Huỳnh Ngọc Chênh Lần Đầu Tiên Thấy Tuyết Rơi
09 giờ sáng ngày 11/03, Bloger Huỳnh Ngọc Chênh tới Phi trường Paris Charles de Gaulle để nhận giải thưởng Công dân mạng – Netizen do Tổ chức Phóng viên không biên giới RSF và Google phối hợp tổ chức lễ trao giải thưởng tại trụ sở mới của Google, số 8, đường Londres, Paris IX vào 06 giờ chiều ngày 12/3.
Vừa ra khỏi khu vực kiểm soát của Phi trường, Bloger Huỳnh Ngọc Chênh không kịp ngỡ ngàng trước cảnh lạ vì Đại diện Phóng viên không biên giới và một số thân hữu chỉ biết anh trên mạng đã đợi anh để đón tiếp anh. Các thân hữu mạng trao tặng anh một bó hoa với những lời chào mừng nồng nhiệt.
Ngoài trời tuyết đang rơi lất phất. Anh tới với chiếc áo của xứ nhiệt đới: áo vết mỏng màu trắng trong lúc dân Paris trùm kín mít như phụ nữ Á-rập trong màu đen hoặc sẵm. Tuy nhiên anh vui vẻ nói với các thân hữu lúc ra cửa Phi trường “Tôi vô cùng xúc động khi thấy cộng đồng, bà con, bạn bè đến đón và tặng hoa và có cả đại diện RSF. Paris rất đẹp mặc dầu có tuyết đang rơi và rất lạnh. Đây là lần đầu tiên thấy tuyết nên xúc động tăng lên gấp bội”.
Bloger Huỳnh Ngọc Chênh được các thân hữu mời ngồi lại tại Cà-phê “Điểm Hẹn“ của Phi trường uống với nhau tách cà-phê đầu tiên của Paris và thăm hỏi nhau trước khi Đại diện Phóng viên không biên giới đưa anh về khách sạn do Phóng viên không biên giới dành sẵn cho anh từ ngày 11/03 cho tới trưa ngày thứ tư 13/03. Anh đi 2 tuần nhưng anh dự định dời lại ngày về để qua Bỉ thăm bà con. Nghe nói bà con bên Bỉ sẽ qua tới Paris hôm sau ngày anh nhận giải thưởng.
Công dân mạng – Netizen
Công dân mạng là sản phẩm nhân văn của khoa học internet. Làm công dân thật ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phải dễ nếu không biết quên mình, làm công dân mạng, tuy đó là thứ công dân ảo, lại cũng vô cùng khó khăn vì đã có không ít người đi tù cả mười năm và còn bị đảng cộng sản Hà Nội cho công an giả làm côn đồ hành hung vô cùng thô bạo. Anh Huỳnh Ngọc Chênh nay được đi qua Paris nhận lảnh giải thưởng Công dân mạng – Netizen do Phóng viên không biên giới và Google cấp phát là một may mắn lớn và bất ngờ. Cái may mắn mà anh hưởng được phải chăng do đảng cộng sản Hà Nội muốn xoa dịu dư luận trong khoảnh khắc, như một giây phút nghỉ giải lao, sau những đợt khủng bố vừa rồi của họ? Nếu không cho anh đi thì họ sẽ bị dư luận trong và ngoài nước phản đối, mà còn có thể bùng nổ thành phong trào phản kháng công khai và rầm rộ chống Nhà nước. Cho anh đi, biết không có lợi về mặt tuyên truyền nhưng cái bất lợi lại không quan trọng bằng ngăn cấm anh đi. Khi anh trở về, đảng cộng sản sẽ tìm cách khéo léo xử lý anh, đó là chuyện riêng chuyên nghiệp của đảng ta. Nhưng xưa nay, anh hùng là những người dám làm thì dám chịu. Phải chăng anh Huỳnh Ngọc Chênh đã nghĩ anh sẽ khó tránh khỏi bị đảng cộng sản trù dập?
Giải thưởng Công dân mạng – Netizen
Tổ chức Phóng viên không biên giới phối hợp với Tập đoàn Google Pháp tổ chức giải thưởng Công dân mạng – Netizen dành cấp phát cho những Bloger sử dụng quyền tự do phát biểu của mình trong chế độ độc tài, nhứt là độc tài cực ác ôn như độc tài cộng sản Hà Nội ở Việt nam ngày nay. Giải thưởng gồm có một phần hiện kim rất khiêm tốn nhưng ý nghĩa của nó rất to lớn. Nó vừa vinh danh nhà báo mạng can đảm hành sử quyền tự do thông tin và tự do được thông tin, vừa cổ vũ quyền và sức mạnh của thông tin chống lại những nhà cầm quyền độc tài theo đuổi chế độ kiểm duyệt, bưng bít những nguồn thông tin khác hơn của nhà cầm quyền. Năm 2013, Việt nam bị Tổ chức Phóng viên không biên giới xếp vào nhóm 5 loại Nhà nước hiện còn là kẻ thù của Internet, tức kẻ thù không đội trời chung với quyền tự do thông tin của loài người tiến bộ.
Giải thưởng này được Phóng viên không biên giới tổ chức từ năm 2008 cấp phát cho ký giả mạng để vinh danh sự can đảm và dấn thân của nam nữ ký giả dám phát biểu tự do ý kiến của mình trong môi trường nơi quyền tự do phát biểu bị ngăn cấm nghiêm ngặt. Năm nay, 2103, cư dân mạng được mời biểu quyết trên “Youtube de l’évènement” để chọn ứng viên cho giải thưởng Netizen 2013. Ngày 5/3 là thời hạn chót khóa sổ. Ngày 9/3 công bố ứng viên đắc cử và ngày 12/03 phát giải thưởng tại trụ sở mới của Google, số 8 đường Londres, Paris IX.
Cũng năm nay, 2013, có tất cả 9 người thuộc nhiều quốc gia được trao giải thưởng Netizen trong đó có 2 phụ nữ và Huỳnh Ngọc Chênh của Việt nam.
Một chọn lựa có ý nghĩa
Ngày 12/03 là “Ngày thế giới chống kiểm duyệt Internet“. Nhơn ngày này, Tổ chức Phóng viên không biên giới cho công bố một bản Cáo Trạng đặc biệt về tình trạng theo dõi, kiểm duyệt Internet trên thế giới. Bản Cáo trạng mang tựa là “Kỷ nguyên của những tên lính đánh thuê trên mặt trận tin học“. Bản tài liệu này tập trung tố cáo 5 quốc gia là kẻ thù của Internet trong đó có Việt nam và 5 Công ty về nghành tin học. 5 Nhà nước trên đây bị tố cáo là những Nhà nước gián điệp vì những Nhà nước này huy động nhiều phương tiện quốc gia theo giỏi có hệ thống, đột nhập vào các website, blog, cài đặt virus… đã liên tục diễn ra trong thời gian qua.
Và 5 Công ty tin học bị tố cáo đồng lõa kẻ thù của Internet vì các sản phẩm của những công ty này – trên danh nghĩa được coi là những công cụ “tối ưu hóa mạng hoặc chống tội phạm” – trên thực tế, đã và đang được chính quyền các nước chuyên chế sử dụng để đàn áp, vi phạm nhân quyền và tự do thông tin.
Theo Tổ chức phóng viên không biên giới thì hiện nay có 180 công dân mạng bị cầm tù trên thế giới chỉ vì họ hành sử quyền thông tin và phát biểu những suy nghĩ của họ trên mạng.
Ông Christophe Deloire, Tổng Thư ký tổ chức Phóng viên không biên giới nhấn mạnh: “Việc theo dõi trên mạng trở thành một mối nguy hiểm ngày càng lớn đối với các nhà báo, nhà báo công dân, blogger và những người tranh đấu bảo vệ nhân quyền“. Nhà cầm quyền các nước độc tài tìm cách kiểm soát thông tin thường hành động một cách kín đáo, với những kỷ thuật kiểm duyệt tinh tế và bí mật theo dõi, thay vì tiến hành ngăn chặn thông tin vì làm theo cách này kém hiệu quả và dễ bị lên án.
Huỳnh Ngọc Chênh nhận giải thưởng Netizen
Trụ sở mới của Google tại số 8, đường Londres, Paris IX, là một tòa nhà nhiều tầng vô cùng đồ sộ. Đó là thứ “Hôtel particulier” đang trong thời gian sửa chữa. Buổi lễ trao giải thưởng cho ông Huỳnh Ngọc Chênh hôm tối 12/03 tổ chức tại một thính đường rất lớn với hơn 300 người tham dự, phần lớn thuộc giới trẻ ngoại quốc trong đó có hơn 50 nhà báo và hơn mươi người Việt nam. Buổi lễ diễn ra rất đơn giản để tạo không khí thân mật giữa mọi người. Những người của Phóng viên không biên giới và của Google điều hành buổi lễ, đứng ra trao giải thưởng, đều trẻ và ăn mặc vô cùng đơn giản. Bloger Huỳnh Ngọc Chênh được giới thiệu là người được giải thưởng, cả hội trường nhiệt liệt vỗ tay hoan nghênh. Và anh cũng vỗ tay theo hoan nghênh chính mình một cách tự nhiên như những người xã hội chủ nghĩa. Hình ảnh của anh được chiếu lên màn ảnh lớn trên tường của hội trường. Anh đọc diễn văn nói về tình hình nhà cầm quyền cộng sản ở Việt nam vi phạm nhân quyền và thân phận của những người sử dụng quyền tự do phát biểu của mình. Và anh ngỏ lời cảm ơn Tổ chức Phóng viên không biên giới và Google và cùng tất cả bạn bè đã ủng hộ anh và những boger khác ở Việt nam. Anh nhấn mạnh: “Như quý vị đã biết ở đất nước tôi không hề có báo tư nhân, chỉ có cơ quan của nhà nước hoặc của đảng cầm quyền mới được ra báo và lập đài phát thanh – truyền hình. Do vậy 700 cơ quan báo đài đều nằm dưới quyền kiểm soát của những đảng viên cộng sản tin cậy. Thông tin đăng tải trên các cơ quan báo đài ấy đi theo định hướng của đảng cầm quyền. Tiếng nói và nguyện vọng của nhiều người dân vì thế mà không có nơi để xuất hiện.
May thay mạng internet xuất hiện và các blogger ra đời. Ban đầu các blogger tiên phong tuy còn rất ít ỏi nhưng họ là những mũi kim nhọn đâm những lỗ thủng đầu tiên vào bức màng bưng bít thông tin ở đất nước tôi. Và nhiều người trong số họ phải trả giá cho sự dũng cảm ấy, họ đã và đang bị ngồi trong nhà tù, trong trại cải tạo, bị quản thúc và thậm chí bị cưỡng bức vào nhà thương điên nữa. Đó là các blogger và các nhà đấu tranh dân chủ ôn hòa:… Bùi thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Tần, Điếu cày Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Nhạc sỹ Việt Khang… Và lớp trẻ sau nầy như Nguyễn Phương Uyên, Paul Lê sơn và nhóm thanh niên công giáo ở Vinh…
Những hy sinh ấy đã không uổng công. Ngày nay những blogger và những người đấu tranh cho dân chủ đã phát triển lên thành một lực lượng lớn mạnh và rộng khắp mà nhà cầm quyền không thể nào ngăn cản nổi. Hai vạn chữ ký và sẽ còn nhiều hơn nữa đòi xóa bỏ điều 4 (Hìến pháp) đã nói lên điều đó. Hàng trăm trang blog cổ xúy cho đổi mới, cổ xúy tự do ngôn luận, cổ xúy dân chủ thu hút lượng người đọc khổng lồ và kết nối với nhau thành một hệ thống báo chí mà chúng tôi gọi là báo lề dân, tồn tại lớn mạnh song song bên cạnh hệ thống báo chí do nhà nước kiểm soát được gọi là báo lề đảng.
… Xin dành vinh quang nầy cho những người đi tiên phong đã và đang bị trả giá trong nhà tù và cho tất cả những người bạn đồng hành của tôi đã giúp đỡ và tạo đà cho tôi…”
Trả lời không chút do dự câu hỏi của một nhà báo: “Nếu cho phép anh chọn một điều, anh sẽ chọn điều gì? – Tôi chọn bỏ điều 4 Hiến pháp“.
Qua phần thảo luận, Huỳnh Ngọc Chênh ngồi chung với nhà báo của Phóng viên không biên giới.
Buổi lễ kết thúc lúc 21 giờ bằng một tiệc trà linh đình, thức ăn nhẹ, bánh ngọt và đủ các thứ nước uống. Hơn 3 trăm người quây quần, với ly nước trên tay, vừa tiếp tục nói chuyện hay thảo luận về tình hình vi phạm những quyền tự do căn bản ở những nước độc tài. Mãi hơn 22 giờ mới chỉ có một số ít ra về.
Bên ngoài tuyết phủ cao cả vài tất trắng xóa. Anh Huỳnh Ngọc Chênh thích thú giành cào tuyết giúp bạn để lấy xe đưa anh đi về. Cỏ May nhìn anh cào tuyết và nói đùa “Hôm nay anh cào tuyết, biết đâu mai này, anh sẽ làm Chủ tịch nước. Bác Hồ ngày xưa cũng bắt đầu sự nghiệp bằng cào tuyết”!
Nguyễn thị Cỏ May