Giai đoạn truyền ngôi trong một chế độ độc tài bao giờ cũng nguy hiểm, cho kẻ thắng cũng như người bại. Trước khi dứt điểm, không ai biết chắc mình sẽ lên hay xuống, sống hay chết. Khi ngôi vị định rồi, vẫn còn lo phản nghịch. Hai ông vua mạnh nhất đời Ðường (Thái Tông) và đời Minh (Thành Tổ), đều cướp ngôi, lần lượt, của anh và của cháu. Tập Cận Bình lên ngôi vào Tháng Mười Một năm 2012, trong một năm rưỡi, ai cũng công nhận ông đã chứng tỏ nắm được quyền hành mạnh nhất; với những cuộc thanh trừng “bắt cọp” trong chiến dịch chống tham nhũng. Nhưng địa vị của ông có vững chắc thật hay không? Ai đã đọc truyện Tàu có thể vẫn thấy phải chờ “hạ hồi phân giải.”
Trên nguyên tắc, Cộng sản Trung Quốc không có chế độ cha truyền ngôi cho con; nhưng mỗi người được lên ngôi đều được một lãnh tụ đời trước ủy nhiệm. Mao Trạch Ðông chọn Hoa Quốc Phong. Ðặng Tiểu Bình hạ bệ Hoa Quốc Phong nhưng vẫn cho giữ nguyên các quyền lợi. Bốn đời “vua” nước Tàu đều do Ðặng Tiểu Bình chọn. Bình chỉ định Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương làm tổng bí thư. Giang Trạch Dân được Bình đem từ Thượng Hải về sau biến cố Thiên An Môn. Hồ Cẩm Ðào được Bình điểm danh chọn sẵn trước khi lìa đời. Tập Cận Bình là lãnh tụ đầu tiên trong 30 năm không dựa vào uy tín của Ðặng Tiểu Bình.
Vì vậy, trước khi Tập Cận Bình được Trung Ương Ðảng đưa lên bên cạnh Hồ Cẩm Ðào để chờ ngày kế vị, chắc chắn có rất nhiều lãnh tụ muốn giành chức. Sau khi họ Tập được chọn rồi, vẫn còn chưa xong. Kinh nghiệm lịch sử Trung Hoa và kinh nghiệm các cuộc thay đổi lãnh tụ trong chế độ cộng sản, từ Nga qua Tàu, cho thấy một tay trùm đỏ lúc nào cũng lo bị đâm sau lưng, mất chức và mất mạng. Stalin tránh khỏi mối lo đó bằng cách đã giết hàng trăm đồng chí trong Trung Ương Ðảng, sau tra tấn khiến họ phải thú nhận tội phản đảng, cầu xin được tha, khi đưa ra tòa. Mao Trạch Ðông tàn ác theo lối Trung Hoa, dùng “tòa án nhân dân” đưa đối thủ ra đấu tố công khai, bắt tự phê bình, bị đến cả trẻ con hành hạ, chửi bới sỉ vả, rồi cho sống trong nhục nhã cho đến chết. Ðặng Tiểu Bình vẫn dùng phương pháp “kiểm thảo” và “tự phê bình” để hạ bệ các đối thủ, nhưng địa vị của ông ta không đòi phải giết hết. “Cải cách” lớn nhất của Ðặng Tiểu Bình là thiết lập một thế quân bình trong hàng ngũ lãnh đạo: Chia phần với nhau, anh làm giầu, tôi cũng làm giầu, chúng ta che chở lẫn nhau, cho con cháu cùng hưởng. Mọi việc chia chác quyền hành và lợi lộc đều có thể mặc cả theo quy tắc kinh tế thị trường!
Nhưng thế quân bình nào cũng đến lúc chông chênh, khi hoàn cảnh kinh tế, xã hội thay đổi. Sau hai đời chủ tịch được hưởng “phúc ấm” của Ðặng Tiểu Bình, cuộc tranh giành quyền chức không giản dị như khi buôn bán. Bởi vì có những địa vị không thể định giá trong thị trường; như ông bố của Lã Bất Vi dạy con về lợi nhuận khi buôn vua: Không thể đếm được. Thứ hai, số con buôn được dự việc mua bán nhỏ quá (trong môn tài chánh học gọi là “thị trường mỏng – thin market”), cho nên giá tha hồ lên, xuống, không biết chắc giá nào là đúng ai cũng lo mình hớ.
Tập Cận Bình đang sống trong hoàn cảnh đó. Trước khi ông được công nhận sẽ kế nghiệp, Bạc Lai Hy nuôi tham vọng dùng địa vị, gia thế, của cải để mưu chiếm ngôi “thái tử.” Bạc Lai Hy bị hạ, nhưng lên ngôi rồi Tập Cận Bình vẫn chưa tha. Vợ chồng họ Bạc bị đưa ra tòa, bỏ tù cho thân bại danh liệt, để tránh hậu họa. Nhưng bất cứ ai nuôi tham vọng như Bạc Lai Hy cũng phải có phe cánh. Trong một năm rưỡi vừa qua, Tập Cận Bình phải tỉa dần những “nanh vuốt” đó, nếu không thì cũng khó ngồi yên trên ngai vàng. Do đó, có chiến dịch “đánh tham nhũng.” Họ Tập đã ra tay xé bản hợp đồng trong giới lãnh đạo Trung Cộng, được ngầm thỏa thuận suốt 25 năm qua, từ sau cuộc tàn sát ở Thiên An Môn năm 1989.
Từ năm đó tới nay, ai lên ngôi cửu ngũ ở Bắc Kinh đều thấy mình yếu hơn người tiền nhiệm. Hồ Giang Trạch Dân thua Triệu Tử Dương, Cẩm Ðào lép vế đối với Giang, tất cả không anh nào mạnh bằng Ðặng Tiểu Bình. Nhưng trong năm 2014 này, Tập Cận Bình chứng tỏ quyền lực của mình cao hơn cả hai người đi trước, và đang có triển vọng tiến lên đứng ngang hàng với Ðặng Tiểu Bình trong lịch sử đảng Cộng sản. Ðặng Tiểu Bình thay đổi nước Trung Hoa về kinh tế. Tập Cận Bình có thể thay đổi hoàn toàn cách đảng Cộng sản quản lý nước Tàu, nếu chưa nói đến thay đổi thể chế chính trị.
Cuối Tháng Bảy vừa qua, Chu Vĩnh Khang chính thức bị điều tra về tham nhũng, lạm quyền, sau 18 tháng bị giam lỏng và chứng kiến con, em mình bị đưa ra tòa cũng về tội tham nhũng. Khang là người địa vị cao nhất bị chính thức điều tra, kể từ năm 1989 đến nay. Trong hàng vai vế đảng, ông ta kiểm soát mạng lưới công an, cảnh sát, tình báo, tòa án, với ngân sách lớn hơn ngân sách về quốc phòng. Trên mặt kinh tế, ông là “Bố Già” của ngành dầu lửa, tất cả các công ty năng lượng nằm trong tay. Ông cũng từng nắm tỉnh Tứ Xuyên, một tỉnh lớn bậc nhất nước Tàu. Sau vụ bắt con hổ lớn này đến các cọp nhỏ: Vương Ðại Xuân (Wang Yongchun) từng làm trong ngành dầu lửa dưới quyền Chu Vĩnh Khang bị trục xuất khỏi đảng và truy tố về tham nhũng. Hai người khác là Lý Ðông Thành (Li Dongsheng) và Tưởng Cát Mẫn (Jiang Jiemin), đều bị đuổi ra khỏi đảng và truy tố. Lý từng là thứ trưởng công an, họ Tưởng đóng vai giám sát tất cả các tài sản của nhà nước.
Một tháng trước khi Chu Vĩnh Khang bị điều tra, Tướng Cù Tài Hậu (Xu Caihou) cũng bị cùng số phận. Hậu là phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, nhân vật thứ nhì trong cơ cấu quyền hành cao nhất có khả năng điều động quân đội Trung Cộng. Tập Cận Bình đã hạ ba tay đầu sỏ có khả năng âm mưu lật đổ ngai vàng: Bạc Hy Lai, dòng dõi công thần (bố là Bạc Nhất Ba, một trong Bát Ðại Nguyên Lão thời Ðặng Tiểu Bình), tới Chu Vĩnh Khang nắm an ninh và ngành kinh tế quan trọng dầu lửa, rồi tới Cù Tài Hậu, có thể giành ảnh hưởng trong quân đội vì Tập Cận Bình không phải là tướng. Cả ba người này đều liên hệ tới cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân. Tay chân của Giang Trạch Dân vẫn còn nắm các chức vụ quan trọng trong đảng Cộng sản, và suốt 10 năm khi Hồ Cẩm Ðào ngồi trên ngai, Giang Trạch Dân vẫn đóng vai giám sát sau rèm. Giang can thiệp vào các vụ cách chức, thăng chức, các quyết định chính sách, chia phần quyền lợi giữa các lãnh tụ, và ngay trong việc nâng Tập Cận Bình lên địa vị lãnh đạo. Tập Cận Bình trừ khử ba đối thủ, mà cả ba đều được Giang Trạch Dân bảo trợ, là để chứng tỏ mình đang nắm thực quyền. Dùng chiến dịch đánh tham nhũng, Tập Cận Bình đang mở cuộc thanh trừng lớn nhất kể từ sau vụ thanh toán Tứ Nhân Bang do Mao Trạch Ðông để lại.
Họ Tập hạ đối thủ một cách tàn nhẫn không thua gì Mao hay Ðặng. Ngay sau khi Chu Vĩnh Khang chính thức bị đặt trong tình trạng điều tra, trên mạng lưới WeChat’s xuất hiện một trò chơi điện tử, với đề tài: Săn bắt bè đảng Chu Vĩnh Khang. Người chơi phải đi tìm tên những người như vợ con, cháu, bạn bè, thông gia của Chu Vĩnh Khang, nối họ với những công ty, xí nghiệp làm ăn trong mạng lưới kinh tế của gia đình này. Vì báo chí quốc tế đã tìm và vẽ ra mạng lưới tham nhũng này trong hơn một năm trời, cho nên trò chơi rất hấp dẫn. Hơn 400,000 người dự trò chơi trong một ngày. Trong chiến dịch tuyên truyền sử dụng các phương tiện truyền thông mới, Giang Trạch Dân có lúc cũng bị dính. Trên các mạng thông tin, công dân mạng truyền nhau chuyện cười về hình con cóc bằng nhựa, thổi phồng rất lớn nằm trong một công viên ở Bắc Kinh. Hình con cóc này vẫn được Tân Hoa Xã dùng trong website của họ. Họ tán nhau rằng con cóc này trông giống Giang Trạch Dân quá! Có người còn dùng photoshop cái hình, cho con cóc cậu ông trời đeo đôi kính giống hệt cặp kính nặng của Giang Trạch Dân. Dân mạng làm ồn ào đến nỗi Tân Hoa Xã phải bỏ hình con cóc đi.
Song song với việc thanh toán phe đối nghịch, Tập Cận Bình bắt đầu đưa tay chân của mình lên; dựa vào nhóm “vương tôn” (princelings), con cháu các công thần của chế độ cộng sản. Một người được cất nhắc là tướng Trần Trị Nghiệp (Chen Zhiya), được phong làm phó chủ nhiệm An ninh Quân đội. Tướng Nghiệp này là con của Trần Canh (Chen Ghen), người đã được Mao Trạch Ðông cử sang làm cố vấn quân sự cho Hồ Chí Minh năm 1950.
Chiến dịch đánh tham nhũng cho Tập Cận Bình cơ hội thanh toán các đối thủ có thể đe dọa địa vị của mình. Trong tháng tới, tập đoàn lãnh đạo cộng sản Trung Quốc sẽ họp nhau ở khu nghỉ mát Bắc Ðới Hà, họ Tập có thể yên tâm không còn đồng chí nào đang nuôi ý thoán nghịch. Trong cuộc tranh chấp quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc, người thắng lên làm vua, còn kẻ bại bị truy tố tham nhũng. Không ai hỏi đến những tài sản hàng tỉ Mỹ kim của gia đình Ôn Gia Bảo; vì ông này không còn tham vọng quyền lực nào nữa.
Họ Tập có đánh được tham nhũng hay không, và nhờ thế cứu được đảng Cộng sản hay không, cũng phải chờ “coi hồi sau mới rõ.” Tập Cận Bình đi theo con đường giống như triều đình Mãn Thanh vào những năm sau cùng, trước khi sụp đổ năm 1911. Các vua quan nhà Thanh cũng thử cải tổ, hành chánh, giáo dục cũng như quân sự. Nhưng sau cùng họ không thể từ bỏ phương cách cai trị độc tài chuyên chế. Cho nên những cải tổ nửa vời nối tiếp nhau không cứu vớt được một chế độ quá thối nát. Ông Bao Ðồng (Bao), một sinh viên tranh đấu tại Thiên An Môn năm 1989, mới viết rằng: “Tham nhũng ở Trung Quốc chỉ là một phó sản của chế độ độc quyền đảng trị.” Vì vậy, chỉ chống tham nhũng trong đảng với nhau mà không cho dân chúng bên ngoài tham dự thì không bao giờ giải quyết được.
Ngô Nhân Dụng