Kinh Tế Trung Quốc Đầu Tư Thừa Nên Gây Ra Sản Nhập
Sau ba chục năm ngợi ca phép lạ kinh tế của Trung Quốc, giới chuyên gia quốc tế nghiên cứu kinh tế xứ này đã tạm đồng ý với nhau về một điều, rằng Bắc Kinh phải cải cách, để chuyển hướng tăng trưởng từ đầu tư sang tiêu thụ nội địa. Và trong giai đoạn chuyển hướng ấy, Trung Quốc không thể đạt mức tăng trưởng cao như trong quá khứ.
Nhưng vấn đề lại không đơn giản là tìm một đầu máy khác cho tăng trưởng. Khi đó, người ta phải chú ý đến hai mặt trái ngược là lượng và phẩm hay hư và thực của đầu tư. Bài viết hơi chuyên môn này tìm hiểu cái chuyện trừu tượng đó, để thấy Trung Quốc không thể chuyển hướng thành công như lãnh đạo Bắc Kinh mong muốn hoặc như nhiều nơi vẫn cố tuyên truyền cho họ. Và cuối đường vẫn là nguy cơ động loạn, là rùi ro khủng hoảng.
Trước hết, trong giới nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc, nhiều trung tâm mắc bệnh “mê Tầu” vẫn còn tìm lý do giảm khinh để biện bạch về các nhược điểm và tiếp tục ca tụng triển vọng kinh tế của xứ này. Vì tính chất quá chuyên môn của những gì được họ viện dẫn nên dư luận có thể hiểu lầm và tạm kết luận rằng “dù sao ly nước đã đầy được một nửa”.
Tính chất chuyên môn ấy nằm ở cách ước tính khối lượng đầu tư.
Các trung tâm thiên lệch này lý luận như sau: “Trung Quốc thường bị phê phán là đầu tư quá nhiều với hiệu năng kém mà lại tiêu thụ quá ít nên ngày nay mới phải chuyển hướng. Sự thật thì lượng đầu tư của Trung Quốc vẫn còn quá ít nếu so sánh với Nhật Bản hay Nam Hàn, chưa nói tới trường hợp kinh tế Hoa Kỳ, cho nên kinh tế Trung Quốc vẫn còn sức bật”. Cơ sở của lý luận ấy là tính ra tổng số tư bản cố định đã đưa vào đầu tư trong quá khứ và giảm trừ ảnh hưởng của lạm phát rồi chia cho dân số lao động. Lấy số tư bản ấy mà so sánh thì lượng đầu tư của Trung Quốc chưa bằng 10% của Hoa Kỳ, Nhật Bản hay 20% của Nam Hàn.
Ít ai có thể đi vào phép tính rắc rối ấy nên đa số cứ dừng ở kết luận phiến diện: Tầu chưa bằng Mỹ hay Nhật nên còn trớn để tăng, nếu cải thiện được phẩm chất của tư bản đưa vào đầu tư. Khốn nỗi, cải thiện là điều không dễ vì “xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa” hay “kinh tế chính trị học kiểu Trung Cộng”.
Đầu tiên, hãy đối chiếu về lượng, thế nào là là nhiều hay là ít, căn cứ trên cái gì?
Tại vùng duyên hải miền Đông, là nơi có trình độ phát triển cao từ xưa tới nay, việc đầu tư có hiệu quả tương đối tích cực và lâu dài. Nó duy trì được nhịp độ sinh hoạt kinh tế, nâng cao lợi tức và khả năng tiêu thụ của tư nhân nên có kết quả bền vững. Hãy nghĩ đến một lon xăng làm đầu máy chạy rồi tự động tìm ra lực đẩy. Vì vậy, nếu máy đã chạy mà đầu tư thêm thì cũng tựa như nước chảy chỗ trũng và có thể gây úng thủy vì… đầu tư thừa.
Ngược lại, tại các tỉnh lạc hậu bị khóa trong lục địa, đầu tư lại có đặc tính là kém hiệu năng như lực đẩy một chiếc xe đạp, là khiến cho tiêu thụ tư nhân lệ thuộc vào đầu tư thay vì ngược lại. Thiếu lực đẩy là xe dừng và đổ. Nếu cứ rót thêm đầu tư vào đây thì chỉ gây thêm lãng phí. Nhưng không đầu tư thì không được vì sẽ loạn to.
Khi ấy, nói chuyện đầu tư thừa hay thiếu là chẩn bệnh sai! Vấn đề là hiệu năng của đầu tư và đấy không là một khái niệm về lượng mà về phẩm.
Trong mọi nền kinh tế đã hay chưa phát triển, ta đều biết đến một giới hạn nào đó của đầu tư. Như thực phẩm dinh dưỡng cho một cơ thể con người, thiếu thì không được mà thừa thì lãng phí và có khi sinh bệnh. Nhưng ngoài yếu tố lượng thì phẩm chất mới giữ phần quyết định về khả năng tiếp thụ có hiệu quả. Trong kinh tế và chính trị, khả năng tiếp nhận ấy có thể gọi là tư bản xã hội hay đầu tư vô hình: là hệ thống luật lệ, giáo dục, bộ máy công quyền, thậm chí nếp văn hóa, trình độ dân trí hay sự khả tín của giao kèo hay hợp đồng, v.v…. Nói chung, đấy là các định chế tương tác của xã hội.
Khi nói đến đầu tư, ta thường nghĩ tới vật thể, như đất đai, máy móc và tư bản, có thể đếm và quy ra tiền. Còn phần đầu tư vô hình kia là cái gì đó mơ hồ và khó đếm, nhưng cũng ảnh hưởng đến hiệu năng hay hiệu suất cùa đầu tư. Nếu thiếu loại phẩm chất vô hình này thì đầu tư có thể dẫn tới sản nhập chứ không tăng sản xuất. Sản nhập là những gì đưa vào đầu tư lại có trị giá cao hơn những gì thu hoạch được, nhập lượng cao hơn xuất lượng là vậy.
Kinh tế Trung Quốc chỉ có lượng mà thiếu phẩm là trong ý nghĩa đó. Xứ này đầu tư rất nhiều, đến độ đi vay để đầu tư, mà kết quả là không sản xuất đủ cho nhu cầu trả nợ và để lại một núi tồn kho ế ẩm bên một núi nợ. Vì sao lại có hiện tượng bất thường như vậy?
Các nhà xã hội học đều có thể biết là sự thịnh vượng không đến từ lượng tư bản trút vào kinh tế mà từ các định chế chính trị.
Định chế chính trị của Trung Quốc là sự bất thường khi đảng lãnh đạo nhà nước và nhà nước cầm quyền về kinh tế nên có toàn quyền điều phối tư bản cho yêu cầu chính trị của đảng. Hệ thống bất thường ấy mới quyết định về luồng tư bản lưu thông trong kinh tế. Và con người ta vốn khôn ngoan cho nên nếu có đặc quyền thì dẫn luồng tư bản đó vào nơi nào có lợi nhất cho bản thân. Tại Trung Quốc, hiện tượng “tư bản thân tộc” (crony capitalism) hay “tư bản đới quần” – tư bản giải rút – là hậu quả tất yếu của chủ trương phát triển tư bản nhà nước và mặc nhiên trừng phạt hay trưng thu tư bản của tư nhân, của tư doanh.
Trong khung cảnh đó mà nói rằng Trung Quốc đầu tư quá nhiều hay còn ít là nói sang chuyện bên cạnh, ở bề mặt.
Một thí dụ nhỏ nhoi mà dễ hiểu có thể minh diễn chuyện đó. Tại một xứ tự do và dân chủ, người ta chấp nhận và còn khuyến khích việc làm giầu. Tích lũy tư bản để kiếm lời là chuyện tự nhiên. Khi tư nhân có một sáng kiến kinh doanh thì xã hội và nhà nước có những định chế yểm trợ việc phát huy sáng kiến này vì nếu thành công, sáng kiến sẽ nâng sao sản xuất và lượng nhân công tuyển dụng lẫn nguồn thu thuế khóa. Trong một xứ độc tài theo kinh tế thị trường để làm giàu cho tư bản nhà nước thì sáng kiến đó của tư nhân sẽ… bị chặn rồi bị cướp.
Đảng viên và tay chân nhà nước sẽ lấy sáng kiến đó làm giàu cho mình! Khi ấy, điều quan trọng cho tư doanh không phải là sáng kiến mà là quan hệ. Phải có quan hệ tốt với đảng viên cán bộ thì mới hy vọng thành lập doanh nghiệp, khai triển sáng kiến nhờ đặc quyền rồi chia chác được mối lời.
Khi cả một kiến trúc vĩ đại của Trung Quốc lại dựa trên mối quan hệ phi kinh tế và rất mờ ám đó thì việc sung dụng tài nguyên đầu tư tất nhiên là bị lệch lạc. Trên bề mặt thì ai cũng có thể phô trương thành tích tăng trưởng, chìm sâu bên dưới là những khoản đặc lợi xuất phát từ tham nhũng. Và các tỉnh nghèo khổ nằm bên trong thì hậm hực nhìn vào sự thịnh vượng ở bên ngoài, của những kẻ ngồi ở trên.
Kết luận? Trung Quốc đầu tư quá sức hấp thụ của một cơ thể quái lạ, phình nở chỗ này mà teo tóp chỗ kia. Nếu không gặp loạn thì mới là điều đáng ngạc nhiên!
Nguyễn Xuân Nghĩa