Gặp Gỡ Văn Thi Sĩ Lưu Nguyễn Đạt
Vào năm 1998, tôi sang qua Washington D.C để ra mắt quyển bút ký văn nghệ Theo Chân Những Tiếng Hát. Hôm ra mắt, tôi có nói đến những bài hát dành cho học đường vào thời tiền chiến trong các chuơng trình phổ thông Pháp hay chương trình dành cho ban Thành Chung. Thường là những bài dân ca cổ truyền Pháp (Chansons folkloriques) như “Chevaliers de la Table Ronde”, “Malbrouk s’en va-t-en guerre”, “Auprès de Ma Blonde”, “La Marche Lorraine”… Lúc đầu, trong phần văn nghệ, anh Lưu Nguyễn Đạt đóng góp bằng bài hát “Áo Lụa Hà Đông”, thơ của Nguyên Sa, do Ngô Thụy Miên phổ nhạc. Trong tiết mục chót, tôi lên diễn đàn nói về lịch sử nền tân nhạc nước nhà. Tuy nhiên, khi phải hát minh họa cho phần dẫn giải, tôi phải nhờ học giả Nguyễn Ngọc Bích. Nhưng ở bài “Malbrouk s’en va t-en guerre”, anh Nguyễn Ngọc Bích quên lời hát nên anh nhờ anh Lưu Nguyễn Đạt cùng song ca với anh.
Khi buổi lễ ra mắt sách chấm dứt, tôi theo chị Nguyễn thị Ngọc Dung ra xe thì có tiếng gọi phía sau lưng: “Anh An này, anh còn nhớ tôi không? Phùng Thị Hạnh đây, chủ nhiệm báo Tin Sống đây”. Tôi quay lưng lại thấy một thiếu phụ cỡ “30 ngoài”, đi bên cạnh anh Lưu Nguyễn Đạt. Chị có vóc dáng thon gọn, mảnh dẻ và cân đối. Chị mặc áo dài tím thẫm, cổ quàng khăn san bằng the mỏng màu trắng, mềm mại như một cuộn sương. Đặc biệt là mái tóc của chị cắt bum-bê trước trán, và hai bên buông xõa xuống vai như hai dòng suối đêm. Đây là mái tóc của nữ minh tinh Maria Montez vào nửa thế kỷ trước trong các phim thần thoại diễm huyền phỏng theo các truyện cổ tích trong quyển Một Nghìn Lẻ Một Đêm. Tôi chợt nhớ vào năm năm đầu của thập niên 70, tại Sài Gòn, trong báo giới có ba bà chủ báo đẹp nổi tiếng là bà Lê Thị Quí của nhật báo Đông Phương, bà Trùng Dương của nhật báo Sóng Thần và chị Phùng Thị Hạnh của nhật báo Tin Sống.
Chị Hạnh là vợ anh Đạt. Cả hai chẳng những xứng đôi mà còn đẹp đôi nữa, khuôn mặt tuấn mỹ của chồng rất hòa điệu với nhân diện và vóc dáng kiều diễm của vợ. Tôi bảo chị Hạnh: Trên 25 năm qua, dung nhan chị vẫn không thay đổi. Đây chắc là “Phùng Thị Hạnh giả”… Lúc còn trong cuộc lễ, tâm hồn tôi bị chi phối bởi nhiều chuyện: bài diễn văn, những giấc ngủ còn xáo trộn, những quà cáp phải mua dành cho người thân trong chuyến trở về… Cho nên tôi không mấy chú ý tới dáng dấp và mặt mũi anh Lưu Nguyễn Đạt, ngoài thân hình rắn chắc của anh, tạo cho anh một vẻ bệ vệ trong bộ complet đen được may cắt khéo với chiếc cà-vạt nổi bật màu đỏ chen vài màu tím thẫm. Bây giờ là lúc, tôi có dịp quan sát anh. Mặt mũi anh thật rắn rỏi, thanh tú, làn da sáng sủa mịn màng, lại còn ửng sắc hồng hào khỏe mạnh. Sống mũi anh thanh tú thả giọt mật mà cổ nhân cho là quý tướng (qua tục ngữ: tỉ như huyền đảm). Môi anh ửng sắc hường san hô. Răng trắng như hạt gạo Nàng Hương Rạch Đào (thuộc lãnh thổ Long An) vo thật sạch cám. Mắt anh sáng đắm đuối, cái nhìn như gắn chặt vào dự định cốt sao thực hiện cho bằng được.
Sau đó vài ngày, khi được ngắm anh hát tại biệt thự của anh, tôi nhận thấy sóng mắt đó trở nên ướt rượt và lảng vảng thoáng mơ màng. Mái tóc anh đen rờn vóc nhung, lún phún vài sợi bạc được cắt tỉa khéo. Khuôn mặt anh không bị tuổi lục tuần làm hư hao. Đây là một khuôn mặt intact với dòng biến chuyển của thời gian. Kỳ đó, tôi gặp anh chị Đạt & Hạnh trong ba buổi tiệc: một buổi dạ yến do chị Trương Anh Thụy khoản đãi sau lễ ra mắt sách, một bữa cơm tối tại Việt Royale do chị Nguyễn thị Ngọc Dung mời, một buổi nhậu thịt rừng có thêm phần văn nghệ bỏ túi do cây sáo thần Thanh Hà cùng nhóm bạn bè của đương sự khoản đãi.
Năm 2000, Cơ Sở Cỏ Thơm xuất bản một lượt ba quyển sách: Văn Luận của Lưu Nguyễn Đạt, Văn Khảo của Trần Bích San, và Tác Phẩm Đẹp của Hồ Trường An. Cho nên cơ sở quyết tổ chức lễ ra mắt sách cho cả ba tác giả tại hội trường Galaxy, thuộc tiểu bang Virginia. Tôi qua Virginia sớm hơn 14 ngày, ở chơi tại nhà anh chị Đạt & Hạnh 4 ngày rồi đi California ra mắt hai quyển sách Chân Dung Những Tiếng Hát II, ký sự văn học nghệ thuật, và Tập Truyện Ma. Người ra phi trường đón tôi từ Pháp sang là anh Đạt.
Hôm đó, vào một chiều đông êm đềm, nắng làn lạt, gió mỏng hiu hiu. Anh mặc chiếc quần màu xám khói thu và chiếc áo blouson màu beige nhạt trông rất trẻ trung, thoáng thấy tưởng chừng khoảng 40 ngoài. Càng ăn mặc đơn sơ, anh càng lộ vẻ sáng nhuận và tươi mát như vừa tắm xong. Kỳ đó, tôi ở nhà anh chị Đạt & Hạnh, tối ngủ ở căn phòng riêng, gần phòng họ. Anh có tổ chức buổi họp mặt tại phòng khánh tiết của anh. Nơi đây có lò sưởi đốt bằng củi, có tấm bình phong bằng những tấm liễn son nổi chữ Nho mạ vàng ghép lại. Có cả tấm ảnh phóng lớn cụ bà Phạm Quỳnh phu nhân, vốn là bà ngoại của chị Phùng Thị Hạnh. Trong ảnh, cụ phục sức theo lối mệnh phụ thời Quân Chủ của Triều Đình Huế với áo gấm và khăn vành giây, đeo vòng vàng chuỗi hột rất Huế, rất đài các cao sang.
Mỗi sáng, tôi theo anh Lưu Nguyễn Đạt đến văn phòng luật sư của anh để phụ với anh viết thiệp mời khách tới tham dự buổi Ra Mắt Sách. Lúc ban ngày, tôi được bạn bè đưa đi viếng các thành phố lân cận Thành Phố Falls Church. Tối tối, tôi về nhà anh chị Đạt. Trong thời gian bốn ngày ở Virginia, anh chị Đạt dù bận công ăn việc làm (anh Đạt có văn phòng luật sư tại Falls Church, chị Hạnh thì dạy học tại Fairfax Public Schools), nhưng vẫn đưa tôi tham dự các bữa tiệc: bữa thứ nhất do chị Trương Anh Thụy đãi nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng và tôi. Vui nhất là hôm cả bọn gồm anh chị Trương Vũ, anh chị Đạt & Hạnh, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, người đẹp Bạch Mai (nghệ sĩ diễn ngâm thơ) và tôi kéo đến nhà Trần Long Hồ ăn bún bò và chuyện vãn cười đùa thật cởi mở và thống khoái.
Hai ngày sau, vào sáng tinh mơ, Lưu Nguyễn Đạt đưa tôi ra phi trường đi California. Anh ân cần căn dặn tôi khi phi cơ ngừng lại ở Detroit thì tôi phải đến cửa số 6 (gate 6) để đáp chuyến bay chuyển tiếp đi Cali. Anh còn sợ tôi lạc đường nên vét hết trong túi một vốc tiền ‘quarter’ (25 xu) ân cần dặn dò tôi, nếu khi gặp trục trặc phải gọi điện thoại cho anh. Ba lần qua viếng Hoa Kỳ, vốn liếng Anh ngữ mà tôi mang theo chỉ có hai chữ cook là nấu, eat là ăn; và tôi tóm tắt: ‘cóc nấu ếch ăn’.. cho gọn. Nhưng khi tới Detroit, tôi vẫn hỏi thăm du khách Mỹ để vào gate 6, vẫn leo lên phi cơ chuyển tiếp bay thẳng tới Cali vào lúc 13 giờ trưa, không có gì trở ngại. Mười ngày ở Quận Cam (Orange County, Nam California), tôi mệt nhoài vì ngủ trễ và giấc ngủ bị cắt đứt nhiều đoạn dù tôi dùng thuốc an thần. Trở về Virginia ra mắt sách, tôi cảm thấy thoải mái hơn.
Trong lúc anh Lưu Nguyễn Đạt và ban tổ chức chạy lo đặt heo quay, gà quay, bánh cuốn, các thức giải khát, trà rượu và hoa quả, tôi nằm dài lười lĩnh trên chiếc canapé (trường kỷ) bọc da màu cam trong phòng khánh tiết. Chị Phùng Thị Hạnh gặp lúc weekend nên ở nhà, đánh đàn keyboard bên lò sưởi, cạnh ánh lửa hồng, mùi củi gỗ thơm dìu dịu tỏa ra theo tiếng nhạc mềm mại, thướt tha. Những buổi sáng ở nhà anh chị Đạt thật ấm cúng và sảng khoái. Vợ chồng anh cùng tôi uống nước vối trước khi dùng cà-phê. Tôi có dịp ngắm những chậu bích đào loáng thoáng đơm hoa đỏ thắm, những cây vạn niên thanh (cây phát xồi) được cắt cụt cỡ một gang tay, được buộc thành bó và được ngâm trong những bát sành xâm xấp nước. Từng cây vạn niên thanh trổ những nhánh cong cong duyên dáng. Ngoài cửa gương, là vạt đất phía sau căn bếp, trồng những cây đỗ quyên (azalée). Bây giờ là mùa đông, đỗ quyên chưa trổ hoa. Đám cây chỉ là một khối bóng trong màn đêm bắt đầu tan loãng. Hoa đỗ quyên là thứ hoa mà chị Hạnh ưu ái nhất so với muôn hồng nghìn tía trong hoa phổ. Kỳ ra mắt sách đó rất thành công. Nhưng anh Đạt và chị Hạnh phải tất tả lo mọi việc nên chẳng ăn uống được bao nhiêu. Chị Thúy Diệm, vợ cũ Nhà Văn Viên Linh mải lo bán sách trong khi đó hai anh Lưu Nguyễn Đạt, Trần Bích San và tôi còn bận đề tặng sách cho người mua và bận tiếp chuyện với các văn hữu ở Hoa Đô (tên do kiều bào đặt cho Thủ Đô Hoa-Thịnh-Đốn) nên hầu như chẳng ăn được gì. Thế là chiều hôm đó anh chị Thúy Diệm, Phó Hồng Hà, chị Ngọc Dung cùng theo vợ chồng anh Lưu Nguyễn Đạt và tôi về Fairfax. Sau khi tính tiền thu xuất, một bữa ăn nhỏ lại được dọn lên, nhưng chị Ngọc Dung kiếu từ ra về.
Hè 2001, anh chị Lưu Nguyễn Đạt & Phùng Thị Hạnh qua viếng Paris để ra mắt nơi đây thi phẩm Vùng Cao Nước Ẩn của anh. Vì ở Vùng Champagne khá xa xôi, tôi phải nhờ chị bạn thân Vũ Lan Phương, vốn là chủ quán Đào Viên, Họa Sĩ Lê Tài Điển và Nhà Văn Nữ Việt Dương Nhân tổ chức dùm bữa cơm đãi viễn khách đến từ Hoa Đô. Quán chỉ có 50 chỗ mà người tham dự gửi chi phiếu tham dự tới 80. Ban tổ chức đành trả quá trễ các chi phiếu tới chị thủ quỹ Lan Phương. Hôm họp mặt gồm văn nghệ sĩ, các chính khách, một số cựu học sinh trường Yersin (Đà Lạt) năm xưa. Sự xuất hiện của đôi uyên ương Lưu & Phùng sáng lên nơi yến hội.
Năm 2002, vào kỳ nghỉ hè tháng 7 dương lịch, vợ chồng anh Lưu Nguyễn Đạt lại viếng Paris, lần này để ra mắt Thi Phẩm Hồn Nước và Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm, gặp lúc cặp Nguyễn Hữu Nhật & Nguyễn thị Vinh cũng từ Na-uy định qua Paris cũng ra mắt sách và giới thiệu Tạp Chí Quê Hưong của họ. Nhà thơ Đỗ Bình có sáng kiến “hai xôi nhồi chung một chõ”. Anh tổ chức cho hai bên ra mắt sách tại Quán Chiều Tím (thuộc Quận 13, Kinh Đô Paris). Khách tham dự chiếm trên 200 chỗ ngồi, hơn 100 chi phiếu gửi trễ bị hoàn lại. Lưu Nguyễn Đạt vốn học chương trình Pháp từ nhỏ, vốn thông thạo Tiếng Nói và Văn Hoá Pháp khi còn ở Việt Nam, giờ đây, các văn gia nghệ sĩ cùng các chính khách sống trên Nước Pháp tỏ vẻ ưu ái anh, anh lại càng thấy gần gũi với Nước Pháp hơn.
Rồi qua năm sau, anh rủ Học Giả Trần Bích San cùng anh qua Pháp diễn thuyết. Kỳ đó, hai anh Lưu Nguyễn Đạt và Trần Bích San cùng anh chị Nguyễn Hữu Nhật & Nguyễn thị Vinh vừa diễn thuyết vừa bán sách. Cũng kỳ đó, hai anh Lưu Nguyễn Đạt và Trần Bích San đi Troyes thăm tôi để rồi sáng hôm sau trở về Paris, không kịp viếng Hồ Rừng Phía Đông (Lac de la Forêt d’Orient) với hai bãi tắm, không kịp đi chơi rừng nằm trong thung lũng, không kịp viếng những tiệm quần áo nổi tiếng quốc tế qua các hiệu Lacoste, Eminence, Yves Saint Laurent, Coq Sportif… Nhưng hôm sau, các nhân viên sở hỏa xa đình công. Anh bạn Pháp ở chung nhà của tôi phải xin phép bà giám đốc thư viện nghỉ một hôm để đưa cả hai về Paris. Đáng lẽ đương sự dùng xa lộ số 5 để lái xe đi Paris nhanh hơn, nhưng anh Lưu Nguyễn Đạt ngỏ ý dùng quốc lộ để có dịp ngắm phong cảnh, nào ruộng cải đường (betterave) xanh um, nào ruộng cải dầu (colza) lấm tấm hoa vàng, nào ruộng thục quỳ (tournesol) trổ hoa vàng to như cái dĩa dựng nước mắm, nào ruộng lúa mì tươi hơn hớn màu lụa bích lục, nào ruộng lúa kiều mạch óng ả vóc nhung xanh, nào giáo đường với đường nét Gothique tráng lệ, nào những thôn làng trầm mặc bên con sông Seine nước xanh biêng biếc, trong như gương.
Gần đây, vào trung tuần mùa đông năm 2005, anh Lưu Nguyễn Đạt lại qua viếng Paris, lần này không có chị Hạnh cùng đi theo, vì chị còn phải dạy học. Anh Lưu Nguyễn Đạt tới dự buổi tiếp tân tại nhà chị Đỗ Quyên, một phụ nữ thượng lưu ở tỉnh thành hoa lệ Neuilly-sur-Seine, giữa lúc sương mù và khí hàn nhuận bao trùm Nước Pháp. Anh lại để râu, như một ẩn sĩ tiên phong đạo cốt tại một ngôi sơn môn cổ miếu nào. Song anh vẫn nụ cười tươi tắn, ấm áp nở trên cặp môi san hô, vẫn hàm răng trắng bóng như trân châu, vẫn cặp mắt sáng ngời tinh đẩu, vẫn sóng mắt ướt rất thơ mộng trữ tình. Anh Lưu Nguyễn Đạt lưu lại nhiều cảm tình trong xã hội mondaine trên Nước Pháp. Đáng nói nhất là tấm bảng đá do anh gửi tặng để gắn trên Đài Tưởng Niệm Những Kẻ Bỏ Mình Khi Đi Tìm Tự Do. Tấm bảng ấy anh Lưu Nguyễn Đạt thuê người khắc tại Virginia bằng đá hoa cương đen huyền nổi những tia trắng như sữa và có thếp chữ vàng lộng lẫy, rồi nhờ TS Phan Văn Song mang tận tay sang Paris trước ngày khánh thành Đài Tưởng Niệm. Ban tổ chức xây đài có sáng kiến đặt tấm bảng ấy lên một phiến đá hoa cương mầu hồng nổi vân trắng để làm nổi bật sắc hoa cương đen như mực mài của tấm bảng kia. Đó cũng là cách làm nổi bật tấm lòng yêu văn hóa cùng tinh thần chuộng tự do và tình người của văn thi sĩ Lưu Nguyễn Đạt vậy.
Lưu Nguyễn Đạt Hồ Trường An Trịnh Công Sơn
Hồ Trường An Nói Chuyện với Văn Thi Sĩ Lưu Nguyễn Đạt về Giới Văn Nghệ Sĩ Sài Gòn, Miền Nam
[Trích đoạn 8]
HỒ TRƯỜNG AN: Thuở ở Sài Gòn Anh có giao thiệp với các văn nghệ sĩ không? Nếu có, xin Anh cho biết những ai? Bộ môn nghệ thuật nào mà họ đeo đưổi?
LƯU NGUYỄN ĐẠT: Về nghề làm báo, viết lách thì tôi rất gần gũi với Vũ Tài Lục. Ông ta là một “mọt sách”. Trong thẻ kiểm tra, ở chỗ ghi nghề nghiệp, Vũ Tài Lục khai: “Đọc Sách”. Ông ta đọc nhiều thật: sách Pháp Ngữ, Anh Ngữ, Hán Ngữ, Nhật Ngữ, và cả những tài liệu bằng Tiếng Ý, lẫn Tiếng Đức, đều được mua về, đặt mọi nơi trên gian nhà gỗ hai từng, ọp ẹp, không đủ sức chứa và đỡ cả mấy tấn sách đó. Ông phải đổi nhà để có thêm chỗ chứa sách quý của ông. Tôi cũng được quen biết nhà bỉnh sách Đỗ Long Vân của Đại Học Huế, sau khi ông từ Pháp về nước trong thập niên 60. Tôi thích nhất hiện tượng “nước ẩn” trong thơ Hồ Xuân Hương, mà ông chuyên chú điều nghiên. Có lẽ tôi bị ảnh hưởng về tư tưởng và ngôn ngữ đó khi tôi đặt tên cho thi phẩm đầu tay của tôi là Vùng Cao Nước Ẩn. Xin tưởng niệm linh hồn người hiền Đỗ Long Vân của nền văn học giao thời. Cũng trong những tình cờ của giao hữu, vào những năm 1966 tới 1970, tôi được biết tới Nhà Biên Khảo Triết học Phạm Công Thiện và Nhà Thơ điên-mà-không-điên Bùi Giáng. Tôi có tặng Phạm Công Thiện một cuốn sách của Gaston Bachelard, mà chúng tôi đều ưa thích. Còn Bùi Giáng thì tôi đã từng nghe ông lè nhè vừa uống bia, vừa đọc thơ mình, và sau này tôi đã dành cho ông những nét trân trọng nhất, dưới đề tài “Thơ Bùi Giáng: từ phá thể sang hội nhập”, trong tập Văn Luận mà tôi viết về các tác giả tôi thường quý trọng. Lý do ngầm mà tôi chọn viết về Bùi Giáng cũng là vì ông cùng tôi trọn vẹn với mối tình văn học chung: Gérard de Nerval. Bùi Giáng dịch thơ và truyện của Nerval. Còn tôi thì dùng trường ký Le Voyage en Orient của Nerval để làm luận án Tiến Sĩ năm 1981, tại Michigan State University, với đề tài: Au centre du vertige nervalien: Le Voyage en Orient et la Mise en Abyme.
Về nghệ thuật tạo hình, tôi rất thân với Trịnh Cung. Anh ta đã đề nghị Hội Họa Sĩ Trẻ mời tôi làm Tổng Thư Ký, trong những năm Nguyễn Trung làm Chủ Tịch (1969-72), có lẽ vì tôi chuyên về Lịch Sử Mỹ Thuật (Histoire de l’Art) và cũng vì Hội Họa Sĩ Trẻ lúc đó cần một luật sư soạn và đăng ký Nội Quy của Hội. Tôi đã nhận làm những công việc đó. Nhưng tôi phải đặc biệt biết ơn Trịnh Cung vì trong những năm 1967-68, khi tôi còn dạy học tại trường Lycée Yersin, Trịnh Cung lên Đà-Lạt chơi, thấy căn nhà chúng tôi rộng rãi, bèn hứa, gần như cam kết, sẽ lên triển lãm tranh tại đó vào mùa Xuân năm sau. Gần đến ngày hứa hẹn, tôi đã gửi thư mời khách tới thưởng ngoạn, thì tranh bạn mình vẫn xa lánh tận đâu đâu. Bất đắc dĩ, tôi phải ngả khung gỗ ra vẽ (và từ đó tôi chuyên vẽ trên mặt gỗ) để kịp triển lãm thay thế ông bạn quý họ Trịnh: đó là cuộc triển lãm đầu tiên của tôi tại Trung Tâm Văn Hoá Việt Mỹ ĐàLạt, rồi tại trường Yersin, rồi tại Trung Tâm Văn Hoá Việt Mỹ, Sài Gòn, khi Chị Jackie Bông làm giám đốc. Sau đó tôi bắt đầu gửi tranh sang Pháp, và khi tỵ nạn tại Hoa Kỳ, tôi tiếp tục triển lãm tại các Tiểu Bang California, Michigan, Virginia v.v., đến nay cả mấy trăm bức tranh, mấy chục bức tượng. “Đàn Ngựa” trong tranh Trịnh Cung đã chở người họa sĩ đó tới gặp tôi, rồi lại chở ông đi xa mất hút. Đó cũng là một kỳ duyên văn nghệ chăng? Khi chúng tôi khép sơ cửa ngõ ra đi khỏi căn nhà bên Gia Định vào tuần cuới tháng Tư 1975, tôi đã để lại đó cả mấy chục bức tranh tôi vẽ, mấy chục bức tranh bạn Hoạ Sĩ Trẻ vẽ, trong đó có rất nhiều tranh của Nguyễn Trung và cả của Trịnh Cung. Phấn màu xin trả về cát bụi lịch sử.
Trong số các nhạc sĩ tôi quen thân vào những năm 60, 70, đặc biệt có Trịnh Công Sơn. Anh trở nên gần gũi với vợ chồng chúng tôi, vì anh đã lấy cớ quen biết tôi để làm quen với cô nữ sinh Lycée Yersin, P.T.L, em gái của Phùng Thị Hạnh. Trịnh Công Sơn đã lấy cảm hứng từ môi hồng P.T.L. để viết và ghi tặng đúng “ngày sinh nhật” của Nàng cả tập nhạc Như Cánh Vạc Bay. Những năm tháng đó, chúng tôi quý Trịnh Công Sơn qua tiếng hát đứt ruột, với lời lẽ sâu sắc, bàng bạc tình người, xót xa nỗi đau dân tộc. Tôi cũng từng đóng phim Đất Khổ [Land of Sorrows] với anh và Nhạc Sĩ Vũ Thành An, có lẽ cũng vì nỗi xót xa dân tộc chìm đắm trong cuộc chiến ý thức hệ tương tàn.
Nhưng ngày hôm nay, tôi đành phải nhận định rằng người nhạc sĩ họ Trịnh đã phản lại những gì ông nghĩ, những gì ông nói, những gì ông ca tụng. Sau quốc nạn 1975, ông đã tuyệt nhiên im lặng, tuyệt nhiên quên hẳn tiếng nhạc khóc người của ông, đã nhắm mắt, bịt miệng, bịt tai không cần biết tới những hành động khủng bố dã man của các “đồng chí Xã Hội Chủ Nghĩa”; không cần biết tới cả ngàn ngàn người chết trôi giữa lòng Biển Thái Bình, hoặc bị hãm hiếp bởi hải tặc, hoặc cả ngàn ngàn người chết vội vàng trong rừng hoang, núi hiểm khi họ liều lĩnh bỏ nhà, bỏ cửa ra đi tìm lại tự do, tìm lại nhân phẩm, tìm đủ miếng ăn, miếng uống mà “thiêng đường cộng sản” Việt Nam đã lường gạt, tước đoạt.
Ông đã phản lại và ruồng bỏ chính ông, phản lại và ruồng bỏ lý tưởng nhân bản mà chúng ta nhầm tưởng ông yêu chuộng trước đây.
Chắc ông ta cũng không sung sướng gì khi ở trong tư thế phù thịnh đó, hoặc vì thời cuộc áp bức mà phải kết nhập chế độ phi nhân phi nghĩa như vậy. Thôi hãy để lịch sử phê phán ông…
HỒ TRƯỜNG AN
3 Comments
Chu Việt
Đọc văn của Hồ Trường An thật sướng lỗ tai. Ông mô tả “ngoại hình” của văn-thi sĩ Lưu Nguyễn Đạt bằng những lời văn hoa mỹ, tráng lệ, sang cả không ai sánh nổi. Nào là “mặt tuấn mỹ”, “môi hường san hô”, “mắt sáng đắm đuối”, “tóc đen rờn vóc nhung”, v.v. và còn nhiều từ nữa nghe thật mê ly. Thật ra, theo ý của vài anh bạn, sự mô tả đó hơi dư thừa, vì chỉ cần nhìn hai tấm ảnh chân dung của nhà văn-thi-họa sĩ họ Lưu thì cũng đủ thấy đó là một gã “bô trai” và “đẹp lão”.
Có điều là nhà văn họ Hồ không bỏ thì giờ để mô tả “nội hình” của đương sự. Thơ họ Lưu sáng tác không phải là ít mà không thấy tác giả trích dẫn dù chỉ một câu của một vài bài thiên hạ ưa thích, ví dụ “Xúc tình”, “Râm bụt nắng”, “Ý nghĩa một đời” v.v. Hồ Trường An quả là một nhiếp ảnh gia có biệt tài “chụp” chân dung. Đọc tác phẩm “Chân Dung Những Tiếng Hát” của ông, thấy rõ “chân dung” các ca sĩ mà không biết “tiếng hát” của họ ra sao. Tiếc.
Vũ Kiếm Minh
Nếu tiện, xin Đại ca Chu Việt bàn thêm về thơ Lưu Nguyễn Đạt mà độc giả vẫn thường thấy đăng trên Việt Thức và một số tạp chí, điện báo tại hải ngoại, nhất là tại Hoa Kỳ và Pháp. Cái mới và cái đặc sắc của dòng thơ, hồn thơ Lưu Nguyễn Đạt là ơ chỗ nào, khía cạnh nào?
Tôi chỉ là người yêu thơ Lưu Nguyễn Đạt, cảm được cái đẹp trong đó, như vậy đã đủ chưa?
Vũ Kiếm Minh
Chu Việt
Thưa anh Vũ Kiếm Minh,
Xin phép gọi “anh” cho thân mật. Là một độc giả bình thường, tôi nghĩ “biết” yêu thơ và “cảm” thấy cái đẹp trong đó cũng là quá đủ rồi vì đã có mấy ai như anh? Cũng như anh, tôi có một cảm quan cá nhân về cái Đẹp thẩm mỹ trong nghệ thuật. Biết thưởng thức một bức tranh đẹp, một bài thơ hay, một bản nhạc hay, cấn có một cảm thức nhậy bén, lọc lựa, và trải nghiệm.
Không phải là nhà phê bình, tôi chỉ xin vắn tắt khái quát vài lời về thơ Lưu Nguyễn Đạt mà tôi vốn yêu thích từ lâu. Về hình thức, thơ anh không mới vì vẫn theo khuôn thước quen thuộc: thơ bốn khổ bốn câu, thất ngôn, bát ngôn hay lục bát đều có vần nên giầu nhạc tính. Cái đặc sắc của thơ anh là ngôn ngữ và hồn thơ. Anh tìm tòi, nghịch đảo, sắp đặt, lạ hóa từng cụm chữ khiến cho ngôn ngữ thơ — vốn gián tìếp quy chiếu hiện thực và tình cảm — trở nên vời vợi và trừu tượng. Còn hồn thơ anh nằm ở tình người và tình yêu thấm đẫm từng lời, từng câu, từng chủ đề, và hiển lộ một tình yêu nước sâu đậm, thiết tha.
Tóm một lời, thơ của thi sĩ họ Lưu biểu hiện một sắc thái thẩm mỹ hiếm hoi. Và xin đừng quên thưởng lãm những bức họa trừu tượng với mấu sấc và bố cục hài hòa gây ấn tượng thường đi kèm những bài thơ.