Nhà biên khảo Phạm Trần Anh, bút hiệu Phạm Trần Quốc Việt, đã bị CSVN bắt ngày 3.7.1977, bị tòa án Việt Cộng xử chung thân với tội danh “Hoạt động lật đổ chính quyền Cộng sản”. Sau hơn 20 năm tù khổ sai, biệt giam, ông được Hội Ân Xá Quốc Tế [Amnesty International] can thiệp và Việt Cộng đã phải trả tự do cho ông vào ngày 3.8.1997. Hiện ông Phạm Trần Anh đang sinh sống tại California, Hoa Kỳ và liên tục nghiên cứu, biên soạn 12 tác phẩm trong tinh thần “Ôn cố Tri tân”.
Gần đây tác giả Phạm Trần Anh có ghé qua Falls Church, Virginia, ra mắt sách VIỆT NAM NƯỚC TÔI vào ngày 8 tháng 8, 2015, tại trụ sở NHÀ VIỆT NAM.
Diễn Đàn Việt Thức có dịp hàn huyên với nhà biên khảo Phạm Trần Anh qua cuộc phỏng vấn sau đây.
1. Diễn Đàn Việt Thức: Xin phép được xưng hô với Anh một cách thân mật vì Diễn Đàn Việt Thức đã từng đăng tải những tác phẩm biên khảo xuất sắc của Anh qua nhiều năm liên tục. Vậy nhân dịp này, xin Anh cho biết thêm những điểm đáng nhớ về tiểu sử, chức nghiệp, và những sinh hoạt dấn thân, tù đày của Anh trong nước trước khi ra hải ngoại “tỵ nạn cộng sản”.
Phạm Trần Anh: Vâng, trước hết xin cám ơn LS TS Lưu Nguyễn Đạt và Việt Thức, một Điện Báo đa dạng rất giá trị mà tôi là một độc giả mến mộ. Thưa anh, thay vì nói về mình về “Cái tôi dễ ghét” của mình, xin trích dẫn thi sĩ Phổ Đức viết về Phạm Trần Anh như sau: “Tốt Nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh 1969, Khóa 4/70 Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức. Sau ngày mất nước, ở lại Việt Nam thành lập Mặt trận Người Việt Tự do cùng với Thi sĩ Tú Kếu Trần Đức Uyển, nhà văn Trọng Tú. Người Tù Bất Khuất Phạm Trần Anh bị chế độ CSVN bắt ngày 3 tháng 7 năm 1977, toà án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng buộc tội: “Tên Phạm Trần Anh là tên phản động ngoan cố cực kỳ nguy hiểm, căm thù sâu sắc giai cấp vô sản, có kinh nghiệm chống phá cách mạng, câu kết với các tổ chức phản động trong nước và các thế lực phản động quốc tế nhằm lật đổ chế độ … Tòa kết án Chung thân, cách ly khỏi xã hội”.
Sau hai mươi năm 1 tháng tù đày, do sự can thiệp của Tổ chức Ân Xá Quốc tế Amnesty và của Thủ Tướng Thụy Điển, nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã phải trả tự do ngày 3 tháng 8 năm 1997 sau hơn 20 năm tù đầy trong đó bị cùm chân tay gần chín năm trong xà lim.
Sau hơn 9 năm cầm giữ trong nước không cho xuất ngoại vì “Nguy hiểm đến an ninh quốc gia”. Mãi tới ngày 2 tháng 9 năm 2006, Phạm Trần Anh mới sang đoàn tụ với gia đình tại Hoa Kỳ. Trong thời gian này, Phạm Trần Anh đã tìm tòi nghiên cứu về cội nguồn dân tộc Việt. Đồng thời anh cũng âm thầm cùng với Thượng Tọa Thích Thiện Minh, TT Thích Không Tánh, cư sĩ Trần Hữu Duyên chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Phật Giáo Hòa Hảo … thành lập Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam.
Thượng Tọa Thích Thiện Minh, người được Đặc Phái Viên Liên Hiệp Quốc Sir Abdelfatad Amor tuyên dương là “Người Tù Lương Tâm của Việt Nam với 26 năm tù ngục viết: “Tháng 5 năm 1996, ông Phạm Trần Anh và tôi đã cùng Thượng Tọa Thích Trí Siêu, Thầy Nguyễn Viết Huân dòng Đồng Công, giáo sư nguyễn Mạnh Bảo Cao Đài, cụ Nguyễn văn Đấu Phật Giáo Hòa Hảo đã đấu tranh chống lao động và học tập chính trị. Chúng tôi đã biến lớp học chính trị của Cộng Sản trong tù thành diễn đàn đấu tranh công khai đòi dân chủ tự do, đòi hủy bỏ điều 4 hiến pháp của cái gọi là nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, đòi quyền sống tối thiểu của con người ngay trong trại tù Cộng sản…
Nhân danh hội Bảo vệ Tù nhân Chính trị bao gồm các thành viên đủ màu sắc tôn giáo đứng lên đấu tranh và cùng ký tên gửi kháng thư tới Liên Hiệp quốc. Bản Kháng thư đã được Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền và Uỷ ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam đưa ra trước Phân ban Nhân quyền Liên Hiệp quốc như sau: “Ngày 27 tháng 5 năm 1996, tập thể tù nhân chính trị tại trại Z30A K1 đã biểu tình đưa kiến nghị đòi cải thiện chế độ lao tù theo đúng như những qui định trong điều 36 về những qui định tối thiểu về việc đối xử tù nhân của Liên Hiệp quốc. Tất cả tù nhân chính trị đã ký tên gồm Đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất: TT Thích Thiện Minh, Đại diện Thiên Chúa giáo: Thầy Nguyễn Viết Huân Dòng Đồng Công, đại diện Cao Đài: GS Nguyễn văn Bảo, đại diện Phật Giáo Hòa Hảo cụ Nguyễn văn Đấu và Hội Bảo vệ Tù nhân Chính trị Việt Nam: Huỳnh Hưng Quốc tức Phạm Trần Anh …” .
2. Diễn Đàn Việt Thức: Trong hai mươi năm tù khổ sai, biệt cấm, Anh đã chứng nghiệm được gì, tiếp cận những ai, và tìm ra tâm thức bất khuất hay phương cách tự vệ nào để chịu đựng và tồn tại?
Phạm Trần Anh: Vâng, thưa anh, sau khi cái gọi là “Tòa Án Nhân Dân” tại Lâm Đồng xét xử tôiI với tội danh hoạt động lật đổ chế độ. xử án chung thân, tên giám thị trại giam hỏi tôi có chống án không? Tôi trả lời tôi không chống án vì tôi đâu có công nhận chế độ CS này. Sau khi xử án, Việt gian CS tiếp tục cùm 2 chân tôi trong xà lim biệt gian gần 7 năm. Suốt 7 năm trời…..nên xin lỗi anh, nằm trong xà lim biệt giam những lúc nằm một mình, điều tôi suy nghĩ nhiều là tại sao một chế độ dân chủ tự do lại thua một chế độ kém văn minh, thua kém VNCH về mọi mặt. Tôi suy tư về vận nước, thao thức một mình nói cho văn vẻ hơn là tôi độc thoại trong bóng đêm hay nói theo dân gian là “Tôi chỉ nói chuyện với cái đầu gối của mình…”.
Tôi còn nhớ, khi kết cung, tôi có nói với tên Viện Trưởng Kiềm Sát là “Các anh cứ đưa ra đây, một tờ giấy trắng. Tôi ký tên ngay, các anh muốn xử sao tùy các anh, không cần kết cung kết cán gì…”. Tên này đập bàn tức giận bỏ ra ngoài thì cô bé thư ký “CS Ba mươi” chạy đến, vịn vai tôi nói “Trời ơi, chú phải sống. Tại sao chú nói vậy, tên này nó giết bao nhiêu người rồi…”. Tôi phải sống, vâng tôi phải sống bằng mọi giá đã nâng tôi lên mỗi khi bị tra tấn đánh đập, bệnh tật chán nản…Vâng, điều anh nói đúng. Lúc đó tôi còn trẻ mới ngoài 30 nên mang tâm trạng một Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ, thất bại là chấp nhận cái chết không van xin cầu cạnh. Việc tổ chức tuyên truyền, chống lao động, chống học tập chính trị biết nguy hiểm chết như chơi nhưng vẫn làm, không phải vì liều nhưng làm có tính toán kỹ lưỡng, nếu chết thì chấp nhận thế thôi. Đó là điều anh nói là tâm thức bất khuất cũng như phương cách tự vệ đó, thưa anh. Thời gian này, tôi có làm một bài thơ “Ủ Tờ” và bài “Xiềng Xích, nay xin tặng anh và quý độc giả Việt Thức: .
Cơm bưng, nước rót, canh đưa
Hỏi chi sướng vậy, Xin thưa ủ tờ
Ở tù cũng giống đi tu
Chữ tù cùng với chữ tu một vần…
“Chân cùm tay xích đầu sao xích,
Xích sẽ có ngày xích phải tung ..!
Tư tưởng tinh thần làm sao xích,
Xích sẽ đến ngày xích phải tung …!
A ha .. A ha ..!
3. Diễn Đàn Việt Thức: Khi ra hải ngoại với tư cách cựu tù nhân chính trị “tỵ nạn cộng sản”, tại sao Anh không chọn con đường “khai thác chính trị” một cách xứng đáng, mà lại miệt mài nghiên cứu văn hoá lịch sử Việt Nam? Tới nay, Anh đã biên khảo và ra mắt được bao nhiêu tác phẩm, với mục đích gì?
Phạm Trần Anh: Thưa Anh, ngày 17-2-1979 khi Trung Cộng đánh Việt Cộng tôi đang nằm trong xà lim Đại Bình. Thú thật lúc đầu, anh em nằm cùng xà lim trên quan điểm của người Quốc Gia, ai cũng vui mừng mở cờ trong bụng. Sau đó nghĩ tới gần một ngàn năm bị Tàu đô hộ, lòng tôi chùng xuống với nỗi lo âu trước đại họa mất nước vào tay kẻ thù tryền kiếp của dân tộc. Tôi để tâm nghiên cứu lịch sử và ấm ức mãi với câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn…”. Tại sao lại so sánh công cha với ngọn núi Thái Sơn ở bên Tàu rồi Kinh Dương Vương đặt tên nước là Xích Quỷ… Thế rồi tìm hiểu tại sao sau gần ngàn năm đô hộ mà dân tộc mình vẫn vùng lên giành lại độc lập tự chủ…mà không một dân tộc nào trên thế giới có thể có một trang sử bi hùng lẫm liệt như dân tộc Việt.
Sau khi ra tù, tôi đi các tiệm sách cũ trên vỉa đường Sài Gòn, vào thư viện tìm sách sử để tìm tòi nghiên cứu nên trong gần 9 năm CS giữ tôi lại, tôi đã viết chui xong 2 quyển Nguồn Gốc Việt Tộc và Huyền Tích Việt.
Tháng 9 năm 2006, tôi mới được sang định cư tại Hoa Kỳ. Sau đó tôi đi khắp các Tiểu bang Hoa Kỳ, sang Canada, Úc và 5 nước châu Âu để trình bày về hiện tình đất nước. Ngày 20-1-2007, tôi họp báo tại thủ đô Tiệp Khắc công bố tội ác của chế độ Cộng sản Việt Nam trước công luận quốc tế. Chế độ bạo tàn CS đã xử bắn trên 300 tù chính trị và tôn giáo trong đó có 2 linh mục, 2 phụ nữ, 1 phụ nữ có thai 8 tháng.
Vâng thưa anh, tôi chỉ là một chiến sĩ cách mạng, không theo đuổi mục đích chính trị nên tôi dành hết thời gian còn lại của cuộc đời để phục hồi sự thật lịch sử đã bị đế quốc “Tàu Hán” xưa, cũng như lớp bụi thời gian, che phủ mấy ngàn năm. Thưa Anh, với các tiến bộ khoa học của thời đại cách mạng truyền thông, sự thật lịch sử đã được phục hồi với những điều mà tất cả chúng ta không ngờ được.
Đó chính là động lực khiến tôi viết tác phẩm Việt Nam Nước Tôi để chứng minh Tàu Hán và Việt là 2 chủng tộc khác nhau hoàn toàn, Việt tộc là một đại chủng và “Cái gọi là Văn hóa Trung Quốc” chính là văn hóa Việt. Đặc biệt, tôi viết Việt Nam Nước Tôi để đánh vào tử huyệt của đế quốc mới Trung Quốc.
Kết quả DNA chứng minh rằng hơn một nửa dân số Trung Quốc [đa số tại Nam Hoa] hiện nay là người Tung Quốc gốc Việt Cổ đã bị Hán hóa, nhưng vẫn giữ bản sắc Việt. Khi những điều kiện khách quan tác động, chắc chắn hồn dân tộc sống dậy sẽ cùng với các dân tộc bị tri Mông, Mãn, Tạng, Hồi vùng lên thì đế quốc mới Trung Cộng sẽ tiêu vong.
4. Diễn Đàn Việt Thức: Trong nỗ lực tìm kiếm nguồn gốc và các trạng thái văn hoá dân tộc Việt, Anh đã dựa vào những giả thuyết nào, những lý luận và phát minh khoa học nào cho phép khám phá và xác định sự thật về văn hoá và lịch sử trên. Xin Anh chứng minh và kết luận rõ ràng.
Phạm Trần Anh: Để tìm về nguồn cội dân tộc, chúng ta không thể căn cứ trên những nguồn chính sử được viết bởi các sử quan đại Hán mà chúng ta phải tìm đến những nguồn sách sử gọi là “Ngoại Thư”, đó là sách sử Trung Quốc nhưng phần lớn do những người Trung Quốc gốc Việt cổ viết nên mới có những nguồn sử liệu trung thực.
Thí dụ như quyển Quảng Châu ký, Bách Việt Nguyên Lưu Dư Văn Hóa, Bách Việt Tiên Hiền Chí của Âu Đại Nhậm viết vào triều Minh TQ… Ngoài ra, các công trình nghiên cứu dân tộc học, ngôn ngữ học, văn hóa học, khảo tiền sử học, khảo cổ học, văn hóa khảo cổ, di truyền học và Đại Dương học với những kết quả khoa học mới nhất, thuyết phục nhất đã giúp tôi hệ thống hóa tiến trình hình thành nhân chủng Việt để chúng ta hiểu rõ ràng cội nguồn văn hóa và nguồn gốc dân tộc Việt trên cơ sở khoa học.
– Người Tiền sử từ châu Phi tiến sang định cư ở vùng Đông Nam Á nhưng tập trung ở Hòa Bình Bắc Việt Nam. Khi nước biển dâng lên, người tiền sử từ Sundaland và Nanhailand tập trung về vùng cao Hòa Bình và đã thành hình nền văn minh đến nay có thể xem là nền văn minh cổ nhất của nhân loại. Chính cư dân Hòa Bình chính là những người tiền Việt Hoabinhian=Protoviets.
– Khi biển tiến hơn thì hoabinhian Protoviets này phải thiên cư lên hướng Tây Bắc tới cao nguyên chân núi Hy Mã Lạp Sơn Himalaya. Các nhà nhân chủng gọi nhửng người này là chủng Indonnesian nhưng chúng tôi gọi là Malaysian vì xuất phát từ cao nguyên Malaya xuống trung nguyên Trung Quốc.
– Cách đây khoảng 5.500 năm, khi nước biển rút dần thì người tiền Việt di chuyển dần xuống định cư tại lưu vực của các con sông lớn Hoàng Hà, Dương Tử, Cửu Long và Hồng Hà. Nguồn sách sử cổ của Trung Quốc gọi những người này là Di-Việt đã thành lập các nước Bách Việt (Bai-Yue) chúng tôi gọi là Malayoviets nên trước đây, sách sử cũ chép rằng dân tộc Việt từ Động Đình Hồ tiến xuống thành lập quốc gia Văn Lang ở Việt Trì Phú Thọ Bắc Việt Nam.
– Trên thực tế, vua Hùng mở nước Văn Lang ở vùng Cửa Việt, Giao Chỉ nơi 4 con sông giáp nhau Min-Ya-Kon-Ka thuộc vùng Quý Châu Trung Quốc bây giờ. Đến thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên, nước biển rút ra biển Đông nên chi Hùng Vương thứ 18 mới tiến xuống vùng châu thổ Bắc Việt Nam bây giờ.
5. Diễn Đàn Việt Thức: Theo đà bạch hoá của nền “Văn hoá Hoà Bình”, xin Anh cho biết thành tố xuất phát, phạm trù tiến hoá và tầm quan trọng của hiện tượng văn hoá lịch sử đó.
Phạm Trần Anh: Theo khoa Đại Dương Học thì trước khi biển tiến cách đây 14.000 năm, 11.500 năm và 8.000 năm, thềm lục địa Nanhailand vẫn còn nối liền với đảo Hải Nam. Thềm lục địa Sundaland vẫn còn trên mực nước biển, nối liền lục địa Á châu với các đảo Sumatra, Borneo, Java nên người cổ Đông Nam Á đi qua các “cầu đất liền” trên vùng rộng lớn này.
Người Đông Nam Á cổ bắt đầu thuần hóa các cây quả và thú vật, kết hợp đời sống đánh cá với hái lượm trong rừng, trồng các loại cây như cây đậu ở gần nơi cư trú trong hang động. Trước khi biển tiến cách đây 14.000 năm thì thềm Sunda vẫn còn trên mực nước biển, nối liền lục địa Á châu với các đảo Sumatra, Borneo, Java tạo thành Sundaland cho phép người cổ Đông Nam Á phân tán và đi qua các “cầu đất liền” trên vùng rộng lớn này. Vào thời đồ đá, người tiền sử Đông Nam Á được các nhà nhân chủng gọi là Austro-Asiatic. Những người Austro-Asiatic, chủ nhân của nền văn hoá Hòa Bình Hoabinhian chính là những người Tiền Việt (Protoviets) cư trú ở Việt Nam.
Trước đây, thế giới cho rằng trung tâm nông nghiệp cổ nhất là ở Lưỡng Hà có niên đại C14 là 7.000 năm. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy động thực vật được thuần dưỡng tại Hòa Bình có độ tuổi 10.000 năm và cư dân Hòa Bình đã chế tác đá cuội cực rắn thành những nông cụ như cầy, cuốc, thuổng để canh tác.
Hội nghị Khảo cổ Học Quốc Tế năm 1932 về thời Tiền Sử ở Viễn Ðông xác nhận: “Văn hóa Hòa Bình là trung tâm phát minh nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp cùng chăn nuôi gia súc đầu tiên trên thế giới. Trung tâm nông nghiệp Hòa Bình có trước vùng Lưỡng Hà 3.000 năm”. Học giả Hoa Kỳ C. Sauer kết luận: “Ðúng là nông nghiệp đã tiến triển qua hai giai đoạn mà giai đoạn đầu là văn hóa Hòa Bình. Lúa nước đã được trồng cùng lúc với khoai sọ. Ðông Nam Á là cái nôi của nền nông nghiệp cổ nhất gắn liền với kỹ thuật đánh cá bằng lưới và những động vật gia súc xưa nhất đều bắt nguồn từ Ðông Nam Á. Đây là trung tâm quan trọng của thế giới về kỹ thuật trồng trọt và thuần dưỡng cây trồng bằng cách tái sinh sản thực vật”.
Các học giả Hoa Kỳ W.G. Solheim II, Gorman, Trương Quang Trực (Trung Quốc) và học giả Nga N. Vavilow đều thừa nhận rằng: “Ðông Nam Á mà khởi nguyên là Việt Nam đã có một nền văn hóa tiền sử phát triển rất sớm, tiên tiến và nhanh chóng, sáng tạo và sống động chưa từng thấy ở nơi nào trên thế giới.”. Nhà nghiên cứu Gorman Chester F nhận định rằng nền văn minh Hòa Bình thành hình trong thời gian thềm lục địa Sundaland và Nanhailand bị ngập lụt. Từ nhiều ngàn năm trước, cư dân Hòa Bình thời nguyên thủy chỉ biết sống bằng săn bắn hái lượm rồi dần dần trồng trọt ruộng khô trong những vùng thung lũng. Khi mực nước biển dâng cao khiến dân cư tụ lại vùng cao ngày một đông, sự thiếu hụt lương thực khiến cư dân Hòa Bình nảy sinh những phát kiến quan trọng, đó là sự ra đời các giống cây cho hạt, những loại ngũ cốc thuần hóa thích hợp để cấy ruộng nước. Đây là chuyển biến quan trọng mang tính đột phá của nền văn minh Hòa Bình cổ nhất của nhân loại.
Giới nghiên cứu đã thống nhất quan điểm về nền văn hóa tiền sử Đông Nam Á là nền văn hóa thực vật với đời sống săn bắt hái lượm nguyên thủy. Công trình nghiên cứu về thức ăn của đồng bào Xá, Thái Tày ở Bắc VN cho biết họ chuyên sống bằng 50 loại rau rừng, 40 loại mộc nhĩ, nấm rừng hay măng, 9 loại cây củ và 32 loại côn trùng. Ngoài ra còn có rất nhiều loại nghêu sò ốc hến, ba ba, rùa rắn. Giới nghiên cứu ghi nhận cư dân Sơn Vi đã biết nướng chín thức ăn, và sống quây quần bên bếp lửa lớn với những đống vỏ sò, xương động vật bị nướng cháy. Họ đã tụ cư thành từng gia đình, bếp lửa nhỏ hơn và các nhà khảo cổ đã tìm thấy những ngôi mộ được mai táng ngay bên bếp lửa nơi cư ngụ. Điều này thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa những người còn sống và đã chết, tập tục rắc thổ hoàng lên người chết và chôn những vật thường dùng của người chết chứng tỏ người thời Sơn Vi có một đời sống tâm linh với quan niệm “vạn vật hữu linh,” khởi nguyên của truyền thống thờ cúng ông bà tiên tổ của chúng ta sau này.
Học giả Andréas Lommel trong tác phẩm Tiền Sử đã ghi nhận như sau: “Tất cả miền đất mênh mông từ Thái Bình Dương trở lên đến Hoa Nam Trung Quốc đều có cùng một nền văn hóa. Đảo Bornéo ở Nam Dương (Indonesia) cũng có cùng nghệ thuật như miền sông Hoài thuộc Giang Tô miền Nam nước Ngô thời Xuân Thu Chiến Quốc. Đặc tính văn hóa gắn liền với môi trường sinh sống của thực vật và động vật từ trầu cau, cây dâu đến heo, gà, công. Các phong tục tập quán từ nhuộm răng ăn trầu, xâm mình, cà răng đến lễ hội mừng nước, đua thuyền, vai trò quan trọng của trống đồng và cồng chiêng trong các lễ hội dân gian. Đó là khu vực Văn Hóa Trống Đồng của cộng đồng Bách Việt từ Nam Trung Quốc, Đài Loan, Hải Nam tới Đông Dương gồm Việt Miên Lào, Thái Lan xuống tới bán đảo Mallacca, Mã Lai (Malaysia), Nam Dương (Indonesia), Phi Luât Tân (Philippine), Guinée, quần đảo Micronesia và Pâques.”.
Ngày nay, giới khoa học chính thức công nhận nền văn hoá Hoà Bình là một nền văn hóa cổ đại nhất của nhân loại. Chính điều kiện thiên nhiên thổ nhưỡng của vùng ảnh hưởng văn hoá Hoà Bình này đã hội đủ những điều kiện để vùng Đông Nam Á trải dài từ chân núi Hi Mã Lạp Sơn và Côn Luân xuống tới Nam Á là một trong những cái nôi sinh trưởng đầu tiên của nhân loại. Tiến sĩ W.G Wilheim đã kết luận: “Đông Nam Á đã bắt đầu trồng cây, làm đồ gốm và đúc đồ đồng, sớm hơn các dân tộc Cận Đông, Ấn Độ, Trung Hoa tới cả hàng mấy ngàn năm trong đó Việt Nam là quê hương của nền văn hoá Hoà Bình.”.
Kết quả các công trình khảo cổ, văn hóa khảo cổ đã xác định lộ trình tiến hóa từ nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn tới Vân Nam, Nguyên Mưu, Tam Tinh Đôi, Lĩnh Nam và Giang Nam, Ngưỡng Thiều-Long Sơn, Hà Mỗ Độ, Phùng Nguyên, Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo của đại chủng Hoabinhoid với một không gian văn hóa trải rộng khắp vùng Đông Nam Á lục địa và hải đảo, Đông Bắc Á, Đông Nam Trung Quốc sang tới châu Mỹ. Cho tới ngày nay, nền văn hóa Hòa Bình được xem là nền văn hóa cổ nhất của nhân loại và từ người Hòa Bình Hoabinhian=Protoviets tiến hóa thành người Việt hiện đại nói riêng và đại chủng Hoabinhoid nói chung đã làm đảo lộn mọi tri thức lỗi thời trước đây về nền văn minh thế giới…
6. Diễn Đàn Việt Thức: Từ những đặc thù văn hoá nông nghiệp lúa nước, tổ chức làng ấp, và những công trình khai phá sáng tạo tinh vi như thiên văn, tướng số, nung đúc đồ gồm, trống đồng, kiến trúc và hải nghiệp từ ngàn năm xưa có cho phép chúng ta dự đoán đường hướng sinh tồn và phát triển kinh bang tế thế cần thiết cho Đất Nước và Dân Tộc Việt trong tương lai, hậu cộng sản? Xin đề cử một số viễn tượng liên hệ, khả thi trong khu vực và khả ứng đối với lịch trình tiến hoá của nhân loại.
Phạm Trần Anh:
Xin cảm ơn vấn đề mà LSTS đặt ra, đây là thao thức chung của tất cả những người Việt với tâm thức Việt đã đặt ra cho chính mình và cả dân tộc mình. Thưa quý vị, với những kết quả khoa học mới nhất, thuyết phục nhất đã chứng minh dân tộc Việt là một dân tộc có lịch sử lâu đời nhất với nền văn minh cổ nhất của nhân loại. Lịch sử cũng chứng minh rằng dân tộc Việt đã có gần 5 ngàn năm văn hiến chi bang. Trong suốt trường kỳ lịch sử, dân tộc Việt với những thăng trầm lịch sử có một không hai trong lịch sử nhân loại. Lòng yêu nước thương nòi, ý chí kiên cường bất khuất của tiền nhân Việt đã viết lên những trang sử hào hùng lẫm liệt.
Bên cạnh nhũng khốn khó thương đau mất mát của ngày Quốc Hận 30-4-1975 thì hoàn cảnh khách quan của lịch sử đã tạo cho chúng ta một cơ hội để kiến quốc và hưng quốc. Thật vậy, với hơn 4 triệu người Việt lưu vong trên khắp thế giới gần nửa thế kỷ qua, thế hệ thứ hai đã hội nhập và đóng góp đáng kể trên mọi lãnh vực cho dòng sinh hoạt chính của quốc gia sở tại nên trong tương lai chúng ta có một Việt Nam Siêu Biên Cương trên khắp thế giới với nhưng con dân VN người Mỹ gốc Việt, người Canada gốc Việt, người Nga gốc Việt, người Ba Lan gốc Việt, người Anh gốc Việt, người Pháp gốc Việt, người Đức gốc Việt… thì chắc chắn sẽ đóng góp nhiều cho công cuộc kiến quốc và hưng quốc, cũng như góp phần không nhỏ trong lịch sử tiến hóa của nhân loại.
Thưa anh, cũng chính hoàn cảnh lịch sử phải đương đầu với một đế quốc mới Trung Cộng xâm lược, một liên minh các quốc gia Đông Nam Á sớm muộn gì cũng sẽ hình thành để đối trọng với Trung Quốc. Lịch sử đã trao phó cho người Việt quốc gia chúng ta ba sứ mạng Cứu Quốc, cứu nhân dân thoát khỏi gông cùm Cộng sản và cứu đất nước trước nạn ngoại xâm của kẻ thù truyền kiếp phương Bắc. Sau sứ mạng Cứu Quốc là sứ mạng Kiến Quốc và Hưng Quốc thời kỳ hậu cộng sản, với nguồn nhân lực, vật lực và tài lực của hơn 4 triệu đồng bào Việt Nam ở Hải ngoại, nhất là nguồn tri thức vô giá của thế hệ thứ hai mà không một quốc gia nào có được, tất cả sẽ là nguồn lực phát triển phục hưng dân tộc Việt, chuyển đổi lịch sử để Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.
7. Diễn Đàn Việt Thức: Trong bài “Văn Minh Cổ Và Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam”, tập TƯ TƯỞNG, nhà biên khảo Cung Đình Thanh đã ghi: “Có lẽ, phát biểu rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của văn hóa chắc không quá đáng, bởi vì một khuynh hướng chung hiện nay là các quốc gia trên thế giới đang (hay sắp) qui tụ với nhau thành nhiều nhóm dựa trên văn hóa, mà không dựa trên ý thức hệ (như Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Tư bản trong thời gian qua). Trong thế kỷ 21, người ta sẽ hỏi “Anh là ai”, thay vì “Anh thuộc phe nào” trong thế kỷ vừa qua. Tức là một sự chuyển biến về nhận dạng từ ý thức hệ sang văn hóa”. Tác giả Phạm Trần Anh có cùng quan điểm? Nhưng “văn hoá” vốn là truyền thống phong tục, tập quán trong không gian và thời gian, nên cũng bị “điều kiện hoá” và có huynh hướng biến hoá, cập nhật hoá như thế nào? Tốt và xấu?
Phạm Trần Anh: Viễn kiến của học giả Cung Đình Thanh cũng là mong muốn, là ước mơ của tất cả mọi người, sau thời kỳ chiến tranh ý thức hệ, nhân loại sẽ quay về với văn hóa là những gì siêu việt, miên viễn trường tồn hay nói một cách khác là hy vọng thời thái bình thịnh trị sẽ đến với nhân loại. Thế nhưng, phần lớn các học giả, các nhà nghiên cứu chiến lược đều cho rằng sau cuộc chiến tranh ý thức hệ, nhân loại lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh dân tộc và tôn giáo có thể đưa nhân loại đến diệt vong.
Thực tế chính trị cho chúng ta thấy rõ điều này, chiến tranh dân tộc, cực đoan tôn giáo xảy ra khắp nơi. Vấn đề đặt ra là làm sao để các dân tộc, các tôn giáo vượt thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn để hướng tới một cuộc cách mạng Văn Hóa Tâm Linh siêu vượt sẽ cứu nhân loại khỏi họa diệt vong. Bằng không thì chính khuynh hướng dân tộc cực đoan của một “Đại Hán” Tập Cận Bình, một “Slave” Đại Nga của Putin, Al qaeda rồi ISIS của Hồi giáo cực đoan khiến chúng ta tớn những trang sử u tối ngu xuẩn của nhân loại về cuộc chiến tranh tôn giáo thời Trung Cổ…sẽ đưa nhân loại vào ngõ cụt, không lối thoát.
8. Diễn Đàn Việt Thức: Phải chăng “văn hoá” cần có sự thăng hoa bằng minh triết và sự thanh lọc, uốn nắn bằng trách nhiệm đạo đức, bằng giáo dục chân chính? Nếu “Văn Hoá Việt” có tiềm thức “tự vượt”, thì liệu dân tộc Việt còn đủ khí phách và ý chí vượt khỏi những hiện tượng tệ đoan phi văn hoá như “văn hoá đảng phiệt cộng sản”, “văn hoá căm thù đấu tố”, “văn hoá tham nhũng, cướp ngày”, “văn hoá nam-hoa gian thương, giết người” v.v. để có hy vọng tiến hoá tới gần những nền văn hoá nhân bản, tử tế trên thế giới tân tiến, tự do. Hay Văn Hoá Việt vẫn còn u mê trong cõi “văng” hoá hang hố Pác Bó? Hay lại tiếp diễn nỗ lực “hoá-văn” chụp mũ, chửi bẩn, mạ lỵ điên cuồng? Những thứ “văng-hoá“ gian lận hoặc “hoá-văn” hà tỳ vô văn hoá đó đang gom thành những dòng nghiệp chướng di căn triệt hạ phẩm giá và sinh lực con người.
Phạm Trần Anh: Với chủ trương nô dịch của cộng sản, biết bao thế hệ Việt Nam bị nhồi nhét nền văn hóa Mác-Lê phi nhân tàn bạo mà hậu qủa là tạo ra những cỗ máy vô hồn, những con người vô cảm lạnh lùng, mất gốc. Chúng ta đau lòng khi chứng kiến nền văn hóa sa sút, đạo đức suy đồi hậu quả của chế độ Việt gian CS đã phá vỡ mọi nền tảng giá trị luân lý đạo đức Việt Nam tự ngàn xưa. Hậu quả của chính sách bóc lột vơ vét, làm giàu trên xương máu của nhân dân để bần cùng hóa nhân dân duy trì sự thống trị của tập đoàn Việt gian CS. Chính do sự nghèo đói cùng cực, người dân phải làm bất kể điều gì để kiếm đủ hai bữa cơm sống qua ngày nên không cần giữ lễ nghĩa đạo đức luân lý gì nên chúng ta mới thấy văn hóa kiếm tiền, văn hóa chửi, văn hóa giết người…nói chung là văn hóa vô văn hóa Cộng sản. Chính vì vậy, vấn đề hết sức khẩn thiết là làm sao phải phục hoạt văn hóa Việt, phục hưng minh triết Việt để tẩy rửa mọi ý hệ ngoại lai, mọi ý đồ truyền bá văn hóa “Trung Quốc” đang được “những tên Thái thú mới,” “xác Việt hồn Tàu” đang thi hành mệnh lệnh của quan thầy Trung Cộng ra sức nhồi sọ dân tộc Việt.
Chúng ta tin tưởng rằng sau khi cộng sản xụp đổ, một chế độ mới [a] với những người lãnh đạo mới thực tâm vì nước vì dân với chủ trương dân tộc, nhân bản và [b] khai phóng cùng với sự trở về của đồng bào hải ngoại mang theo lối sống mới và quan trọng hơn nữa là [c] khi không còn cảnh nghèo đói bần cùng, [d] khi xã hội mới xây dựng lại một nền giáo dục nhân bản, tiến bộ đào tạo một thế hệ Việt Nam mới … thì đất nước sẽ đổi thay trong 1 hay 2 ngũ niên để phục hưng dân tộc Việt.
Tự xa xưa, truyền thống Việt cổ của chúng ta vẫn lấy con người làm gốc “Nhân bản,” tôn trọng cá nhân cũng như sự bình quyền nam nữ, không phân biệt giàu nghèo sang hèn. Trong khi Tây phương coi trọng tự do cá nhân thái quá không đếm xỉa gì tới tha nhân, tới lợi ích cộng đồng của nhân quần xã hội. Đó chính là ý nghĩa của đạo đức Việt cổ mà giới học giả Tây phương đều phải hết lời ca ngợi cái gọi là “Giá trị Phương Đông,” tinh hoa của nền văn minh đạo đức Việt Nam.
Thực tế cuộc sống được chiêm nghiệm suốt chiều dài của lịch sử loài người, đó là tuy đối lập nhưng vẫn hài hòa, thống nhất trong đa dạng thì loài người mới tồn tại mãi tới ngày nay. Bất cứ muôn loài muôn vật muốn tồn tại phải “tương hòa,” đó chính là đạo “Thái hòa” của nền minh triết Việt Nam. Hòa hợp ngay tự bản chất mỗi vật, hòa hợp ngay chính bản thân mỗi người như thể xác với tâm hồn, tình cảm với lý trí, tâm với tính, hài hòa với thiên nhiên, hài hòa trong ứng xử giao tiếp với tha nhân, duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, giữa dân tộc này với dân tộc khác để cùng tồn tại chứ không cực đoan, mưu đồ tìm cách tiêu diệt lẫn nhau.
Cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải cùng tôn trọng nhau, chấp nhận nhau dù có sự khác biệt. Phải chấp nhận thống nhất trong đa dạng, lấy yếu tố con người làm đích điểm để cùng chung sống trong hòa bình. Đó chính là triết thuyết Nhân bản cộng tồn, lấy con người là chính để cùng chung sống trong hòa bình an lạc của nền minh triết Việt.
Trong khi các quốc gia khác trên thế giới thường chọn một vật tổ biểu trưng, một ý thức hệ làm đích điểm nên đắm chìm trong duy lý cực đoan của nhị nguyên luận. Quan niệm duy lý đã dẫn tới thái độ cực đoan, không chấp nhận bất cứ cái gì khác, A là A chứ không thể vừa A vừa B được. Chính đầu óc duy lý cực đoan trên đã đưa nhân loại đến bế tắc, đến ngõ cụt là một cuộc chiến tranh hủy diệt, hậu quả của lý đối lập loại trừ. Nhân loại đang trải qua thời kỳ khủng hoảng, bế tắc của tư tưởng nên hết chiến tranh ý hệ lại quay sang chiến tranh dân tộc và tôn giáo đe dọa sự sống còn của nhân loại.
Chỉ có nền minh triết siêu việt nhân bản tâm linh Việt mới đưa nhân loại thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay để giải quyết vấn đề nhân sinh trước thềm thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại.
Diễn Đàn Việt Thức: Liệu “Việt” còn song hành với “Vượt”? Với tiến hoá, thăng hoa? Vậy Nguồn Văn Hoá Việt chỉ cần thiết nếu còn trong sáng, còn tinh khiết nuôi dưỡng người. Xin cảm ơn Anh Phạm Trần Anh.
Lưu Nguyễn Đạt & Phạm Trần Anh