Chiến dịch cứu hộ 33 thợ mỏ Chile kẹt dưới lòng đất hơn 2 tháng bắt đầu từ đêm hôm qua, theo giờ GMT, tức chiều tối qua theo giờ địa phương. Công việc dự tính diễn ra vào tháng 12 cuối cùng đã đến sớm hơn gần 2 tháng, nhờ những nỗ lực của chính quyền Chile cộng với sự trợ giúp quốc tế về mặt kỹ thuật, đặc biệt là sự vào cuộc của cơ quan Vũ trụ Mỹ NASA.
Nín thở hồi hộp theo dõi cuộc giải cứu này không chỉ có các nhân viên cứu hộ hay gia đình của các thợ mỏ, mà còn hàng ngàn phóng viên báo chí, truyền hình trên khắp thế giới đang chầu chực đưa tin và hàng triệu người bất chấp sự khác biệt về múi giờ dán mắt vào màn ảnh nhỏ. Các kênh truyền hình như BBC, CNN.v.v. và kênh TVN24 của Ba Lan truyền hình trực tiếp toàn bộ quá trình giải cứu này mà không bỏ sót dù chỉ một phút. Mặc dù, người ta dự tính việc giải cứu sẽ mất từ 24 tới 48 tiếng đồng hồ.
Một sự chuẩn bị hết sức hoàn hảo, từ khoang cứu hộ, đội ngũ cứu hộ tinh nhuệ nhất cho tới các chuyên viên y tế, các nhà tâm lý học trợ giúp về tinh thần cho các nạn nhân và gia đình họ.v.v.
Khoang cứu hộ đã được chạy thử nghiệm để đảm bảo thật an toàn trước khi vận hành. Ba chuyên viên cấp cứu được đưa xuống tận nơi các thợ mỏ đang kẹt ở độ sâu 700m, để kiểm tra về y tế và chuẩn bị tinh thần cho những người sắp từ cõi chết trở về.
Có thể nói, công việc giải cứu hồi hộp và hấp dẫn không kém gì kịch bản phim Hollywood. Tất cả các thợ mỏ ngay khi lên tới mặt đất, sau vài phút gặp gỡ người thân đều được đưa ngay tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe bất kể họ yếu hay khỏe. Đất nước Chile vỡ òa trong hạnh phúc, dân chúng nhảy múa, reo hò, ca hát…
Điều đáng nói là, từ trước khi khoang cứu hộ được thả xuống, Tổng thống Chile đã có mặt, bên cạnh ông là bộ trưởng bộ Khai khoáng, bộ trưởng bộ Y tế. Dù chỉ có 1 công dân duy nhất trong số 33 thợ mỏ là người Bolivia nhưng Tổng thống nước này cũng bay tới hiện trường và chờ đợi. Ông muốn trực tiếp đón công dân của mình về nhà.
Tối qua, do không thể thức khuya hơn được nữa, tôi đã đi ngủ khi công việc cứu hộ vừa mới bắt đầu và người thợ mỏ đầu tiên được kéo lên mặt đất. Cứ tưởng, Tổng thống Chile chỉ đến động viên tinh thần hay nhiều lắm chào đón tượng trưng 1,2 thợ mỏ đầu tiên thôi, nhưng cả ngày hôm nay, lúc nào ngó vào truyền hình, vẫn thấy ông trong bộ quần áo bảo hộ lao động mầu da cam, ôm hôn từng thợ mỏ một, hòa cùng niềm vui với gia đình của các nạn nhân. Thỉnh thoảng, ông tự lấy nước uống hay với chiếc ghế để ngồi. Nếu không có vài lần trả lời phỏng vấn của phóng viên, hay phát biểu trực tiếp trên truyền hình, khó có thể biết đó là Tổng thống Chile! Cho tới giờ, 22 người đã được kéo lên, vẫn thấy Tổng thống Chile bên cạnh tốp cứu hộ, không biết ông ăn ngủ ra sao, vào lúc nào?
Cả thế giời hòa chung niềm vui với Chile trong một sự kiện may mắn hy hữu. Khi vụ nổ xảy ra hôm 5/8, giới chức ban đầu nhận định rằng, hy vọng sống sót của ê kip thợ này là 2%. Không mấy ai có thể ngờ là tất cả 33 người đều an toàn và khỏe mạnh.
Từ cõi chết trở về và trở thành những người anh hùng, thành đối tượng săn đón của truyền thông, báo chí, được cả đất nước, cả dân tộc chào đón, nâng niu, nhiều người nhìn những thợ mỏ Chile bỗng thấy chạnh lòng.
Báo Wyborcza hôm nay giật tít “Người Trung Quốc ghen tị với thợ mỏ Chile“. Bài báo cho biết, hoạt động cứu hộ ở Chile làm thợ mỏ Trung Quốc cảm thấy ghen tị và làm dấy lên làn sóng chỉ trích chính quyền Trung Quốc trong các hoạt động cứu hộ thợ mỏ ở nước này. Một công dân mạng Trung Quốc được trích lời cho biết: “Họ thật hạnh phúc vì sinh ra ở Chile, nếu ở Trung Quốc thì họ đã bị chôn sống rồi”.
Một công dân khác nói: “Chiến dịch cứu hộ ở Chile là một sự sỉ nhục với Trung Quốc, có biết bao nhiêu thợ mỏ Trung Quốc đã chết trong những vụ sập hầm như vậy“. Hiện, Trung Quốc được coi là nơi thợ mỏ lao động trong những điều kiện tồi tệ nhất thế giới. Chỉ tính riêng năm ngoái, con số chính thức (có thể ít hơn nhiều so với thực tế) đã có 2.500 thợ mỏ chết vì sập hầm.
Người Trung Quốc rõ ràng là kém may mắn hơn người Chile rất nhiều. Nhưng họ còn có phước lớn so với những đồng hương của tôi. Cứ nhìn cả đất nước Trung Quốc, từ lãnh đạo cho tới dân chúng, sôi sùng sục đòi Nhật trả tự do cho mấy ngư dân của họ bị bắt giữ khi đánh cá trong vùng biển tranh chấp giữa 2 nước hồi tháng trước, mà thấy tủi cho hàng trăm ngư dân ta bị đánh đập, giam giữ, đòi tiền chuộc trái phép. Đâu đó, lạnh lẽo trôi dạt giữa biển khơi là linh hồn của những ngư dân Hậu Lộc, Thanh Hóa. Chết mà người thân không được than khóc. Chết mà báo chí không được nhắc tới. Nếu họ không phải công dân Việt, thì đâu đến nỗi chết tức tưởi như vậy?
Một bạn đọc trong mục Ý Kiến gửi tới Đàn Chim Việt viết, nhìn Tổng thống Chile túc trực suốt đêm đón chờ thợ mỏ mà thấy tủi cho dân Việt Nam quá. Đừng đòi hỏi lãnh đạo Việt Nam những điều quá xa xỉ như vậy, bạn ơi! Mấy ông ấy, nếu có hạ cố thăm dân vùng lũ thì cũng com lê củ táo và che ô.
Bão lũ miền Trung làm chết dăm bẩy chục người, hàng chục ngàn ngôi nhà chìm nghỉm, dân mắc kẹt đói rã họng mấy ngày mà máy bay trực thăng còn dùng để tập duyệt kéo cờ đảng cho lễ duyệt binh. Chỉ một phút, một phút thôi, mặc niệm cho những người xấu số trước lễ bế mạc hôm 10/10, đâu có tốn công sức, tiền bạc gì, họ còn không làm. Diễn văn bế mạc của các ông lãnh đạo, bói cũng không ra một lời chia buồn với dân miền Trung chết thảm nói gì tới chuyện quốc tang cho mệt.
Một nhà báo trên tờ Hà Nội Mới còn lớn tiếng “xỉ vả” những người chỉ trích Đại lễ là “xúc phạm lòng tự hào dân tộc”. Không lẽ dân tộc này của riêng một nhúm người ở Hà Nội? Không lẽ phải reo hò nhảy múa, khi người ta tang tóc mới là tự hào?
Xin chia vui với những thợ mỏ Chile và gia đình họ. Chúc mừng đất nước Chile có vị Tổng thống giản dị, thương dân. Xin thắp một nén nhang cho những người miền Trung xấu số. Họ sống khổ và chết tủi. Hy vọng ở thế giới bên kia, họ sẽ trở thành công dân Chile.
Mạc Việt Hồng