1. Dân Chủ và Tự quyết
Tunisie, Ai cập đầu năm 2014. Mùa Xuân Ả Rập, Mùa Xuân Dân Chủ đã trở lại.
Hôm nay cuối tháng giêng, 27/ 01/ 2014 là một ngày đáng nhớ của lịch sử Tunisie. Quốc hội Tunisie vừa ban hành Bản Hiến Pháp mới, đưa Nam Nữ Bình Quyến thành Luật trong Hiến Pháp Tunisie.
Đây là lần đầu tiên trong một quốc gia Ả Rập chấp nhận để người nữ, người đàn bà ngang quyền với người nam, người đàn ông. Đấu tranh nầy rất gay go từ ba năm nay, thứ nhứt là với một Quốc hội mà đa số là nhóm dân biểu thuộc thành phần đảng hoặc thân với đảng Huynh đệ Hồi giáo, có tánh cách bảo thủ, muốn đưa luật charia Hối giáo làm luật quốc gia. Tình hình khó khăn phức tạp nầy vì ngay sau khi lật đổ được chế độ độc tài Ben Ali, Tunisie đã bị Đảng Huynh đệ Hồi giáo thủ cựu, quá khích cuồng tín giáo điều, mơ đưa luật Hồi giáo vào làm căn bản luật lệ trong Hiến Pháp và Luật quốc gia, chi phối và cướp quyền. Ba năm rồi, năm nay, 2014, đúng vào thời gian kỷ niệm ngày lật đổ bạo quyền gia đình trị Ben Ali, người dân Tunisie ngày nay sau bao lần xuống đuờng biểu tình đã thành công giựt lại quyền tự quyết và đưa Dân chủ trở về làm nền tảng cho Hiến Pháp quốc gia Tunisie.
Song song với Tunisie, cũng cùng thời gian trong cơn gió Mùa Xuân Dân chủ ba năm trước, người dân Ai Cập cũng vùng lên lật đổ độc tài gia đình trị quân phiệt Moubarak! Dân chúng Ai cập cũng bị đi chung một con đường với dân chúng Tunisie. Ngay trong những ngày đầu tiên, vì chánh quyền độc tài cũ kềm kẹp đàn áp quá mạnh, dập tắt mọi tiếng nói dân chủ đối lập, nên đối lập chỉ do nhóm Tôn giáo là Hồi giáo bảo thủ qua Đảng Huynh đệ Hồi giáo đại diện. Khi ngọn gió Mùa Xuân dân chủ thổi đến, Ai cập cũng như Tunisie đều bị Tôn giáo cổ truyền là Hồi giáo, nhơn danh truyền thống, nhơn danh dân tộc, cướp lấy quyền tự quyết, giành lấy chánh quyền. Dân chúng của cả hai quốc gia đều bắt đầu phải chấp nhập trao quyền cho nhóm Huynh đệ Hồi Giáo.
Tunisie nhờ ý thức dân chủ-do có sẳn một cộng đồng hải ngoại di dân tỵ nạn khá mạnh hơn, nên mặc dù nhóm cầm quyền tôn giáo, tuy có dùng tánh cách dân tộc cổ truyền, tuy có dùng tôn giáo, nhưng vẫn phải thấy rõ không thể đi ngược lại con đường cải tổ mong muốn của nhơn dân là phát triển tân tiến, nên phải nhượng bộ với các nhóm tiến bộ.
Trái lại, Ai cập, vì đã lở giao quyền và bầu Thủ tướng Morsi, thuộc nhóm Huynh đệ Hồi giáo quá khích, nên tình hình khó khăn hơn ! Nhưng vì Morsi quá khích, quá cứng rắn, nên đã làm phật lòng dân, và đưa đến một cuộc nổi dậy thứ hai. Lật đổ Morsi, lật đổ chế độ tôn giáo, tuy có đưa đến chia rẽ trong người dân đấy, nhưng cuối cùng Ai cập may quá, nhờ quân đội khá mạnh, có lòng yêu nước, nhờ quân đội không bị nhóm Hồi giáo lay chuyển nên quân đội Ai cập ngày nay lãnh trách nhiệm, làm nhà cầm quyền mới tạm thời. Quân đội đã lật đổ, bắt giam Morsi, cấm nhóm Huynh đệ hồi giáo quá khích hoạt động, bắt giam những lãnh đạo và sửa soạn một cuộc bầu cử mới trao quyền tự quyết lại cho dân chúng Ai cập để tạo một nhà cầm quyền mới Dân chủ hơn.
Hai thí dụ nói trên để chúng ta, những người Việt Nam đấu tranh cho dân chủ thấy rõ ràng rằng con đường đi đến dân chủ rất gay go, không phải chỉ lật được độc tài là xong nhiệm vụ, tự quyết và dân chủ đến ngay đâu ! Đảng Cộng sản Việt Nam là một nhà cầm quyền độc tài, đảng trị. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như chế độ gia đình trị Ben Ali của Tunisie, cũng như chế độ gia đình trị quân phiệt của chế độ Moubarak của Ai Cập đã cướp công của nhơn dân làm cách mạng ngay từ đầu, cướp quyền tự quyết của nhơn dân ngay từ đầu, và đã dùng Đảng trị, gia đình trị, phe đảng trị, dùng độc tài, dùng chế độ công an cảnh sát để cai trị nhơn dân mình, người dân bị trị quen rồi, không còn ý chí và mất cả quan niệm tự quyết.
Ngày hôm nay tại Việt Nam cũng như tại Tunisie và Ai cập ngày hôm qua, quyền đối lập, tiếng nói đấu tranh và cả tiếng nói yêu nước hoàn toàn bị dập tắt, dân chúng bị bịt miệng, khóa mồm…Dân chúng sống, sanh hoạt, suy nghĩ, theo định hướng nhà nước độc tài, cho qua ngày, « ai sao tui vậy », không nghe, không thấy, không nói…miễn là…yên thôi!
Thế nhưng, cách đạy ba năm muà xuân 2011 dân chúng Tunisie, dân chúng Ai Cập đã biết nổi dậy lật đổ độc tài, giành lại quyền tự quyết, lấy lại chánh quyền. Sau lắm hồi bi kịch khó khăn, ngày nay quyền tự quyết đã đến, chánh quyền trong tay nhơn dân, dân chủ sẽ đến thôi!
Sau đây là bài học của Tunisie và Ai cập rằng: Trong không khí, trong bối cảnh, khí thế tranh tối tranh sáng hậu cách mạng, vì sau bao nhiêu năm bị chế độ độc tài bịt miệng, dập tắt mọi tiếng nói dân chủ, đàn áp mọi hoạt động đấu tranh nên khi cách mạng thành công thì người dân, dân chúng lại bị những nhóm có tổ chức, có hệ thống hành chánh, các đảng phái có vây cánh hay có tài nguyên quốc tế (thiên tả hay thiên hữu với những mỹ từ huê mỹ mỵ dân) hay ngay cả các nhóm tôn giáo quá khích lợi dụng cướp quyềntự chủ ngay.
Việt Nam ta cũng vậy, chúng ta bị độc tài cai trị quá lâu, chúng ta bị đàn áp, bịt miệng, cướp tư tưởng, cướp tiếng nói, nên ngày nay chúng ta không có một phong trào đấu tranh, không có một sức mạnh đối lập khả dĩ có tổ chức. Vì vậy ngày mai, sau một cuộc nổi dậy lật đổ độc tài, và ngày ấy cũng rất gần , chúng ta hãy cảnh giác vì chúng ta cũng sẽ bị những hội đoàn, những nhóm tôn giáo, những nhóm có tổ chức, có hệ thống cướp quyền lãnh đạo ngay.
Hãy coi chừng «Địa ngục ngay trong lòng ta (trong hảo tâm của chúng ta)-L’enfer est pavé de bonnes intentions». Robespierre, nhà cách mạng Pháp, là một con người đầy đạo đức, là con người cách mạng liêm chánh nhứt- l’incorruptible lại là một nhà độc tài, một đồ tể sát máu nhứt! ông đã vi cách mạng, nhơn danh đạo đức cách mạng, để chặt đầu người khác.
Ta chớ quên «Bài học Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam cướp chánh quyền ngày 2 tháng 9 năm 1945!»
2. Tự chủ và Liên Hiệp
Liên Hiệp Âu châu nay được 60 tuổi, ngày hôm nay đã tổng họp được 28 quốc gia. Hai quốc gia cuối cùng là Bulgaria và Romania từ năm 2014 nầy, bước hẳn vào Liên Âu và có quyền đi lại tự do. Cũng như toàn thế giới, từ năm 2008 đến nay cơn khủng hoảng kinh tế tài chánh vẫn còn hoành hành trên toàn các quốc gia Liên Âu. Và với tất cả những khó khăn do khủng hoảng kinh tế tài chánh, Liên Âu vẫn cố gắng đi trên con đường hòa hợp, hòa bình, sáng tạo và kiến thiết, mặc những tư tưởng chống Liên Âu, mặc những tư tưởng dân tộc thủ cựu.
Từ những năm đầu của cuộc khủng hoảng đến nay, các ngân sách các tài khóa khác nhau của Liên Âu đều là những cuộc tranh cãi để đi đến những giải pháp vá víu. Lấy điển hình tài khoá 2007- 2013 vừa qua làm một thí dụ để chúng ta hiểu cái khó khăn của Liên Âu. Tranh cãi dỉ nhiên giữa hai trường phái kinh tế tài chánh : Tự do tư bản kiểu Anh Mỹ (trường phái liberalism ) và trường phái tụ do tư bản-xã hội (social-liberalism) kiểu Âu châu lục địa – Pháp-Đức-Thụy điển, thường được mô tả một cách lạm dụng bằng hai từ ngữ tả phái, hữu phái. Tranh cãi sâu sắc hơn vì bảo vệ những quyền lợi quốc gia ích kỷ giữa cách sử dụng đúng đắn những tài khoản trong những địa hạt khác nhau : Anh (lúc ấy) trách Pháp Đức và những nước lục địa đã sử dụng 42,6 % tài nguyên của tài sản Liên Âu cho nông nghiệp, mà nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 5% của tồng số nhơn công – riêng đối với Anh quốc chỉ có 2% tổng số công nhơn là nông dân (200 000 dân). Tony Blair (Thủ tướng Anh 1997 -2007) đề nghị những ưu tiên khác để sử dụng ngân sách cho tài khóa 2007-2013. Và cũng (lúc bấy giờ), để chống lại Tony Blair, Tổng thống Jacques Chirac của Pháp (1995-2007) đòi Anh Quốc hãy trả lại chi phiếu bù lỗ cho Anh Quốc do bà Thủ Tướng Margaret Thatcher (1979-1990) buộc các nước Liên Âu lúc bấy giờ bù trừ vào việc Anh Quốc gia nhập Liên Âu. Dỉ nhiên tất cả chỉ là hù dọa!
Ngày nay, 2014, không ai dám nghĩ là phải chối bỏ hay hủy bỏ những chặng đưòng xây dựng Liên Âu cả. Nhưng đây là một kết tinh của một «lý luận» làm việc rất ích kỷ, tự chủ đầy «dân tộc tánh » thiếu chánh trị và thiếu tinh thần trách nhiệm cho một tố chức chung là Liên Hiệp Âu châu đa dân tộc. Tinh thần Cộng hòa- république do từ la tinh Res Publica–cho việc chung không được chú trọng đến.
Ấy là chuyện ngày qua!
Ngày mai là chuyện của ngày mai. Hãy trả lại cho thời gian vai trò của thời gian.
Đầu năm 2014 nầy, chúng ta lại thấy Liên Ân sẽ bắt đầu đi chung lại một con đường. Hai vị Tổng Thống và Thủ tướng Pháp Đức sẽ phải là cặp bài trùng làm đầu tàu, lèo lái con tàu Liên Âu đi vào một con đường cải tổ mới. Bà Angela Merkel vừa đắc cử đang dắt một chánh phủ Liên hiệp hai trường phái tả hữu, Tự do và Xã hội kết hợp. Tổng thống Hollande thắng cử với Đảng Xã hội thiên tả, sau 18 tháng cầm quyền trong hướng đi Xã hội thiên tả, không thành công, nay cũng phải đang chuyển mình sang một chương trình kinh tế tư bản tự do. Bài nói chuyện đầu năm của Tổng thống Hollande đang tạo những bất ngờ thích thú cho các nhà lãnh đạo các xí nghiệp. Tả hữu, tư bản và xã hội, cũng đến lúc phải gặp nhau để hòa hợp trung dung với nhau. Le Juste milieu của gentilhomme phương Tây đã gặp thuyết Trung dung của người quân tử phương Đông? Gặp gở, hòa hợp, hay toàn cầu hóa?
Ý thức và quan niệm Liên Âu ra đời vừa sau thế chiến thứ hai. Với chiến tranh lạnh, một tổ chức liên hiệp các nước Tây Âu dưới chiếc dù quốc phòng Mỹ đã giúp đỡ Âu Tây sống ổn định và tái thiết xây dựng. Với Hiệp Ước Phòng thủ Đại Tây Dương (Nato), với Liên Hiệp các Quốc gia Sản xuất Thép và Than và cuối cùng với Thị trường Chung giúp đở đặc biệt cho 6 quốc gia đầu tiên Tây Âu cùng sống bên nầy bờ Đại Tây Dương giữ một thăng bầng liên hệ thị trường đối với bên kia bờ Đại Tây Dương, đối với bốn cửa ngỏ bốn hướng : phía Bắc ngó ra Biển Bắc với vai trò của Hòa lan, phía Nam, nhìn qua bên kia bờ Địa Trung Hải với vai trò Ý đại lợi. Sáu quốc gia đầu tiên của Tây Âu giữ đúng quan niệm địa lý Tây Âu : BeNeLux – Bỉ Hoà lan-Lụcxâmbảo, Pháp giữ Đại Tây Dương nhìn ra hướng Tây, Ý giữ Địa trung Hải, và Đức nhin về phía Đông giữ miền Trung Âu châu–Mittle Europa-Trung Âu. Đức lúc bấy giờ cũng là một quan niệm biên phòng, cũng biên giới, trái đệm, giữa hai khối kinh tế chánh trị của hai khối kình lực của chiến tranh lạnh.
Quan niệm ầy, lý luận ấy đều được các chánh trị gia, các nhà làm luật, các nhà kinh tế và cả các thương gia đồng tâm nhứt chí. Nhưng, nhơn dân ? dân chúng âu châu ? Ai sao tui vậy, những, công nhơn, những nông dân Pháp Đức Hòa lan hay Ý Bỉ, họ được hưởng những gì ? họ vẫn được nghe các nhà đại diện họ, trách nhiệm họ đòi hỏi họ những bổn phận, hứa với họ những quyền lợi. Và họ đã giao phó đời sống và tương lai không thắc mắc. Từ 6 quốc gia, 12 quốc gia, và đến ngày nay 28 quốc gia cũng thế thôi ! Liên Hiệp Âu châu không phải là một Liên bang, họ vẩn là người Pháp, tự chủ với chiếc phômát Camembert, mịn màng, thơm ngon, nặng mùi dân tộc, họ vẫn là người Pháp với ly rượu Bordeaux đậm đà, ngon ngọt, họ vẫn là người Đức, tự chủ với miếng chân heo, cục xốt xít, với ly bia sủi bọt, họ vẫn người Ý tự chủ với ly rượu Chianti, miến pizza hay dỉa spaghetti .. Rồi 12 quốc gia, 15 quốc gia, 25 quốc gia, rồi 28 và có thể 29 hay 30 với Thổ Nhỉ kỳ hay Ukraina và ai nữa đây…. ? biên giới nào sẽ là biên giới của Âu Châu.
Hãy nhìn xem, cả hàng tháng nay người dân Ukraina tự chủ đòi quyền tự quyết , trong cùng thời gian chúng tôi đang viết bài nầy, dám chấp nhận nội chiến, xuống đường biểu tình cả 6 tuần nay, chỉ buộc Nhà nước và Tổng thống Ukraine phải để Ukraine hoà nhập vào Liên Âu. Hơn nửa nước miền Tây, trong ấy có thủ đô Kiev, muốn nhập vào Liên Âu để được tự do thông thoáng, độc lập, dân chủ. Nhưng chánh phủ, Tổng thống đương nhiệm dưới ảnh hưởng « Nga hoàng » Tổng thống Poutine, và một số ít người dân phía Đông gần Nga lại muốn được điều hành, chỉ đạo làm ăn dưới trướng dẫn dắc bởi đàn anh Nga, như thời xưa …như thời Sô Viết, như thời Nga Hoàng vì ? …quyền lợi của một nhóm người ? vì Tôn giáo ? – Chánh thống giáo ? vì ngôn ngữ ? sử dụng Nga ngữ làm quốc ngữ, vì Nga ngữ quốc tế hóa hơn ngôn ngữ ukraine bình dân, mộc mạc quê mùa, không được quốc tế hoá.
Đó là một nghịch lý của những ai thắc mắc với quan niệm Tổ chức Liên Âu và tình cảm Liên Âu. Tự chủ và Liên Hiệp.
Tình cảm Liên Âu? thế nào là người Âu Châu ? thế nào là âu châu tánh ? làm sao định nghĩa được tánh cách âu châu?
Người Pháp có cảm thông với người Thổ Nhỉ Kỳ hơn với người Ukraina hay người Phần Lan ? Biên giới đi không cần thông hành, cũng như ngày nay mạng tin học internet cũng không cần thông hành. Họ phải hội nhập vào hoàn cảnh. Họ phải hội nhập vào Liên Âu. Có ai hỏi ý kiến Liên âu (tổ chức – Liên Hiệp) phải hội nhập vào đời sống của họ (dân chúng – Tự Chủ) không ? Và vì vậy, năm xưa, khi có cuộc Trưng cầu Dân ý để hỏi, để đế nghị với họ một Hiến Pháp để có một Chánh quyền Liên Âu. Tất cả dân chúng Liên Âu đồng loạt, đa số trả lời «NO».
Từ mùa Đông 2004, khi các nước cựu Liên Sô đang chuyển mình, nào là Georgia, rồi Ukraina, Kirghikistan, Oubezistan, dân chúng xuống đường biểu tình bầu cử người mình lựa chọn, không một tiếng súng, bằng bầu phiếu lật đổ chánh quyền độc tài do chế độ cũ để lại. Cách mạng Mầu … cam, vàng …
Trong những năm ấy, chúng ta cũng nhìn thấy : nào là Irak, trong không khí khủng bố chiến tranh, dân chúng gan dạ sắp hàng đi bầu để lập chánh phủ đầu tiên dân chủ. Cũng trong những năm ấy, Liban cũng bầu cử, và dân chúng Liban cũng dám nổi lên để đuổi quân đội xâm chiếm Syrie để lấy lại quyền tự quản, và cả Arabie Saoudite, một nước độc tài thủ cựu cũng phải tổ chức bầu cử và lần đầu tiên họ chấp nhận cho phụ nử đi bầu.
Lời kết:
Dân chúng, dân chúng ! phải, lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại các quốc gia của những vùng chậm tiến ấy, chúng ta được nghe nói đến dân chúng !. Trong không khí của một toàn cầu hóa kỹ thuật : thông tin, kỷ nghệ, thương mại … tiếng nói của dân chúng cũng được toàn cầu hóa, được đánh giá đúng mức. Dân chủ đang được toàn cầu hóa. Không phải là một thứ dân chủ giả tạo, đây là dân chủ thực sự. Bầu cử, đa đảng, các đảng đa nguyên, tranh cãi, phê bình chánh trị, trong sáng, công bằng và luật lệ. Báo chí tự do của các quốc gia tiên tiến là những mãnh gương soi sáng tinh thần dân chủ, biểu tượng của tự do ngôn luận tự do tư tưởng đã dành !. Nhưng ở các nước độc tài ? với những bộ máy kềm kẹp, với những bộ máy kiểm soát, chỉ đạo, soi mói, kiểm duyệt, đục bỏ, ngày nay với mạng tin học quốc tế, đành bó tay, nào twitter, nào ,blogger, nài facebook… kiểm chổ nầy xì chổ kia… Tham nhũng, dấu diếm, buôn lậu, dấu tiền, trước sau gì cũng bị « leak », cũng xì ra cả. Dân chúng ngày nay là chủ nhơn thực sự của quyền lực chánh trị, quyền lực trao quyền, quyền lực truất quyền, quyền lực quan sát, quyền lực chỉ trích tóm lại Dân chúng ngày nay đã nắm quyền tự chủ và quyền tự quyết, nắm lấy vận mạng của đất nước mình.
Đấy là những bài học Dân chủ. Mỗi nơi một vẽ, ở các nước chậm tiến, dân chúng đã biểu tình đòi bầu cử nghiêm chỉnh trong sáng. Nguyên tắc tất yếu : một người một lá phiếu,. đa nguyên, đa đoàn thể, tranh nhau ứng cử, với những chương trình xây dựng đất nước , phát triển đất nước khác nhau, quan niệm đối lập được nhìn nhận, quan niệm cầm quyến cùng đối lập được nhìn nhận: kiểm soát và thay thế. Chấp nhận kiểm soát bởi đối lập và chấp nhận khi làm sai thì phải được thay thế.
Thế nhưng mặc dù biết như vậy, mặc dù hiểu như vậy, các nhà dân chủ trên thế giới khi cầm quyền, khi có trách nhiệm thường quên vai trò « công dân » của mình. Trách nhiệm là chấp nhận « sư kiểm soát », và không ai kiểm soát mình hay bằng địch thủ mình. Vì vậy phải trong sáng, Chỉ cần có trong sáng, perestroika là chế độ Đảng Cộng sản Liên Sô chuyên môn dùng mờ ám làm món hàng chánh của mình bị tan vỡ ngay .
Liên Âu và quan niệm Liên Âu, căn nhà Liên Âu là một quan niệm đầy triết lý nhơn ái và hòa bình, nhưng quan niệm và căn nhà ấy được xây dựng từ 60 nay bởi các nhà trí thức, bởi các chánh trị gia ! Chưa ai thực sự đi hỏi người dân Âu châu xem họ có thực sự muốn thế nào là Âu châu chăng ? Những quan niệm ấy có được qua một khóa huấn luyện bày tỏ, tranh cãi chưa ?
Thế giới chánh trị Tây phương từ những ngày đầu của thời lập hiến được chia ra hai loại chánh kiến : bảo thủ và cấp tiến. Rồi vì vị trí chổ ngồi ở những Quốc hội, « ngưu tầm ngưu, mã tầm mã » phân chia tả , hửu. Rồi cuôc nội chiến ở Tây Ba Nha, chia ra hai phần Quốc gia là bảo thủ, là Hửu phái và Quốc tế là Cấp tiến là Tả phái. Quan niệm sai lầm đó đến ngày nay đã mang lại gần 50 triệu người chết với con «Quỷ Đen Hửu phái» và 100 triệu người chêt với «con Quỷ Đỏ Tả phái» .
Lần đầu tiên trong lịch sử các quốc gia tiên tiến với những tập tục dân chủ lâu đời, có truyền thống, người dân nói tiếng nói của họ. Họ dám nói « NO » chúng tôi không đồng ý để các nhà trí thức trách nhiệm, đảng phái chánh trị đứng ra thay mặt chúng tôi cầm quyền vân mệnh chúng tôi.
Lần đầu tiên, trong lịch sử các quốc gia kém dân chủ, của các nước độc tài, đầy tăm tối, dân chúng sắp hàng hàng giờ nối đuôi đi bầu trong không khí lo sợ, hăm dọa của những tên khủng bố. Những quan niệm cướp chánh quyền, dành giựt chánh quyền của những đảng phái gọi là « cách mạng » nay đã lỗi thời. Từ nay thế giới chánh trị là thế giới của thương thuyết, của những cuộc nói chuyện. Cuộc nội chiến ở Syrie sẽ phải đi đến thương thuyết ở Bàn Hội nghị Montreux ở Thụy sĩ. Ở Bangui đang đi đến thương thuyết giữa hai nhóm tôn giáo. Ở Trung phi đã có bầu cử những người lãnh đạo (một nữ Tống thống đã được bầu).
Nói chuyện là trưởng thành. Nói chuyện giữa những người trưởng thành, giữa những đảng phái trưởng thành, giữa những công dân trưởng thành , bổn phận nhà cầm quyền nói chuyện với bổn phận công dân … Tiếp tục cai trị độc tài là phản dân chủ. Thế giới ngày nay là thế giới của hành chánh, luật lệ và công lý.
Việt Nam ta có một cái may mắn. Gần 40 năm sống không có chiến tranh. Trong một không khí hoàn toàn xây dựng. Với tất cả thế giới quan tâm để giúp đở Việt Nam xây dựng. Cớ sao ngày nay, với một khoảng thời gian dài như vậy, một nước Đức (phía Tây Đức) một nước Nhựt ? từ những đám gạch vụn của Hiroshima, Nagasaki, từ những sụp đổ tan tành của Dresden, Berlin, đã xây dựng họ thành những cường quốc kinh tế và phát triển thuôc hàng đầu thế giới ? Cũng trong khoảng thời gian đó Việt Nam vẫn phải cực khổ kéo cày với con trâu muôn thuở, vẫn hì hày hì hục chỉ kiếm hơn kém 1 ngàn dollars một đầu người?
Hỏi tức là trả lời.
Đó là do một sự lựa chọn sai lầm: miệng xưng là chánh quyền nhưng tay thì đi cướp của nhơn dân, nhà cầm quyền thì tự tôn, nhà quốc hội thì tự chỉ định. Tất cả chỉ cho một Đảng, do một Đảng, vi một Đảng. Một mình một chợ, làm ăn, xây dựng cho một “tập hợp tự gọi là Đảng”, bỏ quên người dân, bỏ quên đất nước, không làm nghĩa vụ thực sự của một Đảng chánh trị đúng nghĩa của nó. .
Một dân tộc từng tự hào có một nền Văn hiến độc lập khác với dân tộc bạn. Một dân tộc thường tự hào chống mọi ngoại xâm : nào chống Tàu, nào chống Mông cổ, chống Tây, chống Nhựt, chống Mỹ, ngày không đủ sức bảo vệ hai quần đảo… và vài đỉnh núi.
Tỉnh dậy đi các nhà cầm quyền Việt nam. Hãy lấy lại tự hào dân tộc, hãy trả quyền công dân cho công dân. Qua tổ chức bầu cử. Hãy hỏi thử người dân muốn được quản lý thế nào? thế nào là dân chủ? Hãy theo trào lưu dân chủ của những Bài học Dân chủ của suốt những năm nay của thế giới
Hồi Nhơn Sơn, 27tháng giêng 2014
Ngày Tunisie ban hành Bản Hiến pháp mới.
TS Phan Văn Song