Thư ngỏ này đang làm dậy lên sự chống đối trong Cộng đồng người Việt tỵ nạn khắp nơi, điểm công kích chính nhắm vào tiếng Thư ngỏ, coi đó như là một kiểu Kiến nghị và nhắm vào danh xưng trí thức.
Trước hết, cần phân biệt Thư ngỏ với Kiến nghị, ý nghĩa của hai từ này rất khác nhau, Kiến nghị là loại văn bản đạo đạt một số thỉnh nguyện lên cấp trên còn Thư ngỏ (ở đây) cũng cùng mục đích ấy đồng thời cũng muốn cho mọi người biết. Phải chăng do Thư ngỏ này biểu lộ sự hưởng ứng bản Kiến nghị ở trong nước, nên bị đồng hóa?
Dầu sao, một khi gởi các nhà lãnh đạo Việt Nam, Thư ngỏ đã mang ý nghĩa thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền việt cộng hiện nay, trong khi tư cách của một người tỵ nạn chính trị (không chấp nhận chế độ mới trốn chạy khỏi nước) không nên làm như thế, nếu «đã trở thành công dân nước ngoài» thì họ tự phủ nhận nguồn gốc tỵ nạn chính trị của mình rồi (vong thân), dĩ nhiên không kể số người còn mang quốc tịch Việt Nam, họ còn phải lệ thuộc chế độ hiện hành.
Cũng có người hối tiếc là tại sao không thay chữ Thư ngỏ bằng một tiếng nào khác như Lời kêu gọi giới lãnh đạo Việt Nam chẳng hạn, nội dung tương tự và vẫn có thể đến tai họ (nếu họ nghe), đồng thời vẫn đạt được mục đích chính là đánh động dư luận, như thế vừa giữ được tư thế độc lập lại có vẽ sĩ khí hơn, trái lại Thư ngỏ lại nhắm thẳng vào giới cầm quyền (qua phát biểu của một số người trong cuộc), chắc ai cũng đoán là họ chẳng mấy quan tâm.
Qua trình bày trong Thư ngỏ này, số người «còn mang quốc tịch Việt Nam» sẵn sàng hợp tác với chế độ là chuyện bình thường, có thể họ là thành phần chủ chốt (dầu không ra mặt) chủ trương thảo ra Thư ngỏ và vận động những người khác ký tên vào; khi nói đến vận động thì chắc không phải chỉ mời gọi có bấy nhiêu thôi (ông Lê Xuân Khoa tự cho biết lãnh nhiệm vụ này trong cuộc phỏng vấn của đài RFA ngày 31-8-2011), so với số trên 300 ngàn trí thức hải ngoại (theo Thư ngỏ ước lượng), và phạm vi vận động rất rộng (không phân biệt lập trường, quá khứ, tuổi tác, giới tính, , nhứt là ảnh hưởng của mấy vị tên tuổi trong danh sách tham gia, con số 36 này có thể nói là quá khiêm tốn, đa số là ở Mỹ: 22, còn lại thì ở rải rác, Pháp: 7, Canada: 3, có nước chỉ mời được một vài người như Úc: 2, Anh:1, Thụy Sĩ: 1, điều này có thể do một số người từ chối tham gia ký tên hoặc một cách nhẹ nhàng (xin hai chữ bình an), hoặc biểu lộ sự không đồng ý về hình thức hay nội dung, điểm lại danh sách ký tên trong Thư ngỏ, có vị rất nổi tiếng (tốt cũng có mà không mấy gì tốt cũng có), nhưng cũng có nhiều vị không mấy người biết đến. Sở dĩ Cộng đồng không biết đến họ vì dường như phần lớn sống trong tháp ngà, ít thấy họ xuất hiện trong các sinh hoạt Cộng đồng (như cùng tham gia xuống đường chống sự xâm lấn lãnh thổ của Trung cộng), liệu như vậy có phải là «năng thuyết bất năng hành» không?
Trộm nghĩ trước búa rìu dư luận, không khỏi có vị hối tiếc vì lỡ ký tên, trái lại cũng có vị ráng biện minh cho sự tham gia này, cho những người bày tỏ sự bất đồng tình với mình là: «nhóm thiểu số quá khích lại lớn tiếng chỉ trích những người ký Thư Ngỏ, hầu hết để lấy oai. Tôi không bao giờ trả lời những luân liệu xuyên tạc và lời lẽ hạ cấp của những kẻ “hành nghề” chống cộng như Ngô Kỷ ở Orange County, đã được đặt tên là “Chí Phèo Bolsa”.» (1)
Có thể có sự xích mích riêng giữa các ông Lê Xuân Khoa và Ngô Kỷ, nhưng coi thường dư luận kiểu vơ đủa cả nắm như thế quả không phải là lối xử sự của kẻ mệnh danh là trí thức, càng không phải là người trí khi «ỷ mình khôn mà chê người» (vật thị trí dĩ ngu nhân, lời của ông Thái Công).
Đó cũng là một điểm công luận nhắm tới, đối chiếu với 20 người ký Kiến nghị ở trong nước, không thấy họ tự xưng là trí thức mà chỉ tự ghi đơn giản «Danh sách công dân ký tên vào bản kiến nghị …», mỗi vị tự điền tên họ và ký tên vào các ô định sẵn (2), tiếng trí thức là do các vị trí thức hải ngoại tôn xưng (trong Thư ngỏ), trái lại các vị ở hải ngoại thì tự xưng là trí thức (mở đầu Thư ngỏ: Chúng tôi, một số trí thức sống tại nước ngoài, …), dĩ nhiên để chứng minh là trí thức thiệt, trong phần đồng ký tên, học vị, chức tước, nhiệm sở, …được liệt kê đầy đủ (3); điều này tạo ra một làn sóng dư luận không mấy tốt đẹp cho giới trí thức hải ngoại, mức độ kính trọng phần nào bị giảm đi, có lẽ để tránh mang tiếng chung mà có một số vị khoa bảng biểu lộ công khai không tán đồng hình thức hay nội dung Thư ngỏ này.
Về nội dung, đối chiếu bản Kiến nghị của 20 công dân trong nước với Thư ngỏ của 36 trí thức hải ngoại.
Bản kiến nghị phân tích khúc chiết tình hình đất nước với những dẫn chứng chi tiết cụ thể, trước tiên là mối quan hệ Việt –Trung, đặt thẳng vấn đề ở mục 1 (Độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị uy hiếp, xâm phạm nghiêm trọng), vạch ra thế yếu của Việt Nam: «Đặc biệt nghiêm trọng là trong những năm gần đây, 90 % các công trình kinh tế quan trọng như các nhà máy điện, luyện kim, hóa chất, khai thác bô xít, khai thác ti tan … được xây dựng theo kiểu chìa khóa trao tay EPC) rơi vào tay các nhà thầu Trung quốc với nhiều hệ quả khôn lường. …», kế đến là nhận định về thực trạng đất nước ở mục 2 (Trong khi đó tình hình đất nước lại có nhiều khó khăn và mối nguy lớn), nói thẳng về mặt xã hội: «… sự xuất hiện các giai tầng mới đi liền với những bất công mới … đang diễn biến ngược lại với mục tiên «dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.», về mặt văn hóa, giáo dục: «nhân dân đã thấy rõ và lên án hiện tượng giả dối và tình trạng tha hóa trong lối sống và trong đạo đức xã hội.», «Nội dung, cách dạy và học, cách quản lý trong nên giáo dục của nước ta quá lạc hậu, thậm chí có nhiều sai trái.»; điểm đáng lưu ý là tuy ở trong một hoàn cảnh thiếu tự do mà bản kiến nghị vẫn toát ra được một văn phong khá mạnh mẽ, thể hiện sĩ khí «uy vũ bất năng khuất», chót hết là mục 3 (Kiến nghị của chúng tôi), «… chúng tôi khẩn thiết kiến nghị với Quốc hội và Bộ chính trị:
1. Công bố trước toàn thể nhân dân ta và nhân dân toàn thế giới thực trạng quan hệ Việt –Trung …
2. Trình bày rõ với toàn dân thực trạng đất nước hiện nay, …
3. Tìm mọi cách thực hiện đầy đủ các quyền tự do dân chủ của nhân dân …
4. Ra lời kêu gọi quốc dân đồng bào, mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, …
5. Lãnh đạo Đảng CSVN với tính cách là đảng cầm quyền duy nhất và cũng là người chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình đất nước hiện nay, hãy đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết, …»
trái lại văn phong của Thư ngỏ thì khá tầm thường, tuy nói là «chỉ trình bày ngắn gọn một số nhận định bổ túc» (bản Kiến nghị ở trong nước), nhưng nội dung hầu như tóm lược những phân tích chi tiết trong Kiến nghị, không có điểm nào mới đáng gọi là bổ túc cả, kết thư lại quá ư nhũn nhặn: «Chúng tôi mong quý vị dũng cảm nắm lấy thời cơ duy nhất để thực hiện một cuộc cách mạng dân chủ toàn diện, …».
Kinh nghiệm này cho thấy người có kiến thức rộng về một lãnh vực chuyên môn nào đó không hẳn là một người trí thức.
Giáo sư Vũ Quốc Thúc
Về Giáo sư Vũ Quốc Thúc
Là học trò, tôi luôn thán phục kiến thức uyên bác, tài hùng biện và đức độ của Gs, nhưng không vì thế mà không nói lên suy nghĩ khác biệt với vị Thầy của mình.
Cuộc đời của Gs đã được kể rõ trong hồi ký Thời đại của tôi, đã từng giữ nhiều trọng trách trong chính quyền quốc gia, sau ngày 30-4-1975, Gs kẹt lại ở Sài Gòn một thời gian, cũng như nhiều người khác, đã toan vượt biên nhưng bị Công an gạt, mất nhiều tài sản, sau nhờ sự can thiệp của ông Raymond Barre (bạn cùng thi thạc sĩ và đương kim Thủ tướng Pháp lúc đó), gia đình Gs được chính thức sang Pháp vào giữa năm 1978, sau khi buộc lòng cống nạp hết bất động sản cho VC.
Từ khi rời khỏi đất nước, Gs không mệt mõi dấn thân vào nhiều hoạt động cứu nguy đất nước:
– Khoảng năm 79/80, cùng với Bs Trần Văn Đỗ, Gs Nguyễn Ngọc Huy, … sáng lập Liên minh dân chủ Việt Nam trong đó Gs là Phó Chủ tịch BCHTƯ, sau đó thì rút ra vì bất đồng nội bộ trong việc vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973.
– Vào khoảng năm 1986, Gs khởi xướng việc vận động vãn hồi Hiệp định Paris 1973 , chủ trương dựng dậy nhân vật Nguyễn Văn Thiệu (Người tôi nghĩ đến trước tiên là Cựu TT Nguyễn Văn Thiệu. … Viện lý do tình thế cấp bách, ông Thiệu phải từ chức. Nhưng sau khi thấy Hà Nội vẫn tiếp tục xâm lăng miền Nam, ông có lý do chính đáng rút lại quyết định từ chức của mình. Với tư cách là một TT đã được dân bầu chính thức và chưa hết nhiệm kỳ, ông có đủ danh nghĩa theo tôi nghĩ, để yêu cầu các cường quốc thuộc phe chống cộng, nên vấn đề thi hành nghiêm chỉnh hiệp định Paris. » (Hồi ký Thời đại của tôi, cuốn hai, tr 612), kết quả chẳng đi tới đâu.
– Đến năm 2000, Gs tham gia vào Hiến chương 2000 do ông Nguyễn Bá Long ở Gia Nả Đại khởi xướng, nhại theo Hiến chương 77 của Vaclav Havel Tiệp Khắc, nhóm người chủ xướng chắc hy vọng được sự yểm trợ của Thế giới tự do, nhưng tình hình đã thay đổi, Hiến chương 77 xuất hiện vào thời kỳ chiến tranh lạnh, Thế giới tự do tư bản lợi dụng mọi cơ hội để yểm trợ các phong trào chống cộng, trong khi năm 2000, vấn đề CS không còn là trọng điểm đáng quan tâm nữa, chuyện này ồn ào một dạo rồi cũng chìm vào quên lảng, Gs giải thích: «Chính trong lúc đó, TT Hoa Kỳ B. Clinton đang chính thức sang thăm VN. Vì thiên hạ đều chú trọng đến biến cố lịch sử này nên việc chúng tôi công bố Hiến chương 2000 đã không được dư luận chú ý và đánh giá đúng mức tầm quan trọng mà nó phải có. » (sđd, tr 677)
– Sang năm 2006, Gs nhắm vận động qui chế trung lập cho VN nhân Hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Á châu –Thái bình dương Apec tổ chức tại Hà Nội, theo Gs: «… nếu cuộc vận động này thành công sẽ có một ảnh hưởng quyết định đối với tương lai của dân tộc ta.», rốt cuộc, kết quả không như mong đợi, Gs giải thích: «tựu trung không gây được một âm vang đáng kể. Tuy nhiên mục tiêu của chúng tôi không phải là gặt hái ngay một kết quả cụ thể mà chỉ để thăm dò dư luận xem có ai chống đối quyết liệt không. Nếu không bị chống đối là một điều đáng mừng vì chẳng khác chi gieo hạt mà chẳng gặp gió bảo, hạt đó sẽ nẩy mầm. Một khi nẩy mầm được rồi mới có hy vọng biến thành cây để càng ngày càng tăng trưởng. » (sđd, tr 686), rồi đến năm 2007, lúc VN được bầu làm hội viên không thường trực của Hội đồng bảo an LHQ, niềm hy vọng lại loé lên: «Tôi thấy thời cơ càng lúc càng thuận lợi cho sự chính thức hóa đường lối trung lập này. Sở dĩ tôi nói như vậy vì năm 2007, VN được bầu làm hội viên không thường trực của Hội đồng bảo an LHQ. Đây là một cơ hội «bằng vàng» nếu VN muốn vận động để được hưởng quy chế trung lập giống như nước Áo.» (sđd, tr 688) và còn lưu ý: «Nên nhớ nhiệm kỳ của các hội viên không thường trực của Hội đồng bảo an chỉ có hai năm thôi, nếu nhà cầm quyền biết lợi dụng triệt để thời hạn đó để thực hiện mục tiêu vừa kể, quả thực là làm được một việc có ảnh hưởng lâu dài và ích lợi cho nhiều thế hệ mai sau.» (sđd, tr 691), Gs còn chấp nhận (theo đề nghị của bà Bs Nguyễn Thị Thanh) tham gia một phái đoàn gồm các nhân vật (không thấy nêu rõ tên tuổi) có thể thương thuyết với Bộ chính trị đảng CSVN (không thấy nói là có sự thỏa thuận nào không?) với một niềm tin: «Nếu đề nghị của bà được những kẻ hữu quyền ở nước ta chấp nhận, bây giờ tôi coi đó là cơ hội để những người yêu nước góp phần vào công cuộc đổi đời trên đất nước.» (sđd, tr 694). Công cuộc vận động này hình như đến nay vẫn chưa động tĩnh gì.
Không phải lấy thành bại mà luận anh hùng, nhưng điểm qua bao biến cố thăng trầm, bao nhiêu lần bắt mạch thời cuộc và dấn thân, công của Gs đến nay thật chẳng khác nào công dã tràng xe cát.
Với lòng yêu nước vô bờ, với tính kiên trì hiếm có, với niềm tin sắt đá, Gs đã không bỏ lở cơ hội nào, nhưng tiếc thay là các cơ sở tranh đấu không thể chỉ dựa vào chữ NẾU, không thể chỉ dựa vào niềm tin.
Thật vậy, có nhiều chuyện không mấy ai tin, nhưng Gs vẫn tin, như chuyện vượt biên của gia đình Gs, theo lời kể của Gs Nguyễn Như Cương: «Sau 30/4/75 thân hữu gần cận nhất của chúng tôi là gia đình Gs VQ Thúc, ở cách nhà tôi chừng 800 thước, thẳng đường TM Giảng nên những chiều rảnh rỗi tôi thường đến mạn đàm với Gs. … Trong số khách thuê phòng có một phụ nữ gốc Nam chừng trên 30 tuổi, thỉnh thoảng có tình nhân kín đáo đến thăm. Phụ nữ này hé với Gs tình nhân của thị là cách mạng cao cấp, chính danh C.Đ.Ch., trùm bộ máy công an toàn miền Nam. Nghe Gs thuật lại, tôi khó tin vì bọn cao cấp CS bao giờ cũng có người kèm, vừa để bảo vệ, vừa để kiểm soát, làm sao có chuyện thuê phòng cho vợ bé để lén lút đến thăm. … Tuy vậy tôi cũng không nêu nhận xét của mình với Gs Thúc vì Ch. hay không phải Ch. đâu có dính dáng gì đến mình. Bẳng đi khoảng 2 tháng, một sáng Gs đến gặp tôi rất sớm, khẽ nói: «Thiếu phụ trên lầu sẽ giúp mình vượt biên an toàn nhờ CA của C.Đ.Ch. đưa xuống tận Vũng Tàu. …mình chỉ cần đưa trước cho họ người lớn mỗi người một tấm ảnh cùng tên tuổi, địa chỉ, đến ngày đi họ sẽ có xe nhỏ tới đón đến địa điểm tập trung để đưa ra ghe lớn. Chúng tôi nghe phải đưa ảnh, tên tuổi nên sợ quá, từ chối đề nghị của Gs. … cho đến một buổi chiều như thường lệ tôi đạp xe xuống Gs để mạn đàm, vào nhà gặp bà Thúc … đưa tay cản tôi, bảo đừng vào nữa, «nhà tôi » (chỉ Gs) bị bắt giam rồi, còn tôi và bọn lũ nhỏ mới được tha sai khi khám nhà, tịch thu tài vật, … Khoảng một tuần sau, Gs được chúng trả tự do, tôi xuống mừng ông và được biết chuyện lừa gạt tàn độc: Chúng cho xe nhỏ đến đón gia đình ông đến địa điểm tập trung cùng với hành trang đã sắp sẵn nhưng địa điểm này là một nhà giam của CA» (Khơi giòng kỷ niệm -Hồi ký của Gs Nguyễn Như Cương, tr 367), tình tiết tuy có phần khác với lời kể của chính Gs (sđd, tr 483), điều đó không quan trọng, điều đáng lưu ý là đoạn đó làm nổi bậc tính quá dễ tin của Gs, mọi điều bất như ý phải chăng phần lớn đều bắt nguồn từ đó?
LÊ VĂN TƯ
Ghi chú:
(1) Thư điện tử gởi Gs Vũ Quốc Thúc của ông Lê Xuân Khoa.
(2) Cuối bản Kiến nghị:
Làm tại Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2011
Danh sách công dân ký tên vào bản kiến nghị …
(3) Cuối Thư ngỏ:
Ngày 21 tháng 8 năm 2011
Đồng ký tên [Chi tiết, xin xem cuối bài]
Ý kiến về Thư Ngỏ của 36 nhà trí thức hải ngoại
Bức thư ngỏ của 36 nhà trí thức Việt Nam sống tại hải ngoại gởi nhà cầm quyền Hà Nội hôm 21 tháng 8 liên quan đến nguy cơ của đất nước đã tạo được sự chú ý của dư luận.
Nhưng đồng thời cũng bị một số nhà trí thức khác phê bình một cách nghiêm khắc. Đa số nặng lời với người chủ trương là giáo sư Lê Xuân Khoa và một số người khác nhắm vào giáo sư Vũ Quốc Thúc chỉ trích ông sao lại ký tên trong Thư Ngỏ.
Lập luận chỉ trích chung chung cho rằng khi gởi Thư Ngỏ cho chính quyền Hà Nội, 36 nhà trí thức ký tên:
(1) đã chấp nhận tính chính danh của các người cầm quyền tại Hà Nội.
(2) và chính quyền Hà Nội sẽ không thèm đếm xỉa đến ý kiến của chúng ta nên gởi thư cho họ là một hành động ngây thơ.
Tranh luận và bày tỏ khác biệt ý kiến là một sinh hoạt dân chủ. Rất tiếc có nhiều nhà trí thức đã bày tỏ ý kiến với 36 vị ký tên bằng một số lời lẽ nặng nề một cách không được trí thức lắm. Đặc biệt tôi thấy một thư thật dài của một cựu quân nhân phê bình giáo sư Vũ Quốc Thúc lời lẽ thật hùng biện, nhưng đặt vấn đề không đúng chỗ, nhạt như một bát phở nhiều nước không có thịt, chỉ để chứng minh rằng giáo sư Thúc đã không hiểu thế nào là chính danh! Trong khi viết cho đã và nói cho thỏa thích, chúng ta đã không thấy ý nghĩa chính trị của sự việc và vô tình đập phá luôn những giá trị Việt Nam. Tôi muốn nói giáo sư Vũ Quốc Thúc với những gì ông đã đóng góp cho đất nước là một giá trị Việt
Bàn về Thư Ngỏ, trước hết tôi thấy giáo sư Lê Xuân Khoa (tôi không là đồng nghiệp và chưa có hân hạnh quen biết giáo sư Lê Xuân Khoa) có sáng kiến viết Thư Ngỏ và 35 vị trí thức còn lại đồng ý ký tên là một hành động can đảm. Can đảm vì, như một thông lệ, ở hải ngoại này 36 năm qua không có một việc làm gì của một nhóm người mà không bị nhóm khác chỉ trích. Chỉ trích xây dựng thì ít, chỉ trích để có tiếng nói thì nhiều. Thói quen này làm cho những người có suy nghĩ dè dặt không muốn đóng góp ý kiến về bất cứ vấn đề gì, và đó là một thiệt thòi lớn cho cuộc đấu tranh vãn hồi tự do dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.
Về hai điểm bị chỉ trích tôi nêu trên thì qua giải thích của giáo sư Vũ Quốc Thúc và đặc biệt qua thư của giáo sư Lê Xuân Khoa trả lời ý kiến của nhà báo Trần Phong Vũ đã quá chặt chẽ, đầy đủ và thuyết phục.
Nói về tính chính thống của chính quyền tại Hà Nội thì dứt khoát đa số người Việt tại hải ngọai không công nhận sự cai trị của đảng cộng sản Việt Nam vì sự cai trị đó được áp đặt bằng vũ lực và sau đó bằng những cuộc bầu cử gian trá, nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng chính quyền Hà Nội là một chính quyền được thừa nhận theo công pháp quốc tế.
Chúng ta đang thấy gì trước mắt? Ông Kadafi từng bị nhân dân Libya oán ghét, và đang bị phe nổi dậy với sự trợ lực của khối NATO (trong đó có Hoa Kỳ và Anh quốc) lùng bắt để đưa ra tòa. Nhưng khi ông ta đang còn cầm quyền thì bà ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice đã đến gặp ông ta tại Tripoli, và bản thân ông Kadafi đã được thủ tướng Anh Tony Blair đón tiếp một cách đúng nghi lễ tại dinh thủ tướng tại số 10 Downing, London.
Hơn nữa lá Thư Ngỏ của 36 vị trí thức Việt Nam hải ngoại gởi đi như gởi cho một thực thể, chứ không minh danh công nhận hay không công nhận gì tính chính danh của nó. Ngoại trừ chúng ta cùng với nhân dân lật nó xuống rồi xử lý công việc quốc gia theo chương trình của mình. Còn nếu chưa, và chúng ta sốt ruột muốn cứu nước thì chúng ta phải góp ý với cái chính quyền chúng ta không công nhận đó thôi.
Thư Ngỏ yêu cầu chính quyền Hà Nội cần làm điều này điều khác khi đất nước đang trong cảnh “chỉ mành treo chuông” không có tính “hòa hợp hòa giải”. Nói đến hòa hợp hòa giải còn phải có một số điều kiện tiên quyết, tối thiểu đảng cộng sản Việt Nam phải bỏ Điều 4 Hiến Pháp tạo một cái khung pháp lý để dần dân chủ hóa đất nước qua sự trọng tài của dân. Các nhà trí thức ký Thư Ngỏ biết rõ rằng chưa thể nói chuyện hòa hợp hòa gỉải với những người cộng sản trong lúc này. Nhưng chuyện cứu nước như cứu hỏa không thể trì hoãn được.
Còn cho rằng nói với người cộng sản như “nói với kẻ điếc” thì nếu đảng cộng sản Việt Nam bịt tai bịt mắt không thèm nghe, thì còn đồng bào hải ngoại, còn nhân dân trong nước, còn cộng đồng thế giới nghe và tạo áp lực ngược lại lên đảng cộng sản Việt Nam.
Tóm lại lá Thư Ngỏ của 36 vị trí thức hải ngọai nếu không làm thay đổi thái độ của người cầm quyền cộng sản Việt Nam, nó cũng không làm gì thiệt hại cho công cuộc đấu tranh cho dân chủ nhân quyền của nhân dân trong và ngoài nước nếu không muốn nói (cho đến giờ này) nó có một tác dụng tích cực.
Tôi ước mong rằng những sự chỉ trích phê bình nặng nề có, nhẹ nhàng có đối với Thư Ngỏ ngày 21/8/2011 sẽ không làm chùn lòng thành phần trầm lặng trong và ngòai nước.
Chúng ta hãy mường tượng, nếu một bức Thư Ngỏ 36 người ký không đáng gì, nhưng một Thư Ngỏ có 3600 người hay lạc quan hơn có 36 ngàn người trong và ngoài nước ký thì sức mạnh của nó sẽ như thế nào? Nó có thể làm bật dậy sức phản kháng của nhân dân làm cho người cộng sản không thể ù lì bịt tai che mắt mãi được.
Họ phải đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hay họ phải ra đi.
Sept. 12, 2011
Trần Bình Nam
Nguồn: Đàn Chim Việt
Ngày 21 tháng 8 năm 2011
Đồng ký tên :
2 Comments
Tha Nhân
Thưa các ngài đại Trí Thức,
Xin các ngài hãy
Học thêm về Chế Độ Cộng sản để tăng thêm phần Đại Trí Thức của các ngài bằng cách:
*Đưa Gia Đình các ngài gồm Cha mẹ, Anh chị em, Vợ con về sinh sống tại các VÙNG KINH TẾ MớI của Chế độ Cộng sản Việt Nam. Và
*Bản thân các ngài thì tự ý đi Trình Diện để được là ”học Viên” của các trại ”Học Tập Cải Tạo” tại các trại nghư Cổng Trời ngoài bắc VN,trại Thanh Cẩm, Trại Z30A.. và bất cứ các trại khác đầy dẫy trong nước Việt nam, thì các ngài sẽ biết thế nào là ”Trí Thức” sau đó viết kiến nghị hay thư ngỏ gì cũng chưa muộn…
TN
cachon
Tha Nhân says:
September 25, 2011 at 7:46 pm ……
Tôi cá nhân, rất đồng ý với các vị đã ký tên và viết lá thơ này…còn hơn chê trách chửi xéo và chẳng làm cái mẹ gì cả…như những con vật chỉ biết mình và gia đình..Lấy tên là càchơn còn hơn đẹp như tha-nhan, ái quốc ,cải tạo….chống công…mà viết những lời như chó xuả xéo…