HỒ TRƯỜNG AN: Theo ý anh, sản phẩm và xa xỉ phẩm nào tiêu biểu nhất Nền Văn Hóa Pháp? Anh thích đồ ăn thức uống, đồ dùng loại nào? Còn chị Phùng Thị Hạnh?
LƯU NGUYỄN ĐẠT: Ngoài những thành tích cổ truyền trong lãnh vực văn học nghệ thuật, Dân Pháp ngày nay còn hãnh diện về nếp sống sành điệu “art de vivre” của họ: đó là cả một nghệ thuật sống, ăn ngon, mặc đẹp, hưởng thụ những nguồn vui nho nhỏ, tinh vi, thanh nhã. Nào là phó mát Brie, Camembert; nào là gan béo foie gras các vùng Périgord, phía tây nam nước Pháp; nào là rượu chát nổi tiếng Château du Pape, Saint Emilion; nào là rượu trắng Pouilly Fuissé, săm banh Veuve Clicquot, rượu tráng miệng Sauterne, Vendanges tardives; nào là bánh ngọt (pâtisserie), bánh crêpes dentelle vùng Bretagne, bánh ngàn lá mật mille feuilles, kẹo lạc Nougat của Montélimart; nào là thịt bò ninh rượu bœuf bourguignon, nào là xúp thập cẩm cá-tôm-cua-xò-hến, thăng cấp thành bouillabaisse. Trước đây, đó là thức ăn đồ biển dư thừa mang về nấu hổ lốn nuôi dưỡng các gia đình thuyền chài. Từ tác động bouillir-à-baisse (ninh lâu nhỏ lửa) họ tự nhiên “chế tạo” ra món xúp bouillabaisse: vừa ngon lành vừa xếp tạo thành thứ “chữ ăn”, thức uống vậy. Chắc giờ này có nhiều người bỏ cả trăm Ơ-rô (đồng Euro) để thưởng thức món xúp này cũng chả nhớ, hoặc chả cần biết nguồn gốc dân gian của nó.
Ngôn ngữ thường xuất hiện, rồi hội nhập đời sống thật tình cờ: dân chúng Mỹ thường nướng thịt theo kiểu “barbecue” đâu có biết là nhờ tác động của ông đầu bếp Pháp tới biểu diễn nướng thịt cả con, từ đầu tới đuôi, mà tiếng Pháp gọi là “rôtir de la barbe à la queue”. Khi ngon miệng, ông bà Mỹ chỉ kịp phiên âm ngắn gọn (contraction) và đọc liền-tù-tì thành “barbecue”, rất Mỹ-hoá.
Chữ “tennis” cũng là do trò chơi Pháp “Jeu de Paume” mà ra, tiền sinh của môn cầu vợt Badminton — khi đánh vợt, bên đưa banh kêu “tenez”, nghĩa là “hãy đỡ đi”. Nhưng khi Người Anh chơi lại đọc trẹo thành “tennis”, từ đó chúng ta có môn “quần vợt” quốc tế hiện đại.
Còn nhiều chữ nghĩa vay mượn lẫn nhau, một cách rất dân gian, tự nhiên. Đó là thứ nhu cầu cấp bách, thường dùng hằng ngày, như cái “ti-vi”chẳng đặng đừng. Ngày nay mấy ông Pháp bảo thủ ngôn ngữ [puristes] cũng phải đầu hàng, trọ trẹ tiếng “franglais” (một thứ tiếng thực dụng pha trộn Tiếng Pháp [français] lẫn Tiếng Anh [anglais], như les weekends, le hamburger, le fast food, les trainers, le meeting> le métingue, đầu-Pháp-đuôi-Anh), nếu không thì làm sao thông thương, đàm luận qua màng lưới không gian, về mặt văn hoá, chính trị, kinh tế, kỹ thuật, nay tân tiến toàn cầu, với những ngôn từ xa lạ xanh rờn.
Ấy chưa kể những chữ nghĩa lịch sử, trao đổi giữa dân gian, chuyển âm, chuyển ngữ, xuyên văn hoá: chắc chúng ta con nhớ thời Pháp Bảo Hộ, người dân Hội An được tặng một “mỹ danh” là Faifo, một cách chính thức trong tài liệu hành chính, địa dư, tư pháp [Toà Án Faifo, chẳng hạn]. Nguồn gốc của địa danh này khá ngộ nghĩnh. Thời Chúa Nguyễn, tàu buôn Bồ Đào Nha thường cặp bến tới địa phận thuộc Tỉnh Quảng Nam. Khi thủy thủ nghe lỏm dân chúng cùng đi về hướng thành thị gần đó, vừa chỉ trỏ, vừa hỏi nhau: “Phải Phố” [“…phải phố đó không?”], thì mấy người ngoại quốc này mừng quá tưởng đó là tên thị trấn, và lúc họ ghi vào biên bản trên thuyền thì phiên âm theo chữ La-mã-Bồ là “Faifo”. Khi Người Pháp tới đô hộ, họ chỉ cần theo đúng chữ nghĩa “lịch sử” mà con buôn Bồ Đào Nha ghi chép và để lại. Chỉ sau khi Người Pháp trao lại quyền hành chính cho Việt Nam sau 1954, Hội An mới lấy lại cái tên địa danh tổ tiên khởi dựng. Ấy thế mà ngày nay, mấy nhà buồn, doanh nhân lại thấy khoái sảng đặt tên cho những doanh thương nghiệp thế kỷ 21 nào là “Faifo Hotel”, “Faifo Restaurant”, “Faifo Phố Hoài” v.v., một cách hãnh diện không mấy cần thiết [vì không khơi lại một nguồn gốc chính đáng, nếu không muốn nói là “ngớ ngẩn”, “tây gỗ”].
Như nói phía trên, thông thường chữ nghĩa vay mượn nhau, lây âm, chuyển âm một cách rất cần thiết: Người Việt miền Bắc thường gọi cái “fourchette”, cái “cuillère” của Tây phương là “phóng-xét, là “cùi-rìa”. Người Tây phương đã mượn lại Người Á Đông những chữ như: Sampan hội nhập từ “tam-bản”, typhon [Pháp ngữ], typhoon [Anh ngữ] từ “đại phong” [gió lớn], tycoon từ “tài koon”/đại quan, v.v.
Chữ nghĩa vay mượn lẫn nhau đôi khi còn đưa tới một tình trạng ngộ nhận, hiểu lầm (malentendu), sai nghĩa vô cùng tai hại, khi ảnh hưởng dây chuyền tới các địa hạt kỹ nghệ, kinh tế thương mại…văn hoá, chính trị. Đó là trường hợp của hãng General Motors/Chevrolet khi sản xuất một loại xe hơi mới lại đặt tên là Nova. Giới tiêu thụ thuộc Khối Nam Mỹ La-tinh và Âu Châu bèn chê nguây nguẩy vì tên xe “Nova”, tuy cũng có nghĩa là “Mới Mẻ/novella/nouveau”, nhưng cũng đồng âm với “No-va” (Không Chạy). Kết quả là General Motors/Chevrolet đành phải bỏ, không tiếp tục sản xuất loại xe Nova nữa, cũng chỉ vì cái tên nhị trùng, “dễ kẹt” này.
Dân Pháp bề ngoài rất sang trọng, kiểu cách, với đồng lương tuy kiếm khó, vẫn cố tung tiền mua những bộ đồ thanh lịch, haute couture, cousu-main… Mấy năm gần đây, khi đồng Mỹ Kim tụt thang trầm trọng, Người Mỹ bình dân du lịch tại Ba-Lê chỉ là thứ “họ hàng nghèo” (parents pauvres), tới ngắm nghía cho vui, làm gì đủ tiền mua sắm. Quần áo đàn ông, cà-vạt tên tuổi thì nào là Yves Saint Laurent, Christian Dior, Hermès… Quý bà dư dả thì phải tìm ra được nào là ví đeo Vuitton, khăn quàng cachemire, nước hoa CoCo Channel…mà ngoài giới sành điệu trong nước, chỉ Người Nhật [hay các đại gia CSVN/CS Hán/Mafia] du lịch mới đủ tiền mua.
Nhưng đồ quý cũng cần có người quý nó, chứ như ông bạn thân của tôi, hồi còn là sinh viên y khoa Sài Gòn, trước khi làm quan tu-bíp (bác sĩ quân y) có lúc ở nhà một mình, khi tôi đi vắng, đã đem cà-vạt tôi mới mua, nào Yves Saint Laurent, nào Christian Dior … ra buộc màn hết trọi (chuyện này có thật trăm phần trăm). Dù quan niệm văn hoá mỹ thuật có phần nào khác biệt — dù ông bác sĩ này vẫn trăm phần trăm chê không thèm dùng cà-vạt, “hàng xịn lẫn nhái”—, chúng tôi vẫn quý nhau trăm phần trăm tới ngày hôm nay.
Có điều cần trình ngay với quý vị là “Dân Mít” (annamites) di cư sang Mỹ khi “Tây du” không chịu mua hàng bên Pháp quốc, vì bên đó chỉ bán “xôn” (solde) mỗi năm một lần, dân tiêu thụ lô-canh [local/thổ dân] phải đứng đợi dài dài cả mấy cây số ngoài đường, trong khi tại Mỹ quốc lại “xen” (sales) hằng tuần, cộng thêm ngày “xen đặc biệt”, với mức hạ giá ưu đãi, dành riêng cho khách quý có thành tích mua sắm nhiều [premier insider/privileged customer]. Thành thử đã có các bà, các cô từ Pháp sang Mỹ đua nhau mua “đồ Pháp” bán tại Mỹ, và dù là “tải củi về rừng”, nhưng cũng bõ công vì hàng hoá này bán tại đây rẻ cả nửa tiền… Dù sao chăng nữa, ai sang Pháp cũng vẫn thích đi ngắm tủ kính, hoặc “đi rửa mắt” tại các khu thương mại sang trọng. Hành vi hay tác động đó, Người Pháp gọi một cách ẩm-thực-tế là “lèche-vitrine” (liếm-tủ-kính), vừa ngon lành, vừa không tốn kém…”free”, không mất tiền.
Còn Phùng Thị Hạnh? Hạnh có những ưa thích “khá giản dị”, nhưng chọn lọc [không có nghĩa là tuyệt đại, thứ đốt tiền]: nào rượu ngon Château du Pape, Saint Emilion, Pouilly Fuissé; Champagne Veuve Clicquot; nào rượu tráng miệng Sauterne, Vendanges tardives; nào nước hoa Caron Fleurs de Rocaille, Guerlain Paris; nào bánh Crêpes dentelle Vùng Bretagne; nào Maggi Nestlé (làm tại Pháp, Thụy sĩ)… Đó là những thứ quà tôi thường mang về cho Hạnh mỗi khi ghé Paris hoặc Genève. Quần áo Hạnh mặc có “goût”, đúng thời trang, nhưng không cầu kỳ … Dù sao chăng nữa, đó chỉ là những “tội lỗi dễ thương” (péchés mignons) mà bất cứ người đàn bà nào đều có quyền hưởng thụ, nếu họ ưa thích và có cơ hội chọn lựa.
Trong những bài kế tiếp, chúng ta sẽ có dịp xét tới những ngộ nhận, sai quấy chữ nghĩa rất tai hại về mặt lịch sử, chính trị và phẩm giá cộng đồng. Vậy, thế nào là “danh chính ngôn thuận”, là “chính danh” trong những trường hợp tối quan trọng đó?
Xin đón coi “Chính Danh của Ngày 30 Tháng Tư 1975″.
Lưu Nguyễn Đạt, Ph.D
Michigan State University
Cập nhật & Trích trong “Hồ Trường An Nói Chuyện Với Văn Thi Sĩ Lưu Nguyễn Đạt“, câu hỏi số 14
One Comment
Long Nguyen
Anh Dat than men,
Toi da Doc va Hoc tu nhung bai viet chuyen-mon tri-thuc cua anh, nhung toi phai
thu nhan la toi rat khoai Doc va Thuong-Thuc mot cach thu-vi nhung bai viet
Tan Man rat thoi-su thuc te thuc dung, dong thoi rat sau sac va cuc ky loi cuon
nhu bai tren cua anh.
Cai sa`nh ddoi rat bao-quat duyen-dang cua anh cong voi cai van chuong chu nghia
luu-loat tran-day cua anh la mot ket hop hai-hoa doc-dao dac-trung !
Boeuf Bourguignon ma anh chuyen ngu thanh Thit Bo Ninh Ruou Bourguignon , Bouillabaisse lai duoc
dich don-gian mot cach tuyet voi la Xup Ca Tom Cua Xo Hen thi that la het say !
Bouillir-a-baisse la Ninh Lau Nho Lua va Peches mignons la Toi Loi De Thuong
thi anh Dat khong nhung la mot nguoi da Dung Chu, Choi Chu… ma con la mot
nguoi da co tai DDe Chu nua co !
Xin tham chi Dat.
Than Men,
Long
TB: Toi muon mua doc Van Luan Toan Bo cua anh.