Tôi không viết để lưu lại chút gì sau này, nhưng chỉ để làm dịu đi những khổ đau của tôi (Cao Hành Kiện)
|
Giải Nobel Văn Chương thường được trao cho các văn sĩ đã ” đem lại “một hình ảnh rõ rệt về cuộc sống của con người cũng như một lý tưởng cao đẹp.” Năm nay, khi trao giải thưởng văn chương cho Cao Hành Kiện (Gao Xingjian), một nhà văn Trung Hoa lưu vong hiện có quốc tịch Pháp, Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã đưa ra nhận định rằng “tác phẩm của ông có tầm ảnh hưởng quốc tế, ghi đậm nét một nhận thức chua chát và một bút pháp tài tình, vạch ra những con đường mới cho nghệ thuật tiểu thuyết và kịch nghệ Trung Hoa.” Đã có vài nhà văn Á châu đoạt giải Nobel văn chương như Rabindranath Tagore (1913), Yasunari Kawabata (1968), Kenzaburo Oe (1994), nhưng đây là lần đầu tiên Hàn Lâm Viện Thụy Điển trao giải cho một người Trung Hoa, mà lại là một người Trung Hoa đã từ bỏ đảng Cộng Sản, sống nương náu tại Paris, viết cả tiếng Trung Hoa lẫn tiếng Pháp. Sự kiện này, ngoài ý nghĩa văn học và mối quan tâm của Hàn Lâm Viện Thụy Điển đối với một nhà văn Trung Hoa, chắc chắn đã có một tầm mức chính trị và không thể không có những phản ứng chống đối từ phía chính quyền cộng sản Trung Quốc. Họ cho rằng Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã trao giải cho một “tác giả vô danh mà chỉ có khoảng 1% người Trung Quốc biết đến”.
Vậy Cao Hành Kiện là ai, và tác phẩm của ông có những nét đặc biệt gì để có vinh dự lãnh một trong những giải thưởng văn học tầm vóc nhất: Giải Nobel Văn Chương?
Ông sinh tại Cống Châu, Giang Tây vào năm 1940, năm của một nước Trung Hoa loạn lạc trong khung cảnh cuộc chiến Trung Nhật. Có lẽ giống nhiều đứa trẻ Á châu sau này, ông đã chào đời, như lời mẹ ông nói với ông, ” ngay trong lúc máy bay đang thả bom”. Cuộc sống của ông bắt đầu trong bom đạn và tiếp diễn trong xáo trộn, chống đối, đàn áp, trốn chạy… Đúng, hầu như lúc nào cũng trốn, cũng chạy…như tựa đề của cuốn sách “Kẻ Trốn Chạy” của ông. Ông nói : ” Tôi là kẻ tị nạn từ thuở lọt lòng mẹ.”, ” Mày là một kẻ xa lạ, và mãi mãi là kẻ xa lạ, không nhà, không cửa, không quê hương, không gia đình….” Cho nên lúc nào ông cũng cố gắng tìm cho mình một khoảng trống nào đó, một khoảng trống để hưởng một chút tự do cho riêng mình giữa không biết bao nhiêu là hỗn độn, lầm than, đói khổ. Ước mơ tìm kiếm cái khoảng trống của tự do, của sáng tạo nghệ thuật này có lẽ đã là gia tài huyết thống mà ông thừa hưởng từ cha ông, một nhân viên ngân hàng nhưng đồng thời cũng là một nhà báo tài tử và nhất là mẹ ông, một kịch sĩ đã từng theo học tại một trường do người Mỹ điều khiển. Niềm say mê kịch nghệ, chữ nghĩa cũng như hội họa đã bám rễ nơi ông từ thuở thiếu thời. Lớn lên, sau những năm học hành ở trong những nhà trường ở Nam Kinh, ông được may mắn vào học tại Học Viện Ngoại Ngữ Bắc Kinh, khoa Pháp ngữ. Chuyện ông quyết định theo học tiếng Pháp cũng khá đặc biệt. Ông kể rằng vào khoảng năm 1962, ông tình cờ đọc được một một truyện ngắn của nhà văn Nga Illya Ehrenbourg trong một tạp chí Trung Hoa xuất bản ở Tiệp Khắc, viết về thời kỳ Ehrenbourg sống ở Paris vào khoảng đầu thập niên 1920. Câu chuyện kể về một người đàn bà trẻ ẵm một đứa bé bước vào một quán cà phê, nơi đó có nhiều văn nghệ sĩ đang tụ tập uống cà phê và tán gẫu. Một lát sau, người đàn bà đặt đứa bé trên quầy hàng và bỏ ra ngoài, hình như đi mua sắm gì đó. Nhưng rồi người đàn bà đi luôn, không trở lại. Tất cả các nghệ sĩ đang ngồi uống cà phê bèn bàn nhau hùn tiền để giúp bà chủ quán có đủ phương tiện nhận lãnh và nuôi nấng đứa bé. Cao Hành Kiện nói: “Hình ảnh này của Paris thúc đẩy tôi quyết định đi học tiếng Pháp.” Có lẽ ông đã cảm kích thái độ rộng lượng của các văn nghệ sĩ nơi quán cà phê, chỉ biết xót thương đứa trẻ thơ ngây bị mẹ bỏ, nhưng không thắc mắc, tìm hiểu tại sao người mẹ lại bỏ con và cô ta đã đi đâu. Họ cũng không vội lên án, kết tội người thiếu phụ đó. Chắc ông đã yêu Paris vì tấm lòng bao dung, cái phong cách nghệ sĩ đó và vì vậy ông yêu luôn ngôn ngữ phong phú của “Kinh Thành Ánh Sáng”. Ông bắt đầu dịch những tác phẩm của Ionesco và viết nhiều bài giới thiệu về văn chương Pháp hiện đại, đặc biệt về các văn thi sĩ trong phong trào siêu thực như Eluard và Aragon cũng như các tác giả của trào lưu tiểu thuyết mới. Trong thời kỳ “cách mạng văn hóa” (1966-1976), ông đã chứng kiến sự phản bội của vợ ông, đã tố cáo ông lén lút “viết lách”. Ông bị cưỡng bách phải đốt một va-li những bản thảo, bài viết của ông, rồi bị đưa vào một trại “cải tạo” năm năm. Ông đã phải cho vào ngọn lửa bản thảo của mười vở kịch, một cuốn tiểu thuyết, những bài thơ, nhiều bài viết nhận định văn học v.v… Không biết sau này, khi ra khỏi tù ông có tìm lại được những bài viết mà ông đã bọc trong bao ni-lông và chôn sâu dưới lòng đất hay không. Năm 1975, vì cần người thông dịch nên ông được ra khỏi trại cải tạo và trở về làm việc tại Bắc Kinh. Ông bắt đầu sáng tác lại và cho đăng các truyện ngắn, tiểu luận, kịch bản để cổ võ cho phong trào hiện đại hóa văn học Trung Hoa. Những bài tiểu luận và kịch bản của ông đã gây những tranh luận sôi nổi. Vở kịch ” Trạm Xe Buýt” của ông, viết theo đường hướng phi lý trần trụi kiểu Samuel Beckett, đã gặt hái một thành công rực rỡ, nhưng rồi lại bị chiến dịch “Chống Đầu Độc Tinh Thần” của đảng cộng sản lên án và bị những tay cầm đầu văn nghệ nô dịch coi tác phẩm của ông là một “tác phẩm độc hại nhất kể từ khi thành lập nền Cộng Hòa Dân Chủ”. Vở kịch “Bờ Bên Kia” của ông nhằm bênh vực quyền sống của cá nhân chống lại sự áp bức của tập thể cũng bị cấm vào năm 1986 và kể từ đó không một vở kịch nào của ông được trình diễn trên sân khấu ở Trung Hoa. Để tránh bị trả thù, ông làm một chuyến đi xa trong mười tháng đến vùng hiểm trở Tứ Xuyên, men theo dòng sông Dương Tử cho đến khi tới biển. Nhờ thế lực của một người bạn giữ chức bộ trưởng Bộ Văn Hóa thời đó giúp đỡ, ông có dịp rời khỏi Trung Hoa năm 1987 theo giấy mời của cơ quan văn hóa Đức Quốc và sau đó ông xin tỵ nạn chính trị tại Paris. Ông ly khai đảng cộng sản Trung Hoa năm 1989 khi cộng sản Trung Quốc mang xe tăng đàn áp những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn. Ông sống lưu vong tại Pháp và tiếp tục sự nghiệp văn chương của ông với những tác phẩm viết cả bằng tiếng Trung Hoa lẫn tiếng Pháp. Năm 1992, ông lãnh Huân Chương Nghệ Thuật và Văn Chương và năm 1994 ông đoạt Giải Cộng Đồng Pháp của Vương Quốc Bỉ với tác phẩm “Kẻ Miên Hành” và Giải Tân Niên của cộng đồng Trung Hoa năm 1997 với tác phẩm “Ngọn Núi Tâm Hồn”. Ông lấy quốc tịch Pháp vào năm 1998 và sống tại một căn phòng tầng thứ 18 của một chung cư tại Paris, thành phố mà ông cho là nơi trú thân lý tưởng nhất cho những tâm hồn nghệ sĩ khát vọng tự do và sáng tạo. Từ căn phòng của ông, như lời ông nói, ông có thể nhìn ngắm tháp Eiffel với cảnh hoàng hôn tắt nắng, và Paris chầm chậm đi vào màn đêm thơ mộng, êm ái, nhưng cũng đầy rạo rực, nồng ấm.
Tác phẩm quan trọng nhất của ông, cuốn tiểu thuyết “Ngọn Núi Tâm Hồn” được ông khởi sự viết từ năm 1982. Đây là một hành trình của một tâm hồn qua thời gian và không gian, trong khung cảnh của các đồi núi, đồng cỏ, làng mạc Trung Hoa, để tìm lại cội rễ, sự an bình và tự do của nội tâm. Chuyến đi xa vào năm 1986 chắc chắn đã giúp ông nhiều ý tưởng, hình ảnh, tài liệu cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này mà mãi đến năm 1995 mới được xuất bản tại Pháp. Tờ báo Le Monde của Pháp đã dành một bài viết đặc sắc để giới thiệu cuốn tiểu thuyết quan trọng này ngay sau khi Cao Hành Kiện đoạt giải Nobel văn chương năm nay. Tác giả bài viết này, tên viết tắt là J.L.D, giới thiệu tác phẩm “Linh Sơn” của Cao Hành Kiện mà chúng tôi xin được thoáng dịch một đoan như sau: “Trong tác phẩm ‘Ngọn Núi Tâm Hồn hay Linh Sơn’ này, một người với túi sắc trên vai, đã ngược xuôi, khi thì chân đất, khi thì trên yên xe đạp hay lắc lư theo nhịp một chiếc xe, để đi tìm một ngọn núi bí mật, tượng trưng cho một nơi lý tưởng để con người có thể ‘rũ bụi trần ai’. Theo chân các di tích của Trung Hoa cổ xưa, một Phương Đông huyền bí và ma quái, với khoa học của Lão Tử, gã ta đã đi kiếm một nơi nương náu, trú thân với bao nhiêu những kỳ tích hoang đường tưởng chừng như đã biến với thuở hoang sơ: những đồng lúa chín vàng và rừng tre xanh biếc, những vị phù thủy hét ra lửa, những con khỉ gào thét, rú lên từng hồi, những con rắn chọc phá, cướp bóc mồ mả; gã ta nói đến sự bảo vệ giống gấu mèo cũng như sự tàn phá môi trường trong vùng sông Dương Tử. Cao Hành Kiện đã trở về với những chiến công của các nữ hiệp sĩ trong các truyện kiếm hiệp, những lễ hội tưng bừng với những lồng đèn rồng, những con kỳ nhông khổng lồ hay những con chim vĩ đại khao khát mật ngọt của cây lệ quyên… những kinh kệ ê a bên cửa chùa, những thuyền mành mỏng manh, những chiếc dù xinh xắn, những thiếu nữ đùa nghịch, chạy trốn và khẽ kêu một tiếng đầy hoan lạc khi ngón chân vừa chạm vào làn nước sông trong xanh.”
Không, hắn muốn đi sang “Bờ Bên Kia”, bờ của những mộng mị tự do. Linh sơn của hắn cũng có thể chỉ là một căn phòng riêng tư nhỏ bé trong đó hắn có thể hưởng những giây phút êm ái bên người đàn bà mộng tưởng, những rung động của một con tim đang khao khát. Cũng có thể đó là thế giới của một câu hò, một truyện cổ tích, một bài kinh, một vần thơ của một cá nhân đang tiếp cận với cái u uẩn của tâm hồn mình. Trong bóng tối của căn phòng chợt lung linh những vạt nắng, giải ánh sáng thần tiên của tâm hồn hắn làm tan biến cái thế giới thực tại kinh hoàng của đám đông với những trò múa rối chính trị, những khẩu hiệu và biểu ngữ lố bịch. Cao Hành Kiện đã “Trốn Chạy” để tìm lại chính mình, để có thể tự do suy tư, viết, vẽ và làm vơi đi những khổ đau của cá nhân ông, cũng là những khổ đau của bao con người Trung Hoa cùng thế hệ với ông hay của những thế hệ trước và sau ông. Ông đã nghĩ rằng mình là “Kẻ Cô Đơn” trong công cuộc tìm kiếm của mình; nhưng thật ra ông đã có bao nhiêu người đồng điệu trong số phận lênh đênh, đầy ải, với những khát khao kiếm tìm tương tự. Khi nhận xét Cao Hành Kiện là ” một kẻ quan sát đầy ngờ vực nhưng sáng suốt không nhằm giải thích thế giới” và trao giải thưởng Nobel văn chương cho ông, Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã không chỉ trao giải thưởng cho một tài năng văn chương, mà còn cho một tấm lòng kiên trì của một nghệ sĩ đã dùng nghệ thuật của mình để chống lại tất cả sức mạnh của bạo quyền và hận thù để nói lên tiếng nói của cuộc sống đích thực, tiếng nói muôn đời của tự do và hạnh phúc. Ông là một “Kẻ Miên Hành”, nhưng là một kẻ miên hành vẫn đủ tỉnh táo để trình bày, phê phán và tìm kiếm. “Phía bắc, trời đã cuối thu, nhưng cái nóng của mùa hạ vẫn chưa nguôi hẳn. Trước buổi hoàng hôn, mặt trời vẫn tỏa sức nóng gắt và những giọt mồ hôi bắt đầu chảy dài trên lưng bạn. Bạn rời khỏi sân ga để ra ngoài, đưa mắt ngắm nhìn. Chung quanh chẳng có gì ngoài một quán nhỏ bên đường. Đó là một căn nhà kiểu cổ hai tầng mà phía trước là một hàng quán bằng gỗ. Tầng trên ván sà kêu ọp ẹp và tệ hơn nữa là lớp ghét cáu bẩn của cái gối và chiếc chiếu nằm. Nếu bạn muốn tắm, bạn phải chờ cho đến khi tối khuya để rồi tụt quần áo ra và giội ào nước lên mình trong cái sân sau ẩm ướt và chật hẹp. Đấy là chỗ dừng chân của những tay bán rong và thợ thủ công trong làng. “ “Lúc đó tất cả các đô thị dọc theo con đường đều phát điên lên. Nhà máy, tường thành, những cột điện cao thế, tất cả những gì do bàn tay con người xây cất đều phủ đầy những khẩu hiệu thề quyết bảo vệ mạng sống, lật đổ, đập nát, và quyết tâm chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Khi con tàu hỏa gầm rú dọc theo con đường, những bài ca chiến đấu vang lên từ những hệ thống phát thanh trong toa xe hay từ các loa phóng thanh bên ngoài tại mỗi nơi mà con tàu đi qua.” |
LẠI QUỐC HÙNG |