Từ ngày 6 đến 18 tháng 12 năm 2009 tới đây, 170 nguyên thủ quốc gia toàn cầu sẽ nhóm họp tại Copenhagen để bàn về sự thay đổi thời tiết hay hiện tượng hâm nóng toàn cầu sau khi Nghị định thư Kyoto sẽ hết giá trị vào năm 2012. Hội nghị có tên chính thức là United Nation: Framework Convention on Climate Change (UNFCCC). Đây còn gọi là Đại hội thứ 15 tiếp nối Đại hội 14 diễn ra tại Bali vào năm 2007 (xin tìm đọc thêm trên maithanhtruyet.blogspot.com). Văn phòng thường trực của Đại hội LHQ về khí hậu nầy đặt tại Bonn, Đức.
Mục tiêu của đại hội kỳ nầy là chính phủ Đan Mạch và các quốc gia tham dự muốn đạt được một sự đồng thuận để thiết lập Nghị định thư Copenhagen cho 10 năm tới. Đại hội sẽ diễn ra tại Bella Center gần phi trường Copenhagen, Kastrup. Đây là một trung tâm được gọi là “thân thiện với khí hậu” vì điện năng cung cấp cho khu Bella là một nguồn điện năng không tạo ô nhiễm.Tham dự viên ngoài các nguyên thử quốc gia, còn có nhiều phái đoàn NGO, và truyền thông báo chí; dự tính sẽ có mặt khoảng 8000 tham dự viên. Chủ tọa, tổ chức và điều khiển Đại hội do Connie Hedegaard, nữ Bộ trường về Khí hậu và Năng lượng cùng Thủ tướng Lars Lokke Rasmussen.
Hôm nay chỉ cón dưới 50 ngày nữa là Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu bắt đầu. Chúng ta chờ đợi kết quả gì sau khi đại hội? Mục tiêu đề ra có thể được các quốc gia thành viên đồng thuận hay không? Và Đại hội có đi đến một quyết định rõ ràng và cụ thể áp dụng cho từng quốc gia hay không?
Phần phân tích và nhận định dưới đây sẽ chia sẻ những quan điểm cá nhân của người viết.
Nhận định chung
Từ khi Nghị định thư Kyoto năm 1997 biến thành luật vào đầu năm 2005, quyết định các quốc gia thành viên phải giảm định mức khí carbonic phát thải vào năm 2012 ngang với tổng lượng khí phát thải của mỗi nước ở năm 1990.
Cho đến hiện tại (2009), chỉ có một vài quốc gia thi hành luật Kyoto trên, và tuyệt đại đa số có lượng phát thải cao hơn định mức quy định vào năm 1990. Hoa Kỳ không ký vào nghị quyết nầy, cho đó là không công bằng vì Trung Cộng, Ấn Độ, và Ba Tây là ba thành viên được miễn trừ vì được xếp vào danh sách các quốc gia đang phát triển. Nhưng từ năm 2007, khối lượng khí carbonic phát thải của Trung Cộng đã vượt qua Hoa Kỳ và chiếm vị trí số 1 với 6,6 tỷ tấn và 6,3 (năm 2008) và với 6,0 tỷ tấn và 6,2 (2007).
Sau đây là số thống kế từng vùng và danh sách 10 quốc gia đứng đầu trong việc phát thải khí CO2 năm 2007: Bắc Mỹ, 7.050 triệu tấn, Trung và Nam Mỹ, 1.193 triệu tấn, Âu châu, 4.690 triệu tấn, Đông Âu tính luôn cả Nga Sô, 2.609 triệu tấn, Trung Đông, 1.569 triệu tấn, Phi châu. 1.090 triệu tấn, Á châu và Đại dương châu, 11.710 triệu tấn.
10 quốc gia chiếm hàng đầu là:
- Trung Cộng, 6.284 triệu tấn, tăng 7,0% so với năm 1990;
- Hoa Kỳ 6.006 triệu tấn, tăng 19,3%;
- Nga, 1.673 triệu tấn, giảm 0.4%;
- Ấn Độ, 1.400 triệu tấn, tăng 8,7%;
- Nhật Bản, 1.262 triệu tấn, tăng 0,7%;
- Đức quốc, 835 triệu tấn, giảm 2,2%;
- Canada, 590 triệu tấn, tăng 24,3%;
- Anh quốc, 564 triệu tấn, giảm 3,8%;
- Nam Hàn, 516 triệu tấn,tăng 6,1%;
- Và Iran, 490 triệu tấn, tăng 3,0%.
Diễn dịch từ những con số
Anh và Đức là hai quốc gia tuân thủ Luật Kyoto nghiêm ngặt nhứt và đã áp dụng rất nhiều biện pháp chế tài đối với các công ty vi phạm cũng như thay đổi não trạng bằng cách áp dụng nguồn năng lượng thân thiện với môi trường. Trong lúc đó, Nga Sô cũng giảm nhưng không phải vì tuân thủ luật lệ, mà chính vì do sự thoái trào của phát triển sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ và Liên Sô bị chia cắt thành nhiều quốc gia khác nhau. Cả kỹ nghệ chiến tranh lạnh của Liên Sô bị chia thành manh múng và kỹ nghệ hàng tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng…
Từ những số liệu của 10 quốc gia trên, chúng ta thấy dù hoa Kỳ đứng hàng thứ hai nhưng thực sụ nếu so sánh về thành phẩm đóng góp cho thế giới, HK đã biến số lượng khí phát thải để đóng góp 25% thành phẩm cho nhân loại, còn TC chỉ đóng góp khoảng 15% mà thôi.
Và nếu so sánh hai quốc gia Nam Hàn và Iran, thiết nghĩ Iran đã đóng góp gì cho thế giới ngoài việc tạo ra một điểm nóng cho nhân loại với chương trình chế tạo hạch nhân so với kỹ nghệ xe hơi, đóng tàu, và nhiều sản phẩm góp phần với việc tạo dựng phúc lợi cho con người trên thế giới của Nam Hàn.
Từ đó, thiết nghĩ, muốn lượng giá mức ô nhiễm không khí, nguyên nhân của sự hâm nóng toàn cầu của từng quốc gia, số lượng khí carbonic phát thải chưa thể hiện toàn cảnh của vấn đề, chúng ta cần phải có một tầm nhìn tổng thể, nghĩa là cần phải thêm vào yếu tố thành phẩm và nguồn vốn cần thiết để tạo ra sản phẩm cùng số lượng phát thải khí CO2.
Đối với các quốc gia đã phát triển, trung bình với 3 Mỹ kim đầu tư có thể tạo ra 1 Mỹ kim thành phẩm. Còn đối với các nước đang phát triển, muốn có 1 Mỹ kim thành phẩm, cần phải có 5 hay 6 thậm chi 7 Mỹ kim như ở Việt Nam. Điều nầy nói lên, thứ nhứt, sự phát triển không có hiệu quả kinh tế vì nhiều yếu tố như công nghệ củ kỹ, lạc hậu, thiếu kế hoạch và trầm trọng nhứt là nạn tham những trong các chương trình hay dự án đầu tư. Từ đó số lượng khí CO2 phát thải chắc chắn phải nhiều hơn gấp bội so với cùng một số vốn đầu tư và lượng thành phẩm sản xuất.
Nhìn hai số liệu so sánh giữa Hoa Kỳ và TC, chúng ta thấy rỏ ràng là sự phát triển của TC hoàn toàn không ứng hợp với chiều hướng toàn cầu hóa cũng như đi ngược với Nghi trình-21 của Liên hiệp quốc, nghĩa là phát triển kinh tế quốc đồng nghĩa với việc bảo vệ môi trường và gia tăng phúc lợi cho người dân. Trung Cộng đã chẳng những không bảo vệ môi trường nội địa, người dân Trung hoa vùng nông thôn ngày hôm nay sống trong một môi trường ô nhiễm không khí và nguồn nước sinh hoạt, làm sao có thể đóng góp tích cực vào Hội nghị Copenhagen được? Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, nếu muốn giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường do phát triển của TC, cần phải tiêu tốn ít nhứt 7% ngân sách quốc gia để có thể hạn chế và xử lý ô nhiễm môi trường trên.
Về phương diện môi trường, hiện tại, trên 600 thành phố lớc của TC, có 400 thành phố không cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân, trong đó 110 thành phố đang trong tình trạng nguy kịch. Trước năm 1997, năm khởi đầu cho công cuộc phát triển, tòan nước Trung Hoa có 896 hồ thiên nhiên góp phần vào việc cung cấp nước cho người dân, hiện tại chỉ còn 80 hồ còn chứa nước nhưng cũng đang ở trong tình trạng cạn kiệt. Sông Hoàng Hà không còn khả năng chảy ra biển nữa, do đó, phải chuyển nước từ sông Dương Tử lên. Và lượng nước của sông Dương Tử lại do các đập nước xây dựng trên sông Cửu Long cung cấp! Về phương diện ô nhiễm không khí, khí thải từ các nhà máy ở Vân Nam cũng đã bay sang tận Seattle của Hoa Kỳ…
Về phương diện kinh tế, mặc dù TC phát thải nhiều khí carbonic hơn Hoa Kỳ, nhưng nếu xét mức phát triển của TC qua lăng kính tiêu xài của người dân giữa hai nước, chúng ta tự thấy số lượng khí CO2 phát thải của TC không tương xứng với mức tiêu xài của người dân. Năm 2007, người dân Hoa Kỳ tiêu thụ 12 ức Mỹ kim tức 12 ngàn tỷ, trong lúc đó người Trung Hoa chỉ tiêu thụ 1.7 ức và có dân số đông hơn 4 lần dân số Mỹ, tức mức tiêu thụ của TC chỉ bằng 1/30 so với người dân Hoa Kỳ.
Tóm lại, chúng ta cần phải thẩm định rốt ráo trong việc duyệt xét trách nhiệm của từng quốc gia liên quan đến sự hâm nóng toàn cầu, hay lượng khí carbonic phát thải. Lượng khí nầy cần phải được điều chỉnh trên 3 yếu tố; đó là năng suất tạo thành phẩm, lợi nhuận của thành phẩm, và sau cùng công nghệ “sạch” áp dụng cho việc sản xuất thành phẩm. Tử đó, mới có được cái nhìn chính xác và phần trách nhiệm của mỗi quốc gia trong việc phát thải khí CO2.
Qua các nhận định nêu trên, TC sẽ không có một dự phóng nào nghiêm chỉnh trong chương trình bảo vệ sự hâm nóng toàn cầu của thế giới qua hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 12 nầy, dù Hồ Cẩm Đào và Obama vừa hứa lẫn nhau là sẽ làm nhiều điều tích cực hơn cho Hội nghị sắp tới.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không giải quyết vần đề?
Từ khi Nghị định thư Kyoto ra đời, có rất nhiều dự kiến của các nhà khoa học nói lên hậu quả của sự hâm nóng toàn cầu trong nhiều chục năm sắp đến. Dĩ nhiên là cũng có nhiều ý kiến có tích cách đối nghịch nhau, nhưng tựu trung, những hậu quả sau đây đã được hầu như tất cả đồng thuận. Hiện tượng, mưa, bão, lũ lụt, sóng thần…sẽ xảy ra thường xuyên hơn tùy theo vùng địa dư trên thế giới. Những sự kiện trên không còn thể hiện có tính cách chu kỳ như trước kia nữa, cũng như những tiên liệu về việc gì sẽ xảy ra trong những thập niên sắp đến sẽ rất khó khăn vì tất cả còn tùy thuộc vào chính sách phát triển quốc gia của từng xứ, và cung cách tuân thủ những lề luật quy định do quyết định chung của Thượng đỉnh.
Những hiện tượng căn bản sẽ xảy ra là:
- Hạn hán và ngập lụt: Khi thời tiết nóng dần, hiện tượng bốc hơi ở biển và đất liền tăng lên. Từ đó sẽ tạo ra hạn hán ở một số vùng và bão lụt ở một số nơi khác;
- Lượng tuyết và băng hà giảm: Bắc cực và Nam cực ngày càng bị tan dần, diện tích băng giá ở hai nơi nầy bị thu hẹp lại. Tuyết ít rơi hơn, do đó, lượng tuyết tan trên núi sẽ ít hơn và lượng tuyết nầy là nguồn cung cấp nước cho sông hồ…Theo ước đoán, 1/6 dân chúng trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nầy và sẽ bị thiếu nguồn nước sinh hoạt;
- Điều kiện thời tiết khắt nghiệt xảy ra thường xuyên hơn, và đây là nguyên nhân của những trận mưa rào bất thường, hay những luồng khí nóng, hoặc sóng thần xảy ra thình lình, nằm ngoài dự đoán của những nhà khí tượng…
- Mực nước biển tăng lên tùy thuộc vào hai nguyên nhân: các tảng băng và tuyết trên núi tan nhanh và hiện tượng nước biển nóng lên. Hiện tượng sau nầy phải cần thởi gian lâu dài. Cũng theo ước tính, nếu nước biển tăng lên 2oC (Celcius), mực nước biển có thể tăng cao lên 1 mét.
Thế giới phải làm gì ngay từ bây giờ?
Keith Allott, điều hành chương trình thay đổi khí hậu của World Water Foundation – UK tuyên bố; “Các công nghệ sạch cần phải được khai triển càng sớm càng tốt, ngay từ bây giờ (2009). Nếu chúng ta đợi cho đến năm 2014 để bắt đầy đẩy mạnh chương trình công nghệ sạch, chúng ta sẽ trể hạn trong việc bảo đảm chương trình hạn chế khí CO2 phát thải như đã dự định.” Ông còn nhấn mạnh: “chúng ta phải chuyển đổi toàn thể công nghệ sạch ngay từ bây giờ trước khi bắt đầu thượng đỉnh ở Copenhagen tháng 12 tới đây (để đạt được mục tiêu cho năm 2014)”.
Lời công bố trên chính là lời kêu gọi cho toàn cầu cần phải đẩy mạnh việc chuyển đổi công nghệ sạch và chuyển giao các công nghệ đó đến các quốc gia đang phát triển và đang phát thải nhiều khí carbonic như TC và Ấn Độ.
Việc chuyển đổi công nghệ sạch có thể làm chậm lại tiến trình phát triển quốc gia, nhưng chính nhờ đó, mỗi quốc gia mới có cơ hội điều chỉnh lại chính sách phát triển quốc gia thay vì chạy đua theo mợi nhuận và phát triển ồ ạt, tạo ra nhiều nguy cơ có thể làm tăng sự cạnh tranh bất cân xứng và tạo ra bất ổn hay khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Các công nghệ cần phải khai triển ngay từ bây giờ là truy tìm các nguồn năng lượng thay thế than đá và dầu hỏa như: năng lượng gió, năng lượng sinh khí (biomass), năng lượng mặt trời, năng lượng từ cây có dầu, công nghệ biến than than khí trước khi biến thành điện năng, hạn chế việc phá rừng, nguồn hấp thụ CO2 lớn nhứt thế giới, và tạo dựng ra các công nghệ sản xuất tiêu thụ nguồn năng lượng tối ưu. (xin đọc thêm các bài viết trên maithanhtruyet.blogspot.com).
Một số khoa học gia khác đề nghị liệc đẩy mạnh năng lượng hạch nhân đã bị ngưng phát triển hơn 30 năm qua vì vấn nạn phế thải nguyên tử hiện chưa có giải pháp ổn thỏa trong việc xử lý. Nhưng mối nguy cơ nầy vẫn còn thấp so với nguy cơ xử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch làm nguồn năng lượng. Dự kiến các quốc gia trên ở Á châu, Châu Mỹ La tinh, và Phi châu sẽ cần đến 2050 nhà máy phát điện nguyên tử cho chương trình phát triển cho đến năm 2020 tới đây.
Tiền Hội nghị
Có hai hội nghị “tiền” Thượng đỉnh Copenhagen. Hội nghị nhóm họp tại Bangkok, Thái Lan từ 28/9 đến 9/10, quy tụ hầu hết các quốc gia thuộc khối Asean, trong đó có bàn về vấn đề phá rừng, nhưng vẫn không đi đến kết luận nào cả. Hội nghị thứ hai, có tên United Nations Climate Change Negociations, Barcelona (Thương thảo về Thay đổi Khí hậu) diễn ra tại Barcelona, Tây Ban Nha từ ngày 2 đến 6 tháng 11, 2009. Hội nghị sau quy tụ hơn 181 đại diện các quốc gia và nhiều NGO về khí hậu trên thế giới và có hơn 4000 tham dự viên, nhằm mục tiêu chuẩn bị và hỗ trợ cho Thượng đỉnh Copenhagen.
Các tiết mục bàn thảo trong 5 ngày hội nghị là:
- Chia sẻ viễn kiến ngõ hầu tạo ra phương thức hành động lâu dài giữa các quốc gia trên thế giới;
- Thực thi nghiêm chỉnh các quyết định trong giới hạn quốc gia và quốc tế để giảm thiểu việc thay đổi khí hầu toàn cầu;
- Thực thi việc chuyển tải công nghệ để hổ trợ các quốc gia đang phát triển trong việc thực hành quyết định chung;
- Sau cùng, vần đề hổ trợ tài chánh cho các quốc gia trên.
Trong buổi lễ khai mạc, Yvo de Boer nhấn mạnh:” Các quốc gia kỹ nghệ cần phải giảm thiểu (việc phát thải CO2) cho đến năm 2020, từ 25% đến 40% so với mức phát thải 1990 cho mỗi quốc gia, và ít nhất 50% cho đến năm 2050”. Còn đối với các quốc gia đang phát triển, ông tiếp lời“…cần phải ý thức và điều chỉnh việc phá rừng nhiệt đới ngõ hầu giảm thiểu một phần nào việc thay đổi khí hậu toàn cầu…”.
Kết luận
Qua hai tiền Đại hội chuẩn bị cho Thượng đỉnh, Đại hội về khí hậu tại Copenhagen kỳ nầy tạo ra một số hy vọng trong việc thành hình một quy luật chung cho mỗi quốc gia trên thế giới. Đan Mạch là một trong số quốc gia hiếm hoi đã có kế hoạch chi tiết về việc phát triển năng lượng quốc gia ngay sau khi cuộc khủng hoảng năng lượng vào thập niên 70 ở thế kỷ 20. Năng lượng gió cùng những việc hạn chế việc tiêu xài năng lượng phung phí như thiết lập luật định xây cất nhà cửa với hệ thống “điều hòa nhiệt” (insolation) v.v…đã giúp quốc gia nầy hạn chế được sự phát thải cân đối với mức phát triển quốc gia.
Trong Đại hội sắp tới đây, Đan Mạch đã chuẩn bị khá kỷ lưỡng để, thứ nhứt tránh những nguồn thảo luận hàm chứa quá nhiều chính trị, không mang lại sự đồng thuận nào trong những cuộc họp thượng đỉnh trong quá khứ như ở Greenland năm 2005, ở Nam Phi (South Africa) năm 2006, Thụy Điển năm 2007, và Argentina năm 2008.
Qua những kinh nghiệm trên, lần nầy, Đan Mạch cố gắng gởi các quan sát viên tiếp xúc các quốc gia và tham khảo trước, chương trình giảm thiểu sự hâm nóng toàn cầu ổ nhiều quốc gia trên thế giới, nhằm thu thập tài liệu cho các quốc gia thành viên khi đến nhóm họp và tránh những thảo luận gay gắt về chính trị, một yếu tố gây nhiều tranh cãi và thường mang lại đổ vỡ hơn là đồng thuận.
Hy vọng với hai hướng suy nghĩ tích cực trên, Thượng đỉnh về Khí hậu lần nầy ở Copenhagen sẽ mang lại nhiều đồng thuận và các quốc gia trên thế giới có thể có cơ hội ngồi gần lại với nhau để cùng nhau giải quyết mối nguy cơ chung cho toàn cầu.
Nhưng niềm hy vọng nầy thiết nghĩ sẽ khó thực hiện được, vì TC, với một não trạng giáo điều của tư tưởng Đại Hán sẽ khó tuân thủ những quy luật mà Thượng đỉnh đề ra trong những ngày đại hội. Chúng ta hãy chờ xem vào tháng 12 năm 2009 nầy.
Mai Thanh Truyết
West Covina 11/05/2009