Phần 1
Ngoài những thí dụ điển hình về thực thể của ngôn ngữ như đã trình bầy trong bài “Nói chuyện về phiên dịch”, người ta còn tìm thấy vô số những sự kiện khác cho thấy rằng (a) hai ngôn ngữ có thể không có chung ý niệm; (b) hai ngôn ngữ có thể có chung ý niệm, nhưng ngôn ngữ ngọn không có từ cho ý niệm ấy; (c) ngôn ngữ ngọn thiếu từ tổng thể (superordinate); (d) ngôn ngữ ngọn thiếu từ cá biệt (hyponym); (e) hai ngôn ngữ khác nhau về mô thức kết hợp ngữ (collocational patterns); (f) hai ngôn ngữ khác nhau về cụm từ cố định và thành ngữ (fixed and idiomatic expressions).
Nhưng không vì những sự kiện vừa kể mà ta đành thúc thủ, bó tay, chào thua, hay mang một thái độ tiêu cực trong chuyện dịch thuật mà bảo rằng “dịch là phản”. Lịch sử, thực tế của việc phiên dịch đã chứng minh ngược lại. Chúng ta đã thấy không biết bao nhiêu tác phẩm, tài liệu dịch thuật mà giá trị của chúng là giúp cho nhân loại trên quả điạ cầu hiểu rõ những tư tưởng học thuật, những thông tin khoa học, xã hội, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, nhân sinh và giúp cho chúng ta học hỏi được biết bao nhiêu điều khác nữa của nhau, về nhau.
Nếu không tìm hiểu những khó khăn khi đi tìm cái tương đương trong ngôn ngữ, ta khó có thể đánh giá được cái hay cái dở trong công trình phiên dịch của các dịch giả tiền bối cũng như hậu bối, của những người làm công tác dịch thuật trước cũng như sau chúng ta. Dưới đây là một số trường hợp khó khăn khi đi tìm cái tương đương trong hai ngôn ngữ Anh, Việt.
1. Hai ngôn ngữ không có chung ý niệm
Hai ngôn ngữ có thể không có chung cùng ý niệm, hay ý niệm trong hai ngôn ngữ có thể khác xa nhau. Trường hợp hai ngôn ngữ không có chung ý niệm thường thấy xuất hiện trong các từ biểu lộ đặc trưng văn hóa (culturespecific terms) như ‘đồ ăn thức uống’ (meat pie, Continental breakfast; bún mộc, bánh chưng), ‘nhà cửa đồ đạc’ (manor, cupboard; nhà sàn, tủchè), ‘quần áo giầy dép’ (balaclava, sneakers; áo tứ thân, giầy Gia định), ‘cơ chế chính trị’ (Shadow Cabinet, front benchers; Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp Trung ương, Bí thư Thành ủy), ‘xã hội nghề nghiệp’ (access and equity, drag queens; nghề bán cháo phổi, quân tử); ‘phong tục tập quán’ (muckup day, New Year’s resolution; Tết, tiền lì xì), ‘luân lí đạo đức’ (fair go, wife swapping; chồng chúa vợ tôi, nhất tự vi sư bán tự vi sư).
Nay ta thử đi sâu vào chi tiết để xét những trường hợp riêng lẻ trong đó hai ngôn ngữ Anh, Việt không có chung ý niệm, hay ý niệm trong hai ngôn ngữ Anh, Việt khác xa nhau. Trong tiếng Anh ta có khái niệm “privacy” dùng để chỉ “đời tư, chuyện riêng, cuộc sống cá nhân, tài liệu, thông tin riêng tư của một người nào, mà họ muốn được người khác coi trọng, không được xía vô”. Người Việt không có khái niệm này, và vì thế không có từ tiêu chuẩn. Tình huống sau đây sẽ cho ta thấy nỗi khó khăn khi ta phải dịch từ ngữ “privacy”.
Patrick Rafter, danh thủ quần vợt số Một của Úc, trước đây vì muốn làm vừa lòng khán giả hâm mộ mình đã phải ngưng buổi tập dượt chuẩn bị cho giải quần vợt vô địch Tiểu bang NSW, dành thì giờ kí tên tặng cho 500 khán giả đến xin chữ ký của anh trong lúc nhiệt độ ngoài trời là trên dưới 40oC. Báo chí Úc đã viết đại loại có đoạn như sau: “Vào tuần tới khi xuống Melbourne để dự giải Vô địch Úc châu Mở rộng (Australian Open), anh sẽ không có những buổi ra mắt như thế nữa, mà sẽ tìm cách làm sao có được “privacy” nhiều chừng nào tốt chừng ấy, hầu tập trung tinh thần đánh thắng giải (Grand Slam) này”. Ta cứ thử nghĩ xem phải dịch chữ “privacy’ cách nào cho ổn. Vì nhu cầu phiên dịch người ta đã thấy chữ “privacy” được chuyển ngữ là “sự/cái riêng tư”, chữ “privacy rights” là “quyền riêng tư “, nhưng thử hỏi dùng chữ “sự/cái riêng tư” trong trường hợp trên nghe có chỉnh không. Liệu dịch là “… sẽ tìm cách nào để được yên thân/không bị quấy rầy … ” có được kể là đã dịch được nghĩa tương đương, tương ứng hay không?
Chữ “Speaker” như trong “Speaker (of the House)” dùng trong ngữ cảnh Hạ viện Quốc hội Anh, Mỹ, Úc để chỉ “nhân vật đứng đầu trong Hạ viện có vai trò duy trì quyền hành và trật tự trong các phiên họp tại Hạ viện, hoàn toàn độc lập, không thiên vị đảng phái nào”, khác với ý niệm “Chủ tịch Hạ viện” mà tiếng Việt ta quen dùng. Tôi đã có dịp nghe một đồng nghiệp đài BBC Luân đôn, có lẽ vì vội vã sơ ý đã dịch từ ngữ “Speaker’ là “Phát ngôn nhân” khi nói về chuyện xảy ra tại Quốc hội Iran hồi còn chế độ Ayatollah Khomeini.
Ý niệm “challenge”, được dùng trong một phiên xử hình sự tại Tòa Thượng thẩm (Supreme Court), là cốt để chỉ ý không chiụ chấp nhận một thành phần công dân đã được bốc thăm gọi tên vào ngồi trong bồi thẩm đoàn (jury). Bối cảnh là sau khi người công dân này được xướng danh, luật sư bênh vực cho bị cáo (the accused) bèn quan sát, trông mặt mũi, gốc gác sắc tộc, phái tính nam nữ của người được gọi tên đó mà rỉ tai bảo thân chủ của mình là hãy nói “challenge” đi! Tức thì thông dịch viên lúc đó phải dịch cho thân chủ biết “challenge” trong tiếng Việt là gì để thân chủ nói bằng tiếng Việt rồi mình dịch lại là “challenge”. Khái niệm “challenge” như thế không thấy có trong tiếng Việt, nên chính bản thân tôi đã hơi bị lúng túng, “khựng” lại khi lần đầu thông dịch tại Tòa Thượng Thẩm Tiểu bang Victoria, Úc Ðại Lợi vào năm 1985. Cuối cùng thì tôi đành ‘cương’ mà bảo cho bị cáo nói ‘phản đối’ để cho mình dịch lại là ‘challenge’.
Trong tiếng Việt ta có chữ “hiếu” dùng để chỉ “bổn phận của con cái đối với cha mẹ lúc cha mẹ còn sống cũng như lúc đã ra đi, cái bổn phận bao gồm sự tôn kính, lòng thể phụng, hành động phụng dưỡng quạt nồng ấp lạnh”, mà ta không thể thấy có từ tương đương quen dùng trong tiếng Anh với cùng ý nghĩa bao trùm đó. Tương đương gần nhất trong tiếng Anh là “filial piety”.
Chữ “tiết hạnh” trong tiếng Việt dùng để chỉ “bổn phận của người vợ đối với người chồng, cho dù người chồng còn sống hay đã chết”, cái bổn phận bao gồm sự giữ gìn chữ trinh thể xác, chữ trinh tinh thần, sẵn sàng thủ tiết, không chịu bước đi bước nữa… như thế không có sẵn trong tiếng Anh bao hàm toàn bộ ý nghĩa đó. Tương đương gần nhất trong tiếng Anh có lẽ là “chastity”.
Ý niệm “nói thách” là “nói cao giá, tăng giá của một món hàng lên so với giá thật để cho người muốn mua phải mặc cả hạ thấp giá xuống là vưà” cũng không thấy có sẵn trong tiếng Anh. Muốn nói để cho người bản ngữ tiếng Anh hiểu thì phải dịch theo lối cắt nghĩa là “to put the price up expecting people to bargain'” (nói tăng cao giá để cho người ta mặc cả).
2. Hai ngôn ngữ có chung ý niệm nhưng ngôn ngữ ngọn không có từ để chỉ ý niệm chung đó
Nếu ý niệm “gentleman” dùng để chỉ một người đàn ông “trí thức, lịch lãm, có tư cách”, và ý niệm “lady” dùng để chỉ người đàn bà “lịch sự, đoan trang, duyên dáng” trong tiếng Anh, thì tiếng Việt ta cũng có chung hai ý niệm ấy nhưng ta không có từ để nói tại người đàn ông và người đàn bà có những phẩm cách ghi nhận ở trên. Vì vậy, khi chuyển dịch từ ngôn ngữ gốc, tiếng Anh, sang ngôn ngữ ngọn trong trường hợp này là tiếng Việt, ta sẽ gặp khó khăn.
Trong một cuộc điều tra về một vụ buôn bán xì ke ma tuý ở Úc, sau khi đã được luật sư biện hộ của mình cho ý kiến, hai vợ chồng Việt Nam đang bị tạm giam trong Trại Cải huấn, nhận sẽ hợp tác với cơ quan cảnh sát điều tra để ra làm chứng trước Tòa, khai thêm những hành động của tay chúa trùm trong nhóm (ringleader) với hy vọng sẽ được nhẹ tội. Cặp vợ chồng này sau đó được áp tải, với hai tay vẫn còn bị còng, từ Trại Cải huấn lên Cơ quan Trung ương điều tra Tội phạm (National Crime Authority) đặt tại Sydney. Trong hội trường, trước số đông bá quan văn võ của cơ quan cùng các luật sư bên bị, ngoài hành động đối xử lịch sự ân cần với hai vợ chồng mà nay tay họ đã được tháo còng và ngoài những lí lẽ ngon ngọt hoa mĩ, sau cùng viên Trưởng thanh tra Cảnh sát đã nói đại loại như sau: “Hôm nay với sự hiện diện của anh chị tại thiểm cơ quan, tôi và toàn thể nhân viên có mặt ở đây đã coi anh là “gentleman” và coi chị là “lady”. Ta cứ thử tưởng tượng với hai từ này thông dịch viên lúc đó phải dịch ứng phó ra sao. Kể cũng nên nói thêm là anh chồng hiểu tiếng Anh chút chút, còn chị vợ là gái quê chưa học hết bậc tiểu học ở Việt Nam, tiếng Anh còn mù tịt. Vì nhu cầu bắt buộc phải chuyển ngữ thì liệu dịch là “… tôi và toàn thể nhân viên có mặt ở đây đã coi anh chị là “những người lịch sự, đàng hoàng” có được không?
Chữ “lane'” trong tiếng Anh có nghĩa là “một phần của một đại lộ được đánh dấu phân định bằng mép rìa đường lộ và vạch sơn kẻ chỉ, hay bằng hai vạch sơn kẻ chỉ”. Ý niệm này người Việt tất phải có, nhưng tiếng Việt không có sẵn từ cho chữ “lane” đó. Ở Úc người ta đã nghe từ này được dịch là “lên”, nhái âm tiếng Anh. Ở Việt Nam nghe đâu người dân đang làm quen với từ “làn đường”, chứ không phải ‘lằn đường’.
Ý niệm “quân tử” dùng để chỉ “người tài đức xuất chúng, người phẩm hạnh ngay thẳng, người có nhân cách hoàn toàn theo Khổng giáo”, chắc không có sẵn từ trong tiếng Anh. Nếu bắt buộc phải chuyển dịch từ ngôn ngữ gốc, tiếng Việt sang ngôn ngữ ngọn trong trường hợp này là tiếng Anh thì chọn từ tương đương là ‘gentleman’ có được không? Và nếu được thì trong ngữ cảnh, văn mạch nào?
Ý niệm “de facto relationship” trong tiếng Anh không có sẵn trong vốn từ tiếng Việt. Ở Việt Nam ta cũng có liên hệ sống chung đấy, nhưng ta chỉ nói tại “bà bé, bà nhỏ’ hoặc “lấy làm bé, làm bà bé, làm bà nhỏ, làm vợ bé, làm vợ nhỏ (cuả ông ấy)” như trong quan hệ hôn nhân chính thức. Nếu dịch sang tiếng Anh là “concubine”, là “wife” trong các văn kiện giấy tờ có được không, có đúng không? Ở Úc Ðại Lợi từ “de facto relationship” đã được dịch theo lối cắt nghĩa là “sống chung không hôn thú/giá thú” và từ này nay đã khá phổ biến, nhưng còn “de facto partner” nếu dịch là “người bạn sống chung không hôn thú” hay là “bồ bịch sống chung”, thì nghe có chuẩn không, cái nào chuẩn hơn cái nào, từ nào rồi sẽ đi vào ngôn ngữ, cụm từ nào rồi sẽ được nhiều người dùng hơn?
3. Ngôn ngữ ngọn thiếu từ tổng thể (superordinate)
Từ tổng thể là gì? Trong tiếng Anh từ ngữ “flower” có thể được coi là từ tổng thể (superordinate) dùng để chỉ toàn bộ các loài hoa trong trưng ngữ nghĩa (semantic field) nói về hoa trong đó có “rose, daffodil, lily, orchid, tulip, sunflower, chrysanthemum…” (hồng, thủy tiên, huệ, lan, tuylíp, hướng dương, cúc…) mà chúng được gọi là những từ cá biệt (hyponyms). Nếu phải dịch từ “flower” ra tiếng Việt thì ta không có khó khăn gì vì tiếng Việt, trong trường hợp này là ngôn ngữ ngọn, đã có sẵn từ tổng thể tương đương là “hoa'”.
Nhưng trong trường hợp phải dịch từ tổng thể là “problems”, một từ rất thông dụng trong tiếng Anh, sang tiếng Việt ta sẽ gặp khó khăn. Thí dụ như trong tiếng Anh họ nói đến “problems” mà vì không có một từ tổng thể trong tiếng Việt, ta phải tùy trường hợp dịch là “vấn đề (issues), vấn nạn/tệ nạn (irregularities), khó khăn (difficulties), trở ngại (obstacles), trục trặc ([mechanical] troubles), biến chứng (complications), thắc thắc (queries). Ðặc biệt ra còn có thể dịch ‘problems’ là lỗi (fault)” như trong “lỗi tại tinh trùng” (sperm problems), “lỗi ở ống dẫn trứng” (fallopian tube problems), ” lỗi ở trứng rụng bất thường” (ovulation problems), “lỗi ở chất nhờn tử cung” (mucus problems), là những nguyên nhân gây ra tình trạng hiếm muộn. Hoặc đặc biệt hơn dịch “problems” dưới dạng hơi lạ là “(chứng) khó … ” như trong “chứng khó thở” (breathing problems).
Tiếng Việt không có từ tổng thể tương đương với từ “rocking” nên khi người mẹ nâng niu, nựng niụ đứa con sơ sinh bằng cử chỉ “rocking” như trong một tài liệu nói về “Trẻ Sinh non” (Premature Babies) ở Sydney cuả Bộ Y tế Tiểu bang New Southể Wales mà tôi đã được duyệt bản thảo vào cuối thập niên 80, người dịch sẽ không biết phải chọn dịch cử chỉ nào “bồng đứa bé trên tay đu đưa” (rocking the baby in one’s arm), hay là “đu đưa cái nôi trong đó đứa bé đang nằm” (rocking the cot where the baby is lying).
Tiếng Việt không có từ tổng thể tương đương với từ “rice” trong tiếng Anh, trong khi đó tiếng Anh không có những từ cá biệt để phân loại các hình thức khác nhau của “rice” là “mạ, lúa, thóc, gạo, cơm, cốm, bỏng ” trong tiếng Việt. Bộ Cải tiến Nông thôn ở Miền Nam trước đây có một cơ quan gọi là Sở Túc mễ (Rice Service), “túc mễ” nghĩa là “lúa gạo” (‘túc’ là ‘luá’, ‘mễ’ là ‘gạo’), là một bằng chứng cho thấy tiếng Việt không có từ tổng thể tương đương với từ “rice”, nên phải dùng hai từ đơn làm từ ghép chỉ nghiã chung cho cả lúa lẫn gạo. Ta cứ thử tưởng tượng khi một người bản ngữ tiếng Anh, hay con em người Việt chúng ta sinh trưởng ở những nước nói tiếng Anh, phải dịch chữ ‘rice’ sang tiếng Việt trong những từ ghép như ‘imported rice’, ‘rice fields’, ‘green rice’, ‘rice bubbles’, ‘rice milk’, ‘boiled/steamed rice’ thì chắc sẽ có vấn đề.
Lối tổ chức từ vựng về quan hệ thân tộc họ hàng (kinship terms) trong tiếng Việt phức tạp hơn trong tiếng Anh rất nhiều. Tiếng Anh có từ “uncle” chỉ chung cho nhiều từ cá biệt trong tiếng Việt như “chú, bác, cậu, dượng” và từ “aunt” chỉ chung cho nhiều từ cá biệt trong tiếng Việt như “cô, bác, dì, già, thím, mợ'”. Ta cứ thử suy nghĩ một chút thì thấy ngay nỗi khó khăn, phiền phức khi ta, hoặc nhất là một người bản ngữ tiếng Anh, phải chọn chữ nào cho thích hợp để dịch từ “uncle” hoặc “aunt” sang tiếng Việt. Tôi đã chứng kiến thấy trong một văn bản điều tra của cảnh sát Úc về một người bị tố giác có dính líu trong một vụ hiếp dâm, từ “dượng” như trong “Dượng Năm’, tiếng miền Nam dùng để chỉ người chồng của người “cô”, hay người “dì’ thứ năm của mình, không hiểu sao bị dịch nhầm ra tiếng Anh là “Elder Brother Five”, thay vì “Uncle Five” mới là hiểu đúng, dịch đúng. Bằng không, dịch sai như thế thì chả nhẽ “Quít làm Cam chịu ” hay sao?
4. Ngôn ngữ ngọn thiếu từ cá biệt (hyponym)
Từ cá biệt là gì? Với từ tổng thể “house”, tiếng Anh có rất nhiều từ cá biệt như “bungalow, cottage, croft, chalet, lodge, hut, mansion, manor, villa, hall …” Nếu suy nghĩ một chút mà tìm trong tiếng Việt thì ta thấy cũng có một số như “nhà sàn, nhà tranh, nhà tranh vách đất, nhà lá, nhà ngói, nhà gạch, nhà cây, biệt thự, vi la, nhà chòi, túp lều, nhà trệt…” nhưng để mà dịch, tìm từ tương đương để điền thế cho nhau, thì không phải là chuyện dễ. Với từ tổng thể “cooking” tiếng Anh có vô số các từ cá biệt như “boil, roast, bake, brew, stew, braise, simmer, poach, grill, seal, glaze, prick, brown” mà tiếng Việt ta không có đầy đủ từ tương ứng. Nặn óc tìm thì cũng được một lô “luộc, xào, chiên, rang, bác, rán, tráng, dim, nướng, nướng vỉ, hấp, hấp cách thủy, hầm… ”, nhưng phải làm công việc “mối mai’ sao cho tương xứng (matching) thì chưa chắc đã mát tay.
Tiếng Anh thiếu từ cá biệt cho động từ tổng thể “to wear” trong khi tiếng Việt có 15 từ cá biệt cho ý niệm “to wear” nhưng không có từ tổng thể. Thí dụ như “để (tóc, râu), đi (giầy, vớ, bít tất, hia, hài), mặc (áo, quần), đội (nón, mũ, tóc giả), chít (khăn), đeo (kính, nhẫn, dây chuyền, cà vạt), thắt (dây lưng, cà vạt), đánh/giồi (phấn), thoa (son, kem chống nắng), tô (son), bôi (son, nước hoa), xức (thuốc, dầu), xịt (dầu thơm), đóng (khố)”. Tất cả những từ cá biệt kể trên đều có thể chuyển ngữ bằng từ “to wear” hoặc “to put on”, nhưng không dùng “to put on” cho “hair” (tóc), ngoại trừ “to put on a wig” (mang tóc giả). Từ “to wear’ còn có thể được thay thế bằng “to apply”, nhưng chỉ dùng trong trường hợp duy nhất là “to apply makeup’ (đánh phấn thoa son/trang điểm) mà thôi.
Hãy thử tưởng tượng một người Anh, Mỹ, Úc học tiếng Việt mà phải dịch động từ “to wear” sang tiếng Việt thì khó khăn biết là chừng nào! Song, khó khăn không chỉ dừng lại ở đây, động từ tổng thể “to lose” có 7 từ cá biệt trong tiếng Việt “mất, thua, lạc, thất, sụt, bại, chết”, xếp theo thứ tự khả năng kết hợp từ cao xuống thấp. Tùy theo mình “lose” cái gì mà ta phải chọn cho đúng từ để dịch. Thí dụ “mất như trong “mất tiền (money), mất bạn (friends), mất mặt (face), mất niềm tin (faith) … ”, “thua” như trong “thua trận (a battle), thua cuộc (a contest) …”, ” lạc” như trong “lạc đường (the way), lạc hướng (direction) …”, ” thất” như trong ” thất tình (one’s love), “thất vọng (one’s hope)… ”, “sụt” như trong “sụt cân / kí (weight)… ”, ” bại” như trong “bại trận (a war) ”, “chết” (lose one’s life).
Vấn đề còn phức tạp hơn thế khi ta xét đến động từ tổng thể “to carry’ có 24 từ cá biệt trong tiếng Việt “đem, đưa, mang, vác, xách, đội, cõng, cầm, ôm, bồng, ôm, khiêng, gánh, quảy, đeo, đèo, chở, lai, thồ, điụ, bưng, bế, kiệu, công kênh’ tùy theo mình “carry’ cái gì và ở đâu. Kể nghĩ cho kĩ thì ta có thể xem động từ ‘đem/đưa’ là từ tổng thể tương đương với động từ “to carry’. Lý do tại sao Việt ngữ có nhiều từ cá biệt cho loại ‘đem/đưa’ này có thể giải thích được là thời xa xưa, Việt Nam cơ bản là một nước nông nghiệp, người Việt ta không có mấy phương tiện nâng khuân, chuyên chở nên phải dùng đến tay chân, đến thân mình làm phương tiện thay thế. Vì không có những từ cá biệt tương ứng với tiếng Việt, nên phiên dịch viên mà tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ chắc sẽ lúng túng khi phải chọn trong mớ từ dày đặc nêu trên để tìm lấy một từ tương ứng với bản văn ngôn ngữ gốc.
Tương tự, danh từ tổng thể “áo’ có hơn 10 từ cá biệt trong tiếng Anh như “shirt, blouse, sweater, windcheater, pullover, cardigan, coat, jacket, slip, shawl, cape, smock, dress, tunic …’ mà tiếng Việt nếu cần phân biệt thì cũng nói chung là “áo sơ mi, áo lạnh, áo ấm, áo bông, áo choàng, áo tơi, áo dài…’, không sao có đủ số lượng từ tương ứng. Nếu tôi nhận xét không lầm thì mãi tới mấy thập niên gần đây người ta mới thấy tiếng Anh có từ tổng thể “top’ dùng tương đương như “áo’ trong tiếng Việt.
5. Hai ngôn ngữ khác nhau về mô thức kết hợp ngữ (collocational patterns)
Kết hợp ngữ (collocation) là hiện tượng trong đó ‘hai hay nhiều từ ngữ thường đi chung với nhau một cách ‘vui vẻ’, tự nhiên trong một ngôn ngữ nào đó’. Thí dụ người Việt ta nói ‘trà đặc’ (*dense tea), ‘gội đầu (*wash one’s head), ‘đánh răng’ (*beat one’s teeth), ‘đỡ đẻ’ (“*assist in giving birth’), ‘xóm chị em ta’ (*our sisters’ district) thì nghe xuôi tai, trong khi tiếng Anh họ lại nói ‘strong tea’ (*trà khoẻ), ‘wash one’s hair’ (*rửa tóc)’, ‘clean one’s teeth’ (*làm sạch răng)’, ‘deliver a baby’ (*giao đứa bé), ‘redlight district’ (*xóm đèn đỏ).
Tiếng Anh họ nói ‘break the law’ (*bẻ gẫy/phá luật pháp), ‘beat shyness’ (*đánh thẹn thùng), ‘kick the habit’ (*đá thói quen), ‘passport to recovery’ (*hộ chiếu/thông hành đi đến chỗ phục hồi), hay thông thường hơn “passport to health’ (*hộ chiếu/thông hành đến sức khoẻ); trong khi người Việt ta nói ‘phạm luật’, ‘chữa thẹn’, ‘bỏ thói quen’, ‘chiếu khán đi đến chỗ phục hồi ‘, thì nghe mới quen tai. Khác biệt về mô thức kết hợp ngữ giữa ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ ngọn là mầm mống cạm bẫy đưa phiên dịch viên vào chỗ phạm phải lỗi lầm.
Tính từ ‘giả’ có hơn 10 từ tương đương trong tiếng Anh như ‘fake, false, bogus, counterfeit, sham, imitation, reproduction, artificial, forged, assumed, replica, glass, prosthetic…’ khi dịch ta phải tùy theo cái gì đi với ‘giả’, nghĩa là từ nào kết hợp hài hòa với ý niệm ‘giả’ trong tiếng Anh, để mà chọn từ tiếng Anh cho đúng, chứ không thể ‘râu ông nọ cắm cằm bà kia’. Thí dụ ‘tiền giả’: counterfeit notes/coins, ‘nữ trang giả’ (imitation jewellery), ‘thuốc giả’ (fake pharmaceutical products), ‘hôn nhân giả’ (bogus/sham/fake marriage), “giấy tờ giả’ (forged/fake papers), ‘chữ kí giả’ (forged/fake signature), ‘chân tay giả’ (artificial/prosthetic limbs), ‘mắt giả’ (glass eye), ‘răng giả’ (false teeth), ‘tên giả’ (assumed/false name), ‘cục vàng giả’ (replica gold nugget), còn ‘bức tranh giả’ thì là ‘reproduction painting’. Báo chí Úc đã có lần nói về cuộc hôn nhân giữa Thái tử Charles và công nương Diana trướcđây là ‘sham marriage’.
Tính từ ‘đen’ trong tiếng Việt có thêm 7 dạng khác nhau tùy theo ‘đen’ xuất hiện, đi chung với danh từ nào mà người nói có thể sử dụng đúng kết hợp ngữ, dù rằng đó là những kết hợp hạn chế. Thí dụ khi đi với ‘tóc’ thì là ‘tóc huyền’, với ‘mèo’ là ‘mèo mun’, với ‘chó’ là ‘chó mực’, với ‘ngựa là ‘ngựa ô’, với ‘gà’ là ‘gà ác’, với ‘bò’ là ‘bò hóng’, với ‘áo’ là ‘áo thâm’. Riêng với ‘mun’, ‘ô’, ‘huyền’, ta còn có kết hợp ngữ ‘đũa mun’, ‘gà ô’, ‘khói huyền’ (như trong ‘khói huyền bay lên mây’); ‘hạt huyền’ (như trong ‘răng đen hạt huyền’).
Trong tiếng Việt khi nói về người mang nặng đẻ đau, có công sinh thành ra mình, ta chỉ nói người đó là ‘mẹ (ruột, đẻ)’, trong khi tiếng Anh họ nói tới nào là ‘biological, natural, genetic, birth mother’. Cũng từ thí dụ này ta lại học thêm được một điều nữa về mô thức kết hợp ngữ trong phiên dịch. Khi gặp một từ như ‘mẹ ruột, mẹ đẻ’ mà phiên dịch viên chưa có dịp tiếp cận nhiều với tiếng Anh đến độ biết được 4 từ vừa nêu để chọn một, thì cứ chiếu theo nghĩa tiếng Việt, may ra có thể chọn được một từ đúng cho từ “mẹ đẻ’ là ‘birth mother’, bởi vì ‘birth’ liên hệ tại sinh đẻ, chứ còn ‘mẹ ruột’ mà đem dịch là ‘*intestinal mother’ vì ‘intestine’ là ‘ruột’, thì sẽ nghe không tự nhiên vì không phải là kết hợp ngữ điển hình trong tiếng Anh.
Tính từ ‘instant’ có khả năng kết hợp rất rộng rãi trong tiếng Anh như ‘instant + (cash, coffee, fame, lawn, love, noodle, Scratchies, sellout, signs, success, boiling water…)’ nhưng không có từ tương đương duy nhất trong tiếng Việt, nên mỗi lần dịch tính từ này lại là một lần phải suy nghĩ xem tiếng Việt nói thế nào. Ðại loại thì người ta có thể tìm lối dịch tương đương như ‘tiền mặt trả liền’, ‘cà phê bột/pha nhanh có liền’, ‘nổi danh/tiếng liền’, ‘thảm cỏ mua sẵn trải liền’, ‘có tình/người yêu liền’, ‘mì gói ăn liền’, ‘vé/hàng hóa bán ra hết liền’, ‘vé số cạo trúng lấy tiền liền’, ‘bin/bảng vẽ lấy liền’, ‘thành công liền/tức thì’, ‘nước sôi nấu có liền’.
Nói chung thì từ để dịch ‘instant’ là ‘liền’ nhưng ta không thể chuyển ngữ máy móc được mà phải tùy nó kết hợp với từ nào mà phải dịch theo lối cắt nghĩa, thêm thắt đôi chút cho hợp với lối nói, lối dùng ý, dùng tứ Việt Nam, thì người Việt nghe mới quen tai. Hiện tượng nghe quen tai có thể xảy ra theo ‘tiến trình giống lông giống cánh’ (process of analogy) mà ta đã thấy trong Anh ngữ. Từ những kết hợp của tính từ ‘heavy’ với các danh từ mà nó bổ túc nghĩa như ‘heavy drinker’ (sâu rượu), ‘heavy smoker’ (hút liên tu bất tận), ‘heavy sleeper’ (ngủ say như chết), ‘heavy eater’ (ăn khoẻ như trâu) mà nay người bản ngữ tiếng Anh đã chấp nhận người ghiền cờ bạc có thể gọi là ‘heavy gambler’, trong khi trước đây có thể họ chỉ chấp nhận những kết hợp điển hình như ‘big gambler’, ‘compulsive gambler’, hoặc mới đây hơn ‘problem gambler’, addictive gambler’, ‘excessive gambler’.
6. Hai ngôn ngữ khác nhau về cụm từ cố định và thành ngữ (fixed and idiomatic expressions)
Cụm từ cố định (fixed expressions) là gì? Cứ chiếu theo chữ mà suy ra nghiã thì ‘cụm từ’ là ‘nhóm từ ngữ’, còn ‘cố định’ là ‘không thay đổi’, ‘khó thay đổi’. Muốn định nghĩa thì ta có thể nói ‘cụm từ cố định là nhóm từ ngữ có mô thức kết hợp chặt chẽ, khó thay đổi’. Thí dụ “ruộng cả ao liền’, “tóc rễ tre’, “con gái rượu’, ‘lên xe hoa’, ‘có điều là’, ‘khổ một nỗi’, ‘khác nhau ở chỗ là’, ‘nói tóm lại’… Trong tiếng Anh ta có thể đan cử nhưng thí dụ về cụm từ cố định như “as a matter of fact’ (thật ra), “Ladies and Gentlemen’ (Thưa Quí vị), “all the best’ (chúc bình an vô sự), ‘ “crime does not pay’ (thiên bất dung gian), “a leopard can’t change his spots’ (chứng nào tật ấy; chó đen giữ mực), “waste not want not’ (phí của Trời mười đi không có), “as old as the hills’ (xưa như trái đất), “to jump out of the frying pan into the fire’ (tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa).
Còn thành ngữ (idiomatic expressions hay idioms) được định nghĩa là ‘cụm từ cố định, nhưng có cấu trúc chặt chẽ hơn, và nghiã cuả chúng có tính hình tượng hoặc gợi cảm’. Thí dụ “ba cọc ba đồng’, “chó cắn áo rách’, “nhà ngói cây mít’, “ông nói gà bà nói vịt’. Thí dụ về thành ngữ trong tiếng Anh: “to go to the dogs’ (sa chân lỡ bước/lầm chân lạc lối), “to make a mountain out of a molehill’ (chuyện bé xé ra to), “to carry coals to Newcastle’ (chở củi về rừng)…
Như định nghĩa nêu trên, thành ngữ dị ứng, đối kháng (resistant) mạnh mẽ lại với mọi đổi thay đem áp đặt lên nó. Nó còn khác với cụm từ cố định ở chỗ là nó tối nghĩa, “tổng hợp nghĩa từng phần của cụm từ không phải là nghĩa toàn thể của cụm từ đó’. Thí dụ “to have cold feet’ nghĩa từng phần là “có bàn chân lạnh’, nghĩa toàn thể là “sợ sệt’, hay “to drop a brick’ nghĩa từng phần là “đánh rơi hòn gạch’, nghĩa toàn thể là “phạm lỗi’.
Tiếng Việt có thành ngữ “yêu chó chó liếm mặt’ có nghĩa là “thương yêu, vồn vã kẻ dưới có thể bị họ lờn mặt, coi thường’. Thành ngữ này nếu được giảng nghĩa đen cho người phương Tây vốn yêu súc vật, thì rất có thể sẽ bị họ hiểu lầm, vì họ nghĩ: mình gần gũi thân mật với chó, mình vuốt ve nó, thì nó sẽ đáp lại bằng cách liếm mặt mình, tỏ cử chỉ mến yêu, có gì lạ đâu! Muốn dịch ý của thành ngữ “yêu chó chó liếm mặt’ sang tiếng Anh chắc ta có thể tìm thấy tương đương gần nhất là “familiarity breeds contempt’ (quen thuộc quá hóa khinh thường), mà trong tiếng Việt ta cũng còn nói “gần chùa gọi Bụt bằng anh’.
Có ba trường hợp gây khó khăn cho phiên dịch viên khi dịch thành ngữ và cụm từ cố định: (1) Thành ngữ hay cụm từ cố định không có tương đương trong ngôn ngữ ngọn; (2) Thành ngữ hay cụm từ cố định giống với ngôn ngữ ngọn, nhưng khác ngữ cảnh sử dụng; (3) Thành ngữ trong ngôn ngữ gốc được đem dùng với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng cùng một lúc.
6.1 Thành ngữ hay cụm từ cố định không có tương đương trong ngôn ngữ ngọn
Vì mỗi ngôn ngữ được tự do chọn lối nói của mình, và mỗi ngôn ngữ tiềm ẩn trong mỗi nền văn hóa một khác, nên từ ngữ đặc trưng văn hóa cũng khác theo, ta không đòi hỏi, trông đợi ngôn ngữ này sẽ dùng đúng lí lẽ diễn tả trong ngôn ngữ kia để ta có thể đơn giản hóa chuyện dịch, làm cho việc dịch trở nên dễ dàng là chỉ phải dịch “lời’ mà khỏi phải dịch ” ý’. Muốn dịch thì ta phải moi lại trong trí nhớ, lục lại trong sách vở, từ điển tục ngữ, thành ngữ, phương ngôn xem có tìm được cái “ý’ tương đương không. Trong câu “to carry coals to Newcastle’ ta sẽ thấy phiên dịch viên mỗi nước dịch ” ý” một kiểu. Việt nam ta thì dịch theo lối nói của người Việt là “chở củi về rừng’, Pháp thì họ dịch là “porter de l’eau à la rivière’ (to carry water to the river), “chở nước ra sông’, Ðức thì lại nói “Die Eulen nach Athen tragen’ (to carry owls to Athens), “chở chim cú về Nhã điển’. Nhưng cũng có trường hợp không có tương đương cả về “lời’ lẫn ” ý “. Thí dụ như ta nói “nợ sách đèn’, “tiên học lễ hậu học văn’, “phi cao đẳng bất thành phu phụ’ thì ta đành phải dịch diễn nghĩa (paraphrase) những câu đó sang tiếng Anh.
6.2 Thành ngữ hay cụm từ cố định giống với ngôn ngữ ngọn, nhưng khác ngữ cảnh sử dụng (context of use):
Ta có thí dụ trong tiếng Anh, “to go to the dogs’, có nghĩa là “to lose one’s good qualities’, tức là “làm mất đi cái hay, cái tốt của mình’. Trong tiếng Ðức họ cũng có thành ngữ giống như thế “Zum Teufel gehen’, nhưng trong khi thành ngữ tiếng Anh dùng để nói về một người hay một nơi chốn nào, thì thành ngữ tiếng Ðức lại có ngữ cảnh sử dụng khác, nghĩa là họ chỉ dùng cho người, chứ không cho nơi chốn, mà lại thường có nghĩa là “chết’ (to die), hay “bỏ mạng, bị hủy diệt’ (to perish). Nói nôm na theo kiểu Việt nam thì, nếu là người ta có thể bảo ‘thằng/con đó như thế là coi như tiêu đời rồi’, hoặc, nếu là nơi chốn, thì có thể nói ‘nơi/khu đó bị mang tiếng quá rồi’.
Trong tiếng Việt mình có thành ngữ ‘cháy nhà ra mặt chuột’, nghiã đen là khi nhà cháy rụi rồi thì chuột chui rúc đâu đó trong nhà nóng quá mà phải chạy ùa ra, không còn ẩn nấp được gì nữa’, nghiã thành ngữ là ‘do có biến động xảy ra mà phơi bày, lộ tẩy sự thật vốn có, không còn che đậy giấu giếm được nữa’. Tiếng Anh họ nói ‘rats desert a sinking ship’, nghiã đen là ‘chuột bỏ tàu khi tàu đắm’, nghiã thành ngữ là ‘người xấu nết khi hữu sự thì bỏ chạy lo lấy mình, không màng ở lại giúp đỡ, yểm trợ cho người khác’. Cả hai thành ngữ Việt Anh giống nhau ở chỗ cùng nói về ‘chuột’, hàm ý người xấu, cùng nói về ‘khi gặp nguy biến’, cùng nói về ‘để lộ tẩy’, nhưng câu thành ngữ tiếng Việt không nói rõ là ‘giấu giếm bản chất người xấu nết thì nết xấu đó là gì’, trong khi câu thành ngữ tiếng Anh cho ta thấy rõ ‘nét xấu đó là tính ích kỉ, chỉ biết lo lấy mình, khi gặp nạn bỏ người khác sống chết mặc bay’. Vậy là ngữ cảnh sử dụng cuả hai câu thành ngữ có hơi khác.
6.3 Thành ngữ trong ngôn ngữ gốc được đem dùng với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng cùng một lúc
Ðây là trường hợp khó khăn thứ ba. Lấy thí dụ phiên dịch viên phải dịch sang tiếng Việt một đoạn tiếng Anh đăng trên báo Anh ngữ đại khái có ý như sau: “Sau khi em bé gái 9 tuổi, tên là Mary, ở Luân Ðôn bên Anh, bị khám phá ra là mắc bệnh AIDS, em này đã bị phụ huynh học sinh có con em học cùng trường với em tẩy chay, phản đối với Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu không cho em vào học vì sợ em sẽ lây truyền bệnh cho con em của họ. Trước sự phản đối rầm rộ đó, nhà trường đã quyết định “to send Mary to Coventry’, một thị trấn mạn Tây Bắc Luân Ðôn”.
Thành ngữ “to send someone to Coventry’ (đưa người nào tại Coventry) được người ta dùng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa thành ngữ, và như thế nó có cả hai nghĩa là: (1) em bị chuyển trường đến thị trấn Coventry; (2) em bị tẩy chay, không cho đến trường. Trong trường hợp như vậy, vì Việt ngữ không có thành ngữ cùng diễn tả hai nghĩa như trên nên người dịch coi như bị bó tay, không lột tả được “ý’ muốn chơi chữ của người viết trong tiếng Anh.
Trong chuyện vui cười, tiếu lâm, nếu phải dịch chuyện cười nào mà người kể chuyện lấy kiểu chơi chữ làm cơ bản, chủ chốt, thì phiên dịch viên coi như sẽ “lãnh đủ’, chỉ còn có nước “cười ra nước mắt’ mà thôi.
Phần 2
Trong mấy tháng qua tôi vẫn thường xuyên theo dõi trên talawas và đặc biệt để ý đến những bài viết nhận xét và phê bình về chuyện dịch thuật. Nguyên nhân chính của cuộc tranh luận dịch thuật xuất phát từ bài dịch Mãnh cọp cuối cùng của Thường Quán (TQ) và bài phản hồi của Lê Ðình Khoa (LĐK). Câu chuyện đôi co dịch thuật giữa hai vị này đã lôi kéo một số độc giả khác nhập cuộc – người thì nghiêng về TQ, kẻ thì ngả về LÐK. Tôi đồ chừng rằng những độc giả nào của talawas chưa từng quan tâm đến việc nghiên cứu dịch thuật có thể đã phân vân, thắc mắc không biết mình nên nghiêng nên ngả về phía ai.
Trong tinh thần góp ý để mở rộng cuộc tranh luận về dịch thuật, tôi xin gửi đến quý độc giả đoạn chót trong bài viết Ði tìm cái tương đương trong phiên dịch mà talawas đã cho lên mạng năm 2002. Tưởng cũng xin nói thêm là bài viết được đặt trong bối cảnh phiên dịch tài liệu thông tin cộng đồng (community information translation) ở Úc, cho nên đối tượng độc giả chủ yếu là người Việt sống tại Úc. Hy vọng “tính chất cộng đồng” trong phiên dịch của bài viết sẽ được độc giả là ông N. Xu hoan nghênh.
1. Giải pháp dịch thuật
Nhìn chung, trong một số những trường hợp hiển nhiên ta thấy có một số tương đương một-đối-một, tương đương tuyệt đối (absolute equivalence), còn lại thì thực tế cho thấy khác biệt về kinh nghiệm, văn hóa, văn minh, chính trị, tiến bộ khoa học, kỹ thuật của hai cộng đồng nói ngôn ngữ khác nhau là nguyên nhân khiến cho phiên dịch viên, trong nhiều trường hợp, phải đi tìm cái tương đương tương đối (relative equivalence), cái tương đương gần nhất (nearest equivalence), song không phải vì thế mà không phản ảnh trung thực mục đích của tài liệu ngôn ngữ gốc.
Trong kho tàng khá mới mẻ về chiến lược và chiến thuật phiên dịch, mà tiếng Anh họ quen gọi là “translation strategies”, hoặc “translation procedures”, ta có thể nói đến các giải pháp dịch thuật như sau:
1.1 Chuyển nguyên ngữ (transference)
Thông thường khi phải dịch từ Anh sang Việt cho độc giả là những người đang sống ở nước nói tiếng Anh, người ta dùng lối chuyển nguyên ngữ (transference), tức là dùng nguyên chữ tiếng Anh trong bản văn tiếng Việt. Thí dụ “đi shop”, “đi pub”, “ở flat”, “bán sale”, “lãnh lump sum”.
Tuy nhiên, một bản văn quảng cáo gọi một dịch vụ là “dịch vụ Break even” thì tôi sợ rằng chuyển nguyên ngữ như thế là mình đã đi quá xa, vì không mấy ai hiểu “break even” là gì. Tôi nhớ mang máng đã nghe được quảng cáo này trên đài phát thanh ở Melbourne về dịch vụ giúp đỡ những người nghiền cờ bạc. Liệu có phải dịch vụ này nhằm giúp người nghiền cờ bạc “không bị thua xiểng liểng nếu đi đánh bạc” hay “đánh thua đậm rồi thì được giúp đỡ về mặt y tế, tài chánh để không bị ảnh hưởng nặng nề đến cá nhân mình và những người thân yêu” hay không? Nếu bảo rằng mình cố ý để nguyên chữ, hay chuyển nguyên ngữ tiếng Anh như thế để thu hút tò mò của người đọc, người nghe trong trường hợp này thì tôi lại sợ rằng lập luận đó không vững, vì từ “break even” vừa khó đọc vừa khó nhại. Tôi cũng đã thấy “dịch vụ Lifeline” (để nguyên không dịch hay có thể nói là đã dịch chuyển nguyên ngữ) cũng là dịch vụ giúp người ghiền cờ bạc, liệu xem dịch ra là ” dịch vụ Mạch sống (Lifeline)”, còn “dịch vụ Break even” là ” dịch vụ Thủ hòa (Break even)” hay “dịch vụ Thủ huề (Break even)” có phải là giải pháp hay hơn không, có đúng với mục đích của dịch vụ không?
1.2 Chuyển âm (naturalisation)
Một lối khác tạm gọi là lối chuyển âm (naturalisation), tức là nhái theo cách phát âm tiếng Anh, rồi phiên âm ra tiếng Việt. Thí dụ “lane”chuyển dịch thành ra “lên”, “gay (đồng tính luyến ái)” thành ra “ghê”, “compo” (chữ tắt của “compensation” nghĩa là “tiền bồi thường”) thành ra “com bồ”, “lãnh redundancy package” (nghĩa là lãnh trọn gói tiền bồi thường khi bị cho thôi việc) thành “lãnh bách kệt”, “đánh theo system” (tức là dùng “phương pháp” đánh bạc nào đó mà người ta nghĩ là có nhiều hy vọng thắng), thành “đánh theo xít-tầm,” “bán sale” thành “bán xeo”, “làm nail” thành “làm nêu”, “thịt kangaroo” thành “thịt căng-gu-ru”.
Người ta đã thấy tên người, tên thành phố, tên quốc gia đã được dịch theo lối này. Khi chiến tranh Việt Nam còn ở giai đoạn đầu, một Bộ trưởng Quốc phòng xa xưa của Mỹ đã được đài “Tiếng nói Mặt trận Giải phóng Miền Nam” gọi là tên “Cờ-lác Cờ-líp-phớt” (Clark Clifford). Người Miền Bắc trong nước chỉ biết thủ đô của nước Pháp gọi là “Pari” (Paris) chứ không phải là “Ba-lê”. Tòa đại sứ Úc tại Hà-nội có bảng hiệu đề trước cửa là “Ðại sứ quán Ốtx-trây-lia”(Australia).
1.3 Tương đương văn hóa (cultural equivalence)
Với những từ biểu hiện đặc trưng văn hóa (culture specific terms) thì ta dịch bằng từ tương đương văn hóa. Thí dụ “HSC” (viết tắt của Higher School Certificate dùng trong Tiểu bang NSW) hay “VCE” (viết tắt của Victorian Certificate of Education dùng trong Tiểu bang Victoria) đã được dịch là “Tú tài Úc”, hoặc “Tú tài HSC”, hay “Tú tài VCE”, hoặc cũng có thể dịch là “Bằng Tốt nghiệp Phổ thông Trung học Úc”, nếu muốn nhắm vào độc giả đã hoặc đang sống ở Việt Nam.
Có điều trớ trêu là một chức vụ trong đại học Anh Úc là Vice Chancellor mà nếu dịch theo tương đương văn hóa thì có lẽ phải dịch là “Viện trưởng” mới đúng, thay vì “Phó Viện trưởng”, bởi lẽ nhân vật này là trưởng nhiệm đại học, quản lý cả về học vụ lẫn hành chánh. Nếu dịch là “Phó Viện trưởng”, thì sẽ bị hiểu sai vai trò của người giữ chức vụ đó. Ðối với người Việt làm “Phó” cho ai là mình chỉ đóng vai trò thứ yếu, không có quyền hành gì, như có lần hồi còn nền Ðệ nhị Cộng hòa ở Miền Nam, cựu Thiếu tướng Không quân Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp Trung ương (tức là Thủ tướng), đã chua xót, mỉa mai gọi là chức vụ “Phó Tổng thống” mà ông đảm nhiệm sau này là chức vụ “ngồi chơi xơi nước”. Còn “Chancellor” thì có lẽ phải dịch là “Viện trưởng Danh dự” vì nhân vật này không trực tiếp điều hành đại học, chỉ có tên trên danh nghĩa, đảm nhiệm một chức vụ danh dự.
Khi nói về chuyện sinh đẻ, tùy theo kiến thức văn hóa của độc giả mà ta phải dịch thời gian có bầu, mang thai của phụ nữ bằng “ngày tháng” thay vì bằng “tuần lễ”. Thí dụ với câu tiếng Anh “She”s 20 weeks pregnant” (Cô ấy có bầu được 20 tuần), ở Úc, ở Việt nam có khi ta phải dùng tương đương văn hóa mà dịch là “Cô ấy có bầu được 5 tháng”. Tương tự “The baby weighs six pounds” (đứa bé cân được 6 cân Anh) phải dịch là “đứa bé cân được hơn 2 kí 7”. Hoặc “The two houses are 100 yards apart” (Hai nhà cách nhau 100 mã Anh) phải dịch là “Hai nhà cách nhau chừng 100 thước”. Nếu dịch cho độc giả Việt nam ở Mỹ, tức là những người đã quen với hệ thống đo lường của Anh Mỹ, thì ta phải tính chuyện khác. Chúng ta cũng đừng quên là người Việt ở Mỹ nay đã quen dùng “miles” để nói về khoảng cách đoạn đường xa gần và dùng độ “Farenheit” để chỉ nhiệt độ thời tiết.
Nói chung là ta phải biết mình đang dịch cho ai và họ hiểu được đến đâu, họ quen nghe lối nói nào. Người Anh, người Úc, người Mỹ họ gọi cái nhận thức đó là “common sense” mà họ đã định nghĩa ra là “năng khiếu tự nhiên khiến người ta có phán đoán thích ứng, có hành động hợp lý”(the natural abillity to make good judgement and behave sensibly, BBC English Dictionary), mà tôi quen gọi nó là “nhận thức thông thường”.
1.4 Tương đương chức năng (functional equivalence)
Cũng lại với những từ ngữ biểu hiện đặc trưng văn hóa, ta còn có thể phải áp dụng lối dịch tương đương chức năng, tức là dùng một từ chung, tổng quát cộng thêm với một từ hay cụm từ mới mô tả chi tiết nhiệm vụ, chức năng. Thí dụ “Shadow Cabinet” dịch là “Nội các đối lập” (chữ “Cabinet” dịch là “Nội các” còn chữ “Shadow” nghĩa đen là “Bóng tối”, nhưng nếu dịch sát nghĩa sợ người đọc không hiểu, nên phải dịch là “đối lập”). Tôi đã được nghe thông dịch viên trong phái đoàn của ông Nông Ðức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, viếng Úc năm 1998 dịch “Shadow Cabinet” là “Nội các Bóng”. Tôi không hiểu từ này đã được dịch như thế ở Việt nam hay là vì tính cấp thiết do công tác đòi hỏi mà thông dịch viên, người tôi thấy đã chứng tỏ có đầy đủ khả năng và nhiều kinh nghiệm, phải vội ứng biến như vậy.
Một kiểu khác nữa là cắt nghĩa chức năng cộng thêm với chuyển nguyên ngữ đặt trong hai ngoặc đơn. Thí dụ “Open Day” thì dịch là “Ngày nhà trường mở cửa giới thiệu sinh hoạt, tiện nghi cơ sở cho công chúng vào xem (Open Day)”. Hay có thể dịch ngắn gọn hơn là “Ngày giới thiệu trường/cơ sở (Open Day)” cũng đâu có sao? Tương tự ta có từ “Red Nose Day”, đem dịch ra thành “Ngày quyên tiền/yểm trợ cho công cuộc nghiên cứu hiện tượng trẻ em chết trong nôi (Red Nose Day)”, mặc dầu còn thiếu yếu tố “mua mũi nhựa tròn màu đỏ bằng plastic đeo vào mũi”.
1.5 Tương đương miêu tả (descriptive equivalence)
Ngoài lối dịch tương đương chức năng, ta còn có thể dùng lối dịch tương đương miêu tả, nhưng tùy theo mục đích của tài liệu ngôn ngữ gốc mà ta phải cân đo chọn giữa miêu tả (description) và chức năng (function). Thí dụ “boomerang” được miêu tả là “cái khúc cây cong cứng, đẽo thành hình giống như cái lưỡi liềm của Thổ dân Úc”, còn chức năng của nó là “dùng làm vũ khí phụ gia để săn bẫy chim muông”. Khi dịch chữ “Continental breakfast” ta phải miêu tả như sau: “bữa điểm tâm nhẹ gồm có bánh mì (hay bánh sừng bò) ăn với mứt ướt (công-phi-tuya), uống cà-phê hay trà”. Lối dịch giảng nghĩa này có thể dùng làm cước chú (footnote), trong trường hợp dịch một đoạn truyện ngắn hay tiểu thuyết mà chi tiết này không cần thiết, còn trong truyện thì có thể chỉ để “bữa điểm tâm nhẹ” là đủ, mặc dù không thấy nói gì đến chuyện phân biệt giữa “Continental Europe” nghĩa là “Âu lục” với “Quần đảo Anh” (The British Isles).
Từ “hitchhiking backpackers” dịch theo lối miêu tả là: “khách du lịch đeo ba-lô thường đứng bên đường vẫy xe hơi/xe ô-tô/xe vận tải xin đi quá giang”. Ở Việt Nam nay họ gọi những anh chàng này là “khách du lịch ba-lô” hay “Tây ba-lô”, có thể là yếu tố “vẫy xe đi quá giang” không xẩy ra. Từ “chemical castration” nghĩa là “trích cho tội phạm chuyên trị hiếp dâm bằng những hoá chất để khiến cho họ không còn thấy hứng tình nữa”. Ý niệm “castration” thì người Việt ta có, vì ta quen với việc “thiến chó”, “thiến mèo”, “thiến gà”, “hoạn lợn”, nhưng ta chưa thấy ai nói “dùng thuốc để thiến”, mà nếu nói “dùng thuốc để diệt dục” thì liệu có sợ bị hiểu lầm là theo triết lí nhà Phật mà diệt mọi thứ dục vọng trên đời, mầm mống của mọi khổ đau, hay không?
1.6 Dịch phóng từ (calque)
Lối dịch phóng từ này (tiếng Pháp gọi là “calque”) còn gọi là lối dịch suốt (through translation), lối dịch vay mượn (loan translation), lối dịch ngữ nghĩa (semantic translation), hay lối dịch trực nghĩa (literal translation). Ðộng từ “calquer” trong tiếng Pháp nghĩa là “căn ke”, “tô lên”, “phóng lên”, “đồ theo”. Lối dịch phóng từ được áp dụng khi dịch nhưng kết hợp từ thông thường (collocations), tên các tổ chức, cơ quan, thành phần của những từ kép thông thường. Thí dụ ta dịch “galloping inflation” là “lạm phát phi mã”, “European Union” là “Liên hiệp Âu Châu”, “International Monetary Fund (IMF)” là “Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF)”, “call girl” là “gái gọi”, “eyeball” là “nhãn cầu”, “superman” là “siêu nhân”. Nhìn chung ta thấy từ nào cũng được dịch “đồ theo” theo nguyên nghĩa của từ ấy, còn thứ tự, vị trí của từ thì được sắp xếp lại theo cú pháp tiếng Việt. Ngoại trừ trường hợp dùng tiếng Hán Việt, thì vị trí của từ không thay đổi, chẳng hạn như “nhãn cầu,” “siêu nhân”. Trong từ “siêu nhân” thì “super” phóng ảnh nghĩa của nó ra là “siêu”, “man” phóng ảnh nghĩa của nó ra là “nhân”, thay vì dịch theo thứ tự tiếng Việt là “*người đàn ông siêu đẳng” là từ mà người Việt ta chưa quen nói.
Là người phiên dịch, ta cũng phải thận trọng trong lối dịch phóng từ này, chớ tự sáng tác phóng tay. Từ dịch phóng phải là những từ đã nghe quen tai, bằng không ta sẽ có những cấu trúc, lối nói đầy dịch tính (translationese) mà diễn nghĩa nôm na là văn Ta thì sặc mùi “phô mai/phó mát”, văn Tây thì sặc mùi “nước mắm”. Tỉ dụ như “Season’s Greetings” mà dịch là “*Những Lời Chào mừng của Mùa”, thay vì “Cung chúc Tân xuân”, hay “Chúc mừng Năm mới”, hoặc “body language” dịch là “*ngôn ngữ thể xác”, thay vì tùy trường hợp, ngữ cảnh, văn mạch mà phải dịch là “cử chỉ”, “bộ điệu”, “vẻ mặt”, “thái độ”, “hành động”, “ứng xử không lời” (nonverbal communication) hay “ngôn ngữ không lời”.
Có người sẽ không chấp nhận dịch “body language” là “ngôn ngữ không lờí” vì lí do giản dị là “đã là ngôn ngữ thì phải có lời” và sẽ kết luận rằng “dịch như thế là sai, là mâu thuẫn, không hợp lí”. Ðối với những người này, ta có thể viện dẫn hai điểm: (1) không thể đòi hỏi ngôn ngữ phải hợp lí, phải có lô-gích, nhiều khi ta tưởng là cái hợp lí đối với ngôn ngữ này, thì lại không hợp lí với ngôn ngữ kia, hoặc ngay trong cùng một ngôn ngữ chỗ này hợp lí mà chỗ khác thì không; (2) tiếng Anh họ đã nói “human language” mà mình đã dịch là “ngôn ngữ loài người”, trong sách vở họ đã viết “animal language” mà mình đã dịch đâu đó là “ngôn ngữ loài vật” và nghe coi bộ xuôi tai, có thể chấp nhận được, mặc dù biết rằng loài vật đâu có nói thành lời, đâu có ngôn ngữ, có chăng là thứ ngôn ngữ được ta hiểu là tiếng kêu, tiếng gọi, hoặc điệu vũ ra hiệu cho nhau. Dịch “body language” là “*ngôn ngữ thể xác” , mà tôi đã được nghe, có thể bị người ta hiểu lầm vì chữ “thể xác” gợi ý “nhục dục của thân thể”.
Trong ngôn ngữ học có môn ngữ dụng học (pragmatics) là môn nghiên cứu về ý định của người nói và ý lãnh hội được, ý hiểu được của người nghe. Nếu bản văn gốc trong đó “ông nói gà”, mà trong bản văn ngọn “bà hiểu vịt” thì như thế tức là phiên dịch viên đã không thực hiện được cái “tương đương ngữ dụng” (pragmatic equivalence). Áp dụng máy móc lối dịch phóng từ để dịch “Rape Centre” thành “Trung tâm Hiếp dâm” thì chỉ tổ vô tình “nối giáo cho giặc”. Còn “Justice of the Peace (JP)” (ở Úc nghĩa chính của cụm từ này là người kí tên chứng nhận công chứng thư) mà đem dịch là “Thẩm phán Tòa án Công lí Hòa bình” vào tấm danh thiếp của mình khi giao dịch với đồng bào ở quê nhà là cố ý “lập lờ đánh lận con đen”.
2. Kết luận
Trong việc dịch thuật, cái bất công nằm ở chỗ là khi mình dịch hay, dịch đúng thì cũng không mấy ai biết mà khen vì họ đâu có bản văn gốc đem đối chiếu để mà biết những cam go, cạm bẫy mà người dịch đã trải qua, đã tháo gỡ. Ðộc giả coi đó như là chuyện tự nhiên, không thắc mắc. Chỉ khi nghe thấy cái gì lạ tai, đọc thấy cái gì gai mắt thì lúc đó người nghe, người đọc mới nhăn mặt, cau mày, chê lấy chê để. Chuyện dịch thuật , nhất là trong lúc bị công việc thúc bách, đòi hỏi ứng phó tức khắc, hoặc trong lúc phải dịch liên miên, ngày này qua ngày khác, thì “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”. Ai mà chả vậy. Kể cả những dịch giả “số dzách” hoàn vũ, chắc là họ cũng biết trọng chữ thành chữ tín để không ngần ngại mà nhìn nhận rằng mình đã có hơn một lần lầm lỗi.
Tôi nhớ lại gần hai chục năm về trước trong Ban Việt ngữ Ðài BBC Luân đôn, vào đầu năm 1980, khi Chủ tịch Nhà nước Cộng sản Việt Nam Tôn Ðức Thắng từ trần, thì bỉnh bút Ðài BBC thi đó là bà Judy Stowe có viết bài ai khải (obituary) nói về công đức và sự nghiệp của ông này để cho phát thanh về Việt Nam. Trong bài viết, nữ kí giả người Anh này có dùng chữ “figurehead” để mô tả vị Chủ tịch họ Tôn. Từ “figurehead” này đã được một người bạn đồng nghiệp của tôi thời đó dịch là “bù nhìn”, thì bị một đồng nghiệp khác phản đối, cho rằng dịch như thế là không đúng, vì “bù nhìn” nghĩa là “puppet”. Tôi không nhớ là anh đồng nghiệp tố giác bạn mình dịch sai đã đề nghị chữ nào mới là dịch đúng, mà chỉ còn nhớ là nội vụ sau đó được đem ra trình với anh Trưởng ban Việt ngữ người Ăng-lê. Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây là Chính phủ Hà-nội đã gọi Chính phủ Việt Nam Cộng hòa trước kia là “Chính phủ Nguỵ” mà tiếng Anh đã được dịch ra là “Puppet Government”, có nghĩa là “Chính phủ bù nhìn”.
Nếu gọi Ông Tôn Ðức Thắng là “bù nhìn”, dịch từ chữ “figurehead” ra, thì có đúng không? Theo tôi nghĩ, nếu chúng ta được dịp đọc kĩ lại bài viết của bà Judy Stowe để xem thêm giọng điệu, chê hay khen, của bà trong toàn bài ai khải thì may ra ta có thêm ý kiến để có thể quyết định chọn chữ nào dịch cho đúng, mà chữ đó chưa biết chừng trong từ điển chưa có, hoặc không có liệt kê dùng để dịch chữ “figurehead”.
Nói tóm lại, đi tìm cái tương đương để dịch sao cho đúng, sao cho chính xác, hay nói đúng hơn sao cho thích hợp (appropriate), không phải là chuyện dễ. Nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như mục đích tài liệu, thể loại tài liệu, đối tượng độc giả, thực thể của hai ngôn ngữ mục tiêu.
Trịnh Nhật, PhD
[Bài viết trích trong cuốn sách “Ngôn ngữ và Dịch thuật: Trăng đến rằm trăng tròn” (Language and Translation: In the fullness of time), của Trịnh Nhật, phát hành tại Úc, năm 2012].
Tài Liệu Tham Khảo
[1] Baker, M. In Other Words: A Course Book on Translation. London: Routledge, 1992.
[2] Benson,M., E. Benson, R. Ilson. The BBI Combinatory Dictionaryof English. Amsterdam: John Benjamins, 1993.
[3] Berlin, B.& P. Kay. Basic Color Terms: Their Universality and Evolution. Berkley: University of California Press, 1991.
[4] Carroll, J.B. (ed) Language, Thought, and Reality (Selected Writings of Benjamin Lee Whorf). Cambridge: MIT Press, 1956.
[5] Carter, R. Vocabulary: Applied Linguistic Perspective. London: Allen & Unwin, 1987.
[6] Collins Cobuild English Dictionary. London: HarperCollins, 1995.
[7] Ðào, Duy Anh. Hán Việt Từ điển (ấn bản in lại). Hồ Chí Minh: NXB TP HCM, 1996.
[8] Ðào, Thản. “Hệ thống từ ngữ chỉ màu sắc của tiếng Việt trong sự liên hệ với mấy điều phổ quát”. Trong tạp chí Ngôn ngữ. Số 2. Hànội: Viện Ngôn ngữ học, 1993.
[9] Fernando, C. Idioms and Idiomacity. Oxford: OxfordUniversity Press, 1996.
[10] Hartmann, R. R. K. “Equivalence in Bilingual Lexicography: From Correspondence Relation to Communicative Strategy”. Papers and Studies in Contrastive Linguistics. Jacek Fisiak (ed.). Poznan: AdamMickiewicsUniversity. Vol. 22 (1988), 2128.
[11] Hoàng, Phê. Từ điển Tiếng Việt. Hà-nội: NXB Giáo dục, 1996.
[12] Kirkpatrick,E.M. and C.M. Schwarz (eds). Idioms. Edinburgh; Chambers, 1991.
[13] Lyons, J. Introduction to Theoretical Linguistics. London: CambridgeUniversity Press, (1971).
[14] Mai, Ngọc-Chữ, V. Ð, Nghiệu, H.T. Phiến. Cơ sở Ngôn ngữ học và Tiếng Việt. Hànội: NXB Ðại học và Giáo dục Chuyên nghiệp, 1991.
[15] Nattinger, J.R. and J.S. DeCarrico. Lexical Phrases and Language Teaching. Oxford: OxfordUniversity Press, 1992.
[16] Newmark, P. A Textbook of Translation. London: Prentice Hall, 1988.
[17] Nguyễn, Ðình-Hoà. Vietnamese (Tiếng Việt không son phấn). Amsterdam: John Benjamins, 1997.
[18] Nguyễn, Như-Ý, N.V. Khang, P.X. Thành. Từ điển Thành ngữ Việt nam. Hànội: NXB Vănhóa, 1993.
Thompson, L.C. A Vietnamese Grammar. Seattle: University of Washington, 1965