Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam khai mạc sáng thứ hai, 27 tháng 9 năm 2010 tại Hà Nội, để nghe chính phủ báo cáo về công tác dân nguyện.
Dân oan Vũng Tàu khiếu kiện tập thể. Photo courtesy of honviet.co.uk
Gia tăng khiếu kiện
Trong phiên nhóm buổi sáng, Ủy ban đã nghe báo cáo về công tác dân nguyện, việc tập trung giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo của người dân trong năm 2010. Theo các cơ quan truyền thông trong nước, thì tình hình khiếu nại, tố cáo, vẫn gia tăng và có diễn biến phức tạp.
Báo cáo của chánh phủ trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tính từ đầu năm đến giờ cả nước tổng hợp được hơn 380 ngàn lượt đơn, với trên 110 ngàn vụ khiếu nại. So với cùng kỳ năm 2009, số đơn khiếu kiện tăng gần 30% và số vụ việc tăng hơn 19%. Về tình hình tố cáo cả nước phát sinh gần 23 ngàn lượt đơn tố cáo với hơn 13 ngàn vụ việc, số đơn tăng trên 29% và số vụ tăng hơn 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lên tiếng vào dịp này, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật quốc hội cho biết, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo không giảm, trái lại vẫn có diễn biến phức tạp, phát sinh trên nhiều lãnh vực khác nhau, xảy ra tại hầu hết các địa phương, trong số đó có những trường hợp khiếu kiện kéo dài, vượt cấp và gay gắt.
Trong khi đó, theo bản tin của Đài Tiếng Nói Việt Nam thì một số đại biểu nói rằng, việc đánh giá, phân tích, giải quyết của chánh phủ trong vấn đề khiếu nại, tố cáo chưa đầy đủ, chưa hiệu quả.
Chị Hồ Thị Thủy, một trong số những người dân khiếu kiện về tình hình thu hồi đất đai tại địa phương Bình Định nơi chị sinh sống để liên doanh với Trung Quốc, trình bày hậu quả cuả mối quan hệ đó khiến những công dân bình thường như chị phải mang đơn đến tận công đường để kêu:
Chị Thủy cũng lý giải thêm lý do sâu xa vì sao đơn cuả những ngươì dân khiếu kiện không được giải quyết:
“Các quan chức hình như có cổ phần trong công ty này luôn, nên họ bao che hết, không nói gì với người dân, chứ họ có giải quyết gì đâu? Cứ đưa đẩy từ địa phương lên trung ương rồi, trên lại đưa xuống dưới, công ty này là do nhà nước đưa ra, ký hợp đồng với Trung Quốc, chỉ làm lợi cho họ thôi.”
Từ Hà Nội, luật sư Phạm Hồng Hải góp ý vì sao các trường hợp khiếu nại, tố cáo vẫn cứ tăng từ năm này qua năm khác:
“Thứ nhất là hiện nay trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì có việc thu hồi, chia đất đai tức là những vụ việc có liên quan đến vấn đề đất đai. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa sẽ mở rộng thành phố, xây dựng nhiều công trình, đương nhiên phải có chuyện thu hồi đất đai. Ở Việt Nam, có đến 80% dân số là ở nông thôn cho nên việc khiếu kiện, số lượng có tăng lên, không có nghĩa làm tình hình phức tạp lên. Có thể nói rằng, bây giờ người dân ý thức được cái quyền của người ta, có đơn từ để mà khiếu nại quyền lợi của họ. Điều ấy làm cho tình trạng đơn khiếu nại cứ tăng lên. Thí dụ như là người ta thấy giá đền bù không hợp lý, hay việc đo đạc đất cát không phù hợp, rồi chính sách quản lý đất đai của nhà nước cũng có sự thay đổi, vì thế trong thời gian vừa rồi, số đơn khiếu kiện đã tăng lên.”
Người dân vẫn chịu oan ức
Ngoài những yếu tố và tình hình thực tế như vừa kể, luật sư Phạm Hồng Hải cũng nói đến vấn đề liên quan đến con người cùng những rào cản lâu nay:
“Bộ máy nhà nước liên quan đến những tố cáo, khiếu nại của công dân, không phải lúc nào cũng bổ sung được số cán bộ để liên tục đáp ứng được nhu cầu giải quyết khiếu kiện của người dân. Trong điều kiện hiện nay, số người để chấp nhận, giải quyết đơn kiện, rồi xử lý, đang rất thiếu, vì vậy có không ít vụ việc vẫn tồn động, kéo dài, lý do là có đủ người để giải quyết. Ở Việt Nam, hiện nay người ta đang chủ trương giảm thiếu số lượng nhân viên trong chính sách cải tổ hành chánh. Đây có thể là nguyên nhân thứ hai, dẫn đến chuyện hồ sơ khiếu kiện còn tồn động.”
Một vị lãnh đạo tinh thần từng lên tiếng bênh vực dân oan, từ Đồng Nai, Mục sư Thân Văn Trường, Cố vấn Hội thánh “Chuồng Bò”, do Mục sư Dương Kim Khải là Quản nhiệm, nhấn mạnh, chuyện dân chúng vì oan khuất phải đi khiếu kiện khó có hồi kết:
“Các văn phòng tiếp dân giải quyết vấn đề oan khuất cho dân, họ chỉ giải quyết đằng ngọn thôi không giải quyết đằng gốc. Hầu hết những vấn đề dân oan, trọng điểm là dân bị mất đất, oan về chuyện bồi thường, không thỏa đáng với giá thực tế. Ở nhiều nơi xảy ra có người bị chết, thậm chí như ở Thanh Hóa, có trẻ em, phụ nữ bị công an bắn chết. Đài báo đều có lên tiếng về việc này, nhưng ở những chỗ mà không có báo đài lên tiếng thì nhiều người vẫn chịu oan ức. Vấn đền oan trái bắt nguồn từ hiến pháp của Việt Nam, thực tế vấn đề oan khuất là trên toàn quốc, ông chánh phủ không lấy đâu đủ người, đủ nhân sự để giải quyết chuyện dân oan.”
Trước tình hình đáng ngại theo chính nhận định của các đại biểu cũng như của dư luận và báo chí, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra nhiều giải pháp giúp giải quyết khiếu nại, tố cáo trong đó có đề án đổi mới công tác tiếp dân, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành công tác dân nguyện, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, giữa lời nói và thực tiễn vẫn còn khoảng cách khiến cho vấn đề vẫn bế tắc.
Dân oan Bến Tre khiếu kiện tập thể. Photo courtesy of danchu.ucoz.com
“Họ chiếm đất đai của dân một phần, phần kia là ô nhiễm môi trường, nó làm quặng, nó thải ra đó, bò uống nước vô là bị chết, còn nước của dân thì bị đục, không thể uống được. Cái nhà máy đó hoạt động là không uống nước được. Người dân bức xúc quá, phải đi khiếu kiện, không có gì đền bù cho dân đâu, chỉ gây thiệt hại cho dân mà không đền bù một xí gì hết.”
Đỗ Hiếu [Nguồn RFA]
2010-09-27