Trong số rất nhiều hội đoàn từ thiện của Pháp, có một cái tên có lẽ cũng không phải xa lạ đối với người Việt Nam trong thời kỳ còn chiến tranh khốc liệt, đó là Hội Cứu tế bình dân Pháp (Secours populaire français), một trong những hội đoàn từ thiện lớn có thâm niên lâu đời nhất ở Pháp. Đây cũng là tổ chức từ thiện, ngay từ những ngày đầu thành lập, có mối cảm thông sâu sắc với Việt Nam.
Ra đời từ ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, năm 1945, đến nay Cứu tế bình dân Pháp đã có 65 năm hoạt động nhân đạo. Không chỉ ở trong nước Pháp mà cùng với mạng lưới tình nguyện viên của mình, Secours populaire français đã đến với những người cùng khổ ở khắp nơi trên thế giới bằng cả vật chất lẫn tinh thần.
Cứu tế bình dân Pháp gửi gạo cứu trợ cho các nạn nhân của lũ lụt tại Quảng Bình hồi đầu tháng 10 năm 2010
Năm 1945, khi vừa hình thành, Cứu tế bình dân Pháp đã dành sự quan tâm đặc biệt đến Việt Nam, khi đó vẫn còn đang nằm dưới sự bảo hộ của chính quyền thực dân Pháp. Các thành viên của hội đã tích cực ủng hộ các phong trào phản chiến, kêu gọi chấm dứt chiến tranh Đông Dương thời bấy giờ. Ông Julien Lauprêtre, chủ tịch Secours populaire français từ năm 1985, nay đã 84 tuổi, nhắc lại :
« Trong toàn bộ lịch sử của Secours Populaire thì phải kể đến cả các nhóm cứu trợ có từ trước chiến tranh thế giới thứ hai, tức là Secour Rouge năm 1936, Secours populaire hoạt động tại Pháp cũng như ở các nước thuộc địa. Hội Cứu tế Bình dân Pháp Secours Populaire Français như hiện nay được thành lập năm 1945. Đã từ lâu trong lịch sử hoạt động của Hội, Việt Nam luôn là trọng tâm trong các hoạt động của chúng tôi.
Chúng tôi đã có thiện ý trợ giúp về vật chất, tinh thần tất cả những ai mong muốn để Việt Nam không còn lệ thuộc vào nước ngoài, trở thành một nước độc lập hoàn toàn. Để làm được việc đó phải có những cố gắng, can đảm lớn để tiến hành các cuộc đấu tranh, nhiều người Pháp đã từng phải ngồi tù, bị đàn áp khổ sở trong vòng nhiều năm chỉ vì họ đấu tranh vì nền độc lập của Việt Nam ».
Từ những ngày đầu đến nay, Việt Nam vẫn luôn là một địa chỉ cho các hoạt động từ thiện của hội hướng tới. Danh mục sáng kiến, các chương trình cứu trợ nhân đạo cho người dân Việt Nam của Hội Cứu tế bình dân không lúc nào dừng lại, cho dù đó là giữa chiến tranh hay trong thời bình.
Hội Cứu tế bình dân Pháp chỉ chính thức có mặt trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Việt Nam từ những năm 1960. Trong lúc Việt Nam đang ở giữa cuộc chiến tranh khốc liệt, xúc động trước hoàn cảnh các nạn nhân của cuộc xung đột, Secours Populaire đã có sáng kiến gửi tặng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam 17 chiếc xe cứu thương. Trước khi được gửi sang Việt Nam thì những chiếc xe cứu thương này đã đi dọc ngang khắp nước Pháp để quyên góp những vật dụng thuốc men thiết yếu cho việc cứu trợ những nạn nhân chiến tranh Việt Nam.
Liên tiếp những năm sau đó hội Cứu tế bình dân liên tục gửi thiết bị phương tiện y tế và cả những nhóm bác sĩ đến Việt nam để tham gia cứu trợ nhân đạo. Ngay trong những năm tháng chiến tranh, các tình nguyện viên của hội đã đến tận các khu vực chiến sự của cả hai miền Nam và Bắc để tổ chức các hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975, nhưng mối quan tâm của Cứu tế bình dân Pháp đối với những khó khăn của người dân Việt Nam gặp không dừng lại mà lại còn mở ra những hình thức trợ giúp đa dạng hơn. Ông Julien Laupretre cho biết về những hoạt động nhân đạo của Hội trong giai đoạn gần đây :
« Đó là những hoạt động ái hữu rất cụ thể, như lập các nhóm y tế. Chúng tôi đã giúp đỡ trực tiếp các bệnh viện, đỡ đầu cho các sinh viên Việt Nam. Các bác sĩ Pháp truyền kinh nghiệm của họ. Đồng thời còn có cả các hoạt động giúp phát triển đất nước. Trong lĩnh vực y tế cũng có các hoạt động trước tai họa chất độc màu da cam đã gây cho chúng tôi một sự xúc động lớn. Phối hợp với bác sĩ Dương Quỳnh Hoa (bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh), chúng tôi đã tiến hành cuộc đấu tranh chung để trợ giúp những nạn nhân của thảm họa kinh khủng này. Đây rõ ràng không phải là chuyện thiên tai mà rõ ràng con người đã gây ra và phải chịu trách nhiệm về thảm họa gây ra đối với Việt Nam.
Chúng tôi cũng phối hợp hành động với các đối tác tại Việt nam như các trại trẻ mồ côi hay các nạn nhân thiên tai mà đất nước Việt Nam vẫn thường xuyên phải hứng chịu. Các hoạt động của chúng tôi là liên tục. Chúng tôi chú ý để làm sao các hoạt động này không chỉ là việc làm đơn lẻ của một vài người tình nguyện của Secour populaire mà trở thành hoạt động chung. Chúng tôi vui mừng là có những hội đoàn đã quyết định gia nhập phong tràoliên đới với Việt Nam, là một đất nước vẫn đang cần được trợ giúp.
Đúng là điều kiện sống của trẻ em nghèo Việt Nam làm chúng tôi xúc động nhiều. Chúng tôi biết là họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống gần đây. Cũng cần phải nói thêm là chúng tôi đôi khi cũng gặp khó khăn trong việc triển khai các chương trình trợ giúp quốc tế bởi vì ngay nước Phápi cũng gặp phải những khó khăn, tôi muốn nói đến tình trạng nghèo đói mà đồng bào chúng tôi cũng đang gặp phải.
Đôi lúc một số tình nguyện viên của chúng tôi có nói rằng bản thân mình không giúp được cho người dân nghèo ở nước mình thì khó có thể làm cho những nước khác. Mỗi lần như vậy chúng tôi lại càng thấy cần thiết phải tìm được thêm những đóng góp tình nguyện có nhiệt tình để làm được điều gì đó giúp cho Việt Nam cũng như các nước khác.
Một trong những dự án đang được tiến hành hiện nay đó là kêu gọi sinh viên Việt Nam đang theo học ở đất nước chúng tôi rất đông đảo, tham dự vào cái dây chuyền đoàn kết ái hữu, vì đồng bào của họ nhưng đồng thời trên tư cách là các sinh viên Việt Nam, họ tham dự vào các hoạt động tương trợ đoàn kết ngay tại Pháp. Chúng tôi nhận thấy các sinh viên việt Nam rất vui được tham gia vào các hoạt động cụ thể của Secours Populaire ».
Từ sau khi chiến tranh việt Nam kết thúc đến nay, Hội Cứu tế bình dân Pháp đã triển khai hơn hai chục chương trình trợ giúp cho những người dân gặp hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực y tế như nhi khoa, phòng chống Sida, chăm sóc sức khỏe ban đầu hay các chương trình trợ giúp giáo dục xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm giúp đỡ cải thiện cuộc sống của người dân nghèo.
Có thể đơn cử ra một vài chương trình như từ năm 1999 đến năm 2005 Hội Cứu tế Bình dân Pháp đã tham gia tài trợ nâng cấp bệnh viện Saint Paul Hà Nội trong chương trình phòng chống bệnh Siada. Tiếp đó là dự án phối hợp với bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh thành lập Trung tâm nghiên cứu nhi khoa dành cho trẻ suy dinh dưỡng.
Là một tổ chức từ thiện có tình cảm đặc biệt đối với những hoàn cảnh khó khăn của người dân Việt Nam, hội Cứu tế bình dân pháp không bao giờ bàng quang trước những nạn nhân của thiên tai thường xuyên đổ vào Việt Nam. Cứ mỗi lần xảy ra bão lụt là hội Cứu tế bình dân lại có mặt bên những người lâm nạn, đứng ra quyên góp vận động tìm kiếm các đối tác tham gia cứu trợ khẩn cấp với mong muốn bù đắp phần nào cho những mất mát của những người dân không may mắn. Hàng triệu euro cùng các hàng cứu trợ thiết yếu đã được hội Cứu tế bình dân Pháp quyên góp chuyển đến những người dân gặp nạn tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
Gần đây nhất sau trận lũ lụt ở miền Trung Việt Nam hồi đầu tháng 10, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Thông qua mạng lưới những người tình nguyện của Cứu tế bình dân Pháp tại tỉnh Khánh Hòa, hội đã đã nhanh chóng bỏ tiền ra mua gạo cứu trợ cho 1000 gia đình trong vòng một tháng. Sắp tới đây các cuộc vận động quyên góp cho các nạn nhân bị lũ lụt tại Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra tại Pháp.
Thật hiếm có một hội đoàn từ thiện nào lại có sự thông cảm sâu sắc đối với những cảnh ngộ khó khăn của người dân Việt nam như hội Cứu tế bình dân Pháp. Đó cũng là tình cảm của ông chủ tịch hội Julien Lauprêtre, một con người đấu tranh không mệt mỏi vì một « ngày mai nhân bản hơn ».
« Cá nhân tôi có rất nhiều tình cảm với Việt Nam, tôi đã hai lần đến Việt Nam, tôi cảm nhận thấy sự đón tiếp nồng nhiệt đối với Secours Populaire ở đất nước này. Điều này đã thôi thúc chúng tôi phải hành động nhiều hơn nữa để có thể góp phần làm dịu bớt nỗi đau khổ, khó khăn của nhân dân việt Nam. Chúng tôi vui mừng phát hiện thấy đất nước Việt nam đã có những bước tiến trong lĩnh vực công nghiệp thương mại.
Giờ đây điều kiện sống của người dân Việt Nam về cơ bản đã có những cải thiện, tuy nhiên sẽ còn phải mất nhiều thời gian nữa Việt Nam mới có thể đóng vai trò lớn trên trường quốc tế nhưng với những thông tin, những cuộc tiếp xúc mà chúng tôi có thì có vẻ như Việt Nam đang đi đúng hướng.
Nếu chúng tôi ngày càng có ít công việc phải làm với các gia đình Việt nam chúng tôi rất mừng, chúng tôi sẽ có điều kiện để giúp đỡ người khác. Tuy nhiên đến lúc này thì vẫn chưa đạt được điều này và chúng tôi vẫn phải tiếp tục tương trợ những trẻ em và gia đình ở Việt Nam ».
Với 98 hội đoàn chi nhánh quy tụ hơn 80 nghìn tình nguyện viên trên khắp cả nước, Cứu tế bình dân Pháp là một tổ chức từ thiện hàng đầu ở Pháp. Mỗi năm hội thu thập được nguồn tài chính hàng chục triệu euro để phục vụ cho các hoạt động nhân đạo ở khắp nơi trên thế giới.
Mục tiêu tôn chỉ của hội Cứu tế bình dân Pháp là đoàn kết tương trợ, tập hợp mọi tấm lòng hảo tâm không phân biệt tôn giáo chính trị để đến với những con người không may mắn ở khắp nơi trên thế giới. Những gì mà Cứu tế bình dân dành cho Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ qua và trong tương lai là một minh chứng của tinh thần nhân đạo của một hiệp hội ra đời từ những khó khăn trong chiến tranh và biết cảm thông cho nỗi khổ đau của nhân loại.
Anh Vũ [Nguồn RFI]