Dùng Trung Quốc để hù dọa dân chúng Việt Nam?
Binh sĩ Trung Quốc tập bắn tại một cơ sở huấn luyện bí mật ở tỉnh Hà Nam [Hình: AFP]
Gần đây, đọc một số tờ báo mạng chính thống trong nước, phần Thế giới, tôi thấy có một đặc điểm nổi bật: khá nhiều tin tức liên quan đến Trung Quốc.
Ví dụ trên tờ Vnexpress, ngày 29/8, có tin về chuyến bay thử lần thứ 27 của phi cơ tiêm kích tàng hình J-20; ngày 30/8, lại có thêm tin tức và hình ảnh về loại phi cơ mới này; rồi ngày 31/8, lại có bản tin về các loại phi cơ tối tân khác, như máy bay chiến đấu FC-1 Kiêu Long và J-10A; và mới nhất, ngày 1/9, lại có bản tin về lời tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho hay là tàu sân bay đầu tiên của họ đã “đạt được mục tiêu đề ra”.
Các bản tin tương tự cũng được đăng tải trên tờ báo mạng Dân Trí. Thứ Hai, 29/8: “Báo chí Trung Quốc tiếp tục đăng tải những hình ảnh mới về chiếc chiến đấu cơ tàng hình J-20 trong quá trình bay thử nghiệm”. Thứ Tư, 31/8: “Trung Quốc liên tục thử nghiệm 3 máy bay chiến đấu mới”, gồm J-20, J-10A và FC-1 Xiaolong. Cùng ngày, lại có thêm bản tin khác: “Trung Quốc thử nghiệm thành công tàu sân bay đầu tiên.” Cũng cùng ngày: “Không quân Trung Quốc sẽ cho ra mắt hai đội máy bay biểu diễn trong tuần này – quan chức lực lượng này tuyên bố, trong khi dư luận cho đây là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh để thế giới “làm quen dần” với một cường quốc quân sự đang lên.” Lại cũng cùng ngày: “Hải quân Trung Quốc hôm qua đã trình làng thế hệ tàu cao tốc mới có khả tàng hình và được trang bị tên lửa.” Thứ Năm, 01/09: “Ba đội bay biểu diễn của Không quân Trung Quốc hôm nay đã có những màn trình diễn ấn tượng trên bầu trời thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc.”
Xin lưu ý: tất cả các bản tin trên đều được in kèm với rất nhiều hình ảnh về các loại máy bay và tàu sân bay tối tân của Trung Quốc.
Chúng ta không thể không tự hỏi: Tại sao báo chí Việt Nam lại đăng tải dồn dập các bản tin liên quan đến sự phát triển và sức mạnh về quân sự của Trung Quốc như vậy? Có hậu ý gì đằng sau các bản tin ấy hay không?
Thật ra, ở các nước Tây phương, trên báo chí, người ta cũng thấy những bản tin tương tự. Tuy nhiên, thứ nhất, số lượng ít hơn hẳn; thứ hai, mục tiêu của chúng rất rõ: đưa ra một lời cảnh báo về sức mạnh quân sự, và sau đó, những tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Hầu như, trên khắp thế giới, ai cũng thấy ba điều: một, Trung Quốc đầu tư rất nhiều tiền bạc cho quốc phòng, trong đó, ưu tiên nhất là phát triển các kỹ thuật quân sự; hai, tất cả các việc đầu tư ấy đều vượt ra ngoài nhu cầu “phòng vệ” thông thường, ngược lại, chúng nhằm mục đích tấn công và bành trướng; và ba, giới hạn của các cuộc tấn công và bành trướng ấy vẫn còn nằm trong phạm vi khu vực Á châu. Người ta biết là Trung Quốc muốn cạnh tranh với Mỹ. Nhưng chưa ai lo lắng là Trung Quốc sẽ tấn công Mỹ hay các đồng minh của Mỹ; thậm chí, cạnh tranh với Mỹ ở phạm vi thế giới. Chuyện đó, nếu xảy ra, có lẽ còn lâu lắm, ít nhất vài ba thập niên nữa. Người ta hầu như tin chắc chắn là với sự tập trung ưu tiên vào các loại máy bay mới, tàu ngầm và tàu sân bay như hiện nay, Trung Quốc chỉ nhắm vào châu Á; và ở châu Á, mục tiêu đầu tiên là Nam Hải, tức Biển Đông theo cách gọi của người Việt Nam.
Như vậy, ngoài Đài Loan, một trong vài nước chịu sức ép nặng nhất trong chiến lược thống lĩnh vùng biển của Trung Quốc chính là Việt Nam.
Thế nhưng, điều rất lạ là trên báo chí chính thống trong nước, rất hiếm khi người ta thấy những sự phân tích về hiểm họa ấy.
Tại sao?
Nhà cầm quyền Việt Nam giải thích: để giữ hòa khí giữa hai nước. Trong tất cả các cuộc họp của giới quân sự cao cấp giữa hai nước, người ta đều “nhất trí” về điều đó: không khích động thù hận trong nhân dân. Dĩ nhiên, việc thực hiện những lời cam kết ấy rất thiên lệch: trong khi ở Trung Quốc, người ta tha hồ chửi bới Việt Nam thì ở Việt Nam, ngược lại, nhà cầm quyền và các cơ quan truyền thông chính thống đều rất hòa hoãn, tuyệt đối né tránh những gì có thể làm Trung Quốc phật ý, kể cả các cuộc biểu tình chống Trung Quốc được gọi là “tự phát” của dân chúng.
Thái độ nhịn nhục có phần quá đáng ấy, dù sao cũng có thể giải thích được. Ngày xưa, cha ông chúng ta cũng đã từng nhiều lần làm như vậy. Cũng nhịn, thậm chí, chịu nhục trước và ngay cả sau khi đã đánh Tàu tan tác.
Có thể hiểu được sự nhịn nhục của Việt Nam trước những uy hiếp của Trung Quốc. Nhưng phải giải thích sao đây sự kiện Việt Nam quá nhiệt tình trong việc ca tụng sức mạnh quân sự của Trung Quốc? Nịnh ư? Nhưng tại sao không nịnh ở các lãnh vực khác? Về kinh tế? Về xã hội? Về văn hóa? Tại sao lại phải nịnh trong lãnh vực quân sự?
Tại sao?
Tôi nghĩ chỉ có một lời giải thích: Dùng sức mạnh quân sự của Trung Quốc để hù dọa dân chúng Việt Nam. Đại khái kiểu: Trung Quốc bây giờ giỏi lắm; vũ khí của họ tối tân lắm; sức mạnh của họ khủng khiếp lắm: Đừng gây sự với họ!
Sực nhớ lời mắng của viên trung úy công an Nguyễn Mạnh Tường khi lao vào đánh Vũ Quốc Ngữ về “tội” dám đi biểu tình chống Trung Quốc mà tôi đã trích trong bài “Sao lại thù hận những người yêu nước như vậy?”:
“Nó tát liên tiếp lên hai mang tai và nói “Chúng mày biểu tình gây rối, kích động Trung quốc đánh Việt Nam, làm hại đến gia đình tao, vợ con tao“, nói rồi nó lại đấm, lại tát.”
Thoạt đầu, đọc lời mắng chửi ấy, tôi chỉ nghĩ đó là câu nói ngu xuẩn của một tên công an hèn hạ. Nhưng bây giờ, đọc một loạt các bài báo quảng cáo giùm sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên báo chí chính thống trong nước, tôi lại nghĩ khác: Không chừng đó là cách suy nghĩ chung của giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay.
Cầu cho tôi nghĩ sai.
TS. Nguyễn Hưng Quốc
Ngụy biện và dối trá
Trên báo An Ninh Thủ Đô ở Hà Nội trong một vài tuần vừa qua có một loạt bài buộc tội những người biểu tình chống Trung Quốc rất độc ác nhưng lại rất buồn cười. Độc ác ở sự vu khống, bôi nhọ và đe dọa. Nhưng lại buồn cười ở sự ngô nghê trong cách lập luận. Những sự ngô nghê như vậy nhiều vô cùng, đầy dẫy trên từng ý và từng chi tiết. Tôi chỉ trích một đoạn buồn cười nhất:
“Tất cả các nước trên thế giới kể cả các nước mà những chủ trang mạng xấu đang tôn thờ như hình mẫu, như thiên đường, cũng có quy định như vậy [tức phải xin phép, ghi chú của NHQ]. Ở Mỹ, ở Pháp, ở Anh… muốn tổ chức biểu tình, tuần hành đều phải xin phép và được chấp thuận. Các cuộc tụ họp đông người không xin phép được coi là bạo loạn và cảnh sát thẳng tay đàn áp ngay. Bạo loạn tại Pháp, tại Anh trong thời gian gần đây cho thấy rõ điều đó. Lạ nhất các trang mạng xấu đưa tin mọi thứ riêng sự kiện cảnh sát đàn áp đến đổ máu những kẻ biểu tình tự phát tại Anh, Pháp thì không thấy đưa!”
Đoạn văn trên có ba ý chính:
- Ở đâu dân chúng muốn biểu tình cũng đều phải xin phép và cần được chính quyền chấp nhận trước.
- Ở Tây phương, nếu biểu tình mà không xin phép thì bị xem là bạo loạn và bị cảnh sát đàn áp ngay.
- Các “trang mạng xấu” chỉ đưa tin cảnh sát bắt bớ hay đạp vào mặt người biểu tình tại Việt Nam mà lại làm lơ trước cảnh cảnh sát Anh và Pháp đàn áp những người bạo loạn ở nước họ.
Về ý thứ nhất, chuyện xin phép biểu tình ở các nước Tây phương, cần phân biệt hai hình thức chính của biểu tình: tụ tập (rally) và tuần hành (march). Ở phần lớn các nước, biểu tình dưới hình thức tụ tập thì khỏi cần xin phép. Phép, chỉ được đòi hỏi đối với hình thức biểu tình tuần hành mà thôi. Mà thật ra không phải là “xin phép”. Trong các tài liệu bằng tiếng Anh, người ta thường chỉ dùng chữ “thông báo” (notify). Yêu cầu của cảnh sát cũng như chính quyền địa phương là “cho chúng tôi biết” (let us know) để họ bảo đảm vấn đề trật tự giao thông, sự ổn định trong sinh hoạt của dân địa phương và sự an toàn cho chính những người đi biểu tình. Hết. (Xem, ví dụ, trang thông tin về vấn đề biểu tình của chính phủ Anh ở trang này.
Còn ở Việt Nam thì sao? Giả dụ những người đi biểu tình nộp đơn xin phép đàng hoàng thì liệu họ có chấp thuận hay không? Cho đến nay, câu trả lời gần như chắc chắn: Không. Tuy nhiên, tôi cũng xin đề nghị quý vị ở Việt Nam thử nộp đơn công khai xin phép tổ chức biểu tình xem chính quyền trả lời ra sao. Thử. Để ít nhất chính quyền không còn léo nhéo chuyện phép tắc nữa.
Về ý thứ hai, ở Tây phương, không ai xem việc biểu tình không được phép là bạo loạn cả. Biểu tình (public demonstration) và bạo loạn (riot) khác hẳn nhau về bản chất chứ không phải là chuyện được phép hay không. Ngay trong bản thân từ bạo loạn đã bao hàm hai ý chính: bạo (động) và (hỗn) loạn có thể gây nên những thiệt hại về tính mạng cũng như tài sản của dân chúng, kể cả của những người biểu tình. Ở Anh và ở Pháp gần đây, cảnh sát không hề trấn áp những người biểu tình. Họ chỉ trấn áp những người gây bạo loạn. Ví dụ, những cảnh diễn ra trên đường phố London vào đầu tháng 8 vừa qua hoàn toàn là bạo loạn chứ không phải là biểu tình. Hậu quả của các cuộc bạo loạn ấy là năm người bị giết chết và vô số xe hơi cũng như các cửa tiệm bị đốt phá, cướp bóc, gây thiệt hại về kinh tế đến trên 300 triệu đô la. Các cuộc bạo loạn ở Pháp vào năm 2005 và 2007 cũng vậy. Cũng có màn đốt xe hơi. Đốt cửa tiệm. Đốt cả trường học lẫn thư viện. Ném đá và ném cả bom xăng tự chế vào cảnh sát. Một số người bị chết. Hàng trăm cửa tiệm bị phá. Hàng ngàn chiếc xe hơi bị hư hại. Trong cả mấy trường hợp vừa kể, trên thế giới, không ai lên án việc mạnh tay của cảnh sát cả. Đó là nhiệm vụ của họ.
Còn ở Việt Nam, trong mười mấy cuộc biểu tình vừa qua, có chút yếu tố nào để có thể xem là bạo loạn chứ không phải là biểu tình? Không. Tuyệt đối không. Tất cả đều diễn ra một cách hòa bình và trật tự. Xem các bức ảnh cũng như các thước phim được tung lên internet, mọi người đều ghi nhận một đặc điểm: ngay cả việc dẫm lên các bãi cỏ, điều rất phổ biến ở Hà Nội, cũng không thấy.
Việc cảnh sát bắt bớ những kẻ gây bạo loạn, đốt xe, đốt nhà và cướp của ở Anh và ở Pháp là chuyện bình thường. Báo chí khắp nơi, nếu loan tin, ống kính chỉ chĩa vào những tên tội phạm ấy mà thôi. Còn ở Việt Nam? Trong một cuộc biểu tình xuất phát từ lòng yêu nước của những con người hiền lành, biết thân biết phận như thế thì có gì đáng chú ý ngoài những cú đạp tàn nhẫn của công an chứ?
Ở Úc, tôi thường xem tin tức trên tivi vào giờ ăn tối. Thường, rất hiếm khi tôi thấy tin về Việt Nam. Phần lớn các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đều trôi qua một cách lặng lẽ. Có thể đài truyền thanh hoặc báo in loan tin. Nhưng đài truyền hình thì không. Trừ hai lần: Lần đầu, vào ngày 5 tháng 6 ở Sài Gòn, và lần sau, ngày 21 tháng 8 ở Hà Nội. Ở cả hai lần, hình ảnh được các phóng viên ngoại quốc tập trung nhất đều giống nhau: Cảnh cảnh sát và công an bắt dân.
Những chuyện ấy nhằm trả lời cho vấn đề thứ ba đã nêu ở trên.
TS. Nguyễn Hưng Quốc