Chiều ngày thứ tư, 17 tháng năm ba ngày sau khi nhậm chức, hai ngày sau khi đã bổ nhiệm ông Edouard Philippe, một dân biểu thuộc phái hữu, thị trưởng một thành phố hải cảng làm Thủ tướng, tân Tổng thống Macron đưa hướng cho tân Thủ tướng cùng thành lập tân Nội các. Táo bạo, đánh đẹp, chơi đẹp ! Táo bạo vì trong 22 người kể cả Thủ tướng, chỉ có 4 người có kinh nghiệm đã là cựu Tổng Bộ trưởng. Thật tình chỉ có ba thôi, François Bayrou, lãnh đạo Đảng MoDem, trung phái, thật có làm Tổng trưởng đó, nhưng cũng đã 20 năm qua rồi… Táo bạo là DÁM giao một phân nửa nội các, 11 Tổng Bộ hay Thứ trưởng cho các tay tuy chuyên ngành, nhưng chưa bao giờ làm chánh trị, gọi là thế giới của Xã hội Dân sự-La Société Civile !
1. Một Sắc Thái Quản Trị, Kinh Tế Phái Hữu, Xã Hội Phái Tả :
Tân nội các của tân Tổng Thống phản ánh rõ tinh thần dung hòa, trung dung, trung tâm–central (chứ không phải trung phái-centriste như những người chống đối đánh giá lầm) ! Thật vậy, với một Thủ tướng, người của phái hữu, cựu cánh tay phải của ông Alain Juppé, một cựu Thủ tướng, một cựu Tổng trưởng, một cựu ứng viên vòng loại ứng cử viên bầu cử Tổng thống của đảng Cộng hòa, nhơn vật duy nhứt phái hữu mà chúng tôi cùng nhiều cựu đồng nhiệm giáo chức chuyên ngành đều đồng ý kiến : ông Alain Juppé thực sự là một Yếu nhơn Chánh trị-un Homme d’État, với chữ H viết hoa. Tân Thủ tướng Édouard Philippe cũng là một trong những sáng lập viên Đảng Tập họp các Phong trào Bình dân – Union des Mouvements Populaires được thành lập để ủng hộ ông Jacques Chirac năm xưa.
Nội các do một Thủ tướng hữu phái, thuộc đảng Cộng hòa, giao chức năng kinh tế và quản trị công quỹ cho hai nhơn vật phái hữu ông Bruno Lemaire, dân biểu thuộc đảng Cộng hòa, phái hữu, cựu Bộ trưởng của nội các Fillon, ứng cử viên về thứ ba vòng loại, trong cuộc bầu lựa chọng ứng viên đại diện cuộc bầu Tổng thống vừa qua ; và ông Gérald Moussa Darmanin, 34 tuổi, cựu dân biều, cựu phát ngôn viên của cựu Tổng thống Sarkozy, ứng viên bầu cử vòng loại ứng cử viên bầu cử Tổng thống của đảng Cộng hòa, phái hữu. Gérald Moussa Darmanin, hãnh diện với cái tên thứ hai, Moussa, hãnh diện với hai giòng máu, hãnh diện với ông ngoại tirailleur algérien-lính khinh binh an-gê-ri, đã đổ bộ cùng quân đồng minh chống quân Đức quốc xã, giải phóng miền nam nước Pháp năm 45. Trong bài nói chuyện nhậm chức, ông cám ơn nước Pháp, với chương trình giáo dục cộng hòa, đã đưa đứa con một bà chùi nhà-femme de ménage, đến tốt nghiệp Khoa học Chánh trị-Sciences Po và Luật khoa. Và bà mẹ, mặc dù đứa con ngày nay, đã là dân biều, đã là Phó Chủ tịch Vùng, và nay Bộ trưởng, vẫn tiếp tục công việc chùi nhà ở Ngân hàng Quốc gia, để chờ ngày hưu trí. Đáng phục ! Nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh. Có công mài sắt có ngày nên kim. Cộng đồng người Việt tỵ nạn chống cộng sản chúng ta ở hải ngoại và ở Pháp, nên chớ vội cất tiếng gáy, rằng phe ta ngon lành ! Các cộng đồng khác cũng lắm gương sáng – hãng nhớ gương sáng bà cựu Tổng trưởng Tư pháp của Tổng thống Sarkozy, nay Thị trưởng-Maire, quận 7 Paris, bà Thẩm phán Rachida Dati, con gái một ông thợ hồ người maroc và một bà chùi nhà người algérie, với một gia đình 11 anh chị em. Bà là người gốc thợ thuyền, hoàn toàn gốc dân nhập cư đầu tiên có một chức vụ cao như vậy ! Và bà Rama Yade, gốc sê-nê-ga-le, cũng là cựu bộ trưởng ! Chưa thấy hậu duệ gốc Việt Nam chúng ta làm Tổng hay Bộ trưởng… tuy nhiên ở vùng Bretagne, tỉnh Finistère đã có một hậu duệ Việt, ông Gwenegen Bùi, đang là dân biểu trẻ – sanh năm 1974 – đã một nhiệm kỳ qua và đang là ứng cử nhiệm kỳ nầy. Gwenegan đẻ ở Vitry sur Seine, cha việt, mẹ pháp gốc bretonne nên có tên breton, – cụ Bùi cha đã sanh sống và quen biết nhiểu với bà con cộng đồng Việt Nam vùng Val de Marne, nổi tiếng chống cộng. Nhắc đến cộng đồng Val de Marne, lại nhớ hai đàn anh, hai đại tá, Hồ Minh Châu và Nguyễn Phúc Tửng.
Bốn vị Tổng trưởng, hàng Quốc vụ khanh, – Ministre d’État : Bộ Ngoai giao cho ông Jean-Yves Le Drian, đảng Xã hội, cựu Tổng trưởng Quốc phòng của Tổng thống tiền nhiệm tạo một hướng tiếp tục trong công việc ngoại giao và đặc biệt xây dựng lại Liên Âu và chống Daech, Hồi giáo quá khích. Bộ Nội vụ cho ông Gérard Collomb, một đại lãnh tụ cựu trào của đảng Xã hội. Bộ Tư Pháp cho ông François Bayrou, Chủ tịch đảng MoDem, trung phái. Và ngon lành nhứt là Bộ Môi sanh cho ông Nicolas Hulot, một nhà báo đấu tranh cho Sinh thái, Môi trường, trường kỳ từ bao nhiêu năm nay, nổi tiếng. Bao nhiêu đời Tống thống mời mọc, ông luôn luôn từ chối, hôm nay ông chấp nhận, chỉ vì do nhơn vật Emmanuel Macron thuyết phục.
Hữu nắm Kinh tế, Tả nắm Ngoại giao, Nội vụ, Trung nắm Tư Pháp, Trung cũng nắm Quốc phòng với bà Sylvie Goulard, một cựu dân biểu Quốc hội Âu châu, đa ngữ, bà nói thành thạo anh, đức, ý ngữ, chuyên viên về vấn đề Quốc phòng, cũng gốc đốc sự hành chánh, Khoa học chánh trị và Luật.
Ba hướng chánh trị, Hữu Trung Tả, đề huề. Và hay hơn nữa, nếu cái bóp Kinh tế nằm túi áo mặt, nếu Ngoại giao, Tư Pháp, Xã hội nằm phía trái, nơi của con tim, thì Trí tuệ cái đầu, nắm các chức năng, các phần hành chuyên môn. 11 Bộ chuyên môn đều do các chuyên viên của Xã hội Dân sự nắm, thí dụ Bô Giáo dục do một cựu Giám đốc Học vụ, Bộ Y tế do Giáo sư Bác sĩ chuyên ngành nghiên cứu nổi tiếng bà Agnès Buzin hay Bộ Khoa học và Nghiên cứu bà Khoa trưởng Viện Đại học Nice Frédérique Vidal …
Nội Các gồm 22 Vị : 11 Nam/11 Nữ, Cân bằng. Nhưng vẫn có kẻ xấu mồn vẫn chê là đàn ông nắm các Bộ quan trọng hơn đàn bà ! Nhưng thử hỏi giữa Ngoại giao và Quốc phòng cái nào quan trọng hơn cái nào ? Y tế và Giáo dục ai ngon hơn ai ?
Sở dĩ chúng tôi viết nhiều về hướng chánh trị mới của nước Pháp vì chúng tôi nghĩ rằng đây CÓ THỂ là một hướng chánh trị mới chẳng những góp phần hữu hiệu các quốc gia già nua như Pháp, như Ý như Anh…như cũng có thể là một gương sáng cho các quốc gia kém phát triển, hay đang trên đường, hay đang tìm đường phát triển như nước Việt Nam chúng ta. Có được một tuổi trẻ dấn thân như Emmanuel Macron là một sự hiếm. Dấn thân, DÁM làm là một sự may mắn, và quan trọng hơn CÓ người dân, CÓ quần chúng DÁM giao trọng trách là quá may mắn !
Chúng tôi người viết, vẫn tha thiết từ bao năm nay, ngay từ thời còn làm việc, thời còn chuyển tâm tình, chuyển hiểu biết cho tuổi trẻ của nghề dạy học, luôn luôn giữ tin tưởng vào tuổi trẻ, tin cậy vào sáng tạo của tuổi trẻ…Các quốc gia già nua, người già nua chúng ta vướng víu trong truyền thống, vướng víu trong giai cấp, trọng nam khinh nữ…gia đình trị, cha truyền con nối … đảng phái, trường phái, ý thức hệ, kinh tế phải hữu phải tư bản chủ nghĩa… chủ là chủ, thợ là thợ, đấu tranh giữ quyền lợi… thế giới tuổi trẻ ngày nay chánh trị, quản trị là nó, là bàn, là nghiên cứu, thương thuyết, nói chuyện. Không có thù muôn đời, bạn muôn kiếp ! Chỉ có người ngu không biết thay đổi thôi. Phải lắng nghe lời dân ! Cầm quyền là ý dân. Vox populi, vox dei ! Ý dân là ý trời !
Và ngày nay, chánh trị cầm quyền phải biết hòa hợp, đồng thuận giữa chuyên nghiệp chánh trị và chuyên nghiệp quản trị. Phải có mặt các Xã hội Dân sư ! Vì các Xã hội dân sự phục vụ ý dân, vì do dân thành lập, vì quyền lợi người dân !
Một quốc gia ngày nay phải là một quốc gia Dân chủ. Người dân bầu đại diện, là Dân chủ. Nhưng khi cầm quyền, khi quản trị phải luôn luôn quản trị với người dân. Một hệ thống đối thoại thường trực phải được chú ý và chăm sóc. Đó là :
2. Dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện (Démocratie directe, démocratie représentative) :
Khái niệm Dân chủ là một khái niệm trong sáng, nhưng dễ bị lạm dụng khi áp dụng những phương cách thực hiện, trong những thể chế ngày nay.
Định nghĩa của Abraham Lincoln “Dân chủ là do Dân cầm quyền, cho Dân và vì Dân”, bởi thế, chúng ta gọi là Dân chủ trực tiếp. Nghĩa là:
– Người Dân phải cầm quyền trực tiếp, không qua một trung gian nào cả,
– Người Dân cũng vừa là Người Cầm quyền và cũng là Người bị trị (Gouvernant et gouverné),
Nói như vậy, những người xử dụng công quỷ cũng là những người quyết định thâu thuế, và trả thuế. Về mặt lý thuyết thì tạm hiểu, nhưng làm sao áp dụng trên mặt thực hành. Hiện nay, một vài thị xã, hay làng xã của Thụy sĩ, vẫn áp dụng cách thức “Trưng cầu dân ý trực tiếp” về một vài tài khoản thuế vụ có tính cách địa phương.
Những quốc gia tiên tiến ngày nay, đa số áp dụng Dân chủ dưới hình thức Dân chủ đại diện (démocratie représentative). Một tấm bình phong cách ly người dân và người cầm quyền (tạm gọi là quan chức cầm quyền, hay gọi chung là nhà cầm quyền): đó là những đại diện dân, do dân bầu, và phát biểu thay dân về những nguyện vọng của người dân.
Đó là một Dân chủ gián tiếp, người dân không có những quyết định hành xử, quản lý đất nước, người dân chỉ tham dự bầu những đại diện thay mình. Thực tiển, dễ thực hiện, nhưng rất có nhiều hạn chế nguy hiểm, càng ngày càng lộ rõ. Do đó :
3. Một nền dân chủ tham dự.
Nếu “quyền lực chánh trị” đã vượt khỏi phạm vi hoạt động, nếu “nền dân chủ” đã bị tướt đoạt bởi một nhóm người chánh trị toàn quyền, một hệ thống quan liêu, cửa quyền toàn trị hay những nhóm thế lực độc tài; hoặc quan điểm, tư tưởng về nền tảng của “các xã hội tự do”, của “các xã hội công dân” đã bị lãng quên, hay bị tước đoạt, thì sự thờ ơ với “việc công cộng”, “việc chung” (la chose publique) của các công dân đã mặc nhiên giao phó “đời sống công cộng” cho một nhóm “người làm chánh trị”, đó là vô tình quên đi trách nhiệm “cộng hòa” – Cộng hòa từ quan niệm “Res Publica”, nghĩa là pour la chose publique, tức là “làm cho việc chung”, việc công cộng.
Cũng dễ hiểu thôi, người công dân ngày nay, đứng quá xa trong hệ thống tổ chức quyền lực. Người công dân nhận thấy những quyết định về thuế má, những luật lệ hành chánh, những đặc quyền và cả những xì – căng – đan đã vượt qua tầm tay của mình. Dân chủ ư ? Quá trễ rồi. Làm sao thay đổi tâm lý và tập tục để có một Quốc hội mới, một Chánh phủ mới ? Hiện tượng bỏ mặc việc chung, việc công cộng, xem “việc chánh trị là việc ở trển” rất phổ thông ! Chúng ta hiểu tại sao, bỏ phiếu trằng, không đi bầu, là điều rất tự nhiên ở các nước tiên tiến, như Huê kỳ, Pháp, Anh, Đức…
Khi “nền Dân chủ CHỈ định nghĩa bằng lá phiếu” (La Démocratie réduite au bulletin de vote) như Yves Cannac đã định nghĩa, người dân có cảm tưởng rằng họ chỉ có quyền công dân trước vài tuần có bầu cữ, khi những ứng cữ viên nhớ đến họ, bằng những hứa hẹn.
Chúng ta có thể phá vỡ quan niệm ấy bằng những sanh hoạt cộng đồng, bằng những sanh hoạt hội đoàn. Hãy nhìn xem, rất nhiều công dân nhận xét như chúng ta. Tại sao chúng ta không tập trung những suy nghĩ, những nhận xét ấy lại rồi biến thành hành động chung để ảnh hưởng đến “việc chung” ? Và những hành động cho “việc chung” trong một “xã hội cộng đồng” sẽ đem “xã hội dân sự” và “xã hội cộng đồng” đi vào quản lý “cái việc chung”. Đó là “dân chủ tham dự”.
Nhà nước Cộng sản Việt Nam muốn đưa quốc gia Việt Nam đi vào con đường Phát triển, muốn đưa dân tộc Việt Nam vào con đường văn minh, hãy biết soạn mình để chứng tỏ mình là những người lãnh đạo văn minh. Hãy nhìn kỹ và tự xét mình tại sao ngày nay, có những phiền hà, khiếu nại, đòi hỏi của rất nhiều từng lớp nhơn dân trong xã hội Việt Nam như vậy ? Hãy lắng tai nghe những đòi hỏi ấy. « Tự kiểm thảo và kiểm thảo » là một sanh hoạt Đảng cộng sản. Tại sao không làm ? Trái lại, đàn áp, trù dập người dân đòi dân chủ để làm gì ? Hay là đây là một phương pháp « Đàn áp để Dạy dân ».
Giáo dục công dân bằng đàn áp, bằng CôngAn cũng không phải là một giải pháp. Người dân ngày nay không còn « mê » chủ nghĩa cộng sản nữa, người dân ViệtNam ngày nay không còn « sợ » Công An cộng sản nữa.
Giải pháp tốt là : hãy biết đối thoại, hãy biết lắng tai nghe, mặt nhìn mặt, hãy biết chào đón những lời chỉ trích, đúng thì phải biết nhận và sửa sai, sai hãy chứng minh, nhưng hãy biết nói chuyện với nụ cười, hãy tôn kính người dân. Dân chủ là đối thoại với dân, dân chủ là đối thoại với đối lập ; dân chủ tham dự là đón nhận tiếng nói của người dân, của đối lập, và chấp nhận đối lập ; chấp nhận chỉ trích là chấp nhận dân chủ…
Và quan trọng hơn.
Hãy biết cám ơn những nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam ngày nay đã biết lựa chọn đấu tranh ôn hòa để sửa sai cái quản lý kém của nhà cầm quyền hiện tại, vì những nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam nầy đã biết quan tâm đến sự sanh tồn của đất nước và dân tộc.
Hãy biết cám ơn những nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam ngày nay đã biết tạo ra những xã hội công dân để đối thoại, để tạo đối tác chánh trị, để tham dự vào chánh trị, để làm phận sự công dân, lo cho việc chung, tiến tới một nền dân chủ tham dự, pháp trị và hiến định.
Hãy lắng nghe tiếng nói của công dân,
Hãy trả quyền công dân lại cho công dân !
(còn tiếp)
Hồi Nhơn Sơn, tháng năm đầy hy vọng cho nước Pháp.
TS Phan Văn Song