Một người bạn tôi ở Sài Gòn có thói quen quan sát cuộc đời mới viết mấy dòng miêu tả: “Trong cái nền kinh tế man rợ này, ta bà thế giới chia rõ rệt thành hai lớp”.
Một là những đứa chạy ăn từng tháng (có đồng chí khá đông là những đứa chạy ăn từng ngày nữa); lớp kia là bọn giàu, con cái ngồi xe Ferrari, Porche,… xài tiền đô, gọi nhau bằng điện thoại nạm kim cương, hẹn nhau bất kể ở nơi nào nhưng chỉ vài ba giờ sau là gặp mặt uống rượu, chơi thuốc. Chuyện ở huyện này ai cũng biết.”
Có thể biết ngay những người mới được đăng hình trong blog Nguyễn Xuân Diện thuộc cõi nào trong thế giới ta bà này. Ðó là hình những phụ nữ nông dân mặc áo cánh, có cụ bà tay chống gậy, đang tụ tập trước cái cổng lớn bảng sơn đỏ đề: ÐẢNG ỦY HÐND ỦY BAN NHÂN DÂN – XÃ PHÚ TÚC. Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết họ là dân thôn Tư Sản, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội; đang chuẩn bị cuốc thuổng đòn gánh búa liềm để lên huyện để đòi người. Họ kể: “Sáng nay chị Nguyễn Thị Mây đi cấy ở thôn Cầu Bầu, thuộc huyện Ứng Hòa, lúc đó là 5 giờ 40 phút nó ập đến, chả đọc lệnh gì cả, nó bắt nghoéo tay, bịt mồm bắt đi luôn. Ðược tin chị Mây bị bắt, hàng trăm người dân thôn Tư Sản đã tập trung về Ủy Bân Nhân Dân xã Phú Túc để làm rõ nguyên nhân bắt, và đòi thả người.”
Chuyện càng hào hứng hơn nữa là “Công an và chính quyền xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, nơi xẩy ra vụ bắt cóc) đã xác nhận sự việc bắt cóc của bà Nguyễn Thị Mây; họ cũng đi tới trụ sở xã Phú Túc cùng bà con Tư Sản đòi thả người… Ðã về chiều, người dân mang nước, bánh mì và đồ ăn ra tiếp tế. Dự kiến hàng trăm người dân sẽ ngủ lại đêm nay tại cửa UBND xã Phú Túc.” Như vậy tức là có cảnh chính quyền và công an ở một xã này đi biểu tình đến xã khác, Phú Túc, đòi thả người của chính xã đó bị những kẻ vô danh khóa ngoéo tay, bịt mồm, bắt cóc trong lúc đang đi cấy.
Không biết câu chuyện sẽ đi tới đâu. Nhưng trên thế giới bây giờ chắc chỉ tại một nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa hỗn độn lung tùng xoèng mới có cảnh tượng ấy. Những nông dân thuộc cõi ta bà chạy ăn từng bữa sống không yên. Bởi vì phải chạy ăn từng bữa cho nên mỗi miếng cơm đều rất quý. Vì miếng cơm hiếm và quý cho nên phải giành giật. Vì giành giật cho nên mới có cảnh rình rập nhau từ lúc 5, 6 giờ sáng, khóa tay, bịt miệng, bắt cóc đem đi. Tội nghiệp cho đám chúng sinh. Tội nghiệp cho các đồng bào khốn khổ; cả chị Mây bị bắt cóc lẫn những người bắt cóc chị đều tội nghiệp. Phải chi người ta không phải giành nhau từng miếng cơm, từng mảnh ruộng thì đâu đến nỗi đối xử với nhau như thế!
Chỉ còn một niềm an ủi, là trong cõi ta bà xã hội chủ nghĩa đó, cũng có những người không phải lo giành giật từng miếng cơm như vậy. Ðó là những đồng bào may mắn của chúng ta “con cái ngồi Ferrari, Porche,… xài tiền đô, gọi nhau bằng điện thoại nạm kim cương…”
Một người thuộc cõi ta bà thứ hai là ông Tô Huy Rứa, ủy viên Bộ Chính Trị, trưởng ban Tổ Chức Trung Ương. Ngày Thứ Bẩy vừa qua, được tin mừng ái nữ của ông, cô Tô Linh Hương mới được bầu làm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Công ty Cổ phần Ðầu tư Xây dựng Vinaconex- PVC. Tuổi trẻ, tài cao, cô Linh Hương mới sinh năm 1988. Cô Hương đã đậu cử nhân tại Học Viện Báo Chí và Tuyên Truyền, chuyên về ngành ngoại giao quốc tế. Luận văn ra trường của cô mang đề tài: “Thông tin đối ngoại trong đấu tranh diễn biến hòa bình ở Việt Nam hiện nay.” Nghe thì thấy lập trường rất tốt, nhưng có vẻ không liên hệ gì với công việc đầu tư hay là xây cất cả. Mới 23, 24 tuổi, cô sẽ lên lãnh đạo một công ty chuyên về đầu tư xây dựng với 2,000 nhân viên, do hai tổng công ty nhà nước, Vinaconex và PVC, gom lại làm một mà thành. Mấy doanh nghiệp nhà nuớc này các quan muốn gom lại, muốn tách ra lúc nào làm chẳng được? Ngày nhậm chức cô Hương đã đi ngay tới thị sát một công trường đang xây cất, sắt với xi măng đầy khắp nơi. Và cô đi đôi giầy cao gót mầu hồng, mặc áo đầm cũng mầu hồng, chỉ cái đầu được cái mũ an toàn (bảo hiểm) che chở nên không biết mầu gì. Như vậy có phải ở đời ai cũng có số hay không?
Một người có số tốt hơn nữa là cô Nguyễn Thanh Phượng, con gái ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng chính phủ, đại biểu Quốc Hội của dân Tiên Lãng, Hải Phòng, nơi có ông Ðoàn Văn Vươn còn đang bị giam. Cô Phượng đang làm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của bốn công ty; trong đó có Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank). Câu chuyện cô Phượng đã mua cổ phần chiếm đa số để nhảy từ ngân hàng này sang công ty đầu tư khác, kết hợp cái nọ với cái kia, đọc có thể chóng mặt như coi người làm xiệc đu dây. Thoắt mua về, thoắt bán đi, rồi “ghế trên ngồi tót sỗ sàng,” nếu không phải con quan tể tướng ai mà làm được? Ở lứa tuổi 32 mà đã lên cao như vậy, chắc chắn đây là một người thuộc một cõi khác, đám chúng sinh lớp chạy ăn từng ngày trong mơ cũng không tưởng tượng được. Hai người anh, em trai của cô Phượng không lo về tiền bạc nhưng thênh thang hoạn lộ. Nguyễn Thanh Nghị, 36 tuổi, được bầu làm ủy viên Trung Ương Ðảng dự khuyết rồi được cha bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Xây Dựng. Em là Nguyễn Minh Triết, 24 tuổi thì được bố trí vào lãnh đạo Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản. Con cái những lãnh tụ cao cấp khác của đảng đều được “cơ cấu;” như Nông Quốc Tuấn, con trai ông Nông Ðức Mạnh đã nhanh chóng làm phó bí thư, rồi thăng lên bí thư Tỉnh Ủy Bắc Giang, vào Trung Ương Ðảng ngay lập tức.
Nghĩ cho cùng thì cũng tội nghiệp cho các bạn trẻ đang lên nhanh như diều gặp gió này. Họ có thể cũng đầy đủ tài năng và nghị lực, đủ sức gánh vác những việc lớn. Nhưng không ai trông thấy họ phải thi thố tài năng bao giờ. Họ không cần cạnh tranh với hàng ngàn, hàng vạn người khác trước khi bước lên những bậc thanh cao nhất trong xã hội, như ở các xã hội bình thường. Cuối cùng, người ta vẫn chỉ thấy họ là một đám con cháu bám vào địa vị của cha chú để leo lên. Không khác gì những “cậu ấm cô chiêu” con cái những lãnh tụ cộng sản Trung Quốc; hay là cậu Kim Chính Ủn ở Bắc Hàn.
Nếu được sống trong một xã hội dân chủ tự do, mọi người phải cạnh tranh gay gắt mới có thể làm giầu, làm quan to, thì biết đâu chính các cô cậu trên đây cũng có khả năng đạt được những địa vị cao sang, trong trường kinh doanh, hay là trong chính trị, hoàn toàn do sức của mình. Nhưng phải sống trong một chế độ độc tài đảng trị, ngay cả những người có khả năng cũng không có cơ hội thi thố tài năng. Vì không bị thử thách thì làm sao trổ tài?
Những người đang bị thử thách nhất hiện nay ở nước Việt Nam là những người dám lên tiếng đòi cho dân Việt Nam được sống trong tự do dân chủ. Họ đang “đầu tư” cả vốn liếng, gia sản, cả khả năng trí tuệ và chí khí nghị lực, dồn hết vào cuộc vận động dân chủ. Thí dụ như nhà báo tự do Ðiếu Cầy. Ông đã đem cả cuộc đời mình “đánh cá.” Hoặc là đồng bào mình được tự do, chính quyền mình không run sợ trước đế quốc xâm lấn; hoặc là mình bị đầy ải, tù tội. Cái tên Ðiếu Cầy đã vào lịch sử tranh đấu cho quyền tự do phát biểu của thế giới; đó là niềm an ủi. Ủy ban quốc tế bảo vệ người ký giả vừa mới nhắc đến tên Ðiếu Cầy khi vạch mặt chỉ tên 12 chính quyền trên thế giới đang đàn áp người làm báo. Ngày 3 Tháng Năm sắp tới là Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới. Tòa Bạch Ốc ở Mỹ có sáng kiến làm một mạng, website mới. Mạng HumanRights.gov mỗi ngày tường thuật cuộc tranh đấu của một người đáng vinh danh, cho đến ngày 3 Tháng Năm mới đủ danh sách.
Nhân vật đầu tiên được nêu danh trong đó là nhà báo tự do Ðiếu Cầy. Nhật báo The New York Times đã viết một bài quan điểm, chỉ nêu danh hai nhà báo: Ðiếu Cầy và bà Natalya Radzina, người tranh đấu cho quyền làm người của dân xứ Belarus. Radzina cũng bị bắt bớ, đánh đập không khác gì Ðiếu Cầy. Bà may mắn chạy thoát sang nước Lithuania tị nạn, trong khi Ðiếu Cầy vẫn ở trong tù.
Những vinh dự này hoàn toàn không phải Ðiếu Cầy và cô Radzina có cha hay mẹ làm lớn. Cũng không được ai “cơ cấu” cho họ vào bảng vàng tranh đấu cho tự do để cả thế giới ngưỡng mộ. Hoàn toàn là do chí khí và khả năng của mỗi con người. Vinh dự đó sẽ còn mãi mãi. Ðến đời con, đời cháu vẫn chưa quên. Ít thấy người Việt Nam nào được leo vào trang Quan Ðiểm (editorial) của tờ New York Times.
Những người không dùng tới sức lực của mình mà vẫn leo lên cao trên các bậc thang xã hội sẽ có ngày ân hận. Khi một triều đình sụp đổ, tất cả những địa vị hay tài sản “ăn không” một cách dễ dàng sẽ tan biến. Nhưng tai tiếng thì sẽ còn mãi mãi. Vợ chồng Bạc Hy Lai đang suy ngẫm về cảnh biển xanh biến thành ruộng dâu đó.
Có chế độ nào tồn tại vĩnh viễn không bao giờ chấm dứt hay không? Vừa rồi, nghe tin cô Ngô Ðình Lệ Quyền bị tai nạn qua đời ở Roma, chúng ta thấy một chi tiết: Cô đang đi làm. Và cô đi xe gắn máy. Chứng tỏ cô sống khá thanh bạch. Không phải là một người giầu có, ngồi hưởng tiền bạc do cha mẹ đầu tư để lại.
Về chính trị nhiều người không đồng ý với ông bà Ngô Ðình Nhu khi họ còn sống. Nhưng thấy cảnh cô con gái út của họ bị tai nạn khi đang đi làm kiếm ăn hàng ngày như thế, thấy họ đáng kính trọng.
Ngô Nhân Dụng