Thông tín viên Ỷ Lan có dịp phỏng vấn giáo sư Saad Eddin Ibrahim, một trong những lãnh tụ đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ Ai Cập, lúc ông tham dự một hội nghị ở châu Âu.
Giáo sư thỉnh giảng Harvard, từng bị tù tội, hiện lưu vong
Vừa qua Đại hội lần thứ 39 của Đảng Cấp tiến Bất Bạo động Liên Quốc gia tổ chức tại thành phố Chianciano Terme, Italy, cách thủ đô Rome một giờ đi tàu điện. Rất nhiều nhà đấu tranh cho nhân quyền dân chủ theo phương pháp bất bạo động khắp năm châu về tham dự, đặc biệt có nhiều nhân vật từ Trung Đông. Nhân dịp này chúng tôi phỏng vấn ông Saad Eddin Ibrahim một trong những lãnh tụ đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ Ai Cập.
Ông Ibrahim năm nay 73 tuổi, là nhà xã hội học, người Mỹ gốc Ai Cập. Ông từng là giáo sư xã hội học tại Đại học Hoa Kỳ ở thủ đô Cairo. Hiện nay là giáo sư chính trị xã hội học và giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông, đại học Harvard. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo, Văn hóa và Tranh chấp ở Đại học Drew tại Madison, New Jersey. Gần đây ông đã hồi hương tham gia các cuộc biểu tình đòi hỏi dân chủ tại thủ đô Ai Cập.
Ỷ Lan: Xin chào ông Saad Eddin Ibrahim. Rất vui mừng được nói chuyện với ông. Ông là một trong những bộ mặt sáng giá nhất của phong trào dân chủ và nhân quyền Ai Cập. Ông có thể cho thính giả biết sơ về cuộc đời hoạt động của ông?
Saad Eddin Ibrahim: Trước hết và trên hết, tôi là người dân Ai Cập, một người hoạt động cho nhân quyền và cổ võ dân chủ, dấn thân trong xã hội Ai Cập và thế giới Ả Rập từ 50 năm qua. Vì vậy tôi đã chứng kiến nhiều sự kiện, và cũng đau khổ quá nhiều. Nhưng tôi cũng vui mừng với nhiều thành công cũng như có những phút giây hạnh phúc. Mọi sự được cân bằng. Từ đó tôi cảm thấy thỏa mãn, và biết rằng mọi việc đều có cái giá phải trả. Là một trí thức, là một khuôn mặt xã hội, là phải chấp nhận những thăng trầm, điều hành cuộc sống, lấy những quyết định hay chọn lựa phù hợp, bao lâu ta còn có tự do, có sức khỏe và năng lực để làm.
Ỷ Lan: Ông mất bao nhiêu năm trong cảnh tù đày và lưu vong, thưa ông ?
Người biểu tình đòi dân chủ ở Iran, ném đá cảnh sát
Saad Eddin Ibrahim: Ba năm trong tù và 14 năm lưu vong. Hồi còn trẻ, tôi lưu vong suốt 10 năm và sau này thêm 4 năm nữa vào tuổi 70.
Cơ hội lớn cho Ai Cập và Trung Đông
Ỷ Lan: Từ Ai Cập đến đây hôm nay tham dự Đại hội lần thứ 39 của Đảng Cấp tiến Bất Bạo động Liên quốc gia tại Italy sau khi mới trở về quê hương. Cảm tưởng ông ra sao ?
Saad Eddin Ibrahim: Như tôi vừa nói, lưu vong đã nhiều năm, nhưng nay được về nước sau khi Mubarak rớt đài. Đây là cơ hội lớn cho tôi, cho quê hương tôi. Tôi đã đi thẳng từ phi trường đến công trường Tahrir. Tôi đã gặp lại nhiều bạn bè cũ trong tù hay thời còn sinh viên. Tất cả chúng tôi tề tựu trên công trường Tahrir cho đến khi Mubarak chịu thoái chức. Bây giờ tôi chứng kiến tác dụng của thông điệp và những lời kêu gọi cũng như những cuộc biểu tình lan tràn Nam, Bắc, Tây, Đông. Nước láng giềng ở phía tây như Libya và Algéria cũng đã nổ ra những biến động, những cuộc biểu tình đòi hỏi dân chủ, phía nam có Yemen,
Cảnh sát Yemen chặn biểu tình phía đông có Barhain. Điều đó làm tôi vui mừng cực độ, một sự toại nguyện sau 50 năm tranh đấu nay cuối cùng đã thành công nhờ giới trẻ dẫn đầu. Tôi có niềm hy vọng lớn. Giới trẻ thành công ở những gì chúng tôi không thể hoàn thành, điều đó gây cho tôi thêm tin tưởng vào tương lai.
Dân chủ cho Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian
Ỷ Lan: Xin ông câu hỏi chót cho thính giả ở Việt Nam. Trong thời gian chiến tranh ông ủng hộ phong trào hòa bình cho Việt Nam, ông cũng đã từng thăm viếng Hà Nội. Việt Nam ngày nay vẫn còn trong chế độ độc đảng. Dưới ánh sáng của biến động ở Ai Cập, ông thấy tương lai Việt Nam sẽ ra sao ?
Saad Eddin Ibrahim: Tôi nghĩ chỉ là vấn đề thời gian. Tác động của cuộc xuống đường biểu tình đã trở thành toàn cầu. Những gì xảy tại Ai Cập đã được tác động bởi những điều xẩy ra trước đó ở Tunisia. Những việc xảy ra tại Tunisia đã được tác động bởi những gì xảy ra trước đó ở Đông Âu, Trung Âu và Châu Mỹ La tinh, cũng như ở những quốc gia như Bồ Đào Nha năm 1974, v.v… Ta đang sống trong một ngôi làng toàn cầu. Đây không là cách nói ẩn dụ mà là một thực tại.
Giới trẻ dẫn đầu cuộc cách mạng Ai Cập đã cung cấp Twitters và các Blogs của họ cho những người Iran cùng chí hướng hai năm trước đó, khi những người Mulhas ở Iran đàn áp giới trẻ ly khai ở Iran. Điều này cho thấy ý nghĩa của sự liên kết và đoàn kết toàn cầu. Cho nên tôi nghĩ rằng chuyện Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Tôi từng gặp gỡ nhân dân Việt Nam qua những chuyến thăm viếng. Tôi đã gặp vợ tôi trong cuộc biểu tình chống chiến tranh, chống lại giới tướng lãnh trong thời chiến tranh Việt Nam. Cho nên chúng tôi còn giữ những ký ức chung về Việt Nam. Chúng tôi hài lòng khi thấy người Việt không cảm thấy đắng cay với quá khứ, và luôn ngước nhìn về tương lai. Trong cách nhìn đó, tôi tin tưởng nhân dân Việt Nam sẽ lật đổ chế độ độc tài toàn trị này để hòa nhập vào cộng đồng dân chủ trong thế giới.
Ỷ Lan [Nguồn: RFA]