Diệt chủng tại Cam Bốt : Vai trò « trọng yếu » của Noun Chea và Khieu Samphan
Khu tưởng niệm các nạn nhân chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, ở Choeung Ek, ngoại ô Phnom Penh (ảnh chụp 16/10/2013) REUTERS/Samrang Pring
Tại tòa án xét xử tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ, ngày 17/10/2013, trong phần luận tội hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ là Khieu Samphan và Noun Chea, viện công tố khẳng định có nhiều bằng chứng cho thấy hai nhân vật này đã đóng vai trò « trọng yếu » trong các vụ tra tấn và sát hại người dân Cam Bốt. Noun Chea, 87 tuổi, từng là nhà tư tưởng của chế độ. Còn Khiêu Samphan, 82 tuổi, từng là Chủ tịch nước từ năm 1976 đến 1979.
Tường trình của thông tín viên đài RFI, Stéphanie Gee từ Phnom Penh :
« Luật sư của bên dân sự đã chứng minh ngược lại từng luận điểm được bên bào chữa cho hai bị cáo đưa ra. Những luận điểm đó chủ yếu chối bỏ mọi trách nhiệm của hai ông Khiêu Samphan và Noun Chea trước những tội ác chống nhân loại. Luật sư bảo vệ cho hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ này luôn khẳng định rằng các ông Noun Chea và Khiêu Samphan không hề hay biết về những hành vi tra tấn, sát hại người dân Cam Bốt dưới chế độ Pol Pot.
Đại diện cho bên dân sự, luật sư Simonot nhắc lại với hai bị cáo rằng ngoài rất nhiều những bằng chứng trên giấy tờ, hiện hãy còn nhiều nhân chứng tận mắt chứng kiến những hành vi vô nhân đạo của hai cựu lãnh đạo cao cấp này. Những người có mặt trong phiên tòa hôm nay, hoàn toàn im lặng vì thất vọng khi đại diện của hai bị cáo không hề trả lời các câu hỏi mà nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ từ 35 năm nay nóng lòng muốn biết sự thật .
Thanh Hà
Cảnh sát Cam Bốt đụng độ với người biểu tình bị thu nhà
Ngày 17/10/2013 hàng trăm người đã tập hợp trước Tòa Đô Chính Phnom Penh, phản đối chính quyền trưng thu nhà đất và không đền bù thỏa đáng. Xung đột đã xảy ra giữa đoàn người biểu tình và cảnh sát Cam Bốt.
Thông tín viên Phạm Phan, từ thủ đô Phnom Penh, cho biết thêm chi tiết :
«Sáng nay 17/10/2013, trước trụ sở hành chính của thủ đô Phnom Penh đã xảy ra cuộc biểu tình của những người tịch thu nhà đất. Mấy trăm người biểu tình gồm đàn ông, đàn bà, và có cả những cô gái trẻ hơn 20 tuổi cũng tham gia biểu tình vì quyền lợi thiết thực của họ.
Cảnh sát với dùi cui và tấm chắn đã đứng chặn ở đại lộ Monivong chạy ngang qua cổng lớn Tòa Đô Chính thành phố. Họ cản không cho đoàn người biểu tình tuần hành trên đường phố và đi vào Tòa Đô Chính đòi hỏi các giới chức chính quyền phải trả lời các thắc mắc của dân.
Quang cảnh tại khu vực này cho thấy cảnh chen lấn, xô đẩy mạnh bạo giữa những phụ nữ chân yếu tay mềm và lực lượng cảnh sát được trang bị phương tiện chống bạo động. Chưa có con số chính thức về số người bị thương, tuy nhiên đã gây ồn ào, náo động một khu phố trung tâm Phnom Penh, và cũng là nơi xe cộ lưu thông đông nhất.
Những người biểu tình bao gồm các cư dân tại hồ Boeung Kak, Borei Keila, và ở nhiều khu vực khác. Riêng cư dân tại hồ Boeung Kak, Borei Keila vẫn kiên trì biểu tình chống lại việc trục đuổi từ năm 2009 cho đến nay, vì họ cho rằng chính quyền đền bù không thỏa đáng và việc cưỡng bức di dời là bất công.
Từ sau ngày bầu cử 28/07/2013 cho đến nay, bên cạnh các cuộc tập họp đông đảo của dân chúng ở nhiều tỉnh thành kéo về Phnom Penh chống chính quyền gian lận phiếu bầu, thì cũng xảy ra các cuộc biểu tình của công nhân đòi tăng lương, và dân ở các khu vực bị chính quyền trục đuổi để lấy nhà lấy đất.
Các cư dân tại hồ Boeung Kak, Borei Keila, và các khu vực bị trục đuổi khác dường như có thêm sức mạnh để tổ chức biểu tình đòi chính quyền phải giải quyết thỏa đáng nguyện vọng của họ.
Cuộc biểu tình sáng nay trước Tòa Đô Chính Phnom Penh đã diễn ra ít nhất hai lần tính từ sau ngày bầu cử cho đến nay. Vào ngày 27/9/2013, 200 dân biểu tình trước Tòa Đô Chính, sau 30 phút la ó chống đối, giới chức chịu trách nhiệm tại Tòa Đô Chính đã mời dân vào để tìm cách thương lượng việc đền bù.
Chính quyền lo ngại các cuộc biểu tình đòi không được đuổi nhà sẽ được ủng hộ bởi nhiều người dân đang dự tính xuống đường biểu tình chống gian lận phiếu bầu. Vì đây sẽ tạo ra khối người đông đảo hơn quyết tâm kéo xuống đường không những ở Phnom Penh mà còn ở các tỉnh thành khác để bày tỏ nguyện vọng của dân chúng».
Thanh Hà
Cam Bốt : Hai lãnh đạo Khmer Đỏ cao cấp nhất ra tòa
Vào hôm nay, 16/10/2013, tại Phnom Penh, Tòa án Liên Hiệp Quốc đã bắt đầu phiên xét xử Nuon Chea, và Khieu Samphang, hai tội phạm hàng đầu của chế độ Khmer Đỏ diệt chủng, đã chính thức khởi sự. Đây được xem là giai đoạn quan trọng sau cùng vì hai bị cáo là lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ diệt chủng hiện còn sống.
Từ Phnom Penh, Thông tín viên Phạm Phan giải thích :
Tòa án Khmer Đỏ òa án xét xử các tội phạm hàng đầu của chế độ Khmer Đỏ diệt chủng đã chính thức khởi sự giai đoạn quan trọng sau cùng. Thời gian diễn ra các phiên xử của giai đoạn này, công chúng sẽ được nghe các phát biểu chung cuộc của luật sự thay mặt cho nạn nhân, của công tố viên, và các bị cáo gồm Nuon Chea và Khieu Samphang.
Luật sư Pich Ang đại diện cho các nạn nhân nói rằng chế độ Khmer Đỏ là một chế độ tàn bạo nhất chưa từng có trong lịch sử.
Hơn ba thập niên xảy ra biến cố kinh hoàng của Cánh Đồng Chết và các trại tra tấn rùng rợn, nay thì người dân Cam Bốt có cơ hội chứng kiến Tòa Án đang bước gần đến thời điểm đưa ra phán quyết đối với hai trọng phạm là Nuon Chea, có biệt danh là “Anh Hai”, và Khieu Samphan, nguyên chủ tịch nước.
Vào cuối năm 2011, khi bắt đầu phiên tòa xét xử các trọng phạm Khmer Đỏ, công luận đã đánh giá sự kiện này mở ra một diễn biến hệ trọng để đòi công lý cho nạn nhân. Và trong suốt thời gian qua khi xét xử, các bị cáo vẫn ngoan cố phủ nhận những tố cáo tội ác chiến tranh, tội ác diệt chủng và tội ác chống nhân loại mà tòa dành cho họ.
Hôm nay có khoảng 500 người từ các địa phương kéo về tham dự phiên tòa, trong đó có cả một số cựu binh Khmer Đỏ.
Trong diễn biến sáng nay, khi tham dự phiên xử được 20 phút, Nuon Chea đã rời phòng xử và được đưa vào phòng có an ninh kiểm soát để theo dõi tiếp phiên xử.
Do đây là một vụ án phức tạp và hệ trọng, nên Tòa đã phân chia thành nhiều phiên xử nhỏ. Và phiên xử nhỏ đầu tiên sẽ bắt đầu với tội ác mà các bị cáo trọng phạm đã nhúng tay vào khi chiếm được Phnom Penh tháng 4/1975, thực hiện chính sách lưu đày người dân, bằng cách dùng võ lực xua đuổi dân ra khỏi thành phố để đi vào các trại tập trung khổ nhục, chết chóc.
Các lập luận, phát biểu chung cuộc của các bên sẽ diễn ra cho đến hết tháng này, và phán quyết sẽ được đưa ra vào nửa đầu năm sau.
Mai Vân/Phạm Phan