Vào thời đại toàn cầu hóa, trong những năm qua, nhứt là sau hội nghị quốc tế Kyoto năm 1997, mối đe dọa hâm nóng khí quyển một thời, đã dấy lên làn sóng bàn tán xôn xao trong công luận nói chung về vấn đề môi trường. Nhưng rồi sau đó, mọi việc cũng lần đi vào lắng đọng, người dân thì hàng ngày lam lũ với kế sanh nhai, hầu như mặc nhiên phó thác vấn đề cho giới chuyên gia và quan chức hữu quyền tùy từng nước. Nay với tập công trình biên khảo “Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam”, tác giả Mai Thanh Truyết, cho thấy như vừa làm sống lại và gợi lên suy tư quay trở lại vấn đề môi trường, được lồng vào bối cảnh đặc thù của Việt Nam. Tác giả Mai Thanh Truyết xuất thân Tiến sĩ hóa học Đại Học Besancon, Pháp, sau thời gian trau giồi kỹ năng hậu đại học tại Minnesota, Hoa Kỳ, đã hành nghề trong lãnh vực quản trị môi trường tại Nam California, Hoa kỳ.
Với mục tiêu đóng góp một góc nhìn “dân giả” từ bên ngoài giới khoa học kỹ thuật chuyên ngành, bài viết này xin lướt thoáng qua nội dung tập sách và từ đó, ghi lại một hướng khai mở nhận ra được của tác giả, vốn đặc biệt quan tâm đến an toàn môi trường của người dân Việt trong hiện tình.
1. Nhìn lướt qua nội dung công trình biên khảo
Hầu như là một phản xạ tự nhiên, một độc giả bình thường, khi mới cầm trên tay tập sách “Những vấn đề môi trường Việt Nam” của tác giả Mai Thanh Truyết, là hình dung ngay trong trí, tưởng tượng đến một khung nội dung đan chen số liệu thống kê, công thức hóa học, báo cáo thử nghiệm, phát biểu phân tích đánh giá, phê bình có hệ thống, v.v…có vẻ như thuộc lãnh vực chuyên môn, dùng làm cơ sở trao đổi thông tin, tranh luận, giữa giới khoa học kỹ thuật với nhau, người dân thường khó mà nuốt trôi lắm. Cảm nghĩ ban đầu này càng hiện rõ, khi nhìn vào trang Mục lục khởi đầu bằng một chuyên đề lớn về thực trạng không còn xuyên suốt của dòng sông Mê Kông do các dự án phát triển bắt đầu từ thượng nguồn bên Trung Quốc, rồi lần xuống đến hạ nguồn qua các nước Lào, Thái, và cả chính Việt Nam, cùng đua nhau thực hiện các công trình ngăn nước, xây dựng các đập thủy điện, phục vụ nhu cầu và quyền lợi riêng của từng nước, không có và khó mà bàn định kế hoạch phối hợp chung về kỹ thuật sử dụng lượng nước một cách hài hòa đồng bộ.
Trong thảm cảnh này, vùng đất hạ lưu ở Tây Nam Nam Phần Việt Nam, ở vị trí cuối cùng có các cửa sông thoát ra biển, buộc phải hứng chịu tất cả hậu quả tai hại do nạn nhiểm mặn ngày càng lấn sâu từ ngoài biển đi ngược chiều vào đất liền, thu hẹp dần diện tích canh tác khả dụng lâu đời của người dân địa phương. Bên cạnh, ngoài ra, lại thêm nạn các công trình đê bao được thực hiện trong điều kiện thiếu nghiên cứu kỹ thuật khả thi cần thiết, phần lớn là để đáp ứng nhu cầu hiện ra trước mặt nhưng bất lợi tai hại về lâu về dài.
Qua các trang chữ, tập sách được kết thúc bằng một vấn nạn vĩ đại khác, không kém phần gây cấn cho đất nước Việt Nam, mà tầm gây hại cả vật chất lẫn tinh thần, đã khiến một số chuyên gia khoa học kỹ thuật trong nước, ở vào thế chẳng đặng đừng, không còn khép mình ngậm miệng rập khuôn theo lệ thường, và đã phải chánh thức lên tiếng bài bác. Đó là chuyên đề về các dự án khai thác Bauxite được nhà nước Việt Nam lẳng lặng giao cho Trung Quốc thầu khai thác, có hậu quả tạo bàn đạp cho nước lớn ở phương Bắc này từng bước thực hiện chiến lược bá quyền khu vực, qua các dự án thầu khai thác, trong lâu dài, âm thầm xâm lấn vào lãnh thổ Việt Nam.
Chuyên đề, ngoài ra, còn nêu lên vấn đề bảo tồn văn hóa và sắc tộc người thiểu số tức người Thượng là dân bản địa được công ước về nhân quyền Liên Hiệp Quốc bảo vệ. Liền trước chuyên đề có tầm mức quốc gia này, tác giả Mai Thanh Truyết cũng đã nhắc lại vụ kiện về độc chất da cam Dioxin, lưu ý thực chất vốn còn nhiều lưu luyến với thủ thuật tuyên truyền chánh trị quá thời.
Với hai chuyên đề lớn ghi trên ở hai đầu, tác giả Mai Thanh Truyết, tuy nhiên, đã gói gọn bên trong một loạt các bài chuyên khảo dưới tiêu đề chung là “Ô nhiểm” bao gồm những hiện tượng có vẻ gần gủi và quen thuộc với bàng dân thiên hạ hơn do những chi tiết phần lớn có liên quan trực tiếp đến cuộc sống thường ngày của người dân thường. Hiện tượng ô nhiểm có thể tự nhiên xảy ra trong thiên nhiên, nhưng bên cạnh, cũng do chính con người gây ra qua các lãnh vực sinh hoạt. Tác giả đã say sưa đưa người đọc tiếp cận với từng đề tài một, khởi đầu bằng vấn nạn hóa chất độc hại thạch tín với tên khoa học là “Arsenic”, vốn tiềm tàng trong các mạch nước ngầm là nguồn cung ứng nước cho các giếng nước được các địa phương đua nhau đào trong những năm gần đây để cung ứng nước sinh hoạt hoặc tưới tiêu canh tác hằng ngày cho người dân, ít ai có thể tưởng tượng là thực sự, có tiềm năng tạo những mầm móng gây bao nhiêu bệnh hoạn tai hại cho chính mình. Biết được những tiềm năng tác hại đó, nhưng người ta vẫn tiến hành đào giếng, kể cả các kế hoạch do UNICEF tài trợ tại Ấn Độ và Bangladesh. Về mặt này, tác giả Mai Thanh Truyết đã đưa ra khuyến cáo “việc hoàn toàn dùng nước ngầm để nâng cao sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi thủy sản trong phát triển đất nước là không ứng hợp với chiều hướng phát triển bền vững toàn cầu”.
Tác giả đã nêu lên và cảnh giác về nạn ô nhiểm do các chất thải trên các dòng sông Việt Nam, phát xuất từ các khu chế xuất và khu công nghiệp được đua nhau xây dựng tại Việt Nam trong những năm qua, một số cơ sở được thực hiện theo phương thức liên doanh với các công ty nước ngoài, gây nên rất nhiều tác hại cho môi trường do các chất thải không được xử lý đúng cách bắt buộc cần thiết để đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân địa phương.
Về “Ô nhiểm mặt đất”, tác giả đã khẩn thiết nêu lên hai nhóm chính là rác do sinh hoạt hàng ngày của người dân tại nhà và chất phế thải kỷ nghệ là phó sản của các quy trình công nghệ sản xuất hay chế biến. Tác giả đã phân tích cho thấy tầm mức quan trọng trong công việc tổ chức quản trị điều hành thu gom rác và nhứt là tập trung rác ở các bải rác, chẳng những gây ô nhiểm không khí mà người dân hít thở hàng ngày mà còn đòi hỏi kỷ thuật ngăn chận rác phân hủy, tạo ra chất độc ngấm vào lòng đất, có khả năng hòa lẫn với các luồng nước ngầm được vận dụng trở lại vào nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
Do đó, cấu trúc các bãi rác đòi hỏi phải thiết trí theo đúng quy cách với một lớp cách ly ở dưới cùng theo một kỹ thuật được quy định, để ngăn không cho chất thải ngấm vào lòng đất. Minh họa vấn nạn ô nhiểm môi trường do rác, tác giả đã đi vào hiện trường cụ thể của khu vực Saigon, dùng bãi rác Đông Thạnh, Khu liên hợp Đa Phước, làm trường hợp điển hình có liên quan đến cách xử lý của quan chức hữu quyền, nhấn mạnh đã đến giai đoạn trầm trọng, phô bày những tình tiết ly kỳ, nhìn trước nhìn sau, có vẻ không giống ai cả. Tác giả lên tiếng đòi hỏi biện pháp giải quyết nghiêm chỉnh, không còn có thể chần chờ dành cơ hội hướng theo lối chữa cháy nhứt thời cho qua truông nữa.
Chất phế thải y tế là những chất phế thải từ các bệnh viện qua các dịch vụ chữa trị, giải phẩu và thử nghiệm, v.v, cũng đã được tác giả quan tâm phân tích, và trên cơ sở các kinh nghiệm xử lý tại các nước đang phát triển, nêu rõ tầm tác hại còn nghiêm trọng hơn cả chất thải kỷ nghệ và chất thải gia cư, do bởi có nguy cơ trực tiếp ảnh hưởng tức khắc đến sức khỏe của bệnh nhân cùng người dân lui tới bệnh viện, rồi từ đó, phát khởi lây lan thành các bệnh dịch hiểm nghèo cho cả vùng.
Tác giả cũng đã cảnh giác về dịch vụ nhập cảng phế liệu độc hại như giấy vụn đủ loại, giấy carton, các loại nhựa dẽo, bao nhựa nylon, thiết bị cũ, v.v… vào Việt Nam là dịch vụ khá thịnh hành, nhằm biến thành nguyên vật liệu hay tái thành phẩm trong sản xuất. Đặc biệt, công nghệ tái tạo phế liệu điện tử đang nở rộ, cần thông qua công đoạn xử lý trước khi thải hồi vào các bãi rác.
Triển khai chuyên đề thực phẩm Việt Nam, tác giả đã tạo ra những bất ngờ vừa lý thú vừa kinh sợ do các hóa chất độc hại thường được sử dụng một cách vô tội vạ trong thực phẩm Việt Nam như hàn the, Sulfite, Formol, Urea, Thủy ngân… Xì dầu thường không thể thiếu trong các bữa ăn hằng ngày của người dân Việt, thực tế, lại có thể tiềm ẩn độc chất qua các giai đoạn chế biến. Do đó, vệ sinh an toàn thực phẩm đã đước tác giả Mai Thanh Truyết trung thực nêu lên kèm theo những gợi ý hữu ích cần được nhà cầm quyền Việt Nam lắng nghe.
2. Ghi nhận hướng đại chúng hóa
Nhìn lướt qua nội dung tập sách “Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam”, người đọc ai nấy đều đồng ý công nhận, quả thật, đây là một công trình biên khảo, đòi hỏi người thực hiện phải được trang bị những hiểu biết, những kỷ năng khoa học chuyên ngành, không có không được. Tác dụng của công trình biên khảo được nhận thấy ngay là tác dụng gợi lên ý thức nhận diện và soi sáng các vấn đề, đăc biệt quan tâm lưu ý đến đại đa số người dân, tức vào đại chúng trong xã hội, vốn không được đào tạo trường lớp như các chuyên gia, nhưng lại là giới người thường xuyên là các nạn nhân của các thảm họa, và riêng ở đây, là các thảm họa môi trường, gián tiếp và trực tiếp, hiện rõ hoặc âm thầm, gây hại đến an toàn sức khỏe của họ cùng gia đình họ trong cuộc sống hằng ngày.
Trong một dịp tình cờ tiếp chuyện với một thân hữu là bạn Nguyễn Lộc Thọ thuộc gia đình Đại học Sư Phạm Saigon, người viết đã được nghe anh Nguyễn Lộc Thọ phát biểu, với công trình chuyên khảo “Những vấn đề Môi Trường Việt Nam”, Mai ThanhTruyết đã mang đến niềm tự hào chung cho người con đất Hậu Nghĩa”. Ngoài ra, để biểu tỏ phong cách khiêm cung cố hữu của một nhà khoa học, đứa con của đất Hậu Nghĩa, người đọc còn bắt gặp Mai Thanh Truyết trong một vài đoạn văn đã “Xin thưa” như là một lời mờ đầu câu chuyện sắp tỏ bày về vấn đề môi trường.
Người dân còn có thể vận dụng tai và mắt mình để nghe ngóng, để theo dõi sự việc trước vấn nạn môi trường, do họ thường ngày hiện diện bên cạnh nhà máy có liên quan, hoặc, có người còn làm công nhân nhà máy này, làm gì mà không thu thập được những thông tin về các tệ nạn nếu họ nhận thức được. Và mọi người sẽ cùng cảm thấy quá lố bịch và trơ trẻn, khi nghe quan chức hữu quyền giải bày thêm, “sự kiện nêu lên có lẽ được nhận ra, nhưng vì tình hình kinh doanh của nhà máy đang ở trong giai đoạn khó khăn, chủ kinh doanh, vì bị thua lỗ, không thể chi thêm khoản tiền để lắp đặt trang bị xử lý nước thải theo đúng yêu cầu”. Rồi thì cứ để cho dòng chất độc hại tuôn chảy, gây thảm họa cho cuộc sống và sức khỏe người dân trong vùng! Vì quá trình mổi công trình đầu tư sản xuất đều được đặt trên cơ sở các bản “Luận chứng kinh tế kỹ thuật” hoặc “dự án tiền khả thi”, “dự án khả thi” được giới chức hữu quyền cứu xét và thông qua cho phép thực hiện, nên cần phối kiểm lại rõ ràng xem các văn kiện này có trù liệu biện pháp xử lý nước thải cho nhà máy hay không. Nếu có mà không thực hiện, thì là bằng chứng vi phạm luật pháp, cần có biện pháp chế tài. Chớ có đâu lại có thể dễ dãi linh động như lời giải bày của quan chức hữu quyền như trên để phó mặc người dân trong vùng phải gánh chịu mọi hậu quả tai hại như vậy? Đó là một nghịch lý mang nặng tính nhẫn tâm, sẽ không xảy ra, nếu người dân được tạo điều kiện nhận thức tai họa đồng thời hiểu biết về mặt thủ tục để đóng góp xử lý qua câu hỏi được nêu lên.
Cọng thêm những lời lẽ lúc nào cũng bộc trực, chơn chất, đơn giản, không câu kỳ se sua vòng vo bề ngoài, tác giả đã tranh thủ được niềm tin cậy của người đọc, khiến hướng đại chúng hóa những vấn đề môi trường Việt Nam trở thành hiện thực. Điều đó cũng minh chứng một hướng triển khai chuyên đề đúng và thích hợp với hiện trạng còn đầy rẩy, chồng chất, trở ngại, khó khăn trong lãnh vực “quản lý nhà nước”, một lãnh vực cho thấy còn nhiều mặt tiêu cực do:
– Thiếu hệ thống luật pháp cùng các quy lệ thành văn minh thị xác định quyền ưu tuân trong hệ thống quản lý nhà nước vốn phải đảm bảo tính trong suốt (transparency);
– Thiếu kỷ năng (phần lớn do nạn “bằng cấp giấy”),v.v…
Xin mở dấu ngoặc (Người bạn già Nguyễn Lộc Thọ cũng có hai đứa con trai cùng đứa con dâu học hành thành đạt và đang hành nghề bác sĩ y khoa ở Nam California, Hoa Kỳ, nhưng bản chất khiêm cung, chưa bao giờ một lần được nghe Nguyễn Lộc Thọ khoe tự hào về các bác sĩ y khoa này). Đóng ngoặc. Từ đánh giá này, mới lần dò tìm hiểu về gốc nguồn, thì được biết tác giả Mai Thanh Truyết cũng như người bạn đồng song Nguyễn Lộc Thọ, đều vốn là người sanh ra từ vùng đất mẹ Hậu Nghĩa. “Hậu Nghĩa” là tên gọi một đơn vị hành chánh tỉnh được thành lập dưới thời Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 với một phần đất của tỉnh Tây Ninh và một phần đất của tỉnh Long An. Sau năm 1975, hai phần đất này đã được giao hoàn trở lại hai tỉnh cũ, nhưng tên “Hậu Nghĩa” vẩn còn được những người dân gốc Hậu Nghĩa định cư tỵ nạn tại Hoa Kỳ và tại các nước khác dùng để nhận ra và tìm lại với nhau. Cụ thể, một hội đoàn đã được chánh thức thành lập tại Nam California lấy tên là “Gia Đình Hậu Nghĩa Hải ngoại” sinh hoạt đều đặn, và chính nhờ bạn Nguyễn Lộc Thọ là đương kim Phó Chủ Tịch Ngoại vụ của Hội đoàn này tặng cuốn Đặc san Hậu Nghĩa, Xuân Canh Dần 2010, người viết mới có dịp được đọc bài “Hậu Nghĩa Quê tôi” của học giả Đặng Tử Anh là một bài viết nghiên cứu công phu làm nổi bật những nét đặc thù của vùng đất Hậu Nghĩa thân thương, để từ đó, chân thành suy diễn liên hệ với cách nhìn, cách diễn đạt các tình huống, cách triển khai công trình chuyên khảo “Những Vân Đề Môi Trường Việt Nam” của tác giả Mai Thanh Truyết.
Tỉnh lỵ Hậu nghĩa nguyên đặt tại Khiêm Cương, trong dân gian tục gọi là Bàu Trai, người viết trên đường công vụ trước năm 1975, cũng đã có vài ba dịp ghé qua tỉnh lỵ này, nhưng để được chính xác, cần theo ghi nhận của học giả Đặng Tử Anh, cho biết, “Hậu Nghĩa là một tỉnh nông nghiệp, ruộng sâu, lúa tốt, và nhiều nông sản như mía, thơm, đậu phộng thuốc lá, củ cải. dưa cà,v.v…Làng mạc rất rộng, nhà cửa thường có lũy tre xanh bao bọc. Dân tình hiếu khách hiền lành”. Đến mùa cấy, người dân họp tổ chức thành những vạn cấy bao gồm từ 20 đến 30 người vừa lao mình vào công cấy vừa say sưa với những câu hò đối đáp nhau, chất chứa bao nhiêu tình cảm gắn bó, đôi khi còn sống động chen lẫn với những câu đối bình dân nhẹ nhàng hấp dẫn, thú vị, khiến con người ta như quên đi những cơn nhọc nhằn trong công việc đồng áng. Tính bình dân, nhẹ nhàng, thú vị này ngày nay đã tan biến cùng với tập tục hò hát trong bối cảnh ruộng đồng bát ngát, sông nước suôi chảy êm đềm, nhưng qua ghi nhận của học giả Đặng Tử Anh, về những câu hò đối đáp, “với tình yêu quê hương bản thổ sẳn có, chúng ta vẫn nhớ và thường kể lại cho con cháu ở hải ngoại nghe trong nỗi xót xa, u hoài”.
Người đọc hôm nay còn được cảm thấy những chi tiết chất chứa đầy tình người kể trên như phảng phất đâu đây xuyên qua lời văn trong công trinh chuyên khảo “Những vấn đề Môi Trường Việt Nam” của đứa con xa xứ Mai Thanh Truyết, thuộc vùng đất mẹ Hậu Nghĩa. Cụ thể, ngay trong phần Dẫn nhập” tác giả đã khai mở tiếp cận khoa học kỹ thuật của mình, minh họa tệ trạng thụt lùi đen tối trong quản lý và phát triển đất nước bằng những vần thơ “vầng trăng nghẹn ngào, chưa tỏa sáng một vùng quê” của Hoàng Tường Phong, giải nhứt cuộc thi sáng tác thơ “Đồng bằng sông Cửu Long”, nhưng giải thưởng đã bị “truất” chỉ sau vài ngày kết quả cuộc thi thơ được công bố! Đây là một sáng kiến độc đáo đưa công trình chuyên khảo của Mai Thanh Truyết đến gần gũi và hòa nhập với quần chúng nhứt.
Vốn chan chứa tình cảm, tác giả đã đưa hình tượng xúc động để đặt bài tựa cho chuyên đề đầu tiên theo phương thức nhân cách hóa thiên nhiên, gây một ấn tượng ban đầu rất sâu sắc cho người đọc: “Sông Mê kông: nỗi nghẹn ngào của vùng hạ lưu”. Vùng hạ lưu này, trên thực tế, bao gồm cả đất Hậu Nghĩa chôn nhau cắt rún của tác giả nữa. Từ ngữ “nghẹn ngào” trong tình huống này, được tác giả vận dụng để hình dung luôn một nổi niềm u uất, không biết cái gì để mà nói đồng thời dù có biết, có nhận biết sự việc đi nữa, cũng không thể nói lên được cái gì cả. Chưa nói đến sự thuyết phục, lối mô tả đầy xúc cảm ấy vô cùng sâu sắc và thắm thía, thiết thực đóng góp hữu hiệu vào việc đánh thức suy tư và sự đồng cảm của người dân thấp cổ bé miệng trong cuộc..
Ngay trong những đoạn sách đề cập cảnh huống tối đen của đất nước, tác giả Mai Thanh Truyết còn nghĩ ra lối vận dụng tình cảm ái mộ của quần chúng bằng lối kết nối các tựa bài ca nhạc được ưa thích trong dân gian minh họa với những hình tượng đầy màu sắc hấp dẫn và thu hút người đọc vào sự việc.đang được phân tích hoặc đề cập. Lối kết nối văn nghệ này đôi khi cũng là lợi khí sắc bén nhứt để nói lên và khai thác một thái độ châm biếm một tệ trạng xã hội.
Đi vào cụ thể trong những vấn đề môi trường Việt Nam, có thể nhắc lại lời giải bày trơ trẻn không chút ngượng nghịu của một quan chức hữu quyền đã được loan tải trên mạng sau vụ án về những thiệt hại xảy ra cho đồng bào cư dân ở vùng bờ Cần Giờ, Vũng Tàu, do chất thải độc hại được cho thoải mái tuôn ra từ một nhà máy năm này qua năm khác. Được hỏi, tại sao lại có thể xảy ra như vậy, quan chức này đã tỉnh bơ nói: “Đó là do hệ thống thanh tra còn quá mỏng” (!)
Người dân tự hỏi, việc chất thải độc hại tuôn chảy từ nhà máy gây ô nhiểm khắp vùng, người dân phải chịu đựng từ năm này qua năm khác, từ năm 1997 đến bây giờ (2010) đâu phải là một một việc tiểm ẩn đâu mà phải chờ mấy ông thanh tra đến ghé mắt thì mới phát hiện và xử lý? Mọi người dân trong vùng, nếu được tạo điều kiện tiếp cận để nhận thức vấn nạn, hoặc nếu được thông suốt về các thủ tục cần thiết, được xác định không giới hạn trong thẩm quyền của riêng quan chức nhà nước, vấn nạn sẽ được thanh toán nhanh chóng. Nói khác, trong những vấn đề môi trường Việt Nam, người từ cương vị “nhân dân làm chủ” của mình, cần được tạo điều kiện tích cực tham gia vào công việc điều hành quản lý nhà nước (?)
Hướng đại chúng hóa những vấn đề môi trường của tác giả Mai Thanh Truyết đang triển khai qua những luận điểm kể trên là một hướng hoàn toàn đáp ứng với nhu cầu trong những vấn đề môi trường đã được trình bày. Nhiều góc cạnh của công trình chuyên khảo với chủ điểm mang lại ánh sáng soi đường hữu hiệu cho đại chúng nói chung cho thấy đã nhằm đúng tiêu điểm, trên thực tế, dù vậy, vẫn cần đóng góp thêm ý kiến xây dựng lành mạnh trong từ trong giới khoa học kỹ thuật chuyên ngành cả trong lẫn ngoài nước.
Trong một thời gian gần đây, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết đã trở thành một gương mặt quần chúng rất quen thuộc qua các buổi xuất hiện tại các buổi hội luận chuyên đề của một số Đài truyền hình, Đài phát thanh VOA, RFA của Hoa kỳ, RFI của Pháp, trên YouTube v.v…về hiện tình đất nước Việt Nam trong đó, vấn đề môi trường đã được Tiến sĩ đặc biệt quan tâm triển khai qua các mạng Internet, các chương trình Pal Talk. Đặc biệt, nhân Tết Canh Dần, 2010 vừa qua, Tiến sĩ đã mạnh dạn lên tiếng về vấn nạn hóa chất độc hại trong thực phẩm, bánh mứt, là những món ăn Tết truyền thống của người dân Việt. Sinh hoạt này thực sự cần được xem là một đóng góp vô cùng quý giá của Tiến sĩ nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe của người dân, vốn là mục tiêu tối hậu của những vấn đề môi trường tại Việt Nam, không khép mình dước các thế lực của giới doanh gia trục lợi gây thảm họa cho người dân.
Trước mắt, riêng người viết bài này ước mong tập sách chuyên khảo của Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, người con yêu của đất mẹ Hậu Nghĩa thân thương, sẽ sớm đạt được mục tiêu cao đẹp tích cực đóng góp vào công cuộc đại chúng hóa và sẽ là một tập sách không thể thiếu trong tủ sách gia đình của người dân Việt ý thức trách nhiệm bản thân trước hiện tình đất nước, thực sự quan tâm đến những vấn đề môi trường Việt Nam.
Nam California, Hoa Kỳ
Đỗ Hải Minh
6 tháng 9 năm 2010