Theo nhận định của Interpol và Cơ quan Thi hành Pháp luật Hoa Kỳ, hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép động thực vật hoang dã mang lại lợi nhuận cao nhất, đồng thời cũng tàn phá môi trường ghê gớm nhất. Châu Á và khu vựực Đông Nam Á nói riêng từ lâu đã trởởở thành điểm nóng buôn bán động vật hoang dã trái phép của thế giới.
Chính phủ các nước này đang đẩy mạnh các chương trình hợp tác nhằm tìm kiếm các biện pháp đối phó.
Liên quan đến các đường dây buôn bán động vật hoang có rất nhiều đối tượng khác nhau, từ những người sưu tầm buôn bán vật nuôi, vườn thú, vườn ươm giống cây, nhà hàng cho đến các cửa hàng thuốc Đông y, công ty dược phẩm, và thậm chí cả ngành công nghiệp thời trang.
Rất nhiều loài đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng do sự khai thác cạn kiệt của các đối tượng trên. Điều đáng báo động là khi các loài động vật này biến mất, ảnh hưởng của chúng đến các tiến trình tự nhiên quan trọng và khả năng phục hồi của hệ sinh thái cũng sẽ không còn.
Điểm nóng châu Á
Châu Á trở thành một điểm nóng trên thế giới về tội phạm động vật hoang dã vì đây là vùng có tính đa dạng sinh học cao, có mạng lưới vận chuyển và các đường dây buôn lậu tinh vi; cơ chế quản lý và phân bổ tài nguyên vẫn tập trung về cơ quan nhà nước và nhận thức nói chung của người dân còn thấp. Song trên hết, thách thức lớn nhất với khu vực này là sự thiếu năng lực trong việc thực thi pháp luật.
Cho đến gần đây, nhiệm vụ điều tra nghiên cứu và đấu tranh với tội phạm liên quan đến động vật hoang dã trong khu vực chủ yếu là do các cơ quan bảo vệ môi trường đảm nhiệm. Nhưng các cơ quan này thiếu quyền lực và khả năng để ngăn chặn các băng nhóm tội phạm chuyên nghiệp và các tổ chức tội phạm xuyên biên giới. Kết quả là, nhiều loài động thực vật bản địa đã bị giết hại với số lượng lớn. Hổ – loài thú lớn chỉ có ở châu Á – giờ đã tuyệt chủng ba trong tổng số tám phụ loài do bị săn bắt phục vụ nhu cầu về thuốc cổ truyền. Số còn lại đang suy giảm về số lượng và trong tình trạng báo động về nguy cơ tuyệt chủng.
Trên phạm vi rộng hơn, nhu cầu về sản phẩm động vật hoang dã của người dân Châu Á cũng tác động đến đa dạng sinh học của trái đất. Rùa Châu Phi, tay và bàng quang của gấu Bắc Mỹ, cá ngựa Thái Bình Dương là vài trong số các sản phẩm động vật hoang dã được nhập lậu vào Châu Á từ khắp nơi trên thế giới.
Thách thức phía trước
Trong một cuộc hội thảo quốc tế của các cơ quan chống tội phạm môi trường năm 2007, đại diện 10 quốc gia thành viên của ASEAN đã báo cáo về tình hình tội phạm động vật hoang dã ở nước mình. Tất cả các diễn giả đều nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác quốc tế giữa các cơ quan chuyên trách trong việc chia sẻ những hiểu biết và kỹ năng đối phó với buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Những đánh giá chưa được công bố do Tổ chức cứu trợ Động vật Hoang dã Thái Lan (WAF), Mạng lưới Giám sát Toàn cầu Buôn bán Động Thực vật Hoang dã (TRAFFIC) thực hiện cho thấy, các nước Đông Nam Á đang thiếu những kỹ năng cần thiết để đối phó hiệu quả với tội phạm liên quan đến động vật hoang dã. Đó là sự thiếu hiểu biết đầy đủ về luật bảo vệ động vật hoang dã quốc gia, công ước quốc tế và quy trình tố tụng các vụ phạm tội liên quan đến động vật hoang dã, sự hạn chế trong khả năng giải quyết của các cơ quan hữu quan. Việc thực thi luật bảo vệ động vật hoang dã trong khu vực còn thiếu kỹ năng và hiểu biết cần thiết cho công tác điều tra lâu dài. Sau cùng, nhiều cơ quan điều tra còn thiếu sự đồng thuận hợp tác và chia sẻ thông tin.
Nỗ lực hợp tác chống buôn bán động vật hoang dã
Mạng lưới Thúc đẩy Thực thi Luật Bảo vệ Động Thực vật Hoang dã ASEAN–WEN
Nhận thấy sự cấp thiết của vấn đề hợp tác, các nước ASEAN đã cùng nhau phối hợp triển khai đối phó với tội phạm động vật hoang dã từ 2005. Cuối tháng 9/2005, bộ trưởng nông lâm nghiệp của các nước trong khu vực đã họp bàn và đưa ra kế hoạch hành động khu vực ASEAN về buôn bán động thực vật hoang dã giai đoạn 2005-2010. Chính sách quan trọng này đề ra 5 mục tiêu liên quan đến buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Một trong những mục tiêu này là kêu gọi củng cố mạng lưới thực thi pháp luật trong khu vực Đông Nam Á, với vai trò đầu tàu của Thái Lan. Mạng lưới Thúc đẩy Thực thi Luật Bảo vệ Động vật Hoang dã ASEAN (ASEAN–WEN) chính thức được phát động vào tháng 12/2005 với sự nhất trí cao của các quốc gia tham dự.
Cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên của mạng lưới ASEAN–WEN diễn ra vào tháng 5/2006 với sự tham dự của các quan chức thuộc Bộ Công an, cơ quan thuế quan và môi trường của các nước Đông Nam Á. Trong cuộc họp, đại biểu tham dự đã tán thành các quy chế quan trọng của ASEAN–WEN và định hướng các vấn đề liên quan tới tội phạm buôn bán động vật hoang dã mà các quốc gia có thể chia sẻ kinh nghiệm.
Các quốc gia cũng tuyên bố định hướng trọng tâm của họ là liên kết, hợp tác với các cơ quan chuyên trách đấu tranh với tội phạm động vật hoang dã liên khu vực. Cùng với việc áp dụng các quy chế của ASEAN–WEN, đại biểu tham dự nhất trí thiết lập Chương trình Hỗ trợ ASEAN–WEN. Chương trình này sẽ được thực hiện luân phiên, và sẽ được Thái Lan đảm nhiệm trong hai năm đầu tiên.
Chương trình Hỗ trợ ASEAN–WEN
Chương trình hỗ trợ ASEAN–WEN được triển khai đồng thời với Mạng lưới ASEAN–WEN. Đây cũng là nỗ lực hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ và các nhà tài trợ để đảm bảo sự thành công của ASEAN–WEN. Đối tác đầu tiên trong Chương trình Hỗ trợ là Tổ chức Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Liên minh Bảo vệ Động vật Hoang dã (Wildlife Alience).
Tuy nhiên, các hoạt động thực tiễn hiện do Tổ chức Cứu trợ Động vật Hoang dã Thái Lan (WAF) và tổ chức TRAFFIC Đông Nam Á thực hiện. Các tổ chức hỗ trợ thực thi chương trình không phải là một bộ phận của ASEAN–WEN, và cũng không có bất kỳ thỏa thuận chính thức nào với ASEAN về Mạng lưới nhưng họ tạo ra nguồn lực để giúp ASEAN–WEN hoạt động.
Chương trình Hỗ trợ được thiết kế với lộ trình 5 năm. Các nước tham dự được khuyến khích độc lập về cơ chế để hoàn thành các yêu cầu của ASEAN–WEN. Sau đó, Chương trình Hỗ trợ sẽ giúp các nước này đưa cơ chế trên vào thực tiễn. Chương trình hỗ trợ các nước thành viên trong một số lĩnh vực chính sau đây:
Tổ chức các cuộc họp và sự kiện quan trọng của ASEAN – WEN: Để huy động tối đa sự tham dự của các nước trong khu vực vào ASEAN–WEN và củng cố nó như một mạng lưới, Chương trình đã hỗ trợ tổ chức và tài trợ nhiều cuộc họp, như các hội nghị cấp bộ trưởng, các hội thảo của các cơ quan đảm nhiệm thực thi ASEAN–WEN tại mỗi quốc gia… Do sự thiếu kinh nghiệm của các cơ quan liên quan, Chương trình cũng đóng vai trò là nhà tư vấn trong các sự kiện quốc tế. Chương trình cũng thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN–WEN và các tổ chức liên quan như Công ước Quốc tế về Buôn bán Động vật Hoang dã trái phép (CITES), Interpool và Tổ chức Hải quan Thế giới.
Tăng cường hoạt động của cơ quan đảm nhiệm thực thi ASEAN– WEN ở các quốc gia thành viên: Để đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan thực thi ASEAN–WEN và củng cố sức mạnh của hệ thống thực thi pháp luật, Chương trình Hỗ trợ đang soạn thảo tài liệu về thực thi luật bảo vệ động vật hoang dã trong khu vực Đông Nam Á. Việc biên soạn này diễn ra dựa trên một loạt các cuộc điều tra, cùng với thông tin được cung cấp về quá trình hoạt động, ngân sách và những thành công trong công tác chống tội phạm liên quan tới động vật hoang dã từ các cơ quan đang tìm kiếm hỗ trợ của Chương trình. Chương trình cũng biên soạn thông tin bổ sung về các hình phạt đối với tội phạm liên quan đến động vật hoang dã. Các cuộc điều tra được tiến hành để cung cấp thông tin về sự phát triển và tiến bộ của các lực lượng thực thi ASEAN–WEN tại các quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, các khuyến nghị nhằm tăng cường hợp tác liên cơ quan cũng được đề cập trong các báo cáo điều tra này.
Chương trình Hỗ trợ cũng sử dụng kết quả điều tra để xác định các hình thức hỗ trợ vật chất thích hợp cho các quốc gia tham gia ASEAN–WEN. Xác định xây dựng nguồn lực là yếu tố quan trọng, dựa trên cơ sở các kết quả điều tra, Chương trình Hỗ trợ đang triển khai và cung cấp các chương trình đào tạo cho các nước Châu Á. Các khóa đào tạo cung cấp cho học viên cái nhìn tổng quan về buôn bán động thực vật hoang dã trái phép, các kỹ năng điều tra và cách thức chỉ dẫn hữu hiệu, hợp lý để truy tố các hành vi phạm tội buôn bán động vật hoang dã. Các cơ quan đóng góp cho sự phát triển của chương trình đào tạo gồm Cơ quan Động vật Biển và Động vật Hoang dã Hoa Kỳ, Interpool và Cơ Quan Quản lý Nghề cá của tiểu bang California.
Tạo môi trường pháp lý thuận lợi để tố tụng thàng công các vụ tội phạm động vật hoang dã: Để đảm bảo tính chính xác và hợp lý trong công tác điều tra, bắt giữ, tố tụng và kết án, Chương trình Hỗ trợ đang tổ chức những buổi hội thảo chuyên đề dành cho ủy viên công tố và các thành viên của tòa án. Sự kiện này được tổ chức nhằm làm nêu bật vấn đề, cung cấp thông tin và các phương án luận tội đối với tội phạm buôn bán động vật hoang dã cho các cán bộ pháp lý.
Tăng cường nhận thức cộng đồng về các vấn đề liên quan đến tội phạm động vật hoang dã: Tầm quan trọng của Chương trình Hỗ trợ giúp chương trình thu hút sự chú ý của công chúng đối với các hoạt động của ASEAN–WEN. Đặc biệt, chương trình cũng tạo được sự chú ý tích cực của người dân đến ASEAN–WEN thông qua truyền thông, giúp cộng đồng dễ dàng tiếp tiếp cận thông tin hơn. Việc công khai thông tin về các vụ bắt giữ tội phạm động vật hoang dã cũng góp phần ngăn chặn hành vi phạm tội và gia tăng hiệu quả thực thi luật bảo vệ động vật hoang dã.
Tạo các hoạt động chuyển tiếp trong Chương trình Hợp tác ASEAN–WEN: Thiếu một sự khởi đầu vững chắc, ASEAN–WEN hiện tại lại thiếu các cơ quan hợp tác chính thức. Mảng quản lý và công nghệ của Mạng lưới chủ yếu do Chương trình Hỗ trợ đảm nhiệm. Chương trình này được thực hiện trong vòng 5 năm và sẽ cần gia hạn nếu muốn ASEAN–WEN tiếp tục hoạt động. Chính vì vấn đề này, ngay trong cuộc họp chính thức đầu tiên, các nước thành viên ASEAN–WEN đã tán thành việc thành lập Cơ quan Điều phối Chương trình ASEAN–WEN. Cơ quan này sẽ trực tiếp làm việc với Ban thư ký ASEAN hoặc cơ quan cấp quốc gia có liên hệ chặt chẽ với Ban thư ký ASEAN. Bộ trưởng tài nguyên và môi trường Thái Lan đã đề nghị đảm nhiệm và hỗ trợ cơ quan này trong 2 năm đầu. Sau đó, các nước ASEAN–WEN sẽ luân phiên đảm nhiệm.
Mặc dù đạt được nhiều thành công lớn, nhưng vẫn còn đó những thách thức với ASEAN–WEN và Chương trình Hỗ trợ. Thái Lan được giao nhiệm vụ đi đầu trong các hoạt động của ASEAN–WEN, tuy nhiên tình hình bất ổn chính trị của nước này đã ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động của Mạng lưới.
Thêm vào đó, các cơ quan quản lý công ước CITES ở Đông Nam Á vẫn coi buôn bán động vật hoang dã trái phép là trách nhiệm của riêng họ, và đôi khi lưỡng lự phối hợp với các cơ quan khác. Kết quả là hoạt động của cơ quan cảnh sát và hải quan còn thiếu liên kết, mặc dù họ vẫn đẩy mạnh thực thi luật cũng như hợp tác xuyên biên giới.
Việt Thức [Nguồn: The Australian National university}