Năm 1949, sau khi thắng cuộc chiến quốc cộng, chiếm được lục địa, Trung Hoa Dân Quốc phải rút ra đảo Đài Loan, Đảng Cộng Sản Trung Quốc thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tức Trung Cộng và tiếp tục xử dụng bản đồ có hình lưỡi bò gồm 11 đoạn do Trung Hoa Quốc Gia xuất bản tháng 2 năm 1948. Năm 1953, Trung Cộng cắt đi một đoạn trong Vịnh Bắc Bộ thành đường 10 đoạn, sau này lại cắt thêm một đoạn nữa thành đường 9 đoạn như hiện nay.
Lý Lịch của Đường Lưỡi Bò
Trong Thế Chiến II, Nhật Bản chiếm một số đảo nhỏ trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong tháng 8/1945, Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản: quả thứ nhất mang tên Little Boy thả xuống Hiroshima ngày 6-8-1945 và quả thứ hai mang tên Fat Man thả xuống Nagasaki ngày 9-8-1945. Nhật bại trận, đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Thế Chiến II kết thúc. Ngày 15-8-1945, quân đội Nhật rút khỏi Việt Nam và ngày 26/8/1945, quân đội Nhật rút khỏi những hòn đảo của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trong thời gian quân đội Nhật chiếm một số đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, VN vẫn còn thuộc quyền đô hộ của Pháp và quân đội Pháp có nhiệm vụ bảo vệ hai quần đảo này. Pháp đã trả lại độc lập cho Việt Nam qua Hiệp ước Élysée ký kết ngày 8/3/1949 giữa Quốc Trưởng Bảo Đại và Tổng Thống Pháp. Ngày 14/10/1950, Pháp đã tổ chức lễ bàn giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Chính Quyền Quốc Gia Việt Nam.
Trong Thế Chiến II, quân đội Trung Hoa đã bị quân đội Nhật đánh bại và quân đội Nhật đã chiếm đóng một phần lãnh thổ Trung Hoa. Tuy nhiên, với tư cách thuộc phe đồng minh thắng trận, ngày 27/8/1945, quân đội Trung Hoa – do Tướng Lư Hán làm Tư Lệnh – được chỉ định sang giải giới quân Nhật tại phía bắc Việt Nam và được phép ở lại trong ba năm để giữ an ninh cho Việt Nam vừa thoát khỏi sự chiếm đóng và cai trị của quân đội Nhật. Đầu năm 1946, Trung Hoa cử một hạm đội do Lâm Tuân làm hạm trưởng, trên danh nghĩa là đi “tiếp thu (?)” những hòn đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Nhật rút đi và bỏ lại. Trong hạm đội không ai biết chính xác những hòn đảo nào Nhật đã chiếm để đến tiếp thu…! Đi theo hạm đội có một nhân viên thuộc Bộ Địa Chất và Khoáng Sản Trung Hoa Dân Quốc tên Bạch Mi Sơ, ông này vẽ trên giấy một họa đồ địa dư vùng biển tượng trưng bằng một hình lưỡi bò gồm 11 đoạn chiếm 80% diện tích Biển Đông kể cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi trở về, bản vẽ này được in trên bản đồ Trung Hoa thành đường biên giới của lãnh thổ Trung Hoa.
Tấm bản đồ đầu tiên có hình “đường lưỡi bò” được Vụ Biên Giới và Lãnh Thổ, Bộ Nội Vụ Cộng Hoà Trung Hoa xuất bàn tháng 2/1948, với tên gọi Nam Hải Chư Đảo Vị Trí Đồ. Đây là sử liệu, là lý lịch của đường lưỡi bò do chính người trong cuộc vẽ ra gồm: năm sinh: 1946; nơi sinh: Trung Hoa Dân Quốc; người lập khai sinh: ông Bạch Mi Sơ thuộc Bộ Địa Chất, Trung Hoa Dân Quốc.
Đường lưỡi bò được vẽ một cách rất tùy tiện, khi thì 11 đoạn, khi thì 10 đoạn, khi thì 9 đoạn như hiện nay, không theo quy ước thiết kế bản đồ, không phóng chiếu trên hệ thống toạ độ, không có độ chính xác về địa lý- một yếu tố rất quan trọng, không thể thiếu trong thiết kế bản đồ – ; do đó đường lưỡi bò chín đoạn này không có giá trị pháp lý của một đường biên giới.
Giá Trị Lịch Sử
Biết rõ đường lưỡi bò 9 đoạn hiện nay không có giá trị pháp lý, không được thế giới công nhận, Trung Cộng bèn chế ra một thứ giá trị phi pháp khác gọi là Giá Trị Lịch Sử của đường lưỡi bò và khẳng định rằng vùng biển nằm trong đường 9 đoạn này có Giá Trị Lịch Sử, là di sản ngàn đời của tổ tiên truyền lại từ đời nhà Hán cách đây hơn hai ngàn năm… là sự thật lịch sử… và không thể tranh cãi v.v….. Trung Cộng đã phịa sử, bất chấp sự thật lịch sử: cái hình lưỡi bò chỉ mới được in trên bản đồ địa dư của Trung Hoa Quốc Gia tháng 2 năm 1948, cách đây 68 năm.
Hội Nghị San Francisco Và Chủ Quyền Hai Quần Đảo Hoàng Sa Và Trường Sa
Trong thời gian từ ngày 5/9 đến ngày 8/9/1951, Hội nghị San Francisco được triệu tập để ký kết Hòa Ước Với Nhật có đại diện của 51 nước tham dự. Trong phiên họp toàn thể mở rộng ngày 5/9/1951, Ngoại Trưởng Gromyko của Liên Xô đã đề nghị trả lại chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tức Trung Cộng. Đề nghị này đã bị bác bỏ với 48 phiếu chống, chỉ có ba phiếu thuận là Liên Xô, Tiệp Khắc và Ba Lan. Nhật bỏ phiếu trắng.
Ngày 7/9/1951, Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Trần Văn Hữu của Việt Nam đã long trọng tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Không một đại diện phái đoàn nào trong hội nghị đã chống đối tuyên bố này.
Hội nghị Hiệp ước hòa bình San Francisco năm 1951
Ngày 8/9/1951, Hòa Ước với Nhật được ký kết. Điều 2, Đoạn 7, của Hòa Ước đã ghi rõ: “Nhật Bản từ bỏ chủ quyền, danh nghĩa và tham vọng đối với các quần đảo Paracel và Spratly” (khoản f).
Tính Phi Pháp Của Đường Lưỡi Bò Theo Công Ước LHQ Về Luật Biển (UNCLOS)
Đường lưỡi bò của Trung Cộng đã xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone, EEZ) của bốn quốc gia ven Biển Đông gồm: Việt Nam, Brunai, Malaysia và Phillipines. Là quốc gia thành viên của UNCLOS, tháng 2 năm 2013, Phillipines đã đệ đơn kiện Trung Cộng về tính phi pháp của đường lưỡi bò tại Tòa Hòa Giải Trọng Tài Quốc Tế Thường Trực tại The Hague.
Lập Trường của Trung Cộng về Vụ Kiện
Ngay khi Phi Luật Tân khởi tố tính phi pháp của đường lưỡi bò đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (Economic Exclusive Zone) của Phi Luật Tân, Trung Cộng – cũng là quốc gia thành viên của UNCLOS – đã tuyên bố :
“Bản chất của vụ kiện do Philippines khởi xướng là các tranh chấp về chủ quyền các thực thể ở Trường Sa. Do đó, Tòa Trọng Tài Hòa Giải tại The Hague không có thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp lãnh thổ và Trung Cộng không tham gia vào vụ kiện, không bị ràng buộc vào quyết định của Tòa.”
Tuyên bố kể trên chứng tỏ rằng Trung Cộng đã biết trước sẽ thua trận đấu pháp lý này, và đã gồng mình phản bác điều không thể phản bác!
Sau ba năm thụ lý, ngày 12/7/2016, Tòa Trọng Tài Hòa Giải tại The Hague được thành lập theo Phụ Lục VII của UNCLOS đã ban hành án lệnh có hai điều luật liên quan đến đường lưỡi bò như sau:
Điều I – Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi chủ quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong đường lưỡi bò và tuyên bố của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước của Liên Hợp Quốc Về Luật Biển (United Nations Convention On The Law Of The Sea).
Điều này bác bỏ đòi hỏi phi pháp của Trung Cộng: “Trung Quốc có đầy đủ chủ quyền lịch sử với các đảo ở Biển Đông và các tài nguyên bên trong đường lưỡi bò”.
Điều II – Cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS cho phép một bên được đơn phương khởi kiện bên còn lại ra Tòa Trọng Tài theo Phụ lục VII.
Điều này cũng bác bỏ tuyên bố của Trung Cộng: “Tòa Trọng Tài được thành lập theo yêu cầu đơn phương của Manila, không có thẩm quyền xem xét đơn kiện, phán quyết của Tòa này đưa ra là vô giá trị và không có tính chất ràng buộc pháp lý”.
Với phán quyết trên đây, vấn đề tranh chấp trong Biển Đông đã được quốc tế hóa, không còn là vấn đề của hai phe giải quyết với nhau như Trung Cộng đòi hỏi và dụ dỗ từ trước đến nay để câu giờ.
Phản Ứng của Trung Cộng sau Án Lệnh
Trung Cộng đã ngay lập tức bác bỏ phán quyết của Tòa Án Hòa Giải Thường Trực Quốc Tế (Permanemnt Court of Arbitration) và tuyên bố không tuân hành phán quyết của Tòa Án. Khi tuyên bố như vậy, Trung Cộng đã trở thành quốc gia sống ngoài vòng luật pháp quốc tế và trở thành quốc gia hải tặc trên Biển Đông, không còn xứng đáng là một ‘cường quốc (?) , thành viên của Hội Đồng Thường Trực Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Tiếp theo sau tuyên bố kể trên, ngày 13/6/2016, Trung Cộng ra sách trắng dài 20,000 ngàn chữ bác bỏ phán quyết của Tòa Hòa Giải về Biển Đông và vẫn cái luận điệu đòi hỏi phi lý, phi pháp, cũ rich về cái gọi là chủ quyền lịch sử với các đảo ở Biển Đông…, và Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc… mà thiên hạ nghe đã đầy tai…
Những Đòi Hỏi Phi Pháp Của Trung Cộng Về Quyền Lợi Kinh Tế Trên Biển Đông
Tất cả bẩy hòn đảo mà Trung Cộng chiếm đoạt trên quần đảo Trường Sa là những cồn cát, vỉa đá (rock reef), vỉa san hô (coral reef) nửa nổi nửa chìm hoặc hoàn toàn chìm và chỉ nổi lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống như Đảo Gạc Ma (Johnson South Reef).
Bẩy hòn đảo nói trên là những hòn đảo mà con người không thể định cư, không thể trồng trọt và chăn nuôi để sinh sống. Do đó, những hòn đảo này – theo UNCLOS – không có vùng đặc quyền kinh Tế và thềm lục địa. (Rocks which cannot sustain human habitation or economic life of their own shall have no exclusive economic zone or continental shelf, Part VIII, article 121 Regime of Island).
Tuy là một quốc gia thành viên (state member) của UNCLOS, nhưng Trung Cộng vẫn ngoan cố giải thích lếu láo để đòi hỏi Đặc Quyền Kinh Tế (EEC) cho những đảo đá và san hô mà Trung Cộng đã chiếm đoạt cúa VN và bồi đắp thành đảo nhân tạo và thiết lập những tiền đồn quân sự. (Artificial islands, installations and structures do not possess the status of islands. They have no territorial sea of their own, and their presence does not affect the delimitation of the territorial sea, the exclusive economic zone or the continental shelf, Part V, Exclusive Economic, Article 60).
Theo UNCLOS, các đảo nhân tạo này không có lãnh hải (territorial sea) 12 hải lý, không có vùng Đặc Quyền Kinh Tế, không có thềm lục địa. Tuy biết rõ như vậy, nhưng Trung Cộng vẫn ngoan cố đòi hỏi phi pháp Vùng Đặc Quyền Kinh Tế 200 hải lý và thềm lục địa phía ngoài 200 hải lý các cho hòn đảo nhân tạo này để cướp hết tài nguyên biển trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của bốn Quốc gia Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines. Đòi hỏi phi pháp này là một hình thức hải tặc.
Hoa Kỳ đã thi hành đúng luật pháp quốc tế khi đưa những chiến hạm đi tuần tra thường lệ trên Biển Đông để bảo vệ quyền tự do hàng hải, các khu trục hạm của Hải Quân Mỹ đi dọc theo quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và cách bờ biển 2 hải lý chứ không phải 12 hải lý, và khi vào quần đảo Trường Sa, các chiến hạm tuần tra đã tiến sát các đảo nhân tạo của Trung Cộng trong vòng 12 hải lý. Trung Cộng luôn luôn đánh võ mồm là Hoa Kỳ khiêu khích Trung Cộng và gây căng thẳng trên Biển Đông.
Luận Điệu Côn Đồ Của Bọn Cướp Biển
Ngày Thứ Ba 2/8/2016, Tòa Án Tối Cao Trung Cộng đưa ra một phán quyết có bốn điều khoản phi pháp như sau:
1/ Những ai bị bắt khi đang đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Trung Quốc có thể bị tù tới một năm, và vùng biển này bao gồm cả vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng kinh tế đặc quyền và thềm lục địa.
Điều khoản này chống lại luật pháp quốc tế, chúng tôi đã trình bày rõ ở trên: những đảo trong quân đảo Trường Sa chỉ là những vỉa san hô (coral reef) và vỉa đá (rock reef). Theo UNCLO, những đảo này không có vùng lãnh hải, không có Vùng Đặc Quyền Kinh Tế. và cũng không có thềm lục địa.
2/ Phán quyết này dựa trên luật pháp Trung Quốc và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Trung Cộng đã nhiều lần phủ nhận UNCLOS bằng những tuyên bố bác bỏ phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Hoà Giải Quốc Tế được thành lập theo Phụ Bản VII của UNCLOS. Tòa Án Tối Cao Kangaroo của Trung Cộng lại khẳng định Phán Quyết này dựa trên Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Đây là kiểu ăn nói bất nhất, đổi trắng thay đen, vô liêm sỉ.
3/ Các tòa án nhân dân sẽ tích cực thực thi quyền tài phán trong vùng biển chủ quyền của Trung Quốc, hỗ trợ các ban ngành hành chính quản lý biển một cách hợp pháp…? bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích của Trung Quốc”.
Điều khoản này cho phép các tòa án địa phương của Trung Cộng thi hành quyền tài phán đối với những tầu đánh cá hợp pháp của ngư dân Việt Nam trong Vùng Biển Đặc Quyền Kinh Tế của VN đã thường xuyên bị các tầu hải tặc nguy danh hải chính của Trung Cộng xâm nhập phi pháp, chặn đánh, đập phá và cướp hết hải sản cùng dụng cụ đi biển, bắt giữ tầu và thuyền trưởng cùng nhân viên và đòi tiền chuộc.
4/ Phán quyết này bảo đảm về mặt pháp lý cho lực lượng chấp pháp nghề cá
Phán quyết này hợp pháp hoá – theo luật pháp của Trung Cộng – những hành động hải tặc của lực lượng công an biển của Trung Cộng núp dưới danh nghĩa “lực lượng chấp pháp nghề cá.”
Tóm lại, phán quyết kể trên của Tòa Án Tối Cao Trung Cộng là kiểu vừa đánh trống vừa ăn cướp của bọn giặc biển; chúng diễn giải lếu láo UNCLOS để thủ lợi; chúng cướp hết tài nguyên biển trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế (EEZ) của Việt Nam, Malaysia. Brunei và Philippines.
Luật pháp của bọn cướp biển Trung Cộng sống ngoài vòng luật pháp quốc tế này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu ngư dân Việt Nam sống dọc bờ biển dài 2000 km.
Ngoài tội ác kể trên, Trung Cộng còn là đồng phạm của Tội Ác Đầu Độc Nước Biển Miền Trung Việt Nam do tổ hợp Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa của Đài Loan với phần hùn vốn của Công ty Formosa Plastics Group của Trung Cộng có trụ sở tại Vũng Áng, Hà Tĩnh đã thải hàng ngàn tấn hoá chất độc ra biển gây ô nhiễm nước biển. Nước biển nhiễm hoá chất độc từ Vũng Áng trong những ngày đầu tháng 4/2016 đã lan về phía nam qua bốn tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, đã giết chết hàng triệu tấn cá và các rạn san hô trong lòng và dưới đáy biển, đã phá vỡ thế cân bằng của hệ sinh thái dọc bờ biển, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng mà hậu quả là một trăm năm mới có thể khôi phục được.
San hô bị chết trắng tại hòn Sơn Trà San hô bị chết tại hòn Bãi Chuối
Suốt năm (5) tháng nay, bất chấp sự đàn áp rất dã man của công an Việt Cộng, người dân trong nước đã thường xuyên tổ chức những cuộc biểu tình lên đến hàng ngàn người chống bọn tội phạm Formosa. Hai cuộc biểu tình mới nhất diễn trong cùng một ngày 15/8/2018; cuộc biểu tình thứ nhất diễn ra lúc 3 giờ chiều ngày 15/8/2016 do 4,000 (bốn ngàn) giáo dân xứ Quý Hòa, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức biểu tình tuần hành; cuộc biểu tình thứ hai cũng diễn ra ngày 15/8/2016 do 30,000 (ba chục ngàn, theo đài VOA) gíáo dân thuộc sáu giáo hạt tại Vinh, tỉnh Nghệ An tổ chức.
Để đối phó với bọn cướp biển Trung Cộng, chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ có một đường lối hành động duy nhất bảo đảm thành công là áp dụng luật pháp quốc tế. Không chần chừ, hãy mang ngay bọn cướp biển ra Toà Án Hòa Giải Quốc Tế tại The Hague như Phi Luật Tân đã làm và thắng kiện. Việt Nam cũng sẽ thắng trận pháp lý này. Nếu cả Malaysia và Brunei cùng kiện bọn hải tặc Trung Cộng thì uy tín quốc tế của chúng sẽ bị nhấn chìm xuống tận bùn đen, không bao giờ có thể ngóc đầu lên được, và giấc mơ Trung Quốc mà Tập Cận Bình “mơ ước” cũng sẽ tan như mây như khói.
Nếu trì hoãn bất cứ vì một lý do gì, không mang bọn hải tặc này ra trước ánh sáng công lý quốc tế, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ phạm tội đồng loã với bọn cướp biển Trung Cộng và mang tội Phản Quốc.
Đỗ Ngọc Uyển
Tháng 8 năm 2016
Morgan Hill, California
Tài liệu tham khảo:
1/http://nghiencuubiendong.vn/vu-kien-philippines-trung-quoc/5856-lap-truong-cua-trung-quoc-vu-kien-philippines-trung-quoc-dien-giai-chu-quan-luat-phap-quoc-te Lập trường của Trung Cộng đối với vụ kiện của Philippines.
2/ http://dantri.com.vn/the-gioi/duong-luoi-bo-tren-bien-dong-khong-the-dua-tren-hoc-thuyet-quyen-lich-su-1384715077.htm Đường Lưỡi Bò Trên Biển Đông Không Thể Dựa Trên Học Thuyết Quyền Lịch Sử.
3/https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_th%E1%BB%B1c_th%E1%BB%83_b%E1%BB%8B_chi%E1%BA%BFm_%C4%91%C3%B3ng_%E1%BB%9F_qu%E1%BA%A7n_%C4%91%E1%BA%A3o_Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng_Sa Danh sách thực thể bị chiếm đóng ở quần đảo Trương Sa
4/ https://www.yahoo.com/news/beijing-tightens-maritime-rules-south-china-sea-case-073442699.html China must prepare for “people’s war at sea”
5/ http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/toa-trong-tai-bac-bo-yeu-sach-duong-luoi-bo-cua-trung-quoc-3435080.html Tòa Trong Tài bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Cộng
6/ http://www.tintuchangngayonline.com/2016/07/blog-post_26.html PCA ra phán quyết: Trung Cộng không có cơ sở pháp lý về đường lưỡi bò
7/http://boxitvn.blogspot.com/2016/07/toan-van-thong-cao-phan-quyet-cua-toa.html Toàn văn thông cáo phán quyết của Tòa Trọng Tài về đường lưỡi bò.
8/ http://vov.vn/thegioi/trung-quoc-cong-bo-sach-trang-phan-bac-phan-quyet-tu-pca-529850.vov. Trung Cộng công bố sách trắng bác bỏ phán quyết của CPA.
9/http://vov.vn/bien-dao/bien-dong-duong-luoi-bo-mot-yeu-sach-map-mo-232898.vov Biển Đông: Một Yêu Sách Mập Mờ về Đường lưỡi Bò
10/http://vovworld.vn/vi-vn/Ho-so-Bien-Dong/Yeu-sach-duong-luoi-bo-dua-tren-lich-su-hay-tu-hanh-xu/164561.vov. Yêu sách dựa trên lịch sử hay theo kiểu tự hành xử
11/ http://thediplomat.com/2016/06/chinas-historic-rights-in-the-south-china-sea-made-in-america/. China’s Historic Right in China Sea
12/http://cseas.yale.edu/sites/default/files/files/SCS%20-%20ABSTRACTS(1).pdf Conflict in the South China Sea – May 6-7, 2018- Yale University
13/ http://www.un.org/depts/los/convention_agreements/texts/unclos/unclos_e.pdf. United States Convention on the Law of the Sea
14/ https://vietcongonline.com/2016/01/07/hoang-sa-va-truong-sa-trong-hoi-nghi-san-francisco-1951/, Hội Nghị Hòa Bình năm 1951 tại San Francisco: chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
15/ https://anhsontranduc.wordpress.com/2016/07/04/yeu-sach-lich-su-yeu-ot-cua-trung-quoc-doi-voi-bien-dong-va-bien-hoa-dong-chinas-frail-historical-claims-to-the-south-china-and-east-china-seas/. Yêu sách lịch sử của Trung Cộng về Biển Đông
16/http://bacaytruc.com/index.php?option=com_content&view=article&id=11672:nht-phap-a-ra-nhng-bng-chng-cong-nhn-hoang-sa-trng-sa-ca-vn-khin-trung-cng-tim-mt&catid=34:din-an-c-gi&Itemid=53. Nhật Pháp đưa ra bằng chứng: Hoàng Sa và Trường Sa của VN
17/http://www.chinhluanvn.com/2014/10/trung-cong-va-tap-oan-formosa-tai-viet.html.Trung Cộng và tập đoàn Formosa tại Việt Nam
18/https://www.washingtonpost.com/world/beijing-remains-angry-defiant-and-defensive-as-key-south-china-sea-tribunal-ruling-looms/2016/07/12/11100f48-4771-11e6-8dac-0c6e4accc5b1_story.html. Beijing’s claims to South China Sea rejected by international tribuinal