|
Việt Thức: “Knowledge Is Power Program” [KIPP] chuyển ngữ thành “Chương Trình Kiến Thức là Sức Mạnh” có thể ứng dụng cho những cơ sở giáo dục thuộc các quốc gia cần phát triển [CPT] –như Việt Nam — dành ưu tiên dìu dắt các học sinh thuộc gia đình có lợi tức thấp [hoàn cảnh chung cho các quốc gia CPT]. Căn bản của sứ mạng là tạo dựng một nền giáo dục nhân bản, mà môi trường và kỹ thuật giáo huấn đặt trên nền tảng hăng say, phối kiểm, hợp tác chặt chẽ giữa 3 thành phần chính yếu: học sinh, giáo chức và phụ huynh, với cứu cánh xây dựng con người chân chính chứ không để “cấy cán bộ tương lai”… Riêng tại Hoa Kỳ, giáo dục vốn phổ thông cưỡng bách tại cấp tiểu và trung học, nên gặp khó khăn trên phương diện “giáo dục đại chúng” [mass education]. Tình trạng xuống cấp “giáo dục đại chúng” tiểu và trung học phần lớn do sự chểnh mảng, thiếu lý tưởng tiến thân [hướng thượng] của các học sinh và phụ huynh thuộc gia cảnh kém cỏi. Phối Hợp Thành Tố Hướng Thượng là chìa khoá thành công chung.
Giáo dục ngày nay là chuyện nhức đầu ở Hoa Kỳ. Đất nước này có những đại học và viện khoa học danh tiếng nhất thế giới, nhưng học sinh trung học thì…xếp đèn đỏ trong các quốc gia mở mang, thua luôn cả Singapore là con rồng châu Á mới nổi cách đây vài thập niên!
Quả thật, Mỹ không sao cải thiện nổi thành tích của học sinh trung học và trình độ của học trò ngày càng có vẻ thụt lùi. Một bằng cớ: Chính Bộ Giáo Dục Mỹ công bố kết quả điều tra là hiện nay trong số các sinh viên phải vào học cấp đại học cộng đồng, có đến 42% sinh viên mới toanh cần bổ túc học vấn của mình bằng các khóa học gọi là ‘chữa cháy’ (remedial education) thì mới theo học nổi!
Nhiều người ưu tư với vấn đề giáo dục ở Mỹ đã đề ra nhiều biện pháp khắc phục tình trạng đáng buồn này, nổi bật có một ý kiến đến từ San Jose của cô Sehba Ali, chuyên gia giáo dục, người đề ra giải pháp KIPP cho các trường học.
KIPP là gì? Đó là viết tắt của chữ “Knowledge Is Power Program”. Cách đây 6 năm, Ali thành lập trung tâm KIPP Heartwood Academy, một trường công lập dạng charter đầu tiên ở San Jose, một phần của dự án 99 trường học KIPP trên khắp nước.
Chủ trương của loại trường này rất cao, đó là học sinh phải bỏ ra thêm 50% thời gian để học thêm, với chương trình học bắt đầu lúc 7 giờ 30 phút sáng và chấm dứt lúc 5 giờ chiều, kèm theo 3 tuần học hè có tính cách bắt buộc.
Kết quả tỏ ra mỹ mãn. Với một dân số gồm tới 85% là gia đình có lợi tức thấp, Heartwood đã liên tục nhiều năm xếp trong nhóm 10% đầu bảng của tất cả các trường trung học của California và trong năm 2010 được Bộ Giáo Dục Mỹ trao bằng tưởng lục Blue Ribbon School.
Ý tưởng gia tăng thêm giờ học và kéo dài niên học đã có hưởng ứng. Gần đây TT Obama cùng một số lãnh đạo hàn lâm khác đã kêu gọi những người có trách nhiệm hãy xem xét lại cái cách kết thúc niên học trong tháng 6 là quá sớm.
Nhưng theo Ali, cái quan trọng không phải là giờ học, mà chính là canh tân hệ thống giáo dục sẽ đòi hỏi nhiều nổ lực hơn, chứ không thuần túy bắt các em học thêm cho nhiều giờ.
Đầu tiên không nhất thiết chỉ tăng cường giờ học bằng cách nhồi nhét thêm các giờ học các môn anh văn và toán vì các em sẽ mất hết hứng thú nếu chỉ toàn là học hai môn chính yếu này. Trường học chỉ nên tăng giờ nếu như có đủ tài chính để các em học thêm các môn khác và kể cả các môn nhiệm ý như thể thao và âm nhạc.
Các em đâu cần chỉ có giỏi trên ghế học, mà còn tung tăng hoạt động thể dục thể thao, ngoại ngữ, nghệ thuật và kể cả trong những câu lạc bộ như làm sao các em thảo luận với nhau để trau dồi sáng kiến và kỹ năng lãnh đạo.
Những giờ tăng thêm, nếu không được quản lý khéo léo sẽ làm giáo viên mệt nhoài vì bây giờ nhiều vị đã phải làm việc thêm ở nhà để soạn bài và nếu giờ học tăng thêm thì gánh nặng của giáo viên càng thêm chồng chất. Cần làm giáo viên thoải mái trước trong mọi cố gắng cách tân giáo dục.
Chương trình KIPP luôn khuyến khích các giáo viên cùng bộ môn gặp gỡ bàn bạc và trao đổi thường xuyên kinh nghiệm giảng dạy với nhau, như thế chuẩn mực được trông đợi sẽ đồng đều hơn trong việc theo dõi tiến bộ của các em.
Cách làm mới đã làm phấn khởi các giáo viên, theo Ali cho hay. Tỉ lệ giáo viên ở Heartwood bỏ việc trong 5 năm đầu dạy học hầu như rất ít không đáng kể. Khi thầy đã hăng say, họ sẽ chăm ‘ngọn lửa’ nhiệt tình đó cho học trò.
Hồng Quang theo tuần báo Newsweek