Mùa hè tại Âu châu nói chung và tại Paris nói riêng với những lễ hội truyền thống như Đêm trắng, Ngày Âm nhạc, Carnaval..v.v… đã thu hút đông đảo người tham gia.
Trong đó lễ Carnaval với nhiều mầu sắc khác lạ đã làm thích thú giới thưởng ngoạn. Carnaval năm nay đặc biệt có sự tham gia lần đầu tiên của cộng đồng người Việt tại Pháp. Tường An gửi về một vài hình ảnh của sắc màu Việt Nam trong lễ hội Carnaval 2012 tại Paris.
Cộng đồng người Việt tham gia Carnaval 2012
Mùa hè Âu châu bắt đầu bằng những cơn mưa rào như những cơn mưa bóng mây ở VN, nó đến và đi cũng thật nhanh làm người Việt xa quê liên tưởng đến câu thơ của một thời áo trắng :
«Trời mưa thì mặc trời mưa,
Anh che nón lá anh đưa em về»
Những chiếc nón lá nhẹ như tơ liễu, giản đơn nhưng hữu ích của người nông dân VN hôm nay cũng đã góp mặt bên cạnh những sắc màu rực rỡ của những bộ trang phục Brazil, Columbia, Tahiti…v.v…. những chiếc nón khiêm tốn một cách rất VN ấy được tôn vinh thêm bởi những chiếc áo dài, áo tứ thân, áo bà ba trong bức tranh Việt Nam có mặt trong lễ hội Carnaval Tropical de Paris năm 2012.
«Harmony’s day là một hội để họp lại tất cả các văn hóa của tất cả các chủng tộc để chia sẻ với nhau về văn hóa, khi nào văn hóa hợp với nhau thì các dân tộc ít căng thẳng hơn. Vì thế tôi muốn lập ra hội Harmony’s day»
Sự bắt đầu nào cũng khó khăn, nhất là văn hóa Carnaval lại không phải là một văn hóa quen thuộc với người Việt. Nói đến Carnaval là nói đến những điệu nhạc rập rờn, sống động, với kèn trống rôm rã mà người nghe cũng phải khua chân, múa bụng. Nói đến carnaval là nói đến những màu sắc rực rỡ của các loại y phục lạ lẫm, đến những chiếc nón lông chim, những bộ y phục hở hang, những vũ khúc múa bụng..v.v.., trong khi nói đến văn hóa VN là nói đến những câu hò, tiếng hát dịu dàng, những bộ y phục kín đáo, những điệu vũ thướt tha. Thế nhưng, văn hóa là một ngôi nhà mà những khác biệt đều có thể hội tụ để làm phong phú thêm những căn phòng còn đóng kín. Cánh cửa ấy hôm nay đã mở để thấy những nét rất duyên dáng của bức tranh Việt Nam với 3 chủ đề : Hai Bà Trưng, Đám cưới nhà quê, Đàn tranh.
Chị Yến Vương, một cựu học sinh Gia Long, góp mặt trong phần trình diễn của hai bà Trưng, lần đầu tiên tham gia lễ hội Carnaval, với chị là một kinh nghiệm không thể nào quên. Rất tự hào và cũng rất khiêm nhường, chị cho biết cảm tưởng của mình:
«Lần trình diễn này đã trình diễn mấy lần cho cộng đồng VN xem rồi, đây là màn « Anh thư nước Việt » và đứng đầu là xe hoa của hai Bà Trưng. Hôm nay nói chung rất là hài lòng. Coi như phái đoàn VN là thành công. Lúc đầu qua bao nhiêu là cực khổ của các anh chị vì cộng đồng VN biết rất trể, chỉ làm có 2 tháng thôi, người nào cũng đi làm hết, tối về phải thức khuya đến 1-2 giờ để gửi mails, tổ chức.v.v… Mới đầu chỉ có mấy người thôi, về sau, khi quyết định làm nên cố gắng. Đây là sự thành công của tất cả các anh chị trong cộng đồng VN và đặc biệt là cám ơn anh Nghĩa và cám ơn các anh chị đã chung lo để cho Carnaval được thành công ngày hôm nay.»
Trời mưa thì mặc trời mưa, đoàn người vẫn tiến về phía trước, các vũ công vẫn tươi cười lắc bụng trước khán đài để các giám khảo chấm điểm. Năm nay, nữ hoàng của Carnaval Tropical de Paris là cô Isabelle đến từ Guadeloup đã khai mạc lễ hội tại place de Nation. Brazil không hổ danh là xứ sở Carnaval với những màn múa bụng hấp dẫn, sắc dân Miyo với sáng kiến lạ lẫm trong những chiếc áo kết bằng những nút chai nhiều màu sắc. Lễ hội Carnaval năm nay với 49 phái đoàn gồm 5300 người, đại diện cho 22 quốc gia. Khởi hành từ place de Nation và trở về đó sau một đoạn đường dài 4700 mét. Năm nay, số người xem khoảng 200.000 người, ít hơn năm ngoái ( 450.000 người) có lẽ vì thời tiết không chiều lòng người, những chiếc áo dài thướt tha thỉnh thoảng cũng phải chạy trốn những cơn mưa bất chợt.
Nhịp cầu kết nối giúp người Việt lại gần nhau hơn
Là phái đoàn thứ 21 trong 49 đoàn diễn hành. Phái đoàn VN gồm 165 người với rất nhiều áo dài và nón lá. Những cô gái trẻ trung xinh xắn trong chiếc áo bà ba, đầu đội thúng, hấp dẫn quan khách với màn múa kiếm của bà Trưng, bà Triệu, nhạc cảnh cô dâu, chú rễ làng quê trong tiếng đàn tranh, tiếng sáo và tiếng trống làng, nhóm ca Favic với các ông Tây bà Đầm xúng xính trong y phục VN cũng góp mặt, Tây sơn biểu diễn ngọn võ cổ truyền. Dáng đứng Việt Nam sống động và ngoạn mục trong lễ hội Carnaval 2012, khách xem hai bên đường trầm trồ và không thiếu lời khen. Anh Oscar Nghĩa rất vui với sự hiện diện của phái đoàn Việt nam năm nay trong lễ hội mùa hè này và cho biết cảm nghĩ của mình:
« Thứ nhất là đã nhiều năm tôi tổ chức Carnaval nhưng chưa lần nào có người VN tham dự, đây là lần đầu tiên có phái đoàn người VN hải ngoại tham dự nên tôi rất vui và hãnh diện. Sự có mặt của người VN chính là điều tôi mong muốn từ lâu. Cảm nghĩ thứ nhì của tôi là cám ơn tất cả những người bạn VN đã xung phong bỏ sức tham gia rất nhiệt tình để có kết quả trong ngày Carnaval Tropical de Paris 2012. Và tôi cũng mong đó là một thông điệp, một nhịp cầu để nối những người VN lại gần nhau hơn nữa để cùng song song và tiến bước đi lên theo đà tiến bộ về mọi mặt để không thua kém bất cứ một quốc gia nào.»
Lễ hội Carnaval có lẽ vui, nhưng không lạ với hàng trăm ngàn người đứng dọc hai bên đường. Tuy nhiên, với chị Loan, đây là lần đâu tiên chị được tham dự một Carnaval bằng mắt thấy, tai nghe chứ không phải qua màn ảnh truyền hình. Chị Loan đến từ VN, đi qua Pháp du lịch và tình cờ được nhìn thấy một lễ hội vui nhộn và đầy thú vị. Chị chia sẻ:
«Em thấy rất là vui và lạ mắt nữa tại vì Việt Nam cũng chưa bao giờ từng được xem. Thấy rất là vui và phấn khởi nữa. Mình nhìn lại truyền thống của nước nhà mình đó, thấy cũng rất là hay. Mấy anh chị bên đây mà tổ chức được như vậy là quý lắm đó. Thấy vui mà xúc động thiệt đó. Tại vì đi vòng vòng để tìm chổ mấy anh chị trình diễn, tự nhiên thấy tà áo dài , cái nói « rồi rồi, Việt Nam rồi, Việt Nam rồi ! » Rất là mừng , làm như mình tìm lại được cái gì đó thân thương !»
Phái đoàn cuối cùng trình diễn trước khán đài đã đi qua, nhưng tiếng trống, tiếng kèn còn vang vọng trên đường phố Paris, còn đọng lại những âm hưởng trong lòng của mọi người. Mệt mỏi, nhưng hài lòng, anh Oscar Nghĩa Phạm cho biết công việc bảo tồn và truyền bá văn hóa cho nhau là một hành trình để xóa mờ ranh giới giữa các dân tộc, đem người gần lại với người và như thế, con người có thể sống chung hài hòa. Anh chia sẻ về những dự định trong tương lai và mong muốn có sự kết hợp của các cộng đồng người Việt tại các nước khác trên thế giới vào ngày Văn hóa năm 2013 sẽ được tổ chức tại công trường Hòa Bình, dưới chân tháp Eiffel:
«Về hoạt động tương lai thì tôi đã chuẩn bị để làm một ngày Văn hóa quốc tế tại Place Trocadero vào tháng 6 năm 2013. Tôi xin mời năm tới, những phái đoàn văn hóa của Hoa Kỳ, Canada và các nước khác đến để cùng tổ chức và chia sẻ nền văn hóa của người Việt sống tại Hoa Kỳ, Canada và các nước khác với tôi.»
Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc là thao thức của cộng đồng người Việt hải ngoại từ bao nhiêu năm nay. Tất nhiên nó đòi hỏi sự phấn đấu của từng cá nhân, mỗi gia đình để nền văn hóa Lạc Việt không bị tan loãng vào quá trình hội nhập của nền văn hóa sở tại.
Tường An — RFA, Paris
2012-07-09