Kỷ niệm 30 tháng 04 năm 2012, 37 năm sau ngày đảng Cộng sản Việt Nam cai trị cả nước, nhiều người từng vác súng đi “gỉai phóng miền Nam” đã hô dân vùng lên phá tan “ách kìm kẹp của bọn tự xưng là đầy tớ nhân dân”.
Trước tiên, hãy đọc Thông điệp của Nhà thơ Bùi Minh Quốc: “Chúng tôi đi, không tính toán so đo chuyện đói no sống chết, đi cho đến ngày 30 tháng 4.1975.
Đi cho đến ngày 7.01.1979, ngày 17.02.1979, lại thêm bao đồng đội của tôi chết trên đất Cam-pu-chia, trên biên giới phía bắc, trên biển Đông, bởi họng súng của những kẻ vốn được coi là đồng chí chí cốt, là bạn chí tình..
Và cho đến một ngày tôi cùng các đồng chí đồng đội đồng nghiệp của tôi nghe Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cất lời hô “cởi trói”.
Hóa ra những người chiến sĩ Giải phóng chúng tôi bấy lâu đã bị một thế lực nhân danh sự nghiệp Giải phóng ngấm ngầm trói buộc vào một cỗ máy lấy xương máu chúng tôi và xương máu nhân dân để đúc thành ngai ghế vua quan cách mạng của họ.
Tôi và nhân dân tôi lại tiếp tục đi, trong một không gian thanh bình trả giá bằng bao nhiêu xương máu để rơi vào một vòng nô lệ mới dưới ách bọn người tự xưng là đầy tớ nhân dân để làm vua quan cách mạng.”
Những dòng chữ của nhà Thơ nổi tiếng gốc “Bộ đội Cộng sản miền Bắc”, từng “một cách tự nhiên, tôi lên đường vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, trở thành người chiến sĩ Giải phóng” được gửi đi từ Đà Lạt tháng 04, 2012.
Ông nói nghẹn ngào:” Gần 40 năm đã qua kể từ ngày được gọi là “Giải phóng”
Ôi nhân dân, Người ẩn chứa những gì
Mà bao năm mòn gót còng lưng trước công đường của Đảng?
Các đầy tớ của Người mặt mày quan dạng
Ngồi dửng dưng sau từng núi đơn từ
Ôi nhân dân nhẫn nhục đến bao giờ?
Xiềng xích nào trong đầu Người trói buộc?
Nỗi nhẫn nhục nuôi béo bầy bạch tuộc
Trăm vòi đang hút kiệt nước non này.”
Thế rồi, nhìn vào làn sóng tự quật khởi vùng lên của nhân dân muốn “cởi trói” ách thống trị kìm kẹp ở mọi nơi, mọi chốn nhà Thơ hô hào: “Ngày càng đông đảo những người Việt Nam tự giải phóng khỏi nỗi sợ trước ách kìm kẹp của bọn tự xưng là đầy tớ nhân dân để làm vua quan cách mạng (trong đó có bọn lì lợm bám giữ ngai ghế bằng cách cam tâm ngấm ngầm làm tay sai cho thế lực bành trướng).Dựa chắc vào các chủ trương đúng đắn, các điều khoản đúng đắn của Hiến Pháp và pháp luật, tiến hành công khai và hợp pháp, trầm tĩnh và ôn hòa, kiên quyết và kiên trì, sự nghiệp tự giải phóng nhất định phát triển không gì ngăn cản nổi.
Ngày càng đông đảo, những con người Việt Nam kết chặt cùng nhau chống nội xâm chống bành trướng, ngày ngày cùng nhau cất tiếng hát vang:
Giải phóng Việt Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước! “
Nhưng không chỉ có một Bùi Minh Quốc đã thốt lên trong nghẹn ngào như thế mà còn có cả Nhà Thơ Lê Phú Khải cũng đã cất tiếng từ vùng đất hiền hòa Cần Thơ của Cửu Long Giang trong nỗi xót xa với Kỷ niệm 58 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” (03-5-1954/03-05-2012).
Ông viết:
“Khi Phan Đình Giót lấy ngực mình bịt lỗ châu mai
Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng
Tô Vĩnh Diện chèn lưng cứu pháo
Các anh có hay đâu 58 năm sau
Bọn xâm lược lại đội mồ đứng dậy
Cướp ruộng vườn ở Tiên Lãng, Văn Giang
Xin các anh cứ yên nghỉ suối vàng
Thời a còng không cần súng đạn
Chúng tôi tung lên mạng
Chúng tôi thét lên mạng
Chúng tôi gào lên mạng:
Lũ quỷ Sa tăng đang nhe vuốt giơ nanh
Cắn xé quê hương bằng dùi cui lựu đạn
Cho cả loài người thấy rõ Việt Nam:
“Dân chủ” gấp vạn lần tư bản
Khi tất cả đã nhìn ra sự thật
Sẽ có một Điên Biên trong thời đại a còng
(Cần Thơ ,01-5-2012)
Câu hỏi cho mọi người Việt Nam, từ Bắc vào Nam từng nuôi ăn bộ đội “mang danh giải phóng”, nhất là những đảng viên CSVN, tại sao Bùi Minh Quốc đã gọi những kẻ có chức, có quyền gian manh là “bọn tự xưng là đầy tớ nhân dân”?
Và nông nỗi nào mà Lê Phú Khải đã gọi những kẻ ra lệnh và chỉ huy quân đội, công an nổ súng tấn công để cưỡng chế phi pháp ruộng vườn của gia đình Đòan Văn Vươn ở Huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải Phòng ngày 05/01/2012 hay bắn đạn hơi cay, tung pháo cối thẳng vào dân và đánh dân tàn nhẫn bằng dùi cui để chiếm đất ở Văn Giang, Tỉnh Hưng Yên ngày 24-4 là “bọn xâm lược”, hay “lũ qủy Sa Tăng”?
Phải có cái gì qúa quắt lắm vượt qúa sức chịu đựng của con người khi nhà nước chà đạp lên luật pháp; biến dân thành kẻ thù; phản bội tuyên truyền “nhà nước ta là nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân” nên 2 Nhà Thơ mới thốt lên những điều ai óan như thế.
UẨN KHÚC VĂN GIANG
Tỷ dụ như trong vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang, nhà nước đã phạm luật khi bỏ dân để bênh vực quyền lợi của nhà đầu tư, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (chủ dự án Ecopark), để cưỡng chế chiếm đất của dân, trong khi Luật đã quy định nhà đầu tư phải thương lượng với chủ đất.
Theo tin điều tra của Báo mạng “Dân Làm Báo” thì Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (VIHAJICO, Viet Hung Urban Development and Investment J.S.C),thành lập ngày 19 tháng 8 năm 2003 nhưng chỉ hơn 2 tháng sau, vào ngày 31 tháng 10 năm 2003, Nguyễn Tấn Dũng đã ký văn bản số1495/CP-NN giao dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Thương mại – Dịch vụ Văn Giang trị giá 8 tỷ 2 dollars cho Vihajico.
Tại sao Dũng lại quyết định nhanh tốc hành như thế, dù Vihajico trên giấy tờ khai báo do Đào Ngọc Thanh đứng tên “Chủ doanh nghiệp”, chưa có qúa trình hoạt động nào?
Phải chăng vì Vihajico có liên hệ với Nguyễn Thanh Phượng, con gái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nên sự nhập nhằng giữa 2 Công ty cùng có tên là “Việt Hưng” là đầu mối của việc Nhà nước huy động Công an đến chiếm đất Văn Giang ?
Đến nay, theo tài liệu của “Dân Làm Báo” thì Phượng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của VietCapital Bank. Phượng cũng là người sáng lập và là Chủ tịch Hội dộng Quản trị của Công ty “Cổ Phần Phát Triển Bất Động Sản Việt Hưng “,họat động từ 30/11/2007, là đối tác chiến lược của VietCapital Bank, nhưng trên giấy tờ làm khác việc của Vihajico,.
Vẫn theo tài liệu của “Dân Làm Báo” thì hoạt động của Công ty Việt Hưng của Phượng đã được giấu kín có nhiều khả nghi.
Vì vậy Dân Làm Báo mới đặt vấn đề: “Tại sao công ty Cổ Phần Phát Triển Bất Động Sản Việt Hưng không có những thông tin về hoạt động? Tại sao vai trò chủ tịch HĐQT của Nguyễn Thanh Phượng trong công ty này không được chính thức công bố? Những người thành lập Vihajico là ai? Tại sao ông Nguyễn Tấn Dũng giao dự án 8,2 tỷ đôla cho một công ty mới thành lập hơn 2 tháng với 7 “pháp nhân” lẫn 2 “thể nhân” đến nay vẫn được dấu kín? Có sự “liên hệ không chính thức” nào giữa 2 công ty với tên gọi gần giống nhau: Cổ Phần Phát Triển Bất Động Sản Việt Hưng và Cổ phần đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng – một công ty do con gái thủ tướng làm chủ và một công ty được thủ tướng giao cho dự án 8,2 tỷ đôla?”
Hay là mọi người hãy bắc thang lên hỏi Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội xem có nên điều tra cho rõ trắng đen không?
Ở một nước dân chủ có pháp luật phân minh thì trường hợp hai công ty cùng có tên “Việt Hưng” không bao giờ xẩy ra vì vi phạm quyền thương hiệu.
Nhưng trong khi chờ xem cái “nhà nước pháp quyền” của Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời công luận về ai là kẻ thật sự có quyền ở Ecopark Văn Giang thì hãy nghe thêm những lời nguyền rủa vào mặt chế độ của Nhà văn Võ Thị Hảo từ Hà Nội.
Bà viết: “Bom nổ Tiên Lãng, Hải Phòng chưa dứt, thì gạch đá, khói lửa, máu đổ ở Văn Giang, Hưng Yên đã dâng lên.
Thực vậy, những tưởng sau kết luận của ông Thủ tướng Chính phủ về xử lý sai trái của chính quyền trong vụ Tiên Lãng, sau việc ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản hô hào rộng khắp phong trào chỉnh đốn Đảng, các cấp chính quyền, mà lãnh đạo tuyệt đối là Đảng viên, phải chú ý sửa mình, thì đêm 23 rạng ngày 24/4/2012, lại xảy ra một vụ đàn áp, cưỡng chế dân khốc liệt, khiến người dân vô cùng phẫn nộ.
Sự cưỡng chế lần này có quy mô lớn gấp cả chục lần về số lượng và càng có phần không kém phần thù địch chống dân của chính quyền, với những người chủ trương ra tay lấy đất của dân đã có tuyên bố trước, đầy dõng dạc.
Sự “thù địch” này đã tạo nên tiếng kêu khóc xé ruột, thấu trời của hàng trăm hộ nông dân tại ba xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao – huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên.
Tiếng kêu xé ruột của họ cũng bị khỏa lấp trong tiếng súng nổ, lựu đạn cay, tiếng gầm rú của máy xúc, máy ủi cùng tiếng đấm đá, đánh hội đồng của số đông những kẻ cưỡng bức họ và những phần tử a-dua, dấy máu ăn phần, những bàn tay sắt nối dài của chính quyền và những nhóm lợi ích.
Bóng những người nông dân khắc khổ, tay không vũ khí, không quyền lực, đói rách mong manh bị chìm ngập trong lực lượng vũ trang được công luận mô tả là lên tới cả ngàn người từ phía chính quyền và nhà đầu tư dự án Ecopark.
Nếu thế, thì lập trường “coi dân như kẻ thù” của nhiều lãnh đạo và viên chức chính quyền huyện Văn Giang và tỉnh Hưng Yên, đã thể hiện ở tầm cỡ còn lớn hơn, quyết liệt hơn cả Hải Phòng ư? “
Một số hình ảnh và Video ghi lại được gửi đi khắp thế giới trong khỏanh khắc ngày công an đàn áp dân Văn Giang 24/04 (2012) cho thấy Công an đã bắn đạn cay, tung pháo cối khói ngập trời rồi đánh đập dã man, đạp vào bụng nhiều thanh niên, khống chế, truy kích dân như trộm cắp đến đường cùng, nhưng “những miệng lưỡi rắn” của chính quyền Hưng Yên lại chối biến không có đàn áp.
Bản tin ngày 24/04 (2012) của Tỉnh Hưng Yên viết: “Các lực lượng thực hiện hỗ trợ thi công và cưỡng chế của huyện Văn Giang, sự hỗ trợ của Bộ Công an và Công an tỉnh, đã thực hiện tốt phương án đề ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, tài sản của nhân dân và các lực lượng tham gia hỗ trợ thi công, cưỡng chế….Trong quá trình tổ chức hỗ trợ thi công và cưỡng chế giải phóng mặt bằng bàn giao đất tại xã Xuân Quan đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và phương tiện; được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Văn Giang nói chung, xã Xuân Quan nói riêng đồng tình ủng hộ.”
Ai ủng hộ?
Mọi người chỉ thấy trong mấy tiếng đồng hồ nhiều tiếng súng đã nổ, đạn khói cay bắn về phía dân bao phủ một vùng trời như thời chiến tranh chen với những tiếng chửi rủa “quân ăn cướp” vô vọng của những phụ nữ tay không.
Thế mà tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày 02/05 (2012), Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào đã báo cáo xuyên tạc diễn tiến vụ Văn Giang với Nguyễn Tấn Dũng : “Những người lợi dụng dân chủ, móc nối với những phần tử tiêu cực, bất mãn, phản động trong nước và nước ngoài, cố tình chống phá chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, kìm hãm sự phát triển, thì nhất định phải có biện pháp xử lý kiên quyết.
Trong vụ việc ở Văn Giang, có sự móc nối chặt chẽ với những phần tử chống đối ở nước ngoài. Các thông tin thậm chí còn được tường thuật tại chỗ, từng giờ, để tuyên truyền xuyên tạc, dàn dựng những video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền.”
Nếu có bằng chứng “nước ngòai” thì dại gì mà Hào không trưng ra, nhưng chuyện “Video clip gỉa” tòan cảnh Công an mặc thường phục, phường du côn đeo bang đỏ cầm dùi cui đi lùng đánh dân giữa ban ngày, trước mắt người dân thì chỉ có miệng lưỡi rắn Hổ Mang mới ăn nói mất trí như thế.
Cụ Bà Lê Hiền Đức, một nhân sỹ chống gian tham nổi tiếng ở Hà Nội đã đến Văn Giang chứng kiến cảnh đàn áp của Công an hôm 24/04 (2012).
Bà đã nói với các Đài Phát thanh nước ngòai : “ Chỉ có súc vật mới không đau lòng thôi.”
Nhà văn Võ Thị Hảo cũng phản ảnh: “Thực tế chứng minh rằng chẳng phải do “thế lực thù địch diễn biến hòa bình”, lực lượng gây suy thoái, hãm hại nhân dân, đẩy sự tồn tại của Đảng đứng bên bờ vực thẳm, chính bởi nhiều “đồng chí đang là “ong tay áo” mặc sức bòn rút xương tủy của đất nước và nô lệ hóa người dân bằng việc bắt họ phải tuân theo tư tưởng lạc hậu cả mấy trăm năm và đã bị hầu hết loài người ghê sợ xa lánh.
Những kẻ đó không thể chỉ bị phê bình hoặc tự phê bình, “xử lý nội bộ”, kỷ luật xuê xoa, thuyên chuyển công tác, hoặc về hưu, xin “nghỉ mất sức” theo kiểu “hạ cánh an toàn”, thậm chí nhiều trường hợp còn lên chức cao hơn.
Một thông điệp ngầm mà cách quản lý xã hội hiện nay đang gửi tương lai là : hãy tiếp tục trộm cướp, và đã trộm cướp thì hãy làm những vụ thật lớn. Nếu trước đây trộm cướp năm trăm triệu, thì nay, hãy làm những vụ hàng chục, hàng trăm ngàn tỉ cho bõ công….”
“…Và nhà tù VN phải được dành chỗ để tống giam vô số “đại trộm cướp” tích tụ thành một “giai cấp” từ mấy chục năm đến nay. Trong đó, có kẻ đang tại vị và tiếp tục gây hại lớn, có kẻ đã “hạ cánh an toàn”. Đám trộm cướp kếch xù đó – dù có mỹ từ hóa hành vi của chúng là “tham nhũng”, là “sâu mọt”, là “cố ý làm trái”, hay “chưa ý thức đầy đủ”, “chưa triển khai đồng bộ”, “chưa đi sâu đi sát quần chúng”… gây hậu quả…hay gì đó nữa, dù là “trách nhiệm gián tiếp” hay “trách nhiệm trực tiếp”, thì vẫn phải trả về đích danh hành vi của chúng đã được định nghĩa rõ trong từ điển tiếng Việt tự ngàn xưa: phường đại trộm cướp.
Cần phải chỉ đích danh đám đại trộm cướp này là kẻ thù của nhân dân, đang phản lại công bằng và tiến bộ xã hội. Người dân căm phẫn và khinh miệt lũ chúng. Đám này đánh cắp cả quá khứ, hiện tại và tương lai của đất nước.”
Nhưng chông chỉ có giới Văn-Nghệ sỹ mới động lòng đau xót cho hòan cảnh của gia đình Đòan Văn Vươn ở Tiên Lãng và đồng bào huyện Văn Giang.
NHỮNG UẤT ỨC KHÁC
Ông Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ CSVN, nguyên Trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết : “ Xem và nghe các tin tức về vụ cưỡng chế thực hiện thu hồi đất cho dự án Ecopark ở Văn Giang, tôi không thể nén được trong lòng sự căm giận và nỗi hãi hùng. Căm giận vì không thể chấp nhận nhà nước của dân, do dân, vì dân lại hành xử với dân như vậy, hãi hùng vì thấy rằng hệ thống chính trị nước ta đã có được trong tay lực lượng vũ trang sẵn sàng thực hiện lệnh trấn áp như vậy đối với dân.”
Nguyên Đại biểu Quốc hội Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết đã nói lên cảm tưởng của mình bằng Thơ ngày 27-04 (2012):
“Cưỡng chế xong rồi
Không chiến sĩ nào xây xát nhẹ.
Các cậu cứ đùa
Trang bị ngon lành thế
Không xong mới là điều khó khăn.
Người thắng trận này không phải nhân dân.
Dân là vậy
Chỉ thắng trong trận cuối.
Nhưng chính quyền nhân dân thất bại
Khi tấn công những người mình nhân danh.”
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, Nhà địa vật lý phát biểu ngày 02-05 (2012) : “ Ngày còn là sinh viên tôi đã từng lội đồng vác đất góp sức khơi mở cống Xuân Quan. Trệu trạo mấy nắm mỳ luộc nhân dĩn (mọt gạo), bập bõm chút nhạc lý tự học; nhưng vì mơ ngày nước tràn đồng tưới xanh ruộng mật bờ xôi, với cảm xúc tràn trề tôi đã viết ca khúc “Dào dạt Xuân Quan”. (Ca khúc này hình như chỉ được vài chục người hát trong vài tuần).
Lâu lắm rồi không thăm lại Xuân Quan nhưng trong tâm tưởng tôi ở đấy (nhờ có nước của Đảng đưa về tưới tắm) vẫn xanh mượt vườn cây trái, vàng ươm lúa chín thơm, và mấy năm gần đây còn xen thêm những luống hoa, vườn cảnh muôn mầu …
Thế mà, mấy ngày vừa rồi bỗng gặp lại Xuân Quan qua các video clip trên màn hình computer với rừng rực lửa đuốc, ầm ào tiếng súng, tiếng mìn, tiếng người kêu khóc!
Thảm họa rồi!
Không thể không lên tiếng cùng Xuân Quan, cùng bà con nông dân Văn Giang.
“Lấy thịt đè người” cưỡng chế nông dân Văn Giang, chính quyền đã phạm bốn lỗi/tội ác không thể không chê trách, không thể không oán giận.”
Và cuối cùng, một nhóm 8 Nhà Trí thức gồm các ông Giáo sư Nguyễn Huệ Chi; Nhà giáo Phạm Tòan; Giáo sự-Tiến sỹ Nguyễn Thế Hùng, Đại học Đà Năng; Nhà văn Hòang Hưng; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hòang Dũng, Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh; Tiến sỹ Phạm Hòang Oanh, Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh; Tiến sỹ Nguyễn Đình Nguyên và Đạo diễn Điện ảnh Song Chi, ở Na Uy đã cùng nhau phát biểu chung đòi Nhà nước phải : “
-Công khai xin lỗi, bồi thường cho những người dân bị đánh đập, ngược đãi trong vụ cưỡng chế.
-Làm lễ tạ tội những hương hồn đã bị đào mồ, phơi xương trắng; xin tạ lỗi với những hậu duệ của người chết, xin khôi phục mồ mả của cha ông họ.
-Đền bù thiệt hại của những hộ nông dân bị giải tỏa đất trong vụ cưỡng chế bằng các hình thức được họ chấp nhận.
Họ cũng nói cho đảng CSVN biết rằng: “Vụ cưỡng chế giải tỏa đất đai bằng vũ lực diễn ra sáng 24/4/2012 ở địa bàn huyện Văn Giang, Hưng Yên đang gây xúc động mạnh mẽ tất cả những người Việt Nam có lương tri, dấy lên nỗi lo lắng chưa từng có trong tất cả những người Việt Nam có suy tư về vận mệnh đất nước.
Cho đến hôm nay, đã có thể nhận rõ những sự thật đau lòng về bản thân vụ Văn Giang cũng như những sự thật nguy hiểm đối với đất nước đã được phơi bày từ vụ này.
Để chứng tỏ quyền lực của chính quyền trong việc “hỗ trợ” một dự án kinh doanh tư nhân được nhà nước bảo trợ thông qua những điều luật và điều khoản dưới luật đã và đang ngày càng bị công luận đồng thanh phản bác vì bản chất vi hiến, đi ngược lại quyền lợi của đại đa số nông dân, thành phần chủ yếu của nhân dân Việt Nam, thành phần từng là chủ lực quân của cuộc cách mạng và chiến tranh do Đảng Lao Động, Đảng Cộng Sản Việt Nam phát động và lãnh đạo trong nửa thế kỷ qua, chính quyền đã huy động hàng ngàn công an, cảnh sát vũ trang hùng hậu đàn áp cuộc chống đối giải tỏa của hàng trăm nông dân quyết bảo vệ mảnh đất thấm mồ hôi, nước mắt và máu, còn lưu giữ xương cốt của cha ông từ nhiều đời.
Những hình ảnh lan truyền khắp thế giới đã khiến tất cả những ai có lương tri của Con Người phải phẫn nộ. Những kẻ vũ trang tận răng xông vào đánh đập vài người nông dân yếu ớt. Những tiếng khóc la của đàn bà, con trẻ làm đau nhói tim người. Những mảnh xương cốt cha ông bị máy ủi xới bật lên trên cánh đồng xanh tốt phút chốc tan hoang để lại một ấn tượng chua xót và tủi nhục. Đó là những tội ác Trời không dung, Đất không tha.
Những hình ảnh phơi bày trước con mắt nhân dân trong nước và thế giới sự đối đầu không khoan nhượng giữa bộ máy đàn áp của chính quyền với một bộ phận nông dân, sự bạo hành chỉ có thể áp dụng đối với kẻ thù của nhân dân. Nguy hiểm hơn nữa cho đất nước, qua vụ Văn Giang có thể thấy một đội ngũ mang danh công bộc của dân nhưng lại chống đối nhân dân với tâm lý không biết sợ, không biết thẹn, không biết đau biết tủi.”
Như vậy bây giờ, sau 37 năm thống trị trên cả nước từ ngày được gọi là “giải phóng thành công”, hay chua ngoa rêu rao “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, những người Cộng sản, nếu còn chút danh dự, hãy tự xét xem họ có công hay có tội với đất nước?
Họ hãy lắng nghe tâm tư của Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Tp Hồ Chí Minh viết về ngày 30-04-2012: “ Vậy thì nhìn lại 37 năm qua, mục tiêu ban đầu của cách mạng đã được thực hiện như thế nào?
Về mục tiêu độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ:
Sau 30.4.1975, nhiều người vẫn nghĩ rằng chẳng còn kẻ thù nào gây hấn, phá hoại nền độc lập, tự chủ và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng đâu có ai ngờ kẻ thù đó lại là “ông bạn vàng, môi hở răng lạnh” từ phương Bắc xua quân đánh qua các tỉnh biên giới phía Bắc. Xúi bọn tay sai Pôn Pốt đánh qua biên giới phía Nam và trước đó vào năm 1974, đã đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng hoà. Sau đó, vào năm 1988, đánh chiếm đảo Gạc Ma và một số đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam… gây biết bao đau thương, tang tóc cho đồng bào, chiến sĩ chúng ta. Bên cạnh đó, việc mở đường cho bọn bành trướng Bắc Kinh vào thuê đất rừng ở các tỉnh biên giới, vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên, đưa công nhân vào tận đất mũi Cà Mau và nhiều vùng kinh tế trọng điểm khác.
Ngoài ra, sự nhu nhược, khuất tất trong việc xử lý, đối phó với những hành động phá hoại, ngăn trở việc khai thác dầu khí trong vùng lãnh hải của Việt Nam, việc giết chóc, bắt bớ, đánh đập, giam cầm, đòi tiền chuộc như kẻ cướp biển đối với ngư dân chúng ta đang đánh bắt ở các ngư trường truyền thống biết bao đời nay… đã làm nhân dân cả nước bất bình, phẫn nộ nên đã nổ ra các cuộc biểu tình yêu nước ở Hà Nội, TP. HCM và đã bị đàn áp dã man, vi phạm nghiêm trọng các quyền tự do của công dân đã được ghi trong Hiến pháp.”
“Về mục tiêu dân chủ, tự do, công bằng và tiến bộ xã hội”, theo ông Lê Hiếu Đằng, một cựu sinh viên chống Mỹ và chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong thời chiến, thì : “Có thể nói đây là một nội dung cốt lõi nhất qui định bản chất của một chế độ xã hội, tiến bộ hay lạc hậu.
Thực tiễn cho chúng ta thấy là trong 37 năm qua, từ 30.4.1975 đến nay, các quyền tự do, dân chủ được qui định trong Hiến pháp 1946 đã bị tước đoạt toàn bộ. Nhà nước dân chủ cộng hòa đã bị thay thế bằng một nhà nước toàn trị, độc đoán. Tinh thần tiến bộ của “Tuyên ngôn độc lập” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên đọc tại Ba Đình lịch sử với cam kết đem lại “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” cho đất nước và cho nhân dân đã gần như bị lãng quên, nếu không nói là đã bị phản bội. Thành quả cách mạng đã bị đánh tráo. Các quyền cơ bản của người dân như tự do báo chí, tự do biểu tình, đình công, tự do lập hội… đều bị ngăn cấm hoặc xâm phạm thô bạo như đàn áp các cuộc biểu tình ở TP. HCM, ở Hà Nội, bức tử viện nghiên cứu độc lập đầu tiên của trí thức (IDS), bắt bớ, giam cầm các nhà đấu tranh cho dân chủ, các blogger, các nhà báo tự do và gần đây nhất là tại TP. HCM, bằng chỉ thị miệng, lén lút và hèn hạ, đã cấm chiếu phim “Hoàng Sa – Nỗi đau mất mát” của André Menras, giải tán hoạt động của các tụ điểm văn hóa lành mạnh như Ami ở Văn Thánh, café Thứ Bảy, bãi bỏ một số buổi giao lưu giữa bạn đọc với một số học giả, trí thức, nhà văn mà chính quyền cho là có “vấn đề” tại Hội sách TP. HCM mới đây, không cho tiếp tục chuyên mục “Câu chuyện triết học” hằng tuần vào số báo thứ tư của Sài Gòn Tiếp Thị.”
Ông Lê Hiếu Dằng kết luận: “Nghiêm trọng nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà nước đã dung túng cho các chính quyền địa phương giải tỏa, đền bù đất đai của dân với giá rẻ mạt, hay nói thẳng ra là làm tay sai cho các chủ đầu tư, bọn làm giàu bất chính cướp đất của dân. Việc huy động quân đội, công an cảnh sát đàn áp gia đình Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, huy động hàng ngàn công an dùng dùi cui, khiên giáp, lựu đạn cay “hỗ trợ” nhà đầu tư giải tỏa đất của nông dân ở huyện Văn Giang, Hưng Yên. Tiếng la khóc của người dân, tiếng nổ của lựu đạn cay, khói lửa bay mịt mù làm tôi nhớ lại bài hát Hát trong làn khói đạn của Trương Quốc Khánh trong phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn ngày nào:
“Trái đạn nào là trái đạn không cay
Sinh viên nào không đấu tranh ngày ngày
Dùi cui nào mà đánh mình không đau
Học sinh nào mà không mến thương đồng bào…”
Viết đến đây, tôi cảm khái ngước mặt lên trời mà than rằng: “Lịch sử ơi, sao ngươi chơi trò trớ trêu và cay đắng quá vậy. Ta đi chống chế độ cũ đàn áp nhân dân, nay ta lại gặp cảnh cũ như là trong cơn ác mộng!”
Đúng đó là “cơn ác mộng” mà hai Nhà Thơ Bùi Minh Quốc và Lê Phú Khải đã hét lên trong những vần Thơ sau 37 năm đất nước và dân tộc bị rơi vào tay người Cộng sản, những người tự nhận là “đầy tớ của nhân dân”!
Phạm Trần