Mới đây, trong bài “Cơn nhức đầu 100 năm” đăng trên nhật báo Người Việt, nhà báo Ngô Nhân Dụng nhắc đến vấn đề biên giới giữa Israel và Palestine, và ông xem đó là một vấn đề “nhạy cảm” đối với sinh hoạt chính trị của Mỹ. Điều thú vị là ông lại để hai chữ “nhạy cảm” trong ngoặc kép. Tại sao? Tôi đoán là ông muốn mượn lại và cũng muốn nhắc nhở người đọc nhớ đến cái chữ “nhạy cảm” vốn rất thông dụng tại Việt Nam hiện nay.
Cảm thấy thú vị với hai chữ “nhạy cảm” trong ngoặc kép ấy, tôi tò mò vào Google, và phát hiện ra một điểm khác cũng thú vị không kém: Bạn có biết hai chữ “nhạy cảm” xuất hiện ở đâu nhiều nhất không? Thưa, đó là hai lãnh vực: chính trị (Việt Nam) và tình dục.
Liên quan đến tình dục, chữ “nhạy cảm” đã được dùng một cách phổ biến từ lâu. Nói đến “nhạy cảm”, người ta hay nghĩ đến thân thể của người phụ nữ: Đại khái, ở đó, có một số điểm “nhạy cảm” hơn hẳn những chỗ khác. Nơi “nhạy cảm” nhất thường được gọi là điểm G (Gräfenberg Spot). Có điều, giới nghiên cứu y khoa lại không đồng ý với nhau về vị trí của cái điểm G ấy. Người nói thế này, người nói thế khác. Người thì nói nó nằm bên ngoài; người thì nói nó nằm bên trong. Người thì cho đó chỉ là một huyền thoại, người thì bảo: nó có thật; chỉ có vấn đề là không thể khẳng định dứt khoát nó nằm ở đâu mà thôi. Qua những sự cãi vã ấy, chúng ta, với tư cách là những người ngoại đạo trong ngành y học, có thể tạm rút ra ít nhất vài kết luận: một, cái điểm “nhạy cảm” ấy tương đối nhỏ; hai, nó khá khuất, chứ không lồ lộ như một cái nốt ruồi; và ba, ngay cả khi lồ lộ ra ngoài như thế, nó cũng chỉ “nhạy cảm” trong một số điều kiện nhất định chứ không phải ai hay cái gì đụng vào nó cũng lên tới… đỉnh cả. Chính ở đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy có sự khác biệt lớn trong cách dùng chữ “nhạy cảm” trong lãnh vực tình dục và lãnh vực chính trị.
Trong lãnh vực tình dục, chỗ “nhạy cảm” là chỗ có khả năng làm cho người ta đạt đến chỗ “cực khoái”; trong lãnh vực chính trị, chỗ “nhạy cảm” là chỗ làm cho giới lãnh đạo, ngược lại, nhột nhạt và khó chịu, thậm chí, tức giận. Trong lãnh vực tình dục, người tìm ra chỗ “nhạy cảm” được khích lệ; trong lãnh vực chính trị, người nào đụng đến chỗ đó thì rất dễ có nguy cơ bị bắt và ở tù với bằng chứng là hai cái condom “đã qua sử dụng” (như trường hợp của Cù Huy Hà Vũ)! Nhưng sự khác biệt này mới là quan trọng: trên thân thể con người chỉ có một số điểm được xem là nhạy cảm; còn ở Việt Nam hiện nay thì dường như ở đâu cũng “nhạy cảm” cả. Chuyện đa nguyên đa đảng ư? – Ồ! Nhạy cảm lắm. Chuyện tự do và dân chủ ư? – Cũng nhạy cảm! Chuyện tranh chấp với Trung Quốc ư? – Cũng nhạy cảm! Chuyện tham nhũng ư? – Nhạy cảm! Chuyện khả năng của lãnh đạo ư? – Nhạy cảm! Chuyện cán bộ đua nhau mua bằng giả ư? – Nhạy cảm! Chuyện con cháu cán bộ ăn chơi hư hỏng ư? – Nhạy cảm! Chuyện ngư dân Việt Nam bị bắt, bị cướp hoặc bị giết chết ngoài biển khơi ư? – Nhạy cảm! Ngay cả những chuyện như tàu thủy chở du khách ngoại quốc bị chìm cũng bị xem là “nhạy cảm”. Chuyện khai thác bauxite ở Tây nguyên cũng bị xem là “nhạy cảm”. Chuyện xây dựng đường sắt cao tốc cũng lại là chuyện “nhạy cảm”, v.v…
Chỗ nào cũng có thể bị xem là “nhạy cảm” cả. Bây giờ hãy thử tưởng tượng nền chính trị Việt Nam là thân thể của một phụ nữ: nơi nào cũng “nhạy cảm”. Đi đường, chỗ hẹp, bạn vô tình chạm vào lưng nàng, nàng la toáng lên: “Sách nhiễu tình dục!” (sexual harassment). Lý do? Lưng nàng rất “nhạy cảm! Gặp nhau, theo lối Tây phương, bạn đưa tay bắt, nàng giãy lên đành đạch: “Sách nhiễu tình dục”. Lý do? – Tay nàng rất “nhạy cảm”! Ngồi ăn chung một bàn, vô tình chân bạn đụng phải chân nàng dưới ghế, nàng cũng buộc tội là “sách nhiễu tình dục” và hăm he đòi gọi cảnh sát bắt bạn vì chân nàng rất… “nhạy cảm”.
Ối giời!
TS. Nguyễn Hưng Quốc