Tới hôm nay, khi ngồi xuống, viết những dòng chữ này, tôi vẫn không hiểu điều gì khiến tôi quyết định trở lại ngôi nhà của bạn tôi, Hùng Nguyễn ở thành phố Fairfax, tuần lễ cuối tháng Mười vừa qua. Chẳng biết có phải vì lời khuyên của Nguyễn Thế Toàn, người bạn thời niên thiếu (từ lâu, đã là một thành viên trong gia đình nhỏ bé của chúng tôi)? Hay vì tôi sợ rồi đây, tôi sẽ không còn cơ hội trở lại?
Dù tôi vẫn tin “lịch sử đã bắt đầu” từ mối tương thông giữa kẻ sống và, người chết (mà) cây cỏ là nhân chứng thứ nhất. (1)
Nhưng chẳng vì thế tôi lạc quan cho rằng, những cánh bướm màu vàng thau chao chát hư huyễn, lênh đênh nỗi buồn trên đỉnh ngọn rừng thưa maple, nơi vườn sau ngôi nhà bạn tôi là tác nhân chính, vẫy gọi tôi về.
Tôi cũng không lạc quan cho rằng, tiếng sóng biển rì rầm do gió (hay mưa) treo lửng giữa không trung, vẫn nhớ tôi, ngày nào!
Tuy từ hạnh ngộ thứ nhất xa lắc kia, tôi từng viết xuống cho mình, cho bạn, cho chính cánh rừng đó, bốn câu thơ ngắn:
biển vỗ vai mời. mưa xốn xang:
về như hạt bụi chứa không gian
đêm đêm trang sách: bầy dơi động
thả nốt vầng trăng xuống đáy vườn. (2)
Bài thơ phổ biến không lâu, một độc giả hỏi tôi về sự hiện diện hay tương thích của “bầy dơi” trong mấy câu thơ này. Tôi nói, tôi không có thói quen giải thích thơ mình. Riêng lần đó, phần muốn tỏ bày lòng quý, trọng người hỏi; phần muốn giải tỏa mặc cảm thầm kín của một người làm thơ như tôi, ngày càng bị “kết án” chủ trương làm thơ…tối tăm!? Chủ trương “khủng bố tinh thần” người đọc!?!
Tôi giải thích, rằng:
“Bầy dơi” đêm, trong bốn câu thơ đó, không chỉ là liên-tưởng-trực-tiếp của những con chữ hân hoan làm thành những cuộc luân vũ trên trang sách của bạn tôi mà, nó còn mang ý nghĩa của một liên-tưởng-gián-cách. Đó chính là những cánh bướm màu vàng thau (ban ngày), hóa thân thành bầy dơi (ban đêm) lưng chừng trời, bên ngoài những trang sách. Đó cũng là hình thức Hoán dụ / Metonymy (một kỹ thuật ứng dụng trong thi ca.) Đồng thời, nếu dùng kỹ thuật “liên-tưởng-gián-cách” để soi tỏ câu thơ thì, người đọc sẽ nhận ra, giữa trang sách và bầy dơi chao chát hư huyễn, lênh đênh nỗi buồn, đập cánh trên đỉnh ngọn maple kia, còn có một tương quan hữu cơ khác: Tương quan giữa cây và…giấy.
Chưa kể sự “chao chát” (động) của bày dơi còn có công dụng như chiếc cần cẩu, nâng cái tĩnh lặng của đêm, vầng trăng, đáy vườn lên một độ cao, rất cao khỏi cái đáy vườn hiện thực nơi cảnh tượng.
Dường như giải thích của tôi không đủ sáng sủa (?) nên tôi đọc được ít, nhiều thất vọng nơi vẻ mặt ngơ ngác của người hỏi!
Cuối cùng, chị lắc đầu tựa cầm bằng… “thả nốt (cho xong) vầng trăng xuống (ngay chóc cái) đáy vườn” (của nó)!
(Từ đấy, mỗi khi đứng trước câu hỏi về thơ của mình, tôi lại ngần ngại, chỉ muốn co, rút sâu hơn trong chiếc kén…“tối tăm” của mình.)
Kể lại chuyện này, không có nghĩa tôi đã giảm sút gắn bó hay, sinh lòng oán hờn rừng sau ngôi nhà bạn tôi. Trái lại, tôi còn ghi nhận được niềm hân hoan (rất họa hiếm) nơi T., ngay tự buổi sáng đầu tiên, trong nhà bạn.
Tôi không biết T. có mang những cánh bướm màu vàng thau hay, bầy dơi cùng với biển, mưa treo lửng giữa không trung vào trong giấc ngủ của mình (?) Nhưng hiển nhiên, T. đã chìm đắm trong rừng sau của bạn tôi, với chiếc máy ảnh mà, không lâu sau, cái sim trong máy, cho biết, nó đã… quá tải!
Tới hôm nay, khi ngồi xuống, viết những dòng chữ này, tôi vẫn không hiểu điều gì khiến tôi quyết định trở lại ngôi nhà của bạn tôi, Hùng Nguyễn ở thành phố Fairfax, tuần lễ cuối tháng Mười vừa qua. Chẳng biết có phải vì lời khuyên của Nguyễn Thế Toàn, người bạn thời niên thiếu (từ lâu, đã là một thành viên trong gia đình nhỏ bé của chúng tôi)? Hay vì tôi sợ rồi đây, tôi sẽ không còn cơ hội trở lại?
Dù tôi vẫn tin “lịch sử đã bắt đầu” từ mối tương thông giữa kẻ sống và, người chết (mà) cây cỏ là nhân chứng thứ nhất.
Nhưng chẳng vì thế tôi lạc quan cho rằng, bầy dơi đêm đêm chao chát hư huyễn, lênh đênh nỗi buồn trên đỉnh ngọn rừng maple, nơi vườn sau ngôi nhà bạn tôi là tác nhân chính, vẫy gọi tôi về.
Mặc dù ngay tự buổi tối đầu thấy chúng từ sàn gỗ cao của chiếc double-deck, tôi đã “phải lòng” chúng. Như tôi đã “tương tư” những cánh rừng maple Hoa Thịnh Đốn, mùa đông, nhóm lửa lưng trời!
Dẫu vậy, tôi nghĩ, nhiều phần chúng đã quên tôi. Như đã lâu, chúng quên nhiều bằng hữu một thời của Hùng Nguyễn. Những bằng hữu chọn (bị) bước qua vạch phấn dương gian (để xác nghiệm ý nghĩa tận cùng hai chữ cát bụi?)
Trường hợp nào, tôi cũng vẫn cho rằng, giữa tôi và chúng, đã có với nhau một liên hệ khả tín!
Vì thế, ba tuần trước đây, khi gặp nhau trong chương trình “Tình ca muôn thuở” của Phương Hoa / Đăng Khánh ở Houston, tôi nói với bạn:
“Tụi tao sẽ ‘đổ bộ’ vào nhà mày hai tuần nữa.”
Khi dùng hai chữ ‘đổ bộ” tôi ngầm ý cảnh cáo Hùng Nguyễn, có thể chúng tôi (riêng tôi thôi, không có T.) sẽ xáo tung, sẽ xô vỡ cái không gian vốn quanh năm tĩnh mịch của bạn mình. Ý tôi muốn nói trước với bạn tôi rằng, chí ít, bạn tôi cũng sẽ không thể gặp lại những trang sách và, bầy dơi những đêm tôi ở nhà bạn.
Tôi nhớ, Hùng Nguyễn đã tiếp nhận lời cảnh báo của tôi bằng ánh mắt lung linh nhiều dấu hỏi!
Tới hôm nay, khi ngồi xuống, viết những dòng chữ này, tôi vẫn không hiểu điều gì khiến tôi quyết định trở lại ngôi nhà của bạn tôi, Hùng Nguyễn ở thành phố Fairfax, tuần lễ cuối tháng Mười vừa qua. Chẳng biết có phải vì lời khuyên của Nguyễn Thế Toàn, người bạn thời niên thiếu (từ lâu, đã là một thành viên trong gia đình nhỏ bé của chúng tôi)? Hay vì tôi sợ rồi đây, tôi sẽ không còn cơ hội trở lại?
Dù tôi vẫn tin “lịch sử đã bắt đầu” từ mối tương thông giữa kẻ sống và, người chết (mà) cây cỏ là nhân chứng thứ nhất. (Và, Võ Thành Nhân, đã đặt phòng cho chúng tôi ở một khách sạn gần Ngũ giác đài.)
Tôi không nghĩ những pho tượng trổ hoa rêu mốc ở rừng sau ngôi nhà bạn tôi, dang tay mời gọi tôi về, là tác nhân chính. Kể cả chúng còn nhớ, trên, dưới mười lăm năm trước, tôi đã dừng chân. Đã ngắm nhìn. Đã đặt tay thăm hỏi từng phần thân thể thanh xuân bất biến của chúng.
Tôi nhớ, dường giữa tôi và những pho tượng khỏa thân kia, đã có với nhau, một mối liên hệ thầm kín nào đó.
Bằng chứng, ngay những lần ngắm nhìn chúng từ xa, qua khung kính lớn, chúng cũng không quên nhắc tôi dừng mắt nơi chiếc bàn tròn, bốn chiếc ghế trắng, băng ghế sắt sơn đen, kề cận.
Tôi nghĩ, Hùng Nguyễn sẽ không ngần ngại mắng tôi “thằng khùng, ” nếu tôi kể cho bạn tôi nghe, những pho tượng khỏa thân trổ hoa rêu mốc nơi rừng sau ngôi nhà của bạn, từng hỏi tôi:
“Có biết đã bao người ngồi quanh chiếc bàn với những bữa cơm tây sóng sánh rượu chát tình thân tin cậy? Và, bao cặp vợ chồng đã dựa, nép một đời vai nhau, nơi băng ghế sắt sơn đen?”
Lần nào, tôi cũng thành thật trả lời, nếu biết được, tôi hạnh phúc lắm. Nhưng rồi chúng bảo (sau khi nghĩ lại) rằng, thôi! Tốt hơn tôi không nên biết.
Tôi hỏi:
“Tại sao?”
Chúng đáp:
“Bởi nhiều người đã không còn cơ hội trở lại nơi này. Cũng như nhiều cặp vợ chồng đã chỉ còn nhau một đời trong…ký ức. Loại ký ức sát muối nhục nhằn, đổ vỡ. Thứ ký ức lầm than ngộ nhận nắng, gió chông chênh.
Nghe những người bạn khỏa thân ngày, đêm buồn bã thanh xuân nơi rừng sau ngôi nhà Hùng Nguyễn nói tới loại “ký ức sát muối nhục nhằn, đổ vỡ,” loại “ký ức lầm than ngộ nhận, nắng, gió chông chênh,” tôi hiểu chúng nói gì.
Tôi nghĩ những bằng hữu của tôi đa phần đều có lọai ký ức nhục nhằn, ký ức lầm than ngộ nhận trong hành lý đi về cuối đời họ. Phải chăng vì thế, tháng Tám, năm 1992, khi mấy người bạn ở đài Voa và World Bank tổ chức một buổi giới thiệu thơ tôi ở thính đường George Mason (nơi Hùng Nguyễn đã trở thành giáo sư thực thụ nhiều năm trước,) tôi đã chọn đọc một bài thơ cũ (ít phần…tối tăm) cho các bạn tôi nghe. Đồng thời cũng là “ra mắt tôi” với Hoa Thịnh Đốn:
biệt mù trong bước nhau đi
bóng hiu hắt kiếm hồn u mê tìm
tưởng gần nhau giữa môi ngoan
tay khô bỗng lạnh, giọng khàn bỗng câm
tưởng người hương tóc thanh xuân
ủ tôi đêm lạnh cuối phần đời dư
tưởng người thơm ngát hơi mưa
gội tôi đã nẻ mấy mùa xác khô
tưởng người tưởng giữa cơn mưa
sáng ra, thấy một già nua, tôi, ngồi. (3)
Bài thơ hôm nay, nhớ lại, đã có số tuổi trên 30. Trong khi tôi hy vọng, mình có thể bước tới tuổi 70. Quê người.
Tới hôm nay, khi ngồi xuống, viết những dòng chữ này, tôi vẫn không hiểu điều gì khiến tôi quyết định trở lại ngôi nhà của bạn tôi, Hùng Nguyễn ở thành phố Fairfax, tuần lễ cuối tháng Mười vừa qua. Chẳng biết có phải vì lời khuyên của Nguyễn Thế Toàn, người bạn thời niên thiếu (từ lâu, đã là một thành viên trong gia đình nhỏ bé của chúng tôi)? Hay vì tôi sợ rồi đây, tôi sẽ không còn cơ hội trở lại?
Dù tôi vẫn tin “lịch sử đã bắt đầu” từ mối tương thông giữa kẻ sống và, người chết (mà) cây cỏ là nhân chứng thứ nhất.
Tuy thế, tôi vẫn không nghĩ những ngọn đèn tự động bật sáng cắm dọc lối đi bên hông căn nhà Hùng Nguyễn, như những con chim cánh cụt dang tay trong những khoảng cách đều, đêm đêm nhắn gọi tôi cùng những linh hồn vất vưởng khác, trở về, in bước chân mình trên những phiến đá lớn, đã bị lá phong (hóa thân thành những bầy dơi gẫy cánh, vẫy, đập tuyệt vọng dưới thấp) che khuất. Mặc dù trên dưới mười lăm năm qua, có lần tôi đã vịn vai chúng trở về phòng mình một khuya khoắt.
Nhưng nếu có những nghi nan ngỏ cửa, kiên nhẫn chờ câu trả lời thì, cũng có những hiển lộ tình thân cháy lòng! Ở lại.
Tôi muốn nói hai ngày cuối, trước khi chúng tôi trở về Cali, một buổi sáng, Hùng Nguyễn bảo:
“Mày có thể hút thuốc ở phòng ăn này, chỉ cần nhớ mở cửa cho khói thoát ra vườn sau.”
Mấy chiếc gạt tàn được bạn tôi lấy từ chiếc kệ trong garage, mang lên. Chùi sạch. Bày ra. Dưới chùm đèn bạch lạp.
Tôi không biết chúng có nghe được những hồi ho khan của T., khi từ trên lầu bước xuống, cho biết T. phát ho vì khói thuốc?
Trước tình cảnh này, tôi nghĩ, nhiều bạn sẽ khuyên tôi, vì T. mà nên ngừng ngay cuộc trò chuyện với mấy chiếc gạt tàn. Có bạn trầm trọng hơn, nhắc nhở tôi, bài học tôn trọng phụ nữ…Nhưng thưa bạn, tôi dám chắc, cũng như tôi, những chiếc gạt tàn đã “cháy lòng” trước tình thân mà chủ chúng ưu ái dành cho khách phương xa.
Lại nữa, rất tiếc, thưa bạn, câu chuyện hào hứng của chúng tôi, chỉ mới bắt đầu. Sự “rôm rả,” nếu có thể nói được như vậy, của chúng tôi là “một rôm rả’ riêng. Tôi muốn nói, sự “rôm rả” của những mẩu thuốc ấm áp trong lòng những chiếc gạt tàn bao năm, hiu quạnh.
Mấy chiếc gạt tàn hỏi tôi có biết, ông chủ ngôi nhà rất chăm chút những chiếc máy tập thể dục ở tầng trên. Nơi hàng ngày ông bước vào, ở lại rất lâu, để phục vụ cái chúng gọi là “Kế hoạch kinh tế ngũ niên / Hùng Nguyễn / Body builder.”
Tôi nói, tôi biết. Tôi thấy chứ. Nguyên một căn phòng trên lầu, được bạn tôi dùng làm phòng “trưng bày” dụng cụ thể dục. Từ máy chạy bộ qua tới những quả tạ size nhỏ, size lớn… Những bộ tạ chỉ thoáng thấy thôi, tôi đã…hết hồn. Rón rén lùi xa…
Tôi nói, tôi chỉ không hiểu khi các bạn đặt “kế hoạch kinh tế ngũ niên” song hành với “body builder?” Tôi không hiểu vì tôi nghĩ hai lãnh vực này chẳng ăn nhậu gì với nhau.
“Nó ‘lệch pha.’” Tôi nói.
Các bạn gạt tàn của tôi cười một cách láu cá, đáp:
“Đó là chuyện ‘ai cũng biết, chỉ một người không biết’. Người không biết ấy chính là …ông đấy!”
Rồi như để tôi khỏi mặc cảm về sự chậm đụt, ngu dốt của mình, các bạn gạt tàn lại hỏi tôi, có biết, tôi là người đầu tiên sau mấy chục năm được ông chủ của họ cho phép hút thuốc trong nhà?
Tôi bảo, cái này thì tôi biết. Nó như một thứ chuyện “truyền kỳ mạn lục.” Tôi sẽ mãi nhớ. Dù nó có là:
“Sự lầm lẫn của…phép lạ!”
Các bạn gạt tàn của tôi cười nghiêng ngả.
Nếu bạn tin tưởng được nơi cặp mắt cận thị của tôi, thì tôi xin kể ngay rằng, các bạn gạt tàn của tôi có lấy tay che miệng. Nhưng chẳng nhờ thế mà những chiếc kính đọc sách, để sẵn, rải rác khắp nơi trong ngôi nhà bạn tôi bớt giật mình, kinh hãi!
Đợi cho các bạn gạt tàn của mình dịu xuống cơn vui, tôi hỏi, phần họ, họ có tin phép lạ (dù lầm lẫn,) vẫn có thể xẩy ra nhiều lần?
Các bạn gạt tàn của tôi đáp bằng một so sánh rất “hiện thực xã hội” rằng:
“Mới đây, có người hai lần trúng số độc đắc chỉ trong vòng vài tháng. Nhưng chúng tôi không tin ông chủ sẽ cho chúng tôi được “leo” lên bàn, chơi với ông như thế này, một lần nữa!”
Tôi nói, đầy tự tin:
“Vé số, phép lạ, nhầm lẫn, gạt tàn…giống như những cuộc tranh tài thể thao hàng năm. Các lực sĩ vẫn thay nhau phá kỷ lục cũ. Từ đó, tôi tin, tương lai khi chúng tôi trở lại ngôi nhà này, bạn tôi đã có một bộ tạ mới. Một bộ tạ có trọng lượng nặng hơn số cân hiện tại của tôi! Đồng thời, thay vì chỉ hai chiếc gạt tàn, có khi bạn tôi sẽ mang lên nhà cho tôi từ ba, tới bốn cái…
“Vấn đề là tôi còn không, để trở lại…”
Không bảo nhau, những người bạn gạt tàn đang vui, bỗng trùng xuống. Họ thấp giọng, lập lại:
“Vấn đề là…còn không, để trở lại…”
Tôi nói, đúng thế! Đúng thế!
Mặc dù, rừng sau ngôi nhà Hùng Nguyễn sẽ mãi còn đó. Như sự mãi còn của những cánh bướm mầu vàng thau (ban ngày), hóa thân thành bầy dơi (ban đêm) vẫn chao chát hư huyễn, lênh đênh nỗi buồn; cùng tiếng rì rầm của sóng biển (hay mưa), treo lửng không trung…
Mặc dù, những pho tượng khỏa thân vẫn đứng đó, với những hoa rêu mốc mọc thêm, ngó xuống những chiếc ghế trắng mỏi mòn ngước lên chiếc bàn và, băng ghế sắt sơn đen, chìm sâu trong đón đợi những cặp vợ chồng, những đôi tình nhân, sẽ đến từ nhiều chân trời khác…
Mặc dù, dẫy đèn như những con chim cánh cụt dang tay trong những khoảng cách đều, (tôi tin) cũng vẫn còn đó. Chúng vẫn nhẫn nại chờ những bước chân (sự trở về) của những linh hồn khát bạn. Cháy bỏng. Long đong…
Nhưng, tôi nghĩ, nhiều phần sẽ không ai cất tiếng hỏi, như tôi những ngày qua, từng hỏi rừng maple rằng, không biết sau chúng tôi, ai sẽ là người bước vào, ở lại cùng bướm, dơi, biển, mưa, gió, nắng và tượng vườn sau…đời sống này?
Riêng tôi, tôi biết! Tôi đã. Tôi đang thả nốt những mùa trăng cuối của mình, xuống đáy vườn sau ngôi nhà bạn tôi, Hùng Nguyễn, với băn khoăn:
“Trước và sau chúng tôi, ai đã / sẽ là người đến, ở với cánh rừng nọ?”
Cũng vậy. Tôi đã. Tôi đang thả nốt những mùa trăng cuối của mình, xuống vườn sau ngôi nhà những ân tình, bằng hữu khác…
Dù cho vườn sau ngôi nhà của những tình thâm và, nghĩa trọng các bạn tôi, không có chiếc cần cẩu đủ sức nâng đáy vườn lên khỏi mặt đất của hiện thực cảnh tượng. Và, mai này, (vẫn dù cho) cây cỏ rừng sau ngôi nhà Hùng Nguyễn, có khước từ vai trò nhân chứng cho sự thật “lịch sử đã bắt đầu” từ mối tương thông giữa kẻ sống và, người chết!!!
Du Tử Lê
(Calif. Nov. 08-2010.)
Chú thích:
(1) “Lịch sử chưa bắt đầu” lời Gaston Berger, một nhà tương lai học, kiêm triết gia, kỹ nghệ gia người Pháp. Ông sinh ngày 1 tháng 10 năm 1896, mất ngày 13 tháng 11 năm 1960. Tên ông được đặt cho hai đại học ở Senegal, công trình hỗn hợp Pháp – Senegal. (Theo Wikipedia.) –
(2) Bài thơ nhan đề “và nguyễn mạnh hùng,” trích “Chấm dứt luân hồi: Em bước ra,” tr. 26.
Tủ sách Văn Học Nhân Chứng, California, 1993.
(3) Trích “Thơ tình / Loves poems,” bản in lần thứ tư, tr. 143. Tủ sách Văn học Nhân Chứng, California, 1996.