Trong tuần trước, trên các mạng lưới Internet ở lục địa đều loan tin về những vụ tự tử liên tiếp tại công ty Foxconn, thành phố Thẩm Quyến. Tiếp theo, sau khi các báo bên Nhật phát giác và thông tin, báo chí Trung Quốc cũng tường thuật đầy đủ các cuộc đình công trong cơ xưởng của hãng Honda ở Phật Sơn, rồi các nhà máy Honda ở Quảng Châu và Vũ Hán đóng cửa. Thẩm Quyến, Quảng Châu và Phật Sơn đều nằm trong tỉnh Quảng Ðông, một tỉnh phát triển kinh tế nhanh nhất nước Tàu và nhận được nhiều tiền đầu tư của ngoại quốc nhất. Cuộc đình công kéo dài làm tê liệt bốn nhà máy của hãng Honda tại Trung Quốc khiến nhiều người ngạc nhiên. Tại sao công nhân Trung Hoa trong lục địa dám đòi hỏi tăng lương một cách mạnh bạo như vậy? Tại sao trong những ngày đầu báo chí Trung Quốc dám loan báo tin tức một cách ồn ào như thế?
Tại nhà máy Honda ở Phật Sơn chuyên sản xuất bộ phận đổi tốc độ (transmission), gần 2,000 công nhân đình công đòi tăng lương thêm 50%. Ðầu tuần này, hãng Honda đã đề nghị tăng 24% nhưng công nhân chưa chấp nhận. Vì thiếu bộ phận, các nhà máy khác của Honda trên toàn quốc đã phải ngưng hoạt động. Giới công nhân khám phá ra sức mạnh của họ, khi họ theo dõi tin tức trên mạng lưới Internet thấy người lao động ở các nơi khác đã tranh đấu và thành công. Phần lớn các công nhân Honda ở đây đều thuộc lớp tuổi 20, mới tốt nghiệp trường trung học hay trường dậy nghề. Từ tuần trước, các nhà báo Trung Quốc tụ tập trước cửa xưởng máy ở Phật Sơn suốt ngày đêm, nhưng hiện giờ họ đã được lệnh không được loan tin nữa.
Tại nhà máy Honda ở Phật Sơn chuyên sản xuất bộ phận đổi tốc độ (transmission), gần 2,000 công nhân đình công đòi tăng lương thêm 50%. Ðầu tuần này, hãng Honda đã đề nghị tăng 24% nhưng công nhân chưa chấp nhận. Vì thiếu bộ phận, các nhà máy khác của Honda trên toàn quốc đã phải ngưng hoạt động. Giới công nhân khám phá ra sức mạnh của họ, khi họ theo dõi tin tức trên mạng lưới Internet thấy người lao động ở các nơi khác đã tranh đấu và thành công. Phần lớn các công nhân Honda ở đây đều thuộc lớp tuổi 20, mới tốt nghiệp trường trung học hay trường dậy nghề. Từ tuần trước, các nhà báo Trung Quốc tụ tập trước cửa xưởng máy ở Phật Sơn suốt ngày đêm, nhưng hiện giờ họ đã được lệnh không được loan tin nữa.
Nhà báo trong lục địa Trung Hoa cũng giống như ở Việt Nam, càng bị chính quyền Cộng Sản kiểm soát chặt chẽ thì càng uất ức, được cơ hội là họ tìm cách phá rào. Xưa nay giới truyền thông vẫn bị cấm không được loan tin về các cuộc đình công, chỉ có các nhà báo tự do trên mạng làm việc đó. Bây giờ, khi các vụ đình công mới xảy ra, họ bèn loan báo tin tức đầy đủ để khỏi hổ thẹn với các đồng nghiệp trên mạng; cho tới khi lệnh cấm được ban ra. Một lý do khiến chính quyền Trung Quốc thả lỏng lúc đầu cho loại tin “bén nhậy” này được loan báo đầy đủ, là vì đây là một công ty Nhật Bản; mà người Trung Hoa thường vẫn ghét người Nhật. Nhưng còn một lý do nữa là đảng Cộng Sản Trung Quốc phải chấp nhận một sự thật là họ không thể giúp các nhà tư bản ngoại quốc bóc lột giới lao động trong nước họ mãi được. Chính đảng Cộng Sản sẽ phải bắt đầu lo thỏa mãn những nguyện vọng của giới công nhân, không phải vì lòng nhân đạo mà vì những lý do khách quan bắt buộc, không tránh được.
Một yếu tố khách quan là lực lượng lao động ở Trung Quốc đang bắt đầu thiếu, số thanh niên bước vào tuổi làm việc thấp hơn, sẽ tạo động lực cho giới lao động tranh đấu cho quyền lợi của họ mạnh mẽ và có hiệu quả hơn. Nếu các công nhân thành công, họ sẽ giúp cho nền kinh tế Trung Hoa được quân bình, xã hội sẽ hòa hài hơn, nhưng họ vẫn bị có nhóm lãnh đạo trong đảng Cộng Sản chống lại vì họ không thể tiếp tục chính sách kinh tế của đảng được nữa. Kinh tế Trung Hoa phát triển nhanh trong 30 năm qua dựa trên chính sách xuất cảng thật nhiều để thu ngoại tệ. Muốn bán hàng dễ dàng ra ngoại quốc, các xí nghiệp trả lương công nhân rất thấp. Từ 30 năm nay hàng trăm triệu thanh niên từ nông thôn tìm ra thành phố làm việc, sẵn sàng nhận bất cứ số lương nào. Lương thấp khuyến khích tư bản ngoại quốc đem tiền đầu tư, giúp cho guồng máy xuất cảng chạy mạnh hơn. Ít nước nào trên thế giới mà lương trả cho người lao động lại chiếm phần thấp như ở Việt Nam và Trung Quốc. Trong khi Tổng Sản Lượng Nội Ðịa Trung Hoa tăng thêm 12% trong ba tháng đầu năm nay, lương bổng của công nhân tăng chưa được 10%. Giới lao động không có quyền tự do lập hội để đòi hỏi tăng lương, vì việc lập công đoàn là một độc quyền đảng Cộng Sản. Cũng như ở Việt Nam, công đoàn Cộng Sản đóng vai điều khiển công nhân nhưng chỉ hợp tác với giới chủ nhân ngoại quốc.
Tình trạng lương bổng thấp đã được đưa lên mặt báo ở Trung Quốc một cách rầm rộ sau khi bản tin về những vụ tự tử của công nhân ở một nhà máy của hãng Foxconn ở Thẩm Quyến làm chấn động cả Trung Quốc lẫn Ðài Loan. Công ty này chuyên sản xuất các bộ phận điện tử, tên là Hồng Hải Tinh Mật Công ty, do vốn của Ðài Loan, nhà máy ở Thẩm Quyến sử dụng 300,000 công nhân. Trên toàn quốc, Hồng Hải có 20 nhà máy, với 800,000 công nhân khắp các tỉnh, cung cấp bộ phận cho các công ty quốc tế từ Apple đến Sony, Nokia, HP và Dell. Có thể nói, Hồng Hải là một cột trụ của hầu hết kỹ nghệ điện tử thế giới, giúp các công ty ngoại quốc làm giàu và người tiêu thụ ở Mỹ và Âu Châu được mua những iPad, điện thoại di động, playstation, vân vân, rẻ tiền hơn. Nhưng cả các nhà tư bản và giới tiêu thụ nước ngoài đã được hưởng lợi trên mồ hôi nước mắt của người lao động Trung Quốc, với sự đồng tình của đảng Cộng Sản nước này. Từ đầu năm 2010 tới cuối Tháng Năm có 12 công nhân trẻ tự tử, 10 người chết khi nhảy từ lầu cao khu cư trú xuống đất. Công ty đã phải làm một hàng rào chung quanh ngôi nhà cư xá công nhân để ngăn không cho người tự tử rớt xuống đất, nhưng làn sóng tự tử vẫn tiếp tục.
Công ty Hồng Hải được điều khiển theo lối quân sự theo lối của đảng Cộng Sản Trung Hoa cai trị nước Tàu: Tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh cấp trên. Các công nhân được nuôi trong những “doanh trại” với khu nhà ngủ chen chúc, ăn cơm do công ty nấu (với một nhà bếp lớn nhất Á Châu), mỗi đợt ăn theo giờ nhất định, công nhân bị hạn chế số lần đi tiểu trong mỗi ca làm việc, nhà ngủ bị đóng cửa suốt ngày. Tuần trước, tổng giám đốc công ty, một nhà tỷ phú tự lập 60 tuổi từ Ðài Loan bay sang thăm nhà máy Thẩm Quyến để trấn an các nhà đầu tư và các công ty khách hàng. Ông ta gặp gỡ, ủy lạo và hứa hẹn với các công nhân, dẫn các nhà báo đi thăm nhà máy để chứng tỏ công ty đối xử nhân đạo; nhưng ông ta vừa đi khỏi thì một công nhân trẻ đã nhảy lầu tự tủ, mặc dầu nhiều người bạn đã đoán trước và tìm cách canh giữ anh ta ngày đêm từ mấy hôm trước.
Một sự thật khách quan là giới công nhân trẻ ở Trung Hoa đã thay đổi sau 30 năm đổi mới kinh tế. Những thanh niên từ nhà quê ra tỉnh làm việc chưa hề nhúng tay vào việc đồng áng; họ cũng không phải trải qua, không phải chứng kiến cảnh sống cơ cực của cha anh họ trong thời đảng Cộng Sản còn theo chủ nghĩa xã hội kiểu Mao Trạch Ðông. Cho nên họ mang những ước vọng cao hơn và dễ thất vọng khi sống cuộc đời quá cơ cực, mà không nhìn thấy tương lai sáng sủa nào.
Hiện tượng công nhân tự tử khiến chính quyền Cộng Sản Bắc Kinh lo ngại. Ông Dương Lập Hùng, một giáo sư chuyên khảo cứu về mạng lưới an sinh xã hội trong Ðại Học Nhân Dân ở Bắc Kinh nhận xét rằng các vụ tự tử này chỉ là phần nổi bật của những vấn đề xã hội căn bản trong nước Trung Hoa. “Nước ta đang làm một cuộc chạy đua (với các nước khác) đi xuống chỗ ngày càng thấp hơn; vì lợi thế duy nhất của chúng ta là giá lao động rẻ; do đó tất cả công cuộc phát triển kinh tế đặt trên nền tảng những xưởng mồ hôi (sweatshops).” Muốn thay đổi tình trạng đó, Giáo Sư Dương Lập Hùng nói, đảng Cộng Sản phải thay đổi chính sách kinh tế, phải dựa trên nguyện vọng của tầng lớp dưới cùng của xã hội, là giới lao động, thay vì chỉ dựa trên ý muốn của tầng lớp lãnh đạo trên cùng.
Ðó cũng là điều mà các công nhân ở hãng Honda đang đòi hỏi. Trong bốn tháng đầu năm nay, số tiền thu của Honda bán xe trong thị trường Trung Hoa tăng thêm 40%, công ty dự trù sẽ mở thêm xưởng ráp xe tăng sản lượng 30% trong 2 năm tới. Trong khi công ty đang lên như vậy, các công nhân cũng nhận thấy sức mạnh tập thể của họ cũng tăng lên vì số cung cấp lao động rẻ tiền ở Trung Quốc đang xuống.
Số nhân lực làm việc ở Trung Quốc, trong lớp tuổi từ 15 đến 64 đã lên đến đỉnh cao nhất, chiếm 71% dân số; và đang bắt đầu khuynh hướng giảm dần. Vì chính sách hạn chế một con của đảng Cộng Sản nên gần đây số người bước vào tuổi lao động thấp hơn những năm trước, khi bắt bắt đầu cải tổ. Hiện nay toàn quốc có 378 triệu người dân trong lớp tuổi từ 40, 50 trở lên; nhưng lớp người từ 20 trở xuống chỉ có 273 triệu. Trong giới lao động, có 122 triệu công nhân từ 20 đến 24 tuổi, nhưng chỉ có 106 triệu công nhân từ 15 đến 19. Ngoài vấn đề số sinh giảm trong mấy chục năm gần đây, còn hai nguyên nhân nữa khiến số lượng công nhân rẻ tiền ở Trung Quốc phải xuống. Thứ nhất là nhiều thanh niên sẽ đi làm trễ hơn để đi học; thứ hai là số phụ nữ đi làm đã tăng đến tột đỉnh, với tỷ lệ 70%, tỷ lệ đó chỉ có thể xuống thấp hơn chứ không tăng.
Những điều kiện khách quan này sẽ là một áp lực bắt đảng Cộng Sản Trung Hoa phải thay đổi chính sách kinh tế, đồng thời sẽ là cơ hội cho giới công nhân đứng lên tranh đấu đòi các quyền tự do mới. Ðiều này đã được tiết lộ khi báo Hoàn Cầu Thời Báo (bản tiếng Anh tên là Global Times) là một tờ báo thuộc nhật báo Nhân Dân, trong tuần qua đã phải viết một bài xã luận công nhận là “Trong 30 năm đổi mới vừa qua, giới lao động nhận được phần nhỏ nhất trong công cuộc phát triển kinh tế. Các vụ ngưng sản xuất tại bốn nhà máy Honda cho thấy nhu cầu cấp bách phải tổ chức bảo vệ giới công nhân.”
Một nhà tranh đấu cho quyền lợi công nhân ở Trung Hoa là ông Hàn Ðông Phương (Han Dongfang), đang sống tại Hồng Kông cũng nhân dịp này lên tiếng kêu gọi giới lao động phải giành lấy quyền thương thuyết tập thể để tự bảo vệ quyền lợi, thay vì để cho công đoàn của đảng Cộng Sản độc quyền đại diện cho họ. Ông Hàn Ðông Phương vốn là một thợ điện tranh đấu tự do nghiệp đoàn, ông đã bị tù sau khi tham dự các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989; sau khi ra tù phải lánh nạn ở Hương Cảng nhưng vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh cho người lao động trong lục địa.
Giới lao động ở lục địa Trung Hoa mới chỉ hạn chế các cuộc đấu tranh trong phạm vi kinh tế, không có những vận động chính trị như các công nhân Ba Lan năm 1980. Nhưng các quyền lợi kinh tế sẽ thúc đẩy người ta mạnh hơn, khi nhìn thấy những cuộc đấu tranh của công nhân ở Honda và Hồng Hải thành công. Hồng Hải nhưng đã phải tăng lương trung bình 20%, Honda xin tăng 24% nhưng chưa được chấp nhận. Các điều kiện khách quan về dân số đang gia tăng sức mạnh cho người lao động, sẽ buộc đảng Cộng Sản Trung Hoa phải nhượng bộ. Họ sẽ phải tiến tới việc công nhận quyền lập công đoàn của người lao động. Khi đảng Cộng Sản chịu mất một thứ độc quyền trong hệ thống cai quản hơn một tỷ người, xã hội Trung Quốc sẽ thay đổi.
Ngô Nhân Dụng