Trước khi thăm viếng Malaysia và đến Việt Nam tham dự Thượng đỉnh thứ 17 của Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á vào cuối tuần này, Thủ tướng Ấn Độ đã hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản tại Tokyo hôm 26/10.
Về triển vọng hợp tác giữa hai nước được truyền thông loan tải thì ngoài hồ sơ an ninh, người ta chú ý đến việc Ấn Độ sẽ bán “đất hiếm” cho Nhật Bản. Tin đó khiến dư luận để ý tới việc Nhật Bản cũng sẽ mua “đất hiếm” của Việt Nam. Chuyện “đất hiếm” ấy là gì, Diễn đàn Kinh tế đã yêu cầu nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa trình bày cho quý thính giả. Sau đây là cuộc trao đổi do Việt Long thực hiện.
Đất hiếm được sử dụng trong công nghệ cao. AFP photo
Việt Long: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, hôm Thứ Ba 26, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã kết thúc chuyến thăm viếng Nhật Bản trước khi tới Malaysia rồi Việt Nam tham dự Thượng đỉnh của khối ASEAN tại Hà Nội. Trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Nhật, vị nguyên thủ của Ấn Độ đã nói đến nhiều triển vọng hợp tác giữa hai cường quốc tại Nam Á và Đông Á khiến người ta chú ý đến một quốc gia nằm ở giữa là Trung Quốc, một mối quan tâm của cả hai nước.
Nhưng, cũng tại kỳ họp này, dư luận được biết là Nhật muốn mua đất hiếm của Ấn Độ. Tin đó khiến người ta nhớ đến việc báo chí cũng nói đến một đề tài thảo luận của Thủ tướng Nhật Naoto Kan vào cuối tuần này tại Hà Nội là mua đất hiếm của Việt Nam. Thế thì đất hiếm đó là gì mà Nhật Bản đang ráo riết tìm mua?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng chúng ta nên tìm hiểu về bối cảnh trước.
Thứ nhất, những động thái quân sự gần đây của Trung Quốc tại khu vực Kashmir và gần bang Arunachal Pradesh của Ấn và tại Đông hải ngoài khơi Nhật Bản khiến hai xứ Nam Á và Đông Á phải quan tâm và tăng cường hợp tác về nhiều mặt, kể cả an ninh. Điều ấy có lợi cho Việt Nam khi nhiều cường quốc trong khu vực đều chú ý đến sự bành trướng đáng ngại của Trung Quốc. Việc Ấn Độ hợp tác với Việt Nam về huấn luyện quân sự cũng nằm trong chiều hướng đó.
Thứ hai, trong mâu thuẫn Hoa-Nhật, giữa Trung Quốc và Nhật Bản, bùng nổ từ Tháng Chín vừa qua, người ta chú ý đến một hồ sơ là việc Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu đất hiếm qua Nhật, khiến các doanh nghiệp Nhật đều lúng túng và Chính quyền Nhật đang ráo riết đi tìm các nguồn tiếp liệu khác, thí dụ như tại Ấn Độ và Việt Nam, hoặc cả Hoa Kỳ, Úc hay Brazil. Bây giờ, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về sản phẩm chiến lược này, cứ bị gọi sai là “đất hiếm”.
Việt Long: Như vậy, chúng ta bắt đầu nói về sản phẩm đó trước khi phân tích vì sao xứ nào cũng đang cần và vị thế của Trung Quốc trong lãnh vực này là gì.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Xuất phát từ nước Pháp vào thế kỷ 19, người ta dùng chữ “đất hiếm” hay “rare earth” để dịch chữ “terres rares” của Pháp. Đấy là 17 nguyên tố hóa chất có thể tìm thấy trên vỏ trái đất, là kim loại hiếm quý và cần thiết cho nhiều ngành công nghiệp. Nếu gọi là “kim loại hiếm” thì có lẽ đúng hơn và còn dễ hiểu hơn từ “Hy Thổ Kim Thuộc” của Trung Quốc.
Trên đại thể thì sau khi xác định bằng địa chất học, ta phải đào cả tấn đất, cán vụn thành sỏi, rồi xay thành bụi để qua nhiều đợt đãi lọc tinh chế bằng vật lý, hóa học hay quang học thì gạn được 17 thứ kim loại không thể thiếu trong hầu hết máy móc thiết bị của nền văn minh hiện đại. Từ máy nói, máy ảnh, máy tính, máy lọc dầu đến máy bay và cả bom khôn. Tức là từ kỹ nghệ điện toán, không gian đến quốc phòng, đến năng lượng v.v… người ta đều cần tới những kim loại này. Vì vậy, chúng mới là sản phẩm chiến lược.
Trung Quốc chiếm vị trí số một
Việt Long: Thế Trung Quốc giữ vị trí gì trong lĩnh vực chiến lược đó? Vì có rất nhiều đất hiếm hay kim loại quý như ông vừa nói?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa, vẫn nói về bối cảnh thì đây là đề tài kinh tế thú vị vì cho chúng ta, nhất là Việt Nam, nhiều bài học bổ ích cho tương lai.
Từ vài thế kỷ nay, cùng với đà công nghiệp hoá và tiến bộ của khoa học kỹ thuật, người ta tìm ra công dụng của các kim loại quý trên mặt trái đất. Hoa Kỳ là nước dẫn đầu về sản lượng vì có trữ lượng rất lớn. Ngoài ra, nhiều xứ khác cũng có các kim loại này, như nước Nga, Kazahkstan, Úc, Ấn Độ, Brazil, v.v… Khi cải cách kinh tế để công nghiệp hoá, Trung Quốc bắt đầu thấy ra công dụng đó, trong ba chục năm, họ đã đào xới lung tung và nay là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản lượng kim loại hiếm. Tính đến năm ngoái thì trong sản lượng của cả thế giới là 124 ngàn tấn thước khối, có 120 ngàn tấn là của Trung Quốc, tương đương với 97%. Và trong trữ lượng tìm ra trên mặt địa cầu, tính đến năm ngoái là gần triệu tấn thì Trung Quốc có được 36%. Trong khi ấy, sản lượng của Hoa Kỳ thì từ đỉnh cao là 40 ngàn tấn vào năm 1983 đã trở thành… số không kể từ gần 10 năm nay!
Việt Long: Ông vừa nêu ra một dữ kiện rất lạ. Đó là từ khi Trung Quốc nhảy vào ngành này, cách đây ba chục năm, thì cũng là lúc Hoa Kỳ bắt đầu rút lui rồi nhường ngôi vị số một cho họ! Tại sao như vậy?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta đang chứng kiến một kinh nghiệm kinh tế mà Việt Nam nên để ý. Ta nói về Trung Quốc đã vì Việt Nam là nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của mô thức Trung Quốc.
Mô thức kinh tế Trung Quốc là sản xuất tối đa mà bất kể lời lỗ về kinh doanh vì chỉ để tạo ra công việc làm cho dân số quá đông. Quan niệm của lãnh đạo Bắc Kinh về “mối lời” là sự ổn định chính trị và xã hội bên trong và xây dựng thế lực kinh tế với bên ngoài. Nhưng cái phần lỗ mà họ không tính ra là những tổn thất về môi sinh, là khối tín dụng sẽ biến thành nợ thối hay là các doanh nghiệp sẽ phá sản nếu không được trợ cấp để tồn tại… Như nhiều ngành công nghiệp khác, kỹ nghệ khai thác kim loại hiếm của Trung Quốc là một điển hình.
Từ khi cào đất hiếm, 30 năm về trước, Trung Quốc lại hồ hởi thi đua theo kiểu Bước Nhảy vọt Vĩ đại của Mao, vì các doanh nghiệp nhà nước bất kể lớn nhỏ đã được cấp phát tín dụng nhẹ lãi để đào đất hiếm mà bất kể chi phí. Trong 10 năm đầu sau cải cách, sản lượng tăng 40% một năm, rồi cứ năm năm lại nhân đôi một lần cho tới khi thành vô địch thế giới. Nhưng vì sản xuất ào ạt, cho nên Trung Quốc làm giá sụt mất 95% so với tình hình năm 1979!
Việt Long: Trước sự tung hoành đó của Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước khác tính sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Họ hoan hô vì có kim loại hiếm với giá cực rẻ thì tội gì cào đất và hít bụi độc cho dân thêm khổ? Không chỉ Mỹ mà các xứ khác cũng đều thấy là việc khai thác này bớt có lợi. Song song, luật lệ bảo vệ môi sinh và quyền lợi lao động cũng chặt chẽ hơn nên họ khỏi tìm kiếm đào xới làm chi khi có nhà cung cấp rẻ tiền là Trung Quốc. Nghĩa là việc xứ này bán rẻ kim loại quý có góp phần đáng kể cho cách mạng công nghệ toàn cầu từ đầu thế kỷ 21.
Bây giờ, ta mới nói đến bài học của mô thức kinh tế Trung Quốc mà Việt Nam dại dột tưởng là mẫu mực. Phí tổn chìm, hay “ẩn phí” ở đây, là môi sinh bị hủy hoại, quyền lợi và sức khoẻ của công nhân không được bảo vệ, nhiều doanh nghiệp đào chui bán lậu với mức lời cực thấp và khi phá sản thì đành quịt nợ, làm hệ thống ngân hàng bị chìm dưới núi nợ xấu.
Năm năm trước, Bắc Kinh mới thấy ra sự dại dột. Họ nghiên cứu việc chấn chỉnh sản xuất và phân phối để tiến dần tới chế độ tập trung kiểm soát. Song song, họ nghĩ đến việc tìm nguồn cung cấp khác vì biết rằng với đà lạm thác, tức là khai thác vô trách nhiệm, trữ lượng kim loại quý sẽ chỉ vừa đủ cho nhu cầu nội địa. Thứ ba là họ phải giữ thế độc quyền về các sản phẩm chiến lược vì liên hệ đến an ninh. Đây là ý nghĩa câu nói của Đặng Tiểu Bình năm 1992, rằng “Trung Đông có dầu khí thì Trung Quốc có đất hiếm.” Đó là võ khí chiến lược!
Các nước đối phó ra sao?
Việt Long: Sau khi thấy ra sự sai lầm Trung Quốc đã làm những gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nhân kinh nghệm này, ta nên trước tiên chú ý đến các dự án khai thác bauxite tại Việt Nam, đó là kết quả của sự giác ngộ Trung Quốc! Sau khi mua chuộc lãnh đạo, họ muốn làm chủ một nguồn cung cấp kim loại và cho dân ta hít bụi độc, uống nước ô nhiễm…
Rồi đầu năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh ra chỉ thỉ kiện toàn kiểm soát và điều hướng sản xuất. Từ Tháng Năm, họ cấm sản xuất lậu, dẹp luôn các cơ sở kém hiệu năng để chỉ còn 20 doanh nghiệp thay vì 90 đơn vị đào đất tìm kim loại hiếm. Rồi họ đặt ra hạn ngạch xuất khẩu, một năm không bán ra quá 35 ngàn tấn. Sau khi gây mâu thuẫn với Nhật Bản về tranh chấp và đụng độ quanh khu vực Senkaku/Điếu ngư đài vào mùng bảy Tháng Chín, họ hăm dọa sẽ ngưng xuất khẩu luôn, bất chấp cam kết về ngoại thương trong khôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Khi Trung Quốc hạn chế dần việc xuất khẩu và giá cả của nhiều kim loại hiếm sẽ tăng. Doanh nghiệp và Chính phủ Nhật có thấy trước việc đó và đang chuẩn bị đối phó. Các nước khác cũng vậy.
Việt Long: Các quốc gia có thể đối phó như thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói chung, bài toán cung cầu và giá cả đang đảo lộn nên tất nhiên chi phối các quyết định kinh doanh – là vi mô – và kinh tế, là vĩ mô.
Thí dụ là phải tìm ra nguồn cung cấp điền thế, để thay dần kim loại Trung Quốc. Bài toán kinh doanh và kinh tế dẫn tới giải pháp hợp tác về ngoại thương và ngoại giao với các nước có kim loại hiếm này. Đó là sự hợp tác của Nhật với Ấn Độ, Cộng hoà Mông Cổ và Việt Nam để khảo sát và khai thác. Còn các nhà sản xuất lớn trước đây như Hoa Kỳ hay Úc cũng phải cân nhắc lại yếu tố lời lỗ và môi sinh để phục hoạt các mỏ đã có, như Mountain Pass tại California hay Mount Weld tại Úc. Thứ ba, nhờ giá tăng vì nguồn cung cấp thu hẹp thì người ta phải khảo sát địa chất để tìm ra dự trữ mới ở những nơi trước đây không ai cần ngó tới. Những tiến trình ấy sẽ mất nhiều năm mới thành dự án đầu tư rồi sản xuất.
Tuy nhiên, ngay trước mắt thì mỗi kim loại lại có đặc tính riêng về kỹ thuật và giá cả. Có loại tối cần thiết cho năng lượng, không gian hay quốc phòng thì mua nơi nào với giá nào cũng trả. Có loại thật nhỏ và thật ra cực rẻ, chưa đầy 1% của giá thành thì nếu có mua đắt hơn vấn đề vẫn chưa là nguy kịch, Có loại mà người ta có thể thay thế được thì phải tìm cách thay thế. Có loại thì có thể tái tạo từ phế vật cũ… Cũng có loại siêu hạng mà dù có đất thì Trung Quốc cũng chẳng thể sản xuất ra nên sẽ phải đổi chác với giá đắt hơn…. Nói chung, có gần một chục sản phẩm có ý nghĩa sinh tử nhất mà mỗi loại lại xử trí một cách và sớm nhất thì phải vài năm mới hoàn thành.
Việt Long: Tức là từ hai đến năm năm tới, các quốc gia và doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại. Việt Nam nên làm gì trong hoàn cảnh đó?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nên rút tỉa bài học Trung Quốc để rà soát lại từ chiến lược kinh tế đến các dự án hợp tác mà Bắc Kinh nắm dao đằng chuôi còn dân ta là nạn nhân. Các dự án bauxite là thí dụ đầu tiên. Thứ hai, ViệtNam có trữ lượng đáng kể, có thể là 17 triệu tấn đất hiếm, nhưng là loại “xốp”, có mật độ kim loại ít nên cũng đừng vội lạc quan.
Then chốt nhất trong khai thác là cân nhắc lợi ích đếm được bằng tiền với những phí tổn chìm về môi sinh hay sức khoẻ. Khi các nước công nghiệp hoá như Pháp, Đức, Nhật, đang cần các sản phẩm này thì Việt Nam nên hợp tác với họ hơn là với Trung Quốc. Nhưng cần định giá cho đúng so với các ẩn phí và nên hợp tác để học lấy công nghệ hiện đại, có hiệu năng cao và xử lý bùn đất một cách an toàn nhất về môi sinh. Khi ấy, Việt Nam mới thấy thế nào là văn minh tiên tiến so với sự mờ ám vẩn đục của dự án bauxite.
Ảnh chụp kho dự trữ quặng đất hiếm của tập đoàn Lynas Corporation tại mỏ Mount Weld phía Tây nước Úc. AFP photo