Học tập là nhiệm vụ của mỗi người để có tri thức phục vụ đất nước, nhân dân. Việc cần thiết là phải xác định động cơ học tập đúng đắn. Đáng tiếc, không ít học sinh ( HS, SV) không làm được điều này. Học tập có khi đối với họ chỉ vì sự thúc ép của gia đình hoặc chỉ đơn thuần là để lấy tấm bằng làm sĩ diện, gắn với nhu cầu công ăn việc làm mà thiếu hẳn sự say mê vươn tới tri thức và sáng tạo. Các nhà giáo, trước khi dạy tri thức, rèn luyện kỹ năng, phải dạy cho người học biết rằng: Học Tập là mục tiêu tự thân.
Năm 1996, trong tài liệu “Học tập, một kho báu tiềm ẩn”, UNESCO đã chỉ ra 4 trụ cột của giáo dục là: “Học để biết, học để làm, để chung sống và để tự khẳng định mình”. Có thế coi đó là triết lí giáo dục bao gồm 4 yêu cầu cụ thể, thiết thực đối với mỗi HS, SV.
Luật giáo dục ban hành năm 1998 cũng chỉ rõ: “Mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diệm có đạo đức tri thức sức khỏe, thẩm mĩ và nghề nghiệp”. Về cách học, khuyến khích học sinh, sinh viên lấy tự học là chính, học tập một cách chủ động và sáng tạo. Đáng tiếc là trong thực tế, những điều đó chưa được thực hiện tốt nếu không nói là còn nhiều yếu kém, thậm chí xa rời mục tiêu, hạ thấp yêu cầu học tập đến mức chỉ còn quan tâm đến điểm số, tức số lượng mà không chú ý đến chất lượng. Giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm đã từng khẳng định: “Chúng ta nhồi nhét kiến thức cho học trò như nhồi vịt nhưng rồi chúng ta vẫn mãi mãi đi sau (…) vấn đề là phải thay đổi phương pháp dạy và học: Phải đào tạo cho học sinh tinh thần không sợ sai thì lúc đó khoa học mới phát triển con người sẽ có tự do thực sự từ bên trong giáo dục mới có ích thực sự cho xã hội”.
Trông người mà ngẫm …
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu lại một số đoạn trích tiêu biểu trong bức thư của cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng trường mà con trai ông theo học, từ đó rút ra một vài bài học về triết lí giáo dục.
“Thưa thầy… Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Cứ có một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có một người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ lại có một nhà lãnh đạo tận tâm…
Xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng một đồng đô la tự kiếm được quý giá hơn nhiều năm đô la nhặt được trên hè phố.
Xin hãy dạy cháu biết cách chấp nhận thất bại và tận hưởng niềm vui chiến thắng.
Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kỵ… những kẻ hay bắt nạt người khác lại là những kẻ dễ bị đánh bại nhất.
Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách… nhưng cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống. Đàn chim tung cánh trên bầu trời đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.
Xin thầy hãy dạy cho cháu chấp nhận thi trượt còn vinh dự hơn gian lận trong thi cử… Xin tạo cho cháu sức mạnh bản thân để không chạy theo đám đông khi mọi người đều cho biết chạy theo thời thế… Xin hãy dạy cháu biết có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình.
Xin hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện được những thanh sắt cứng rắn.
Đó quả là những yêu cầu quá lớn… nhưng xin thầy hãy cố gắng hết mình… Con trai tôi quả thật một cậu bé tuyệt vời”.
Trên đây chỉ là một số đoạn của một bức thư dài đầy tâm huyết của một vị nguyên thủ quốc gia rất am hiểu giáo dục, nó không đơn thuần chỉ là để gửi cho một người cụ thể là thầy dạy con trai mình mà còn là lời nhắn nhủ tới tất cả các nhà giáo. Dạy học, bất cứ ở đâu, không chỉ là dạy chữ mà còn là dạy người, dạy cách làm người trong một xã hội có vô vàn mối quan hệ phức tạp. Quan niệm tiến bộ đó không phải là của riêng Abraham Lincoln mà là của rất nhiều nhà giáo dục, tuy mỗi người có cách phát ngôn khác nhau. Điều đáng nói là tất cả đều được thể hiện bằng hành động trong thực tiễn giáo dục chứ không phải là lý luận suông. Có thể chỉ ra một số ưu điểm của nền giáo dục ở một số nước tiên tiến (có thể gọi là triết lí giáo dục) như “khuynh hướng muốn biết” mà giáo dục Mỹ đang dày công giúp cho học sinh, sinh viên thực hiện, nâng cao năng lực thực hành hơn là việc học lí thuyết sách vở; mục tiêu “đào tạo một lớp người mới đầy năng lực sáng tạo có khả năng khám phá thích ứng nhanh chóng với xã hội thông tin” của giáo dục Nhật Bản hay đào tạo thế hệ trẻ với ba phẩm chất chính: Tự tin – sáng tạo – có đạo đức như mục tiêu của Giáo dục Hàn Quốc cũng nằm trong khu vực Đông Nam Á với nước ta, giáo dục Thái Lan đặt ra mục tiêu “giúp cho học sinh khao khát tìm kiếm tri thức mới khám phá bản thân và cuộc sống”… Điểm qua một vài nét về triết lí giáo dục hiện đại ở một số nước như trên, chúng ta có thể thấy rằng: Bất cứ nền giáo dục nào nếu muốn phát triển bền vững thì đều phải có định hướng rõ ràng, có những mục tiêu xác định và một trong những nhân tố không thể thiếu được là phải xây dựng và thực hiện cho được một triết lý giáo dục hiện đại hướng đến việc phát huy nội lực của mỗi HS, SV chứ không trông chờ ở bên ngoài. Một khi người học không tự giác, nỗ lực học tập và khát khao sáng tạo thì không thể nói đến một kết quả tốt đẹp. Và, một nền giáo dục còn để tồn tại nhiều người như thế thì sản phẩm giáo dục sẽ có thể sẽ chỉ là những phế phẩm hoặc sản phẩm có nhiều khuyết tật, không có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển.
… rằng ta thực ra đâu kém
Lịch sử giáo dục Việt Nam cho thấy, chúng ta từng có những thành tựu hết sức to lớn: Các tấm gương học tập, học tập suốt đời không thời nào không có. Chúng ta từng biết đến tấm gương Phan Phu Tiên sống vào cuối thời nhà Trần (1225-1400), một người học tập suốt đời kể cả khi đã trở thành nhà sử học, thầy thuốc nhà thơ, nhà giáo danh tiếng. Ông đã đúc kết kinh nghiệm rằng: “Trẻ mà không học khó làm nên”. Trịnh Thiết Trường, danh sĩ nổi tiếng thời Lê (trước thời Lê – Trịnh, 1428-1527), dù đã đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất (1442) nhưng tự cho là “thẹn cái học của mình còn nông cạn” vì mới chỉ đỗ đồng Tiến sĩ với 23 người khác; ông đã xin trả lại mũ áo và danh vị Tiến sĩ để về quê học tiếp, đến khoa thi năm 1448, đỗ Bảng nhãn, được bổ nhiệm vào làm ở Hàn lâm viện. Trong Văn Miếu (Hà Nội) còn 82 tấm bia ghi danh những Tiến sĩ thời phong kiến đều là nhưng tấm gương “học không biết chán”. Trong thời hiện đại, nước ta cũng không hiếm những tấm gương vượt khó học tập thành tài, trở thành nhà lãnh đạo quốc gia, nhà quản lí nhà khoa học danh tiếng, nhiều người được công nhận ở tầm quốc tế… Tuy thế, nếu nhìn chung cả nền giáo dục thì thúng ta đã và đang thực sự thua sút nhiều so với khu vực và thế giới.
Thẳng thắn mà nói, cái mà giáo dục nước ta còn thiếu (và là một trong những nguyên nhân khiến cho giáo dục nước ta chậm phát triển) chính là triết lí giáo dục. Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, có những lúc chúng ta đã thể hiện được cách làm giáo dục hay, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử nhưng chúng ta chưa có những nhà lí luận giáo dục tầm cỡ đủ sức khái quát thành lí luận về triết lí giáo dục. Tất nhiên riêng các nhà khoa học giáo dục không thể làm được tất cả mà còn phải có sự tham gia và quyết tâm của thể chế, của các nhà quản lí giáo dục, sự đồng tâm của toàn xã hội. Một nền giáo dục mà không có được một triết lí riêng thì không thể nói đến bản sắc, không thể có định hướng tốt và những bước đi thích hợp để đạt tới mục tiêu đã được xác định. Nói đến triết lí giáo dục là nói đến việc một nền giáo dục tồn tại và hoạt động nhằm mục đích gì, nhằm tạo ra những sản phẩm giáo dục đáp ứng yêu cầu của xã hội như thế nào.
Với giáo dục Việt Nam, vấn đề quan trọng là tiếp thu kinh nghiệm các nước tiên tiến như thế nào chứ không phải là bắt chước, thụ động, khi theo mẫu hình này, khi theo mẫu hình khác như sai lầm chúng ta đã từng mắc trong quá khứ. Phải gắn việc phát triển giáo dục vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của đất nước, gắn với yêu cầu của xã hội trong từng giai đoạn. Có thể xác định nội dung triết lí giáo dục Việt Nam là: Xây dựng một nền giáo dục lành mạnh tạo cơ hội học tập cho mọi người, đào tạo lớp người lao động có tri thức, có sức khoẻ, có đạo đức có năng lực sáng tạo và khát khao cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, hướng tới việc hội nhập quốc tê vươn tới trình độ tiên tiến của giáo dục thế giới.
Một nền giáo dục chỉ thực sự phát triển khi biết tạo ra được những con người tự do: Biết tự học, tự tìm kiếm kiến thức và khám phá ra chân lý. Muốn thế, trước hết, ngay từ lớp Một, cấp I (Tiểu học), nền giáo dục ấy phải chú ý hình thành và nuôi dưỡng động cơ học tập, quan niệm học tập đúng: Học tập là mục tiêu tự thân của mỗi người, trước hết học cho mình để khi trưởng thành có thể làm tốt nghĩa vụ một thành viên của gia đình, của cộng đồng xã hội.
“Trông người mà ngẫm…”, vấn đề ở tầm quốc gia là phải đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược phát triển, chấn hưng giáo dục; còn riêng với mỗi người học, phải xác định học tập một cách cơ bản, có hệ thống với niềm say mê học tập, học tập không ngừng, học tập suốt đời.
Đỗ Quốc Bảo