Gần đây, một anh bạn ở Pháp chuyển cho tôi xem bài “Đọc Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương do G.S. Nguyễn Ngọc Bích phiên âm và chú thích” in trong báo điện-tử Khoahocnet. Bài viết khá dài của ông Phạm Trọng Chánh (14 trang) chứng tỏ ông đã đọc khá kỹ cuốn sách mới in hồi năm ngoái của tôi.
Là một người nghiên cứu, viết song cũng ít thấy phản-hồi từ độc-giả, tôi đã lập-tức có lời cám ơn ngay như sau:
“Cám ơn Tiến-sĩ Phạm Trọng Chánh đã chỉ ra cho tôi những chỗ có thể tôi sơ xuất hay không hiểu rõ ý thơ của Hồ Xuân Hương. Cũng như có chỗ tôi quá dễ dãi ỷ vào những bản dịch của người khác. Tôi sẽ xin xem lại và, nếu có dịp, sẽ xin sửa những chỗ sai sót. Tuy-nhiên, tôi nghĩ là cũng có chỗ Tiến-sĩ đưa ra quá nhiều giả-thuyết mà không có đủ cơ-sở vì Tiến-sĩ gán quá nhiều chuyện cho cuộc tình giữa HXH và Nguyễn Du, chẳng hạn.
“Chưa kể cũng có đôi ba chỗ tôi xin được phép ngờ cách đọc của Tiến-sĩ. Tỷ như chữ ‘đây’ mà theo Tiến-sĩ phải đọc thành ‘dạy’ trong bài ‘Hoạ Thanh Liên nguyên-vận’ (trang 95) sẽ làm cho vận của toàn bài đâm ra cọc cạch như sau: dạy, chi (hay gì), đi, thi, về, nghĩa là một vần trắc mà lại vần với 4 vần bằng.
“Còn chữ ‘vả vê’ thì theo từ-điển sắp ra củ BS. Nguyễn Hy Vọng so sánh tiếng Việt với tiếng các nước láng giềng thì chữ này có nghĩa là ‘trống vắng.’ Tôi chỉ theo mặt chữ mà đoán, sau đó lại tìm thấy chữ này trong từ-điển của BS. Nguyễn Hy Vọng.
“Nói tóm lại, chúng ta chưa chắc đã biết hết những khả-năng của chữ Nôm.
“Vài lời trao đổi sơ sài chứ bài viết của Tiến-sĩ đúng ra phải đòi hỏi một bài dài để trao đổi cặn kẽ hơn. Nhưng xin dành đến dịp khác.”
Chữ “tác” đánh ra chữ “tộ”
Bài của Tiến-sĩ nêu ra nhiều vấn-đề quá làm tôi còn đang phân vân, chưa biết phải bắt đầu từ đâu thì tôi lại thấy hình như Tiến-sĩ đã gửi bài cho Việt Thức và Tiến-sĩ Lưu Nguyễn Đạt, không cần kiểm-soát, đã vội vã đưa lên ngay trang nhà của Việt Thức. Vì thế nên không thể đợi được, tôi vội vàng phải có bài này để bắt đầu cuộc đối-thoại với Tiến-sĩ Phạm Trọng Chánh. Song vì không muốn làm cho độc-giả phải đổ mồ hôi hột ra xem một bài dài quá, tôi xin bắt đầu bằng một lãnh-vực dễ kiểm-soát, không đến nỗi phải đưa chủ-quan của mình vào, đó là lãnh-vực chữ Nôm.
Tại sao lãnh-vực này lại quan-trọng?
Tại vì không trông thấy mặt chữ thì chúng ta chỉ có cách đoán mò. Trong cuốn sách của tôi, tôi đã có dịp kể lại là đến như G.S. Hoàng Xuân Hãn, một người uyên-bác đến như ông, mà cũng sai khi viết hai chữ “Hoan” trong “Hoan-trung” và “Lưu” trong “Lưu Hương Ký,” chỉ vì ông Đào Thái Tôn ở Hà-nội giấu nhẹm nguyên-bản, không chịu chia xẻ với cụ Hãn dù như cụ đã hai lần nhờ G.S. Tạ Trọng Hiệp ở Pháp về tận Việt-nam xin một phóng-bản.
Nhưng nay ta đã có phóng-bản thì ta không còn được quyền đoán mò nữa.
Nhưng Tiến-sĩ Phạm Trọng Chánh thì bất cần. Hầu như tất cả những chỗ ông đòi chữa cách đọc chữ Nôm của tôi đều rất tuỳ tiện không dựa vào đâu cả. Mà ông chữa của tôi không phải là ít, làm cho ai không biết thì (chắc) sẽ nghĩ là tôi dốt Nôm lắm, đọc sai tuốt luốt. Vậy để cho chắc, tôi xin liệt-kê hết cả những chỗ ông đòi sửa cách đọc của tôi và trình bầy tại sao ông sai:
Số trang trg LHK của tôi |
Bài và câu |
Tôi đọc |
Ông PTC đọc |
Vì sao ông sai? |
Trang 55 |
Bài “Hoài cựu” c. 3 |
Con |
còn |
“con” chữ Nôm viết giả tá chữ “côn” còn “còn” thì viết với chữ “quần” |
Cùng bài c. 5 |
chuộc |
trả |
“chuộc” viết với âm-phù “thuộc” còn “trả” viết với âm-phù “lã, bả” hay “giả” | |
Cùng bài c. 7 |
Rằng |
tường |
“rằng” là HV “lãng” còn “tường” là chữ Hán | |
Trang 56 |
Bài “Thu-nguyệt”c. 1 |
Ru |
du |
“ru” là một vấn-từ, “du” vô nghĩa |
|
Cùng bài c. 2 |
Thâu |
thu |
“thâu” vần với “đâu, sau, đầu” |
Trang 59 |
Bài “Cảm cựu tống Tân xuân chi tác”c. 3 |
Cửa đông |
Cửa động |
Ở đây, ông PTC đúng song lỗi chính-tả này đã được tôi ghi trong phần “Đính chính” |
Trang 69 |
Bài “Thạch Đình tặng” c. 1 |
Vả vê |
vẽ vời |
Ông viết: “chữ Nôm, chữ quốc ngữ không thấy có chữ vả vê.” Thực ra, tôi đọc theo mặt chữ và từ-điển Nguyễn Hy Vọng có chữ này (“vả vê” theo ông nghĩa là “trống vắng”) |
|
Cùng bài c. 2 |
Lúc |
luống |
Nguyên-bản viết chữ “lục,” phải đọc là “lúc” không thể đọc thành “luống” được |
|
Cùng bài c. 3 |
Cung vàng |
Cung Hoàng |
Chưa biết ai đúng |
|
Cùng bài c. 4 |
điếm |
đường |
“điếm” chữ Hán không thể nào đọc thành “đường” được |
|
Vẫn c. 4 |
giấc mải mê |
giấc hãy mê |
“mải” viết với chữ HV “mãi” trong khi “hãy” viết với chữ HV “hợi” |
|
Cùng bài c. 6 |
thấy |
quyến |
Ở đây, có lẽ ông đúng |
|
Cùng bài c. 7 |
rất |
phụ lòng |
“phụ” HV không có bộ tâm |
|
Cùng bài c. 8 |
Tròn trăng |
Tròn trặn |
“trăng” chữ Nôm viết“nguyệt lăng” khác hẳn “trặn” viết như chữ HV “trận” |
|
Vẫn c. 8 |
gương tạnh |
gương tình |
hai cách đọc khác nhau của cùng một chữ |
Trang 95 |
Bài “Hoạ Thanh Liên” c. 1 |
Đây |
dạy |
“dạy” không vần được với “chi/gì, đi, thì, về” |
|
Cùng bài c. 3 |
Hay |
xem |
“hay” chữ Nôm viết với “thai” bộ khẩu |
|
Cùng bài c. 5 |
thức |
thử |
Ở đây, có thể ông đúng |
|
Vẫn c. 5 |
Tăng |
từng, tầng |
Cả hai cách đọc đều có thể nhưng “tăng giá” thì mới đối được với “có thì” (c. 6) |
|
Cùng bài c. 7 |
đỏ |
thắm |
Cả hai cách đọc đều có thể nhưng “đỏ” thì dễ đối với “xanh” hơn |
Trang 99 |
Bài “Tưởng đáo…”c. 2 |
khéo |
ngỡ |
“khéo” chữ Nôm viết giả-tá chữ HV “diếu” còn “ngỡ” thì phải viết bằng chữ HV “ngữ” |
|
Cùng bài c. 5 |
buông chặn |
chuông chắn |
“chuông chắn” là gì thì tôi không hiểu |
Trong một dịp khác, chúng tôi sẽ xin giới-thiệu những sự tuỳ tiện khác nữa của ông. Tỷ-dụ, ông trách tôi dựa vào bản dịch bài “Thuật ý kiêm giản hữu-nhân Mai Sơn Phủ” (Bài 1, trang 29-36 sách của tôi), một bản dịch mà ông cho là “có nhiều câu thật ngớ ngẩn và buồn cười.” Và ông đưa ra thí-dụ: ” ‘Lộc ao ao nhạn ngao ngao’ (Nai xôn xao, nhạn lao chao) dịch thành: Hươu ao ao, Nhạn ngao ngao. Con hươu và chim én sao kêu giống mèo thế!”
Như vậy, có 22 trường-hợp ông Phạm Trọng Chánh đọc khác tôi song gần như hầu hết cách đọc của ông không dựa vào mặt chữ Nôm hay Hán mà chỉ là một cách hiểu rất chủ-quan của ông, không thể biện minh được. Thậm chí có người xem xong bảng so sánh trên đây đã đưa ra giả-thuyết là có lẽ ông không hề biết chữ Nôm.
Tra Hán-Việt tự-điển của Thiều Chửu thì hai chữ “ao ao” được đọc là “u u” và được giảng là “tiếng hươu kêu” (trang 86) vậy không hiểu ông Chánh lấy đâu ra nghĩa “xôn xao.” Từ điển Trung-Việt của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, nơi trang 1452, cũng giải thích: “Ô ô (tiếng kêu của hươu nai).”
Đến hai chữ “ngao ngao” thì Linh-mục Anthony Trần Văn Kiệm trong sách Giúp đọc Nôm và Hán-Việt của ông, nơi trang 651, giải thích: “Tiếng thú vật kêu khi đói; đau nhẹ; chim kêu khi đang bay.” Tóm lại, cả hai chữ “ao ao” (hay “u u, ô ô”) lẫn “ngao ngao” đều là những chữ tượng thanh bắt chước tiếng hươu nai và “nhạn” tức là con ngỗng trời (không phải con “én”), vậy thì lấy đâu ra chuyện én “lao chao” như là chao cánh?
Có thể ông Đào Thái Tôn dịch chưa được khéo nhưng bảo tôi sai khi dùng bản dịch này thì có nhiều khả-năng ông Phạm Trọng Chánh, dù như ông là “Tiến Sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne” vẫn có thể xa nguyên-bản của Hồ Xuân Hương hơn hai chúng tôi rất nhiều.
Đó mới chỉ là một trường-hợp, còn cả hàng chục trường-hợp tương-tự trong bài báo của ông Phạm Trọng Chánh. Nhưng thôi, xin để hẹn ông dịp khác.
Nguyễn Ngọc Bích
Đồng Xuân, Bang Trinh Nữ, Hoa Kỳ Quốc
Đêm 27 tháng 9, 2012
One Comment
Phạm Trọng Chánh
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích kính mến.
Hồ Xuân Hương đã bày cho chúng ta một cuộc chơi mới, thơ Lưu Hương Ký không sắp theo thứ tự thời gian năm tháng, cũng không sắp theo cuộc tình từng người người tình; Mỗi bài thơ là một mảnh cuộc đời, có nhiều góc cạnh cong quẹo, màu sắc khác nhau: thời gian không gian, đối, đáp, xướng họa.. Hồ Xuân Hương thách đố chúng ta làm sao ráp từng mảnh thành bức tranh cuộc đời Hồ Xuân Hương và các mối tình. Trong cuộc chơi này có người ráp nhanh chóng, mảnh này sang mảnh kia thành bức tranh, có người vẫn cặm cụi, mò mẫm, ráp đường cong này đúng nhưng chổ khác lại trật.
Tôi đã xong cuộc chơi này từ năm 200O, khi xuất bản quyển Hồ Xuân Hương nàng và ai, in nhiều lần và đã phổ biến trên 1200 quyển. Có người hỏi tôi, tại sao ráp mảnh này vào mảnh kia, không còn sót một mảnh nào. “Nghề chơi cũng lắm công phu”, như hỏi một trẻ em, tại sao em ráp mảnh này sang mảnh kia. Chẳng qua là em quen tay, chơi trò chơi từ 10 mảnh sang, 20 mảnh, 50 mảnh, rồi sang cả ngàn mảnh. Khi ráp mảnh có một “trực giác”, ráp rồi mới giải thích cái đầu phải gắn với cái cổ với thân mình..
Một bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký nằm cuối Thanh Hiên thi tập cùng với những bài thơ Nguyễn Du làm năm 1804 lúc làm tri phủ Thường Tín, đã tạo bao thắc mắc, ông Đào Duy Anh bỏ bài này sang Bắc Hành Tạp Lục rồi lại bỏ trở lại. Tôi có “trực giác” thấy mối liên hệ giữa nàng Tiểu Thanh lấy lẽ họ Phùng ở Tây Hồ và Hồ Xuân Hương lấy lẽ Cai Tổng Cóc. Rồi câu đầu: Tây Hồ hoa uyển tẩn thành khư (Tây Hồ vườn cảnh đã hoang vu) của Nguyễn Du trong bài Độc Tiểu Thanh Ký với câu: Phong cảnh Tây Hồ chẳng khác xưa, trong bài Chơi Tây Hồ nhớ bạn của Hồ Xuân Hương. Sáng hôm đó tôi đến gõ cửa sớm nhà Giáo Sư Võ Thu Tịnh ở Paris. Tác giả nhiều sách giáo khoa miền Nam. “Bác Tịnh ơi, tra giùm với cháu chữ Tố Như “. Giáo Sư Võ Thu Tịnh ngẩn người: Tố Như là tên tự Nguyễn Du tra làm gì ? Nhưng rồi Bác Tịnh cũng tra Tự Điển Thiều Chửu và các tự điển khác: Tố là tơ trắng, là người phẩm hạnh cao quý, Như là như thế, như vậy. Vậy thì câu: Bách tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như, chỉ có nghĩa: Ba trăm năm lẽ nữa, thiên hạ ai người khóc người phẩm hạnh cao quý như nàng Tiểu Thanh. Thì ra năm 1804 Nguyễn Du làm Tri phủ Thường Tín, vợ mất, tìm về Cổ Nguyệt Đường, mong gặp Hồ Xuân Hương để nối lại duyên xưa, thì Hồ Xuân Hương đang làm lẽ Tổng Cóc Nguyễn Công Hoà. Nên Nguyễn Du đứng bên song cửa Cổ Nguyệt Đường viết bài Độc Tiểu Thanh Ký gửi Hồ Xuân Hương. Giáo Sư Võ Thu Tịnh thấy mặt đất rung rinh, tôi lại nói với Bác Tịnh: còn chuyện Khóc Tổng Cóc, con cóc hay vào nhà trốn dưới gầm giường hay xó bếp, đuổi nó đi nó lại trở về, bôi vôi vào đầu thì nó chạy trốn mất biệt. Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi là Dù anh có cho tôi ngàn vàng tôi như cóc bôi vôi, không bao giờ trở lại với anh nữa. Tổng Cóc có chết đâu ? Hồ Xuân Hương bỏ Tổng Cóc và trở về Tây Hồ viết bài Chơi Tây Hồ nhớ bạn trả lời bài Độc Tiểu Thanh Ký của Nguyễn Du. Bác Tịnh ôm tôi: “Trời ơi, Bác viết sách giáo khoa giải thích Tổng Cóc chết, bao nhiêu thế hệ thầy giáo, học sinh cứ học theo bác, mà bác cũng viết theo những người đi trước..”
Mỗi một bài thơ Hồ Xuân Hương ráp nối lại nếu kể ra thì rất dài dòng, kể vắn tắt, thì có người cho rằng thiếu cơ sở.
Chuyện Nguyễn Du đi giang hồ trong 1O năm gió bụi, xưa ai cũng bảo là Nguyễn Du về quê vợ ở Thái Bình từ năm 20 đến 30 tuổi. Tôi đã chứng minh từng bước chân qua thơ chữ Hán Nguyễn Du trong 200 trang. Năm ngoái nhân dịp GS Tạ Văn Tài sang Paris, tôi có gửi tặng Giáo Sư quyễn này, chắc GS Tài nhiều chuyện quá nên quên. Năm 2009 tôi có sang Trung Quốc lần theo từng bước chân Nguyễn Du trên đường đi sứ; Từ Quế Lâm sang đến Tô Châu,Thượng Hải, Bắc Kinh, Nhiệt Hà..
Bài viết Giáo Sư trong Hợp Lưu năm 2000 về Tố Như, năm 2007 nhân sang Hoa Kỳ tôi mới đọc được. Vì trong 10 năm tôi bận rộn diễn ca hai truyện thơ Odyssée và Iliade ra thơ lục bát 30 000 câu thơ nên không lưu ý đến. Tôi có viết bài “Bàn về bút hiệu Nguyễn Du ” trả lời GS Nguyễn Ngọc Bích với Alexandre Lê và GSTS Mai Quốc Liên có đăng trên khoahocnet và nhiều site khác.
Về quy luận thơ Đường: Nhất tam ngũ bất luận,nhị tứ lục phân minh. Chữ thứ bảy câu đầu có thể vần bằng hay trắc như câu: “Khúc Hoàng tay Nguyệt còn chờ dạy”.
Việc đọc chữ Nôm: những bậc có thể thẩm định như GS Hoàng Xuân Hãn, GS Đào Duy Anh, GS Nguyễn Tài Cẩn, Vũ Văn Kính, GS Võ Thu Tịnh không còn nữa. Mong có bậc cao nhân chỉ vẽ những sai lầm để được dịp học hỏi thêm.
Thân mến
Phạm Trọng Chánh