Ngày 5 Tháng Mười Hai vừa qua, Dân Biểu Liên Bang Ed Royce, đại diện Ðịa Hạt 39 của California, được khối đa số Cộng Hòa kiểm soát Hạ Viện bầu làm chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao. Nhân dịp ghé thăm Little Saigon, ông đã dành cho nhà báo Lý Kiến Trúc, chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Văn Hóa và Báo Chí, cuộc phỏng vấn sau đây, liên quan đến chiến lược của Hoa Kỳ tại Châu Á.
Nhà báo Lý Kiến Trúc (trái) phỏng vấn Dân Biểu Ed Royce. Hình chụp qua video
Nhà báo Lý Kiến Trúc: Hầu như Trung Quốc đã làm chủ hoàn toàn biển Ðông (khoảng 2 triệu km2), nhưng cho đến nay, họ vẫn không có hoạt động nào làm cản trở con đường hàng hải quốc tế là lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, Việc đó có làm ảnh hưởng đến chiến lược trở lại Á Châu Thái bình Dương của Hoa Kỳ hay không?
Dân Biểu Ed Royce: Tôi nghĩ Hoa Kỳ tập trung vào Châu Á vì nhiều lý do.
Thứ nhất là vấn đề kinh tế tại Châu Á mà chúng ta sẽ thấy trong thời gian tới.
Thứ nhì là gìn giữ hòa bình, bảo đảm các tuyến hàng hải được mở ra, trong đó, các cuộc tranh chấp chủ quyền được giải quyết mà không có bạo động, không có xâm lăng lẫn nhau.
Tôi nghĩ sự hiện diện của Hoa Kỳ là rất quan trọng. Hoa Kỳ phải có mặt ở đó, bởi vì, qua những gì chúng ta thấy gần đây, ví dụ như vụ cắt cáp tàu thăm dò dầu khí, hoặc là bắt bớ ngư dân, những hành động lấn lướt, mang tính bạo động, mà phía Trung Quốc thực hiện, trong khi không cố vấn với cộng đồng quốc tế.
Một điều quan trọng nữa mà chúng ta phải chú ý rằng đây không phải chỉ là vấn đề đối với Hoa Kỳ. Ðây là một vấn đề quốc tế. Ðây là điều mà tất cả các quốc gia trong vùng, cũng như quốc tế, quan tâm. Bởi vì, có một số luật lệ cần phải được tôn trọng, vì thế, theo tôi nghĩ, sự hiện diện của Hoa Kỳ cũng như các hạm đội Mỹ, sẽ giúp làm giảm bớt căng thẳng. Và chúng ta phải làm việc qua phương pháp ngoại giao với tất cả các bên liên quan.
Nhà báo Lý Kiến Trúc: Ngày 20 tháng 11, Tổng Thống Obama đến thăm Miến Ðiện, là một trong năm nước thuộc vùng tiểu Mekong, ý nghĩa cuộc viếng thăm có phải là để be bờ và ngăn chận sức bành trướng về kinh tế chính trị của Trung Quốc đối với khu vực này không? Trong tương lai, Miến Ðiện có giống như Việt Nam ở cuối thế kỷ 20 hay không?
Dân Biểu Ed Royce: Trước hết, tôi phải nói rằng Hoa Kỳ có một số hoạt động liên quan đến Miến Ðiện trong nhiều năm để đẩy mạnh tự do tôn giáo và tự do chính trị. Có một số lo ngại là Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng với chính phủ Miến Ðiện.
Trong quá khứ, Quốc Hội và các chính quyền Mỹ trước đây đã có một số biện pháp đối phó với tình trạng chính quyền đàn áp người dân Miến Ðiện. Kết quả là, nếu chúng ta còn nhớ, Quốc Hội đã đưa ra một số biện pháp cấm vận.
Gần đây, tôi có dự luật nới lỏng những cấm vận này. Nhưng bà Aung San Suu Kyi mới là điểm đáng chú ý, vì bà thực hiện những hoạt động chống lại chính thể bạo quyền tại Miến Ðiện. Quốc Hội Mỹ đã tặng bà huy chương cao quý nhất, “Congressional Gold Medal.” Tôi đã có mặt tại buổi trao huy chương này. Bây giờ chúng ta đã hủy bỏ cấm vận Miến Ðiện, và quốc gia này đang đi đúng hướng.
Hy vọng của cá nhân tôi là, tại Việt Nam, người ta sẽ thấy những gì xảy ra tại Miến Ðiện. Bây giờ Miến Ðiện đang tái hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Chúng ta đang làm việc với Miến Ðiện, cố gắng giúp họ đưa quốc gia này đến tình trạng có nhiều tự do hơn.
Nhưng tại Việt Nam, tình hình lại trái ngược. Hy vọng của cá nhân tôi là mọi người sẽ phản ảnh những gì đang xảy ra tại Việt Nam, trong chính phủ và trong xã hội. Từ đó, chúng ta có thể bắt đầu một phong trào tự do tại Việt Nam.
Nhà báo Lý Kiến Trúc: Tại trường Ðại Học Rangoon ở Miến Ðiện, Tổng Thống Obama đã đọc một thông điệp trước hàng ngàn sinh viên, ý nghĩa của bản thông điệp đó như ngầm nhắn gởi niềm tin của tự do và dân chủ đến cho các sinh viên và các nhà hoạt động cho tự do dân chủ và nhân quyền trong nước Việt Nam, ý kiến của ông về sự kiện này như thế nào?
Dân Biểu Ed Royce: Ðây là một câu hỏi rất lý thú. Tại Ðại Học Rangoon, tổng thống có chuyển thông điệp đó đến hơn 1,000 sinh viên. Anh nói đúng, thông điệp ở Rangoon được đưa ra một cách gián tiếp. Ước gì tổng thống nói trực tiếp hơn. Phải chi ông nói rằng: “Chúng ta có tiến bộ tại Miến Ðiện. Chúng ta phải tạo ra tiến bộ tại Việt Nam.” Phải chi ông nói rõ hơn thì hay quá.
Tuy nhiên, đó vẫn là thông điệp, và chúng ta cần rõ ràng hơn.
Chúng ta cần phải chỉ ra rằng “Mùa Xuân” xảy ra khắp thế giới, thay đổi đang diễn ra khắp nơi, con người được hưởng nhân quyền căn bản, ngoại trừ một nơi mà thế giới thấy có vẻ đi thụt lùi.
Có một vài nơi, ví dụ như Việt Nam, không may là thông điệp này chưa được đưa tới. Hy vọng của tôi là không chỉ với bài diễn văn này, mà với các bài diễn văn khác, chúng ta có thể nói một cách rõ ràng rằng đây là lúc tự do tôn giáo, tự do suy nghĩ, tự do báo chí, tự do dân chủ, đến với Việt Nam, và bắt đầu đối thoại, tranh luận, trong xã hội.
Tổng thống của chúng ta nên làm như vậy, giống như cố Tổng Thống Ronald Reagan từng nói về vấn đề này.
Tại Quốc Hội, cá nhân tôi, trong vai trò chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện, sẽ chắc chắn làm những điều này.
Tôi từng tranh cãi về những vấn đề này, và tôi cảm thấy rất tốt là bây giờ tôi ngồi ở vị trí có thể điều khiển các cuộc điều trần, và sẽ có những buổi để nói về những đề tài đặc biệt này, ví dụ như nhân quyền tại Việt Nam.
Nhà báo Lý Kiến Trúc: Cảm ơn ông đã dành cho Câu Lạc Bộ Văn Hóa và Báo Chí cuộc phỏng vấn này.
Lý Kiến Trúc
One Comment
Huỳnh ngọc Tuấn
Hy vọng là nước Mỹ sẽ có những nổ lực đủ mạnh để giúp nhân dân VN dành lại Tự do và Dân chủ. VN Dân chủ sẽ là đồng minh đáng tin cậy của nước Mỹ.
Cám ơn Dân biểu Ed Royce đã dành những sự ủng hộ quý báu cho nhân dân VN.