (640m x 183m).
– Cồn Cát-Nam hay đảo Gành-Nam (112o20′ E – 16o56’00 N) (South Sand – Nansha Zhou, Nansha Chou), diện tích khoảng 0,08 km2 (366m x 229m).
– Đảo Đá hay Hòn Đá, đảo Hòn-Đá (112o21’00 E – 16o51’00 N) ( Rocky Island – Shih Tao, Shidao) là đảo cao nhất trong vùng khoảng 15m (tài liệu CIA viết là 14m)), diện tích 0,13 km2 (457m x 274m). Đảo ở về hướng Đông Bắc và nằm trên cùng bãi đá ngầm với đảo Phú Lâm, cách đảo này khoảng ½ mile. Có cây cầu nhân tạo bằng đất nối liền với đảo Phú Lâm.
– Đảo Phú-Lâm (112o20’00 E – 16o50’00 N) (Woody Island – Yongxing Dao, Yunghsing Tao).
Đây là đảo chính yếu của Trung cộng trong quần đảo Hoàng-Sa trước và sau trận hải chiến ngày 19/01/1974. Đảo Phú Lâm nằm về hướng Đông Nam đảo Hải Nam, cách khoảng 162 miles (300km) Từ năm 1974, Trung cộng đã phát triển đảo này trên các phương diện du lịch, kinh tế và nhất là về quân sự.
Đảo Phú-Lâm có hình dáng như con sò, được cấu tạo bởi san hô và cát nằm trên bãi đá ngầm thật rộng là đảo lớn thứ nhì trong quần đảo HS (phần lớn các tài liệu đều cho Phú Lâm là đảo lớn nhất trong quần đảo HS). Diện tích đảo 2,006 km2 (1829m x 1097m), Không tìm thấy tài liệu viết về chiều cao cuả đảo Phú Lâm, nhưng dựa trên World Aero Data thì chiều cao phi trường trên đảo Phú Lâm là 14m (45ft). Đảo có nhiều bụi rậm và cây cối nhất là cây dừa. Trên đảo còn di tích ngôi chùa Phật rất xa xưa và một căn trại bỏ hoang, có ngọn hải đăng ở hướng Bắc tầm xa 13 miles, có đài quan sát khí tượng mang ám số quốc tế 48-859 đã được người Pháp dựng lên khoảng trong 1943-1950.
Những báo cáo cho là TC đã có mặt trên đảo Phú Lâm trong năm 1950 và 1951 chưa bao giờ được xác nhận, nhưng kể từ tháng 8-1955 sự hiện diện của họ đã được quan sát trong vô số lần và cũng từ đó họ đã cho xây lên một số toà nhà cố định và một số cơ sở giải trí cũng như bắt đầu đưa phụ nữ và trẻ con lên đảo.
Tháng 12-1955 hoăc tháng 1-1956 (dựa trên tài liệu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ) TC chánh thức chiếm cứ đảo Phú Lâm.
Ngày 23-5-1956, phi cơ không thám Hoa Kỳ cho biết là có khoảng 250 người trên đảo.
– Iltis Bank (112o15’00 E – 16o45’00 N), bãi cạn này cách đảo Phú-Lâm khoảng 7 miles về hướng Tây Nam, bãi dài khoảng 3 miles, rộng khoảng 1,5miles.
– Đảo Linh-Côn (112o44’00 E – 16o40’00 N) (Lincoln Island – Dong Dao, Howu Tao) là đảo lớn nhứt trong quần đảo HS, nằm tận cùng về hướng Đông, được bao phủ bởi bụi rậm, diện tích 2,11 km2 (2560m x 823m), chiều cao 4,5 m (15 feet), trên đảo có giếng nước ngọt, nhà và tháp canh; vùng bãi cạn tiếp nối về hướng Nam có chiều dài khoảng 8 miles, có vài xác tàu chìm trong khu vực này.
– Đá Tháp hay hòn Kim-Tự-Tháp (112o38’00 E – 16o34’00 N) (Pyramid Rock – Kaochien Shih) nằm về Tây Nam đảo Linh-Côn cách khoảng 7,5 miles, có hình tháp nhọn cao 5m (17ft) và thật nhỏ từ xa nhìn như xác tàu chìm.
– Bãi Gò-Nổi hay bãi Gò-Nô (112o54’00 E – 16o49’00 N) (Dido Bank, Xidu Tan). Bãi cạn này nằm về hướng Đông Bắc đảo Linh-Côn cách khoảng 13 miles.
– Bãi Thủy-Tề (vị trí trung bình 112o31’00 E – 16o30’00 N) (Neptuna Bank – Beibianlang Tan) nằm ở hướng Tây Nam Đá-Tháp, dài khoảng 10miles, ngang 1mile.
– Bãi Quảng-Nghĩa (vị trí trung bình 112o41’00 E – 16o22’00 N) (Jehangire Bank – Zhanhan Tan) dài khoảng 6miles, ngang khoảng 4miles nằm theo chiều dọc. Trong hải đồ năm 1984 ghi chú là bải đá ngầm (Jehangire reefs).
– Bãi Châu-Nhai (vị trí trung bình 112o27’00 E – 16o20’00 N) (Bremen Bank – Bimmei Tan), bãi cạn này rộng nhất, dài khoảng 15miles, ngang 4miles nằm theo chiều ngang.
– Bãi đá Bông-Bay (112o32’00 E – 16o02’00 N) (Bombay Reef – Langhua Jiao, Pengpo Chiao) nằm ngang về hướng Đông đảo Bạch-Qui cách khoảng 45miles, bãi cát hình bầu dục, dài khoảng 10miles, rộng khoảng 3miles.
Trên hải đồ năm 1984 đã được cập nhật hóa cho thấy có một lối cho tàu thuyền vào bên trong ở về hướng Tây Nam, ngay trước lối vào có ngọn hải đăng tầm xa 15 miles được xây trên một hòn đảo nhỏ tên là đảo Bombay rộng khoảng 190 mẫu bao phủ bởi bụi rậm và những cây trơ trọi, có vài tòa nhà và một ngôi chùa xưa đã bị sụp đổ. Tàu thuyền được lưu ý cần phải thận trọng khi hải hành trong khu vực này.
Căn cứ vào tài liệu do Hải quân Hoa Kỳ phổ biến vào tháng 1-1974 thì nhóm Tuyên Đức còn có thêm :
– Cồn cát Bắc (112o20’00 E – 16o58’00 N) (North Sand – Peisha Chou).
– Cồn cát Trung (112o20’00 E – 16o57’00 N) (Middle Sand – Chungsha Chou)
2 – Nhóm Nguyệt-Thiềm còn được gọi là Nhóm Tây, Lưỡi-Liềm, Trăng-Khuyết, Thượng-Huyền (Crescent Group – Yongjo Qundao, Yunglo Chuntao)
Một số đảo trong nhóm Nguyệt Thiềm:
Nhóm này xưa kia là miệng ngọn núi lửa, trên mặt đảo thường là đá tảng, một số bãi cát vàng và những bụi cây nhỏ (Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị). Hình dạng nhóm này giống như lưỡi liềm, ngoài ra khi nhìn trong bản đồ, nhóm này còn giống như lòng chảo với các đảo san hô, các bãi đá ngầm, bãi cát bao quanh bên ngoài.
Trong nhóm lòng chảo này ba đảo Hoàng Sa, Duy Mộng và Quang Hòa có diện tích tương đương và hầu hết đều có giếng nước ngọt ngoại trừ đảo Vĩnh Lạc.
Có 2 lối cho tàu thuyền lớn ra vào trong lòng chảo này, đó là lối giữa đảo Cam-Tuyền và đảo Hoàng-Sa rộng khoảng 0,5mile. Lối thứ nhì rộng hơn, khoảng 5miles giữa bãi đá ngầm Hải-Sâm (Antelope) và đảo Quang-Hòa nhưng ở giữa có bãi cạn ngầm.
Theo Hạm trưởng Lê-Văn-Thự là người đã có kinh nghiệm hải hành trong khu vực này thì: “…các đảo này có đặc tính chung là gần bờ có đá ngầm, san hô, hết đá ngầm , san hô thì biển rất sâu, đáy biển cũng có đá nên neo tàu không an toàn”. Ngoài ra trong hải đồ cũng khuyến cáo là tàu thuyền nên cẩn thận khi hải hành trong đêm giữa các hòn đảo nhỏ trong nhóm Nguyệt-Thiềm.
Những hòn đảo, đá ngầm và bãi cạn trong khu lòng chảo theo thứ tự từ Tây sang Đông và theo chiều kim đồng hồ gồm có:
– Đảo Vĩnh-Lạc (111o30’00 E – 16o27’00 N) (Money Island – Jinyin Dao, Chinvin Tao) còn có tên là Quang-Ảnh để ghi nhớ Cai Đội Phạm Quang Ảnh đã được vua Gia-Long phái ra Hoàng-Sa đo đạc thủy trình vào năm 1815, hiện vẫn còn hậu duệ và nhà thờ họ ở cù lao Ré. Ông và toán lính xuống thuyền ra khơi không bao giờ trở lại.
Đảo do san hô tạo nên, có cây và có nhiều chim nhất trong nhóm; đảo cao khoảng 6m, diện tích 0,23 km2 (732m x 320m), quanh đảo là những bãi cát ngầm cùng những bãi san hô kiên cố, địa thế không thuận tiện cho tàu bè, ngoài ra còn có một ngôi chùa dựng lên từ thế kỷ thứ 17.
– Bãi đá Hải-Sâm (111o34’00 E – 16o28’00 N) (Antelope Reef – Linyang Chiao) nằm về hướng Đông đảo Vĩnh-Lạc, hướng Nam đảo Cam-Tuyền; bãi đá đang cạn dần, có một cồn cát cao khoảng 2m nằm ở hướng Đông Nam được bao phủ bởi những lùm bụi thấp.
– Đảo Cam-Tuyền (111o34’00 E – 16o31’00 N) (Robert Island – Camquan Dao, Lopaito Tao) còn có tên là Hữu-Nhật để ghi nhớ Suất Đội ( có tài liệu viết là Cai Đội) Thủy quân Phạm-Hữu-Nhật đã được vua Minh-Mạng phái ra Hoàng-Sa đo đạc, xem xét và vẽ bản đồ vào năm 1836. Chuyến đi của ông có mang theo mười tấm bài gỗ (mỗi tấm dài 4,5m, rộng 0,5m, dày 0,1m) để cắm cột mốc. Nhiệm vụ của Ông là:” cặp vào đảo nào, họ cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền ở đảo đó và đo đạc thủy trình, trồng thêm cây cối, thu lượm hải vật…” Ông cũng là người ở Cù Lao Ré và đã bỏ mình ngoài biển khơi trong chuyến công tác sau cùng.
Đảo có hình dáng giống như dĩa xôi hiện ra trên mặt biển, viền quanh đảo là một bãi cát vàng, ở giữa cao trội hẵn lên, chiều cao khoảng 8m, diện tích 0,22 km2 (805m x 274m) (theo Gerald E.Kosh, đảo có kích thước 700m x 500m), có những lùm bụi hoang mọc vừa phải, vòng quanh đảo là bãi cát rộng từ 20m đến 50m, bãi đá ngầm từ hướng Tây Bắc có độ sâu khoảng 4m kéo dài đến hướng Đông có độ sâu khoảng 2m. Trên đảo có một miếu nhỏ, một tấm bia ngang 3m, cao 0,4m có ghi hàng chữ Đệ I Tiểu Đoàn Đổ Bộ Thủy Quân Lục Chiến (TQLC); một tấm bia khác ghi TĐ3/TQLC ngày 05 tháng 12 năm 1963, 2 bể nước bằng xi-măng (TTHS). Theo tài liệu Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị thì trên đảo có nhiều bụi rậm nhỏ và đá tảng, có một cầu sắt và một con đường đất xe đi được, giữa có một vũng lầy. Theo tài liệu của Tòa Đại Sứ Việt-Nam tại Mỹ (Embassy) thì cây cầu sắt này dài khoàng 300m (327 yards) do người Nhật xây để việc chuyển vận phosphate được dễ dàng.
Trước tháng 6-1956, ở cuối hướng Đông Nam đảo có 5 túp lều.
Theo tài liệu của Hải Quân Hoa Kỳ thì trong ngày 9 tháng 6 năm 1956, phi cơ không thám Hoa Kỳ xác nhận sự có mặt của khoảng 75 dân TC trên đảo Cam Tuyền có vẽ như đang khai thác phân chim. Ngày 10-6, họ được báo cáo từ phía Việt Nam là lính TC đã đổ bộ lên đảo. Ngay sau đó khu trục hạm Hoa Kỳ đã được gởi đến tận nơi và đã đưa một toán lính đổ bộ lên đảo mở cuộc tuần tiểu để điều tra nhưng kết quả cho thấy là toán người TC đã rời bỏ đảo.
– Đảo Hoàng-Sa (111o36’00 E – 16o32’00 N) (Pattle Island – Shanhu Tao hay Shanhu Dao), tên đảo Hoàng-Sa được đặt từ đời nhà Nguyễn vì những bãi cát vàng quanh đảo.
Đảo Hoàng-Sa nằm về hướng Đông Bắc đảo Cam-Tuyền và cách khoảng 3,5Km (khoảng 2 hải lý). Đảo này quan trong nhất trong nhóm Nguyệt-Thiềm vì các cơ sở dân sự và quân sự của chính quyền Việt-Nam Cộng-Hòa đã được thiết lập tại đây.
Đảo do san hô tạo nên, hình dáng giống như hạt đậu, cao khoảng 9m. Diện tích 0,3 km2 (805m x 274m), trùng hợp với bài viết của Nguyễn Nhã (2). Theo sự quan sát của viên chức người Mỹ Gerald E.Kosh thì: “… đảo có kích thước 800m x 400m ; trên đảo có 7 cơ sở cố định, một trong số này là đài khí tượng, trên mặt đảo có rất nhiều lối đi mòn, có những lùm bụi hoang chỗ thưa chỗ rậm, bãi cát rộng từ 20 đến 30m, bao quanh đảo là bãi đá ngầm chiều sâu từ 2m đến 4m (1 đến 2fathom) và chiều rộng cách bờ từ 300m đến 900m… “, do đó các tàu thuyền lớn phải neo cách bờ hơi xa rồi dùng thuyền nhỏ để chuyển người và vật dụng lên đảo.
Năm 1938, người Pháp dựng lên bia chủ quyền và bắt đầu xây cất các cơ sở dân sự như đài khí tượng, trạm chuyển nhận tín hiệu, hải đăng cùng với cơ sở quân sự cho khoảng một tiểu đoàn trú đóng.
Theo Trần-Thế-Đức (TTĐ) thì vào cuối năm 1973, bia chủ quyền chỉ còn là một đống gạch và xi-măng vụn nát cùng với một khối vuông vuông cũng đang ‘tàn phai nhan sắc’; còn ngọn hải đăng nằm về hướng Bắc thì chỉ còn là đóng sắt vụn (theo tài liệu Tòa Đại sứ VN ở Mỹ thì người Pháp đã dự trù xây ngọn hải đăng từ năm 1899 nhưng vì thủ tục hành chánh nên bị trì hoãn).
Ngoài các cơ sở trên, người Pháp còn đào một cái giếng để lấy nước uống nhưng theo tài liệu của Trần-Kim Diệp (TKD) (3) thì sau này nước giếng có vị lờ lợ nên không dùng nấu nướng được, nước ngọt để dùng thì phải hứng từ nước mưa và được chứa trong một hồ bằng xi-măng.
Trong bản tin từ China News ngày 7 tháng 4 năm 2005 và từ People Liberation Army Daily ngày 6 tháng 4 năm 2005 đã loan tin là các khoa học gia quân đội Trung cộng đã tìm được nước ngọt trên đảo Hoàng-Sa có số lượng dụ trữ lên đến hàng triệu thước khối.
Với sự khám phá này, nhu cầu nước ngọt trên đảo đã được giải quyết và các chiến hạm hoặc tàu thuyền hoạt động trong vùng cũng có thể ghé ngang đấy để được tiếp tế nước ngọt (China News – Chinamil.com). Cũng theo TKD thì hai dãy nhà do pháp xây đã sụp hết một dãy, dãy còn lại dùng làm nơi làm việc và chỗ ở cho 4 nhân viên đài Khí tượng Đà-Nẵng và toán lính trấn đảo.
Trước mặt trại lính là sân bóng chuyền và cột cờ, ngay tại cột cờ có bia xi-măng do TĐ1/TQLC dựng lên (TKD). Ngay góc đảo về hướng Tây Nam thì miếu Bà được xây sau khi Nhật thất trận nhưng trước năm 1948.
Năm 1832, Vua Minh-Mạng phái chiến thuyền và người ra đảo để cất lên ngôi chùa trên một mỏm đá có tên là Ban-Na, gần ngôi chùa , nhà Vua còn cho dựng lên một bia đá để ghi nhớ ngày dựng chùa (theo Embassy). Trên đảo còn dấu tích của một ruộng muối nhỏ ở phía Tây đảo (TTĐ); ngoài ra đường rầy dài khoảng 180m dùng để kéo những toa chứa phân phosphate đến bìa đảo vẫn còn, riêng cây cầu để tàu nhỏ cập vào thì không còn xử dụng được nữa.
Cây cối trên đảo xanh tươi, có cây dừa, cây dương xen lẩn với cỏ dại (TTĐ và Embassy).
Đài khí tượng có số 48-860 (48 là số ám hiệu vùng Đông Nam Á, 860 là ám số đảo Hoàng-Sa); một điểm đáng lưu ý là trong bản tường trình của Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới trực thuộc Liên-Hiêp-Quốc (WMO – World Meteorological Organisation) vào năm 2000 vẫn còn ghi chú Đài Khí Tượng 48-860 – Hoàng-Sa – Pattle thuộc nước Việt-Nam nhưng đã ngưng chuyển tin tức.
Cũng cần ghi nhận thêm là ngày 3-10-1973 một chiến hạm của HQ/VNCH đã rời Đà Nẵng chở theo một toán chuyên viên của Tiểu Đoàn 8 Công Binh Kiến Tạo ra HS với nhiệm vụ thám sát địa điểm thích hợp để xây cầu tàu trên đảo Hoàng Sa và tái dựng lại bia chủ quyền trên đảo Cam Tuyền. Chiến hạm trờ lại Đà Nẵng ngày 5-10 sau khi hoàn tất công tác.
Tiếp theo đó, ngày 14-1-1974 một phái đoàn Công binh thuộc Vùng I Chiến Thuật do Thiếu tá Phạm-Văn-Hồng hướng dẫn đã được chỉ định tháp tùng Tuần dương hạm Lý-Thường-Kiệt HQ 16 ra đảo Hoàng-Sa để nghiên cứu việc thiết lập một phi trường trên đảo (năm1967, một toán chuyên viên Công Binh đã thất bại trong việc nghiên cứu thiết lập một phi trường tại đây).
– Bãi Xa-Cừ (111o42’00 E – 16o35’00 N) (Observation Bank – Senping Tan) còn được gọi là Cồn Quan Sát. Từ đảo Hoàng-Sa theo hướng Đông Bắc đến bãi Xa-Cừ là một chuỗi bãi đá ngầm, bãi cạn và dài khoảng 6 miles.
Bãi Xa-Cừ là bãi cát ngầm, quanh bìa là san hô, dài khoảng 2,5miles, ngang khoảng 1mile. Tiếp theo bãi Xa-Cừ là một dãy đá ngầm có dạng (>) kéo dài theo hướng Đông Nam khoảng 4miles và đổi ngược lại theo hướng Tây Nam cũng vào khoảng 4miles.
– Đảo Duy-Mộng (111o44’00 E – 16o28’00 N) (Drummond Island – Jinquing Dao, Chinching Tao) nằm ở tận cùng bãi đá ngầm tiếp giáp với bãi Xa-Cừ, là đảo đặc biệt nhất trong nhóm vì có một con lạch nhỏ nên thuyền lớn có thể nương theo vào tới sát bờ tuy rằng vòng đai san hô bao quanh đảo rộng lớn hơn mấy đảo kế bên.
Đảo cao khoảng 4m, diện tích khoảng 0,3 Km2 (823m x 366m), không có loại cây lớn, chỉ toàn cây nhỏ, có nhiều chim biển và con vít sống trên đảo.
– Đảo Quang-Hòa (111o42’00 E – 16o27’00 N) (Duncan Island – Taochien Chuntao) là đảo quan trọng thứ nhì trong nhóm Nguyệt-Thiềm sau đảo Hoàng-Sa, gồm một đảo lớn tên Quang-Hòa-Đông và một đảo nhỏ tên Quang-Hòa-Tây chỉ bằng 1/10 đảo Quang-Hòa-Đông, nối kiền hai đảo là một dãy cát dài.
Phần đảo nhô cao khỏi mặt nước độ 4m, diện tích khoảng 0,3 Km2 (823m x 366m), có nhiều đá tảng và bãi cát.
Ngoài khu vực lòng chảo còn có các đảo, bãi đá, bãi cạn sau đây:
– Bãi đá Bắc (111o30’00 E – 17o06’00 N (North Reef – Bei Jiao, Pei Chiao) nằm chơ vơ ở hướng cực Bắc của quần đảo Hoàng-Sa, bãi này rất nguy hiểm cho tàu thuyền, có 3 chiến hạm của Pháp và vài chiếc tàu khác đã chìm ở đây, bãi đá này dài khoảng 7miles, có một đảo cát nhỏ rất thấp, trên đảo có ngọn hải đăng tầm xa 15miles.
– Bãi Đá-Lồi (vị trí trung bình 111o41’00 E – 16o14’00 N) (Discovery Reef – Kuanghua Chiao) nằm về hướng Nam lòng chảo cách đảo Quang-Hòa 11miles; bãi đá ngầm này lớn nhất trong quần đảo Hoàng-Sa, có chiều dài khoảng 15miles và chiều ngang khoảng 8miles, có vài mõm đá cao khỏi mặt nước độ vài feet, có 2 lối vào vũng nước bên trong, một lối ở giữa hướng Bắc và một lối ở giữa hướng Nam.
– Đảo Bạch-Qui hay Đá Bạch-Qui (111o47’00 E – 16o03’00 N) (Passu Keah Island – Panchi Yu, Panshih Hsu) cách bãi Đá-Lồi 10miles về hướng Nam, diện tích 0,2 km2 (1200m x 200m) bãi đá bao quanh đảo dài khoảng 5miles, ngang 2miles.
– Bãi đá Chim-Yến (vị trí trung bình 112o01’00 E – 16o20’00 N) (Vuladdore Reef – Yuzhuoi, Yucho Chiao) nằm ở hướng Đông Nam lòng chảo (cách khoảng 14miles) và hướng Đông Bắc bãi Đá-Lồi (cách khoảng 10miles), chiều dài khoảng 8miles, ngang khoảng 2miles, có một ít mõm đá cao hơn mặt nước.
– Đảo Tri-Tôn (111o12’00 E – 15o47’00 N) (Triton Island – Zhongjian Dao, Chungchien Tao) là đảo nằm gần bờ biển Việt-Nam nhất, cách Cù Lao Ré khoảng 130 miles và là đảo lớn nhứt trong nhóm Nguyệt Thiềm, diện tích 1,7 km2 (1700m x 1200m) cao khoảng 3m nên rất khó nhận dạng, có báo cáo từ các nhà hàng hải cho biết là tàu thuyền không phát giác được đối tượng của đảo trên màn ảnh radar khi đến gần khoảng 1mile.
Tháng 10-1973 chiến hạm Hoa Kỳ mang tên Pendleton đã lên cạn và bỏ xác trong khu vực này.
– Bãi Ốc-Tai-Voi (112o15’00 E – 15o44’00 N) (Herald Bank nằm cùng vĩ độ với đảo Tri-Tôn.
II.- KHÍ HẬU
Quần đảo Hoàng-Sa nằm trong vùng nhiệt đới, vì thế thời tiết rất là khắc nghiệt, thay đổi bất thường, gió mạnh thổi quanh năm, mưa bảo xảy ra thường xuyên (mỗi năm trung bình có tới khoảng 10 cơn bão trong vùng biển Đông) và độ ẩm rất cao. Quần đảo Hoàng-Sa chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam thổi từ tháng 5 đến tháng 8 và gió mùa Đông Bắc thổi từ tháng 11 đến tháng 3.
Dòng nước lạnh từ vùng biển phía Bắc không dẫn nhập xuống đến khu vực này nên nhiệt độ nước biển tương đối cao và thay đổi rất ít, do đó ít bị ảnh hưởng của sương mù (mỗi năm chỉ có hai ngày có sương mù).
Từ ngày Trung cộng cưỡng chiếm quần đảo Hoàng-Sa, đài khí tượng của Việt-Nam Cộng Hòa ngưng hoạt động, tuy nhiên qua những dữ kiện đã được chuyển đi từ trước thì nhiệt độ trung bình trên đảo Hoàng-Sa là 26oC và số lượng mưa trung bình trong năm là 124,3cm.
Trên đảo Phú-Lâm, đài khí tượng của Trung cộng vẫn còn hoạt động và qua những dữ kiện tiếp nhận liên tục trong vòng 18 năm đã cho thấy là nhiệt độ trung bình trên đảo Phú-Lâm là 27oC, nhiệt độ cao nhất là 33oC, thấp nhất là 13oC.
– Mỗi năm trung bình có 167 ngày mưa (mùa mưa bắt đầu từ tháng 6 hoặc
tháng 7 và chấm dứt vào tháng 2).
– Mỗi năm trung bình có 23 ngày có bão.
– Mỗi năm trung bình có 6 ngày gió thổi cuốn theo bụi và cát.
– Mỗi năm trung bình có 6 ngày tầm nhìn bị hạn chế.
– Tốc độ gió thổi trung bình là 19Km/giờ.
– Có độ ẩm xảy ra thường xuyên trong buổi sáng và buổi chiều.
III.- SINH, THỰC VẬT
1 – Sinh Vật
– Trên đảo: Vì khí hậu quá khắc nghiệt nên không có sinh vật sống trên đảo ngoại trừ loài chim mòng biển và loại vịt biển. Về mùa đông, loài chim này kéo về đây để nghỉ ngơi, sinh sản và trú ẩn. Những loại rùa, vít, đồi mồi cũng lên đảo để sinh sản từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. và loại chim yến cũng thường làm tổ trên một số đảo, do đó dân chúng từ các vùng đất liền vẫn thường hay tới các đảo lấy trứng chim biển, tổ yến, bắt đồi mồi, rùa và vít.
– Dưới biển: Vùng biển Hoàng-Sa có đủ loại hải sản như sò, ốc, cua, mực, tôm, đủ loại cá như cá mú, cá bò, cá hồng, cá thu… Có hai loại cá kỳ dị như ‘cá Khăn Bàn’ lớn bằng khăn trải bàn và có tôm hùm thật to, còn ốc thì có loại ốc Tai Tượng phơi khô nướng ăn khá ngon miệng. Ngoài ra còn có loại rong biển có thể chế biến thành thực phẩm, các loại rùa,đồi mồi, vít có một số được xếp vào loại hiếm muộn.
2 – Thực Vật
Trên các đảo nhỏ trong vùng hầu như không có đất hoặc có rất ít và với mùa khô kéo dài, gió mạnh thổi quanh năm nên cây cỏ không sống nổi. Trên các đảo lớn như đảo Hoàng-Sa có sự hiện diện của loại thực vật sống ở miền nhiệt đới. Cây cỏ trên Hoàng-Sa cũng tương tự như trên đảo Hải-Nam của Trung cộng gồm có các loại cây sống quanh năm, các loại bụi rậm và cỏ mọc ven biển; có khoảng 340 loại cây cỏ khác nhau được xếp vào 89 họ và 244 giống. Trong số này có 22 loại nấm, 1 loại rêu, 5 loại cây dương xỉ và 312 loại cây nổ hoa.
Có rất ít tài liệu viết về các loại cây cỏ trong vùng biển Đông nên rất khó xác định được loại giống nào được loài người mang đến trồng trên đảo. Từ khi người Việt-Nam và người Trung-Hoa bắt đầu trú ngụ, họ đã mang theo từ đất liền khoảng 47 loại, trong số này có dừa, bắp, đậu phộng, khoai lang và đủ loại rau cải. Theo tài liệu của Bộ Ngoại Giao Việt-Nam Cộng Hòa thì trên đảo Hoàng-Sa và Phú-Lâm có trồng cây dừa; theo tài liệu của Trung cộng vào năm 2000 thì trên đảo Phú-Lâm đã trồng được 90.000 cây dừa, một số cây tùng và cây loquat (thanh trà Nhật-Bản).
Theo Trần-Thế-Đức thì trên đảo Hoàng-Sa còn có những cây cao bằng đầu người, lá lớn bằng bàn tay màu xanh lá chuối non, thân cây cứng và có vài cây dương liểu, cây dừa, nhiều cây thông. Theo Trần-Kim-Diệp thì trên đảo Hoàng-Sa có một số lùm bụi thấp và rau sam. Theo Nguyễn Nhã trên đảo Quang Hòa Đông có rừng cây nhàu và cây phosphorite nhiều cây cao đến 5m.
IV. SƠ LƯỢC VỀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA QUẦN ĐẢO HOÀNG SA
Với những hòn đảo san hô trơ trọi không người sinh sống, đất đai thì không thích hợp cho việc trồng trọt, nước nôi thiếu thốn, điều kiện thời tiết thật là khắc nghiệt. Cho đến Thế chiến thứ II những hòn đảo trong vùng biển Đông chỉ có giá trị căn cứ vào số lượng phân chim.
Nhận định này đã trở nên lỗi thời kể từ khi Nhật Bản nhận thức được tầm quan trọng về mặt chiến lược và quân sự nên đã chiếm đóng một số đảo trong vùng biển Đông, tuy nhiên vì thua trận trong Đệ II Thế Chiến nên họ đã rút quân ra khỏi những đảo này.
Trong cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70, với sự khám phá các túi chứa dầu hỏa trong khu vực thềm lục địa tiếp cận với các quốc gia bao quanh biển Đông, với tiềm năng về hải sản và phốt phát đã có từ trước, cộng thêm vào sự giao thông tấp nập của các thương thuyền và tàu chở dầu do sự phát triển kinh tế vược bực của Trung Cộng, Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan… đã làm nâng cao giá trị và tầm mức quan trọng của Hoàng Sa về các khía cạnh chánh trị, chiến lược, kinh tế và bảo vệ môi trường.
1.- Về chánh trị:
Những sự tranh chấp chủ quyền trên các quần đảo trong vùng biển Đông vẫn còn tiếp tục cho đến ngày hôm nay. Để xác nhận chủ quyền và để phô trương lực lượng, các quốc gia tuyên bố xác nhận chủ quyền đã phải tiếp tục duy trì sự hiện diện thường xuyên của lực lượng Hải, Lục và Không quân trong vùng. Điều này có thể dẫn đến các cuộc xung đột vũ trang và từ đấy có thể đưa đến sự xáo trộn và khủng hoảng nội bộ trong các nước bao quanh vùng biển Đông do sự phong tỏa các đường hải vận.
Khủng hoảng về kinh tế và quân sự có thể mang lại sự thay đổi cấp lãnh đạo và từ đó có thể làm đảo ngược thế liên minh trong vùng.
2.-Về chiến lược:
Tầm quan trọng về chiến lược bao gồm hai lãnh vực quân sự và giao thông hàng hải.
a.-Về quân sự:
sự duy trì và xây dựng các cơ sở quân sự trên các hải đảo trong vùng là điều kiện thiết yếu để cũng cố chủ quyền và phát triển các nguồn lợi quanh vùng. Từ thập niên 1930 người Pháp đã cho xây dựng một số cơ sở quân sự, duy trì liên tục lực lượng trú phòng và biệt phái chiến hạm thường xuyên tuần tiểu trong vùng.
Thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, người Nhật cũng đã có cái nhìn tương tự khi họ mang quân chiếm đóng Hoàng Sa. Sau khi thất trận họ đã rút lui trong năm 1946.
Tháng 12-1946 quân đội Trung Hoa Quốc Gia của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch đã phái chiến hạm chở quân đổ bộ lên chiếm đóng một số đảo trong nhóm Tuyên Đức.
Năm 1956 (một số tài liệu viết là 1954), quân đội VNCH đã thay thế quân trú phòng Pháp khi họ rút khỏi đảo Hoàng Sa và hiện diện liên tục cho đến ngày 20-1-1974. Các chiến hạm thuộc HQ/VNCH đã có những chuyến công tác định kỳ để thay thế toán lính và nhân viên đài khí tượng trên đảo này…
Trong khi đó vào đầu năm 1956, TC đã đổ bộ quân lên đảo Phú Lâm và bắt đầu thiết lập trạm quan sát, truyền tin, xây cất cầu tàu và cơ sở quân sự.
Từ năm 1974, sau khi cưỡng chiếm Hoàng Sa, Trung Cộng đã bành trướng và xây cất thêm các cơ cở quân sự cho Hải , Lục và Không Quân xử dụng.
– Hải Quân: hiện Trung Cộng đang có tất cả 5 căn cứ Hải Quân trên các đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, Vĩnh Lạc, Quang Hòa và Tri Tôn. Trên đảo Phú Lâm, TC đã phá san hô để mở rộng hải cảng với cầu tàu cho các chiến hạm có trọng tải khoảng 4000 tấn xử dụng ( năm 1979 cảng này chỉ có khả năng tiếp nhận chiến hạm dưới 500 tấn).
– Lục Quân: trên hầu hết các đảo trong nhóm Nguyệt Thiềm, TC đã xây lên các doanh trại đáp ứng cho nhu cầu cả một Trung Đoàn Bộ binh, đào các đường hầm để dự trữ nhiên liệu, thiết lập các công sở phòng thủ và các đài truyền tin. Trên đảo Tri Tôn là đảo gần bờ biển Việt Nam nhất cũng được trang bị đại bác và dụng cụ truyền tin. Ngoài ra tình báo Hoa Kỳ tháng 6-2001 cho hay là trên đảo Phú Lâm TC đã thiết trí phi đạn chống chiến hạm loại HY-2 có khả năng đánh chìm chiến hạm trọng tải lên đến 3.000 tấn.
– Không Quân: để bành trướng lực lượng Không quân vào biển Đông, TC đã biến đảo Phú Lâm thành căn cứ không quân tiền phương với phi trường có phi đạo tráng nhựa dài 2,400m (5) (bài của Katsushi Okazaki viết là 2.600m, tài liệu CIA viết là từ 1,524 m đến 2,437m), ngang 52m để cho loại oanh tạc cơ hạng trung (medium bomber) H-6 và phi cơ chiến đấu F8 xử dụng và xây các bồn dự trữ nhiên liệu dùng cho phi cơ. Với phi trường này, Không quân TC có khả năng hoạt động bao trùm cả Việt Nam, Đài Loan và Phi Luật Tân. Theo nhà phân tích quân sự Hoa Kỳ Richard Fisher thì đảo Phú Lâm có thể được xem như là một hàng không mẫu hạm bí mật của TC trong biển Đông.
– Tình báo: đảo Đá (Rocky island) với vị trí cao nhất trong quần đảo HS đã được chọn để dựng lên đài dò tìm tín hiệu SIGINT (Signals Intelligent) trao đổi giữa phi cơ và chiến hạm. Đài này đã bắt đầu hoạt động từ năm 1995, tầm hoạt động bao gồm cả Phi Luật Tân, quần đảo Trường Sa và eo biển Malacca. Ngoài ra để mở rộng hệ thống tình báo, TC còn xử dụng 6 chiến hạm có trang bị SIGINT. Mặt khác một số tàu dầu, tàu tiếp tế cho tàu ngầu, tàu phá băng cũng được trang bị dụng cụ ELINT (Electronic Intelligent) để theo dõi sự di chuyển của các chiến hạm hoạt động trong vùng biển Đông. Sau cùng trong bản tin của đài BBC ngày 2 tháng 3-1998 thì TC đang xây đài tiếp vận tín hiệu từ vệ tinh trong quần đảo HS.
Tóm lại với các căn cứ Hải/Không Quân và lực lượng Bộ binh trú đóng trên hầu hết các đảo, với hệ thống thu thập tin tức tình báo trải rộng ra khắp biển Đông, với sự tối tân hóa Hạm Đội gồm các chiến hạm đủ loại trong đó có tàu ngầm nguyên tử và với nổ lực đóng chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên dự trù hoạt động vào năm 2010, TC đã có khả năng phòng thủ, bành trướng, can thiệp nhanh chóng khi có biến cố xảy ra và điểm quan trọng nhất là TC có đủ khả năng mở ra các cuộc hành quân để chiếm trọn tất cả các hải đảo trong biển Đông .
Để chế ngự TC, ngoài thế liên minh quân sự đã có sẵn với các nước Nhật, Đại Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân và Úc Đại Lợi, Hoa Kỳ đã và đang cố gắng cải thiện hợp tác quân sự với Ấn Độ, Nam Dương và Việt Nam. Trong khoảng thời gian gần đây, Hoa Kỳ đã gia tăng ngân khoản để cải tiến căn cứ quân sự trên đảo Guam như là một sự thay thế cho căn cứ Subic bay mà Hoa Kỳ đã rút khỏi vào năm 1992.
b.-Giao thông hàng hải:
Biển Đông bao phủ một khu vực rộng đến 3,5 triệu km2, nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và là gạch nối quan trọng giữa các lục địa Á Châu, Âu Châu, Phi Châu và Úc Châu.
Chiếm đoạt Hoàng Sa và Trường Sa sẽ kiểm soát hải trình vùng phía Bắc biển Đông và hải trình nối liền Thái Bình Dương và Đông Nam Á với Ấn Độ Dương.
Sự phát triển kinh tế vượt bực của các nước trong vùng biển Đông đã làm gia tăng số lượng hàng hóa, nguyên liệu và nhiên liệu xuất, nhập cảng do đó việc xử dụng thương thuyền để làm phương tiện chuyên chở cũng tăng theo.
Điều này đã biến hải trình ngang qua biển Đông trở thành một trong những hải trình bận rộn nhất trên thế giới (đứng hàng thứ 2). Mỗi năm có hơn ½ hạm đội thương thuyền trên thế giới đi ngang qua eo Malacca vào biển Đông (khoảng 50,000 thương thuyền).
Ngoài ra do nhu cầu gia tăng tiêu thụ nhiên liệu khoảng 80% số lượng dầu thô nhập cảng vào TC, Nhật, Đài Loan và Nam Hàn cũng đi ngang qua khu vực này.
Những dẫn chứng kể trên cho thấy sự phát triển kinh tế của TC, các quốc gia trong vùng biển Đông và vùng Đông Bắc Á Châu lệ thuộc rất nhiều vào sự an toàn và tự do thông thương của thủy trình huyết mạch này.
Đây cũng là lý do chánh yếu để TC thôn tính và dành lấy chủ quyền các hải đảo và đây cũng là lý do mà Hoa Kỳ sẽ không làm ngơ khi TC có hành động ngăn trở hoặc phong tỏa thủy trình này vì sẽ liên hệ trực tiếp đến quyền lợi của Hoa Kỳ.
3. Về Kinh Tế:
a. Dầu hỏa và khí đốt: Tầm quan trọng về triển vọng dầu hỏa và khí đốt trong khu vực quần đảo HS nói riêng và biển Đông nói chung thực sự chỉ được chú ý đến kể từ khi các quốc gia bao quanh và lân cận vùng biển quần đảo Trường Sa như Brunei, Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan, Phi Luật Tân và Việt Nam khám phá các mỏ dầu trong thềm lục địa của họ vào đầu thập niên 70.
Những cuộc thăm dò tiếp theo với kết quả thật khả quan về triển vọng dầu hỏa và khí đốt trong biển Đông nhất là trong khu vực quần đảo Trường Sa tiếp cận với thềm lục địa của các quốc gia nêu trên càng làm gia tăng sự chú ý về tiềm năng dầu hỏa trong vùng này.
Cho đến nay tiềm năng dầu hỏa và khí đốt thực sự chỉ là trên lý thuyết căn cứ vào các cuộc thăm dò. Kết quả đã cho thấy sự khác biệt về con số ước lượng tùy thuộc vào cơ quan và quốc gia tổ chức cuộc thăm dò.
Dựa trên kinh nghiệm, những mỏ hydrocarbon được khám phá có thể chứa dầu và khí đốt lẫn lộn, hoặc chỉ chứa dầu hay chỉ chứa khí đốt mà thôi.
Theo sự ước lượng của Sở Khảo Sát Địa Chất Hoa Kỳ thì khoảng 60% đến 70% các túi dụ trữ trong các nước vùng biển Đông như Brunei, Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan, Phi Luật Tân và Việt Nam chứa khí đốt.
Mức độ phát triển kinh tế và gia tăng dân số được xem là cao nhất trên thế giới của các quốc gia Á Châu đã làm gia tăng vượt bực nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu và khí đốt.
TC đang từ nước xuất cảng dầu (chế biến từ than đá) trước thập niên 80 nhưng từ năm 2003, TC đã qua mặt Nhật Bản để trở thành nước nhập cảng dầu hỏa thứ nhì trên thế giới và cũng là nước đứng hàng thứ nhì về kinh tế trên thế giới sau Hoa Kỳ (theo tài liệu CIA, nhưng theo World Bank thì TC đứng hàng thứ tư).
Việc đi tìm những nguồn cung cấp nhiên liệu là điều kiện thiết yếu của TC. Tháng 9-1993, Phó Đô Đốc Zhang Xusan thuộc Hải quân TC tuyên bố: “đã đến lúc Trung Hoa cần thay đổi chiến lược biển và cố gắng nhiều hơn để tìm nguồn lợi dầu hỏa và khí đốt trong biển Đông.” Đây là một trong những yếu tố chánh yếu đã đưa TC đến quyết định dùng vũ lực cưỡng chiếm HS.
Vì thế sau khi chiếm đoạt HS, vào tháng 6-1974, TC đã bắt đầu khoan thăm dò trong khu vực này, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy công bố kết quả.
b. Hải sản: vùng biển Đông rất phong phú về hải sản và nguồn lợi này đã nuôi sống người dân trong vùng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ngư dân nước ta vẫn thường xuyên ra tận vùng này để hành nghề từ bao năm trước và vì Hải Quân VNCH không đủ khả năng để kiểm soát vùng biển quá rộng lớn nên ngư dân TC cứ tiếp tục vi phạm lãnh hải VNCH để khai thác hải sản. Đầu năm 1959 Hải quân VNCH đã bắt giữ 80 ngư phủ TC trong khu vực lòng chảo nhóm Nguyệt Thiềm.
Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế kèm theo sự gia tăng dân số của TC (dự trù tăng gia khoảng 250 triệu người từ 1980 đến 2020, theo CIA dân số TC trong năm 2007 là 1,322 tỉ)) đã làm giảm đi diện tích canh tác và đã đưa đến việc sản xuất nông nghiệp bị sút giảm. Điều này đã làm cho các nhà lãnh đạo TC phải chú tâm đến những nguồn dinh dưỡng khác trong đó có hải sản. Năm 1984, viên chức cao cấp trong chánh quyền TC đã khẳng định là việc cung cấp thực phẩm hàng ngày cho số lượng dân quá lớn lao sẽ phải cần đến sự cung cấp chất protein lấy từ hải sản. Báo chí TC năm 1989 đã đưa ra lập luận là 80% tài nguyên trên quả địa cầu nằm trong lòng đáy biển và hải sản sẽ trở thành nguồn dinh dưỡng chính yếu có chứa chất protein.
Tổng số lượng hải sản trong biển Đông được ước lượng có thể khai thác đến 30 triệu tấn mỗi năm, nhưng hiện nay chỉ có khoảng 13% là được khai thác.
Ngoài ra việc khai thác hải sản còn mang lại lợi tức cho gần 80 triệu người sinh sống dọc theo vùng duyên hải tiếp cận biển Đông và nguồn lợi thiên nhiên này đã có tự ngàn đời trước và sẽ còn mãi trong tương lai.
c. Phốt phát: Vốn là các đảo hoang từ ngàn năm trước nên chim chóc (chính yếu là chim Hải âu) đã tụ tập về đây trú ngụ và sinh đẻ, nhiều nhất là trên đảo Vĩnh Lạc và bãi Xa Cừ (cồn Quan Sát-Observation bank). Một đoạn trong bài “quần đảo Hoàng Sa và chủ quyền VNCH” có viết:”…Trứng chim đầy dẫy trên đảo, phải tìm chỗ đặt chân trước khi bước đi. Trứng chim nhỏ hơn trứng gà một chút, có thể lượm được từ 3.000 đến 5.000 trứng mỗi lần, ăn ngon như trứng gà. Chim bị đuổi bay lên như một đám mây nâu che rợp một góc trời, lấy đá chọi cũng rớt.”
Phốt phát do phân chim tác dụng trên chất vôi của san hô trải qua bao năm tháng dưới những cơn mưa, bảo miền nhiệt đới tạo nên. Những lớp phốt phát chiếm khoảng từ 23% đến 25% trên một số đảo, khoảng 42% trên các đảo khác và chiều dày thường trên 1m.
Năm 1915, người Nhật đã khám phá sự hiện diện của phốt phát trong quần đảo HS. Tiếp theo vào năm 1921 hảng Nhật đã toan tính khai thác phân chim trên các đảo nhưng họ không định cư thường trực ở đây, từ 1925 đến 1933 người Nhật đã xin phép chánh quyền Pháp ở Đông Dương để được khai thác phốt phát (theo Chemillier Gendreau thì trong khoảng 1924-1926 các công ty Nhật đã dùng mìn để khai thác phân phốt phát và việc làm này đã làm hư hại rất nhiều cây cỏ trên đảo Cam Tuyền).
Trong Đệ Nhị Thế Chiến, người Nhật đã chiếm cứ HS và tiếp tục khai thác phốt phát cho đến khi họ hoàn toàn rút khỏi HS vào tháng 2 năm 1946.
Phần người Pháp, thì họ đã khám phá phốt phát vào năm 1925 khi chiếc tàu De Lanessan thuộc Hải Học Viện Đông Dương ra HS thực hiện cuộc khảo sát đầu tiên.
Theo E. Saorain trong cuốn “Archives Geologique du Vietnam” thì số lượng phốt phát có thể khai thác được trên quần đảo HS lên tớI 10 triệu tấn.
Căn cứ theo tài liệu của Tổng Nha Khoáng Chất và Công Kỹ Nghệ, số lượng phosphate trên các đảo trong nhóm Nguyệt Thiềm thuộc quyền kiểm soát của VNCH như sau:
– Đảo Hoàng Sa : từ 562.000 đến 960.000 tấn, trên đảo có hệ thống đường rầy và cây cầu nhỏ để mang phốt phát xuống tàu.
– Đảo Cam Tuyền : từ 675.000 đến 1.400.000 tấn. Để cho việc chuyển vận phốt phát được dễ dàng, nguời Nhật đã dựng lên những khối phốt phát để cản sóng và cây cầu sắt dài khoảng 300m. Những cơ sở này đã bị bỏ phế vì việc khai thác không mang lại lợi nhuận.
-Đảo Vĩnh Lạc : từ 787.000 tấn đến 1.200.000 tấn
– Đảo Duy Mộng : từ 675.000 tấn trở lên.
Tài liệu của TC/CTCT viết :”…Hồi năm 1959, công ty phân bón Việt Nam cũng tới khai thác được khoảng 20 ngàn tấn phosphate nhưng tới năm 1960 công việc bị bỏ dở.”, nhưng theo Trần Thế Đức thì có 2 công ty Việt Nam khai thác phân vào năm 1960 nhưng đến năm 1962 ngưng hoạt động.
d.-Du lịch: với những vẽ đẹp thiên nhiên của các đảo san hô miền nhiệt đới, các bãi đá ngầm sóng vỗ bên ngoài bên trong là cả hồ nước lặng im, các đảo cát dài bao quanh bởi san hô, rong biển, đủ loài hải sản, nước biển trong suốt nhìn rõ tận đáy, rất nhiều loại chim hiếm qúy… đã là những yếu tố để quyến rũ khách du lịch.
Trong tờ China Daily ngày 10-8-2002 có đăng tin về kế hoạch khai thác du lịch HS của chánh quyền địa phương tỉnh Hải Nam.
4. Bảo vệ môi trường:
Biển Đông nằm giữa ranh giới của các quốc gia đang có mức độ tăng trưởng kỹ nghệ hóa rất cao và cũng là đường hàng hải bận rộn thứ nhì trên thế giới. Những yếu tố này đã làm phương hại đến môi trường nuôi dưỡng sinh thực vật trên các hải đảo và dưới mặt biển.
Quan tâm đến việc tranh chấp chủ quyền, gia tăng tối đa việc phát triển kinh tế, bảo đảm việc cung cấp nhiên liệu được đầy đủ là những yếu tố đã được đặt ưu tiên trên công tác bảo vệ môi trường của các quốc gia liên hệ đến biển Đông.
Do sự lơ là trong việc bảo vệ môi trường, các đảo san hô đã và đang trải qua giai đoạn biến dạng bởi sự thay đổi cơ cấu của các loài sinh, thực vật, bởi sự khai thác quá mức các tài nguyên thiên nhiên như phân phốt phát, các loại rùa và sinh vật dưới biển và sau cùng bởi sự ô nhiểm môi trường.
Những loại sinh , thực vật bị ảnh hưởng:
– Chim: lính đồn trú trên các đảo dùng súng để săn chim và lấy trứng từ các tổ chim, tổ yến đã khiến chúng sợ hãi phải di chuyển từ các đảo lớn sang các đảo nhỏ.
– Rùa: số lượng rùa (trong số này có vài loại hiếm muộn như green turtle và hawksbill turtle) và trứng sinh ra trên đảo cũng giảm đi do việc lính trên đảo dùng vũ khí giết rùa cho mục đích thương mại và việc mang gia súc lên đảo cũng đã ảnh hưởng đến lối sống thiên nhiên của loài rùa.
– các loài thủy sản: việc xử dụng quá nhiều tàu thuyền với cách thức đánh cá bừa bãi như dùng loại lưới với dây xích cuốn tròn kéo sát dưới đáy biển (loại dụng cụ này đã bị cấm tuy nhiên một số ngư phủ vẫn còn dùng), cũng như việc xử dụng chất độc Cyanide và dùng chất nổ để giết cá đã làm tổn hại đến môi trường sinh trưởng và đã làm tuyệt giống một số loại cá hiếm qúy.
– San hô: cũng bị ảnh hưởng lây qua việc dùng chất nổ, chất độc và quá nhiều tàu thuyền khai thác thủy sản. Các loại thương thuyền, tàu dầu và các tàu đánh cá khi hoạt động cũng như khi hải hành ngang qua biển Đông đã phế thải các chất dơ bẩn có hại cho san hô.
Ngoài ra sự gia tăng nhiệt độ trên quả địa cầu ( Global warming) đã làm gia tăng nhiệt độ nước biển tạo nên độc tố làm hại tế bào tăng trưởng san hô.
– Thực vật: do nhu cầu lên đảo tìm hái lá những loài dược thảo và việc đốn bừa bãi những loài cây qúy đã gây nên khó khăn trong việc bảo tồn, tìm hiểu nguồn gốc và công dụng của chúng.
Thềm Sơn Hà
Chú Thích:
(1) Hải lý (hl) = Nautical mile = 1852 thước
(2) Dựa theo tài liệu của TC/CTCT thì diện tích đảo HS là 3,5km2. Nhưng căn cứ vào tài liệu của Hải Quân Hoa Kỳ, Nguyễn Nhã và Gerald Kosh thì con số này không được chính xác.
(3) HQ Đại-úy Trần Kim Diệp, trưởng phòng Tình Báo (P2) Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải cùng với phái đoàn Công binh được lịnh ra đảo Hoàng-Sa để nghiên cứu việc xây phi đạo trên đảo này. Phái đoàn theo HQ16 rời Đà-Nẵng ngày 14 và đến Hoàng-Sa ngày 15/01/1974. Đại úy Diệp đã có mặt trên HQ5 trong lúc xảy ra trận hải chiến.
*** Toạ độ các đảo, bãi đá ngầm, cồn cát và một số chi tiết đã được tu chỉnh trong phần I (ĐIẠ LÝ) được dựa vào tài liệu “Islands of the South China Sea” của Phòng Tình Báo và Nghiên Cứu/Bộ Ngoại Giao Hoa kỳ và tài liệu “Islets of the South China Sea” của Hải Quân Hoa Kỳ.
**** Bài đã đăng trong đặc san nghiên cứu văn hóa Đồng Nai- Cửu Long số 4 tháng 7-2006 chỉ có phần I-Địa Lý, II- Khí hậu và III- Sinh, Thực vật. Tác giả bổ túc thêm một số chi tiết đã được tìm thấy gần đây và viết tiếp phần IV “Sơ lược về tầm quan trọng của quần đảo Hoàng Sa”
Phần Sử Liệu liên quan đến HS đã được một số học giả nổi tiếng viết nhiều bài nghiên cứu và phân tích rất giá trị, vì thế tác giả xin thông qua phần này.
Tham khảo
– Bill Gerzt “Beijing readies China Sea excercises” The Washington Times-May 17,2001
– Bill Gertz and Rowan Scarborough “Woody island missiles” – www.taiwandc.org
– Bureau of Intelligence and Research “Islands of the South China Sea” July 20, 1971
– Chinamil.com: “Military scientific workers find freshwater reserves.” April 07, 2005
– Chinanews.en: “Freshwater reserves discovered amidst coral reef.” April 06,2005
– Chinese journal of geophysics ” The crustal structure beneath the Shidao station on Xisha islands of South China Sea”. Vol 49. No. 6 . 2006
– CIA: “The World Factbook – Paracel Island.” updated on January 10, 2006
– CIA “The World Factbook – China ” updated on December 17, 2007
– Congressional Research Service “China’s Energy Sector” February 9, 2005
– Department of the Army: “Chinese Amphibious Assaults in the Paracel Archipelago.” December 27, 1974.
– Department of Defense “Military Power of the People’s Republic Of China” 2007
– Department of the Navy “Islets of the South China Sea” January 1974
– Department of State – Bureau of Intelligence and Research “Islands of the South China Sea” July 1971
– Điện văn số 104813 của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ Sài Gòn gởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
– Douglas Pike Collection: Sino – Soviet conflict and the paracels group of island.” April 01, 1979.
– Embassy of Vietnam – Washington, D.C.: ” The Vietnam Islands of Paracel & Spratley.” April 02, 1959.
– Energy Information Administration “South China Sea Tables and Maps” September 2003
– English I.Peopledaily: Xisha developing from desolation to mordern civilization.” August 02, 2000
– (2) Foreign relations of the United States, 1955-1957
– Hải Sử Tuyển Tập “Hải chiến Hoàng Sa” Tổng Hội HQHH ấn hành 2004 – USA
– James C.Bussert: ” Facilities in the South China Sea reflect technologies otherwisw hiđen.” Signal Magazine October, 2003.
– Lauretta Burke “Reef at risk in the Philippines and the South China Sea” World Resources Institude
– Lê-Văn-Thự: ” Sự thật về trận hải chiến Hoàng-Sa.” Calitoday March 08. 2004.
– Lt. Colonel Katsushi Okazaki: China’s Seaward Adventurism and the Japan – US . alliance.” Global Security-1997
– Lướt Sóng “Quần đảo Hoàng Sa và chủ quyền VNCH” Đặc san Lướt Sóng- Phòng TLC/BTL/HQ/VNCH phát hành năm 1974.
– Lưu-Văn-Lợi: The Sino-Vietnamese difference on the Hoàng-Sa and Trường-Sa archipelagoes.” Thế Giới Publishers – Hà-Nội 1996.
– Map 2785 – U.S.Navy Hydrographic Office – revised May 31, 1965
– Michael Studeman “Calculating China’s Advances in the South China Sea” Naval War College Review – Spring 1998
– Monique Chemillier-Gendreau :” La Souverainete sur les Archipels Paracels et Spratleys”. Paris 1996 (bản dịch qua Anh ngữ)
– NASA Johnson Space Center – Image courtesy of the Image Science & Analysìs.
– News.bbc.com.uk – Monday March 2, 1998
– Nguyễn-Cúc và Vũ-Thanh-Tú: Muôn dậm cơ đồ Hoàng-Sa và Trường-Sa, Đi-Tới số 44 & 45 tháng 4 & 5, 2001.
– John Thornton: “The English Pilot, the Third Book.” London 1703
– Pierre Bernard “Biên giớI trên biển của Việt Nam”. www.bgvn.net
– Quốc Việt:”NgườI dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa” Vietnamnet, 2 tháng 1-2008
– Tổng Cục Chiến Tranh Chánh Trị/Cục Tâm Lý Chiến: “Thế giới lên án Trung cộng xâm lăng Hoàng-Sa của Việt-Nam Cộng Hòa.” TC/CTCT/Cục TLC ấn hành 1974.
– Trần-Kim-Diệp: “Bên lề trận hải chiến Hoàng-Sa.” Bản tin Tình-Đại-Dương (khóa 17 Sĩ quan Hải quân Nha-Trang) tháng 7, 2004
– Trần-Thế-Đức: “Hoàng-Sa qua những nhân chứng.” Tập san Sử Địa số 29 – Sài-Gòn 1975
– Vn.nthu.edu.tw: “The Paracel Island.
– Weatherbase: “Historical weather for đảo Hoàng-Sa and for Woody Island.”
– Wikipedia: “South China Sea Island.”
– Wolfgang Schippke, DC3MF: “The Paracel Island group, another heavy disputed area in South China Sea.” updated February 03,1998.
– (5) World Aero Data: “Woody Island.” February 16, 2006
– World Meteological Organization: “Regional Association II – Twelfth Session – Seoul” September 19 – 27. 2000.
– Yiwei Wang “The South China Sea Issue” 26 March 2002 – www.isanet.org