Người xưa có câu “văn chương thiên cổ sự”, văn chương là chuyện muôn đời. Muôn đời, vì văn chương đóng góp vào di sản tinh thần quí báu của con người. Chúng ta có mặt ngày hôm nay ở đây cũng là để bày tỏ tấm lòng trân quí với văn phẩm và nhà văn. Bảo Lộc xin trân trọng giới thiệu nhà biên khảo văn học Trần Bích San nói về tập tùy bút Trên Ngọn Tình Sầu của thi sĩ Du Tử Lê.
Giới thiệu tác phẩmTrên Ngọn Tình Sầu, tùy bút Du Tử Lê
Kính thưa quí vị,
Thưa các bạn,
Hôm nay, ngày ra mắt tác phẩm văn xuôi mới nhất của thi sĩ Du Tử Lê, tôi được ban tổ chức và tác giả có nhã ý mời lên đây thưa chuyện cùng quí bạn. Tôi cố tìm một câu mở đầu khác với lối nói thông thường, nhưng, thú thật, đã thất bại trong việc tìm kiếm một lời chính xác, trung thực hơn.
Vậy thì, thưa các bạn, thực là một vinh dự lớn lao cho tôi được gặp các bạn. Sự hiện diện đông đảo một cử tọa phẩm chất trong không khí thân mật của tư gia cô Phương Liên đã nói lên sự ưu ái và lòng quí mến các bạn dành cho nhà thơ.
Thưa các bạn,
Tùy bút có nghĩa tùy hứng mà phóng bút, là loại văn rất phóng khoáng. Tâm viên ý mã, lan man theo dòng tư tưởng tiện gì viết nấy, tùy suy nghĩ mà giãi bày tâm tình.
Ý nghĩ và sự tưởng tượng miên man theo ngòi bút từ việc này lan sang chuyện khác nhẹ nhàng như làn gió thoảng, như mây trời lang thang. Một buổi chiều mưa, sương mù trên sông nước, một nơi chốn kỷ niệm, sự hối hận ray rứt hay nỗi nhớ khôn nguôi…bất kỳ cảnh vật, sự việc hay rung động của tâm hồn cũng có thể trở thành đề tài cho tùy bút.
Tùy bút có chiều dài như truyện ngắn, trong cả hai, vết tích việc làm văn biến đi mất hút trong cái tương đối và trừu tượng. Truyện ngắn cần có một câu chuyện được cấu tạo cẩn thận và thuần nhất, nhưng tùy bút không cần, nó gần như truyện không có chuyện của Katherine Mansfield. Tùy bút tuy khác nhưng rất gần gũi với truyện ngắn và thơ. Gần với truyện ngắn ở chỗ chữ nghĩa cô đọng, đãi lọc khó khăn như lối chọn từ trong thơ. Gần với thơ vì văn tùy bút mang nhiều chất thơ và có âm điệu như thơ.
Tùy bút không phải là ký sự, truyện ký hay bút ký. Trong tùy bút có sự việc, có thực tại giống như ký sự, nhưng lại không lý đến yếu tố thời gian. Ghi chép sự việc là điều không quan trọng với tùy bút, nó không nhằm ghi nhận thực tại mà cũng chẳng cần đi sát với thực tại. Tùy bút cũng không phải là phiếm luận. Nó có những lý luận như phiếm nhưng là tùy hứng mà suy luận, không nhằm chủ ý biện luận. Tóm lại, tùy bút là kết hợp mỗi thứ một chút của thể phiếm, bút ký, truyện ký, nhật ký, tạp ký, tạp bút, tạp luận, ký sự, truyện ngắn và thơ.
Tùy bút phóng túng như thế nên tưởng dễ viết, ngược lại, tùy bút khó viết nhất trong các loại văn xuôi. Chọn viết tùy bút là việc làm phiêu lưu của nhà văn bởi chỉ có hai mặt: thành công hay thất bại. Tùy bút không có cốt truyện nên phải viết sao cho hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, phải thanh nhã, tự nhiên, có duyên và ý vị. Quan trọng hơn cả, tùy bút phải có nghệ thuật cao, truyện ngắn hoặc truyện dài không hay thì vẫn là tiểu thuyết, thơ dở vẫn là thi ca, còn tùy bút thiếu nghệ thuật thì không còn là tùy bút, cũng ví như phở không có mùi phở. Đó là lý do tại sao người viết tùy bút nước ta không nhiều.
Thể tùy bút không phải chỉ mới xuất hiện gần đây trong văn học Việt Nam. Từ hậu bán thế kỷ thứ 18, Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ được coi là tác phẩm đầu tiên viết dưới dạng tùy bút. Đầu thế kỷ thứ 20, vào những năm 1916, 1917 Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu viết nhiều bài phiếm có tính cách bút ký trên tờ Đông Dương Tạp Chí của Nguyễn Văn Vĩnh. Sau đó, vào thập niên 1930, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc cũng viết theo lối của Tản Đà nhưng sâu sắc hơn trên tờ Đông Tây của Hoàng Tích Chu, nhưng những bài văn của Tản Đà và Lãng Nhân không được coi là tùy bút. Phải chờ tới 1939, khi những bài viết của Nguyễn Tuân với giọng tài hoa, sâu cay, khinh bạc xuất hiện ngay từ số đầu trên tạp chí văn học Tao Đàn của nhà Tân Dân thì thể tùy bút mới thực sự có thế giá, chính thức trở thành loại văn riêng biệt trong văn học nước ta. Sau họ Nguyễn một thời gian khá dài, trước 1975, người đọc ở miền Nam VN mới có dịp được thưởng thức văn tùy bút của Võ Phiến, Mai Thảo… ở hải ngoại mảnh vườn văn học tùy bút có thêm Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Dược Thảo, và hôm nay, Du Tử Lê.
Du Tử Lê đã dùng bài thơ của ông “67, khúc thêm cho huyền châu”, sau đổi thành “trên ngọn tình sầu”, được Từ Công Phụng phổ nhạc, để đặt tên cho tập tùy bút. Không phải chỉ tên tác phẩm đọc lên như thơ, tập tùy bút gồm 8 bài thì một nửa mang tựa đề bằng những câu thơ của chính ông: tóc trên đầu vẫn từng ngọn riêng tây/thả nốt vầng trăng xuống đáy vườn/mỗi chúng ta là một vùng đất trũng/biệt, ly kia, em ạ: để quay về.
Về bố cục, Trên Ngọn Tình Sầu rất cân đối: 4 bài về các bạn Nguyễn Mạnh Hùng, Thảo Trường, Duy Thanh, Cao Xuân Huy, 4 bài về chị, mẹ, người hôn phối, và người yêu đầu đời. Nó phản ảnh 2 điều quan trọng trong đời sống thực của ông: tình bạn và tình yêu. Những bài viết về những người thân là tâm sự, tình yêu của một tâm hồn nhạy cảm, là tiếng nấc nghẹn thiết tha, là lát cày bới sâu đến tận đáy cảm nghĩ của ông. Văn phong những bài này rất thơ, hay có thể nói, gần như một bài thơ tự do dài. Bản chất Du Tử Lê là thi sĩ nên văn tùy bút mang nhiều chất thơ không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng chính vì thế văn ông hợp với thể tùy bút, vốn đòi hỏi bay bướm, lãng mạn và trữ tình.
Tôi muốn nhấn mạnh ở đây một đặc điểm khác trong văn tùy bút Du Tử Lê mà trong quá khứ chưa tác giả nào mạo hiểm: việc áp dụng điệp văn. Đây là sáng tạo độc đáo và táo bạo, nó chứng tỏ tác giả không ngừng khai phá, cách tân trong cả hai lãnh vực thi ca lẫn tùy bút. Thường thì nhà văn, nhà thơ tránh việc dùng điệp ngữ, ngoại trừ để nhấn mạnh ý nghĩa, âm thanh, việc lập lại nguyên một đoạn văn dài trong văn xuôi, theo sự hiểu biết của tôi, chưa có ai sử dụng. Âm nhạc có điệp khúc nhưng lời 2 bao giờ cũng khác với lời 1. Trong 8 bài tùy bút có 3 bài ông dùng điệp văn. Ít nhất 1 lần trong “tóc trên đầu vẫn từng ngọn riêng tây”, nhiều nhất 4 lần trong “thả nốt vầng trăng xuống đáy vườn”. Đặc biệt hơn cả, trong “Biệt, ly kia, em ạ: để quay về” dài 14 trang mà có tới 4 đoạn văn khác nhau được lập lại trong bài.
Trước đây, Du Tử Lê đã làm mới thi ca bằng ngữ pháp, ngắt câu, phân cảnh, bây giờ ông sáng tạo văn xuôi với lối ráp nối điệp văn thật tuyệt vời, đúng chỗ, đúng lúc, hơi văn vẫn tự nhiên và thuần nhất. Nghệ thuật khéo đến độ, dù biết, người đọc vẫn say sưa thưởng thức liên tục, các đoạn điệp văn tưởng như chỉ biết phục vụ cho dụng ý tăng độ thẩm thức, cảm nhận. Nó xô âm hưởng trầm buồn vang vọng “như cuộc rượt đuổi bất tận của bâng khuâng những mối sầu, xưa” (1), nó đẩy hình ảnh lẫn cảm xúc lan tỏa đầy hồn chúng ta như “đêm trải từng lớp sương mỏng, như giấy quyến lên mặt hồ”(2)…
Trên Ngọn Tình Sầu còn rất nhiều điều đáng được đề cập tới, nhưng nói thêm chỉ là sự vi phạm cái thú thưởng văn của độc giả. Văn tùy bút Du Tử Lê chất chứa nhiều lôi cuốn, mê hoặc, chiều sâu các con chữ mang hình tượng, ẩn dụ luôn luôn mời gọi khám phá thích thú của người đọc. Tùy bút không thể đọc nhanh như các loại văn khác, với Trên Ngọn Tình Sầu, không những cần chậm rãi, thư thả mà ta còn phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Cũng ví như thú uống trà trong sương sớm đòi hỏi nhàn tản, từ tốn mới cảm nhận đến tận cùng hương vị của thứ trà quí ngấm dần vào khứu và vị giác chúng ta.
Văn tùy bút Du Tử Lê có những biến thái, lúc nhẹ nhàng vắn tắt, lúc quanh co dài dòng phô diễn tư tưởng phức tạp bằng một thứ ngôn ngữ độc đáo, mới lạ, nhưng lúc nào cũng chau chuốt, nghệ thuật. Tùy bút Du Tử Lê thấp thoáng cái khinh bạc Nguyễn Tuân, đầy ắp cái lãng mạn bóng bẩy Mai Thảo, nhưng vẫn mang phong cách riêng, rất rõ nét nhân cách của ông. Tác phẩm và thời gian đã đủ định vị Du Tử Lê trong lãnh vực thi ca, với Trên Ngọn Tình Sầu, ông còn chứng tỏ tài hoa cả trong loại văn tùy bút nữa.
Thưa các bạn,
Tôi và Du Tử Lê cùng học trường Hàng Vôi cây bàng lá đỏ Hànội, đều xuất thân Chu Văn An Sàigòn, nhưng chỉ quen biết nhau vào những năm cuối thập niên 60. Sàigòn ngày ấy chúng tôi có thói quen gặp nhau ở quán La Pagode đường Tự Do. Ở đó, những chiều mưa to gió lớn lá me bay đầy trời, những sáng cuối tuần nắng thủy tinh lung linh hè phố, tôi đã cà phê thuốc lá văn nghệ văn gừng với Trần Lam Giang, Phạm Trọng Phúc, Nguyễn Bá Trạc, Đào Quý Châu, Bùi Bảo Trúc, Phan Nhật Nam…Ở đó, Du Tử Lê có lúc đã nhỏ nhẹ cho tôi nghe một vài câu thơ bật ra từ trái tim vốn nòi tình của anh.
Những ngày xanh xưa ấy chúng tôi còn trẻ, mái tóc còn rất xanh, mới phơi phới vào đời chưa đầy 10 năm, mang theo bao mộng ước và lý tưởng tuổi trẻ. Đã hơn 40 năm qua, vào cái tuổi bắt đầu phải sửa soạn cho một chuyến đi thật xa không mang theo hành lý, tôi thật cảm khái và không ngờ hôm nay lại có dịp giới thiệu tác phẩm một người bạn của những ngày tháng cũ.
Ở Sàigòn ngày trước, tôi nói chuyện văn nghệ cùng các bạn tôi với tính cách trà dư tửu hậu. Ở đây, hôm nay,
mái tóc không xanh nữa
đã biết yêu thương, đã nợ nần (3)
tôi bàn một cách trang trọng về tập tùy bút của một nhà thơ lớn, một thi sĩ có địa vị vững vàng trên văn đàn, một tác giả, mà, mai sau dù có bao giờ (4), khi đất nước chúng ta không còn chế độ Cộng Sản, một bộ văn học sử nghiêm túc nếu thiếu vắng sự hiện của bạn tôi sẽ là một khiếm khuyết không nhỏ, một hà tì cho công trình biên soạn.
Xin cám ơn quí vị và các bạn.
©Trần Bích San [TS. Trần Gia Thái]
© www.Vietthuc.org
Virginia Oct. 22, 2011
Chú thích:
(1) Trên ngọn tình sầu, trang 71
(2) Trên ngọn tình sầu, trang 24
(3) Thơ, Hoàng Hải Thủy
(4) Truyện Kiều, Nguyễn Du
Tham khảo:
– Bùi Vĩnh Phúc, Lý Luận và Phê Bình, Hai Mươi Năm Văn Học Nước Ngoài, nxb Văn Nghệ, California, Hoa Hỳ, 1996.
– Du Tử Lê, Trên Ngọn Tình Sầu, Tùy Bút, nxb H.T. Productions, California, Hoa Kỳ, 2011.
– Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, nxb Anh Phương, Sàigòn, 1965.
– Võ Phiến, Tùy Bút I & II, nxb Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ. 1986.
– Võ Phiến, Văn Học Miền Nam, Tổng Quan, in lần thứ 3, nxb Văn Nghệ, California, Hoa kỳ, 2000.
– Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại, tái bản lần thứ 3, nxb Thăng Long, Sàigòn, 1959.
5 Comments
Lão Gia
Tôi không nghĩ bà Hoàng Dược Thảo là một cây viết tùy bút. Dưới bút hiệu Đào Nương, bà thường viết những bài báo trên Saigon Nhỏ có tính cách “đâm bị thóc, chọc bị gạo”. Thế thôi. Nếu cho bà ấy là nhà tùy bút, tôi sợ Nguyễn Tuân sẽ đội mồ sống dậy mà…cười ha hả.
Angelina Nguyen
Bài giới thiệu của Biên Khảo Gia TBS về tác phẩm “TNTS” của nhà thơ DTL rất là lôi cuốn,tôi đã đọc say mê từ đầu đến cuối.
Phần mở đầu ông TBS đã nói sơ về tuỳ bút trước khi ông đi vào tác phẩm đã giúp tôi hiểu rõ hơn về lối văn rất phóng khoáng và nhiều chất thơ này. Cách mở đầu như vậy làm độc giả không bị bỡ ngỡ và sẽ tò mò thích thú tìm đọc cái loại văn chương khó khăn mà DTL cho ra mắt.
Kế đó ông đã nói rõ ràng bố cục và những đặc điểm về những bài tùy bút của DTL. Ông cũng đã cho độc giả thấy những nét hay và mới lạ của DTL, chẳng những trong thơ mà còn trong tùy bút. Điểm mới lạ của DTL mà ông TBS nói tới cũng lại tăng thêm sự tò mò nữa của tôi về cuốn sách này.Điệp ngữ DTL đã dùng như thế nào mà ông TBS đã khen là phục vụ cho dụng ý tăng độ thẩm thức,cảm nhận v.v.
Đoạn chót tôi thật sự mũi lòng khi đọc những tâm tình của ông về tình bạn và những kỷ niệm của hai ông thời niên thiếu. Câu ông TBS viết: “…về tập tùy bút của một nhà thơ lớn, một thi sĩ có địa vị vững vàng trên văn đàn, một tác giả, mà, mai sau dù có bao giờ (4), khi đất nước chúng ta không còn chế độ Cộng Sản, một bộ văn học sử nghiêm túc nếu thiếu vắng sự hiện của bạn tôi sẽ là một khiếm khuyết không nhỏ, một hà tì cho công trình biên soạn”. Tôi đọc mà mừng cho văn học sủ VN có thêm một tác phẩm lớn để biên soạn vì tôi thật sự rất tin tưởng vào sự nhận xét tài tình của ông TBS, một nhà biên khảo tài giỏi và có uy tín.Tôi đã đọc nhiều công trình nghiên cứu văn học của ông TBS trên các sách báo, các website. Tôi cùng các bạn bè của tôi rất khâm phục và biết ơn những gì ông TBS đã để lại cho nền văn học VN.
Xin cám ơn ông TBS đã giới thiệu và xin cám ơn ông DTL đã sáng tác.
Kính quý,
Angelina Nguyen
william
Thưa Lão Gia,
Tôi đồng ý với ông khi viết những bài phiếm luận bà Hoàng Dược Thảo có bút hiệu là Đào Nương. Tuy nhiên, đúng như nhà Biên Khảo Văn Học Trần Bích San đã nhận định ở trên, bà Hoàng Dược Thảo đã viết rất nhiều những bài tùy bút thật giá trị đăng trên SàiGòn Nhỏ cả 20 năm nay.Tôi đã được đọc nhiều bài tùy bút rất hay của bà rồi và tôi thấy số lượng những bài tùy bút của bà còn nhiều gấp đôi số lượng những bài tùy bút của ông Du Tử Lê mà nhà Biên Khảo TBS đã giới thiệu trong bài nói chuyện của ông ấy.Vì vậy tôi đồng ý hoàn toàn với nhà Biên Khảo Văn Học TBS về những đóng góp quá lớn của bà HDT cho nền văn học VN tại hải ngoại này. Những bài tùy bút của bà cần được trân quý và lưu truyền lại cho thế hệ sau học hỏi và làm những công trình biên soạn.
Ai Phuong
Oct 28, 2011 at 11:30 pm
Tac pham ” Tren Ngon Tinh Sau ” tap tuy but moi cua Thi si Du Tu Le
da duoc nha Bien Khao Van Hoc Tran Bich San mo ta tung chu, tung cau
kheo leo, ro rang.
Loi dien giai cua Ong TBS, da loi cuon su to mo cua nguoi doc,
Rieng toi, cung hieu them ve loi van nay, rat cam on ong.
Van Hoc VN, co duoc mot nha Bien Khao nhu Ong TBS, that quy hoa.
Ai Phuong
Uyên Phương Minh Nguyệt
Bài giới thiệu của TBS về tập tùy bút của DTL ngoài tính văn học cao, còn một điều đặc biệt mà ít người để ý. Đó là TBS đã sử dụng lối tùy bút, xin đơn cử vài đoạn văn của ông:
– “Ý nghĩ và sự tưởng tượng miên man theo ngòi bút từ chuyện này lan sang chuyện khác nhẹ nhàng như làn gió thoảng, như mây trời lang thang. Một buổi chiều mưa, sương mù trên sông nước, một nơi chốn kỷ niệm, sự hối hận ray rứt hay nỗi nhớ khôn nguôi…cũng có thể trở thành đề tài cho tùy bút”
– “Nó xô âm hưởng trầm buồn vang vọng “như cuộc rượt đuổi bất tận của bâng khuâng những mối sầu, xưa” (1), nó đẩy hình ảnh lẫn cảm xúc lan tỏa đầy hồn chúng ta như “đêm trải từng lớp sương mỏng, như giấy quyến lên mặt hồ”(2)
– “Ở đó, những chiều mưa to gió lớn lá me bay đầy trời, những sáng cuối tuần nắng thủy tinh lung linh hè phố”
– “Những ngày xanh xưa ấy chúng tôi còn trẻ, mái tóc còn rất xanh, mới phơi phới vào đời chưa đầy 10 năm, mang theo bao mộng ước và lý tưởng tuổi trẻ. Đã hơn 40 năm qua, vào cái tuổi bắt đầu phải sửa soạn cho một chuyến đi thật xa không mang theo hành lý, tôi thật cảm khái và không ngờ hôm nay lại có dịp giới thiệu tác phẩm một người bạn của những ngày tháng cũ.
– “Ở Sàigòn ngày trước, tôi nói chuyện văn nghệ cùng các bạn tôi với tính cách trà dư tửu hậu. Ở đây, hôm nay,
mái tóc không xanh nữa
đã biết yêu thương, đã nợ nần ”
Phê bình tác phẩm tùy bút mà TBS viết theo lối tùy bút thì quả thật công phu và đặc sắc. Chính vì thế bài viết của ông lôi cuốn người đọc.
UPMN