Người dân tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa 40 năm ở Hà Nội dù bị ngăn cản.
Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều năm đã có sự dịch chuyển chính sách khi cho phép địa phương đánh dấu 40 năm sự kiện hải chiến Hoàng Sa tháng 1/1974.
Nhưng việc người dân bị cản trở làm lễ tưởng niệm tại trung tâm thủ đô Hà Nội cho thấy sự dè chừng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Trong những ngày trước dịp đánh dấu sự kiện quần đảo Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc sau trận đánh ngắn ngủi từ 17 đến 19/1/1974, báo chí chính thống Việt Nam được tự do đăng các tư liệu và bình luận về sự kiện.
Tại Đà Nẵng, nơi theo luật Việt Nam quản lý Hoàng Sa, cũng đã tổ chức một số hoạt động như triển lãm về Hoàng Sa và Trường Sa tại Bảo tàng Đà Nẵng, Hội thảo Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Dù vậy, UBND huyện Hoàng Sa đã xin lỗi khi hủy buổi lễ thắp nến tri ân hướng tới Hoàng Sa dự tính tổ chức ngày 18/1.
Mở bằng chương trình nghe nhìn khác
Và tại thủ đô Hà Nội hôm 19/1, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi nói với BBC cuộc tưởng niệm của người dân ở khu vực Tượng Đài Vua Lý Thái Tổ, Vườn hoa Chí Linh, đối diện Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã bị cản trở bởi một lực lượng phối hợp khá đông đảo giữa an ninh, công an, trật tự, dân phòng.
Giáo sư Chi, đồng khởi xướng trang mạng Bauxite Việt Nam, nói động thái cho thấy sự ‘bị động’ của chính quyền.
Ông nói: “Việc để cho dân tự do được làm một cuộc tưởng niệm mà mình có tham dự với tư cách tiếng nói của người cầm quyền, chính chỗ đó là chỗ mà giữa hai bên, phía cấp tiến và phía bảo thủ, tôi chắc là có sự khác nhau và cuối cùng mới diễn ra một sự bị động như thế.”
“Chứ còn giải quyết thông đồng bén giọt, thành một chủ trương đâu ra đấy thì tôi chắc không thể có hiện tượng như sáng nay, bầy ra việc để cho thợ cưa đá làm bụi mù mịt lên ở chỗ Tượng Lý Thái Tổ và có những cái loa xói vào tai mọi người như vậy.”
Truyền thông
“Có lẽ vấn đề giải quyết bài toán đối ngoại mà đặc biệt là giải bài toán ‘đi dây’ trong hệ trục tay ba là cực kỳ khó khăn, muốn giải quyết vấn đề đó, họ phải giải quyết vấn đề đối nội.”
Phạm Chí Dũng
Từ Sài Gòn, hôm Chủ Nhật, blogger Huỳnh Ngọc Chênh, cựu Thư ký Tòa soạn báo Thanh Niên, nói với BBC ông tin rằng mọi chủ trương, hoặc thay đổi chủ trương về đưa tin bài với truyền thông báo chí chính thông, nhà nước đều phải có chủ trương từ trên xuống.
Theo ông Chênh, lúc đầu ban lãnh đạo đã có một số động thái cởi mở, cho phép truyền thông chính thống được đề cập khá chi tiết, tường tận sự kiện Hoàng Sa, làm cho nhiều người tưởng rằng chính quyền muốn ‘đối kháng’ lại những động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng do có áp lực rất mạnh, mà Bộ Chính trị hoặc một cấp còn cao hơn, đã phải tính toán lại.
Ông nói: “Tất cả những gì thể hiện trên báo chí đều phải được thay đổi từ trên cấp lãnh đạo.”
“Chúng tôi nghĩ rằng lãnh đạo mình đã có thay đổi mạnh mẽ, để đối kháng lại những thái độ hung hăng kể cả của Trung Quốc trên Biển Đông, mà thể hiện ra càng ngày càng dồn dập như đưa hàng chục ngàn tàu cá, rồi tuyên bố ‘đường lưỡi bò’, rồi sau đó tuyên bố vùng cấm đánh bắt cá v.v…
“Sau đó mọi người xôn xao và nói rằng có lệnh ở trên bắt phải ngưng lại hết, lệnh đến từ đâu thì có người nói đến từ Bộ Chính trị, có người nói còn xa hơn Bộ Chính trị nữa, chắc chắn là có phản ứng, qua đó thấy chắc chắn là có phản ứng của phía nhà cầm quyền Trung Quốc.”
Luồng dư luận mà ông Chênh đề cập xem sự kiện Hoàng Sa 40 năm là một phép thử chính trị.
Những người theo quan điểm này cho rằng chính quyền Việt Nam đang bối rối trước áp lực được cho là rất mạnh của Trung Quốc.
‘Giải bài toán đi dây’
Cũng hôm 19/1 từ Sài Gòn, nhà báo tự do, Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng tin rằng căn gốc của sự kiện này và nói rộng hơn, nhiều vấn đề khác trong chủ trương, đường lối chiến lược của Việt Nam hiện nay là từ sự khó khăn trong việc xử lý quan hệ tay ba Việt Nam, Trung Quốc, Phương Tây.
Theo ông Dũng, chính việc xử lý lúng túng này đã dẫn tới nhiều cung cách hành xử bất nhất, của chính quyền Việt Nam.
Việc xử lý được cho là ‘đi dây’ trong quan hệ tay ba nói trên đang là thách thức lớn nhất của Đảng và chính quyền, vì nếu Việt Nam được cho là tiếp tục chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, thì họ lo ngại bị Bắc Kinh lấn lướt về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải.
Trong khi đó, nếu Hà Nội tìm cách ‘đến gần hơn’ phương Tây và cải cách, thì có thể nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ không hài lòng,đồng thời ‘cải cách và xích lại’ với phương Tây có thể làm cho lợi ích, vị thế của chính Đảng Cộng sản bị ảnh hưởng.
Tiến sỹ Dũng cho rằng Việt Nam phải đi từ gốc vấn đề bằng cách giải trước ‘bài toán nội bộ’.
Ông nói: “Nay vào thời điểm sắp hoặc gần được gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nội tình Đảng Cộng sản Việt Nam đã không còn thống nhất được như trước nữa,
“Và một khi không thống nhất được, thì có lẽ vấn đề giải quyết bài toán đối ngoại mà đặc biệt là giải bài toán ‘đi dây’ trong hệ trục tay ba là cực kỳ khó khăn, muốn giải quyết vấn đề đó, họ phải giải quyết vấn đề đối nội.”
“Không loại trừ tới một thời điểm nào đó, sự xung đột giữa các nhóm lợi ích, sẽ trở nên bùng nổ và lên tới cao trào, mang tính sống mái, chứ không còn là thỏa thuận, thỏa hiệp với nhau nữa,” Tiến sỹ Dũng nhấn mạnh.
‘Kỳ vọng, chia sẻ’
Trở lại với sự kiện có thay đổi trong chủ trương của chính quyền trong đánh dấu trận Hải chiến Hoàng Sa 40 năm về trước, một số ý kiến quan sát dịp này cũng bày tỏ một cấp độ chia sẻ, kỳ vọng nhất định vào sự ‘thay đổi’ quan điểm, chủ trương của Nhà nước trong quan hệ với Trung Quốc, nhất là khi nhìn lại các cuộc xung đột Trung – Việt gần đây.
Hôm 17/1, ông Dương Danh Dy nói với BBC ông tin rằng không chỉ trong đợt 40 năm Hải chiến Hoàng Sa này, mà tưởng niệm các cuộc xung đột với Trung Quốc sắp tới trong năm, sẽ có những thay đổi về phía Đảng và nhà nước.
Cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc trong những năm 1993-1996 nói: “Tôi thấy là chủ trương và không khí năm nay khác hẳn mọi năm. Vì đây là lần đầu tiên vấn đề kỷ niệm ngày chúng ta (Việt Nam) bị mất một nửa Hoàng Sa được tiến hành một cách khá phổ biến và khá rộng rãi, nhiều tổ chức, dân chúng, đoàn thể, các tờ báo, báo chí được công khai phát biểu những bài nói của mình về sự kiện này.”
“Tôi không tin rằng những ông ở Bộ Chính trị, ở cấp lãnh đạo nhà nước VN là không yêu nước, không có những phản ứng trước thái độ hung hăng của TQ. Tôi tin chắc… các ông đó cũng như người dân cùng một tâm trạng, đều có ý muốn giành lại chủ quyền, đứng vững trước mọi áp lực ngoại bang”
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh
“Tôi biết rằng trong vấn đề Trung Quốc đánh chiếm một nửa Hoàng Sa năm 1974, cũng Trung Quốc đánh chiếm Biên giới phía Bắc năm 1979, thì thái độ của Ban lãnh đạo Việt Nam hiện nay bắt đầu có những thay đổi. Tôi xin nói rằng sẽ đón chờ, sẽ đến ngày 17/2/2014, trên các phương tiện chính thống, truyền thông Việt Nam sẽ nói về cuộc chiến này một cách khá lạ, khá đậm nét, để cho dân chúng cũng như những người bên ngoài hiểu rõ hơn.”
Bình luận về ý kiến của ông Dương Danh Dy, Giáo sư Huệ Chi hôm Chủ Nhật nói: “Ông Dương Danh Dy phát biểu như thế, người ta có thể nghĩ rằng ông ấy lạc quan quá mức cần thiết, bởi vì thực tế chưa cho phép như thế.
“Nhưng đối với người cầm quyền, tôi nghĩ, không phải là họ thay đổi đâu, trước cái sự bề ngoài có vẻ nhẫn nhịn, nhưng bên trong âm thầm chuẩn bị, như mua tàu Kilo chẳng hạn, thì tôi chắc, trước sau nhà cầm quyền cũng đã nghĩ tới việc bảo vệ độc lập lãnh thổ mà nhìn thấy nguy cơ lãnh hải có thể mất thêm và họ chuẩn bị âm thầm.”
Còn blogger Huỳnh Ngọc Chênh cũng bày tỏ chia sẻ và hy vọng:
“Phải có áp lực mạnh như vậy, vì tôi không tin rằng những ông ở Bộ Chính trị, những ông ở cấp lãnh đạo nhà nước Việt Nam là không yêu nước, không có những phản ứng trước thái độ hung hăng của nhà cầm quyền Trung Quốc,
“Tôi tin chắc như vậy, các ông đó cũng như người dân cùng một tâm trạng, đều có ý muốn phải giành lại chủ quyền, phải đứng vững trước mọi áp lực cùa ngoại bang.” ông nói với BBC.
BBC