Trải qua 707 năm, từ năm 1306 đến năm 2013, trong chiều dài của trang sử Việt, có lẽ thiên tình sử “Duyên Việt-Tình Chiêm” là một bi kịch tình sử đã làm tốn nhiều giấy mực cho giới văn nhân thi sĩ.
Thật vậy, qua bài học “Trọng Thủy-Mỵ Châu”, người Việt xưa kia rất bảo thủ trong việc gả con gái cho người dị chủng nên dân gian có hai câu ca dao chê trách cuộc hôn nhân này:
Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo.
Cây quế đây ví Huyền Trân công chúa, còn thằng Mán, thằng Mường ám chỉ vua Chiêm Thành Chế Mân. Dân tộc Việt xưa nay vẫn coi dân tộc Chiêm Thành là một giống dân man rợ, lạc hậu, kém văn minh. Nhưng người hiểu rõ lợi ích của cuộc hôn nhân này hơn hết là Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tôn và vua Trần Anh Tôn.
Sau khi đánh đuổi được quân xâm lăng Mông Cổ ra khỏi bờ cõi, vua Trần Nhân Tôn nhường ngôi lại cho con là thái tử Thuyên, tức vua Trần Anh Tôn rồi về ẩn tu ở Yên Tử Sơn, Quảng Yên. Vào năm 1301, nhân dịp phái đoàn Chiêm Thành sang nước ta kết giao, Thái Thượng Hoàng Nhân Tôn theo phái đoàn sang thăm xã giao Chiêm quốc. Sau chín tháng thăm viếng danh lam thắng cảnh nước Chiêm thì Nhân Tôn tạ từ vua Chiêm để về nước. Trong buổi lễ tiễn đưa, Chiêm vươmg là Chế Mân có ngỏ ý muốn xin cưới công chúa Huyền Trân về làm hoàng hậu vì từ lâu Chế Mân được nghe tiếng Huyền Trân là một bậc sắc nước hương trời. Trước lời mớm ý của Chiêm vương, Nhân Tôn có hứa sẽ gả con gái của mình cho vua Chiêm. Khi thốt ra lời hứa, trong thâm tâm Thái Thượng Hoàng nghĩ đến hai điều lợi ích cho tổ quốc là đổi lấy được Châu Ô và Châu Lý (hai châu này nằm về phía nam Quảng Trị và phía bắc Quảng Nam ngày nay) và kết tình thông giao với Chiêm quốc vì nước Việt Nam ta xưa nay vẫn “lưỡng đầu thọ địch”. Phía bắc thì bị nước Tàu luôn luôn lăm le xâm lăng, phía nam thì thường bị quân Chiêm Thành quấy nhiễu. Nếu kết thân được với Chiêm quốc thì ta chỉ còn lo đối phó với phương bắc mà thôi.
Thể theo lời hứa của Nhân Tôn, qua năm sau Chế Mân cho sứ mang lễ vật sang để cầu hôn. Vua Anh Tôn bèn cho họp quần thần để tham khảo ý kiến. Nhưng việc gả con gái cho người dị chủng là điều tối kỵ đối với dân tộc Việt Nam ta lúc đó, nhất là gả con vua cho người mà dân tộc ta xưa nay vẫn xem thường lại càng không thể chấp nhận được nên bị quần thần và dân gian phản đối qua các câu ca dao:
Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo.
Con vua mà gả thằng Mèo,
Nó dẫn qua đèo cũng rán đi theo!
Trước sự phản đối của quần thần và quốc dân, vua Anh Tôn phải lên Yên Tử Sơn để thỉnh ýThái Thượng Hoàng. Thái Thượng Hoàng khuyên Anh Tôn về thảo luận lại với quần thần và nên đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết. Để có thời gian thương thảo, vua Anh Tôn phải đình hoãn việc cầu hôn của vua Chiêm thêm một thời gian. Ba năm sau, Chiêm vương lại phái sứ sang nước ta để cầu hôn lần nữa với lễ vật là Châu Ô và Châu Lý. Lần này, vua Anh Tôn nhớ lời Thái Thượng Hoàng khuyên nên nhận lời.
Tuy nhiên, “Duyên Việt-Tình Chiêm” không đơn giản như người ta tưởng vì Huyền Trân công chúa đã trao con tim cho chàng trai tuấn tú Trần Khắc Chung. Trần Khắc Chung tên thật là Trần Đức Chung, con của Tá Thiên Vương Trần Đức Việp (chú ruột của vua Anh Tôn) với một người cung nữ. Chung không những khôi ngô mà lại còn thông minh, học giỏi. Năm 16 tuổi đã đỗ tú tài, năm 17 tuỗi được
phong chức Nhập Nội Hữu Tùng Quan, có nhiệm vụ đọc và giảng sách cho thái hậu, hoàng hậu và các công chúa.. Năm 24 tuổi, Chung được vua Anh Tôn cử đi theo phái bộ của chánh sứ Trương Hán Siêu sang Trung Hoa. Trong thời gian ở Trung Quốc, Chung học được nghề thêu của quan đại phu nước Tàu tên Trần Khắc Long. Kể từ đó, tên Trần Đức Chung đựơc đổi thành Trần Khắc Chung theo giao ước của Trần Khắc Long trước khi truyền nghề. Khi về nước, Trần Khắc Chung được cử vào cung dạy thêu thùa cho các công chúa, trong đó có Huyền Trân. Mối tình của đôi trai tài gái sắc đang độ mặn nồng thì công chúa Huyền Trân phải vâng lệnh cha và anh về làm dâu Chiêm quốc. Chung cũng đành ngậm đắng nuốt cay tiễn đưa người yêu đi lấy chồng, còn Huyền Trân cũng khóc hết nước mắt cho mối tình ngang trái của mình. Để khóc cho duyên bẽ bàng, Huyền Trân có làm một bài thơ theo điệu Nam Bình:
Nước non ngàn dặm ra đi,
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn,
Đền nợ Ô, Lý.
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì,
Số lao đao hay là nợ duyên gì?
Má hồng da tuyết,
Cũng như liễu hoa tàn trăng khuyết.
Vàng lộn thau chì,
Khúc ly ca, sao còn mường tượng nghe gì.
Thấy chim hồng nhạn bay đi,
Tình lai láng,
Hướng dương hoa quỳ.
Dặn một lời Mân quân:
Như chuyện mà như nguyện,
Đặng vài phân,
Tình đem lại mà cân,
Đắng cay muôn phần!
Tháng 6 mùa hạ năm Bính Ngọ 1306, Huyền Trân lên xe hoa về làm dâu Chiêm quốc nhưng bất hạnh thay, cuộc hôn nhân “Duyên Việt-Tình Chiêm” chỉ kéo dài được khoảng một năm thì đến tháng 5 năm Đinh Mùi 1307, Chiêm vương Chế Mân bị chết “bất đắc kỳ tử”. Triều đình nước Chiêm tôn Chế A Đà Ba lên ngôi kế vị quốc vương Chế Mân. Theo tục lệ Chiêm Thành, khi nhà vua băng hà thì đúng một năm sau hoàng hậu cũng được hỏa thiêu để chết theo nhà vua. Vì thế, khi được tin Chế Mân băng hà, Huyền Trân sắp lên dàn hỏa, vua Anh Tôn vội họp quần thần để bàn kế cứu em gái mình. Để giữ thể diện quốc gia và giữ hòa khí với Chiêm quốc, vua Anh Tôn đề nghị không nên dùng bạo lực chiến tranh để cứu Huyền Trân mà chỉ nên dùng kế bắt cóc Huyền Trân mà thôi. Theo kế hoạch, Phạm Ngũ Lão giữ nhiệm vụ tập trận giả để che mắt quân Chiêm, còn Đề Đốc Trần Đăng Long cùng phó Thủy Sư Lê Trung Nhiên có nhiệm vụ dẫn 100 chiến thuyền, giương cờ đen, giả dạng làm giặc cướp biển Tàu Ô để bắt cóc hoàng hậu Huyền Trân. Trong kế hoạch này Trần Khắc Chung cũng tình nguyện tham gia để cúu người yêu. Kế hoạch dự thảo xong, Trần Khắc Chung và Đặng Thiệu được cử đi phúng điếu nước Chiêm. Trong thời gian lưu lại ở Chiêm Thành để làm nghi thức phúng điếu, Chung nhỏ to với vua Chiêm là nên để Chiêm hoàng hậu Huyền Trân được hỏa thiêu ở một nơi thanh vắng ngoài hải đảo hầu Chiêm hậu được thăng hà theo quốc vương Chế Mân một cách yên tĩnh, bình thản. Vua Chiêm Chế A Đà Ba nghe êm tai, không một chút nghi ngờ nên chấp thuận đề nghị của Chung, rồi truyền lệnh cho pháp y và quan khâm giám cùng Chung soạn thảo nghi thức hỏa thiêu. Hòn đảo Chuk Mui nằm trong quần đảo Knor Knour ngoài khơi kinh đô Đồ Bàn (Kinh đô của Chiêm quốc thuở ấy là thành Đồ Bàn ở Bình Định) được chọn làm nơi hỏa thiêu Chiêm hậu. Soạn thảo xong nghi thức hành lễ, Trần Khắc Chung vội vã cáo biệt để về nước. Khi về đến biên giới Việt, Chung liền cho quân lính thay đổi y phục, giả dạng giặc biển Tàu Ô, lên thuyền rẻ sóng hướng về hải phận Chiêm Thành.
Tới ngày hành lễ, thuyền của 5 vị pháp y Chiêm dẫn đầu với khói hương nghi ngút, theo sau là long thuyền của Chiêm hậu Huyền Trân, sau cùng là đoàn thuyền hộ tống của quân Chiêm. Tới chập choạng tối thì buổi lễ bắt đầu, đang lúc các vị pháp sư Chiêm chuẩn bị nghi thức hỏa thiêu chiếc long thuyền của hoàng hậu thì Trần Khắc Chung huy động quân sĩ trên các thuyền Việt ào ào lướt sóng xông vào long thuyền bắt cóc Huyền Trân. Trong khi đó, 100 chiến thuyền giả dạng bọn cướp biển Tàu Ô do Đô Đốc Trần Đăng Long chỉ huy vây chặt đoàn thuyền của quân Chiêm rồi đánh đắm và giết tất cả quân Chiêm cùng 5 vị pháp sư, không chừa một ai sống sót để bịt miệng phi tang.
Theo kế hoạch, sau khi cứu được Huyền Trân, Trần Khắc Chung sẽ đưa Huyền Trân ra ngoài các đảo ở vịnh Hạ Long trong một thời gian để che mắt sự do thám của Chiêm Thành. Sau hơn một năm, Trần Khắc Chung mới đưa Huyền Trân về Thăng Long, và vì để Huyền Trân sống ngoài hải đảo quá lâu với mình nên Trần Khắc Chung bị mang tiếng qua câu ca dao:
Tiếc thay hạt gạo trắng ngần,
Đã vo nước đục lại vần lửa rơm.
Trong hai câu ca dao trên, “hạt gạo trắng ngần” ví Huyền Trân công chúa; còn “nước đục” ám chỉ Chiêm vuơng Chế Mân; và “lửa rơm” ám chỉ Trần Khắc Chung. Có nhiều người bênh vực Khắc Chung, cho rằng Chung bị hàm oan. Thật sự Chung có bị oan hay không thì chỉ có Khắc Chung và Huyền Trân biết mà thôi. Ở đời, “Chí lớn của kẻ lảm trai chứa không đầy trong đôi mắt giai nhân” cho nên trong tì nh trường, con người ta có thể từ bỏ tất cả, kể cả tiền tài, danh vọng để đi theo tiếng gọi của con tim thì Khắc Chung cũng có thể không thoát khỏi điều này.
Duy, chỉ tội nghiệp cho dân tộc Chiêm Thành mà thôi, vừa bị mất đất, vừa bị mất người mà còn bị khinh rẻ nữa. Không những bị khinh rẻ mà dân tộc Chiêm Thành còn bị dân tộc ta lấn dần cho đến khi Chiêm quốc hoàn toàn bị xóa tên trên bản đồ. Dân tộc Chiêm Thành lập quốc vào thế kỷ thứ 2, lãnh thổ chạy dài từ mũi Hoành Sơn ở Quảng Bình cho đến đồng bằng Phan Rang-Phan Rí, kinh đô là thành Đồ Bàn (Vijaya) ở Bình Định. Thành Đồ Bàn bị thất thủ vào năm 1471 trước sức tấn công của quân binh Việt Nam ta trên đà Nam Tiến. Trong suốt 17 thế kỷ dựng nước và giữ nước, cố đẩy lui cuộc Nam Tiến của Việt Nam nhưng cuối cùng Chiêm quốc cũng bị xóa tên trên bản đồ thế giới vào năm 1832. Tuy đất nước bị xóa tên trên bản đồ, tuy dân tộc bị diệt chủng, người Chiêm Thành cũng còn để lại một chuỗi vết tích lịch sử nằm ngổn ngang, hoang phế trên mảnh đất Miền Trung Việt Nam trong đó có những di tích một thời của nền văn minh Champa, đó là những kiến trúc đồ sộ như tháp Yang Mumở Kontum hay tháp Po Klaong Garai ở Phan Rang.
Nhìn lại dòng lịch sử Việt Nam, tiền nhân ta từ các triều đại Trần, Lê, Lý, rồi đến Nguyễn, Tây Sơn khi mở mang bờ cõi tiến lên phía bắc thì gặp anh khổng lồ Trung Hoa, còn tiến về hướng tây thì đụng phải dãy Trường Sơn hiểm trở khó tiến qua Ai Lao nên chỉ có con đường duy nhất là tiến về phía nam vì Nam Tiến thì thủy hay bộ đường nào tương đối cũng dễ đi cả do đó mà cuộc Nam Tiến của ta đã xóa bỏ bản đồ Chiêm quốc từ Quảng Bình cho đến Phan Rang, Phan Rí và từ Phan Thiết ta lại lấn dần cho đến Mũi Cà Mau, vốn là phần đất của Cao Miên ngày xưa.
Nhắc lại lịch sử mở mang bờ cõi, kẻ viết bài này còn nhớ được bốn câu thơ khi còn đang học ở Đại Học Sư Phạm Sài Gòn đã được nghe một vị giáo sư ngâm trong một bài giảng về văn chương. Theo giáo sư, bốn câu thơ này của một thi sĩ tiền chiến Miền Nam (mà kẻ viết bài này đã quên tên tác giả của bài thơ) gởi cho Xuân Diệu khi Xuân Diệu vào Nam và sắp sửa trở về Bắc, lúc đó vào khoảng trước năm 1945:
Ai về cõi Bắc cho ta gởi,
Tất cả lòng thương giống Lạc Hồng.
Từ thuở mang gươm đi mở cõi,
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long.
Theo địa lý nhân văn, Miền Trung và Miền Nam nước Việt là đất của Chiêm Thành và Cao Miên ngày xưa. Thuở ấy ta gọi dân tộc Chiêm Thành là Chàm hay Hời, còn người Miền Nam gọi họ là Chà Châu Giang. Trước cảnh diệt vong của Chiêm quốc, một số người Việt cũng thấy thương hại dùm cho một dân tộc Chiêm Thành bất hạnh cho nên nhà thơ Bàng Bá Lân trong “Bài Ca Xứ Huế” cũng đã khóc, khóc cho Huyền Trân hay khóc cho nước non Chiêm:
Chiều mưa trong thôn Vĩ Dạ,
Giọng ca Nam Bình rỉ rả.
Hòa cùng giọt ba tiêu lã chã,
Khóc Huyền Trân hay khóc nước non Chiêm?
Bàn Thờ Huyền Trân Công Chúa
Riêng nhà thơ Chế Lan Viên, tác giả tập thơ Điêu Tàn, xuất bản năm 1937, lúc đó nhà thơ chỉ mới có 17 tuổi, tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 14-11-1920 trong một gia đình viên chức ở Cam Lộ, Đông Hà, Quạng Trị. Người ta không hiểu tại sao nhà thơ lại lấy bút hiệu mang họ Chế (Họ của dân tộc Chiêm Thành) và mang tình cảm giống dân Hời mà chỉ thấy rằng trong tập thơ “Điêu Tàn” bài nào nói về Tháp, về nước non Hời cũng đều hay cả, có thể nói là hay nhất trong toàn tập. Nhà thơ đã than oán tiếng than của dân tộc Hời dùm cho họ mà khi đọc lên ta cảm thấy lành lạnh trong người tưởng chừng như nghe những tiếng oán than thảm thiết của những hồn ma Hời:
Một ngày biếc thị thành tôi rời bỏ,
Trở về thăm dân tộc nước non Hời.
Hay:
Bên tháp vắng, còn người thi sĩ Hời,
Sao không lên tiếng hát đi người ơi?
Mà buồn bã âu sầu trong đêm tối,
Người vẫn nằm há miệng đớp sao rơi,
Hay hận xưa muôn thuở vẫn chưa nguôi.
Hay lãnh đạm, Hời không về tháp cũ,
Hay xuân sang, Chiêm nữ chẳng vui cười?
Lê Thương
Richmond – Virginia – USA