Tôi đã từng nghe một người nào đó nói như vậy. Nhận xét này mang một ý nghĩa ẩn dụ khá lý thú. Nó cũng giống như khi ta nói con người gồm hai phần một phần “con” và phần kia là “người”. Con người xét về bản chất giống như là một “cocktail” của những điều tốt đẹp và sự xấu xa. Từ lúc còn bé chúng tôi đã được dạy rất nhiều về những đức tính tốt đẹp của con người,nhưng xã hội Việt Nam hiện nay, dưới góc nhìn của những nhà nghiên cứu xã hội, đang bị băng hoại đạo đức nghiêm trọng. Chúng ta không nên nói quá nhiều về những điều tốt đẹp mà bỏ quên những điều xấu xa nơi con người. Nhận thức rõ ràng và sâu sắc về những điều tồi tệ cũng là một cách để đề cao và vươn tới cái đẹp. Vì vậy hôm nay tôi muốn nói về một thói xấu ở con người, đó là thói “ganh tị”,và sự khác biệt gần như đối lập của nó với sự “ganh đua”.
Về mặt cấu trúc từ vựng thì “ganh tị” và “ganh đua” đều là hai từ ghép đẳng lập, giống nhau là đều bắt đầu bằng từ “ganh”. Nhưng về mặt ngữ nghĩa chúng hoàn toàn khác nhau. Nghĩa tiếng Việt của chúng có thể gây ra một chút bối rối, nhưng nếu chuyển dịch sang tiêng Anh, thì hai từ này không giống nhau chút nào. Cụ thể là ”ganh tị”, động từ, trong tiếng Anh là “envy”, còn “ganh đua”, động từ, là “ compete”.
Ganh tị là hiềm khích, ghen ghét nhau vì một lợi ích nào đó, người này có được trong khi người khác không có. Việc nhận lãnh những kết quả, những lợi ích không giống nhau giữa nhiều người trong một cộng đồng hay trong một xã hội là điều bình thường. Vì con người sinh ra không giống nhau về thể lực, trí lực và ý chí phấn đấu cá nhân. Thường thì những người có trình độ tri thức và tầm văn hoá kém hay ganh tị. Họ không chịu nổ lực và đóng góp, chỉ biết đố kỵ với những thành quả mà người khác nhận được.
Thật vô lý khi ta đòi hỏi mình phải nhận được cái này hay cái kia trong khi ta chẳng có đóng góp gì. Bởi vì sự bình đẳng trong kết quả hưởng thụ chính là sự bất công. Xét về mặt đạo đức, ganh tị là thói xấu không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh.
Sự ganh tị không những có khả năng phá vỡ những mối quan hệ tốt đẹp nhất,mà còn phá hoại nhân cách của chính người đó. Sự ganh tị có thể là khởi nguồn cho những hành động xấu xa và độc ác không thể kiểm soát. Ta có thể tưởng tượng,nếu trong một công ty, một tổ chức mà các thành viên luôn ganh ghét, tị hiềm nhau thì môi trường làm việc ở đó khủng khiếp đến thế nào. Nó phá đổ những tình cảm tốt đẹp và niềm tin của con người. Ở đó,các cá nhân không có được nguồn cổ vũ để phát triển năng lực, những đóng góp cá nhân không được công nhận và tôn trọng. Đó là con đường ngắn nhất dẫn đến sự lụn bại của một công ty hay tổ chức xã hội.
Thật vậy, sự ganh tị không đơn giản làm cho mối quan hệ giữa người và người thêm tồi tệ, làm thụi chột nhân cách của con người mà còn là phản lực kiềm hãm mọi sự phát triển, tàn phá đạo đức xã hội và làm đình đốn mọi nỗ lức phát triển đất nước.
Theo tôi, tự do và dân chủ là thành quả vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Ấy thế nhưng không phải ngày nay tất cả hơn sáu tỉ người trên thế giới đều thọ hưởng đựơc sự tốt đẹp đó. Ở những quốc gia còn nằm trong sự kiềm toả của các chế độ độc tài, ở đó không có điều kiện cho sự cạnh tranh lành mạnh, chỉ có sự hiềm khích, chia chác, xâu xé tài nguyên nguyên quốc gia như “quần ngư tranh thực” giữa các nhóm thế lực độc tài. Điều này dẫn đến sự khánh tận mọi nguồn lực của đất nước cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì thế không ngạc nhiên khi tất cả các quốc gia nằm dưới chế độ độc tài đều chậm tiến, và thường là lệ thuộc vào ngoại bang.
Ngược lại, “ganh đua” hay nói một cách rõ ràng hơn là “tranh đua”, chính là sự cạnh tranh để giành lấy phần thắng, phần hơn một cách lành mạnh và chính đáng. Sự “ganh đua”(Anh ngữ: competition) của các cá nhân trong một cộng đồng là động lực mạnh mẽ để cộng đồng ấy phát triển, mang đến sự phát triển chung cho toàn xã hội.
Vì muốn có được kết quả tốt trong công việc,sự thăng tiến trong sự nghiệp, sự công nhận của xã hội, mỗi cá nhân sẽ tìm mọi phương tiện để hoàn thiện chính mình, hoàn thành mỹ mãn trách nhiệm mà mình được giao phó, luôn khám phá và sáng tạo. Một công ty hay tổ chức có những thành viên như thế sẽ vô cùng năng động, sẽ tồn tại được trong khó khăn và thịnh vượng trong thuận lợi.
Tôi chưa từng đến nước Mỹ. Nhưng có một giá trị văn hoá đặc trưng cho nền văn hoá Hoa Kỳ (hay phương Tây nói chung) mà tôi vô cùng khâm phục và ngưỡng mộ. Đó là chủ nghĩa phóng khoáng. Chủ nghĩa này đề cao tự do cá nhân và khuyến khích sự cạnh tranh, tạo điều kiện cho từng cá nhân trong xã hội phát triển chính là điều kiên tiên quyết, là nền tảng vững chắc nhất cho sự thịng vượng và thăng tiến của tòan xã hội.
Sự “ganh đua” trong kinh tế chính là tự do cạnh tranh. Nó kích hoạt mọi sáng kiến kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. “Tự do cạnh tranh” là nền tảng của chủ nghĩa tự do kinh tế, mà thành quả không thể chối cãi của nó là nền công nghệ hiện đại và sự phồn thịnh của thế giới ngày nay.
Sự “ganh đua” trong chính trị tạo ra các chính thể dân chủ đa nguyên. Những quốc gia theo thể chế dân chủ đa đảng luôn có sự cạnh tranh lành mạnh, sự thi thố tài năng giữa các đảng phái chính trị để chọn ra những người có đủ tài năng và tư cách đạo đức để lãnh đạo quốc gia, mang lại sự phục vụ tốt nhất cho người dân.
Nói chung, sự “ganh đua” của từng cá nhân, hay giữa các tổ chức, đảng phái giống như sự sàng lọc tự nhiên. Từ đó, những con người tài giỏi nhất được vinh danh,những chính khách lỗi lạc nhất được trao quyền lãnh đạo, những khối óc kinh tế thông tuệ nhất được quản lý những tập đoàn tài chính. Đó là cách mà nước Mỹ hay những nước dân chủ tiến bộ khác đã làm để đạt đến những đỉnh cao về kinh tế, văn hoá, xã hội, và quân sự mà các quốc gia độc tài không bao giờ vươn tới được.
Trong mọi quốc gia, mọi chế độ, những người trẻ là lớp người năng động nhất. Học hỏi để nâng cao hiểu biết và trau dồi tư cách đạo đức là cách để chúng ta, những ngươì trẻ Việt Nam, có được một vị trí xứng đáng trong xã hội và đóng góp sức mình cho môt xã hội Việt Nam trong tương lai tốt đẹp hơn.
Một xã hội tiến bộ, văn minh không có chỗ cho những người không chịu nỗ lực để hoàn thiện mình mà chỉ biết ganh ghét những thành công của người khác. Chủ nghĩa phóng khoáng, tự do cá nhân, và tự do canh tranh là những giá trị đưa phương Tây thoát khỏi thời kỳ Trung cổ đen tối để bước vào kỷ nguyên Ánh Sáng từ thế kỷ 18, trong khi đất nước chúng ta vẫn còn mãi loay hoay trong cảnh nghèo đói và lạc hậu của ganh tỵ.
Huỳnh Thục Vy
[Tác giả hiện cư ngụ tại Tam Kỳ, Việt Nam, đang theo học ngành Luật. Xin đón cói “Tôi Vô Tình Học Luật”, cùng Tác giả]
2 Comments
TRE
Chính xác và hay!
Hồng Liên
GANH TỊ và GANH ĐUA ; đều không thoát khỏi GANH.
Vậy GANH là gì ? Xin quý vị uyên bác chỉ giáo cho kẻ hậu sinh được tỏ tường.
Xin cảm ơn .