Học tiếng Việt để làm gì?
Khoảng đầu thập niên 1982-83, chính phủ Úc có kế hoạch đưa tiếng Việt vào dạy như là một ngôn ngữ cộng đồng trong 3 trường cao đẳng Milperra College of Advanced Education (MCAE), bang New South Wales, Phillip Institute of Technology (PIT), bang Victoria, Western Australia College of Advanced Education (WACAE), bang Tây Úc, và một trường đại học là Australian National University (ANU) thuộc lãnh thổ thủ đô Úc [Australian Capital Territory (ACT)], Canberra.
Thành phần sinh viên gồm có sinh viên thuần túy hay các nhân viên xã hội, sắc tộc, hoặc cảnh sát theo học trong các chương trình 2 năm để lấy văn bằng “Associate Diploma in Community Languages”. Riêng ở trường Cao Đẳng Milperra CAE, ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ, tiếng Anh chẳng hạn, sinh viên bắt buộc chọn 2 ngôn ngữ cộng đồng, trong số đó có tiếng Đức, Pháp, Ả-rập, Tây-ban-nha, Thổ-nhĩ-kì, Ý, Việt Nam. Nhưng họ không phải chỉ học có thế, mà còn phải học thêm các môn khác như Ngôn-ngữ-học (Linguistics), Ngôn-ngữ xã-hội-học (Socio-linguistics), Giao tiếp cho người Úc (Communication for Australians), v.v…
Riêng môn tiếng Việt, do tôi giảng dạy tại trường Milperra CAE năm 1983-84, thì sinh viên chọn học tiếng Việt cho chương trình Associate Diploma, nhưng sau đó nếu họ chọn học lên chương trình Cử Nhân Thông-ngôn Phiên-dịch bắt đầu từ 1985, thì cũng được kể là tín chỉ (credit points) cho chương trình 3 năm BA (T&I) ấy.
Tôi cũng còn đã dạy bán thì (part-time) tiếng Việt cho sinh viên bản ngữ tiếng Anh tại Viện Ngôn ngữ (Institute of Languages), Đại học New South Wales, và Đại học Sydney nữa.
Sau khoảng thời gian đó, đối tượng người Úc học tiếng Việt ngày càng được mở rộng, đã có lúc họ đến học lớp dạy tiếng Việt ở Trung tâm Nghiên Cứu Giáo dục Song Ngữ [(Bilingual Education Research Centre (BERCEN)] của tôi tại Bankstown hồi xa xăm đó, hoặc tại tư gia. Họ là những nhân viên thường xuyên làm việc với cộng đồng người Việt tại Úc, những người đang có người yêu là người Việt hay có ý định kết hôn với người Việt, những người chuẩn bị sang Việt Nam làm việc, làm từ thiện hay du lịch…
Tiếng Việt dễ hay khó?
Tiếng Việt học dễ hay khó? Câu trả lời tùy thuộc vào đối tượng học viên nói tiếng gì, nước nào? Nếu học viên nói tiếng Hoa, tiếng Thái, tiếng Lào thì sẽ học dễ hơn học viên nói tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Tây-ban-nha.
Khó về thanh điệu
Đối với người Úc, tiếng Việt khó nhất là phần thanh điệu (tones), vì tiếng Anh là tiếng không có thanh điệu (non-tonal language), nghĩa là không có dấu giọng như “(ngang = không dấu), sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng”. Dấu ngã và dấu nặng được xem là hai dấu khó phát âm nhất. Nhưng là người dạy học, ta cũng không nên làm nản lòng hoặc hù dọa học trò, nhất là giai đoạn ban đầu, bảo họ “không nói thế này, mà nếu nói thế nọ là bị hiểu lầm”, chẳng hạn như “tôi yêu Má (= mother)” mà lại nói là “tôi yêu ma (= ghost), thì người Việt ta cười chết. Dù gì thì gì, ngữ cảnh (context) của câu chuyện cũng khiến người nghe mà không bị hiểu lầm. Ai trong chúng ta dám bảo là đa số người Việt nói tiếng Anh không lai giọng Việt (Vietnamese accent), hoặc đã nhiều lần rơi vào cảnh “ông nói gà, bà hiểu vịt”.
Cái khó vì các thanh điệu đã đành, nhưng khi chúng phối hợp với ngữ điệu (intonation) trong câu nói thì lại càng khiến người học thêm bối rối. Ví dụ khi muốn hỏi: Anh tên gì? mà lại dùng ngữ điệu lên giọng, tưỏng là cứ câu hỏi là phải lên giọng. Vì nghĩ là câu hỏi nên dễ nghe thành: Anh tền gí? thì quả là “lợn lành chữa lợn què”.
Để giúp người học vượt qua trở ngại này, trong giai đoạn đầu của người học, tôi thường dùng tay để ra dấu khi biểu diễn sự khác biệt về mức độ cao thấp (pitch levels) của thanh điệu, cùng là sự uốn lượn của ngữ điệu như người ca đoàn trưởng (choirmaster) chỉ huy một dàn hợp xướng vậy.
Tuy nhiên, trong quá trình học, vẫn luôn có những câu chuyện vui nhộn xảy ra liên quan đến phần thanh điệu này. Có lần, khi dạy sinh viên giới thiệu chính họ:
Tôi tên là …
Thì không có vấn đề gì. Nhưng khi giới thiệu nơi họ học:
Tôi học trường Cao Đẳng Milperra.
Trước tiên cả lớp học bằng cách lập lại theo Thầy. Sau đó từng em tự lập lại. Nhiều lần từng em lập lại câu nói như thế thì bỗng nhiên cả lớp phá lên cười. Thoạt đầu tôi không hiểu tại sao.
Thì ra là do thay vì ‘Tôi học trường Cao Đẳng Milperra…’ (đúng sự uốn lượn của dấu hỏi trong tiếng “Đẳng” trong “Cao Đẳng’) chính các em tự khám phá ra khi nghe bạn mình nói là:
Tôi học trường Cow Dung Milperra
(‘Cow Dung ‘phát âm nghe như ‘Cao Đăng’)
Họ phá lên cười cũng vì chữ “cow dung” trong tiếng Anh; ‘cow’ (= bò), ‘dung’ (= phân bò, phân ngựa)”.
“Tôi (mà) học trường Cow Dung Milperra!”, thì quả là “Đến khi em hiểu thì em đã!”
Khó về âm không có trong tiếng Anh
Tiếng Việt có những âm khó cho người học, vì không thấy có trong tiếng Anh, như âm /ñ/ (nh) xuất hiện đầu tiếng, đầu vần (word-initially) như trong chữ nhi, nhỏ, nhà, nhật…
Trong tiếng Anh-Úc-Mĩ không có âm /ñ/, xuất hiện đầu vần hay cuối vần gì cả, tiếng Pháp có, tiếng Tây-ban-nha có, cho nên tôi tên là Nhật, khi sang Úc học Cao học, lúc mình đã ba mươi mấy tuổi, ở trong một Đại học xá, nay Việt Nam gọi là Kí túc xá, ở chung với đa số các sinh viên Tây Đầm trẻ cỡ chừng 17, 18, có em xinh như mộng. Mỗi khi giới thiệu mình là Nhật, tụi nó nghe không ra—trong đầu chúng mường tượng, và đọc thành gnat.
Mà gnat trong tiếng Anh có nghĩa là: “giống ruồi nhỏ có hai cánh, biết đốt; giống muỗi nhỏ; ruồi nhuế, muỗi mắt” (Từ điển Anh-Việt, Trung tâm Khoa học và Nhân văn Quốc gia,Viện Ngôn Ngữ học, NXB Tp. Hồ Chí Minh).
Thành thử:
Tôi tên là Nhật
phải đổi thành
Tôi tên là Frank
kể từ ngày nhập Quốc tịch Úc năm 1978 là vì thế. ‘Frank’ cũng bởi mình là ‘fan’ của cố ca sĩ Frank Sinatra. Ông này mất năm ông 83 tuổi.
Kể cũng nêu thêm một điểm khác biệt trong tiếng Việt là thay vì nói:
Tên tôi là Nhật
(Tên của tôi là Nhật = My name is Nhật)
Như trong tiếng Anh, thì lại nói:
Tôi tên là Nhật
(I/me named Nhật)
Theo kiểu nói Chủ đề-Diễn đề, hay còn gọi là Đề-Thuyết, (Topic-Comment) khá phổ thông trong tiếng Việt. Trong trường hợp này “Tôi” là Chủ đề (= Đề), “tên là Nhật” là Diễn đề (= Thuyết). Một thí dụ khác về Đề-Thuyết: Ớt tôi cũng ăn được.
Khó vì có cùng âm nhưng khác vị trí xuất hiện
Rồi lại có những âm trong tiếng Anh có, nhưng thay vì xuất hiện đầu tiếng, đầu vần thì lại xuất hiện cuối tiếng, cuối vần (word-finally), như âm / ŋ / (ng) chẳng hạn. Một ví dụ rõ nét nhất là người Úc ròng (dinki-di Aussie) sẽ đi “từ chết đến bị thương” khi phải ‘bảo/biểu’, phải ‘ra lệnh’ cho em Nga, hay em Ngọc “đi ngủ” hay “ngủ đi”!. Giỏi lắm thì họ nói được đến Na, Nọk, nủ là cùng.
Khó về một số từ loại
Bên cạnh thanh điệu, những loại từ như con, cái, quả …, đại từ danh xưng như ông, tôi, anh, chị, em… tiểu từ cuối câu (final particles) như nhỉ, nhé, hử hoặc đi như trong ăn đi, đi đi!… cũng khiến người Úc ‘vất vả’ khi học tiếng Việt.
TS. Trịnh Nhật
Mùa Đông, Nam bán cầu,
Tháng 7, 2013