Không phải là một chuyên đề tham luận mà chỉ là đôi nét tản mạn , do từ “nhớ tới đâu, nói tới đó” , nên chắc chắn nội dung sẽ có nhiều thiếu sót; nhất là về mặt thi ca, rất nhiều danh sĩ cũng như nhiều kiệt tác có liên hệ đậm đà với Huế mà không được đề cập đến. Âu chỉ là chuyện ngoài ý muốn, rất mong được cảm thông!
Vào thời-kỳ Hồng Bàng, Huế nói riêng và Thuận Hoá nói chung thuộc bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước VĂN LANG. Dưới triều vua Trưng, Huế thuộc quận Nhật Nam, một trong sáu quận miền nam NGŨ LĨNH. Sau khi người Tàu tái lập ách đô hộ, họ bị người Lâm Ấp (tức Chiêm Thành) đánh đuổi khỏi Nhật Nam, từ đó Thuận Hóa do người Chiêm kiểm soát với địa danh là châu Ô và châu Lý. Trong suốt nhiều thế-kỷ, hai châu Ô, Lý từng là vùng tranh chấp giữa hai dân tộc Chiêm, Việt. Cho tới đầu thể kỷ XIV, đời nhà Trần, mới vĩnh viễn thuộc về nước ta và châu Ô đổi thành châu Thuận, châu Lý đổi thành châu Hoá. Thời Minh thuộc, hai châu Thuận và Hoá được ghép chung thành phủ Thuận Hoá, sang đời Lê đổi thành lộ rồi xứ và cuối cùng là trấn Thuận Hoá.
Trấn Thuận Hoá, từ khi Thái Úy Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng (tức chúa Tiên hay Thái Tổ Gia Dũ Hoàng-đế triều đại Nguyễn-phước) được vua Lê Anh Tông cử vào trấn nhậm, đã dần dần được cải tiến, chuyển hoá từ tình trạng khu giới tuyến địa đầu lỏng lẻo về tổ-chức, bất ổn về an ninh thành một miền đất ổn định và an lạc.
Kế tục sự nghiệp chúa Nguyễn Hoàng, các chúa Nguyễn hậu duệ một mặt tích cực mở mang lãnh thổ về phiá nam, mặt khác lo xây dựng, canh tân, bồi đắp cứ địa căn bản Thuận Hoá, đưa vùng này lên địa vị một trung-tâm chính trị, hành chánh và văn học vô cùng quan trọng.Kinh đô Huế từng trải qua nhiều thăng trầm theo vận nước phế hưng :
Từ năm 1636, chúa Thượng Nguyễn phúc Lan chọn Kim Long ở phiá bắc Huế làm thủ phủ. Nửa thế kỷ sau, năm 1687, chúa Nghĩa Nguyễn phúc Thái lần thứ nhất, rồi 1738, Võ vương Nguyễn phúc Khoát lần thứ nhì, đều đặt thủ phủ ở làng Phú Xuân thuộc huyện Hương Trà, cho xây dựng thành trì, cung thất, mở mang giao thông thủy bộ… Từ đó Phú Xuân tức Huế nghiễm nhiên trở thành một vị trí lịch sử với nhiều ưu điểm về chiến lược.
Sau khi thống nhất đất nước, Thế-tổ Cao-hoàng đế Gia Long, cho xây dựng kinh thành Huế với công trình quy mô to lớn, phối hợp kỷ thuật kiến trúc Đông và Tây. Trên dòng lịch sử,
-
Huế từng là chứng tích của những cuộc tranh phong khốc liệt giữa các thế lực nội chiến Trịnh , Nguyễn và Tây Sơn.
-
Huế đã ghi đậm những nét bi hùng của trận chiến chống xâm lược Pháp năm Ất Dậu 1885.
-
Huế cũng là mục tiêu chính của vụ tàn sát bách hại chưa từng có trong lịch sử dân tộc, phát động bởi nhóm người ngụy tín cuồng sát vào tết Mậu Thân 1968.
-
Huế còn trải qua chẳng biết cơ man nào những biến cố đau thương khác.
Thế nhưng, được củng cố un đúc từ khí thiêng sông núi, địa linh Huế sau bao cơn biến động, vẫn sừng sững ngang nhiên vượt thắng mọi thách đố, vẫn tồn tại và vươn lên trong thời gian miên trường, trong không gian miên viễn. Phối hợp cùng những đãi ngộ từ thiên nhiên, Huế còn có những công trình xây dựng do nhân lực với nhiều kiến trúc quy mô: nào đền đài miếu vũ, nào lăng tẩm chùa chiền, tiêu biểu hơn hết là kinh thành Huế, đã làm ấn tích hùng hồn đánh dấu thời vàng son về văn hoá của một triều đại. Huế ngày nay không chỉ là chiếc nôi yêu thương xứng đáng là niềm tự hào, kiêu hãnh của riêng người Huế hay người Việt, mà Huế đã chuyển mình trở thành đối tượng trân qúi chung của cả nhân loại.
Tìm về đất Huế là tìm về một vùng trời tĩnh lặng, thơ mộng và an bình. Nghĩ tới người Huế là nghĩ tới cái đậm ngọt trong tình tự, cái đoan trang trong cung cách; là suy tưởng tới cái bản chất đôn hậu hiền hoà, cái nếp sống hồn nhiên tự tại; là mường tượng thấy nét e ấp qua làn môi, sự kín đáo trong nụ cười, nỗi thẹn thùng nơi khoé mắt. Ít khi người ta bắt gặp được ở đất Huế hay từ dân Huế những sự xô bồ, suồng sã, thô bạo.
Nói thế, nhưng Huế cũng như mọi nơi khác, vẫn chịu chi phối bởi luật tương đối, thừa trừ của tạo hoá. Song song bên cạnh những ân sủng thiên phú, Huế đã vướng mắc ít nhiều khuyết tật, rõ nét nhất là về mặt khí hậu và kinh tế : nào là thời tiết mưa nắng thất thường với cái nóng ẩm ghê người vào tháng hè, cái mưa dầm triền miên buốt giá về mùa đông; nào là tính khô cằn thiếu mầu mỡ của những đồng bằng nghèo nhỏ hẹp, khiêm tốn mà phần lớn là đất cày lên sỏi đá. Tuy nhiên, chính từ môi trường bạc đãi đầy cam go, Huế đã vươn lên một sức sống dồi dào, một kháng tính mạnh mẽ. Từ trong khó khăn gian khổ, dân Huế tôi luyện được cho chính mình sức chịu đựng bền dẻo, đủ khả năng đương đầu với mọi nghịch cảnh.
Thiên nhiên đã phối hợp hài hoà cùng lịch sử để kiến tạo Huế thành chiếc nôi bao dung, bồi dưỡng, un đúc nhiều thế hệ con dân có những nét đặc thù về tâm hồn lẫn phong cách. Trong “Ô Châu cận lục”, Dương văn An có nhận định : đàn ông Huế thì kiên cường, dũng cảm; đàn bà Huế thì yểu điệu, đoan trang. Trong ‘Địa dư chí”, Nguyễn Trãi bình luận rằng : dân Thuận Hoá đã hấp thụ nếp sống của Chiêm Thành nên quen chịu đựng khó khăn, gian khổ.
Phan Kế Bính thì cho là người Huế khiêm tốn và kín đáo. Tính kín đáo ấy đã được Bích Lan phát hiện một cách lý thú rằng :
“Người xứ Huế trang nghiêm và trầm lặng,
Thường hay buồn giữa lúc thế nhân vui,
Tâm sự nhiều mà ít hé trên môi … ”
Cảnh Huế thì thơ mộng, người Huế lại đa tình nên Huế hiển nhiên là tụ điểm của thi ca và nghệ thuật. Mỗi cơ thể Huế chất chứa một hồn thơ, mỗi mảnh đất Huế là một nguồn cảm hứng phong phú đủ làm chủ đề cho cả một kho tàng thi, văn, nhạc, hoạ. Hình như Huế có một hấp lực lôi cuốn, dụ hoặc rất kỳ diệu, khiến cho ai trót sinh ra, lớn lên từ Huế là trọn đời “đi thấy nhớ, ở thấy thương”; khiến cho ai, từ bất cứ phương trời nào, một lần dừng chân nơi đất Huế là mãi mãi lưu luyến, vấn vương “đi thì nhớ, ở thì mê “.
Chẳng mấy ai trước vẻ đẹp trầm lặng của Huế mà không rung cảm. Cũng chẳng mấy ai khi chiêm thưởng một áng thơ về Huế mà không say sưa, dù là thơ tả cảnh hay tả tình và dù tác giả là người Huế hay không là người Huế. Trước cái tĩnh mịch tuyệt vời của thiên nhiên, thi hào Nguyễn Du từng bồi hồi đối cảnh sinh tình :
“Hương giang nhất phiến nguyệt,
Kim cổ hứa đa sầu”
(Nam trung thi tập)
Xin tạm dịch
“Một mảnh trăng chiếu dòng Hương,
Xưa nay từng gợi sầu thương cho đời”
Cùng một cảnh sắc đó mà Á Nam Trần tuấn Khải thì :
“Sông Hương một giải xanh xanh,
Gió vờn mặt nước, sóng tình đầy vơi!”
(Non nước Thần Kinh)
Đông Hồ lại đắm đuối “rong đôi mắt Huế “:
“Dòng nước sông Hương chảy lặng lờ,
Ngàn thông núi Ngự đứng như mơ,
Gió cầu vương áo nàng Tôn Nữ,
Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ”.
Và Tản Đà một lần tới “chơi Huế” , đã thấy thích thú như anh nhà quê lên tỉnh :
“Kinh thành gái lịch trai thanh,
Lại thêm Hương thủy, Ngự bình điểm tô.
Con người ngoài Bắc mới vô,
Mừng nay được thấy đế đô một lần.”
Một vài thi nhân lại khéo vay mượn cảnh sắc Huế để tỏ bày tâm sự riêng tư, thổ lộ nỗi u hoài trăn trở của mình trước vận nước điêu linh.
Ngắm dòng sông An Cựu mà Nguyễn hữu Bài ray rứt :
“Đục trong, biết nỗi trời hanh tạnh
Bồi lỡ theo dòng nước vận trôi.”
(Vịnh sông Lợi Nông)
Phan sào Nam, một lần “Vào Thành” đã ngậm ngùi cảm thán :
“Dạo khắp trong với ngoài,
Đàn địch vang tai trời,
Đau lòng có một kẻ,
Hỏi ai? Ai biết ai!”
Vi Bằng, sau những năm phiêu bạt, trở về thăm lại cố đô, lòng trĩu nặng u hoài trước cảnh sao dời vật đổi :
“Về đứng bên sông nhìn khói sóng
Yên ba giang thượng thấy mà đau”.
(Khói sóng)
Trong lòng khách đa tình, Huế luôn luôn là nguồn thi cảm bao la. Nhà thơ Kỉnh Chỉ Phan văn Hy , sau mấy năm xa cách, đã “Nhớ Huế” dạt dào, tha thiết :
“Gần năm năm chẵn, chẳng về Kinh,
Nhớ cảnh sông Hương núi Ngự Bình,
Nhớ súng Ngọ Môn khi rợn sáng,
Nhớ chuông Thiên Mụ lúc tàn canh.
Nhớ sân Cần Chánh, quan đâu cả?
Nhớ rạp Thanh Bình khách vắng tanh.
Nhớ chị chèo đò, o bán hến,
Nhớ bao nhiêu chuyện, bấy nhiêu tình.”
Nữ sĩ Tương Phố năm 1929 “Trở lại Thần kinh” để hoài niệm một cuộc tình đã lỡ :
“Nhớ anh trở lại Thần kinh,
Sông Hương nước chảy, non Bình thông reo!”
Cảnh cũ còn đó, người xưa khuất rồi! Trong nhớ nhung chất ngất, thi nhân không ngăn được nước mắt :
“Khóc anh từ ấy đên giờ,
Lệ lòng lai láng đôi bờ sông Hương”.
Trong “Đây thôn Vỹ Dạ”, Hàn mạc Tử bằng một cảm quan bàng bạc, lâng lâng vẽ nên một bức tranh vừa mộng vừa thực :
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Với thi phẩm “Nocturne sur le fleuve des parfums”, nhà thơ Pháp Francois Henri Guibier cũng có nguồn cảm hứng tương tự :
“La barque obéit, endormie
Aux coups réguliers du rameur.
Mon âme tressaille, meurtrie
Aux coups de la vie dans mon coeur.”
Rồi Vũ hoàng Chương, nhà thơ sở trường của những mỹ từ kiêu sa, gọt dũa, chải chuốt cũng ngây ngất :
“Công Chuá – là đây mộng ngự thuyền,
Bài thơ mờ tỏ nón nghiêng nghiêng,
Hàng mi ánh phớt tình thanh liễu,
Gờn gợn dòng thu mắt ngọc tuyền.”
(Em là Công chúa)
Thưỏng thư cù tổng hợp toàn bộ các đoạn thơ trên của một số nhân vật thành danh mà tên tuổi đã đi vào lịch sử hay văn-học sử, ta tưởng như lạc vào một rừng hoa thơm cỏ lạ, mà dù với tần-số rung cảm nào của tâm hồn, ta đều say sưa, thích thú. Rồi, nếu ngắt từng đoá lẻ trong rừng hoa đó, đem chưng bày riêng để thưởng thức, hoặc đem giải phẩu, phân tích tìm cái chất liệu tinh túy sâu thẳm tận cùng về nghệ thuật, ta còn phát hiện được những nét đặc thù nổi bật về tư tưởng, về tình cảm nội tâm, biểu hiện rõ trên những góc cạnh riêng của từng tác giả.
Qua thơ Nguyễn Du, ta thở dài bắt gặp nỗi cô đơn của một tâm sự u hoài. Với thơ Tương Phố, ta ngậm ngùi cho một chuyện tình dang dở. Trong thơ Phan Sào Nam, Nguyễn hữu Bài hay Vi Bằng, ta cảm thông nỗi uất nghẹn, ray rứt, xót xa vì thời cuộc. Rồi ta lâng lâng, nhẹ nhàng bị cuốn hút, mê hoặc bởi tứ thơ trữ tình của Á Nam Trần Tuấn Khải, Đông Hồ, Hàn Mạc Tử, Vũ hoàng Chương, Tương Phố…
Thoát ra ngoài vũ trụ thơ của giới thi nhân tên tuổi, ta đi vào khung trời thi ca dân gian Huế. Nhiều người cho rằng âm ngữ Huế líu lo như tiếng chim, trầm bổng như điệu nhạc; tình cảm Huế thì đậm ngọt, tràn đầy … nên người Huế nào cũng thích thơ, yêu thơ, mê thơ, sính thơ, sành thơ. Nói thế tưởng cũng không phải là khoa trương, cường điệu. Chính từ môi trường thuận lợi tự nhiên, người dân giả đất thần kinh trước tác thơ một cách nhẹ nhàng, thong thả, dung dị và linh hoạt; thi ca dân gian Huế cũng nhờ đó mà có những nét độc đáo, đặc thù.
Với một nguồn ca dao sung mãn về phẩm lẫn lượng, thi ca dân gian Huế được truyền tụng qua thời gian bằng nhiều thể điệu: mái nhì, mái đẩy, giã gạo, ru em, hò vè v.v…
Chẳng rõ khởi nguồn từ hồi nào của xa xưa, thi ca dân gian Huế đã được bồi dưỡng qua nếp sống dồi dào về tình cảm, cao đẹp về tư tưởng, duyên dáng về phong cách; dù có mang chung tính trữ tình, lãng mạn, song không bị gò ép vào trạng huống đơn điệu, nghèo nàn, trái lại đã thể hiện được nhiều sắc thái, diễn đạt mọi tư duy, phản ảnh nhiều mặt thực tế. Cũng từ nguồn thi ca dân gian đó, người ta phát hiện được tính hội tụ, đa diện; cùng một thi phẩm mà lắm khi mô tả nhiều khía cạnh, chuyên chở nhiều ý nghĩa, thẩm thấu vào tâm hồn người qua nhiều lối ngỏ, có thể thích nghi, phù hợp với nhiều tâm trạng và nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Thi ca dân gian Huế thường khai dụng những từ ngữ, cảnh vật, nhân vật và sự tích thuần túy địa phương.
“Ăn sung, ngồi gốc cây sung,
Lấy anh đành lấy, nằm chung không nằm.”
là lời ca đề cao tiết tháo của cụ Phan Bội Châu trong thời gian bị an trí tại Bến Ngự, đã thề không bao giờ hợp tác với thực dân Pháp.
Rồi những đoạn ca dao khác :
“Một nhà sinh được ba vua (1),
Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài.
Đồn rằng quan tướng có tài (2),
Cửa Thuận An Tây lấy, Trấn Bình Đài Tây vô!”
hay là :
“Chuyện đời càng nghĩ càng rầu,
Ở giữa Đồng Khánh, hai đầu Hàm Nghi!”
Bằng đôi chút trầm tư khi thưởng thức, ta nghe thấy từ mấy vần ca dao trên, có những tiếng thở dài, uất nghẹn, khóc cho thảm trạng tan tác của triều đình Huế vào những ngày quốc biến, khi vết giày xâm lược của nền văn minh cơ giới phương Tây dẫm tràn lên đất nước.
Từ sau ngày kinh đô thất thủ, thực dân Pháp với chiến lược “tằm ăn dâu”, biến dần Việt Nam thành thuộc địa trực trị. Trước cơn quốc nạn nát ruột tan lòng, trước cảnh biển dâu sao dời vật đổi, đây đó khắp nơi vang vọng lời ta oán, hoài cảm, tiếc thương:
“Chiều chiều trước bến Văn Lâu,
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông…
Thuyền ai thấp thoáng trên sông,
Nghe câu mái đẩy, chạnh lòng nước non!”
Không phải chỉ gò bó, giới hạn trong phạm trù nhất định của thứ tình cao cả dành cho quê hương, ca dao Huế cũng còn vượt thoát đi tìm những thế giới riêng của nội tâm, ca ngợi nhiều thứ tình yêu khác. Trong khung cảnh buổi trưa hè tĩnh mịch ở làng quê, một bé gái tóc để chỏm, lim dim đôi mắt, đẩy nhẹ tay nôi, khe khẻ cất tiếng hò:
“Ru em, em théc (3) cho muồi,
Để mẹ đi chợ mua vôi têm trầu.
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh…”
Thật vô cùng tuyệt diệu, mấy vần mộc mạc, bình dị đó không chỉ vẽ nên bức tranh bé nhỏ của chiếc nôi đầu đời, mà đã phác họa được cả một khung trời bao la của tình chị em thân thương. Ca dao Huế như một pho kinh sách, rao truyền luân lý phương Đông mà hệ thống gia đình, xã hội Việt coi như mô thức khuôn mẫu để đạt tới chân, thiện, mỹ. Ở đó, đức hy sinh cao cả, tình yêu tuyệt vời của cha mẹ dành cho con cái đã được vinh danh :
“Chợ xa đi sớm về trưa,
Nuôi con không kể nắng mưa dãi dầu.”
hay
“Rạm đồng nấu với bẹ môn,
Đói no, mẹ cũng nuôi con nên người.”
Để đền đáp công ơn trời biển của cha mẹ, người con Huế luôn luôn chu toàn bổn phận:
“Tôm rằn lột vỏ, bỏ đuôi,
Gạo de An Cựu em nuôi mẹ già.”
Khi gặp cảnh nhà đơn chiếc, không nỡ rời xa cha mẹ già yếu, người con gái Huế dám hy sinh trọn vẹn tuổi xuân, quên hẳn bản thân mình:
“Ai đưa cau trầu tới đó thì xin chịu khó mà bưng về,
Em đây còn phải theo chân Thầy gót Mẹ cho trọn bề hiếu trung!”
Ca dao Huế còn dung chứa đến độ bão hòa một thứ tình yêu khác tự nhiên, tất yếu, tối cần để cho âm dương hòa hợp, nhân loại trường cửu, vạn vật sinh tồn…, đó là tình yêu nam nữ. Tính thủy chung son sắt, lòng yêu thương tận tụy trong nghĩa vợ chồng thường được ngợi ca;
“Tai nghe anh đau đầu chưa khá,
Em đây băng đồng chỉ sá, bẻ nắm lá cho anh xông.
Có mần ri (4), mới trọn đạo vợ chồng,
Đổ mồ hôi ra thì em chặm (5), ngọn gió lồng thì em che.”
hay
“Thương chồng nấu cháo le le,
Nấu canh bông lý, nấu chè hột sen.”
Thói thường, một chuyện tình tưởng cho là đẹp để hoài niệm nhớ nhung, để ngợi ca tiếc nuối lại là chuyện tình không trọn. Ca dao Huế khi diễn đạt về nhu tình nam nữ, nếu không dày vò vì dang dở thì cũng than thở vì truân chuyên, âu lo cho duyên phận. Có những cuộc tình phù du, không hẹn chỉ để lại nỗi buồn bâng quơ:
“Gặp nhau giữa ngả ba Sình,
Anh xuôi, em ngược đem tình nhớ thương.”
hay
“Rồi mùa, tót rã rơm khô,
Bậu (6) về quê bậu, biết mô mà tìm?”
Lại có nhiều đường tình chông gai, trắc trở, khiến người trong cuộc phải quay quắt :
“Hai ta thương chắc (7) mần ri,
Bọ mạ (8)mần rứa, mình thì mần răng (4)”
Khi gặp phải nghịch cảnh, cô gái thần kinh hoặc chỉ biết âm thầm than thở:
“Chim xa rừng, còn thương cây nhớ cội,
Người xa người, tội lắm người ơi!
Nõ thà không biết thì thôi,
Biết nhau rồi hai đứa hai nơi cũng buồn!”
hoặc đành đầu hàng định mệnh, duyên số :
“Cầu Tràng Tiền sáu vài, mười hai nhịp,
Em qua không kịp, tội lắm ai ơi!
Mấy lâu ni chịu tiếng mang lời,
Có xa nhau đi nữa, cũng tại trời mà ra.”
Trên nhiều khúc quanh của đường đời, có biết bao mối tình “bình thủy tương phùng”, mà khi chia tay trước một mai sau mờ mịt, người ta không khỏi băn khoăn cho một lần tái ngộ:
“Tình về Đại Lược, duyên ngược Kim Long,
Tới nơi đây là chỗ rẽ của đôi lòng,
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào?!”
Nếu trong một tình cờ bất chợt, từ nơi góc biển chân trời nào đó, đột nhiên không hẹn mà muộn màng gặp lại, thì chỉ còn biết nhìn nhau ái ngại, vì :
“Chuyện xưa hồ dễ một lần hé môi!”
(Khái Hưng )
bởi
“Có những niềm riêng một đời dấu kín.”
( Lê Tín Hương )
Và nếu có tiến xa thêm chút nữa, thì cũng chỉ :
“Nâng chén ân tình, ôn chuyện cũ,
Đâu còn dám tính việc mai sau.”
(Tuệ Quang – Xa xôi)
Rất nhiều ca dao Huế mang tính đa diện, hàm chứa nhiều ý nghĩa, có thể thích nghi một cách uyển chuyển với từng thực trạng bên ngoài :
“Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại,
Cầu Tràng Tiền đúc lại xi mon.
Ai người lỡ hội chồng con,
Về đây gá nghĩa vuông tròn cùng ta.”
hay:
“Tiếng hát ngư ông giữa sông Nhật Lệ,
Tiếng kêu đàn nhạn bên áng Hoành Sơn.
Một mình em ở giữa sông Hương,
Tiếng ca, nghe khúc đoạn trường ai hay!”
và thiết tha hơn nữa :
“Thuyền ai trôi trước, cho em lướt theo cùng!
Chiều xuống rồi, trời đất mông lung,
Có phải duyên thì xích lại,
Cho bớt não nùng đêm sương!”
Vào một khung cảnh bình thường, với một tâm trạng thanh thản, thoáng nghe qua những đoạn mái nhì trên, ta tưởng như đây chỉ là tiếng kêu vu vơ của chiếc nhạn tìm bầy hay tiếng gọi mời của đôi tâm hồn nam nữ săn bắt nhau. Nhưng nếu bằng cái tận cùng sâu thẳm trong nội tâm của một người ưu tư, xót xa vì vận nước, ta sẽ phát hiện được từ những tiếng hò bình dị đó, hình như âm vang tiếng gọi của núi sông; sẽ nhận diện được cái thực chất cốt lõi đang mang nặng một ý nghĩa cao đẹp của tình yêu tổ quốc; sẽ bắt gặp được cái tâm trạng khắc khoải của những kẻ đồng hội, đồng thuyền cảm thông đồng điệu.
Cũng với dòng suy tư ấy, có những người con đất Huế, vào những tháng năm lưu lạc, không ngừng “thắp đuốc soi đường đi tìm tri kỷ”, không ngừng xuôi ngược “ngậm ngải tìm trầm” để kiếm tìm chiến hữu mà chung lòng chung sức:
“Ai, đấng anh hùng Lam Sơn tụ nghĩa,
Để cho ta xin vác kiếm theo hầu?”
(T.Q – Ngậm ngải tìm trầm)
Một bận dừng chân bên bờ sông St-Laurent mà tưởng nhớ Hương giang ngày cũ, khi đối bóng hoàng hôn (hoàng hôn ngoài không gian lẫn hoàng hôn của đời mình), một người con của mẹ Huế đã xót xa:
“Ta còn ngồi lại,
Thời gian và dòng sông
Vẫn cứ vô tình đi, chẳng đợi,
Trời đổ hoàng hôn, có biết không?”
(Tuệ Quang – Bên dòng St-Laurent)
Rồi, một nghẹn ngào từ lâu nén chặt, có cơ hội trổi dậy bời bời :
“Chiều nay viễn xứ, buồn ray rứt,
Một thoáng rưng rưng lệ nhạt nhòa.”
(T.Q – Bên dòng St-Laurent)
Sau cuộc “đổi đời “, đã có những âm mưu chính trị muốn xóa nhòa vết tích của một triều đại đối lập, người ta tìm cách tàn phá những dấu ấn một thời của Huế, xuyên tạc bôi bác lịch sử và nhân vật Huế, khiến cho Huế ngày nay đang mang nhiều ẩn ức chưa được biện minh, đã có ít nhiều biến dạng bên ngoài và khiến cho đàn con của mẹ Huế dù yêu mẹ vô cùng, đã vì một ma lực ly tâm xua đẩy khỏi lòng mẹ mà tản lạc khắp bốn phương trời.
Nhưng, với sức chịu đựng không gì lay chuyển nổi, mẹ Huế vẫn hiên ngang tồn tại. Và, với mạch sống kiên cường do mẹ bồi dưỡng, un đúc, đàn con của mẹ dù xa cách mẹ, dù lạc xứ lưu vong, vẫn giữ tròn khí tiết.
Từ nghìn trùng xa cách, đêm đêm các con hằng mơ thấy mẹ, tháng ngày vẫn mong về bên mẹ, vẫn nhớ mẹ qua từng bước đi, nghĩ đến mẹ trong từng nhịp thở.
Nếu có người con nào đó, sau ba thập niên cách biệt, vẫn chưa một lần về thăm mẹ, thì không phải là bạc nghĩa vô tình, mà chỉ là không muốn làm cho mẹ tủi nhục, đau lòng như trường hợp bà mẹ hiền của mưu sĩ Từ Thứ đời Tam Quốc bên Tàu, đã hổ thẹn, tuyệt vọng đến phải tự sát khi thấy con mình nhẹ dạ về với Tào Tháo, vô tình tạo chính nghĩa cho một chế độ bạo tàn, tà ngụy.
Chính người con đó của mẹ đã thực hiện đúng cái khí tiết kiên cường do mẹ truyền đạt, tuy để mẹ phải nhớ nhung nhưng không làm mẹ mất đi niềm tự hào, kiêu hãnh.
Hoa phượng vỹ đã theo vết chân di tản của các con, vượt trùng dương mà đâm chồi kết nụ, nở rộ khắp muôn phương để vinh danh mẹ Huế, để chứng minh hùng hồn tính trường cửu bất diệt trong mẹ Huế.
Mẹ Huế ơi! “Nhật nguyệt hối rồi lại minh. Càn khôn bỉ rồi sẽ thái”, sau cơn mưa, chắc chắn sẽ có nắng đẹp. Một ngày không xa, khi quê hương thực sự có ánh sáng, có tình người, các con của mẹ nhất định sẽ cùng về chung sức chữa khỏi cơn đau trong tim gan mẹ, hàn gắn vết hằn trên da thịt mẹ. Xin mẹ hãy chia sẻ cùng các con một tâm nguyện mà cũng là một niềm tin :
“Tôi nuôi niềm tin trở về nước cũ,
Cùng dân tôi dựng lại quê tôi,
Cho đất nước từng nhiều đau khổ,
Ánh bình minh chói rạng chân trời.”
(T.Q- Tôi sẽ về)
Và, ân cần gởi về quê hương một lời ước hẹn :
Huế ơi!
Việt Nam ơi!
Xin chờ đơị nhé,
Cho tôi hẹn một ngày về!
Tuệ Quang Tôn-Thất Tuệ
(1) Ba vua Đồng Khánh, Kiến Phúc và Hàm Nghi đều là con của Kiên Thái
Vương Hồng Cai, cháu nội của vua Thiệu Trị.
(2) Quan Phụ Chánh Tôn Thất Thuyết.
(3) Théc : ngủ (dùng cho trường hợp các em bé. Em bé théc: em bé ngủ).
(4) Mần : làm. Mần ri; như thế này; mần rứa : như vậy; mần răng : làm sao.
(5) Chặm : lau hay thấm cho khô, ráo.
(6) Bậu : bạn. Choa và bậu hay qua và bậu : tôi và bạn.
(7) Chắc : nhau. Thương chắc : thương nhau; trỡn chắc : đùa giỡn với nhau.
(8) Bọ mạ : cha mẹ.