Phan Nhiên Hạo: Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam là nơi tập trung những khuôn mặt nổi bật của hội họa miền Nam trước 1975, những người đã đưa hội họa miền Nam đi vào con đường hội hoạ hiện đại, vài người trong số này đến nay vẫn là những tên tuổi hàng đầu trong giới mỹ thuật. Anh là họa sĩ tham gia thành lập hội, am tường sinh hoạt mỹ thuật miền Nam mấy thập niên qua, xin anh cho biết một số chi tiết về Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, hy vọng có thể hữu ích cho người quan tâm, nhất là giới nghiên cứu, về văn chương nghệ thuật của miền Nam một thời tự do. Trước tiên, xin anh nói qua về bối cảnh xã hội thời điểm Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam ra đời tại Sài Gòn?
Trịnh Cung: Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam ra đời tháng 11 năm 1966, trong bối cảnh xã hội miền Nam Việt Nam đang ở những năm đầu của nền Đệ Nhị Cộng Hòa.
Cuộc chiến chống cộng sản Bắc Việt đã bắt đầu leo thang từ sau khi người Mỹ cổ xúy các tướng lãnh lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa và giết tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1963, đẩy xã hội Miền Nam vào một thời kỳ chính trị-kinh tế nhiều bất ổn bởi các cuộc tranh giành quyền lực của các phe phái chính trị. Sư hiện diện ngày càng đông của lính Mỹ chẳng những không giúp nền Đệ Nhị Cộng Hòa chiến thắng cộng sản Bắc Việt mà còn trở thành hình ảnh “quân xâm lược” bị Hà Nội dùng để vận động sự ủng hộ của thế giới với chiêu bài “chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Sự hiện diện đông đảo của người Mỹ cũng là một tác nhân gây ra những biến đổi không lành mạnh cho xã hội miền Nam như đĩ điếm, buôn lậu, tham nhũng… làm bùng nỗ sự phản kháng trong giới trí thức trẻ từ Huế đến Sài Gòn bằng các họat động chính trị khác nhau, từ đối lập hợp pháp trong quốc hội đến các hình thức văn nghệ phản chiến, thiên tả trong âm nhạc, báo chí, văn học và nghệ thuật. Dù các thực thể này đã được nhào nặn bởi bàn tay phù thủy cộng sản hay tự phát, chúng cũng là những tác nhân quan trọng dẫn tới cái kết quả huy hoàng cho phiá “bên kia” và thảm họa cho phiá “bên này” vào ngày 30-4-1975.
Phan Nhiên Hạo: Xin anh nói qua về quá trình thành lập và tổ chức của Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam? Hội gồm những ai là thành viên và có mục đích, tôn chỉ gì? Vai trò của anh và các thành viên chủ chốt trong hội?
Trịnh Cung: Thực ra, theo tôi, ban đầu chỉ có hai nhân vật cốt cán cho việc lập ra Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam là họa sĩ Ngy Cao Uyên (Nguyễn Cao Nguyên) và bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng, cả hai ông đều là sĩ quan của Bộ Tư Lệnh Không Quân. Ngy Cao Uyên là họa sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ và ông Nguyễn Tấn Hồng là một trí thức yêu hội họa, cũng là Bộ trưởng Bộ Thanh Niên, đóng vai mạnh thường quân. Theo trí nhớ của hoạ sĩ Cù Nguyễn, cuộc họp ban đầu để bàn về việc lập hội gồm có: bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng, các hoạ sĩ Ngy Cao Uyên, Vị Ý, Cù Nguyễn, Âu Như Thụy và nhạc sĩ Phạm Duy. Thế nhưng khi họp để chính thức thành lập hội tại nhà bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng trên đường Phan Thanh Giản, Quận 3, Sài Gòn, ngoài ông Nguyễn Tấn Hồng chỉ có chúng tôi gồm có các họa sĩ và điêu khắc gia: Ngy Cao Uyên, Hiếu Đệ, Cù Nguyễn, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, Mai Chững, Đinh Cường, Hồ Thành Đức và tôi. Lúc đó là tháng 11 năm 1966. Họa sĩ Ngy Cao Uyên được bầu làm Chủ tịch lâm thời của hội, Nguyễn Trung và Mai Chững giữ vai phó, tôi làm tổng thư ký, các anh còn lại là ủy viên ban chấp hành. Kể từ đó, tất cả chúng tôi đều là thành viên sáng lập Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam, và những cuộc họp ban chấp hành thời kỳ chưa có trụ sở riêng đều diễn ra tại nhà bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng.
Nhớ lại những ngày đầu tiên ấy, trừ bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng và họa sĩ Ngy Cao Uyên, cả hai đều đã khá già dặn và có sự nghiệp, họa sĩ Hiếu Đệ là lớp đàn anh, chúng tôi còn lại đều rất trẻ, trên dưới 25 tuổi. Trừ Ngy Cao Uyên và Cù Nguyễn là hai họa sĩ tự học, còn lại đều là sản phẩm một nửa hoặc toàn phần của hai truờng Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định và Huế. Phần đông chúng tôi đều thích sống tự do dù có bấp bênh, sớm có xu hướng nghệ thuật hiện đại và đã gặt hái hầu hết các giải thưởng hội họa quốc gia quan trọng, nên tạo được sự chú ý của dư luận văn nghệ. Có lẽ vì thế, sự tập họp này mang ý nghĩa của sự ra đời một thế hệ nghệ sĩ tạo hình tài năng mới của Việt Nam, mở ra một dòng chảy mỹ thuật trẻ mà tham vọng của nó đã được bày tỏ trong hai trích đoạn dưới đây của hai nhận định được coi như tuyên ngôn nghệ thuật của chúng tôi. Đó là bài nhận định được phổ biến nhân cuộc triển lãm ra mắt Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam vào tháng 1 năm 1967 tại trụ sở của hội, và bản tuyên ngôn của hội phổ biến nhân cuộc triển lãm vào tháng 11 năm 1973 tại gallery La Dolce Vita thuộc khách sạn quốc tế Continental.
Lần thứ nhất:
“…Sau Hiệp định Genève, cũng như vận mệnh đất nước, Hội họa Việt Nam phân chia thành 2 vùng ảnh hưởng. Một ở Miền Bắc, bị gò bó bởi những đòi hỏi phi nghệ thuật của Chủ thuyết Hiện Thực Xã Hội, thật ra chỉ là một kỹ thuật nửa Ấn tượng nửa Cổ điển. Một ở Miền Nam, luôn luôn đổi mới để theo kịp đà tiến của những khuynh hướng đi đầu và nuôi tham vọng hình thành một Hội họa tổng hợp đặc biệt giữa kỹ thuật Tây Phương và tinh thần Đông Phương.
Tuy nhiên, vì hoàn cảnh chiến tranh kéo dài, vì sự thiếu sót những cơ cấu sinh họat và nhất là sự chia rẽ giữa những họa sĩ, Hôi họa Miền Nam Việt Nam đang trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng…”
(trích catalogue triễn lãm ra mắt của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, 18 đến 24.1.1967 tại trụ sở của hội)
Lần thứ hai:
“Nhận thấy nghệ thuật Việt Nam, nói riêng là Hội Họa và Điêu Khắc, trong hơn nửa thế kỷ nay, kể từ ngày có trường Mỹ Thuật Đông Dương do người Pháp thành lập tại Hà Nội, vẫn chưa đáp ứng được với thực trạng Việt Nam. Cảm hứng nghệ thuật có thể nói là quá nghèo nàn vì chủ nghĩa buông thả, vì chủ nghĩa cá nhân chật hẹp không tương xứng với hoàn cảnh Việt Nam với những vấn đề vô cùng lớn lao và phong phú.
Những kiểu cách sai lầm từ trước tới nay vẫn chưa được mổ xẻ; hoặc dùng những đặc tính gọi là Á Đông để làm căn bản nghệ thuật mà thật ra chỉ là những hình thức lệ thuộc Tàu, Nhật… hoặc nhờ cậy vào nghệ thuật Âu Châu, đặc biệt là trường phái Paris, lấy nó làm tiêu chuẩn để suy luận và làm việc, nhốt gọn nghệ thuật Việt Nam trong cái giỏ “thuộc địa” nên những công trình thực hiện chỉ là cái gì thứ yếu đối với nghệ thuật Tây Phương”.
(trích brochure đề ngày 10.11.1973 cho cuộc triễn lãm tại Gallery La Dolce Vita)
Phan Nhiên Hạo: Đây là những nhận xét và ý tướng rất bao quát về con đường của mỹ thuật hiện đại Việt Nam!
Trịnh Cung: Đúng vậy, đây là một tham vọng quá lớn và đường dài. Nó rất chính đáng nhưng lại không thực tế trong một đất nước còn nhiều hạn chế, những thành tựu nghệ thuật của Việt Nam chỉ mới nhen nhúm, còn rất lâu mới cắt bỏ được khỏi cái cuốn rốn của nghệ thuật phương Tây, và xã hội ngày càng bộc lộ bất ổn do chiến tranh ý thức hệ khốc liệt. Nhìn kỹ, đặc biệt với tuyên ngôn lần thứ hai phổ biến năm 1973, không còn sự phân biệt và phê phán mỹ thuật Hiện thực Xã Hội Chủ Nghĩa của miền Bắc, mà tập trung vào thái độ khước từ những chuẩn mực mỹ thuật Tây Phương và ngoại lai như Tàu, Nhật. Các họa sĩ kêu gọi sự quay về, sự đứng lên cho hội họa riêng biệt Việt Nam một cách dứt khoát:
-“Từ bỏ chủ nghĩa buông thả, chủ nghĩa cá nhân chật hẹp, giải thoát tư tưởng khỏi phòng vẽ tù túng để cùng sống cái sức sống Việt Nam”
-“Theo đuổi khuynh hướng nghệ thuật tân kỳ nhất, ở gần chúng ta nhất: khuynh hướng đã có sẵn ngay trong lòng chúng ta, ngay trong lòng quần chúng Việt Nam”
Rõ ràng đây là một tuyên ngôn có nội hàm chính trị giành lại “độc lập” cho nghệ thuật Việt Nam, được khéo léo bọc trong chiếc vỏ “chủ nghĩa dân tộc” do một vài cá nhân của hội chủ ý đưa vào.
Trịnh Cung – “Cuộc đầu hàng của gia đình tôi” (sơn dầu trên bố, 1974)
Phan Nhiên Hạo: Quan hệ giữa Hội Họa Sĩ Trẻ và chính quyền thời đó như thế nào?
Trịnh Cung: Theo tôi, không có mối quan hệ rõ rệt nào giữa Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam và nhà nước dân chủ thời đó. Hay nói đúng hơn Hội là một tổ chức độc lập có tư cách pháp nhân như luật định, ngoài ra không có một ràng buộc nào khác như phải làm công cụ chính trị cho chế độ. Thậm chí, văn nghệ sĩ không nhất thiết có cùng một quan niệm chính trị-văn hóa-xã hội với chính quyền. Hơn nữa, đối lập ôn hòa là một hoạt động chính trị được hiến pháp bảo vệ.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà nhà chức trách không “dòm ngó” các hành vi khác thường của mọi cá nhân và hội đoàn theo cách riêng của họ. Trong trường hợp Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam với hơn một nửa là thành phần trốn lính và có quan hệ với các văn nghệ sĩ phản chiến như Trịnh Công Sơn, tất nhiên phải nằm trong tầm ngắm của họ.
Đó là lý do tại sao trụ sở của Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam tọa lạc tại góc đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và Lê Thánh Tôn, trong khuôn viên Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, đã bị Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa dưới thời ông Mai Thọ Truyền ủi sập nhân vụ Tết Mậu Thân 1968.
Phan Nhiên Hạo: Xin anh nói thêm chi tiết vụ ủi sập trụ sở của hội?
Trịnh Cung: Cái trụ sở này rộng chừng 150 mét vuông được chúng tôi làm bằng gỗ thông sơn trắng theo một kiểu kiến trúc hiện đại đơn giản. Số gỗ có được do chúng tôi đổi tranh cho sư đoàn 5 Không Quân trong Tân Sơn Nhất. Gỗ do Mỹ viện trợ cho Không Quân để xây dựng doanh trại đồn trú. Đây là sáng kiến của họa sĩ Ngy Cao Uyên, lúc đó là thiếu tá sĩ quan kỹ thuật của Không Quân, và cũng là người kết nối để chúng tôi thực hiện hoàn hảo “phi vụ” này.
Hầu như chúng tôi tự lo mọi thứ từ thiết kế đến hướng dẫn thi công, và kết quả là có một ngôi nhà không chỉ đáp ứng nhu cầu triển lãm nghệ thuật mà còn đẹp một cách trẻ trung, văn minh. Người gần như quán xuyến việc xây dựng trụ sở là họa sĩ Hồ Thành Đức. Chính vì quá hấp dẫn nên ngôi nhà đã tức khắc trở thành điểm hẹn cho những ai yêu hội họa, và cuối cùng là nơi tạm trú qua đêm an toàn của bằng hữu nghệ sĩ mỗi khi không thể về nhà mình. Ngoài chúng tôi ra, người khách thường trực qua đêm nổi tiếng nhất của ngôi nhà này là nhạc sĩ phản chiến Trịnh Công Sơn. Đôi khi có cả Khánh Ly. Năm sáu người nằm chung trên mấy cái chiếu cói trải giữa nhà trong một cái mùng khổng lồ và người “nữ ca sĩ chân trần” này luôn được ở giữa.
Giai đoạn này, Trinh Công Sơn và Khánh Ly trở thành thần tượng của giới sinh viên, mỗi đêm họ hát trên sân trường Đại Học Văn Khoa và qua đêm tại ngôi nhà của Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam ngay cạnh đó, chỉ cách khoảng 20 mét, không sợ ai xét hỏi. Ban ngày, nơi đây cũng là chỗ nghỉ ngơi thù tạc rất thuận tiện vì nó nằm ngay trung tâm Sài Gòn. Tất nhiên Trịnh Công Sơn không bỏ qua yếu tố thuận lợi này cho các mối quan hệ của anh và những người cần trao đổi, trong số này có các nhà báo quốc tế.
Cũng cần nói thêm về mảnh đất “linh thiêng” trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, nơi sản sinh ra một thời phân hóa tuổi trẻ Sài Gòn, ngọn gió phân hóa nhanh chóng tác động mạnh mẽ vào giới trí thức toàn miền Nam. Trường nằm trong khu tứ giác Gia Long (Lý Tự Trọng), Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Lê Thánh Tôn, và Nguyễn Trung Trực. Ở vị trí này, Đại Học Văn Khoa sau những giờ học là chỗ hoạt động của các nhóm trí thức trẻ có khuynh hướng chính trị đối lập nhau. Nổi lên nhất và khá mạnh là “Chương Trình Hè ” do Đỗ Ngọc Yến đứng đầu, hoạt động thiện chí nhưng chống cộng và thân Mỹ. Nổi bật không kém là nhóm phản chiến cánh tả với quán Văn và Trịnh Công Sơn. Bên cạnh là Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam với hơn một nửa thành viên trốn lính, thiên tả, và nửa còn lại chống cộng lơ mơ. Chưa kể lực lượng sinh viên họat động nội thành do Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tổ chức bí mật ngày đêm tại đây.
Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao thời ấy lại không xảy ra những hành vi bạo lực mang tính đối kháng vì khác lẽ sống chính trị giữa những người trẻ, trong khi thường chạm mặt nhau trong cùng một “vùng lãnh thổ”, thậm chí còn bắt tay trò chuyện mỗi khi có thể. Phải chăng ngoài sự khác nhau về quan điểm chính trị-xã hội, họ có chung một thứ văn hóa, văn hóa tự do-dân chủ, nhất là vào những đêm ở sân quán Văn có tiếng hát Khánh Ly và Trịnh Công Sơn cất lên những lời ca “Da Vàng”.
Trở lại chuyện trụ sở của hội, vì nơi đây ngày càng trở thành chỗ ẩn trú của những phần tử chống chính quyền và chống Mỹ thông qua các hình thức trốn lính và sáng tác văn nghệ phản chiến. Nên sau vụ Mậu Thân năm 1968, máy ủi của chính quyền đã âm thầm san bằng trụ sở của Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam vào nửa đêm. Cũng may, vào thời điểm này, chúng tôi không ai có mặt ở đây, mọi người về ăn Tết gia đình và kẹt lai vì vụ bom đạn nổ khắp nơi khi Việt Cộng tiến hành tổng tấn công Mậu Thân 1968.
Phan Nhiên Hạo: Như vậy trụ sở của hội bị trong ủi sập trong những ngày lộn xộn của cuộc tấn công Mậu Thân hay sau khi cuộc tấn công đã qua đi?
Trịnh Cung: Thực ra, không ai trong chúng biết rõ việc này, chỉ biết sau khi Sài Gòn im tiếng súng sau Tết, mọi họat động trở lại bình thường, chúng tôi mới thấy ngôi nhà gỗ xinh đẹp của hội đã trở thành bãi đất ngổn ngang phế liệu. Nó không có dấu hiệu do bom đạn tàn phá, cũng không phải được tháo dỡ mà cách nó bị hủy diệt không ngoài bằng phương tiên cơ giới, cái này không thể là Việt Cộng.
Phan Nhiên Hạo: Sau đó, hội có phản ứng gì với chính quyền không, và họ trả lời như thế nào?
Trịnh Cung: Hình như chúng tôi cảm nhận cái phần lỗi thuộc về phía hội khi đã để nó thành chỗ cư ngụ bất hợp pháp cho một số thân hữu có vấn đề chính trị. Ngoài ra, chúng tôi cũng không có giấy phép chính thức xây cất trụ sở trong khuôn viên trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, do đó không có đủ pháp lý để khiếu nại, nhất là người chủ tịch hội lúc ấy là hoạ sĩ Nguyễn Trung, một người trốn lính, không còn quyền công dân.
Phan Nhiên Hạo: Sau khi không còn trụ sở thì hội sinh hoạt ở đâu?
Trịnh Cung: Việc làm của chính quyền đã đặt Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam vào tình trạng không còn nơi hội họp và triển lãm, giấy phép họat động của hội cũng đã hết hạn. Chủ tịch hội lúc đó là họa sĩ Nguyễn Trung, nhiệm kỳ 1971-1973, một người trốn quân dịch nên không có tư cách pháp nhân nộp đơn xin tái lập hội. Ban chấp hành hội phải họp lưu vong tại các quán café, thường là tại quán La Pagode trên đường Tự Do (Đồng Khởi) vào mỗi sáng Chủ Nhật. Cuối cùng, để khắc phục bế tắc này và cũng nhân dịp ban chấp hành hội mãn nhiệm kỳ, chúng tôi bầu nhà điêu khắc tài hoa Mai Chững làm chủ tịch nhiệm kỳ 1973-1975. Tôi và Nguyễn Phước là hai phó chủ tịch. Nghiêu Đề làm tổng thư ký đứng ra điều hành hội, với giấy phép mới do Mai Chững và tôi là hai công dân đang thi hành quân dịch đứng đơn xin họat động trở lại.
Thế nhưng dù họat động hợp pháp, chúng tôi không tài nào dựng lại một trụ sở riêng đẹp và thuận lợi như ngôi nhà đã bị ủi sập năm 1968. Vẫn họp hành theo kiểu du mục, từ quán café đến Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội trên đường Nguyễn Du, triển lãm thì được sự trợ giúp đặc biệt của Họa sĩ Philippe Franchini (người Pháp, hiện sống ở Paris), chủ nhân khách sạn Continental. Franchini đã giành gallery La Dolce Vita trong khách sạn Continental, một gallery sang trọng bậc nhất Sài Gòn cho đến thời điểm tháng 4 năm 1975, để bày tác phẩm do Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam tuyển chọn, trong khoảng thời gian từ 1973 cho đến khi miền Nam sụp đổ.
Phan Nhiên Hạo: Đến nay nhìn lại, anh nghĩ gì về hoạt động của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, về những đồng nghiệp thành viên trong Hội?
Trịnh Cung: Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam lúc mới thành lập, như đã trích dẫn nhận định bên trên, phê phán mỹ thuật Hiện Thực Xã hội Chủ Nghĩa của miền Bắc và muốn hội họa miền Nam đi theo xu hướng tiến bộ của mỹ thuật Tây Phương, xây dựng cho mình một nền mỹ thuật vừa hiện đại vừa lộng lẫy tinh thần Đông Phương. Đó là một quan niệm rõ ràng có lập trường chống cộng và thân Tây Phương, được soạn thảo bởi ban chấp hành nhiệm kỳ đầu (1967-1971) do họa sĩ Ngy Cao Uyên làm chủ tịch.
Xu hướng này một phần dựa trên những thành tựu mỹ thuật mà Sài Gòn đạt được từ việc tổ chức thành công có thể nói là trên cả tuyệt vời cuộc triển lãm mỹ thuật quốc tế lần thứ nhất tại công viên Tao Đàn năm 1962, với hai mươi mốt quốc gia tham dự, trong đó có sự góp mặt của các nền mỹ thuật hàng đầu thế giới như Ý, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha… Tiếp theo, tác phẩm của chúng tôi là lưa chọn gần như duy nhất của mỹ thuật Việt Nam cho các kỳ triển lãm mỹ thuật quốc tế lưỡng niên ở Paris, Tunisi, São Polo… Mặt khác, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ở miền Nam đã nổi lên một thế hệ nghệ sĩ tạo hình trẻ tài năng với những quan niệm sáng tạo mới, có tác phẩm thường chiếm giải thưởng hội họa quốc gia hàng năm cao nhất và nhiều nhất (giải thưởng Hội Họa Mùa Xuân).
Tuy vậy, vào thời điểm Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam ra đời tháng 11 năm 1966, tình hình chính trị Việt Nam Cộng Hòa dưới sự cầm chịch của phe quân nhân đã trở nên ngày càng phức tạp, với cuộc chiến tranh quốc-cộng có dấu hiệu tệ hại hơn khi người Mỹ đổ quân vào miền Nam. Đây cũng là tiền đề dẫn đến sự thoái trào của Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam từ sau vụ Mậu Thân 1968. Những người sáng lập hội như Ngy Cao Uyên, Nguyễn Tấn Hồng, và một số người trong chúng tôi đã không hình dung được những khó khăn phức tạp khi kết hợp những con người khác nhau về quan điểm chính trị lại với nhau lúc lập hội.
Bây giờ, sau nhiều thăng trầm của cuộc sống, một số sự thật nội tình Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam dần được phát hiện hoặc tự rơi xuống qua sự sàn sãy của chiếc nia thời gian. Tôi tin rằng sự phức tạp chính trị đã có mặt ngay từ đầu trong số những thành viên sáng lập Hội. Cụ thể, đại diện cho những người trốn lính và trốn lính-thiên tả gồm có các họa sĩ Cù Nguyễn, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Hồ Thành Đức, Nguyên Khai, Hồ Hữu Thủ, Rừng, và sau có thêm Lê Tài Điển, Đỗ Quang Em, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đồng. Về phía những người đứng trong hàng ngũ quân lực Việt Nam Cộng Hoà chống lại sự xâm lược của cộng sản Bắc Việt là các anh Ngy Cao Uyên, Hiếu Đệ, Mai Chững, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, Dương Văn Hùng và tôi. Riêng Đinh Cường, tuy là sĩ quan nhưng thuộc nhóm thiên tả Huế.
Thực ra, thời đó, thiên tả là một cái mốt thời thượng trong giới trí thức trẻ miền Nam. Các sách Tư Bản Luận của K.Marx, triết lý Hiện Sinh trong các tác phẩm văn học của J.P.Sartre, Albert Camus, Franz Kafka, Simone De Beauvoir, Francois Sagan, được sinh viên sưu tập như những giá trị làm nên nhân cách đáng hãnh diện của một con người thời đại. Đa số chịu ảnh hưởng phong trào thiên tả do Sarte chủ xướng cũng như say mê hình tượng nhà cách mạng trẻ Che Guevara. Mà đã thiên tả thì phải chống thực dân, chống ngoại bang xâm lược, chống bóc lột, phải làm cách mạng để giải phóng con người khỏi những tai họa do chủ nghĩa Tư Bản gây ra, vân vân và vân vân. Thế là đúng bài của cộng sản Bắc Việt và Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam
Sau này nghĩ lại, quả thật những người như tôi hồi đó quá non nớt về chính trị, hồn nhiên sống theo dòng đời. Theo đuổi nghệ thuật như yêu đắm đuối một người con gái đẹp, càng chạy theo nàng lại khám phá ra nàng đẹp hơn, càng quyến rũ hơn, mà không hề biết nghệ thuật còn có thể có mục đích chính trị, xô đẩy con người vào bi kịch và thảm họa nhân danh cách mạng, giải phóng, yêu nước… mà những văn nghệ sĩ phản chiến đồng trang lứa với tôi đã biết xử dụng một cách tài hoa. Chính cái tài hoa ấy đã làm cho tác phẩm của họ, khi mang tính phê phán hay vận động cho một phong trào chính trị phản kháng nào đó đã trở nên “rất tới”. Nguyễn Trung là dẫn chứng tiêu biểu nhất cho giới họa sĩ trẻ trong trường hợp này. Nói như thế có là một nhận xét đầy cảm tính và suy diễn vô căn cứ hay không, xin xem lại toàn văn bản tuyên ngôn do chính họa sĩ Nguyễn Trung soạn thảo, cũng như xem một số tranh sơn dầu của anh thời kỳ những năm 70 và sau 30-4-1975. Không phải vô tình mà có sự liên kết khá nhất quán giữa tinh thần bản tuyên ngôn được viết bởi họa sĩ Nguyễn Trung và những bức tranh của anh.
Phan Nhiên Hạo: Anh nhắc đến một tỉ lệ khá lớn những hoạ sĩ trong hội “trốn lính”. Làm thế nào họ có thể sống với tình trạnh trốn tránh như vậy trong nhiều năm mà không bị bắt quân dịch, và nếu đời sống bấp bênh như vậy, làm thế nào họ sáng tác được?
Trịnh Cung: Đó là chỗ đặc trưng của sự lỏng lẻo trong quản lý an ninh của chính quyền Sài Gòn thời hậu Ngô Đình Diệm. Những người trốn lính và những người hoạt động thân cộng đều có thể dễ dàng kiếm cho mình một giấy thông hành để qua mắt các trạm kiểm soát quân dịch. Một trong những trung tâm bao bọc những người trốn lính và hoạt động chống Mỹ-Ngụy là trường Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn. Họ được mặc áo nhà sư để đi lại khi cần và ăn ngủ trong trường như một tăng lữ chính cống, Phạm Công Thiện với pháp danh Thích Nguyên Tánh, Nguyễn Hữu Hiệu, Trần Xuân Kiêm… là những nhân vật nổi tiếng nhất trong số này. Riêng các họa sĩ trốn lính thuộc Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam như Nguyễn Trung, Nguyên Khai, Cù Nguyễn, Hồ Hữu Thủ lại có cách riêng, họ làm việc cho Lực Lượng Xây Dựng Nông Thôn, một tổ chức phi quân sự của chính phủ. Có người sẽ hỏi họ trở thành người của nhà nước dưới màu áo bà ba đen của Xây Dựng Nông Thôn thì sao gọi là trốn lính và mất quyền công dân? Đó là chỗ bê bối của chính quyền Sài Gòn trong thời gian ấy, các bạn này đã xoay được giấy tờ giả để qua mặt cơ quan tuyển dụng họ, chính hoạ sĩ Cù Nguyễn đã tiết lộ cho tôi là hoạ sĩ Hồ Thành Đức là người đã giúp anh có giấy tờ hợp lệ để được nhận vào cùng với Nguyễn Trung, Nguyên Khai… Họa sĩ Hồ Thành Đức là một người có biệt tài về các khỏan xoay sở để qua mặt chính quyền Sài Gòn lúc đó.
Chính đời sống bấp bênh ấy lại là nguồn cung cấp cảm xúc mạnh làm nên một bản sắc hội họa thời chiến tranh Việt Nam của họ. Nguyễn Trung là một gương mặt sáng chói nhất trong số này với một thời kỳ hội họa âm bản đầy bóng tối về thân phận “Người Con Gái Việt Nam Da Vàng”.
Phan Nhiên Hạo: Có một lý thuyết, trường phái hội hoạ cụ thể nào được các thành viên của hội khuyếch trương không? Ví dụ tôi thấy tranh của nhiều họa sĩ Sài Gòn thời đó khi vẽ thiếu nữ đều vẽ khuôn mặt và cổ kéo dài như tranh của Modigliani, hay có màu sắc của các hoạ sĩ Biểu Tượng (Symbolism), như Klimt?
Tranh Nguyễn Trung
Trịnh Cung: Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam chưa có định ra một lý thuyết hội họa nào kể cả trường phái. Nếu có chăng thì chỉ mới manh nha một chủ trương kiểu trong hai tuyên ngôn đã đề cập ở trên.
Chính vì thế mà bạn đã thấy nhiều người trong chúng tôi không chỉ chịu ảnh hưởng một bậc thầy Tây Phương mà tùy từng giai đọan khám phá ra những điều mới về tạo hình và kỹ thuật ở họ. Cá nhân tôi trong mười năm đầu kể từ khi vào trường mỹ thuật (1959) đã có những danh họa “đi qua đời tôi” là Van Gogh, Gauguin, Modigliani và Marc Chagall. Đó là một giai đọan “tầm sư học đạo” rất quan trọng trước khi tìm ra chính mình đối với một họa sĩ trẻ lúc bấy giờ như chúng tôi.
Phan Nhiên Hạo: Sau tháng Tư 1975 số phận Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam và các thành viên của nó ra sao? Họ sáng tác như thế nào từ đó?
Trịnh Cung: Với tinh thần hội họa “yêu nước”, chống ảnh hưởng Tây Phương, phản chiến, Nguyễn Trung và một số thành viên Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam như Hồ Thành Đức, Hồ Hữu Thủ, Nghiêu Đề, sau ngày 30 tháng Tư 1975 sớm được “văn nghệ giải phóng” ưu ái. Riêng Nguyễn Trung và Hồ Hữu Thủ là ủy viên ban chấp hành Hội Mỹ Thuật Thành Phố Hồ Chí Minh nhiều nhiệm kỳ. Tất nhiên, trừ Đinh Cường, những thành viên của hội mặc áo lính Việt Nam Cộng Hòa đều phải nhận một số phận ngược lại.
Cụ thể hơn về cái số phận ngược lại ấy là nếu không chạy thoát qua Mỹ như Ngy Cao Uyên và Nguyễn Tấn Hồng, chúng tôi đều bị tập trung dài hạn trong những trại cải tạo nằm rải rác trong rừng sâu từ Nam ra Bắc, gia đình suy sụp, con cái bị kỳ thị, phải trả một cái giá quá đắt cho sự dính líu “bắt buộc” của chúng tôi với một thể chế chính trị mà mình là công dân. Tất nhiên sự nghiệp hội họa của chúng tôi kể như gãy gánh giữa đường.
Nhưng về phía những anh em từng có giấc mơ đưa nền nghệ thuật Việt Nam tách khỏi ảnh hưởng Tây Phương và các nền mỹ thuật ngoại bang khác như đã từng tuyên (lộng) ngôn như trên, họ cũng đã vỡ mộng. Sau một thời gian đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, giấc mơ ấy đã lộ nguyên hình là cái bánh vẽ, nếu không thì cũng là chiêu bài dùng đánh lừa những kẻ thơ ngây luôn mang nặng mặc cảm nhược tiểu. Có lẽ vì thế mà một số anh em như Hồ Thành Đức, Rừng, Đinh Cường, Nguyên Khai, Hoàng Ngọc Biên đã không còn có thể tiếp tục chấp nhận việc làm nghệ thuật dưới sự chỉ đạo của nhà cầm quyền nên đã lần lượt bỏ lại tổ quốc độc lâp-thống nhất-xã hội chủ nghĩa để tìm một đời sống mới trên những đất nước tư bản Âu-Mỹ mà một thời từng là kẻ không được họ ưa chuộng, chỉ không quá mười năm sau 1975 bằng con đường vượt biển (Nguyên Khai), đoàn tụ (Đinh Cường, Nghiêu Đề, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đồng), bảo lãnh chữa bệnh (Bé Ký-Hồ Thành Đức) và kể cả diện HO (Rừng).
Mặt khác, ngoài một ít thành tựu sáng tạo hiện đại đã đạt được, có lẽ nhờ vào thực chất không chống cộng của hội họa Sài Gòn hoặc nhờ có mảng tranh mang tinh thần “đấu tranh” của số anh em khuynh hướng thiên tả, hoặc do hội họa là tiếng nói không thuộc đám đông, nên người cộng sản sau khi nắm quyền cai trị toàn bộ đất nước đã đối xử khá tốt đẹp với họa sĩ Sài Gòn so với các thành phần văn nghệ khác, trong đó thê thảm nhất là giới văn chương.
Phan Nhiên Hạo: Cảm ơn họa sĩ Trịnh Cung.
Phan Nhiên Hạo
(phỏng vấn thực hiện qua email, tháng 7 và 8. 2009)