Theo tính toán của Bloomberg, trong 3 tháng gần nhất có số liệu, nhà đầu tư đã tháo tới 367 tỷ USD vốn khỏi Trung Quốc, quy mô tương đương nền kinh tế Hy Lạp.
Xu hướng chung trên thị trường mang tính chất “một chiều”, khi phần lớn đánh cược đồng tiền xuống giá. Ảnh: CNNMoney
Sau một năm tăng trưởng chậm nhất 25 năm, thị trường tài chính Trung Quốc bắt đầu năm 2016 với những vấp váp.
Hai lần thị trường chứng khoán phải đóng cửa sớm do chỉ số lao dốc qua mức “báo động đỏ”. cho thấy giới chức Bắc Kinh không mấy tự tin vào khả năng cầm cương thị trường.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến cơn “ngất lịm” đột ngột của chứng khoán chính là đồng nhân dân tệ sụt giá. Điều này phản ánh nhu cầu rút vốn khỏi Trung Quốc của giới đầu tư.
“Biến động và can thiệp”
Ngày 6/1, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) cắt giảm tỷ giá tham chiếu hằng ngày xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2011 tại 6,5314CNY/USD, tương ứng hạ giá 0,22% so với USD.
Trên thị trường hải ngoại, tỷ giá tiến tới mốc 6,6940, tương ứng mức giảm 0,7% so với phiên trước và lùi 2% so với đầu năm.
Tại đại lục, tỷ giá đồng nhân dân tệ neo với đồng USD, được phép biến động với biên độ tối đa 2% so với tỷ giá tham chiếu hàng ngày. Trong khi đó, trên thị trường Hong Kong và Đài Loan, đồng nhân dân tệ được giao dịch tự do.
Khoảng cách giữa cặp tỷ giá đang ở mức rộng nhất 5 năm trở lại đây, kể từ khi Trung Quốc cho phép sàn giao dịch ngoài đại lục đi vào hoạt động.
“Chênh lệch giữa đồng nhân dân tệ nội địa và hải ngoại hiện đã chạm mức cao nhất trong lịch sử, dấu hiệu rõ ràng cho thấy có cả sự biến động và can thiệp”, chuyên viên chiến lược thị trường Angus Nicholson tại công ty IG nhận định.
Mất lòng tin
Còn bà Cynthia Wong, chuyên gia tại Société Générale, nhận xét rằng “mọi người đang mất lòng tin vào đồng nhân dân tệ”. Xu hướng chung trên thị trường mang tính chất “một chiều”, khi phần lớn đánh cược đồng tiền xuống giá.
Theo thống kê của Nhật báo phố Wall, nhu cầu đối với tài sản thanh toán bằng nhân dân tệ co giảm. Tại Hong Kong, tài khoản tiền gửi bằng đồng nhân dân tệ sa sút nhanh chóng khi mọi người đua nhau chuyển tiền sang dollar Hong Kong.
Các nhà phát hành trái phiếu “dim sum” (thanh toán bằng nhân dân tệ) cũng trong cảnh đỏ mắt tìm người mua. Nhà đầu tư lo ngại lợi suất từ trái phiếu không đủ để bù đắp mức mất giá của đồng tiền.
Trong giao dịch quốc tế, các nhà nhập khẩu của Trung Quốc gặp khó khăn khi đối tác không muốn nhận thanh toán bằng nhân dân tệ.
Chỉ cách đây một vài năm, khi thị trường tài chính rung lắc, giới hoạch định chính sách của Trung Quốc có thể sẽ dễ dàng đối phó bằng cách cắt giảm chi phí đi vay và đẩy tăng chi tiêu công.
Tình hình trong 12 tháng qua đã trở nên phức tạp hóa vì những biện pháp cải tổ thủ tục tại PBOC và khả năng huy động vốn của các chính quyền địa phương.
Ví dụ, tháng trước PBOC đã quyết định tăng cường hạn chế sử dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để bảo vệ sự ổn định của thị trường tài chính. Vậy là giới chức tài chính nước này đã mất đi một công cụ đắc lực để thúc đẩy tăng trưởng.
367 tỷ USD
Rất khó để có được con số chính xác về dòng vốn đang tháo chạy khỏi Trung Quốc, vì nhiều người đang sẵn sàng lách luật để đưa được tiền ra khỏi lãnh thổ. Tuy nhiên, giới quan sát cho biết có nhiều dấu hiệu cho thấy dòng tiền đang tháo chạy.
Ví dụ trong tháng 11/2015, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm 87 tỷ USD, nhiều gấp đôi mức dự báo 33 tỷ USD trước đó của các nhà kinh tế. Đây là mức giảm lớn thứ 3 trong năm, chỉ thấp hơn một chút so với mức sụt giảm 94 tỷ USD trong tháng Tám, khi Trung Quốc phá giá đồng tiền.
Còn theo tính toán của Bloomberg, trong 3 tháng gần nhất có số liệu, nhà đầu tư đã tháo tới 367 tỷ USD vốn khỏi Trung Quốc, quy mô tương đương nền kinh tế Hy Lạp.
Để vực dậy thị trường, PBoC đã bơm 130 tỷ nhân dân tệ (20 tỷ USD) và hệ thống ngân hàng, dưới hình thức thỏa thuận mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày.
Gói “cứu trợ” này đã xốc lại thị trường trong phiên 6/1, nhưng tác động nhanh chóng phai nhạt khi chỉ số SCI 300 tiếp tục “bốc hơi” 7% chỉ sau vài phút mở cửa trong phiên 7/1.
Ông Shaun Rein, chuyên gia của công ty China Market Research cảnh báo Trung Quốc cần “dè chừng một dòng vốn lớn sắp rời nước này vào tháng Một năm 2016”.
Công dân Trung Quốc chỉ được phép đổi 50.000USD trị giá nhân dân tệ sang ngoại tệ mỗi năm. Do đó, sẽ có rất nhiều người đổ xô đi đổi tiền vào tháng Một, vì cho rằng đồng bản tệ sẽ tiếp tục mất giá.
Ông cho rằng xu hướng này sẽ chi phối cả tháng Một, trước khi nguội dần vào tháng Hai và Ba.
THẢO MAI