Nếu Giải Nobel Hoà Bình 2009 được trao cho Tổng thống Obama của Hoa Kỳ đã gặp nhiều chỉ trích thì Nobel Hoà Bình năm nay trao cho Ông Liu Xiaobao (Lưu Hiểu Ba) đã nhận được sự hoan nghênh từ nhiều nơi.
Liu Xiaobao là một giáo sư đại học và một nhà văn, đang ngồi tù với bản án 11 năm vì đã tham gia soạn thảo bản Hiến Chương 08 (Linh Bát Hiến Chương), kêu gọi thực hiện những cải tổ về chính trị và nhân quyền tại Trung Quốc.
Ông Liu Xiaobao đã bị bắt ngay sau khi bản Hiến Chương 08 được công bố vào ngày 9.12.2008 và đã bị giam giữ cho đến khi bị chính thức truy tố vào tháng 6.2009 về tội “tán phát những tin đồn và lăng mạ chính quyền, nhằm mục đích lật đổ nhà nước cùng hệ thống xã hội chủ nghĩa”. Ngày 25.12.2009, ông ta bị kết án 11 năm tù.
“Linh Bát Hiến Chương” lúc đầu có hơn 300 người ký tên, gồm các học giả, nhà báo, nhà văn, và các người vận động nhân quyền, tới nay đã có chữ ký của hơn 10,000 người, cả ở trong và ở ngoài Trung Quốc.
Mặc dù bị nhiều áp lực từ nhà cầm quyền Bắc Kinh, Uỷ-ban Nobel Na-uy đã quyết định trao Giải Nobel Hoà Bình 2010 cho Liu Xiaobao, và còn nói rằng coi ông ta như một biểu tượng cho những người đang đấu tranh đòi hỏi nhân quyền, tự do tại nước Tàu.
Tin này đã được đón nhận với sự tán đồng của dư luận quốc tế và được xem như một tác động tích cực vào trào lưu dân chủ trên thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc, nó như một liều thuốc kích thích bơm vào huyết quản hàng triệu con người đang khao khát tự do trong cái nhà tù vĩ đại mệnh danh xã hội chủ nghĩa ở nước Tàu.
Nương theo việc Liu Xiaobao được Giải Nobel Hoà Bình, ngày 12.10 vừa qua, 23 nhân vật tên tuổi trong giới truyền thông và trí thức tại Trung Hoa lục địa (mà 90 phần trăm là đảng viên cộng sản) đã công bố một bức thư đòi hỏi nhà cầm quyền Bắc Kinh chấm dứt kiểm duyệt báo chí và tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân. Qua ngày hôm sau, 13.10, đã có gần 470 người ký tên tán đồng, dù nhà cầm quyền Bắc Kinh đã cố ngăn chặn việc phổ biến thư này trên các mạng điện tử.
Hiển nhiên thư này, được công bố hai ngày trước cuộc họp của Ủy-ban Chấp-hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Hoa, là một bước tiến mới với khí thế mới do việc Liu Xiaobao được Giài Nobel Hoà Bình tạo nên sẽ đẩy mạnh hơn áp lực cải tổ chính trị trong giới cầm quyền tại Bắc Kinh cùng với những lời tuyên bố gần đây của Thủ tướng Ôn Gia Bảo thiên về tự do dân chủ.
Ảnh hưởng của việc Liu Xiaobao được Giải Nobel Hoà Bình sẽ còn lan rộng thêm, dù Cộng sản Tàu cố ngăn cản, và không thể không ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ tại Việt Nam. Cộng sản Việt Nam cũng đang tìm cách ngăn chặn tác động của việc nhà tranh đấu cho nhân quyền Trung Hoa Liu Xiaobao được Giải Nobel Hoà Bình đối với những người đang tranh đấu đòi tự do tại Việt Nam.
Tác động này có thể trực tiếp hay gián tiếp. Trực tiếp, vì tin Liu Xiaobao được Giải Nobel Hoà Bình cũng cổ vũ cho phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam. Gián tiếp, vì ai cũng biết chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay lệ thuộc sâu rộng vào chế độ cộng sản tại Trung Quốc. Mọi biến chuyển chính trị tại Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng dây chuyền đến tình hình chính trị tại Việt Nam.
Ngược lại, phong trào tranh đấu đòi tự do dân chủ tại Việt Nam cũng cần nương theo ngọn gió tự do đang lên cao tại nước láng giềng khổng lồ phương Bắc.
Đây là lúc người Việt hải ngoại cần tiếp sức, và có thể tiếp sức với đồng bào trong nước một cách hữu hiệu. Đó là nhân việc Liu Xiaobao được trao Giải Nobel Hoà Bình 2010, người Việt hải ngoại nên dồn nỗ lực vận động cho một chiến sĩ dân chủ tại Việt Nam làm ứng viên Giải Nobel Hoà Bình năm 2011.
Cuộc vận động này rất chính đáng và rất nhiều hy vọng vì cuộc đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam từ nhiều năm nay đang ngày một lớn mạnh và được thế giới đặc biệt quan tâm yểm trợ. Các tổ chức quốc tế tranh đấu cho nhân quyền cũng như chính phủ nhiều nước dân chủ đã theo dõi và không ngừng lên án nhà cầm quyền cộng sản Hà-nội về tình trạng chà đạp nhân quyền và đàn áp thô bạo những người lên tiếng đòi hỏi tự do. Trong quá khứ đã có vài chiến sĩ nhân quyền Việt Nam được trao tặng các giải thưởng quốc tế cao quý, trừ Giải Nobel Hoà Bình.
Ngay bây giờ, người Việt hải ngoại nên chọn một người để vận động mạnh cho Giải Nobel Hoà Bình 2011 vì đang có những yếu tố thuận lợi, mà thời hạn đề cử sẽ kéo dài đến cuối tháng 1.2011.
Hiện nay, Việt Nam có nhiều người đang dũng cảm đấu tranh cho dân chủ nhưng nên chọn một người đang được dư luận quốc tế quan tâm để làm biểu tượng và đề nghị làm ứng viên Giải Nobel Hoà Bình 2011. Người ấy nên là Trần Khải Thanh Thuỷ.
Bà Trần Khải Thanh Thuỷ, 50 tuổi, nhà văn, nhà báo, thành viên của Khối 8406, người chủ trương tạp chí điện tử “Tổ Quốc” tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Bà bị công an giả dạng thường dân hành hung và bị bắt giam từ ngày 8.10.2009, tới ngày 5.2.2010 bị kết án 3 năm rưỡi tù giam vì tội danh hình sự ngụy tạo.
Việc bắt giam và kết tội phi công lý này đã bị cộng đồng quốc tế mạnh mẽ lên án, trong đó có Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà-nội, các thủ tướng nhiều nước ở Âu Châu và Úc, nhiều dân biểu nghị sĩ tại quốc Hội Hoa Kỳ, các tổ chức nhân quyền trên thế giới.
Bà Trần Khải Thanh Thủy đã được Tổ chức Human Rights Watch trao tặng Giải Hellman/Hammet và hiện là hội viên danh dự của Trung tâm Văn Bút Anh. Tại Đại Hội Văn Bút Quốc Tế Kỳ 76 ( 76th International PEN Congress) vào cuối tháng 9 vừa qua ở Tokyo, với sự tham dự và vận động của Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Bà Trần Khải Thanh Thuỷ đã được vinh danh với một chiếc ghế để trống tại Đại Hội trên đó có dựng tấm bảng lớn với tiểu sử và ảnh bà đang bị áp giải giữa hai công an Việt Cộng (ảnh đính kèm bên dưới).
Dư luận quốc tế hiện đang đặc biệt quan tâm tới trường hợp Trần Khải Thanh Thuỷ, người phụ nữ Việt Nam đã dũng cảm đứng lên với lương tâm trí thức, đòi hỏi công lý và tự do cho dân tộc Việt Nam. Từ năm 2006, bà đã liên tiếp bị quấy nhiễu và bị thẩm vấn về những bài viết phản đối những bất công và phi dân chủ dưới chế độ cộng sản. Ngày 21.4. 2007 Bà Trần Khải Thanh Thuỷ đã bị công an tới nhà bắt, sau đó bị kết án hơn 9 tháng tù giam về tội danh ngụy tạo “phá rối trật tự công cộng”, đồng thời bị lăng nhục trên báo chí với những câu chuyện bịa đặt do những tay sai bồi bút viết. Trong khi bị giam cầm, bà bị bệnh lao đang thời kỳ tiến triển và bị bệnh tiểu đường nhưng không được cho đi điều trị.
Ngày 31.1.2008, Bà Trần Khải Thanh Thuỷ được trả tự do nhưng vẫn bị quản thúc tại gia. Ngày 8.10.2009, bà lại bị bắt giam nữa cho tới ngày nay.
Trần Khải Thanh Thủy là biểu tượng cho tinh thần bất khuất của những người đang dấn thân trong cuộc đấu tranh chống lại bạo quyền để đưa dân tộc Việt Nam ra khỏi đêm đen, dù chịu biết bao hy sinh, gian khổ, cho bản thân và gia đình, kể cả tù tội, mạng sống. Tinh thần cao quý tuyệt vời ấy đã đánh động lương tâm mọi người với bài thơ “Nếu tôi chết” dưới đây của bà được viết ra lúc 40 tuổi (năm 2000):
Khi tôi chết hãy ghi trên huyệt mộ
“Đây là người yêu nước thương dân
Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ
Đưa nhân dân ra khỏi kiếp bần hàn”.
Tuổi bốn mươi khi nghĩa đời đã tỏ
Thì cùm gông xiềng xích sá kể gì
Theo gương bậc tiền bối tôi đi
Vá lại mảnh trời xanh Tổ quốc
Vạch mặt lũ đê hèn, quân bán nước
Nhân danh đảng, Tổ quốc chúng lộng hành
Chúng cấu kết, chúng ăn chia
Còn chúng nó, dân ta còn phải khổ
Nếu tôi chết xin nuôi bầy con nhỏ
Chúng đáng thương không có tội tình gì
Khi mẹ cha đứng lên đòi sự sống
Cho mọi người và cả chúng mai sau..
Theo điều lệ của Uỷ-ban Nobel Na-uy, những người sau đây có tư cách để đề cứ ứng viên Giải Nobel Hoà Bình:
1. Thành viên quốc hội hay chính quyền các quốc gia;
2. Thành viên các toà án quốc tế;
3. Các viện trưởng đại học, các giáo sư đại học những môn khoa học xã hội, lịch sử, triết học, luật và học thuyết, giám đốc các viện nghiên cứu về hoà bình và chính sách ngoại giao;
4. Những người đã được trao tặng Giải Nobel Hoà Bình;
5. Thành viên ban quản trị các tổ chức đã được trao tặng Giải Nobel Hoà Bình;
6. Các thành viên hay cựu thành viên Ủy-ban Nobel Na-uy;
7. Các cựu cố vấn do Viện Nobel Na-uy chỉ định.
Trên nguyên tắc, những cá nhân và các tổ chức nói trên hàng năm đều nhận được văn thư mời đề cử ứng viên cho Giải Nobel Hoà Bình. Những người Việt ở hải ngoại có liên lạc với những nhân vật nói trên, xin hãy cùng nhau vận động Trần Khải Thanh Thuỷ cho Giải Nobel Hoà Bình năm 2011. Nay đúng là thời điểm để làm việc ấy.
Bà Trần Khải Thanh Thuỷ xứng đáng được trao tặng Giải Nobel Hoà Bình do những hy sinh cao quý của bà và là biểu tượng cho cuộc tranh đấu vì tự do của dân tộc Việt Nam. Trường hợp Trần Khải Thanh Thuỷ cũng đang được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.
Và sau cùng, đây là cơ hội để Uỷ-ban Nobel Na-uy trả món nợ tinh thần với dân tộc Việt Nam khi đã lầm lẫn trao Giải Nobel Hoà Bình 1973 cho Lê Đức Thọ và Henry Kissinger, hai người đã tạo ra bản Hiệp Định Paris năm 1973 mà cả hai đều biết sẽ không có hoà bình, và Lê Đức Thọ đã bỉ mặt nước Na-uy bằng cách từ chối nhận giải.
Sơn Tùng
21.10.2010