Trong bài “Cận đại, hiện đại và đương đại” tác giả Nguyễn Đình Thành có yêu cầu tôi giải thích cái gì cho phép tôi lúc thì dịch “modern” là “hiện đại” lúc dịch là “cận đại” trong bản dịch bài “Nghệ thuật của chiến tranh” của Matthew Larking. Nói gọn lại tức là chữ “modern” trong tên tiếng Anh của triển lãm “50 Years of Modern Vietnamese Painting” cần phải được dịch là “cận đại” hay “hiện đại” đây? Cũng như ông Nguyễn Đình Thành, tôi cũng đã đặt câu hỏi như vậy khi dịch bài của Larking ra tiếng Việt. Vì thế tôi cảm ơn ông Thành đã nêu ra vấn đề này để tôi có dịp giải thích dưới đây.
Trước khi xem triển lãm “50 Years of Modern Vietnamese Paintings: 1925-1975” ở Tokyo Station Gallery và dịch bài “Nghệ thuật của chiến tranh” của Larking, tôi đã biết rằng có hai thuật ngữ trong hội họa Việt Nam là “hội họa hiện đại” dùng để chỉ hội họa Việt Nam từ sau khi thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925) đến khoảng những thập niên 70–80 của thế kỷ trước. Còn “nghệ thuật đương đại Việt Nam” là thuật ngữ dành cho nghệ thuật ở Việt Nam những năm từ 1990–1995 đến nay.
Sau khi xem triển lãm nói trên và bắt tay vào dịch bài viết của Matthew Larking tôi thấy tên nguyên văn tiếng Nhật của triển lãm này là ベトナム近代絵画展, trong đó chỉ có chữ “Việt Nam” (ベトナムđọc là “bê-tô-na-mư”) là được viết bằng chữ katakana – chữ do người Nhật chế tạo ra dựa trên chữ Hán. Phần còn lại là chữ Hán chính gốc. Nếu dịch chữ 近代 (“cận đại” theo phiên âm Hán-Việt hay “kin-đai” theo lối phát âm của ngườI Nhật) sát nghĩa với gốc Hán-Việt thì sẽ là “Triển lãm hội họa cận đại Việt Nam”, vì chữ “現代” (gen-đai) mới là “hiện đại”. Theo cách hiểu thông thường của người Nhật đối với những khái niệm như nghệ thuật thì 近代 (cận đại) được dùng để chỉ “modern”, còn 現代 (hiện đại) được dùng để chỉ “contemporary” (đương đại). Tôi thấy như vậy có vẻ hợp lý vì “modern art” không phải là nghệ thuật của thời hiện nay, mà là thuật ngữ chỉ một thời kỳ nghệ thuật từ cuối thế kỷ 19 đến khoảng những thập niên 70 của thế kỷ trước, tức là chỉ ở gần thời hiện nay. Như vậy dịch “modern art” là “cận đại” (近代) thì hợp với cảm giác thông thường về thời gian hơn là “hiện đại” (現代), là chữ (người Nhật) dùng để chỉ “đương đại” (contemporary). Tiếng Nhật không có chữ 當代 như trong tiếng Trung Hoa (phát âm: đāng-đài) dùng để chỉ “đương đại”.
Dùng chữ “hội họa cận đại” để dịch chữ 近代絵画từ gốc chữ Hán theo nghĩa “modern painting” của tiếng Anh, như một cách phân loại trong ngữ cảnh nói trên, còn tránh được nhầm lẫn với “modernism”, mà tôi dịch là “chủ nghĩa hiện đại”, như một quan niệm. “Modernism” dịch sang tiếng Nhật hay tiếng Trung Hoa (Hán) đều là “現代主義” có nghĩa là “chủ nghĩa hiện đại”. Tuy nhiên chữ “現代” trong cả tiếng Nhật (phát âm: gen-đai) lẫn tiếng Trung Hoa (phát âm: xiàn-đài) bây giờ lại có nghĩa là “hiện đại” chứ không phải là “đương đại” như đã nêu ở trên. Modernism là một trào lưu văn hóa xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20. Chủ nghĩa hiện đại (modernism) được khởi đầu bằng các tác phẩm văn chương của Beaudelaire, hội họa của Manet, triết học của Nietzsche, phân tâm học của Freud. Chủ nghĩa hiện đại trong nghệ thuật hầu như song hành với sự ra đời của lý thuyết tương đối của Einstein trong vật lý, và sự phát triển mạnh của công nghệ với động cơ đốt trong. Những văn nghệ sĩ theo trào lưu này tuyên bố rằng các hình thái “truyền thống” trong nghệ thuật, văn chương, tổ chức xã hội đã trở nên lỗi thời, cần phải dẹp bỏ, và thay thế bằng một nền văn hóa mới. Modernism (chủ nghĩa hiện đại) chủ trương xét lại mọi lĩnh vực của xã hội loài người nhằm tìm ra nguyên nhân kìm hãm tiến bộ xã hội và thay thế sự kìm hãm đó bằng cách đi mới, tốt hơn. Theo modernism (chủ nghĩa hiện đại) thì những cái gì mới (cách tân) cũng đồng thời là tốt (thiện) và đẹp (mỹ) luôn. Chữ “hiện đại” trong modernism (chủ nghĩa hiện đại) nhằm nói lên cái gì đó mới, ngược lại với cái cũ, cổ điển, hay truyền thống.
Như vậy, hội họa Việt Nam giai đoạn 1925-1975 có thể được phân loại là nằm trong hội họa cận đại (modern painting) mặc dù đã muộn so với thế giới chừng nửa thế kỷ. Nghệ thuật hiện đại (theo nghĩa những gì đang diễn ra hiện nay) hay đương đại (contemporary art) của Việt Nam chỉ thực sự bắt đầu từ khoảng cuối thập niên 80 đầu 90 của thế kỷ trước trở đi, khi các loại hình của contemporary art như nghệ thuật sắp đặt (installation art) và nghệ thuật trình diễn (performance art) bắt đầu được du nhập vào Việt Nam.
Đầu đuôi của lý do dùng chữ “hội họa cận đại” cho hội họa Việt Nam giai đoạn 1925-1975 và “chủ nghĩa hiện đại” cho “modernism” hoặc một số đoạn trong đó từ “modern” được dùng để nói đến nghệ thuật mới, khác với cái cũ, cổ điển, hay truyền thống, trong bản dịch của tôi là như vậy. Tôi không phản đối nếu ông Thành hay một số thậm chí nhiều người khác dùng chữ “nghệ thuật hiện đại” thay cho “nghệ thuật cận đại” trong tiếng Việt (nói một cách chính xác là Hán-Việt) vì hai thuật ngữ này chỉ có một nghĩa là “modern art” trong tiếng Anh như đã nói ở trên mà thôi. Tuy nhiên chữ “hiện đại” trong tiếng Việt dễ bị lẫn lộn với “đương đại” (như đã xảy ra với ví dụ đưa tin của VNExpress, mà ông Thành đã trích dẫn, về chính cuộc triển lãm nói trên). Trong một số trường hợp, “hiện đại” trong tiếng Việt lại bao hàm luôn cả “đương đại”. Vì thế, để tránh lầm lẫn, tôi dùng chữ “hội họa cận đại” để dịch chữ “modern painting” hay “近代絵画” thay vì dùng chữ “hội họa hiện đại”.
Theo thiển kiến của tôi, tiếp theo triển lãm “50 năm hội họa cận đại Việt Nam: 1925–1975” ta cần có một triển lãm “Hội họa cận đại Việt Nam giai đoạn từ sau 1975 đến khoảng 1990-1995” (ví dụ “20 Years of Modern Vietnamese Painting: 1975–1995”) ở Tokyo để công chúng Nhật Bản thấy được hội họa Việt Nam đã có một biến chuyển đáng kể về chất so với giai đoạn nửa thế kỷ trước đó, nhất là thời kỳ từ sau Đổi mới (khoảng từ sau 1985). Tôi chắc rằng khi đó Matthew Larking sẽ có một bài viết khác với một đánh giá khác. Ít nhất đó sẽ không còn là nghệ thuật của chiến tranh nữa.
Nguyễn Đình Đăng