Tôi hiểu tâm trạng ấy. Nhà văn vốn cô đơn. Trong giới nghệ sĩ, không chừng đó là hạng người cô đơn nhất. Các nhạc sĩ và ca sĩ có thể tiếp xúc trực tiếp với quần chúng, có thể thấy bằng mắt và nghe bằng tai những sự đồng cảm cũng như sự ngưỡng mộ của quần chúng trong các cuộc trình diễn. Họa sĩ và điêu khắc gia cũng có thể thấy người khác đang say sưa chiêm ngưỡng tác phẩm của mình. Trong những người cầm bút, nhà thơ cũng có thể nhìn thấy cảm giác ngây ngất của độc giả khi nghe mình đọc thơ. Còn nhà văn, những người viết văn xuôi, ngược lại, không thể chứng kiến những cảnh ấy. Sách, dày quá, không thể đọc trực tiếp cho người khác nghe được. Người ta chỉ đọc một mình, khuất hẳn ngoài tầm mắt của tác giả. Ngay cả vợ/chồng, con cái hay anh chị em, sống ngay trong nhà, khi đọc tiểu thuyết, cũng không muốn có ai, nhất là tác giả, ngồi bên cạnh quan sát.
Thành ra, nhà văn, dù có nhiều độc giả đến mấy, vẫn không bao giờ chứng kiến được cảnh độc giả đọc văn của mình; vẫn luôn luôn day dứt tự hỏi: Không hiểu độc giả có nhận ra những hậu ý của mình ở từ này hay chi tiết nọ không; có xúc động ở cái chỗ mình bỏ hết tâm huyết để viết không; có thấy nó hay hay không? Vân vân.
Xin lưu ý: Bây giờ, với internet, người ta có thể thấy phản hồi của độc giả có khi gần như ngay tức khắc. Người ta có thể biết độc giả nghĩ gì về bài viết của mình. Nhưng “ngày xưa” – thật ra, chỉ mới cách đây trên mười năm thôi – thì lại khác. Đó là điều gần như người ta không thể tưởng tượng được. Bởi vậy, sự tò mò trước phản ứng của người đọc lúc nào cũng lơ lửng; có khi biến thành một cảm giác khắc khoải.
Là nhà phê bình, tôi cũng hay tò mò về phản ứng của người đọc. Không phải với văn của tôi. Mà với văn thơ của người khác. Đọc một tác phẩm nào đó, từ một bài thơ đến một truyện ngắn, một cuốn tiểu thuyết, một bài tùy bút hay một tiểu luận, thấy tâm đắc, có lúc tôi cũng tò mò tự hỏi: người khác có thấy những gì mình thấy không nhỉ? Chính vì vậy, tôi rất thường đọc các bài phê bình của người khác, từ đồng nghiệp đến những cây bút tài tử. Nhưng với những người đọc bình thường, hàng triệu người đọc thầm lặng khác, thì sao? Muốn biết, nhưng tôi không có cách gì biết được.
Chính ở Thư khố của Trung tâm Việt Nam thuộc trường Texas Tech University, tôi phát hiện một điều thú vị.
Có ngày, tôi dành thì giờ, từ sáng đến tối, để đọc toàn bộ các số báo Văn Nghệ ở Hà Nội từ năm 1963 đến 1975. Tôi đã đọc báo Văn Nghệ từ năm 1948 đến 1954, thời kháng chiến chống Pháp, sau này được in lại thành hai tập dày. Tôi cũng đã đọc khá đầy đủ và thường xuyên báo Văn Nghệ từ 1975 đến nay (tuy càng về sau càng thưa thớt vì không thấy có nhu cầu và hứng thú nữa). Còn báo Văn Nghệ ở miền Bắc trước năm 1975 thì, thú thực, tôi chỉ được đọc rải rác, một cách tình cờ, khá hiếm hoi. Tôi muốn đọc lại để hình dung ra cái không khí văn học ở miền Bắc thời chiến tranh. Vậy thôi.
Báo Văn Nghệ, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, và sau đó, của Hội nhà văn, thật ra, chỉ hay và đáng đọc một thời kỳ ngắn, rất ngắn, lúc Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập, giai đoạn đổi mới, khoảng nửa sau thập niên 1980. Trước và sau đó, nó rất nghèo nàn, khô cứng. Đọc, vì nhu cầu nghiên cứu chứ không phải vì để thưởng thức.
Tôi đọc từng số, từng số. Chủ yếu là liếc qua. Lâu lâu mới dừng lại, đọc kỹ một số bài mà mình thấy thích thích và nghĩ là cần ghi chú làm tài liệu. Đây là những tờ báo cũ, có lẽ đã được một số người đọc, thỉnh thoảng có một số dấu gạch hoặc ghi chú ngoài lề. Những dấu gạch và ghi chú ấy khiến tôi ngạc nhiên. Chúng rất lạ.
Trước hết, về ghi chú. Tất cả đều viết bằng một trong hai thứ tiếng: tiếng Anh và chữ Tàu. Và đều có một nghĩa: Dịch. Tôi đoán là ai đó ghi như thế để nhớ hoặc để yêu cầu người khác dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Hoa. Về tiếng Anh: rất dễ hiểu. Nên nhớ hầu hết các tài liệu trong Thư khố của Trung Tâm Việt Nam, nhất là các tài liệu trước năm 1975, chủ yếu là do các cơ quan tình báo của Mỹ lưu giữ. Nên việc các tài liệu ấy được dịch sang tiếng Anh là điều tự nhiên. Nhưng còn tiếng Hoa? Thú thực, tôi không thể nào hiểu được.
Các gạch ghi dấu dưới các hàng chữ cũng lạ.
Bình thường, đọc sách báo, bao giờ tôi cũng có một cây bút đỏ bên cạnh. Để đánh dấu những chỗ mình chú ý muốn đọc lại hay nghĩ là có thể sử dụng đâu đó, sau này.
Những chỗ tôi đánh dấu thường thuộc một trong ba trường hợp: một, hay về nghệ thuật; hai, hay về tư tưởng; và ba, có một chi tiết nào đó, chưa chắc đã hay nhưng có thể cần dùng, nhất là về phương diện tư liệu. Nhằm chứng minh cho một luận điểm nào đó.
Các dấu gạch trên các tờ báo Văn Nghệ ở đây lại khác. Thứ nhất, chúng không bao giờ xuất hiện trong các bài thơ hay truyện ngắn, những tác phẩm thuần túy văn học. Thứ hai, hầu như chúng chỉ xuất hiện ở hai loại bài viết chính: tin tức và ký sự. Thứ ba, ở các bài viết ấy, các dấu gạch không nhằm ghi nhận những câu văn đắc ý. Mà chủ yếu ở các chi tiết thật lắt nhắt, chả dính dáng gì đến nghệ thuật cả.
Ví dụ, trong bài ký “Mai Châu” của Ngô Ngọc Bội đăng trên Văn Nghệ số 9 ra ngày 1.3.1973, người ta gạch dưới các chi tiết, như: “Đây là mỏm đá đồi A1”; “Hệ thống thủy lợi suối Mùn của Mai Châu… chảy dọc theo đường 15”; “Từ đường số 6 lên tới Suối Nánh phải trèo mất hai tiếng đường dốc”; “đồng chí Tiến, người Suối Nanh, là huyện ủy viên huyện Mai Châu”; “Mỗi năm Suối Nánh phá 150 héc-ta rừng. Cho tới nay, đã phải đi phá xa tới 18 cây số. Lấn cả sang đất Mộc Châu.”
Hoặc trong bài ký “Câu chuyện về một người thương binh hỏng mắt” (tên Nhuận) của Trần Lê Văn đăng trên báo Văn Nghệ số 28 ra ngày 26.7.1973, người ta gạch dưới những chi tiết như: “Nhuận đã bước vào một tổ chức lớn là Sở quân giới Quân khu III và IV cung cấp võ khí cho những chiến dịch lớn”; “Xưởng công binh đầu não của Quân khu đang ở rừng Yên Sơn, vừa phân tán vừa sản xuất”; “Nhuận tỉnh dậy ở bệnh viện K.34”; “Nhuận lưu luyến nhất khi phải từ giã K.34 để chuyển sang bệnh viện Đ.T.7”; v.v.
Rõ ràng những người đọc các số báo Văn Nghệ này không hề có ý định thưởng ngoạn văn chương hay nghệ thuật. Họ đọc chủ yếu là để tìm kiếm các chi tiết có thể phục vụ cho nhu cầu tình báo của họ: đơn vị nào làm gì, ở đâu, bao gồm những ai? Hết.
Tôi đọc khá nhiều. Và tiếp xúc với độc giả cũng khá nhiều, qua các cuộc chuyện trò riêng tư hoặc các buổi hội thảo về văn học, đây đó. Nhưng chưa bao giờ tôi tưởng tượng đến một cách đọc báo văn nghệ hay tác phẩm văn học kiểu như thế.
Mà dĩ nhiên không phải chỉ có các nhân viên tình báo của Mỹ (và, có thể, của một nước nào khác, qua các ghi chú viết bằng tiếng Tàu). Có lẽ công an của Việt Nam cũng đọc báo và sách văn nghệ kiểu như thế.
Lại nhớ, những lần tôi về Việt Nam trước đây. Hầu như lần nào cũng được công an “mời” làm việc. Câu chuyện thường lịch sự và nhẹ nhàng. Họ hỏi nhiều điều, nhưng tập trung nhiều nhất là về tờ Việt do tôi làm chủ biên và tờ báo mạng Tiền Vệ do tôi và Hoàng Ngọc-Tuấn chủ trương. Họ không hỏi về sáng tác. Họ không bàn về quan điểm nghệ thuật. Họ chỉ thắc mắc: Có ai tài trợ cho các hoạt động của chúng tôi hay không? Khi tôi trả lời: Không; tuyệt đối không; tất cả nguồn tài chính để điều hành từ báo in đến báo mạng đều do anh em chúng tôi tự bỏ tiền túi ra làm, họ im lặng. Rồi, sau đó, họ lại hỏi lại. Vẫn y cái câu hỏi ấy.
Điều họ muốn tìm không phải thơ văn hay lý thuyết về văn học. Họ chỉ muốn bắt quả tang một bàn tay của CIA.
Như các nhân viên CIA đã từng đọc báo của họ.
Nguyễn Hưng Quốc