A. Bối cảnh thế giới:
1. Toàn cầu hóa và liên lập kinh tế
Thế giới đang chuyển mình: cơn khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ những năm 2007/2008 đã đưa thế giới tài chánh kinh tế vào một ngõ rẽ khác. Các nhà nhơn chủng học và sử học thường chia sự phát triển văn minh con người bằng những khoảng thời gian bắt đầu bằng từ ngữ «cách mạng», từ người tiền sử bán khai đến «cách mạng dụng cụ», dụng cụ bằng đá, bằng xương, đến thời kỳ dùng đồng, dùng sắt, biết rèn, biết luyện, biết tôi sắt thành thép, «cách mạng kỹ nghệ» … đến ngày nay với «cách mạng tin học» biến cả quả Địa cầu chúng ta thành một cái làng nhỏ…
Thế kỷ 19 với «cách mạng kỹ nghệ» thay thế sức người mồ hôi bằng sức «hơi nước», biết dùng dây chuyền, chuyển sức kéo vào các cơ khí, thay thế sức kéo của con người, của con vật, đã là buớc nhảy vọt khổng lồ đưa nền văn minh con người làm chủ thiên nhiên sau bao nhiêu thế kỷ nằm ngủ. Với thế kỷ 20, con người đem «kỹ nghệ máy móc» áp dụng vào nông nghiệp, dùng máy để thay thế con người: thoạt tiên máy cầy, máy gặt, sau đó biết tách phần thóc gạo một bên, phần rơm rạ một bên, xong đưa vào máy bó, máy cuốn rơm, cuốn rạ thành từng bó.
«Văn minh máy móc» đã đưa con người đi nhanh, đi xa, thoải mái…biến xe hơi là dụng cụ, xe lửa, máy bay là phương tiện giao thông, tàu thủy là phương tiện chuyên chở, quả địa cầu chỉ là một cái làng nhỏ, đi đầu hành tinh nầy đến đầu hành tinh nọ tốn có một ngày. Một gia đình như gia đình tỵ nạn người Việt Nam chúng ta ngày nay không còn lẩn quẩn, người anh nầy ở cuối làng, người chị nọ ở thôn trên, mà có ông anh ở Pháp, cô em ở Mỹ, bà chị ở Úc châu. Cách đây vào khoảng trên 50 năm, tuổi thiếu thời, cá nhơn người viết đi học xa nội trú ở Đà Lạt, viết thơ cho cha mẹ mỗi tuần một lần về Ban Mê Thuột, chưa đầy 300 cây số, mà lá thơ đi gần một tuần mới đến. Cách đây trên 40 năm người viết du học ở Pháp viết thơ về cha mẹ ở Sài Gòn một tuần một lần, 20.000 cây số, thơ cũng đi gần một tuần mới đến. Đó đã là phát triển, đó đã là tiên tiến! Tuần qua, con trai ông bạn đi du lịch «ba lô » ở Việt Nam, vừa đến Hà Nội, về đến khách sạn, «e-mail» ngay về cha mẹ, chỉ tích tắc, một phút sau, cha mẹ biết ngay, cậu bé vừa tháo xong hành lý, vừa tắm xong, tóc chưa kịp khô! Nếu cháu có thêm tí nữa, cháu mua «sim điện thoại cầm tay», điện thoại ngay lập tức nói chuyện với cha mẹ, hay dùng «skype truyền hình» giới thiệu cho cha mẹ viếng thăm căn phòng khách sạn! Cũng mới tuần qua đây, chiếc phi thuyền tự động Curiosity vừa đáp xuống Sao Hỏa, sau 8 tháng hành trình, 56 triệu cây số, đáp sai chỗ đã được hoạch định … 20 cm! Những hình chụp sau vài phút đã đến Trái đất. Thật là mầu nhiệm! Toàn cầu hóa! Một sự mầu nhiệm! Tin tức bên nầy địa cầu, bên kia địa cầu nói chuyện với nhau. Không còn các cảnh tương tư kiểu: «Thiếp tại Tương giang đầu, Chàng tại Tương giang vỹ. Đồng ẩm Tương giang thủy, tương tư bất tương kiến». Ngày nay có nhớ nhau, thì chỉ một cú skype thì tương kiến ngay.
Thế mà, nực cười thay, vẫn còn những nhà độc tài, ngu dốt cố bưng bít tin tức, cố nói láo, cố xào xáo tin tức, bịa đặt tin tức … Và càng ngu xuẩn hơn khi dùng bạo lực , công an trị để khủng bố tin tức, và những bloggers nói chuyện với nhau trên mạng.
Nhưng vì thế giới nhỏ bé, nên bệnh hoạn, dịch hạch cũng lan tràn rất nhanh. Người đông, thế giới nhỏ bé một bệnh cúm nho nhỏ cũng có thể biến thành dịch lây nhau, lan tràn, chết vài ngàn người, nào là dịch gà, dịch heo, lây sang người… Rớt máy bay chết cả chục, có khi cả trăm mạng, trái lại hồi xưa đi bộ trợt té chết có một mình. Hồi xưa, thất mùa, làm ăn thua lỗ chết đói vài trăm người, nghèo vài chục gia đình, lang thang thất nghiệp vài làng. Bây giờ khủng hoảng kinh tế tài chánh, cả trăm ngàn công nhơn, hai ba quốc gia sập tiệm.
Toàn cầu hóa tạo những «dịch giây chuyền khủng hoảng» rất nhanh. Từ khủng hoảng ngân hàng, tài chánh do nợ khó đòi, quản trị cơ sở kém, đến quản trị thương mại sai, đến tiêu hao mãi lực, lạm phát phi mã và chẳng chốc suy thoái. Ngày xưa, quen nhau lắm mới vay mượn, nợ nần nhau, dính líu liên hệ nhau nhưng chỉ lay hoay trong làng xã, thôn xóm, phố phường với nhau. Có giựt hụi, úp hụi cũng kẹt nhau vài chục mạng. Ngày nay với hệ thống ngân hàng, nợ khó đòi, khách giựt nợ làm sập tiệm vài ngân hàng và có khi cả một quốc gia Hy lạp, Ái Nhĩ Lan, Tây Ba Nha, Bồ đào Nha…
Toàn cầu hóa, cả thế giới sống liên lập với nhau, một cơn đông đất nhỏ bờ Đông Thái Binh Dương có thể làm một cơn sóng thần to bờ Tây Thái Bình Dương tàn phá hàng trăm hàng ngàn cây số vuông đất đai, nhà cửa, ruộng vườn, giết hại hàng ngàn nhơn mạng. Ngày nay những khủng hoảng kinh tế thường bắt đầu bởi những khủng hoảng ngân hàng nho nhỏ, khủng hoảng subprimes ở Huê Kỳ làm sập tiệm, phá sản Ngân hàng Lehman Brothers … chẳng chốc lây sang giá cả thị trường, chứng khoán sụt, tiền lời các ngân hàng tăng, chỉ số thương mại địa ốc giảm, chỉ số mãi lực giảm theo, dân chúng thất nghiệp cũng tăng lên, lạm phát bắt đầu và cơn lốc khủng hoảng kinh tế bắt đầu.
Khủng hoảng kinh tế lần nầy bắt đầu từ Mỹ, 5 năm có thừa… chưa có lối ra. Bắt đầu từ Huê Kỳ ngày 9 tháng 8 năm 2007, nay ngày 9 tháng 8 năm nay 2012, đã chạy qua Âu châu thoạt đầu Ái nhĩ Lan, rồi Hy Lạp, Ý đại Lợi, Tây Ban Nha… các quốc gia Tây Âu, hệ thống đồng Euro… . và tương lai sẽ là các quốc gia đang lên, … Á châu, Nam Mỹ … Với những chỉ số phát triển bằng hai con số ngày qua, các quốc gia đang lên đến nay vẫn tưởng được yên ổn, nhưng với hiện tượng toàn cầu hóa bắt đầu cũng sẽ gặp khó khăn. Mãi lực các quốc gia Âu Mỹ đang đà đi xuống thì thị trường hàng hóa bán ra ở các quốc gia gia công cũng phải xuống thôi.
2. Trở về với vùng, với khu vực, sống theo mùa, ở theo thời?
Giá nhiên liệu đang lên, cộng với hiện tượng nhà kiếng đang hăm dọa tàn phá quả địa cầu buộc người dân địa cầu chúng ta phải có một thái độ tiêu dùng khác. Từ nay sẽ phải tiêu dùng bớt phung phí, phải biết tiết kiệm. Sạch sẽ, không làm ô nhiễm thiên nhiên, hạp với lẽ Trời Đất, hạp với luật thiên nhiên… tiêu thụ hợp với sanh thái, sống hợp với môi sanh, hòa hợp với môi trường, bền vững, sống với khu vực, với địa phương, với mùa màng… Tỷ dụ ăn uống tiêu dùng những hoa cải mùa màng, hợp với địa lý khu vực. Mùa đông ăn tiêu hàng hóa mùa đông, mùa hè ăn uống hoa trái mùa hè. Ở khu vực nào tiêu dùng theo khu vực ấy. Ở Pháp, không nên ăn cà chua mùa đông, không nên ăn chuối hay cây trái vùng nhiệt đới, tránh bớt uống cà phê, bớt uống trà vì phải nhập cảng, hao ngoại tệ, tốn nhiên liệu, và khí thải CO2… vì phải chuyên chở.
Trở về với thiên nhiên, trở về với khu vực… Sự phát triển của một quốc gia từ chậm tiến lên phát triển như Trung Quốc, đi từ một thế giới cổ lổ xỉ Á châu đến văn minh tân tiến Âu Mỹ quá nhanh là một sự phá hoại môi trường ngoài tưởng tượng… đã làm ô nhiễm một góc trời Đông Nam Á: Không phải là một sự ngẫu nhiên mà lũ lụt, bão tố, hạn hán, mất mùa … càng ngày càng nhiều ở Đông Nam Á, đó cũng do sanh thái quá ô nhiễm, quá thay đổi mà ra cả. Những hiện tượng El Ninõ hay El Ninã ở Thái Bình dương là do nguồn ô nhiễm thay đổi, tàn phá sanh thái Tàu quá nhanh! Quả Đất không hấp thụ kịp!
3. Cái giá phát triển quá đắt ấy có đáng không?
Sự thật nền kinh tế nước Tàu có giàu đó, sự thật là Trung quốc nay là cường quốc kinh tế số 2 đó, nhưng người dân Tàu vẫn còn nghèo, nghèo lắm. Phải, người Tàu vẫn còn rất nghèo, bằng chứng người dân Trung quốc, công dân một quốc gia giàu có số 1(nếu tính vào mức thặng dư mậu dịch), hãnh diện là số 1 của thế giới. Thế mà tại sao người dân vẫn tiếp tục bỏ xứ, vượt biên tỵ nạn kinh tế đi nhập cư lậu vào các quốc gia nghèo hơn quốc gia Tàu của mình… như Pháp, Anh, Đức … kể cả Phi châu … thật là mâu thuẫn, hay thật là thê thảm! Đây là một điển hình duy nhứt trên thế giới! Những thành phố lớn như Beijing, Shanghai… ngày nay đã bị hoàn toàn ô nhiểm. Phương thức phát triển đấy, mô hình sản xuất đấy của Tàu, với cái giá rất đắt là làm ô nhiễm cả một vùng trời, có đáng để Việt Nam chúng ta theo không?
Đất nước Việt Nam chúng ta ngày nay vẫn giữ nền kinh tế phát triển nông nghiệp cổ truyền. Mô hình cổ truyền Á đông là nông nghiệp. Câu giáo đầu của các nhà kinh tế địa lý Việt Nam vẫn là «Đất nước ta là một đất nước nông nghiệp, nghề nông là nghề chánh của dân ta: phải xuất cảng gạo, phải xuất cảng cây trái, hoa quả, có kỹ nghệ cũng phải trồng nông nghiệp, cây trái kỹ nghệ như cao su, cà phê, trà, mía (làm đường), lá stévia (đường), bông sợi, bắp, đậu nành (thực phẩm, gia súc… nông nghiệp cũng là chăn nuôi, (bò, gà heo gia súc)… nông nghiệp cũng là ngư nghiệp… Nuôi cá, xuất cảng cá ba sa, nuôi tôm, xuất cảng tôm … Nông nghiệp chiếm 70% tổng sản xuất của Việt Nam, sử dụng trên 80% tổng số lao động Việt Nam ( con số tài liệu không rõ ràng vì do cơ quan công quyền cộng sản Việt Nam cung cấp trên mạng theo dạng tuyên truyền hơn dạng khoa học).
Thế nhưng …
Ngày nay, nếu chúng ta so sánh, tại một quốc gia tiên tiến, chỉ số người làm ruộng dưới hai số vẫn có thể nuôi hằng chục triệu dân. Nước Pháp, với chỉ số nông dân là 3,5% của tổng số dân sản xuất, chẳng những nuôi 65 triệu dân Pháp mà còn đứng hàng thứ hai về xuất cảng nông sản. Quốc gia đứng đầu thế giới về nông nghiệp là Huê kỳ, chẳng những đứng đầu mà còn là đệ nhứt xuất cảng nông sản phẩm. Sức mạnh của Huê Kỳ đâu chỉ có kỹ nghệ, đâu chỉ có quân sự, sức mạnh của Huê Kỳ là sức mạnh của ngành nông nghiệp. Hằng năm, thị trường Chicago về các nhu yếu phẩm nông nghiệp (commodities) vẫn chờ con số thu hoạch, gặt hái nhu yếu phẩm nông nghiệp của Mỹ để đo lường chỉ số phát triển. Các chỉ số Dow, Wall Street, CAC … của các thị trường chứng khoán trên thế giới thường được dân chơi, giới tư bản, các nhà nghiên cứu kinh tế theo dõi, bàn cãi, tiên liệu chỉ để đo lường sức mạnh kinh tế, sức khỏe nền kinh tế thế giới hằng ngày thôi. Nhưng một số nhỏ dân thiện nghệ thương mại, vẫn theo dõi và đầu tư mua bán trên thị trường nhu yếu phẩm nông nghiệp Chicago, thị trường nhu yếu phẩm nông nghiệp, lúa mì, bắp ngô, đậu nành, bông sợi, đường, dầu ăn, dầu cọ dừa… Hè năm nay (2012), vì hạn hán nặng từ bốn tháng nay, hai vựa lúa thế giới là vùng đồng bằng lưu vực sông Missouri & Missisipi Huê kỳ và Tây Âu & Ukraine thất mùa. Thiên hạ đang lo lắng lúa mì, ngô bắp, đậu nành đang tăng giá… Cơ quan Thực phẩm thế giới đang sợ nạn đói và đang sợ những cuộc di dân tỵ nạn về thiếu ăn sẽ làm xáo trộn. Tình hình kinh tế đang gặp khó khăn sẽ khó khăn hơn.
Người viết có một thời gian làm việc ở một Văn phòng mua bán nhu yếu phẩm nông nghiệp, người viết chỉ chuyên về dầu cọ dừa, và dầu hột cọ dừa (palm oil & palm kernel oil) thôi vẫn thu một lợi nhuận dư dả sống (trong thời gian làm việc ở Hãng Lasiès nầy, chúng tôi vì là phụ tá, phải mỗi tuần lãnh trách nhiệm dẫn khách hàng đi ăn trưa, và có dịp ăn ở Quán ăn Ami Louis ở Paris – đã kể trong một bài viết năm 2009).
Số một thế giới về nông nghiệp, nhưng Huê Kỳ có bao nhiêu dân làm nghề nông? Chưa đầy 2% tổng số dân lao động, đúng hơn là chỉ 1,7%, gồm có 2 triệu 2 cơ sở (fermes – farms) trồng trọt, chăn nuôi, chiếm tổng cộng là 373 triệu mẫu tây – hectare, như vậy trung bình mỗi cơ sở sử dụng 250 ha. (Tài liệu Wikipédia 2012). Nông dân Huê Kỳ sử dụng 5 triệu đầu máy cày, 50% tổng số máy cày thế giới. (Một đầu máy cầy ngày nay có thể kéo toàn bộ hệ thống giây chuyền, từ gặt, lựa hột và rạ, bó rạ, cuốn rạ). Nói tóm lại nghề nông ngày nay không có cảnh «chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa» nữa !
B. Bối cảnh ngày nay ở Việt Nam:
Chúng tôi xin trích đăng một nhận định kinh tế cuối cùng nhận được :
Con số thống kê Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam vừa công bố cho thấy đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào Việt Nam trong bảy tháng đầu năm 2012 chỉ ở mức 8,03 tỷ đô la, bằng 66,9% so với cùng kỳ năm 2011. Sự suy giảm từ 19,9 tỷ đôla năm 2010 xuống con số như trên, trong lúc FDI toàn cầu tăng từ 1,24 đến 1,6 ngàn tỷ trong cùng thời gian cho thấy FDI tại Việt Nam đang đi ngược chiều với xu hướng thế giới. Sự tụt hạng đầu tư của Việt Nam ở châu Á cùng thời gian cũng chứng minh môi trường kinh doanh Việt Nam đang mất điểm trong mắt giới đầu tư, so với nước cùng khu vực như Indonesia, tăng từ vị trí 21 lên 9 một cách ngoạn mục.
1. Những chướng ngại vật
Thông báo số lượng FDI tại Việt Nam, thường chênh lệch xa với số lượng FDI thật sự được chánh thức đưa vào sử dụng vì tốc độ giải ngân yếu kém. – thủ tục hành chánh kém ? hay giữ tiền lâu tạo tiền lời ngân hàng lớn?
Việc đưa vốn đầu tư vào chính thức sử dụng tại Việt Nam là một thử thách đối với tập đoàn nước ngoài vì các thủ tục giấy tờ cũng như các điều khoản qui định đầu tư rắc rối, không rõ ràng, quan liêu tham nhũng?
Các dự án lên đến hàng tỉ đôla thậm chí sau khi đã hoàn thành các thủ tục, vẫn phải đối mặt với công đoạn “khó nuốt nhất” của quy trình đầu tư: ‘giải phóng mặt bằng’, được quản lý bởi các chính quyền địa phương nghèo vốn? hay làm ăn?
Kinh tế gia Raphael Cecchi của hãng phân tích đầu tư ONDD tại Bỉ trả lời trong một cuộc phỏng vấn đài BBC rằng, một trong hai thế mạnh lớn nhất của Việt Nam đó là lực lượng lao động đông đảo với giá rẻ.
Tuy nhiên ngay cả ông và giới phân tích trên thế giới cũng đồng ý rằng, « trước nhu cầu thị trường toàn cầu về hàng hóa kỹ thuật càng ngày càng tinh vi, cách thâm dụng vốn – do tham nhũng? ăn cắp? rút ruột công trình? cũng như tốc độ tăng giá lao động ở Việt Nam – vì lạm phát? vì mãi lực bị xói mòn, thế mạnh của công nhơn lao động giá rẻ sẽ không còn cần thiết.
Giới quan sát nói Việt Nam sẽ khó đón nhận những làn sóng FDI khổng lồ trong tương lai với đội ngũ lao động kém trình độ, chủ yếu bắt nguồn từ những bất cập trong nền giáo dục vốn thiếu sự tự do để cạnh tranh, chuyên môn hóa của nước này. Một ví dụ: vào năm 2011, Intel, hãng sản xuất chip điện tử hàng đầu của Mỹ, đã gặp trở ngại trong việc đầu tư vào Việt Nam khi số công nhân đủ trình độ tuyển dụng chỉ bằng một phần nhỏ số lượng yêu cầu. Và hãng Intel đã gạt hẳn qua một bên lợi thế lao động giá rẻ của Việt Nam, tuyên bố rằng đó không phải là điều họ tìm kiếm. .
Trong những năm trước, khi giá lao động Trung Quốc tăng nhanh, nhiều ý kiến đã cho rằng Việt Nam sẽ là điểm dừng chân tiếp theo của những nhà đầu tư muốn hướng về Châu Á. Cho đến nay, Trung Quốc, với giá lao động tối thiểu cao hơn Việt Nam rất nhiều, vẫn là điểm nhập cảng đầu tư hàng đầu cho các tập đoàn kỹ nghệ của thế giới như Samsung, Apple nhờ những nỗ lực nâng cao phẩm chất kỹ thuật lao động.
Một bài viết của kinh tế gia Geoffrey Cain trên tờ Foreign Policy tháng 7/2012 có đoạn: « Việt Nam của năm 2012 là xứ sở mà chính phủ ra những quyết định xây dựng các hải cảng kỹ nghệ ở những nơi kỳ quái hoặc đường xá không có ý nghĩa kinh tế nào ! »
Vấn đề cơ sở hạ tầng không được đầu tư đúng nơi, đúng lúc và đúng mức độ đang là vấn nạn, gây cản trở với giới đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt khi các vấn đề mất điện và giao thông đình trệ có những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và lưu thông hàng hóa. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp đặt xưởng sản xuất tại Việt Nam liên tục kêu ca là ‘chới với’ vì không có điện để sản xuất, nhất là trong thời điểm mùa hè, dẫn đến thiệt hại về cả năng suất cũng như chi phí sản xuất. Thí dụ, Samsung, với một vụ mất điện 10 phút đủ có thể biến các sản phẩm dang dở thành ‘phế thải’, gây tốn kém lên đến hàng chục triệu đô la. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục lên tiếng than lỗ vì thiếu nước, chi phí mua điện ngoài tăng cao, cũng như các nguồn điện chậm tiến là các lý do cho vấn đề bất cập năng lượng. Thế nhưng, EVN vẫn tiếp tục đầu tư vào các ngành không liên quan như ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản! No comments!
Nhưng, Chướng Ngại Vật số một vẫn là doanh nghiệp nhà nước :
“Doanh nghiệp Nhà Nước vẫn là nòng cốt của nền kinh tế trong chiến lược phát triển” – Thủ tướng cs Nguyễn Tấn Dũng
Doanh nghiệp Nhà Nước (DNNN), bị coi là trở ngại lớn nhất với sự phát triển của khu vực tư doanh, chẳng những là nòng cốt và tương lai của nền kinh tế Việt Nam, mà còn là lá chắn nguồn FDI, suốt nhiều năm qua. Ngân hàng HSBC hôm 1/8/2012 nói sai lầm lớn nhất của Việt Nam là tập trung 40% tổng sản lượng quốc gia (GDP) vào các tập đoàn nhà nước kém hiệu quả, tạo ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường nhưng lại đòi hỏi sự hỗ trợ khổng lồ để tiếp tục tồn tại. Các doanh nghiệp này, bị các nhà đầu tư lên án là với số vốn lớn mạnh đã ra sức thao túng vị trí « đầu tàu của ngành », chiếm thế độc quyền bằng cách mở rộng đa ngành để tạo khó khăn cho việc thâm nhập thị trường của nước ngoài, ảnh hưởng đến mức FDI.
Cũng trong bài viết trên tờ Foreign Policy nói trên, Geoffrey Cain viết về doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam: «Họ thật là một đám phiền toái ! chẳng ai (nhà đầu tư nước ngoài) muốn dính líu vào họ. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn tiếp tục khẳng định Doanh nghiệp Nhà Nước vẫn là nòng cốt của nền kinh tế trong chiến lược phát triển đất nước Việt Nam từ đây đến năm 2015. Có điều chính ông này (TT NTD) là người bị dư luận lên án vì đã bỏ ngoài tai những cảnh báo của các chuyên gia về tác hại của mô hình DNNN nhiều năm trước khi Vinashin, Vinalines đổ vỡ».
Và cuối cùng : lạm phát vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng : Lạm phát tại Việt nam trong năm 2012 có giảm xuống, thế nhưng những dư âm và hậu quả của mức lạm phát lên đến 23% của năm 2011 vẫn còn tồn đọng trong nền kinh tế hiện tại và tâm lý các nhà đầu tư. Phải chăng đó là một phần nguyên nhân của tình trạng suy giảm lượng FDI trong năm 2012 ? Trong bối cảnh lạm phát Việt Nam – cao nhất Châu Á năm 2011- các khách hàng nước ngoài, các công ty nước ngoài, trở nên lãnh đạm hẳn với thị trường Việt Nam vì mất đi sự lợi thế cạnh tranh giá cả trước áp lực lạm phát vì sẽ đem đến yêu cầu tăng lương, chi phí vật liệu tăng giá, lãi suất ngân hàng cao và các ngân hàng hạn chế tín dụng. Nguồn FDI vào ngành bất động sản cũng giảm xuống thấy rõ, dư âm subprime vẫn còn tồn đọng.
Để giải quyết mức lạm phát, Việt Nam cần phải hy sinh tăng trưởng thường niên và giá trị tiền đồng. Điều này cũng đang khiến các nhà đầu tư lo ngại, và do đó cũng sẽ giảm mức độ đầu tư tại Việt Nam.
2.Thử đóng góp một cái nhìn cho Việt Nam tương lai
Bối cảnh kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế liên lập, toàn cầu hóa thế giới. Về mặt kinh tế chúng ta phải thấy rõ, toàn cầu hóa là cái mẫu số chung của một nền kinh tế liên lập. Việt Nam chỉ có một phương cách duy nhứt.
Hãy Bỏ hẳn mô hình Tàu, bỏ hẳn mô hình nửa quốc doanh nửa tư doanh.
Hiện nay chỉ số các doanh nghiệp nhà nước trong hệ thống doanh nghiệp kỹ nghệ Tàu cũng là một chướng ngại vật cho nền kinh tế Tàu
Đảng Cộng sản cũng là một chướng ngại vật cho một sự Phát triển hài hòa, bền vững của Tàu.
Nhưng Tàu là Tàu, phức tạp hơn Việt Nam, và ở đây cũng không phải chỗ để chúng ta phân tách cái địa lý kinh tế chánh trị của Tàu. Chúng ta chỉ tóm tắt sơ lược là Tàu chia đất nước ra làm ba vùng thấy rõ. Các tỉnh ven biển, phát triển giàu có, dân chúng có mức sống ngang ngửa với mức sống Tây phương, nhưng trong vùng nội địa, các tỉnh nội địa vẫn ở tình trạng chậm tiến, và cuối cùng các tỉnh biên cương, Tân Cương, Tây Tạng là những vùng trái độn do dân Hán chiếm đóng có thế chiến lược không hơn không kém. Đảng Cộng sản cầm quyền Tàu cũng như đảng Cộng sản ta, chỉ lo củng cố địa vị cầm quyền, tổ chức theo kiểu kim tự tháp. Trung ương tập quyền đấy, nhưng nay – hồi xưa cũng có nhưng Mao Trạch Đông, hay Đặng Tiểu Bình đã thủ tiêu tất cả đối lập – lại đang lo đấm đá vì bị những chia rẽ thế lực khác nhau, nào là phe nhóm Beijing, nào là phe nhóm Shanghai, hay phe nhóm Trùng Khánh hiện thời đã bị loại…
Việt Nam cũng thế: Suốt ngày, giành giựt, cân bằng quyền lực, dòm ngó, «canh me» nhau nên không lo gì đến đất nước. Riêng chuyện Biển Đông, phe Tàu, phe Tây, phe Mỹ cũng canh me dòm ngó lẫn nhau… Theo Mỹ hay theo Tàu không phải vì quyền lợi đất nước mà chỉ quyền lợi cá nhơn, phe đảng…
Vì những lẽ nêu trên, chúng tôi thiển nghĩ, chẳng có một phương thức nào gọi là khả thi để cứu nước hay kiến nước khi nào còn các nhóm của đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền.
Chúng tôi nhấn mạnh «từ ngữ» Các nhóm. Vì ai nghĩ rằng Đảng Cộng sản không còn cầm quyền nữa là sẽ thay đổi là lầm to! Dư âm, ảnh hưởng tàn dư, ngoại vi, huệ dậu, coi dzậy mà không phải dzậy còn nhiều lắm, Cộng sản là một con bạch tuộc, Tàu là một con Bạch tuộc, là một Tề Thiên Đại Thánh biến hóa ngàn dạng, ngàn hình.
Ngày nay, với những nhận định về nền kinh tế vừa nói trên, chứng minh tình hình kinh tế của Việt Nam rất bi đát. Tổng sản lượng nguồn vốn đầu tư ngoại quốc đến nửa năm 2012 chỉ vỏn vẹn trên dưới 9 tỷ dol-lars, thử nhơn đôi, hy vọng lắm, cuối năm nguồn đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam cũng chỉ độ 18 tỷ. Ngày nay, Việt Nam còn gì để hấp dẫn, ngoài công nhơn giá rẻ? Giá rẻ nhưng không còn khéo tay nữa, vì tay nghề không còn, vì kỹ thuật càng ngày càng cần tay nghề cao, chuyên môn, để hội nhâp vào công nghiệp khoa học hiện đại.
Tiếp tục nghề nông? Trồng lúa, trồng bắp, trồng đậu nành, … để xuất cảng? Tình hình thế giới nay đã thay đổi: ngày mai, kỹ nghệ xe hơi sẽ xuống, vì thiếu nhiên liệu, vì ô nhiễm, chuyên chở giao thông đi lại con người từ chuyên chở tư nhơn, sẽ sang chuyên chở công cộng. Chỉ có anh Tàu còn thèm đi xe hơi thôi. Xe hơi ngày mai, phải chạy bằng điện lực, chạy điện phải sản xuất điện, một đất nước mà mỗi ngày còn bị cúp điện nhiều lần làm sao sản xuất đủ điện cho xe chạy. .. Cái thí dụ việc hãng Intel đầu tư ở Việt Nam năm kia không tìm ra công nhơn đủ chứng minh tình trạng « dốt » của công nhơn Việt Nam. Vẫn biết rằng, Intel sẵn sàng đào tạo công nhơn, nhưng muốn có công nhơn để đào tạo, cũng phải có công nhơn đủ trình độ học vấn, hiểu biết tí ti khoa học, để hấp thụ được cái kỹ thuật. Siêng năng, cần cù, chưa đủ, phải có hiểu biết, không thì suốt đời chỉ làm anh khuân vác siêng năng, cần cù thôi.
(Sau đó vì vấn đề «mất mặt bầu cua», người Việt chúng ta từ hải ngoại đến trong nước đều nguyền rủa In-tel, kỳ thị, khi dễ Việt Nam… trong nước nào anh hùng, hai lần chiến thắng Tây phương, đuổi Tây thắng Mỹ. Ngoài nước nào là đại giáo sư, bác học, có vị làm vị ở NASA, có vị sáng chế ra quả bom phá hầm, phá núi …). Nhưng hỡi ôi, sự thật phũ phàng, có tài «lấy thân phủ đầu súng», có tài dùng «sức người biến sỏi đá thành cơm», cũng không giúp người Việt Nam trong nước vào làm việc với Intel, hay một hãng điện tử ngoại quốc nào.
Sực nhớ đến dân Việt Nam tỵ nạn hải ngoại ngày nào, tới Mỹ, nhào vào nghề điện tử,chồng «tách» vợ «ly» – (ý nói chồng làm khâu« technical » vợ làm khâu «assembly» của các hãng điện tử vùng Silicon Valley – San Jose Bắc California thuở mới qua tỵ nạn). Nói đến việc ấy là để chúng ta vinh danh và cám ơn chế độ và ngành Giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa đã đào tạo thế hệ anh em chúng ta.
Và đây cũng là cái cầu để chúng ta nói đến chế độ Giáo dục. Gần 40 năm cầm quyền toàn đất nước Việt Nam, phương thức và chương trình Giáo dục của Đảng Cộng sản không giúp được người dân đi làm một việc rất tầm thường – thợ assembly cho một quy trình sản xuất chip điện tử – bằng chứng là Intel đã than phiền là không tuyển được số nhơn viên có trình độ để họ huấn luyện.
Cải tổ ngành Giáo dục là việc đầu tiên. Xây dựng lại một nền tảng đạo đức, khoa học kỹ thuật văn hóa để con em có một ý thức công dân Việt Nam rõ ràng. Có nền tảng, một cốt lõi, là những con người tốt, với kiến thức kỹ thuật căn bản rõ ràng, chúng ta mới có thể đi đến một suy nghĩ phát triển tương lai cho đất nước Việt Nam. Hãy bắt chước Ấn Độ, Ấn Độ tiếp tục dùng anh ngữ ở cấp trung học. Ngày nay Ấn Độ có một tầng lớp có chuyên môn cao về ngành điện tử. Kỹ sư Ấn Độ nhận gia công tất cả những công tác viết những nhu liệu điện tóan cho toàn thế giới. Nếu Trung Cộng là một nhà mấy lắp ráp gia công của thế giới, thì Ấn Độ là một cơ sở gia công các nhu liệu toàn thế giới. Tàu làm «vỏ » các bộ máy, Ấn độ làm «trí» sự thông minh của cái bộ máy. Thế giới ngày nay chia làm ba phần, phần sáng chế, kiến tạo ở Mỹ, Ấn Độ viết bộ nhớ, trí thông minh, Tàu làm vỏ.
Hãy tìm con đường sống cho Việt Nam tương lai
Lấy thử Đồng bằng sông Cửu Long làm thí điểm cho cái suy nghĩ của chúng ta. Nước Việt nam là một nước nông nghiêp, nghề nông là cổ truyền để nuôi dân Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của miền Nam Việt Nam. Vựa lúa, nhưng cũng là vườn cây ăn trái, do màu mỡ của phù sa do hai nhánh sông Cửu Long tạo thành. Vựa lúa, vườn cây ăn trái, nhưng cũng tôm, cá và thủy sản. Đồng bằng sông Cửu là điển hình của nghề nông Việt Nam. Nên vì vậy, ngoài nghề nông ra, Việt Nam không phát minh hay chọn một nghề nghiệp kỹ nghệ gì cả. Từ thời Quân chủ lạc hậu đã đành, thời thuộc địa Tây cũng chọn nghề nông để khai thác Việt Nam, kể cả nghề nông kỹ nghệ, trồng cao su, cà phê, trà, tiêu hay bông sợi…
Nghề chăn nuôi phần đông cũng còn rất gia đình, không được kỹ nghệ hóa. Việt Nam không có một cơ sở lớn nào về chăn nuôi cả. Không có trại gà, không có trại heo mà cũng chẳng có nuôi bò thịt hay bò sữa. 37 năm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, dù có làm hợp tác xã đi nữa cũng chỉ lay hoay với những nông trại hay trang trại loại gia đình. Những năm qua có những trại nuôi thủy sản, nuôi cá ba sa để xuất cảng, và nuôi tôm, nhưng vì thiếu tánh cách khoa học, vì làm ăn sổi, kiểu ngắn hạn nên tuy có làm có ăn thật sự đó nhưng không có hậu, không có tương lai, vì tác hại môi trường, đất đai khai thác mỗi ngày mỗi xói mòn đi, và cũng vì không có chương trinh nên không có đầu tư đúng đắn, thiếu bền vững, dự phóng, thay thế gìn giữ.
Nguyên tắc «Chặt cây đốn cây khai thác rừng phải trồng cây giữ rừng» không có ! Nếu có, cũng chỉ làm cho lấy lệ hay che mặt thế giới để lấy ngân quỹ viện trợ quốc tế về trồng rừng.
Và một nguy hiểm hơn, cũng do tánh liên hệ và toàn cầu hóa. Đồng bằng sông Cửu Việt Nam là cuối giòng sông Mê Kông. Thượng nguồn ở Tây Tạng, ở Tàu, ở Miến Điện, Thái Lan, ở Lào, ở Cao Miên. Ngày nay, thượng nguồn đang bị giặc Tàu ngang nhiên và không trách nhiệm xây đập thủy điện và lấy nước dẫn thủy nhập điền vào những vùng đất khô cằn phía Đông Bắc Tàu. Các quốc gia láng giềng thượng nguồn Lào cũng đang có chương trình xây đập thủy điện để hoặc bán điện cho Thái Lan, biến sinh thái các vùng hạ lưu sông Mê Kông tự nhiên trù phú lúc xưa thành những vũng ao nghèo nàn, Biển Hồ Tonlé Sap, ngày xưa trù phú đầy cá, nay không còn cá nữa để nuôi dân, diện tích nước Hồ những mùa nước những năm nay không bằng phân nửa những năm xưa. Biển Hồ thiếu nước thì giòng Cửu Long ở miền Nam Việt Nam cũng thiếu nước. Thủy lực nước đổ không còn đủ mạnh để chặn giòng thủy triều từ biển tràn vào. Nước mặn chạy ngược lên, ngày xưa một hai cây số vào trong nội địa, ngày nay cả trăm cây số. Những vùng trồng lúa dĩ nhiên ngày nay không trồng lúa được vì nhiễm mặn! Nhiểm mặn thì nuôi tôm, nuôi cá…nhưng cũng vẫn còn nghề nông thì sao?
Một chương trình hợp tác thật sự và lương thiện giữa các quốc gia của lưu vực sông Mê Kông phải được suy nghĩ để đi đến một chương trình khai thác và sử dụng sông MêKong công bằng lương thiện và bền vững. Nhưng dù sao cũng trễ rồi ! Bởi sự thiếu lương thiện của Tàu, đồng bằng sông MêKong, vựa lúa của miền Nam Việt Nam đang bị nhiễm mặn. Vùng đất nông nghiệp của Việt Nam nay cũng đã giảm.
Phải từ nay sửa soạn kỹ nghệ hóa đồng bằng sông Cửu.
Nuôi tôm cá? ngày nay nuôi tôm đang dần dần thay thế trồng lúa, nhưng phương pháp nuôi tôm không bền vững, không kế hoạch. Môi trường đang bị phá hoại, rừng ngập mặn (mangroves) cây đước đang bị khai thác để làm hồ nuôi tôm. Đất liền vùng Mũi Cà Mau ngày một mất đi do các đập thủy điện xây ở thượng nguồn cản bớt phù sa chảy về.
Thử nhìn chỉ số người làm nghề nông các quốc gia tiên tiến. Người dân Việt Nam và người dân đồng bằng sông Cửu Long thử đổi nghề, để hạ chỉ số nghề nông xuống.
Đổi nghề? Nhưng làm nghề gì? Vì ngành giáo dục kém, nên Việt Nam ngày nay không có một nền tảng chuyên viên khoa học. Giáo dục phổ thông đặt nặng nền văn học lỗi thời, đặt nặng chủ thuyết Cộng sản lỗi thời, những lớp học tập chánh trị, học chủ thuyết Cộng sản có mặt ở khắp mọi lớp toàn bộ chương trình giáo dục …Đảng Cộng sản chỉ cốt đào tạo những đảng viên trung thành mù quáng với Đảng để dễ sai bảo. Đảng Cộng sản nói dối, mánh mung, mị dân, dạy dân nói dối mánh mung để kiếm sống. Vì vậy toàn dân cả Việt Nam cũng phải nói dối với Đảng, mánh mung với Đảng để kiếm sống. Sự giàu có, của cải ngày nay của giai cấp cầm quyền và liên hệ là do mánh mung, đục khoét, thục két, tham nhũng các quỹ giúp đỡ, các quỹ cứu trợ, các quỹ vay mượn, các đầu tư ngoại quốc và ngoại tệ do tiền người Việt tỵ nạn hải ngoại gởi về cho bà con.
Đổi nghể cũng có thể ngay từ bây giờ chuyển từ từ, từ nông nghiệp và chăn nuôi qua kỹ nghệ hóa nông nghiệp và chăn nuôi: đóng hộp hoa quả, rau cải, làm thịt hộp cá hộp. Nhưng phải biết làm thịt hộp cho thị trường quốc tế, ví dụ dứa trồng dễ dàng trên những vùng đất chua, vào hộp để xuất cảng đến Âu châu. Trái cây si-rô, gọi là sa lát trái cậy (salade de fruits) người Âu Mỹ thích dùng để ăn tráng miệng. Dân Ma Rốc không ăn cá mòi, nhưng Ma Rốc là một nhà xuất cảng hàng đầu về cá mòi hộp, – với cà chua, với dầu ô liu. Cá nục (maquereaux) đóng hộp cũng có thể là một kỹ nghệ. Việt Nam hiện nay rất nhiều cơ sở sản xuất hàng đóng hộp nhưng chỉ thổ sản. Thị trường nhỏ hẹp, bán cho cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, và thị trường nội địa ; Làm sao có một suy nghĩ bán cua tôm cho thị trường Âu Mỹ cho người Âu Mỹ. Cua đồng, tôm đồng đóng hộp, tôm đông lạnh đã có thị trường nhưng hiện nay rất bị cạnh tranh, thử hỏi nuôi tôm lớn được không ? Cá Ba sa, cá Tilapia (cá Phi) chưa thành kỹ nghệ để xuất cảng.
Chưa kể ngay từ bây giờ chúng ta có thể kỹ nghệ hóa ngành trồng trọt rau trái, đậu xanh, đậu đen đều có mặt ở các chợ và siêu thị Á đông ở Mỹ, ở Âu châu. Nhưng ở thị trường sinh thái Mỹ và Âu châu? Các nhóm sinh thái Âu Mỹ (new age) đang bắt đầu để ý đến gạo còn cám, – riz complet – Việt Nam mình có biết bán gạo lức không? Kỹ nghệ hóa nông nghiệp sẽ đưa trở về nông thôn một số nông dân lên thành thị làm việc. Ngày nay vì cần điện lực để thay thế nhiên liệu hầm mỏ, những dàn điện mặt trời phải được xây dựng trên các mái đình chùa, công sở, che mưa, che nắng nhưng cũng dùng để sạc điện cho nông thôn, cho máy bơm nước. Ban ngày dùng mặt trời bơm nước lên bồn chứa ban đêm xả nước xuống qua turbine để sạc điện. Nhân tất cả những đơn vị ấy lên để điện hóa nông thôn kỹ nghệ hóa nông nghiệp.
Việt Nam có cái may mắn là không có gì cả? Hạ từng cơ sở hầu như còn trống vắng, do đó làm mới rất dễ dàng. Còn có như Pháp, bỏ cái cũ, phá cái cũ tốn tiền, làm cái mới khó khăn hơn. Ta không có gì cả, ta làm mới hoàn toàn.
Nhưng phải biết xây dựng.
Để Kết Luận
Một não trạng văn hóa mới, tìm phẩm chất, hay
Văn hóa Phẩm chất – La culture de l’excellence :
Từ não trạng tiêu dùng, sống qua ngày, học để có nghề để đi làm, đi làm để sống và để tiêu thụ, hãy thử thay đổi một não trạng mới : xây dựng, kiến thiết. Hãy tạo một não trạng khoa học. Thử ngay từ bây giờ đầu tư và đào tạo những đội ngũ thợ thuyền chuyên môn. Suy nghĩ ngay từ giáo dục, đầu tư cơ sở nghiệp vụ liên lập công nghệ/ giáo dục và đưa ngành giáo dục vào công nghiệp, tu nghiệp, luyện nghề thường trực.
Phải biến thị trường công nhơn Việt Nam thành thị trường công nhơn có phẩm chất. Recherche de l’excellence, tìm cái phẩm.
Các nhà chức trách Việt Nam tương lai phải biết đi tìm những nhà đầu tư tương lai, đầu tư vào cái phẩm, chứ không đầu tư vào cái rẻ, – tìm cái lợi trong cái giá trị có thêm, chứ không đi tìm cái sức sản xuất (Recherche de la Rentabilité dans la Valeur ajoutée et non dans la Productivité)
Nếu nông nghiệp thì phải có nông nghiệp tương lai, lớn, nông nghiệp kỹ nghệ tương lai lớn, có thị trường quốc tế : trồng lá stévia, lá đường cho kỹ nghệ đường tương lai, nếu trồng cà phê thì trồng arabica, một loại cà phê phấm chất số một, nếu trồng trà thì trồng trà loại cao cấp số một … không thể lẫn lộn trà bán cho nội địa và xuất cảng lẫn lộn…. Nếu nuôi gà thì nuôi trại gà lớn, loại đi bộ, hạp thiên nhiên, đúng tiêu chuẩn, (số gà / m2 ), giết đúng ngày tháng, thịt thượng hạng … để xuất cảng. Nếu nuôi heo thì nuôi trại heo để xuất cảng… Xuất cảng gà, xuất cảng heo,… thành kỹ nghệ hóa, đi vào cái phẩm. Thí dụ : thịt bò Kobé của Nhựt, cá Thu xanh của Địa Trung Hải… Hợp tác với ngoại quốc để sản xuất hàng tiêu dùng, nhưng hàng tiêu dùng cao cấp, có giá trị cao…Iphone, Ipad, Ipod, TV, … tránh bớt làm giầy, tránh bớt may quần áo… nếu không may giầy cho hàng hiệu sang trọng, thêu may hàng cao cấp. Thí dụ của nghề nuôi heo vùng Basque nuôi trở lại giống heo Basque, nuôi thả, thịt hạng cao cấp, jambon cũng hạng cao cầp làm sống lại một vùng, nông nghiệp cao cấp, chăn nuôi cao cấp. Thịt bò cao cấp Chalosse, Pháp, bán khắp thế giới. Mình nghĩ rằng mình làm được. Caviar, trứng cá mặn nay của Pháp được ưa chuông vì caviar thật sự của Nga và Ba tư ngày nay đã bị ô nhiễm không bằng caviar của cửa sông Gironde. Heo đen Việt Nam rất được yêu chuộng, có ai làm jambon heo Việt Nam chưa ? thử xúc xích heo Việt Nam chưa ? Ngày xưa dân ăn uống thích mỡ, ngày nay thích nạc bớt mỡ, nhưng nạc phải có vị , heo Việt Nam rất có vị. Thịt kho khô hay kho tàu bên Việt Nam ngon, vì nếu bằng heo ta (con heo đen bụng ỏn) nặng lắm là một tạ ta – 60 kilô là hết cở – ăn miếng đầu heo luộc chấm mắm nêm nó đậm đà làm sao. Qua Pháp ăn không ngon vì con heo béo quá, mỡ nhiều, nó ngậy, cục thịt kho tàu heo Việt Nam, nó cứng nó dòn, nhưng khi đưa vào miệng nó tan trong miệng, nuốt đi không có chất mỡ trong miệng. Thịt heo bên Mỹ và bên Pháp, kho tàu, khi gắp nó bể ngay trong dĩa. Tôi hy vọng một tay nhà nghề nào nghiên cứu làm jam bon bằng heo Việt Nam và xuất cảng bảo đảm làm được. Mong lắm !
Cái văn hóa phẩm chất phải được nâng cao để xuất cảng. Gạo Nàng Hương ? Gạo Tám thơm. Tạo sao Việt Nam ta không trồng lại bán thành gạo thật mắc. Chắc chắn sẽ có thị trường. Ở Pháp có loại rượu mùa đông, với loại nho thật chín muồi gần như dập vậy hái vào mùa Đông. Canada có Ice Wine. Pháp có Vin de Vendanges tardives. Đó là những cái niches – những cái thị trường rất nhỏ nhưng biết sử dụng hái ra tiền. Việt Nam ta có đá quý marbres ở núi Ngũ Hành sơn Đà Nẵng. Ý đại lợi có Marbre de Carare, tại sao Marbre de Carare nổi tiếng bán cả thế giới dùng làm sàn lót nhà, bàn. Tại sao đá quý ở Ngũ hành Sơn chỉ dùng để làm tượng Phật?
Dĩ nhiên trong bước đầu ai cũng muốn xí xóa miễn có ăn là được. Nhưng không mơ cái phẩm thì không bao giờ có cái phẩm. Dưới thời Đức quốc xã, Hitler ra chỉ thị, mỗi gia đình Đức phải có một chiếc xe hơi, một căn nhà, chương trình Volkwagen, Volkhaus ra đời. Mơ có nhà ngói, mới có nhà ngói, mơ xe hơi mới có xe hơi!
Đến nay Việt Nam chỉ biết lo cái ăn no, lo cái mặc ấm. Dân Việt Nam phải biết hãnh diện là biết mơ ăn ngon, biết mơ mặc đẹp. Chừng nào dân Việt Nam hết còn chỉ biết uống rượu cho say «Dzô, dzô một trăm phần trăm!» mà chưa biết uống rượu để thưởng thức, thì văn hóa ẩm thực của chúng ta vẫn còn thiếu một cái gì. Hãnh diện có Truyện Kiều, hãnh diện có các anh hùng giữ nước chưa đủ, vì chỉ là một điển hình, vì quá khứ. Hãnh diện ngành ẩm thực của mình được vào kho tàng văn hóa quốc tế vì ẩm thực là cái hằng ngày, cái trong tầm tay mình.
Ngành ăn uống của Pháp là một thí dụ, ngành ăn uống của Nhựt là một thí dụ. Nước Pháp cả ngàn tiệm ăn, nước Nhựt có cả ngàn tiệm ăn, nhưng vẫn có số một nhà hàng, tiệm ăn, ăn uống cao cấp, cầu kỳ. Cầu kỳ của Pháp, cầu kỳ của Nhựt khác cái cầu kỳ của Tàu và của Ta, không phải món ăn với những nguyên liệu vật liệu cầu kỳ, vật lạ, vây cá, …hay tổ chim … óc khỉ, đi câu cầu kỳ, đi hái cầu kỳ khó khăn. Mà cầu kỳ chỉ trong cái cung cái nấu cầu kỳ. Vật liệu cầu kỳ do kỹ thuật lựa chọn cầu kỳ, lựa chọn trồng chăm sóc, nấu ăn cầu kỳ do anh đầu bếp. Tất cả do con người, tài nghệ con người được nâng lên hàng sư, hàng thầy, thượng đẳng cầu kỳ. Các nhà bếp hạng thầy, là Chef, là Maître. Là Thầy.
Tiếng Pháp, tiếng Anh dùng từ Maître, hay Master để gọi các bực Sư trong tất cả các nghề từ thầy giáo đến thầy kiện, đến thầy dạy võ, đến thầy dạy đàn đã đành, nhưng cũng đến chef d’orchestre – conductor dàn nhạc, anh họa sĩ, gặp Picasso, phải gọi là Maître – năm 1973, khi người viết đi đóng phim Once upon a time America, cùng với Robert De Niro phải gọi đạo diễn Sergio Léone là Maestro, hay anh đầu bếp thượng hạng – Paul Bocuse gặp anh phải gọi: «Bonjour Maître » – le maître cuisinier anh bếp hay le maître pâtissier anh làm bánh ngọt hay cả le maître boulanger – anh làm bánh mì. Việt Nam mình chỉ một chữ là Thợ Cả thôi.
Cả một não trạng phải thay đổi ! Khoa học và văn học của cái phẩm – La science, la culture de l’excellence! Mình không bằng lòng anh Tàu. Nhưng cũng nên biết ngưỡng mộ anh Tàu. Tại sao người Tàu làm được Shanghai, Hongkong. Mình không làm được Sài gòn như Shanghai, như Hongkong? Sài gòn trước đây đã có tên Hòn Ngọc Viễn Đông, Shanghai không được bằng, Hongkong không được , Singapore khỏi nói, chỉ là hạng là cắc ké, còn Bangkok thì khỏi kể . Thế mà ngày nay? Tàu trước đây nó cũng đói như mình, nó cũng bị thuộc địa như mình, sao nó làm được? Thôi bỏ đi hai tên Tàu đó, hãy theo gương Tàu Singapore đi!
Singapore, không có ruộng, không có nước, không có đất… Singapore dám mở cửa cho ngoại quốc đầu tư, không sợ «diễn biến hòa bình», không sợ «tư bản», không sợ «ngoại nhơn». Nhờ không có 4000 năm văn hiến, nhờ không biết giữ văn hóa dân tộc … Tàu, Mã Lai, Ấn Độ .. hằm bà lằng không có quốc ngữ… tất cả dùng Anh ngữ, làm việc theo Anh ngữ. Mở đại học dạy nói tiếng Anh, học sinh từ ngoại quốc đến học, đi học nói tiếng Anh… không cần dịch ra tiếng nói địa phương, hổng có «phần cứng phần mềm», «nhu liệu, cương liệu» cãi nhau túi bụi, ai cũng dành phần mình đúng. Oxy thì dưỡng khí, CO2 thì thán khí, catalyseur thì súc tác, không biết tại sao xúc, tại sao tác, báo hại đi học hóa phải đổi dịch hai ba lần
Singapore chắc chắn không bao giờ sợ bị Hán hóa, Ấn Độ hóa, Mã Lai hóa …hay Tây hóa, Mỹ hóa! Còn Việt Nam? Việt Nam muốn gì? Muốn một Việt Nam hội nhập vào tương lai toàn cầu hóa? Khoa học, kỹ nghệ, quốc tế … ?
Hay muốn mãi mãi làm anh nông dân?
Để rồi có được :
«Tháng giêng ăn Tết ở nhà, tháng hai trồng đậu tháng ba trồng cà » không?
Hỏi tức trả lời.
Mong tất cả mọi người Việt Nam ý thức, có tự trọng, còn một chút hãnh diện …
tỉnh ngủ, thức dậy để …bước vào thế kỷ 21.
Hè 2012, bước vào tuổi «thất thập cỗ lai hi»
mà sao tương lai quê hương vẫn đen tối ?
TS Phan Văn Song
2 Comments
TRU'C NAM
Ca’m o’n TS ; u’o’c mo’ cua? TS cu~ng la` cua? môt. sô’ tri’ thu’c thâm`
la(ng. nhu’ng không thanh` su’. thât. chi? vi` bi. ky` d-à can? mui? là
d-ang? công san? và kinh tê’ thi. tru’o’ng d-inh. hu’o’ng xa~ hôi chu? nghia~ !
Chu’ng no’ không biê’t la culture de l’excellence la` gi` ? Tai. sao phai? mua d-ông` hô` Thuy. Si~ , thu’o’ng? thu’c huîtres spéciales Tarbouriech ?
Chu’ng no’ chi? co’ la volonté politique la` lam` nô lê. cho Tau`, ban’ nu’o’c , la` viêt gian ; chi? phai? d-ao` thai? no’ nhu’ cô’ TT Nga Boris Yeltsin d-a~ tuyên bô’ , xong rôi` mo’i nghi? d-ên’ mo’? mang kinh tê’ trong
tu’o’ng lai .
Co’ vô sô’ sa’ng kiê’n chu’a tiên. no’i ra lu’c nây` vi` không hâp’ dân? nhu’ng~ nhà d-âu` tu’ ngoai. quô’c .
Tru’c Nam
Phan Van Song
Cám ơn bạn Trúc Nam,
Dỉ nhiên là có vô số sáng kiến. Quê hương Việt Nam của chúng ta có một tiềm lực vô tận. Tiềm lực lớn nhứt là con người. Hãy học bài học lịch sử của VN, chúng ta sẽ nhin thấy là trải qua bao nhiêu biến đổi tang thương người dân Việt cuối cùng vượt qua cả. Một ngàn năm Tàu thuộc, ảnh hưởng văn hóa Tàu nhưng vẫn nói tiếng Việt, và hay và thông minh hơn nữa là vẫn giữ những thổ âm, những phương ngữ, không thống nhứt được. Đó là cái giàu có của người Việt Nam, biết bắt của người làm cái đặc biệt của mình. Cái sai trái lớn nhứt của chế độc độc tài CS là bắt toàn dân VN răm rắp một tư tưởng, một suy nghĩ một mô hình.
Chúng ta có dịp sẽ bàn luận về cái tài hấp thụ, lết sinh của dân tộc VN. Cái thông minh của người Việt ta là chấp nhận sử dụng loại chữ vần la tinh do các cha cố nghiên cứu để dễ dàng giảng Đạo. Một loại chữ mang từ xa đến sử dụng âm thanh để thành chữ viết, khác hẳn với quan niệm chữ Nho, vẽ tượng hình, tượng thanh, thêm vào những khoa học như chiết tự vân vân. Nhưng nếu các Cha cố có công nghiên cứu loại của la tinh để viết tiếng việt để truyền giảng, nếu chế độ Thuộc địa dùng quốc ngữ la tinh hóa để chinh phục Việt Nam, thì chúng ta phải biết cáp ơn cái thông minh cái tài tình của các tiền nhơn, từ nhà văn, từ nhà làm chánh trị, kể cả những người chống thuộc địa chống Tây, vẫn thấy cái tương lai của chữ quốc ngữ. Ngày nay chúng ta cầu kỳ chê bai, cãi nhau về chữ s chữ x, chữ y dài chữ i ngắn, sử dụng s hay x , chia sẻ s hay X. Từ một một chữ được nghĩ ra để làm một phương tiện nay biến thành một khoa học ngôn ngữ… Tất cả trong vòng 300, 400 trăm trở lại. Sau 1000 năm Tàu và chữ Hán, chỉ cái chớp mắt.
Phải các bạn ơi, bài viết chúng tôi chỉ đưa ra những thí dụ. Vậy thì kêu gọi bạn trẻ trong nước, hải ngoại cố tâm, có lòng hãy nghĩ đến xạy dựng đát nước hậu CS. Cố gắng thoát khỏi những mô hình ngày qua và ngày nay, đã qua rồ những hình ảnh nước ta là nước nông nghiệp, chống cày vợ cấy con trâu… Đã qua rồi vựa kúa miền Nam..Đã qua rồi VN rừng vàng bạc biển. Hãy nghĩ đến những mô hình mới. Giáo dục là một lối thoát ? Thí dụ về văn hóa, văn hoá việt, nhưng biết sử dụng ngoại ngữ để bước vào thế giới. Người Hoa, quảng đông, biết nói tiếng quảng đông là tiếng mẹ đẻ, nhưng biết cả tiếng quan thoại là tiếng đi học, ở Việt Nam nói tiếng Việt, ở Cam bu chia nói tiếng Miên,… nhưng khi làm việc nói tiếng Anh, vì là tiếng quốc tế. Chúng ta hảnh diện tiếng Việt, cố gắng viết cho đúng nhưng phải cho con em học ngoại ngữ ngay từ tiểu học. Người Việt hải ngoại ở tứ xứ, Mỹ Pháp Đức…VN tương lai đủ điều kiện để đào tạo ngoại ngữ con cháu. Nhưng cũng đừng bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Phải luyện Anh văn, nhưng cũng phải luyện Pháp văn, Đức ngữ Tây ba Nha, Nhật và cả Hoa nữa. Không nên cạnh tranh nhau, học cái nầy nhiều tiền hơn, kiếm việc dễ hơn học cái kia ! Phải có cái nhìn tổng hợp, cá nhơn tôi học hoài, ngày nay về hưu tôi đang học tiếng Ý , để nghe nhạc Opéra trong bản chánh . Tất cả phải phục vu cho người VN, cho VN …
Câu chuyện còn dài, giấc mơ chúng tôi kể hoài không hết. Chỉ mong toàn dân Thực Sự muốn CS xuống, Thực Sự bỏ CS là tương lai VN sẽ có. Với chúng tôi ngày nay đến lúc toàn dân Việt phải tỏ cái ý chí chánh trị của mình. Chỉ trích , chê bai, phân tích tình hình không đi đến đâu cả, vì CS chỉ có vậy. CS là sai, là xấu là hỏng: Cu ba, Băc Hàn, VN, Tàu (cường quốc kinh tế số hai nhưng tại sao ở Pariqs đày rẳy người Hoa nhập cư lậu ? Thiên đàng sao bỏ trốn ? Có ai thấy người Mỹ Vượt biên, người Pháp vượt biên tỵ nạn kinh tế đâu ? mặc dù Pháp ngày nay rất nghèo đới với Tàu. Còn CS ở VN thì giấc mơ chúng tôi chỉ là giấc mơ thôi.
Cám ơn bạn và trân Trọng. Phan Văn Song