“ Nền Cộng Hoà nhận biết các quyền của gia đình như là xã hội tự nhiên, được xây dựng trên hôn nhân.
Hôn nhân được đặt nền tảng trên bình đẳng luân lý và pháp lý giữa hai vợ chồng, các giới hạn được luật lệ xác định nhằm bảo đảm sự hợp nhứt của gia đình” (Điều 29, đoạn 1 và 3 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Chúng tôi vừa trích dẫn nội dung và xuất xứ điều khoản đầu tiên của một loạt các điều khoản định chế cho tổ ấm gia đình, tổ chức sống xã hội tự nhiên của con người,
– “ nhận biết các quyền của gia đình như là xã hội tự nhiên”,
bất cứ ở đâu và bất cứ dưới thời đại nào.
Gia đình là “ xã hội tự nhiên” của con người.
Điều đó có nghĩa là gia đình là nơi con người được sinh ra trong tình thương yêu, bảo bọc, nuôi nấng, dạy dỗ, giáo dục, chuẩn bị để lớn lên, hợp với bản tính con người để phát triển chính mình và sống liên đới, cộng tác với những con người khác trong Cộng Đồng Quốc Gia và Cộng Đồng Thế Giới.
Điều 29 vừa được trích dẫn là điều khoản đầu tiên, được tiếp nối bằng hai điều 30 và 31 xác định quyền và nhiệm vụ của cha mẹ đối với con cái, cũng như bổn phận của tổ chức Quốc Gia trợ lực cha mẹ chu toàn bổn phận của mình.
Đó là những gì chúng ta có thể tìm thấy được dễ dàng trong phần đầu của Tiếc Mục III, định chế luân lý và xã hội của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc.
Nhưng những gì Hiến Pháp đề cập đến gia đình không phải chỉ có vậy.
Các tư tưởng liên quan đến gia đình tiềm tàng trong nhiều điều khoản khác trong suốt văn bản của Hiến Pháp, liên quan đến lý tưởng về con người và về tổ chức cuộc sống xã hội, xứng đáng với nhân phẩm con người, lý tưởng mà Hiến Pháp 1947 Ý Quốc nêu lên trong các điều khoản đầu tiên, như là nền tảng trên đó xây dựng Quốc Gia.
Điều đó cho thấy gia đình là yếu tố cấu trúc thiết yếu và “ tự nhiên ” để phát triển con người và xây dựng Quốc Gia, môi trường sống nơi đó các giá trị của con người được “ nhận biết và bảo vệ ” (Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Đó là những gì chúng ta muốn tìm hiểu, giúp chúng ta có được những tư tưởng định hướng cho tương lai đất nước mà chúng ta muốn xây dựng cho Việt Nam, một thể chế trong đó tổ chức Quốc Gia, gia đình, xã hội, đều được quy hướng để phục vụ con người, chủ thể tối thượng và là chủ nhân của quyền lực Quốc Gia, một thể chế Nhân Bản và Dân Chủ cho dân tộc.
Sau khi xác nhận gia đình là “ tổ chức xã hội tự nhiên ” của con người, được đặt nền tảng trên hôn nhân với các quyền tự nhiên của mình mà Quốc Gia nhận biết (Điều 29, đoạn 1 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc), Quốc Gia xác nhận vị trí pháp nhân của hôn nhân là quyền bình đẳng giữa hai vợ chồng, bình đẳng trên luân lý và bình đẳng trước luật pháp, được luật pháp đứng ra bảo đảm và xác định để bảo vệ sự hợp nhứt của gia đình.
Nói cách khác, sau khi xác định vị trí của tổ chức gia đình trong Cộng Đồng Quốc Gia, là “ tổ chức xã hội tự nhiên” của con người, tổ chức gia đình có những quyền tự nhiên của mình, không do Quốc Gia thiết định hay phân phát, tùy thuộc cơ chế “ xin-cho ”, mà là những quyền tự nhiên đi liền với bản tính con người, với bản tính gia đình được con người thành lập.
Do đó, Quốc Gia có bổn phận
– “ nhận biết các quyền của gia đình như là xã hội tự nhiên ”.
Một trong những quyền tự nhiên vừa kể, được điều 29 đề cập, đó là quyền hợp nhứt của hai vợ chồng, yếu tố cấu trúc tiên khởi của gia đình, phải được bảo vệ:
– “…các giới hạn được luật lệ xác định, nhằm bảo vệ sự hợp nhứt của gia đình ” (Điều 29, đoạn 2b, id.).
Gia đình hợp nhứt là môi trường lý tưởng để con người được sinh ra, nuôi dưỡng, giáo dục và lớn lên, triển nở chính mình về mọi mặt, đức dục, thể dục và trí dục, cũng như được dạy dỗ trong chiều hướng, hướng thiện và hướng thiên và hướng tha, đặc tính làm cho con người trổi hơn những tạo vật khác.
Đó là những gì Hiến Pháp 1947 Ý Quốc liệt kê kế tiếp như là quyền và bổn phận của cha mẹ đối với con cái:
– “ Cha mẹ có bổn phận và quyền nuôi nấng, dạy dỗ và giáo dục con cái, ngay cả đối với những đứa con sinh ra ngoài hôn nhân” (Điều 30, đoạn 1, id.).
Những đứa con sinh ra là con người, con hợp pháp hay con ngoại hôn cũng vậy:
– “ Pháp luật bảo đảm cho những đứa con ngoại hôn mọi tư các pháp lý và xã hội, cũng được hưởng các quyền như thành phần hợp pháp trong gia đình ” (Điều 30, đoạn 3).
Đã là con người trong Cộng Đồng Quốc Gia, con người sinh ra hợp pháp hay ngoại hôn cũng vậy, con người đó được tổ chức quốc Gia nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của mình, là những quyền phát xuất tử bản tính con người của mình, bảo đảm cho mình có được một cuộc sống người cho ra người:
– “ Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần xã hội, nơi mỗi cá nhân phát huy nhân cách của mình…” (Điều 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Và dĩ nhiên trong các quyền bất khả xâm phạm đó, quyền được sống và được toàn vẹn thân thể, quyền được dạy dỗ và giáo dục đối với trẻ sơ sinh và tuổi trẻ, được giao cho thẩm quyền của cha mẹ:
– “ bổn phận và quyền nuôi nấng, dạy dỗ và giáo dục con cái…”.
Nhưng cha mẹ không phải là những chủ thể duy nhứt có quyền và bổn phận phải nuôi nấng, dạy dỗ và giáo dục con cái.
Quốc Gia được tổ chức cũng có mục đích phục vụ người dân, đối với những quyền bất khả xâm phạm của con người, mà Quốc Gia tuyên bố đảm nhận ở điều 2 vừa trích,
– “ Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người…” .
Do đó trong trường hợp bất khả kháng, vì nghịch cảnh hay vì thiếu phương tiện, Quốc Gia có bổn phận trợ giúp hay thay thế cha mẹ chu toàn bổn phận của mình:
– “ Trong trường hợp cha mẹ không có khả năng, luật pháp tiên liệu cho cha mẹ được miễn khỏi các bổn phận của mình ” (Điều 30, đoạn 2, id.).
– Tiền liệu mọi cách để gia đình được thành lập
– và giúp hay thay thế cha mẹ trong các hoàn cảnh khó khăn để hoàn thành quyền và trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và dạy dỗ con cái của mình. Đó là bổn phận của một Quốc Gia, được xây dựng trên thể chế Nhân Bản, được thiết lập để phục vụ con người:
“ Nền Cộng Hoà dành dễ dàng mọi phương tiện kinh tế và mọi cách tiền liệu khác để gia đình được thành lập và chu toàn các nhiệm vụ liên hệ của mình, nhứt là đối với các gia đình đông con ” (Điều 31, đoạn 1, id.).
Thể chế Nhân Bản của Quốc Gia đề thảo ra định chế
– tiền liệu các phương tiện thuận tiện giúp gia đình được thành lập,
– xác nhận quyền bình đẳng luân lý và pháp lý giữa hai vợ chồng,
– tiên liệu luật pháp bảo vệ sự hợp nhứt của gia đình,
– tiên liệu các phương tiện để bảo đảm con người được sinh ra trong gia đình được nuôi dưỡng, dạy dỗ và giáo dục.
Mọi người có quyền được sinh ra, chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ, giáo dục và bảo vệ, nhứt là trong lúc tuổi thiếu thời. Đó là những gì Hiến Pháp 1947 tuyên bố tiếp ở điều 31:
– “ Nền Cộng Hoà bảo vệ thiên chức làm mẹ, trẻ sơ sinh và tuổi trẻ, dành mọi dễ dàng đối với các tổ chức cần thiết cho mục đích” (Điều 31, đoạn 2, id.)( Majello Ugo, Profili costituzionali della filiazione legittima e naturale, Morano, Napoli, 1965, 89s).
Qua những điều khoản vừa kể, chúng ta thấy rằng tổ chức Quốc Gia đặc biệt chú ý đến gia đình,
– “tổ chức xã hội tự nhiên của con người ”,
gắn liền với bản tính con người, có các quyền không do Quốc Gia thiết định hay ban cho, mà là chính Quốc Gia phải nhìn nhận .
“ Nhận biết ” hay ” nhìn nhận ” các quyền đó của gia đình, Quốc Gia tiên liệu các phương thế để gia đình được thành lập và chu toàn bổn phận của mình đối với con cái.
Đọc các điều 29, 30 và 31 của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc, chúng ta có thể thấy được các vị soạn thảo Hiến Pháp đồng thuận công nhận
– địa vị cao cả của gia đình, “ tổ chức xã hội tự nhiên” của con người, được thành hình do chính bản thể con người đòi buộc, thích hợp với cuộc sống của con người;
– vai trò cấu trúc không thể thiếu của gia đình trong tổ chức Quốc Gia, nơi con người được sinh ra, chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ và giáo dục, lớn lên trở nên con người triển nở hoàn về mọi mặt, có được cuộc sống hạnh phúc cho chính mình và có khả năng cộng tác tạo lợi ích cho cuộc sống xã hội.
Bởi đó không những cha mẹ, mà cả tổ chức Quốc Gia đều có quyền và bổn phận phải chu toàn, nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ, đối với trẻ con và trẻ vị thành niên, không kể được sinh ra trong gia đình hợp pháp hay ngoài hôn nhân.
Các câu nói:
– “ Trong trường hợp cha mẹ không có khả năng, luật pháp tiên liệu để họ được truất khỏi trách nhiệm của họ” (Điều 30 đoạn 2, id.).
– “ Luật pháp bảo đảm cho những đứa con ngoại hôn cũng được bảo đảm mọi tư cách pháp nhân và xã hội, hợp với các quyền của thành phần gia đình hợp pháp” (Điều 30, đoạn 3, id.)
cho thấy Hiến Pháp ra lệnh và dành quyền cho Quốc Hội thường nhiệm sau nầy sẽ “ soạn thảo và chuẩn y ” các đạo luật tiên liệu các phương tiện cần thiết để đạt được các mục đích Hiến Pháp tuyên bố.
Nói cách khác, không ai là con người trong thể chế Nhân Bản mà bị bỏ rơi trong thiếu thốn cùn cực của mình, bị cha mẹ bỏ rơi hay bị Quốc Gia ngoảnh mặt cũng vậy.
Còn nữa,
– không những gia đình là “ xã hội tự nhiên ” của con người, là cấu trúc thiết yếu trong cuộc sống Quốc Gia, để con người được “ tự nhiên ” sinh ra, nuôi đưỡng, dạy dỗ, giáo dục và lớn lên nên người, được triển nở hoàn hảo con người của mình và góp phần cộng tác lợi ích cho Cộng Đồng Quốc Gia,
– quan niệm của các vị soạn thảo Hiến Pháp còn đi xa hơn: gia đình, “ xã hội tự nhiên ”, muốn thực hiện được hoàn hảo vai trò cao cả của mình đối với con người và đối với đất nước, gia đình phải được hưởng bầu không khí tự do, môi trường thuận lợi thiết yếu giúp con người phát huy được bản năng, cá tính và tài năng của mình.
Nói cách khác, gia đình phải là môi trường sống trong đó hai vợ chồng sống trong thương yêu và bình đẳng, hợp tác với nhau, tạo lợi ích cho nhau và cho con cái. Đó là những gì Hiến Pháp nêu lên qua một câu văn ngắn ngủi:
– “ Hôn nhân được xây dựng trên bình đẳng luân lý và luật pháp giữa hai vợ chồng, với những lằn mức được xác định bởi luât pháp nhằm bảo đảm sự đoàn kết gia đình ” (Điều 29, đoạn 2, id.).
Câu văn trên của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc cho thấy tinh thần khai phóng người phụ nữa của Hiến Pháp ( Rodotà Stefano, La Riforma del diritto di famiglia alla prova. Principi ispiratori e ipotesi sistematiche, in Il Nuovo Diritto di Famiglia, 5s).
Quan niệm “ nam tôn nữu ty ” hay “ chồng chúa vợ tôi ” của xã hội thời Trung Cổ đã chấm dứt với Hiến Pháp 1947 Ý Quốc.
Hai vợ chồng đều
– “… bình đẳng trên luân lý và trước pháp luật ”( Điều 29, đoạn 2, id.).
Điều 29, đoạn 2 vừa trích dẫn, được Hiến Pháp tuyên bố trong tinh thần nguyên tắc căn bản, đã được long trọng xác định ở một trong các điều khoản đầu tiên của Hiến Pháp:
– “ Mọi công dân đều có địa vị xã hội ngang nhau và bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt phái giống, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, điều kiện cá nhân và xã hội ” (Điều 3, đoạn 1, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Tinh thần khai phóng người phụ nữ vừa kể, không những được Hiến Pháp đóng khung trong lãnh vực gia đình, mà người phụ nữ còn được cởi trói ngoài xã hội, khỏi bị quan niệm xã hội cưỡng chế, áp bức:
– “ Người phụ nữ làm việc có mọi quyền và, với cùng một việc làm, có quyền được hưởng thù lao như người làm việc nam giới”. (Điều 37, đoạn 1, id.).
Không những vậy, người phụ nữ làm việc còn được hưởng nhiều đặc quyền khác, để có thể dễ dàng chu toàn bổn phận làm vợ và làm mẹ trong gia đình:
– “ Các điều kiện làm việc phải được thiết định thế nào để người phụ nữ có thế chu toàn phận sự chính yếu của mình trong gia đình và đáp ứng cho người mẹ và trẻ thơ một quy chế bảo vệ đặc biệt” (Điều 37, đoạn 2, id.).
Dĩ nhiên để khai phóng cho người phụ nữ được hưởng những quyền hạn đặc biệt,
– cho nàng có thể chu toàn thiên chức làm vợ và làm mẹ trong gia đình,
– để cung cấp cho trẻ thơ một quy chế bảo vệ đặc biệt,
tổ chức xã hội phải tiên liệu quy chế lương bổng của người làm việc như thế nào để cho cha mẹ bảo đảm được trách nhiệm nuôi duỡng, chăm sóc, dạy dỗ và giáo dục của mình:
– “ Người làm việc có quyền được hưởng thù lao tương xứng với số lượng và phẩm chất việc làm của mình. Và trong bất cứ trường hợp nào, lương bổng phải đủ để bảo đảm cho mình và cho gia đình mình có được một cuộc sống tự do và khang trang ” (Điều 56, id.).
Chúng ta đã biết qua
– về tính cách pháp lý của tổ chức gia đình,
– đặc tính bình đẳng và hợp nhứt của hai vợ chồng,
– quyền và bổn phận của cha mẹ,
– địa vị và quy chế đặc biệt cho người phụ nữ làm vợ và làm mẹ,
– quy chế lương bổng của người lảm việc để có thể nuôi sống gia đình có một mức sống khang trang,
– bổn phận của cơ chế Quốc Gia trợ giúp hay thay thế bổn phận các gia đình gặp khó khăn trong hoàn cảnh sống của họ.
Tất cả những gì được liệt kê không có mục đích gì khác hơn là bảo đảm cho con người có môi trường và điều kiện “… phát triển hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội của Đất Nước”:
– “ Bổn phận của Quốc Gia là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại, trong khi thật sự giới hạn tự do và bình đẳng của con người, không cho phép họ triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của Xứ Sở ” (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Con người đó là ai, trong “…tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của Xứ Sở ”?
Là vợ chồng, là cha mẹ, là người nam và người nữ, chúng ta vừa đề cập đến, có “…địa vị xã hội ngang nhau và bình đẳng trước pháp luật ” trong xã hội.
Là vợ chồng “ bình đẳng nhau trên luân lý và trước pháp luật ” trong gia đình.
Là người nam và người nữ, “ …với cùng một việc làm, có quyền được hưởng thù lao như nam giới” trong môi trường làm việc.
Là con cái trong gia đình và trẻ em trong môi trường học đường.
Là con cái trong gia đình, các em được chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ của cha mẹ, nhứt là của mẹ, được Quốc Gia dành cho quy chế bảo vệ đặc biệt, “…để chu toàn phận sự thiết yếu trong gia đình và đáp ứng cho người mẹ và trẻ thơ mộtg quy chế bảo vệ đặc biệt ” (Điều 37, đoạn 2, id.).
Là giới trẻ trong môi trường học đường, các em và cả những người lớn tuổi khác, được Quốc Gia dành cho “ quyền được giáo dục” ( diritto di studio):
– “ Nền Cộng Hoà thiết định các đạo luật tổng quát về giáo dục và thiết lập trường ốc công lập cho mọi lãnh vực và đẳng cấp” (Điều 33, đoạn 2, id.).
Thiết lập trường ốc và thiết định quy chế:
– “ Học đường được mở ra cho tất cả mọi người.
Ngành giáo dục ở bậc thấp, được giảng huấn ít nhứt là 8 năm ( 12 năm với tu chính án mới, 1990) bắt buộc và miễn phí.
Đối với những ai có khả năng và đáng được tưởng thưởng, dẩu cho thiếu phương tiện, đều có quyền đạt đến cấp bậc cao nhứt của chương trình học vấn.
Nền Cộng Hoà biến quyền học vấn nầy thành thực hữu bằng phụ cấp gia đình hay các phương tiện tiền liệu khác, được cấp phát qua các cuộc thi tuyển” (Điều 34, đoạn 1,2,3 và 4, id.).
Và một khi con người bước chân vào môi trường làm việc, tổ chức Quốc Gia vẫn tiếp tục bổn phận của mình “ nhận biết và bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người” (Điều 2, id.), vẫn tiếp tục bổn phận giáo dục của mình, qua các khóa huấn nghệ và thăng tiến nghề nghiệp:
– “ Nền Cộng Hoà bảo vệ việc làm dưới mọi hình thức và mọi áp dụng.
Chăm lo huấn nghệ và thăng tiến nghề nghiệp cho giới lao động ” (Điều 35, đoạn 1 và 2, id.).
Ở nội địa đã vậy, trên chính trường quốc tế Quốc Gia cũng chăm lo bảo vệ và thăng tiến việc làm cho người dân:
– “ Nền Cộng Hòa phát động và dành mọi dễ dãi cho các thoả ước và cơ quan quốc tế nhằm cũng cố và điều hòa các quyền làm việc” (Điều 35, đoạn 2, id.).
Đó là những bổn phận của Quốc Gia đối với con người bình thường.
Đối với những người bị khuyết tật,Quốc Gia cũng không thiếu bổn phận đối với họ:
– “ Mọi công dân không có khả năng làm việc và thiếu phương tiện sống, đều có quyền được nuôi sống và bảo trợ xã hội.
Những người không có khả năng và khuyết tật có quyền được giáo dục và khởi công chức nghiệp.
Các quyền được tiền liệu trong điều khoản nầy, sẽ được các cơ quan và cơ chế được thiết lập chăm lo hoặc do Quốc Gia bổ khuyết ” (Điều 38, đoạn 1, 2 và 3, id.).
Nói tóm lại trong thể chế Nhân Bản, các quyền bất khả xâm phạm của con người được “ nhận biết và bảo đảm ” bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào.
Và đó chính là mục đích mà Quốc Gia được thành lập:
– “ Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay như thành phần các tổ chức xã hội, nơi con người phát huy nhân cách của mình và đòi buộc các bổn phận liên đới không thể thiếu về phương diện chính trị, kinh tế và xã hội ” (Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).
Hiểu được mục đích cao cả về con người của Hiến Pháp Nhân Bản 1947 Ý Quốc, chúng ta sẽ hiểu được tại sao Hiến Pháp dành nhiều điều khoản bàng bạc khắp Văn Bản để định chế về gia đình, địa vị, quyền hạn cũng như bổn phận của mọi thành phần trong gia đình, cả bổn phận của Quốc Gia để trợ lực và thay thế.
Gia đình là “ tổ chức xã hội tự nhiên ”, tiên khởi của xã hội con người, do bản tính con người đòi buộc và là yếu tố không thể thiếu để triển nở con người và phục vụ xã hội: bổn phận mà Quốc Gia được tổ chức.
Giáo Sư TS. Nguyễn Học Tập