Hà Nội với tôi không… già thế, không xa đến nỗi nghìn năm. Hà Nội trong tôi không thiêng liêng, cũng chả lớn lao vĩ đại, ầm ĩ ồn ào như cái không khí mà người ta đang diễn. Trong tôi, Hà Nội nhỏ bé, khiêm nhường, giản đơn như làn gió nhẹ thoảng qua lúc chuyển mùa khiến giật mình se lạnh. Nó thoảng lướt như viên sỏi ai đó vung tay ném vèo như cá đớp mặt hồ. Hà Nội của tôi không ì ầm, rộn rã. Nó nhẹ nhỏ và thanh tao như tiếng tàu điện khẽ leng keng, như vốc hoa sữa nồng thơm gió rụng tay người. Là cái túi cói khoác vai bị rạch trộm hết gần trăm bánh khoai sọ dì gói cho gửi vào Nam biếu mẹ. Là mấy giỏ cá giãy đành đạch nơi góc chợ Đồng Xuân dì khòng lưng mấy chục năm trong mùi tanh nồng thấm cả mấy xấp tiền thi thoảng nhét túi cho tôi đi học.
Hà Nội của tôi phố không cao. Chỉ với tay đẩy toang cánh cửa đã thấy làng. Là nơi tôi sinh ra. Là một quãng thời của những đứa trẻ con dáng hình đen nhẻm, kẽo kẹt gánh sọt gắp phân trâu, oằn lưng vác dậm sục oàm oạp bắn vung bọt nước trên những cánh đồng quê. Là một lũ trẻ cởi truồng tồng ngồng lao tõm xuống sông những buổi trưa hè, nghịch phá như nát đất vỡ trời. Là những cọng cỏ tranh nhai ngọt thanh như mía. Là những bức ký họa mây trời nguệch ngoạc trên những tấm thân trâu lấm lem bùn đất.
Hà Nội của tôi mỗi ngày mỗi khác, mỗi một giàu lên, cao lên. Nhưng trong tôi vẫn là một Hà Nội của những năm tháng nghèo khó. Những buổi sáng sương rơi nhòe phố, thức dậy xếp hàng đặt gạch chờ mua giúp mẹ mấy lạng đường. Là những bánh lương khô tiêu chuẩn của ba làm quà cho mấy mẹ con mỗi lần cưỡi xe Giải Phóng, lưng giắt súng lục về phép thăm nhà.
Tôi không sinh giữa phố. Nơi tôi sinh ra: Hà Nội… làng! Có lẽ thế nên Hà Nội làng trong tôi nhiều hơn Hà Nội phố. Tôi thích, nhớ và thương một Hà Nội tĩnh lặng, thanh thoát, chứ không phải một Hà Nội ầm ào nhốn nháo như vỡ trời lở đất.
Hà Nội của tôi khác quá. Cả cái tính nết người Hà Nội giờ cũng khác. Cách ăn nói cũng khác. Khác đến mức nghe đứa nào… đêu đểu và điêu ngoa, tôi hay đùa “mày hơi bị… Tràng An”.
Khen đẹp, giờ Hà Nội không gọi đẹp lắm, đẹp tuyệt mà là “đẹp dã man”. Ông Hoàng Ngọc Hiến có cách viết rất hay khi vẽ tính cách người Hà Nội: “Nói về ưu điểm của mình, người Hà Nội nói là “hơi bị” ưu điểm. Người Hà Nội không nói: “Tôi nhảy giỏi” mà lại nói “Tôi nhảy hơi bị giỏi”. Người Hà Nội không nói: “Tôi giỏi tiếng Anh” mà lại nói: “Tôi hơi bị giỏi tiếng Anh”. Người Hà Nội không nói “Đôi giầy của tôi là giày xịn” mà nói: “Đôi giầy của tôi hơi bị xịn”… Đã “hơi” lại còn “bị”, quả là hai lần khiêm tốn. Nói về ưu điểm của mình mà lại “hơi bị”, dường như có sắc thái hóm hỉnh, tự trào – “Tôi hơi bị nhảy cảm”, “Tôi tiếp thu hơi bị nhanh”, “Trí nhớ tôi hơi bị tốt”, “Tôi hơi bị khỏe”… Với cách diễn đạt này, cả Hà Nội đang trở nên khiêm tốn, mà cũng không hẳn là khiêm tốn”.
Ông Hiến cho rằng đó cũng là một biểu hiện của cái vẫn được gọi là “tài hoa” của dân Hà thành.
Khiêm tốn, mà cũng không hẳn khiêm tốn, tài hoa mà cũng chưa hẳn tài hoa. Trong cái khiêm và tài hoa đó lẫn cả sự… điêu ngoa. Người Hà Nội khôn, biết dùng câu nói làm quà, biết chế ngự cảm xúc, dấu được suy nghĩ trong đầu. Còn sự không thật thà, chất đểu và thậm chí cả sự điêu ngoa thì thăng hoa thành… văn hóa!
Chất điêu ngoa thăng hoa thành tính cách. Có thể vì thế mà sự giả vờ, thói quen nói khác, sự đãi đằng đã trở thành một tính nét văn hóa rất… Tràng An! Khắp Bắc Trung Nam, chỉ mỗi Hà Nội gọi ăn sáng là ăn quà. Và cũng chẳng thấy nơi đâu khái niệm câu nói làm quà nhìn rõ đến mức cầm nắm được như người Hà Nội.
Ấy vậy mà lại thích. Tóc bạc trên đầu rồi, nhưng nghe dì bảo sáng nay dẫn đi ăn quà- vẫn sướng hơn là đi ăn sáng.
Chẳng biết có phải dấu hiệu… tuổi già? Nhưng dần dà, những thoáng chợt giật mình nhớ tuổi thơ cứ hiển hiện dày hơn, rõ và khao khát hơn. Cứ khó chịu trước những đổi thay và mơ về thói quen xưa cũ. Cứ thẫn thờ khi ngoài phố vạn vạn người đang chen ùn nhau hò reo mừng đại lễ.
Ừ, nhớ thật. Một cảm giác nhớ như cầm nắm được. Cứ chợt ập đến thật gần. Ngồi giữa phố mà hồn vía về quê. Da diết một quãng thời…
Đấy là Hà Nội của tôi. Những thoáng nét Hà Nội thoảng nhẹ nhưng lắng đọng nhiều chiều khác, rất khác! Hà Nội của tôi, Hà Nội trong tôi thoảng lắng khiêm nhường, thanh tao vậy chứ không quá linh thiêng, hào hoa và vĩ đại. Mà có chăng thì cái sự linh thiêng ấy cũng không vống lên theo kiểu… đại lễ nghìn năm!
Trương Duy Nhất
(Viết trong ngày khai lễ… đại nghìn năm)